Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam
Tóm tắt: Hệ thống ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều loại rủi ro khác nhau, đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Để nâng cao khả năng chịu đựng và ổn định hệ thống ngân hàng quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang chỉ đạo các NHTM áp dụng Hiệp ước vốn Basel I, Basel II và thí điểm từng bước triển khai Basel III. Tuy nhiên, quá trình áp dụng Basel III tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do yêu cầu về nguồn lực, công nghệ và hệ thống quản trị rủi ro (QTRR). Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ các NHTM trên thế giới trong việc thực hiện Basel III là rất cần thiết cho hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Bài viết này phân tích kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng Basel III trong hoạt động ngân hàng, qua đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Từ khóa: Hiệp ước vốn Basel III, NHTM, QTRR.
INTERNATIONAL EXPERIENCE IN APPLYING THE BASEL III CAPITAL ACCORD IN BANKING ACTIVITES AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
Abstract: The banking system faces different types of risks, especially credit risk, operational risk and market risk. To enhance the resilience and stability of the national banking system, the State Bank of Vietnam has been implementing Basel Capital Accord I, II for banks and piloting the step-by-step implementation of Basel III. Nevertheless, the application of Basel III in Vietnam has encountered numerous difficulties due to the requirements of resources, technology, risk management systems. Consequently, learning from international experience in implementing Basel III is necessary for the current Vietnamese banking system. This article analyses international experience in applying Basel III, thereby making some recommendations for the Vietnamese banking system.
Keywords: The Basel III Capital Accord, commercial bank, risk management.
1. Giới thiệu
Một trong những sự kiện đáng chú ý trong quá khứ của hệ thống ngân hàng thế giới là sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào tháng 9/2008, làm hệ thống tài chính toàn cầu hỗn loạn, đặt ra yêu cầu củng cố Hiệp ước vốn Basel II. Sau đó, hệ thống ngân hàng thế giới bước vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009), với lý do đòn bẩy quá lớn và thanh khoản đệm không đủ. Điểm yếu này cùng với công tác QTRR kém hiệu quả và cấu trúc vốn không phù hợp đã làm cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Sự kết hợp của các lỗ hổng này được thể hiện qua việc định giá sai rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản cũng như tăng trưởng tín dụng quá mức. Sau khủng hoảng, một số quốc gia vẫn chưa thể khắc phục những hậu quả nặng nề. Cùng với đó, trên thế giới xuất hiện một số biểu hiện tiềm ẩn về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới có thể xảy ra nếu các quốc gia không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.
Để đối phó với tình hình trên, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) đã ban hành nguyên tắc quản lý và giám sát rủi ro thanh khoản hợp lý sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ vào ngày 15/9/2008. Đáng chú ý hơn, vào tháng 7/2010, BCBS và các thành viên đã đạt được thỏa thuận xây dựng tổng thể gói cải cách vốn và thanh khoản, sau này được gọi là “Basel III”. Kết quả là, bộ tiêu chuẩn vốn tối thiểu toàn cầu với yêu cầu nghiêm ngặt hơn cho các NHTM thuộc 27 thành viên của Basel được công bố vào tháng 9/2010. Các tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản đã được nhất trí tại cuộc họp của Ủy ban Basel vào tháng 12/2010. Về cơ bản, Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả 3 trụ cột của Basel II (Bảng 1). BCBS cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện Basel III từ năm 2013 đến năm 2019.
Bảng 1: Khung 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel III
![]() |
Nguồn: Alexander (2014) và Chabanel (2011) |
Trụ cột I: Yêu cầu về vốn tối thiểu và thanh khoản nâng cao
Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn là 8% nhưng chất lượng vốn được nâng lên, cụ thể: Tỉ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% (Basel II) lên 6% (Basel III); tỉ lệ vốn cấp 1 của cổ đông thường tăng từ 2% (Basel II) lên 4,5% (Basel III). Công thức tính hệ số CAR theo Basel III như sau:
![]() |
Cách tính vốn tự có và tài sản có trọng số rủi ro (RWA) được BCBS hướng dẫn cụ thể trong Hiệp ước vốn Basel III. Để đo lường các loại rủi ro, các ngân hàng có thể lựa chọn một trong các phương pháp như phương pháp chuẩn (SA), phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản (FIRB) và phương pháp xếp hạng nội bộ nâng cao (AIRB) được đề xuất bởi BCBS.
