
Việt Nam hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu
Tham dự sự kiện, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cùng với lãnh đạo, đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN.
Về phía các chuyên gia, nhà khoa học có ông Richard D. McClellan - Chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư; ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam; PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; PGS.,TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Fintech và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Đại Nam.
Về phía Thời báo Ngân hàng, có bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập; các Phó Tổng Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên tòa soạn.
Sự kiện có sự góp mặt của gần 100 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước; đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM)...
Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng: Không có mô hình IFC nào tốt nhất cho mọi quốc gia
![]() |
Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu khai mạc sự kiện |
Theo Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen, việc xây dựng IFC đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Thực hiện định hướng của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính - ngân hàng và cộng đồng chuyên gia đang cùng chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược cho IFC tại Việt Nam. Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế được xác định là lực lượng tiên phong, vừa tạo nền tảng ổn định, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái tài chính quốc gia.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN, Thời báo Ngân hàng luôn bám sát các hoạt động của ngành Ngân hàng, tổ chức các sự kiện, tọa đàm, hội thảo về các nội dung có liên quan, mang đến kênh thông tin chính thống cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách. Được sự đồng ý của Lãnh đạo NHNN, Thời báo Ngân hàng tổ chức sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính”. Sự kiện được tổ chức nhằm cụ thể hóa ba mục tiêu quan trọng: Trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng IFC, tập trung vào các chủ đề cốt lõi; làm rõ vai trò và sứ mệnh của hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam...
Tổng Biên tập Lê Thị Thúy Sen khẳng định, không có mô hình IFC nào tốt nhất cho mọi quốc gia. Vì thế, mỗi quốc gia sẽ có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của riêng mình. Tổng Biên tập Lê Thị Thúy Sen tin tưởng rằng, với sự góp mặt của gần 100 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước, sự kiện sẽ là nơi hội tụ của những góc nhìn đa chiều, kinh nghiệm quốc tế sâu sắc và nhiều sáng kiến trong xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Bà Lưu Ánh Nguyệt - Phó Trưởng Ban Phát triển thị trường và dịch vụ tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính: Xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới
![]() |
Bà Lưu Ánh Nguyệt - Phó Trưởng Ban Phát triển thị trường và dịch vụ tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tại sự kiện |
Việc thiết lập IFC là xây dựng một thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong việc cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…). Trung tâm này sẽ hoạt động dựa trên nền tảng pháp lý minh bạch, hạ tầng phát triển, môi trường chính trị ổn định.
IFC trong nước được phân loại bởi các tiêu chí như phạm vi hoạt động, vai trò, đối tượng sử dụng dịch vụ, mức độ mở cửa thị trường, mức độ quốc tế hóa, hạ tầng và dịch vụ tài chính, tác động đến nền kinh tế và rủi ro tiềm ẩn… Một số IFC có vị trí địa lý gần Việt Nam như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc)… Để tận dụng những lợi ích mà IFC mang lại, đòi hỏi phải có các quy định chuyên sâu và sự kết nối giữa trung tâm tài chính trong nước với IFC. Tại Việt Nam, định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh là trở thành IFC tầm cỡ toàn cầu, Đà Nẵng sẽ hướng đến vai trò là IFC ở mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau nhằm tránh sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai trung tâm trong cùng một quốc gia.
Theo bà Lưu Ánh Nguyệt, các yếu tố hình thành IFC có thể kể đến: Vị trí địa lý chiến lược; môi trường kinh doanh thuận lợi; hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin, giao thông. Bên cạnh đó là khung pháp lý rõ ràng, linh hoạt; sự ổn định chính trị - kinh tế. Có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hiện đang sở hữu nhiều yếu tố quan trọng để xây dựng IFC. Nếu muốn xây dựng IFC có khả năng cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực, Việt Nam cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế; nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng; phát triển thị trường tài chính; danh tiếng. Tuy nhiên, để xây dựng IFC, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức nhất định. Đơn cử như về hạ tầng và thể chế khi mức độ giao thông tại nước ta đang quá tải hoặc mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, còn thiếu các quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư. Cạnh tranh khu vực cũng ngày càng gay gắt khi các IFC khác đã có nền tảng mạnh và chính sách thu hút hấp dẫn. Ngoài ra, Việt Nam chưa tự do hóa tài chính đầy đủ, còn hạn chế về công nghệ và an ninh mạng…
Trước thực tế như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với mô hình bán cổ điển, gắn kết giữa giao thương, công nghệ, thị trường vốn và dịch vụ tài chính. Trong khi đó, Đà Nẵng phù hợp với mô hình thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do, dịch vụ tài chính xanh, quản lý rủi ro, ngoại hối.
