
Thành công nổi bật của Ngân hàng Chính sách xã hội qua gần 15 năm hoạt động
TS. Lê Văn Hải
Có thể khẳng định, trong xu hướng toàn cầu hóa và quốc tế hóa về kinh tế hiện nay, mặc dù có trình độ phát triển kinh tế, có mức sống khác nhau, có thể chế chính trị và điều kiện tự nhiên - xã hội khác nhau, nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều có định chế tài chính, hoạt động có tính chất phục vụ chính sách của Quốc hội, của Chính phủ, vì mục tiêu quốc gia. Định chế tài chính đó có thể là ngân hàng, có thể là quỹ,…
Các nước có nền kinh tế phát triển, thường có các định chế tài chính cung cấp tín dụng cho người mua hàng, hay bảo lãnh cho người mua hàng, các nhà nhập khẩu nước ngoài mua hàng hóa từ chính quốc gia mình, nhằm thúc đấy xuất khẩu, tạo việc làm trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đó giảm gánh nặng ngân sách quốc gia, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Các nước đang phát triển và chậm phát triển, thường có định chế tài chính phục vụ cho giảm nghèo, đầu tư cho phát triển các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, tạo việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp,….
Những thành công nổi bật của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, trong thời kỳ đầu đổi mới, vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo, đến năm 2003, thành lập riêng và độc lập Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Trong gần 15 năm hoạt động và phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động tín dụng của NHCSXH Việt Nam đang được mở rộng và không ngừng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội. Những thành công về hoạt động tín dụng của NHCSXH được thể hiện ở những điểm nổi bật sau đây.
Điểm nổi bật đầu tiên đó là, vào thời điểm năm 2003, mới thực hiện 3 chương trình cho vay là: hộ nghèo, học sinh và sinh viên và giải quyết việc làm, nhưng đến nay đã cho vay tới hơn 20 chương trình tín dụng, nhằm đến các mục tiêu chính sách xã hội khác nhau, rất chặt chẽ và cụ thể. Các chương trình và dự án đều hướng tới giảm nghèo bền vững, cải thiện điều kiện sống, nâng cao mức sống và được dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu. Đó là tín dụng về nhà ở, về nước sạch môi trường; đó là đồng bào dân tộc thiểu số; đó là hỗ trợ vốn cho người dân, doanh nghiệp các vùng khó khăn, xây dựng nhà ở tránh lũ, đi xuất khẩu lao động; Cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg; cho vay trồng rừng và lâm nghiệp, cho vay phát triển chăn nuôi,…
Có thể nói các kênh tín dụng chính sách xã hội đang phủ kín các nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế.
Tính đến hết tháng 6/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt 166.426 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2016; tăng 22 lần so với thời điểm mới thành lập, với tốc độ tăng bình quân đạt gần 30%/năm; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 148.960 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch năm 2017, với gần 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ bình quân 25 triệu đồng/hộ, tăng 4 triêu hộ so với đầu năm 2003.
Đáng chú ý là doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm 2017 của NHCSXH Việt Nam đạt trên 31.000 tỷ đồng với trên 1.193.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Qua đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho trên 105.000 lao động, trong đó gần 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 11.800 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 714.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 9.600 căn nhà ở cho hộ nghèo;…
Nếu tính chi tiết dư nợ trên số liệu đến hết tháng 5/2017 (thay đổi không nhiều so với hết tháng 6/2017), thì hệ thống NHCSXH có quy mô vốn cho vay lớn nhất thuộc về chính sách Cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002, đạt dư nợ 39.518,926 tỷ đồng; tiếp theo là Cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013, đạt dư nợ 30.371,905 tỷ đồng; tiếp đến là Cho vay NS&VSMTNT theo QĐ 62/2004, đạt dư nợ 25.229,190 tỷ đồng; thứ tư là Cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007, đạt dư nợ 16.682,361 tỷ đồng; thứ năm là Cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015, đạt dư nợ 16.576,974 tỷ đồng;... Một chương trình mới triển khai từ năm 2015 nhưng cũng đã đạt dư nợ cao, đứng hàng thứ sáu trong tổng thể tất cả các chương trình và dự án, đó là Cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015, đạt dư nợ 9.089,113 tỷ đồng.
