Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế
Phụ nữ thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Lê Thị Hạnh, thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế, tận mắt đếm được 16 ô chuồng, trong đó có 4 con lợn nái và hơn 100 con lợn nhỡ, lợn con vừa tách mẹ, thăm khu trang trại nuôi gà, vịt đông đúc, với hơn 2.000 con mới cảm nhận được sự vất vả của gia đình chị nhường nào.
Chị Hạnh kể, trước đây, cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn. Chồng mất sớm khi chị mới 30 tuổi để lại một mình gồng gánh nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị Hạnh đã tìm mọi cách xoay sở kiếm sống, nghĩ nhiều phương án phát triển kinh tế nhưng không có vốn. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế, chị Hạnh được vay 50 triệu đồng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ NHCSXH huyện Phú Lộc. Có vốn trong tay, chị Hạnh bắt tay vào việc đầu tư mua lợn giống, gà, vịt, đào ao thả cá, trồng thêm cây tràm để chiết xuất tinh dầu. Khu vườn trồng tràm để lấy nguyên liệu chiết xuất tinh dầu tràm của chị Hạnh bước đầu đã mang lại thu nhập cho gia đình.
Với bản tính kiên cường của người con quê hương Phú Lộc, lại cần cù, thông minh, ham học hỏi, chị Hạnh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lộc và NHCSXH tổ chức, áp dụng khoa học kỹ thuật, các kiến thức mới vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, đàn lợn, vịt, gà, ao cá… của chị Hạnh cứ thế sinh sôi, tăng đàn, tháng sau nhiều hơn tháng trước, năm sau nhiều hơn năm trước. Với khát vọng thoát nghèo, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, đến nay, cuộc sống gia đình chị Hạnh đã ổn định với nguồn thu nhập rất tốt từ mô hình kinh tế mà chị dày công xây dựng. Chị Hạnh phấn khởi chia sẻ: "Nguồn thu nhập từ nuôi lợn, gà, vịt… khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí đã giúp gia đình tôi có cuộc sống no đủ". Đây cũng là nguồn thu đáng mơ ước của những hội viên phụ nữ phát triển kinh tế bằng đồng vốn tín dụng chính sách.
![]() |
Mô hình làm kinh tế của gia đình chị Lê Thị Hạnh, thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế |
Không dừng lại ở đó, tháng 01/2025, chị Hạnh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để xây thêm 16 ô chuồng thực hiện kế hoạch mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi lợn. Đồng thời, chị còn mạnh dạn thuê đất trồng tràm để lấy nguyên liệu chiết xuất tinh dầu tràm cung cấp cho một số cơ sở có nhu cầu. Tuy nhiên, sản lượng tinh dầu còn thấp nên doanh thu chỉ đủ bù đắp các chi phí sản xuất, chi tiêu trong gia đình và trang trải tiền thuê 4 nhân công lao động làm việc với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của bản thân, chị Hạnh đã có được nguồn thu nhập ổn định. Đều đặn hằng tháng, chị đã có tiền gửi tiết kiệm qua Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Có thể nói, chị Hạnh là một trong những hội viên phụ nữ tiên phong, gương mẫu, đi đầu tại địa phương về phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Một gương điển hình khác phải kể đến là chị Võ Thị Nhung Xuân ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế. Nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh, trong thời gian còn công tác, chị Xuân luôn quan tâm, bám sát chị em hội viên, hướng dẫn họ sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, với khát khao được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra - vùng biển Bình An quanh năm sóng vỗ dịu êm như tên gọi của nó, chị Xuân đã từng bước gây dựng Cơ sở sản xuất, chế biến hải sản Xuân Anh. Để có vốn thu mua nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất các sản phẩm mắm ruốc, mắm cốt… chị Xuân đã đăng ký và được NHCSXH duyệt vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mua con ruốc, cá, mực… chế biến thành các sản phẩm mắm tôm chua, nước mắm cốt cá cơm, ruốc khô, cá khô, mực một nắng… mang thương hiệu Xuân Anh.
