
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu vai trò, hình thức và hiệu quả hoạt động truyền thông của NHTW trong bối cảnh kinh tế hiện đại. Dựa trên các bằng chứng thực nghiệm quốc tế, bài viết làm rõ tác động hoạt động truyền thông của NHTW đến thị trường tài chính, kỳ vọng lạm phát và hành vi kinh tế, qua đó, rút ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Các khuyến nghị tập trung vào việc nâng cao tính minh bạch, đa dạng hóa kênh truyền thông, cải thiện chất lượng nội dung, xây dựng năng lực truyền thông và thiết lập cơ chế đánh giá, điều chỉnh chiến lược truyền thông cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Từ khóa: NHTW, truyền thông, chính sách tiền tệ, ổn định tài chính.
CENTRAL BANK COMMUNICATION:
INTERNATIONAL EXPERIENCE AND POLICY IMPLICATIONS FOR VIETNAM
Abstract: This article examines the role, forms, effectiveness of central bank communication in the modern economic context. Basing on international empirical evidences, the article clarifies the impact of central bank communication on financial markets, inflation expectations, economic behavior, thereby making some policy implications for Vietnam. The implications focus on enhancing transparency, diversifying communication channels, improving content quality, strengthening communication capacity, establishing evaluation and adjustment mechanisms of the State Bank of Vietnam’s communication strategy.
Keywords: Communication, central bank, monetary policy, financial stability.
1. Mở đầu
Trong kỷ nguyên kinh tế hiện đại, NHTW đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống như lãi suất và dự trữ bắt buộc, truyền thông đã trở thành một trụ cột chính sách độc lập, có khả năng định hình kỳ vọng của công chúng và thị trường, từ đó tăng cường hiệu quả của các công cụ chính sách khác (Blinder và cộng sự 2008). Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế, tài chính cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông NHTW. Trong môi trường thông tin đa chiều và lan tỏa nhanh chóng, NHTW cần chủ động hơn trong việc truyền tải thông điệp chính sách tới công chúng. Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng. Ngược lại, truyền thông yếu, kém hoặc không rõ ràng có thể gây ra sự hiểu lầm, hoang mang và thậm chí làm suy yếu hiệu quả chính sách tiền tệ (Woodford, 2003).
2. Tổng quan về hoạt động truyền thông của NHTW
2.1. Mục đích hoạt động truyền thông của NHTW
Hoạt động truyền thông của NHTW không chỉ đơn thuần là việc công bố thông tin về các quyết định chính sách tiền tệ, nó còn là một quá trình tương tác phức tạp, đa chiều giữa NHTW với công chúng, bao gồm cả việc truyền tải thông điệp, lắng nghe phản hồi và điều chỉnh chiến lược truyền thông một cách linh hoạt. Theo Blinder và cộng sự (2008), hoạt động truyền thông của NHTW hiệu quả đòi hỏi sự rõ ràng, nhất quán, đáng tin cậy, kịp thời về những nội dung, thông điệp được truyền tải và xoay quanh bốn trụ cột chính:
Trụ cột 1: Việc định hướng kỳ vọng của công chúng và thị trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm của truyền thông NHTW. Thông qua các thông điệp về lạm phát, lãi suất hay triển vọng tăng trưởng… NHTW có thể tác động đến hành vi của cá nhân và doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ. Ví dụ, một tuyên bố của NHTW cam kết điều hành lãi suất thấp lâu dài không chỉ kiềm chế kỳ vọng lạm phát mà còn khuyến khích đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế (Campb và cộng sự, 2012).
Trụ cột 2: Truyền thông là công cụ để NHTW xây dựng lòng tin của công chúng thông qua tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Theo đó, NHTW phải giải thích rõ ràng các hành động của mình trước công chúng và cơ quan giám sát, qua đó củng cố tính hợp pháp, uy tín của NHTW (Geraats, 2002). Khi NHTW công khai mục tiêu, chiến lược liên quan đến các quyết định chính sách, công chúng dễ dàng hiểu và tin tưởng vào năng lực điều hành của NHTW.
Trụ cột 3: Truyền thông hiệu quả giúp giảm chi phí thực thi chính sách. Theo đó, thị trường có thể điều chỉnh hành vi sớm nếu NHTW công bố rõ định hướng, chẳng hạn như lịch trình họp chính sách được thông báo trước. Điều này hạn chế phản ứng dữ dội hay biến động không cần thiết, giúp chính sách tiếp cận công chúng một cách nhẹ nhàng.