Chia sẻ về các giải pháp xây dựng IFC tại Việt Nam, bà Lưu Ánh Nguyệt cho biết, việc đầu tiên khi muốn xây dựng IFC là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm các mô hình mới như công nghệ tài chính (Fintech), nền tảng số. Đồng thời, áp dụng mô hình thử nghiệm Sandbox như Singapore, với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sự ổn định và minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ với hệ thống thanh toán hiện đại, kết nối toàn cầu; phát triển khu tài chính kỹ thuật số, hỗ trợ startup, công ty Fintech thử nghiệm dịch vụ mới; ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… trong giao dịch, quản lý dữ liệu và bảo mật tài chính. Về chính sách thuế, cần miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân hoạt động tại IFC. Có thể học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giao dịch ngân hàng và bảo hiểm cho doanh nghiệp tại IFC. Đồng thời, cần đề xuất các ưu đãi vượt trội cho ngân hàng nước ngoài chuyển trụ sở, chi nhánh vào Việt Nam. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các thủ tục đăng ký, cấp phép cho tổ chức tài chính nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo chuyên sâu về tài chính, công nghệ, phân tích dữ liệu…
Ông Richard D. McClellan - Chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư: IFC là cầu nối huy động vốn toàn cầu, mở rộng và làm sâu sắc thị trường vốn
![]() |
Ông Richard D. McClellan Richard D. McClellan - Chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư phát biểu tại sự kiện |
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 40 năm đổi mới, chủ yếu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do và sự tăng trưởng kinh tế ổn định. Tuy nhiên, mô hình kinh tế hiện tại, tập trung vào xuất khẩu và chế biến chế tạo, không còn đủ để bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế cao hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, cũng như thực hiện các cải cách quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Theo ông Richard D. McClellan, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển IFC, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thể hiện qua các quyết định và nghị quyết cấp cao. Nhu cầu của khu vực tư nhân toàn cầu về một thị trường tài chính sâu rộng và thanh khoản cao hơn ngoài Singapore và Hồng Kông cũng là yếu tố thuận lợi. Việc chậm trễ trong xây dựng IFC sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá. Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc chậm trễ xây dựng IFC còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai và đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách xám của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF). Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng, chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc giải quyết triệt để vấn đề này chính là yếu tố then chốt để bảo đảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế và sự thành công của IFC.
Ông Richard D. McClellan khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng trong trung tâm tài chính, NHNN cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập lộ trình tuân thủ các khuyến nghị của FATF, bảo đảm rằng các quy định về Sandbox phù hợp với các tiêu chuẩn AML và CFT ngay từ giai đoạn đầu. Việc NHNN chủ động truyền đạt rõ ràng tiến trình tuân thủ đến thị trường quốc tế là rất quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút đầu tư. Theo đó, NHNN cần thiết kế các cơ chế di chuyển vốn minh bạch và an toàn, có thể triển khai theo từng giai đoạn, đồng thời bảo đảm giám sát chặt chẽ các hoạt động AML/CFT để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách xám của FATF. Việc xây dựng khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả các quy định về Sandbox cho Fintech, tài sản mã hóa và tiền điện tử cũng như áp dụng các tiêu chuẩn thận trọng phù hợp với Basel III là cần thiết để tạo môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả cho IFC.
Bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV: IFC là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam
![]() |
Bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV phát biểu tại sự kiện |
Bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV cho biết, để xây dựng IFC cần có các yếu tố như: Thể chế ổn định, minh bạch, tương thích với quốc tế; hạ tầng vật lý - công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao và dịch vụ tài chính tích hợp, hiện đại. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các ngân hàng Việt Nam khi có điều kiện thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, đồng thời, mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính; chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn.