![]() |
Chị Võ Thị Nhung Xuân ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế giới thiệu các sản phẩm của mình trên gian hàng gia đình |
Năm 2023, được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ lao động, chị Xuân đã tập trung toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Chị mạnh dạn vay thêm vốn từ NHCSXH mở rộng cơ sở chế biến, tiếp tục phát triển nhiều loại sản phẩm làng nghề truyền thống. Với ba lần quay vòng vốn vay từ NHCSXH và tiết kiệm, tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, kiên trì nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sạch, chuẩn vị, hợp thị hiếu người tiêu dùng, song song đó là giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, giờ đây, Cơ sở sản xuất, chế biến hải sản Xuân Anh đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình. Đặc biệt, tháng 7/2023, Cơ sở sản xuất, chế biến hải sản Xuân Anh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc tặng Giấy khen Giải Ba bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện.
Chia sẻ về những thành quả đạt được nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, chị Xuân cho biết, các sản phẩm của Cơ sở sản xuất, chế biến hải sản Xuân Anh đã được cấp Chứng nhận an toàn thực phẩm số 0003/2024/NNPTNT-TTH, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao và được bà con trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài đặt hàng thường xuyên. Doanh thu từ các sản phẩm của Cơ sở đạt khoảng 200 triệu/năm sau khi đã trừ chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí khác, ngoài ra còn giúp tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 6 hội viên phụ nữ trong xã. Chị Xuân có mong muốn sẽ lưu giữ và phát triển nghề làm mắm truyền thống của quê hương, mang hương vị tới từng bữa ăn của gia đình người Việt cũng như người Việt ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế.
Nhận xét về nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Xuân nhận thấy, nguồn vốn này rất hữu ích đối với người nghèo nói chung, chị em phụ nữ nói riêng để phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế của chị em, giúp họ thoát khỏi tự ti, mặc cảm về sự nghèo khó, tự tin tham gia phát triển kinh tế, qua đó hiểu biết và quản lý tài chính cá nhân, tài chính gia đình.
Đối với NHCSXH, chị tin tưởng ngân hàng luôn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác quản lý của ngân hàng chặt chẽ, ứng dụng công nghệ vào quản lý vốn giúp việc giao dịch được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, tạo cho hộ vay nền nếp để trả tiền gốc, lãi đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng của NHCSXH thường xuyên đi thực tế, đến từng hộ dân, sâu sát với các hộ vay để kiểm tra hiệu quả vốn vay, do đó, nguồn vốn vay từ NHCSXH luôn được các hội viên sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Với việc sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH để kinh doanh, buôn bán, chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, sản xuất, phát triển làng nghề… có hiệu quả, nhiều gia đình hội viên, phụ nữ huyện Phú Lộc, thành phố Huế thoát nghèo bền vững, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, đủ đầy.
Chị Trần Thị Hương, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế cho biết, Tổ chị Hương quản lý hiện có 55 tổ viên, dư nợ tính đến ngày 20/02/2025 đạt 2,7 tỉ đồng, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn. 100% chị em trong Tổ chị Hương quản lý đều tham gia gửi tiền tiết kiệm. Hội viên tham gia đóng lãi và tiết kiệm đầy đủ, đúng hạn; mức đóng tiết kiệm trung bình từ 1 triệu
đồng đến 1,5 triệu đồng/hội viên/tháng. Việc thu lãi, gốc, tiết kiệm đều được chị Hương thực hiện trên App Quản lý tài chính cá nhân của NHCSXH, giúp chị nhập số liệu chính xác mà không phải tính toán trên sổ giấy như trước đây, nhờ đó rút ngắn các công đoạn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.