Có thể nói các kênh tín dụng chính sách xã hội đang phủ kín các nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế
Việc mở rộng các chương trình và dự án tín dụng nói trên đó là kết quả của sự năng động, dám nghĩ, dám làm, của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cũng như các phòng ban của NHCSXH Việt Nam, đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt yêu cầu của thực tiễn, mạnh dạn tham mưu, đề suất với Đảng, với Chính phủ. Những tham mưu và đề suất đó của NHCSXH phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ, phù hợp với đòi hỏi cấp cách của thực tiễn; được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời đó cũng là kết quả của việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách và dự án tín dụng trong toàn hệ thống NHCSXH Việt Nam.
Điểm nổi bật thứ hai, trong thời gian đầu, NHCSXH mới đi vào hoạt động, nhiều tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, định chế tài chính quốc tế, tổ chức nước ngoài, chưa thực sự tin tưởng vào tính bền vững về tài chính trong hoạt động của định chế này ở Việt Nam, nhưng đến nay, có tới 5 Quỹ nước ngoài tin tưởng, đưa vốn qua NHCSXH để cho vay, đó là, Cho vay theo dự án IFAD, dư nợ đến hết tháng 5/2017 đạt 44.224,03 tỷ đồng; Cho vay theo dự án RIDP, dư nợ đạt 12.495,88 tỷ đồng; Cho vay theo dự án CWPD, dư nợ đạt 488,78 triệu đồng; Cho vay theo dự án NIPPON, dư nợ đạt 3.900,50 tỷ đồng; Dự án FHI, dư nợ đạt 961,59 triệu đồng. Đặc biệt là Ngân hàng thế giới (WB) đang ủy thác Cho vay theo chương trình dự án phát triển lâm nghiệp (WB), với dư nợ đạt 473.091,34 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCS XH cũng đang triển khai Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (KFW), đạt dư nợ 100,264 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân cho vay nói trên mặc dù còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện uy tín quốc tế của NHCSXH Việt Nam. Song, mặt khác, cũng đòi hỏi NHCSXH Việt Nam cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đàm phán bổ sung với các chủ dự án, đồng thời có thêm kinh nghiệm trong đàm phán, trong thu hút các dự án mới của
quốc tế.
Điểm nổi bật thứ ba, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, NHCSXH Việt Nam là định chế tài chính hoạt động tín dụng có chi phí thấp nhất, an toàn và hiệu quả nhất, có tính xã hội hóa cao nhất. Do đó, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, công tác vận động, xây dựng được các dự án cụ thể và đàm phán hiệu quả, thì kết quả giải ngân cho vay còn cao hơn, chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài tin tương đưa vốn, đưa dự án qua NHCSXH Việt Nam.
Điểm nổi bật thứ tư, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến hết tháng 6/2017, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,82% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,43%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong
xã hội.
Điểm nổi bật thứ năm, nhìn lại thời gian qua, có thể khẳng định, chuyển biến rõ rệt nhất của NHCSXH là tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đưa Chỉ thị của Đảng đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đó là nguồn vốn tín dụng ưu đãi được quan tâm, tăng cường, tập trung về một đầu mối. Bốn Ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm cả 3 NHTM đã cổ phần hóa) đã cùng chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, thông qua việc duy trì số dư tiền gửi 2% trên tổng nguồn vốn hoạt động, góp phần tạo lập nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay sang NHCSXH. Tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn, từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đến nay là 2.875 tỷ đồng, tăng 76% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị, riêng trong năm 2016, tăng 1.750 tỷ đồng (+35,8%) so với năm 2015, tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 8.112 tỷ đồng. Dự báo đến hết năm 2017, với kết quả thu ngân sách của các địa phương tăng trưởng khá, thì việc các tỉnh, thành phố tiếp tục đưa vốn ủy thác sang cho NHCSXH sẽ đạt kết quả như
dự kiến.