Tuy nhiên, việc xây dựng IFC tại Việt Nam cũng hiện diện một số thách thức như áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế; khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số. Vì vậy, các ngân hàng Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là rủi ro bị “quốc tế hóa áp lực” nhưng chưa đủ “quốc tế hóa năng lực”. Cuối cùng là thách thức trong xây dựng niềm tin thị trường và tính nhất quán chính sách.
Bà Trương Thị Thu Ba đề xuất, để xây dựng IFC theo tiêu chuẩn quốc tế, Quốc hội và Chính phủ cần có định hướng dài hạn với thể chế đặc thù. Đồng thời, cần tổ chức các đoàn khảo sát IFC trên thế giới (như GIFT City của Ấn Độ) để học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các bên. Đồng thời, tận dụng nguồn nhân lực và hạ tầng tại Việt Nam với chi phí thấp để triển khai dịch vụ phù hợp với Việt Nam. Đối với NHNN, cần có cơ chế thí điểm linh hoạt, đối thoại chính sách định kỳ, đồng thời có Sandbox các dịch vụ như ngân hàng số, tài sản số, tài chính xanh, thanh toán quốc tế… Đối với Hiệp hội Ngân hàng cần lấy ý kiến của các ngân hàng thành viên để nắm bắt các vướng mắc trong quá trình áp dụng, đồng thời, thực hiện phổ biến, đào tạo, chia sẻ các thông lệ quốc tế, xu hướng công nghệ mới… cho các thành viên.
Về phía BIDV, dưới góc độ NHTM, BIDV xác định sẽ cần tận dụng lợi thế chi phí nhân lực và hạ tầng để cung cấp dịch vụ tài chính cho IFC; có chiến lược tham gia một cách chủ động, trọng tâm, nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới tài chính toàn cầu, đồng kiến tạo thể chế, đề xuất mô hình sản phẩm, xây dựng và thử nghiệm mô hình mới.
PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng nền tảng kinh tế và pháp lý vững chắc cho trung tâm tài chính
![]() |
PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại sự kiện |
Chia sẻ tại sự kiện, PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các trung tâm tài chính đang cố gắng hoạt động như các nền tảng kỹ thuật số để thu hút vốn, công nghệ và nhân tài. Tăng cường chuyển đổi pháp lý, quy định liên quan về AI, mô hình quản lý phi tập trung, công nghệ giám sát, quản lý; cải cách thể chế liên quan đến năng lực số. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh không nên đi theo mô hình trung tâm tài chính truyền thống mà nên quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng công nghệ và năng lực số; khuyến khích tăng trưởng trong tài chính bền vững bằng cách dẫn đầu các nhóm đa phương để phát triển chiến lược bền vững, xây dựng lộ trình pháp lý, nâng cao nhận thức về động lực chuyển đổi xanh và hỗ trợ phát triển các công cụ tài chính xanh mới. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa các nhà quản lý và các bên tham gia thị trường để bảo đảm rằng, những quy định được xây dựng, phát triển theo các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó, cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và khuyến khích cạnh tranh…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, hệ thống tài chính sâu rộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, và uy tín tốt cũng là điều kiện cần để xây dựng IFC có tầm ảnh hưởng quốc tế. PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh nhấn mạnh, cần có sự kết hợp của các chính sách tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy cả cạnh tranh và hợp tác... cũng là chìa khóa để Việt Nam xây dựng IFC thành công trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN: Xây dựng khung pháp lý để IFC hoạt động hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô
![]() |
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN phát biểu tại sự kiện |
Theo ông Nguyễn Đức Long, chủ trương thành lập IFC là một chủ trương lớn, quan trọng nhưng cũng là vấn đề khó và phức tạp đối với Việt Nam. Điều này không chỉ đến từ quy mô dân số, yếu tố địa lý… mà còn do sự khác biệt trong khung pháp lý. Các IFC đã vận hành lâu đời ở quốc gia phát triển thường có hành lang pháp lý thông thoáng; ngay cả những nước có xuất phát điểm thấp hơn cũng xây dựng khuôn khổ pháp lý linh hoạt để thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam hiện áp dụng quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô. Một ví dụ điển hình là các quy định về tự do hóa dòng vốn là một điều kiện quan trọng để thành lập IFC, nhưng hiện tại những quy định này vẫn còn hạn chế ở Việt Nam.