Trụ cột 4: Khi có khủng hoảng xảy ra, truyền thông trở thành "lá chắn" quan trọng để ổn định tâm lý công chúng. NHTW cần phản ứng nhanh, chính xác và nhất quán nhằm xoa dịu sự hoang mang của công chúng, qua đó, ngăn chặn khủng hoảng leo thang. Một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm ứng phó khủng hoảng của NHTW không chỉ trấn an công chúng, điều tiết thị trường mà còn thể hiện năng lực lãnh đạo của NHTW trong những giai đoạn đầy thử thách.
Hoạt động truyền thông của NHTW có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua hai kênh chính:
Kênh kỳ vọng (Expectations Channel): Khi NHTW truyền đạt thông tin về mục tiêu, chiến lược, đánh giá về nền kinh tế, thông tin này sẽ được các tác nhân kinh tế tiếp nhận, xử lý và đưa vào mô hình dự báo của họ. Nếu thông tin này được coi là đáng tin cậy, dễ hiểu, nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của các tác nhân kinh tế về lạm phát, lãi suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Những thay đổi trong kỳ vọng này, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát, sau đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các tác nhân kinh tế, chẳng hạn như quyết định tiêu dùng, đầu tư, tiết kiệm, đồng thời tác động đến tổng cầu và lạm phát của nền kinh tế. Việc neo kỳ vọng lạm phát gần với mục tiêu của NHTW là yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định giá cả trong nền kinh tế (Bernanke, 2004).
Kênh tín hiệu (Signaling Channel): Hoạt động truyền thông của NHTW cũng có thể đóng vai trò như một tín hiệu về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai. Ví dụ, khi NHTW tuyên bố rằng họ sẽ duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài, đây chính là một tín hiệu cho thấy NHTW đang cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tín hiệu này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng chi tiêu, từ đó thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế.
2.2. Các hình thức và công cụ truyền thông của NHTW
NHTW sử dụng đa dạng các hình thức và công cụ để truyền tải thông điệp của mình tới công chúng. Việc lựa chọn hình thức và công cụ phù hợp phụ thuộc vào mục tiêu truyền thông, đối tượng mục tiêu, bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể. Dưới đây là một số hình thức và công cụ truyền thông phổ biến:
Tuyên bố chính sách (policy statements): Đây là hình thức truyền thông chính thức và thường được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là sau các cuộc họp định kỳ của NHTW. Tuyên bố chính sách thường bao gồm: Quyết định về lãi suất; đánh giá về tình hình kinh tế (diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường lao động…); định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai. Ưu điểm của hình thức này là tính chính thức cao và khả năng tác động mạnh mẽ đến thị trường. Tuy nhiên, các thuật ngữ chuyên ngành có thể gây khó hiểu cho công chúng phổ thông, đồng thời thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh thông điệp. Ví dụ điển hình là các tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoặc của NHTW châu Âu (ECB).
Họp báo (press conferences): Họp báo được tổ chức ngay sau các cuộc họp chính sách quan trọng, do chủ tịch hoặc thống đốc NHTW chủ trì. NHTW tổ chức họp báo nhằm giải thích chi tiết hơn về quyết định chính sách và đánh giá kinh tế, trả lời câu hỏi từ các phóng viên, qua đó làm rõ thêm các khía cạnh của chính sách… Hình thức này giúp tăng tính minh bạch và sự đối thoại, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro hiểu lầm do sử dụng ngôn ngữ nói không chính thức và phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của người phát ngôn.
Báo cáo (reports): NHTW thường xuyên công bố các báo cáo định kỳ, chẳng hạn như báo cáo lạm phát để phân tích chi tiết về tình hình lạm phát, các yếu tố tác động, dự báo lạm phát trong tương lai; báo cáo ổn định tài chính nhằm đánh giá về tình hình ổn định tài chính, các rủi ro tiềm ẩn và các biện pháp ứng phó; báo cáo thường niên nhằm tổng kết hoạt động của NHTW trong năm qua và định hướng cho năm tới. Hình thức này phù hợp với giới chuyên gia, nhà đầu tư và thể hiện trách nhiệm giải trình của NHTW. Tuy nhiên, tính kỹ thuật và độ trễ thời gian khiến các báo cáo này khó tiếp cận được công chúng một cách rộng rãi.