Tính đến ngày 30/6/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam đạt trên 173.000 tỷ đồng, tăng 13.816 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 8.112 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng nguồn vốn; huy động vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân và dân cư là 8.335 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn 6.101 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 nói trên, đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách. Đến nay, đã có 11.099/11.159 đ/c chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ 99,4%, tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Việc tham gia này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt trong chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn.
Điểm nổi bật thứ sáu đó là hiệu quả hoạt động tín dụng của NHCSXH Việt Nam rất rõ rệt. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hàng triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển SXKD; góp phần giúp khoảng 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó có khoảng 102.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp khoảng 3.236.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên gần 1,4 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn; xây dựng hơn 18.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; trong đó có trên 5.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung, gần 95.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số lượng lớn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…
Những biện pháp tổ chức thực hiện và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội
Năm 2016 là năm đầu tiên và 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Mặc dù hoạt động trong bối cảnh có nhiều khó khăn về thiên tai và thời tiết diễn biến bất thường, một số biến động lớn về tiền tệ và kinh tế thế giới, những khó khăn không lường trước được của sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản,… nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp, hệ thống NHCSXH đã nỗ lực để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ kế hoạch được giao hàng năm, đã đạt kết quả cao, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân theo kế hoạch và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bên cạnh các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, NHCSXH đã tập trung huy động các nguồn vốn, như: nhận tiền gửi 2% từ các TCTD Nhà nước, phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, huy động vốn trên thị trường của các tổ chức, cá nhân... cùng với nguồn vốn thu nợ cho vay quay vòng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán của toàn hệ thống.
NHCSXH thường xuyên làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH các tỉnh, thành phố và kiểm tra hoạt động giao dịch tại xã nhằm đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đặc biệt đối với các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiên tai, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển, NHCSXH chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục SXKD, chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Theo đó, Chủ tịch HĐQT đã có Quyết định phê duyệt xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo cấp cơ sở trong việc phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn còn chưa tốt, nhất là việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Hiệu ứng các chương trình ưu đãi ngày càng được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.
Giải pháp cho giai đoạn đến năm 2020
Trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020, HĐQT NHCSXH Việt Nam chủ trương tiếp bám sát Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm, được Thủ tướng Chính phủ giao, để chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững. Được biết, Chính phủ và HĐQT NHCS XH chủ trương bố trí vốn tín dụng chính sách tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới...
Kết quả nói trên, cũng đòi hỏi NHCSXH Việt Nam tiếp tục phát huy thành công của mình, phối hợp với các bộ ngành, các địa phương, tích cực quan hệ với các tổ chức quốc tế và tập đoàn kinh doanh nước ngoài, đề suất, triển khai nhiều chính sách tín dụng, dự án tín dụng cho các mục tiêu chính sách xã hội cụ thể hơn nữa trong các lĩnh vực việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu, bình đắng giới và phát triển con người tại các vùng khó khăn,…
Hệ thống NHCSXH tiếp tục tham mưu cho các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm tham mưu cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách và nguồn vốn ủy thác tại địa phương cho NHCSXH; đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn giải ngân của các chương trình tín dụng chính sách và đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống, chú trọng công tác huy động vốn tại Điểm giao dịch xã.
Hệ thống NHCS XH cần thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện chương trình kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và phúc tra tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát từ xa hoạt động tại NHCSXH cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của NHCSXH, phù hợp với chiến lược phát triển. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn... góp phần vào sự thành công chung của hệ thống NHCSXH
Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo cáo của NHCS XH.
- Một số nguồn khác.
(Tạp chí Ngân hàng số 15, tháng 8/2017)
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