Trụ cột II: Quy trình quản lý rủi ro và giám sát nâng cao
Ngân hàng phải đánh giá và báo cáo mức độ rủi ro mà họ đối mặt, bao gồm các rủi ro khác bên cạnh những rủi ro truyền thống của ngân hàng (rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường). Về phía cơ quản quản lý sẽ giám sát và đánh giá quy trình QTRR của ngân hàng, đồng thời có thể yêu cầu ngân hàng duy trì vốn bổ sung cần thiết để bù đắp cho những rủi ro đặc thù.
Trụ cột III: Tăng cường công bố rủi ro và kỷ luật thị trường
Ngân hàng thực hiện công khai thông tin chi tiết về vốn, rủi ro, hiệu quả hoạt động của ngân hàng để tăng cường tính minh bạch và giúp nhà đầu tư, khách hàng hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của ngân hàng. Đồng thời, Basel III khuyến khích tính kỷ luật thị trường, giúp các bên liên quan đánh giá rủi ro và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Nhìn chung, sự kết hợp của 3 trụ cột ở Basel III tạo ra một khung quản lý toàn diện nhằm tăng cường sự ổn định và an toàn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu. Trụ cột I thiết lập nền tảng về vốn, trụ cột II giám sát và quản lý các rủi ro bổ sung, trong khi trụ cột III bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tạo áp lực buộc các ngân hàng phải hoạt động an toàn và hiệu quả (BCBS, 2011).
Để có thể áp dụng đầy đủ các quy định của 3 trụ cột theo Basel III, ngân hàng trung ương (NHTW) ở mỗi quốc gia phải xây dựng khung pháp lý phù hợp cho các ngân hàng trong nước thực hiện; áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc lập báo cáo tài chính. Về phía các ngân hàng, để bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về vốn, các ngân hàng phải có cơ cấu QTRR, mô hình đo lường rủi ro và cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tính toán các loại rủi ro. Do đó, nguồn lực đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các ngân hàng khi triển khai thực hiện Basel III.
2. Tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới
Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp ước vốn Basel được xem là quy định tốt nhất trong hoạt động giám sát ngân hàng và là công cụ hữu ích, mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Hohl và cộng sự (2018), tình hình triển khai Basel III tại các quốc gia không thuộc BCBS tương tự như các quốc gia thành viên của BCBS (Hình 1). Tiến bộ nhất là những cải tiến được thực hiện đối với định nghĩa về vốn, bao gồm tỉ lệ tối thiểu cao hơn cho vốn chủ sở hữu phổ thông cấp 1 (CET1) và tổng vốn cũng như các khoản đệm vốn liên quan. Cùng với đó là các tiêu chuẩn toàn cầu về rủi ro thanh khoản, đặc biệt là LCR và việc xác định các ngân hàng quan trọng trong hệ thống trong nước (D-SIB) hay trong hầu hết các trường hợp liên quan đến các yêu cầu hấp thụ tổn thất cao hơn. Hình 1 là thông tin về mức độ áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III theo khảo sát Viện Ổn định tài chính (FSI) của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) năm 2015.
Hình 1: Mức độ áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III theo khảo sát của FIS năm 2015
![]() |
Nguồn: FSI, 2015 |
Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo ngân hàng thuộc khu vực châu Á đều ủng hộ mục tiêu chung của Basel III và nhất trí cho rằng, Basel III là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng QTRR và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Tại châu Á, Singapore và Thái Lan tiên phong áp dụng một phần Basel III nhằm thúc đẩy quá trình cải cách thị trường tài chính tiền tệ quốc gia.
Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các NHTM Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Trước năm 2015, các quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHTM được ban hành dựa trên các nguyên tắc của Basel I. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy có sự không đồng đều giữa các ngân hàng, đặc biệt là Basel I chưa đề cập đến một loại rủi ro mà mức độ phức tạp của nó ngày càng trở nghiêm trọng, đó là rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó, với chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cuối năm 2015 NHNN đã phê duyệt chủ trương thí điểm áp dụng Basel II. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II, nhưng chỉ có 10 NHTM hoàn tất việc triển khai cả 3 trụ cột. Đáng chú ý là bên cạnh việc áp dụng Basel II, Việt Nam đã có 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III và Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính (IFRS 9) trong QTRR ngân hàng (Võ Quốc Khánh, 2024). Theo Việt Nam News (2023), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã triển khai dự án tính vốn Basel III dựa trên phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản và nâng cao. Ngân hàng này công bố đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9 và triển khai Basel III theo phương pháp tiếp cận chuẩn. Bên cạnh TPBank, NHTM cổ phần Lộc Phát (LPBank) và NHTM cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã công bố hoàn thành chuẩn mực QTRR theo Basel III. Cùng với đó, một số ngân hàng khác như NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng đang triển khai và áp dụng các yêu cầu về QTRR của tiêu chuẩn Basel III. Điều này cho thấy số lượng các ngân hàng Việt Nam triển khai áp dụng Basel III còn khá hạn chế và mức độ áp dụng còn giới hạn trong một khuôn khổ nhất định.
Không giống với thành viên của BCBS hay các nước phát triển, Việt Nam là nước đang phát triển nên việc áp dụng Basel III còn gặp phải những vướng mắc về khung pháp lý hay những khó khăn về mặt kỹ thuật, điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và mất nhiều thời gian triển khai. Đáng chú ý, Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những mục tiêu cụ thể quan trọng hàng đầu của Đề án này là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao (Basel III) tại các NHTM mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, các NHTM có chất lượng QTRR tốt và đã hoàn tất việc áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025.
3. Kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III
3.1. Indonesia
Indonesia chính thức áp dụng Basel III từ năm 2013, do NHTW Indonesia và Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) điều hành. Quá trình này diễn ra trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang cần củng cố vốn hóa và năng lực QTRR sau những bất ổn kinh tế toàn cầu. Indonesia triển khai Basel III theo từng giai đoạn, với sự ưu tiên cho các yêu cầu phù hợp với năng lực của hệ thống ngân hàng (Bảng 2).
Bảng 2: Giai đoạn triển khai Basel III tại Indonesia
![]() |
Nguồn: NHTW Indonesia và BIS |
Để hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình triển khai Basel III, NHTW Indonesia và OJK đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng. Điển hình là việc gia hạn thời gian đáp ứng các yêu cầu mới đối với các ngân hàng nhỏ. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về Basel cho lãnh đạo và nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi tài chính cho các ngân hàng thông qua việc giảm thuế và các chính sách hỗ trợ ngân hàng tăng vốn tự có.
3.2. Trung Quốc
Tương tự với Indonesia, Trung Quốc cũng là quốc gia châu Á triển khai Basel III từ năm 2013. Thời điểm áp dụng Basel III, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tỉ lệ nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng quốc doanh, áp lực từ việc hội nhập toàn cầu và kỳ vọng nâng cao khả năng chống chịu các rủi ro hệ thống tài chính, sự cần thiết phải cải thiện chất lượng vốn và QTRR để duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế. Trung Quốc triển khai Basel III theo một lộ trình dài hạn với sự phân chia rõ ràng theo quy mô ngân hàng, bao gồm: Ngân hàng lớn, ngân hàng trung bình và ngân hàng nhỏ. (Bảng 3)
Bảng 3: Lộ trình triển khai Basel III tại Trung Quốc
![]() |
Nguồn: PBoC và BIS |
Trong quá trình triển khai Basel III, Chính phủ Trung Quốc và PBoC đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng ở quốc gia này. Trước tiên là các biện pháp hỗ trợ tài chính, Chính phủ nước này cung cấp các gói tài trợ và tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh để đáp ứng yêu cầu về vốn mới, các chính sách ưu đãi thuế cho ngân hàng đầu tư vào vốn tự có và nâng cấp công nghệ QTRR trong ngân hàng. Tiếp theo là biện pháp kiểm soát lộ trình thực hiện Basel III, các ngân hàng nhỏ được gia hạn thời gian triển khai để giảm bớt áp lực, trong khi các ngân hàng lớn phải áp dụng trước Basel III với kỳ vọng dẫn dắt toàn Ngành. Ngoài ra, CBRC tăng cường giám sát và kiểm tra định kỳ, yêu cầu các ngân hàng báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện Basel III (Zou, 2013).