Bài phát biểu (speeches): Thống đốc, phó thống đốc, các thành viên hội đồng chính sách tiền tệ thường xuyên có các bài phát biểu tại hội nghị, diễn đàn và các sự kiện khác. Nội dung của các bài phát biểu có thể bao gồm: Đánh giá về tình hình kinh tế, giải thích về chính sách tiền tệ hay thảo luận về các chủ đề kinh tế - tài chính. Dù giúp công chúng hiểu rõ hơn tư duy của nhà hoạch định chính sách nhưng hình thức này có thể dẫn đến mâu thuẫn nếu thông điệp giữa các cá nhân không thống nhất.
Kênh truyền thông mới: Trong những năm gần đây, NHTW ngày càng chú trọng sử dụng các kênh truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội (social media) như Twitter, Facebook, YouTube… để tương tác trực tiếp với công chúng. Tuy vậy, rủi ro thông tin sai lệch và khó kiểm soát cách thức tiếp nhận đòi hỏi NHTW phải đầu tư nguồn lực lớn để quản lý hiệu quả. Trong thực tế, NHTW thường kết hợp nhiều hình thức và công cụ truyền thông khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, sau khi công bố quyết định chính sách, NHTW có thể tổ chức họp báo để giải thích chi tiết hơn về quyết định đó, đồng thời đăng tải các thông tin liên quan lên website và mạng xã hội.
Tổng hợp các hình thức và công cụ truyền thông của NHTW được thể hiện trong Bảng 1:
Bảng 1: Tổng hợp các hình thức và công cụ truyền thông của NHTW
![]() |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả |
3. Bằng chứng thực nghiệm về tác động của truyền thông NHTW
Nhiều nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu sự kiện (event study) để đánh giá tác động của hoạt động truyền thông NHTW đến thị trường tài chính, cụ thể:
Tác động đến lãi suất: Gürkaynak và cộng sự (2005) phân tích phản ứng của lãi suất kỳ hạn (forward rates) đối với các thông báo của FOMC trong giai đoạn 1994 - 2004. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các thông báo của FOMC không chỉ ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn mà còn tác động đến lãi suất dài hạn, cho thấy thị trường tin tưởng vào khả năng của Fed trong việc định hướng lãi suất trong tương lai. Kohn và Sack (2003) cũng sử dụng phương pháp sử dụng phân tích sự kiện để chứng minh các tuyên bố của FOMC có tác động đáng kể đến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Bernanke và Kuttner (2005) tập trung vào tác động của các quyết định chính sách tiền tệ bất ngờ lên thị trường chứng khoán và nhận thấy rằng, việc cắt giảm lãi suất bất ngờ 25 điểm cơ bản sẽ làm tăng giá cổ phiếu lên khoảng 1%.
Tác động đến tỉ giá hối đoái: Conrad và Lamla (2010) sử dụng dữ liệu tần số cao để đo lường tác động của giao tiếp của ECB lên tỉ giá EUR/USD. Kết quả cho thấy, các thông điệp về chính sách thắt chặt hay chính sách nới lỏng có thể gây ra phản ứng ngay lập tức của tỉ giá hối đoái.
Tác động đến giá cổ phiếu: Lucca và Moench (2015) chỉ ra rằng, giá cổ phiếu có xu hướng tăng trong 24 giờ trước các thông báo của FOMC, cho thấy thị trường kỳ vọng vào các thông báo này. Theo nghiên cứu của Born, Ehrmann và Fratzscher (2014) về tác động từ các báo cáo ổn định tài chính cũng như bài phát biểu của quan chức NHTW đến thị trường chứng khoán cho thấy, các báo cáo ổn định tài chính lạc quan có thể làm tăng giá cổ phiếu, trong khi các bài phát biểu bi quan có thể làm giảm giá cổ phiếu.
Tác động đến kỳ vọng lạm phát: Theo Coibion và cộng sự (2018) đã thực hiện một loạt các thí nghiệm khảo sát để đánh giá tác động của việc cung cấp thông tin về lạm phát đến kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình. Họ phát hiện ra rằng, việc cung cấp thông tin về lạm phát mục tiêu của Fed có thể làm giảm đáng kể kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình.