Để xây dựng một khung pháp lý vừa bảo đảm IFC hoạt động hiệu quả, vừa giữ vững an toàn kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Đức Long cho rằng, hoạt động ngân hàng truyền thống trong IFC sẽ không chiếm tỉ trọng lớn, mà thay vào đó là các hoạt động ngân hàng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Song song với đó, yêu cầu về quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra. Theo định hướng, các định chế tài chính khi được thành lập trong trung tâm tài chính sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, đồng thời tuân thủ các quy định an toàn theo thông lệ quốc tế. Đối với các định chế tài chính Việt Nam được thành lập trong IFC, về nguyên tắc cũng sẽ áp dụng chuẩn mực quốc tế. Theo đó, NHNN cần ban hành thông tư mới về tỉ lệ an toàn vốn, theo hướng tuân thủ Basel II nâng cao. Đồng thời, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường, VietinBank: Từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường, VietinBank phát biểu tại sự kiện |
Chia sẻ tại sự kiện về vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc xây dựng, phát triển IFC tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường, VietinBank cho biết, hệ thống ngân hàng cần từng bước đa dạng hóa sản phẩm tài chính để từng bước tiếp cận với mô hình hoạt động ngân hàng trong các IFC lớn trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được điều này, các ngân hàng cần phát triển sản phẩm tài chính mới, đặc biệt là các công cụ phái sinh, sản phẩm đầu tư, sáng tạo… nhằm gia tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường tài chính.
Song song với đó, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, thị trường ngoại tệ và tài sản số, phù hợp với xu hướng phát triển của các IFC hiện đại. Việc phát triển thị trường hàng hóa cũng cần được ưu tiên trên cơ sở tận dụng lợi thế quốc gia. Cụ thể, trong bối cảnh nhiều thị trường hàng hóa quốc tế hiện vẫn chưa phát triển các sản phẩm phái sinh như lúa gạo, Việt Nam cần tập trung vào nhóm sản phẩm phái sinh này vì đây mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân và nhà đầu tư tham gia, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro giá cả, nâng cao giá trị ngành nông sản, làm cơ sở để từng bước mở rộng liên thông với các thị trường khu vực cũng như quốc tế.
Ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam: Xây dựng IFC dựa trên những quy định minh bạch, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư
![]() |
Ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Tại sự kiện, ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình xây dựng các IFC. Ông Ryu Je Eun nhấn mạnh rằng, vai trò chính của hệ thống ngân hàng quốc tế trong IFC chính là giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cung ứng vốn. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp về mặt tài chính và hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp, qua đó, các ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả trong các IFC.
Đối với Ngân hàng Shinhan, ngân hàng không chỉ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và công ty nội địa, mà còn sử dụng hệ thống chi nhánh quốc tế ở 20 quốc gia để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Shinhan không chỉ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, mà còn đóng góp vào sự phát triển của các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech.
PGS.,TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Fintech và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Đại Nam: Sự phối hợp chặt chẽ giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
![]() |
PGS,TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Fintech và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Đại Nam phát biểu tại sự kiện |
PGS.,TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Fintech và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Đại Nam cho biết, những định hướng rõ ràng của NHNN trong việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm sự an toàn, minh bạch và hiệu quả cho hoạt động của các định chế tài chính. Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bên liên quan sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trung tâm tài chính. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực và quốc tế. Việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tin bài khác


Tài chính xanh trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Kết nối tài chính xanh với thị trường carbon: Hướng đi “xanh” cho nền kinh tế

Đồng bộ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế

Thủ tướng: Phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân

Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Tiềm năng phát triển đối với chứng khoán hóa tài sản trí tuệ

“Dọn đường” cho nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
