
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục
Tóm tắt: Kinh tế tuần hoàn dựa trên các mô hình kinh tế được thực hiện bằng cách tối thiểu hóa, tái sử dụng, tái chế, khôi phục vật liệu trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng với mục tiêu đạt được sự phát triển bền vững cũng như bình đẳng xã hội. Có nhiều phương pháp đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, trong đó, chuyển đổi công nghệ là yếu tố cần thiết. Bài viết này phân tích các khía cạnh liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, những rào cản trong quá trình triển khai, qua đó, đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp.
Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp.
BARRIERS AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING CIRCULAR ECONOMY IN BUSINESSES
Abstract: The circular economy bases on economic models implemented by minimizing, reusing, recycling, restoring materials in the process of production, distribution and consumption. There are various methods to innovate business models in line with the principles of the circular economy, in which, technological transformation is a necessary factor. This article analyzes various aspects related to the development of the circular economy, identifies barriers in implementation and proposes several solutions to promote the adoption of the circular economy model in businesses.
Keywords: Circular economy, circular economic development, businesses.
1. Khái quát về vấn đề phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp
Hiện nay, hoạt động kinh tế chủ yếu dựa trên các phương pháp truyền thống, đó là nền kinh tế tuyến tính liên quan đến việc tăng cường tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguyên nhân cơ bản này dẫn đến sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, kinh tế tuần hoàn được trình bày như một giải pháp bền vững và đối lập với mô hình tuyến tính hiện tại trong sản xuất và quản lý tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Với nền kinh tế tuần hoàn, mục tiêu là kéo dài tuổi thọ hữu ích của một sản phẩm để chất thải hoặc sản phẩm trở thành nguồn cung cho các chu kỳ sản xuất khác. Quá trình này dẫn đến giảm thiểu chất thải nhưng vẫn bảo tồn phần lớn giá trị của sản phẩm. Vật liệu hoặc tài nguyên được tiếp tục chuyển đổi qua các vòng sản xuất hiện có trong một khoảng thời gian dài hơn (Vuta và cộng sự, 2018). Nhìn nhận chất thải như một nguồn tài nguyên, có nghĩa là áp dụng các chiến lược công nghệ đổi mới vào chuỗi giá trị cung ứng hiện có để thực hiện luân chuyển giá trị trong tương lai (Perey và cộng sự, 2018). Điều này dẫn đến việc áp dụng và theo đuổi một phương pháp kinh doanh mới được tích hợp các nguyên tắc về sự bền vững, thích ứng, phục hồi và đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp phải xác định rõ những thách thức, vấn đề mà họ sẽ phải giải quyết sau quá trình chuyển đổi, sau đó huy động các nguồn lực và thực hiện điều chỉnh hành vi của tổ chức để đạt được những mục tiêu đó có hiệu quả (Edgeman, 2020). Vì lý do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên chủ động kết thúc sự tham gia của mình trong nền kinh tế tuyến tính và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững hơn (De Jesus và Mendonça, 2018; Tura và cộng sự, 2019).
Ngày nay, tính bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ngày càng thu hút sự quan tâm của các chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội. Sự bền vững được thể hiện thông qua sự tích hợp, cân bằng giữa hiệu suất kinh tế, các khía cạnh toàn diện xã hội, khả năng phục hồi môi trường, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. Nền kinh tế tuần hoàn thường được coi là một phương tiện để đạt được sự bền vững, nhưng tập trung hẹp hơn vào khía cạnh kinh tế và môi trường (Geissdoerfer và cộng sự, 2017). Để chuyển đổi thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, có ba nguyên tắc cần được bảo đảm bao gồm: Loại bỏ chất thải gây ô nhiễm môi trường; kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, mô hình này cần được thực hiện bởi các doanh nghiệp qua 5 giai đoạn: (1) Cải tiến, thiết kế sản phẩm để tăng cường khả năng tái chế và tái sử dụng; (2) Xây dựng quy trình sản xuất giảm thiểu hoặc loại bỏ việc tạo ra các chất thải; (3) Tiêu thụ có trách nhiệm; (4) Quản lý các chất thải; (5) Chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu thô có giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế (Bộ Công Thương, 2024).