Tác động đến hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế: Coibion và cộng sự (2020) đã thực hiện một thí nghiệm khảo sát để đánh giá tác động của việc cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ đến quyết định chi tiêu của các hộ gia đình. Nghiên cứu khẳng định, việc cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của các hộ gia đình, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Haldane và McMahon (2018) nghiên cứu tác động của việc đơn giản hóa ngôn ngữ trong các báo cáo của BOE đến sự hiểu biết của công chúng về chính sách tiền tệ cũng cho biết, việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản hơn có thể cải thiện đáng kể sự hiểu biết của công chúng về chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, Bholat và cộng sự (2019) đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá tác động của việc sử dụng hình ảnh trực quan trong các báo cáo của BOE, theo đó, việc sử dụng hình ảnh trực quan có thể cải thiện đáng kể sự hiểu biết của công chúng về các thông điệp chính sách.
4. Kinh nghiệm truyền thông của các NHTW trên thế giới và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
4.1. Kinh nghiệm truyền thông của các NHTW trên thế giới
Trên thực tế, hoạt động truyền thông của NHTW trên thế giới đã trải qua một quá trình phát triển đáng kể, từ giai đoạn "bí mật" sang giai đoạn "minh bạch" (Eijffinger và Geraats, 2006). Trước đây, đặc biệt là trước những năm 1990, nhiều NHTW có xu hướng giữ bí mật về mục tiêu và chiến lược chính sách, với quan điểm rằng sự minh bạch có thể gây ra bất ổn và làm suy yếu hiệu quả chính sách. Tuy nhiên, quan điểm này đã dần thay đổi khi các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy, minh bạch hóa truyền thông có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng cường uy tín, định hướng kỳ vọng và nâng cao hiệu quả chính sách. Bảng 2 tổng hợp mô hình truyền thông của một số NHTW điển hình, bao gồm Fed, ECB, BOE, NHTW Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ).
Bảng 2: Tổng hợp mô hình truyền thông của một số NHTW trên thế giới
![]() |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả |
Kinh nghiệm truyền thông của các NHTW trên thế giới cho thấy một số điểm chung và khác biệt đáng chú ý. Điểm chung là hầu hết các NHTW hiện nay đều coi trọng truyền thông minh bạch và chủ động như một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu chính sách. Các NHTW đều sử dụng đa dạng các kênh và công cụ truyền thông, bao gồm kênh truyền thống, kênh hiện đại để truyền tải thông điệp chính sách đến công chúng.
Tuy nhiên, mô hình truyền thông cụ thể của mỗi NHTW có thể khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, thể chế và văn hóa. Các NHTW lớn như Fed, ECB có mô hình truyền thông phức tạp và đa dạng, phản ánh vai trò và trách nhiệm toàn cầu của họ. Các NHTW như RBNZ, BOE có mô hình truyền thông tập trung và hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc hỗ trợ chính sách mục tiêu lạm phát. Nhìn chung, các NHTW đang dần chuyển sang mô hình truyền thông minh bạch hơn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc xây dựng uy tín và truyền tải thông điệp chính sách một cách hiệu quả.
4.2. Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch và chủ động trong truyền thông. Theo đó, NHNN cần tiếp tục công khai thông tin đầy đủ, kịp thời về chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế vĩ mô, đi kèm giải thích rõ ràng mục tiêu, lý do và tác động của các quyết định. Việc chủ động truyền thông trước và sau khi ban hành chính sách, kết hợp công bố lịch trình họp định kỳ, các báo cáo chi tiết (như báo cáo lạm phát, ổn định tài chính) sẽ giúp định hướng kỳ vọng thị trường, giảm bất ổn, xây dựng niềm tin công chúng.
Thứ hai, đa dạng hóa kênh và phương tiện truyền thông. Bên cạnh kênh truyền thống (họp báo, văn bản), NHNN cần phát triển mạnh kênh số như website, mạng xã hội, ứng dụng di động và webinar. Đầu tư vào nội dung đa phương tiện (video, infographic, podcast) sẽ giúp thông tin trực quan, sinh động, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân không chuyên.
Thứ ba, cải thiện chất lượng nội dung và phong cách truyền thông. Thông điệp cần được truyền tải bằng ngôn ngữ đơn giản, tránh thuật ngữ phức tạp, kết hợp phân tích sâu về bối cảnh và tác động chính sách. NHNN cần bảo đảm tính nhất quán, tập trung vào trọng tâm, đồng thời xây dựng phong cách gần gũi, cởi mở để tăng sự tin cậy. Bên cạnh đó, NHNN cần đo lường hiệu quả truyền thông thông qua phản hồi công chúng, phân tích tương tác trên nền tảng số. Dữ liệu này giúp điều chỉnh phương thức truyền thông phù hợp với biến động kinh tế, xã hội và xu hướng phát triển của công nghệ.