Cầu nối tín dụng đến phụ nữ nghèo
Để chị em phụ nữ tự tin vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, hướng đến làm giàu, bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách còn có sự trợ lực tích cực đến từ “cánh tay nối dài” là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Qua đó, nhiều chị em đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng trồng trọt, chăn nuôi, những cây, con mang lại giá trị kinh tế cao theo hướng phát triển các ngành, nghề truyền thống, xây dựng mô hình kinh tế trang trại… từng bước nâng cao thu nhập, có mức sống ổn định, đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Chị Phan Thị Thanh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thành phố Huế cho biết, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh đã thực hiện tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Hội đã giúp hơn 500 chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhờ đó, chị em có vốn để phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, thu nhập cho chị em hội viên, góp phần phát triển kinh tế xã Lộc Vĩnh. Tính đến cuối tháng 02/2025, tổng dư nợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh đạt 30 tỉ đồng với 580 hội viên còn dư nợ tại 13 tổ TK&VV. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, chị em phụ nữ trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó, chị em trên địa bàn xã Lộc Vĩnh rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư hơn.
Bên cạnh đó, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Vĩnh đã rà soát các hội viên phụ nữ có sẵn mô hình kinh tế, qua đó phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp trên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật như chăn nuôi, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, đồng thời, triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã phát triển kinh tế. Khi có nguồn thu nhập, chị em luôn có ý thức hoàn trả vốn vay, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, từ đó tạo chuyển biến trong hoạt động của Hội, thu hút hội viên thêm gắn bó, tin tưởng vào hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Hội còn thường xuyên phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Phòng giao dịch NHCSXH huyện, các tổ TK&VV đều nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các quy trình, quy định của NHCSXH, đôn đốc hội viên trả lãi, gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn hằng tháng.
Chị Cái Diệu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lộc cho biết, hiện tại có 17 Hội Phụ nữ cấp xã nhận ủy thác từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện với 131 tổ TK&VV. Thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp phối hợp NHCSXH tuyên truyền nội dung Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Tỉnh ủy thành phố Huế, Công văn số 159/CV-HU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đạt chất lượng và hiệu quả. Theo đó, phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách; tuyên truyền các gương phụ nữ tiêu biểu đang vay vốn tại NHCSXH... dưới nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Trang thông tin điện tử huyện, Đài truyền thanh huyện, Trang thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện...), các hội nghị giao ban giữa NHCSXH với các Hội Phụ nữ các cấp; các buổi tập huấn nghiệp vụ của Hội tại các điểm giao dịch xã. Từ đó đã giúp chính quyền địa phương và người dân hiểu và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, triển khai thực hiện, quản lý, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần bảo toàn vốn cho Nhà nước. Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ, tổ TK&VV đã tuyên truyền, vận động tổ viên chấp hành quy ước hoạt động của tổ, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống hộ gia đình, có tích lũy để thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với Ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lộc và cơ sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa phát sinh nợ quá hạn, nợ khoanh trong quá trình hoạt động; làm tốt công tác bình xét cho vay, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn cụ thể các thủ tục vay vốn, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững; hướng dẫn Ban quản lý tổ TK&VV tăng cường sử dụng các ứng dụng số trong hoạt động như ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách nhằm tiết giảm thời gian giao dịch, tăng cường công tác tuyên truyền đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác về ứng dụng Mobile Banking trong giao dịch chuyển tiền nhằm đa dạng các sản phẩm số, tiện ích do NHCSXH cung cấp.
Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, đến ngày 31/01/2025, tổng nguồn vốn đạt 964.385 triệu đồng, tăng 12.593 triệu đồng so với cuối năm 2024; tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 958.374 triệu đồng với 17.788 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,022%. Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc đã bám sát Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc NHCSXH, Giám đốc chi nhánh NHCSXH thành phố Huế tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban đại diện HĐQT huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; chỉ đạo thực hiện các chương tín dụng chính sách trên địa bàn theo định hướng chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH; tham mưu cho UBND huyện bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 4.383 triệu đồng, đạt 107% kế hoạch, lũy kế đến ngày 31/01/2025 đạt 22.375 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của các hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Phú Lộc. Trong đó, thực hiện công tác nhận ủy thác từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, góp phần phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, qua đó đã hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nạn tín dụng đen, thúc đẩy hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, có cơ hội tiếp cận làm chủ tài chính, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Tin bài khác


Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Ngân hàng với những chính sách vì người dân, doanh nghiệp

BIDV - khẳng định vị thế là tổ chức tài chính vững mạnh, đáng tin cậy

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