3.3. Hàn Quốc
Hàn Quốc triển khai Basel III vào năm 2013 dưới sự chỉ đạo, giám sát của NHTW Hàn Quốc (BOK) và Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS). Quốc gia này triển khai Basel III trong bối cảnh hệ thống tài chính trong nước cần phải củng cố sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009). Cùng với đó là áp lực cải thiện vốn hóa và QTRR để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường niềm tin của thị trường trong và ngoài nước vào hệ thống ngân hàng Hàn Quốc (Hình 2).
Hình 2: Kế hoạch triển khai Basel III tại Hàn Quốc
![]() |
Nguồn: BOK và BIS |
Trong quá trình triển khai Basel III, Chính phủ Hàn Quốc có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tài chính quốc gia. Do vậy, Chính phủ nước này đã nhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp lý để phù hợp với các tiêu chuẩn của Basel III, xây dựng kế hoạch triển khai Basel III theo từng giai đoạn (bắt đầu từ các ngân hàng lớn, sau đó triển khai đến các ngân hàng nhỏ hơn) và thực hiện một số sáng kiến khác (BIS, 2016). Tiếp đến, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh, đánh giá nội bộ về vốn và QTRR nhằm bảo đảm khả năng chịu đựng của các ngân hàng. Bên cạnh đó, Chính phủ còn phối hợp với các NHTM, tổ chức tài chính để đào tạo, nâng cao năng lực tuân thủ Basel III, đặc biệt là vấn đề về vốn và thanh khoản. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển chính sách ứng phó khủng hoảng bằng cách yêu cầu các ngân hàng lớn xây dựng các kế hoạch khôi phục để bảo đảm khả năng ứng phó khi xảy ra khủng hoảng tài chính (Karunaratne, South-East Asian Central Banks, 2013).
3.4. Jamaica
Jamaica là quốc gia thuộc khu vực Ca-ri-bê, có kế hoạch chuẩn bị triển khai Basel III từ năm 2016 trong bối cảnh hệ thống các ngân hàng Jamaica chịu áp lực phải cải thiện tiêu chuẩn quản trị, minh bạch hóa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nhu cầu hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế. NHTW Jamaica đã xây dựng một lộ trình thực hiện rõ ràng và phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Jamaica. (Hình 3)
Hình 3: Kế hoạch triển khai Basel III tại Jamaica
![]() |
Nguồn: NHTW Jamaica và BIS. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế như Công ước Basel và một số công ước khác tại vùng Ca-ri-bê, Ban Thư ký Công ước Basel đã triển khai một dự án nhằm tăng cường năng lực lập pháp, quản lý và thực thi của các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển như Jamaica. Dự án này được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm khu vực Công ước Basel cho khu vực Ca-ri-bê. Bên cạnh đó, Chính phủ Jamaica yêu cầu các ngân hàng thực hiện quy trình giám sát đánh giá (SREP), nhằm đánh giá toàn diện về vốn và QTRR của ngân hàng. Hơn nữa, Chính phủ nước này còn có các chính sách hỗ trợ tài chính như tái cấp vốn và ưu đãi thuế cho các ngân hàng nhỏ đáp ứng yêu cầu về vốn và thanh khoản. Ngoài ra, Chính phủ Jamaica cũng chú trọng đến công tác đào tạo và nâng cao năng lực của nhân sự ngành Ngân hàng, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ IMF, WB, Ngân hàng Phát triển Ca-ri-bê (CDB) để nhận các khoản đầu tư vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn trong quá trình triển khai Basel III.
4. Một số khuyến nghị cho Việt Nam về việc áp dụng Basel III vào hoạt động ngân hàng
Thứ nhất, NHNN cần xây dựng lộ trình thực hiện Basel III theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng tài chính, nguồn lực của hệ thống ngân hàng trong nước (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) và đặc điểm của thị trường tài chính thế giới.
Thứ hai, Chính phủ và NHNN cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các ngân hàng nhỏ hay các ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hình thức cho vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng trong việc nâng cấp hệ thống QTRR nhằm giảm áp lực tuân thủ Basel III cho các ngân hàng.