Thứ tư, nâng cao năng lực đội ngũ truyền thông và ứng phó khủng hoảng. Đầu tư đào tạo chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp, xây dựng quy trình bài bản và ứng dụng công nghệ hiện đại là cần thiết. Đặc biệt, NHNN cần chuẩn bị kế hoạch truyền thông khi nền kinh tế xảy ra khủng hoảng trên cơ sở phản ứng nhanh, thông điệp rõ ràng để duy trì ổn định thị trường trong tình huống bất ngờ.
Thứ năm, thúc đẩy đối thoại đa chiều với các bên liên quan và học hỏi kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc. Tổ chức thường xuyên các hội thảo, họp báo định kỳ để tương tác trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Cơ chế này không chỉ giải đáp thắc mắc mà còn giúp NHNN nắm bắt tâm lý thị trường, hoàn thiện chính sách. NHNN nên tham khảo mô hình truyền thông thành công từ Fed, ECB, BOJ, BOE, RBNZ… đồng thời, điều chỉnh phù hợp với đặc thù thể chế, văn hóa và trình độ phát triển tài chính của Việt Nam. Hợp tác với chuyên gia quốc tế sẽ giúp hoàn thiện chiến lược, nâng tầm ảnh hưởng của NHNN.
Như vậy, việc hiện đại hóa hoạt động truyền thông không chỉ giúp NHNN nâng cao hiệu quả điều hành chính sách mà còn củng cố vai trò của NHTW như một trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô. Củng cố, hoàn thiện các hoạt động truyền thông sẽ góp phần xây dựng hình ảnh một NHTW chuyên nghiệp, minh bạc, đáng tin cậy trong mắt công chúng và cộng đồng quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. Angelico, C., Marcucci, J., Miccoli, M., & Quarta, F. (2022). Can we measure inflation expectations using Twitter? Journal of Econometrics, 228(2), pages 259–277. https://doi.org/10.1016/j.jeconom.2021.12.008
2. Bernanke, B. S. (2004). The logic of monetary policy. Speech at the National Economists Club, Washington, D.C., November 2004. https://www.Federalreserve.gov/boarddocs/speeches/2004/20041202/default.htm
3. Bernanke, B. S., & Kuttner, K. N. (2005). What explains the stock market's reaction to Federal Reserve policy? The Journal of Finance, 60(3), pages 1221–1257. https://doi.org/10.1111/j.1540-6261.2005.00760.x
4. Bholat, D., Broughton, N., Ter Meer, J., & Walczak, E. (2019). Enhancing central bank communications using simple and relatable information. Journal of Monetary Economics, 108, pages 1–15. https://doi.org/10.1016/j.jmoneco.2019.08.007
5. Bholat, D., Hansen, S., Santos, P., & Schonhardt-Bailey, C. (2015). Text mining for central banks. Centre for Central Banking Studies Handbook No. 33. http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2624811
6. Blinder, A. S., Ehrmann, M., Fratzscher, M., De Haan, J., & Jansen, D. J. (2008). Central bank communication and monetary policy: A survey of theory and evidence. Journal of Economic Literature, 46(4), 910–945. https://doi.org/10.1257/jel.46.4.910
7. Born, B., Ehrmann, M., & Fratzscher, M. (2014). Central bank communication on financial stability. The Economic Journal, 124(577), pages 701–734. https://www.jstor.org/stable/42919216
8. Campbell, J. R., Evans, C. L., Fisher, J. D., & Justiniano, A. (2012). Macroeconomic effects of forward guidance. Brookings Papers on Economic Activity, 2012(1), pages 1-80. https://www.brookings.edu/articles/macroeconomic-effects-of-fomc-forward-guidance/
9. Clarida, R., Galí, J., & Gertler, M. (1999). The science of monetary policy: A new Keynesian perspective. Journal of Economic Literature, 37(4), pages 1661–1707. https://www.aeaweb.org/articles?id=10.1257/jel.37.4.1661
10. Coibion, O., Gorodnichenko, Y., Kumar, S., & Pedemonte, M. (2020). Inflation expectations as a policy tool? Journal of International Economics, 124, 103297. https://doi.org/10.1016/j.jinteco.2020.103297
11. Coibion, O., Gorodnichenko, Y., & Ropele, T. (2020). Inflation expectations and firm decisions: New causal evidence. The Quarterly Journal of Economics, 135(1), pages 165–238. https://doi.org/10.1093/qje/qjz029
12. Conrad, M., & Lamla, M. (2010). The high-frequency response of the EUR–USD exchange rate to ECB communication. Journal of Money, Credit and Banking, 42(7), pages 1391–1417. https://doi.org/10.1111/j.1538-4616.2010.00346.x
13. Eggertsson, G. B., & Woodford, M. (2003). The zero bound on interest rates and optimal monetary policy. Brookings Papers on Economic Activity, 2003(1), pages 139–233. https://www.brookings.edu/bpea-articles/the-zero-bound-on-interest-rates-and-optimal-monetary-policy/
14. Ehrmann, M., & Fratzscher, M. (2007). Communication by central bank committee members: Different strategies, same effectiveness? Journal of Money, Credit and Banking, 39(2-3), pages 509–541. https://doi.org/10.1111/j.0022-2879.2007.00034.x
15. Eijffinger, S. C., & Geraats, P. M. (2006). How transparent are central banks?. European Journal of Political Economy, 22(1), pages 1-21. https://doi.org/10.1016/j.ejpoleco.2005.09.013
16. Fischer, J. A., & Hahn, V. (2008). Determinants of trust in the European Central Bank. SSE/EFI Working Paper Series in Economics and Finance. http://swopec.hhs.se/hastef/papers/hastef0695.pdf
17. Geraats, P. M. (2002). Central bank transparency. The Economic Journal, 112(483), F532–F565. https://doi.org/10.1111/1468-0297.00082
18. Gürkaynak, R. S., Sack, B. P., & Swanson, E. T. (2005). Do actions speak louder than words? The response of asset prices to monetary policy actions and statements. International Journal of Central Banking, 1(1), pages 55–93. https://www.ijcb.org/journal/ijcb05q2a2.htm
19. Haldane, A., & McMahon, M. (2018). Central bank communication and the general public. AEA Papers and Proceedings, 108, pages 578–583. https://doi.org/10.1257/pandp.20181082
20. Kohn, D. L., & Sack, B. P. (2003). Central bank talk: Does it matter and why? In Macroeconomics, Monetary Policy, and Financial Stability, pages 349–385. Bank of Canada. https://www.Federalreserve.gov/pubs/Feds/2003/200355/200355pap.pdf
21. Kumar, S., Afrouzi, H., Coibion, O., & Gorodnichenko, Y. (2015). Inflation targeting does not anchor inflation expectations: Evidence from firms in New Zealand. Brookings Papers on Economic Activity, 2015(2), pages 151–225. https://www.brookings.edu/bpea-articles/inflation-targeting-does-not-anchor-inflation-expectations-evidence-from-firms-in-new-zealand/
22. Lamla, M. J., & Vinogradov, D. V. (2019). Central bank announcements: Big news for little people? Journal of Monetary Economics, 108, pages 21–38. https://doi.org/10.1016/j.jmoneco.2019.08.014
23. Lucas, R. E., Jr. (1972). Expectations and the neutrality of money. Journal of Economic Theory, 4(2), pages 103–124. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/0022053172901421
24. Lucca, D. O., & Moench, E. (2015). The pre-FOMC announcement drift. The Journal of Finance, 70(1), pages 329–371. https://doi.org/10.1111/jofi.12196
25. Morris, S., & Shin, H. S. (2002). Social value of public information. American Economic Review, 92(5), pages 1521–1534. https://www.aeaweb.org/articles?id=10.1257/000282802762024610
26. Muth, J. F. (1961). Rational expectations and the theory of price movements. Econometrica, 29(3), pages 315–335. https://doi.org/10.2307/1909635
27. Sargent, T. J., & Wallace, N. (1975). "Rational" expectations, the optimal monetary instrument, and the optimal money supply rule. Journal of Political Economy, 83(2), pages 241–254. https://www.jstor.org/stable/1830921
28. Woodford, M. (2003). Interest and prices: Foundations of a theory of monetary policy. Princeton University Press. https://press.princeton.edu/books/hardcover/9780691010496/interest-and-prices
Tin bài khác


Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Đổi mới công cụ tái cấp vốn khi chuyển sang điều hành chính sách tiền tệ theo giá

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ pháp lý tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Sự kết hợp tối ưu giữa các chính sách: An toàn vĩ mô, tiền tệ, tài khóa trong nền kinh tế mới nổi - Kinh nghiệm từ NHTW Brazil và bài học đối với Việt Nam