Thứ ba, từ bài học của Trung Quốc trong việc QTRR hệ thống và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, NHNN cần có các quy định riêng về QTRR hệ thống cho các ngân hàng lớn. Đồng thời, NHNN cân nhắc giảm bớt yêu cầu đối với các ngân hàng nhỏ để tránh gây áp lực tài chính và vận hành quá lớn. Ngoài ra, Chính phủ và NHNN cần đẩy mạnh đầu tư vào Fintech để hỗ trợ các ngân hàng trong việc giám sát rủi ro và nâng cao chất lượng báo cáo tài chính.
Thứ tư, Chính phủ, NHNN và các NHTM cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc tăng cường năng lực vốn và tính minh bạch thông tin trên thị trường. Cụ thể, cần khuyến khích các ngân hàng tăng cường vốn thông qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu quốc tế; yêu cầu các ngân hàng minh bạch hóa thông tin tài chính, công bố các chỉ số về vốn và thanh khoản nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như IMF, WB để nhận được hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác.
Thứ năm, theo kinh nghiệm của Jamaica trong việc thiết kế các tiêu chuẩn Basel III phù hợp với khả năng tài chính và nguồn lực của các ngân hàng trong nước, NHNN cần điều chỉnh các tiêu chuẩn Basel III phù hợp với thực tiễn của các NHTM, tránh gây áp lực lớn và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN cần phối hợp với các NHTM tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu dành riêng cho nhà lãnh đạo và nhân viên ngân hàng về Basel III cũng như các phương pháp QTRR hiệu quả tại ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Alexander, Kern. (2014). Stability and Sustainability in Banking Reform: Are Environmental Risks Missing in Basel III? Cambridge: CISL & UNEP. https://doi.org/10.5167/uzh-103844
2. BCBS (n.d). History of the Basel Committee. Accessed 9 August 2024, available at: https://www.bis.org/bcbs/history.htm
3. BCBS (2011). Basel III: A global regulatory framework for more resilient banks and banking systems. BIS. Accessed 21 November 2024, available at: https://www.bis.org/publ/bcbs189.pdf
4. BCBS (2016). Assessment of Basel III risk-based capital regulations-Korea. BIS. Accessed 16 December 2024, available at: https://www.bis.org/bcbs/publ/d380.pdf
5. Chabanel, P. E. (2011). Implementing Basel III: challenges, options& opportunities. AmericAS, 1, pages 553-1658
6. Hohl, S., Sison, M. C., Stastny, T., & Zamil, R. (2018). The Basel framework in 100 jurisdictions: Implementation status and proportionality practices. Bank for International Settlements, Financial Stability Institute.
7. International Monetary Fund. Monetary and Capital Markets Department. (2024). Indonesia: Financial Sector Assessment Program-Detailed Assessment of Observance-Basel Core Principles for Effective Banking Supervision. IMF Staff Country Reports, 2024(273). https://doi.org/10.5089/9798400286216.002.A001
8. Karunaratne, J. P. R. & South-East Asian Central Banks (Eds.). (2013). Basel III implementations: Challenges and opportunities. The South East Asian Central Banks (SEACEN), Research and Training Centre
9. Khanh Quoc Vo (2024). Basel III and its implications for banks in Vietnam. Accessed 28 November 2024, available at: https://www.ey.com/en_vn/insights/financial-services/basel-lll-and-its-implications-for-banks-in-vietnam
10. King, P., & Tarbert, H. (2011). Basel III: an overview. Banking & financial services policy report, 30(5), pages 1-18.
11. Secretariat of the Basel Convention (n.d). Enforcement in the Caribbean Small Islands Developing States. Accessed 27 December 2024, available at: https://www.basel.int/Default.aspx?tabid=2557
12. Việt Nam News (2023). Vietnamese banks target international safety standards under Basel III. Accessed 28 November 2024, available at: https://vietnamnews.vn/economy/1550715/vietnamese-banks-target-international-safety-standards-under-basel-iii.html
13. Zou, Y. (2013). Basel III and Its Implementation in China’s Banking Industry. Protokollband 2013, pages 43-54
Tin bài khác


Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ pháp lý tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Sự kết hợp tối ưu giữa các chính sách: An toàn vĩ mô, tiền tệ, tài khóa trong nền kinh tế mới nổi - Kinh nghiệm từ NHTW Brazil và bài học đối với Việt Nam

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Kinh nghiệm quốc tế về thực thi chính sách tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu và bài học cho Việt Nam

Những “phép màu” năm mới của nền kinh tế

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