Một mô hình kinh tế bền vững sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó, hệ thống công nghiệp có thể khôi phục hoặc tái tạo một cách chủ động (Selvan và Ramakrishna, 2021). Quá trình chuyển đổi hướng tới tính tuần hoàn mang lại vô số lợi ích cho doanh nghiệp. Trong quá trình này, các doanh nghiệp cố gắng loại bỏ chất thải gây ô nhiễm môi trường một cách có hiệu quả bằng cách thiết kế sản phẩm có thể tái sử dụng, tái thiết chế... Do đó, những nỗ lực chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại cho doanh nghiệp cơ hội để giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường một cách toàn diện trong khi tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên khác (Atasu và cộng sự, 2021). Điều này cũng cho phép doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tạo ra những sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng, giúp họ nhận thức và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hoạt động tiêu dùng xanh hơn, sạch hơn (Tan and Cha, 2021; Rizos và cộng sự, 2016).
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc nâng cao tính bền vững hoặc tính tuần hoàn đòi hỏi sự đổi mới trong cách mà các doanh nghiệp tạo ra giá trị, do đó, họ cần có sự am hiểu và tiến hành thay đổi về công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Sự đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường được trong quá trình sản xuất và tiêu thụ theo phương thức sản xuất truyển thống.
![]() |
Việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Nguồn ảnh: Internet) |
2. Rào cản đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp
Phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xây dựng xã hội bền vững. Tuy nhiên, trước giai đoạn chuyển đổi như hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn còn tồn tại một số rào cản như sau:
Thứ nhất, các văn bản hướng dẫn vẫn chưa hoàn chỉnh và thiếu tính nhất quán trong quá trình triển khai phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, quá trình triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp vẫn là một rào cản lớn do hạn chế của tính khả thi trong mô hình này (Nguyễn Tiến Mạnh và Lâm Thị Thảo, 2024; Thanh Tú, 2023; Trần Linh Huân và cộng sự, 2024).
Thứ hai, những rào cản liên quan đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, doanh nghiệp sẽ gặp phải những trở ngại nhất định như cần đào tạo lại nhân viên hiện có và bổ sung thêm nhân viên mới để phù hợp hơn với mô hình kinh tế mới.
Thứ ba, doanh nghiệp đối mặt với nhiều hạn chế về nguồn vốn. Việc chuyển đổi sang mô hình này đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể, từ việc mua nguyên liệu đến nâng cao năng lực của lực lượng lao động; thiết kế lại mô hình sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm (Nguyễn Tiến Mạnh và Lâm Thị Thảo, 2024).
Thứ tư, hạn chế trong nhận thức của các nhà lãnh đạo kinh doanh, cụ thể là nhận thức của xã hội về hoạt động chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh mới, khác biệt hoàn toàn với mô hình kinh doanh truyền thống trước đây. Vì vậy nhiều doanh nghiệp vẫn còn do dự và không đủ mạnh dạn trong việc chuyển đổi sang mô hình này. Ngoài ra, chi phí triển khai ban đầu cho hoạt động này khá cao, trong khi tài nguyên của doanh nghiệp lại có hạn. Đồng thời, với một số nhà lãnh đạo kinh doanh không ưa mạo hiểm, điều này làm trở ngại đáng kể cho bất kỳ quy trình nội bộ nào để đạt được mục tiêu phát triển tuần hoàn.
Thứ năm, việc phát triển kinh tế tuần hoàn yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị nền tảng công nghệ phù hợp, điều này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Trong trường hợp các doanh nghiệp đối mặt với hạn chế vốn, đây sẽ là một rào cản đáng kể trong việc triển khai (Nguyễn Tiến Mạnh và Lâm Thị Thảo, 2024). Ngoài ra, việc ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn cũng là trở ngại lớn đến hoạt động chuyển đổi công nghệ, bảo đảm cho tính tuần hoàn và bền vững trong doanh nghiệp.
Thứ sáu, trở ngại liên quan đến sự cạnh tranh của sản phẩm. Các sản phẩm từ quá trình sản xuất bền vững thường có giá tiêu dùng cao hơn, trong khi các sản phẩm truyền thống có giá thấp hơn. Với đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, họ thường có ít động lực để chuyển sang lựa chọn sản phẩm mang tính bền vững hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp đi theo con đường sản xuất tuần hoàn phải đổi mới và phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh, quá trình tuần hoàn của họ được đánh giá dựa trên cùng một tập hợp các chỉ số, chẳng hạn như các chỉ số liên quan đến giá sản phẩm và nguyên vật liệu, việc cạnh tranh giá sản phẩm với các doanh nghiệp truyền thống sẽ là một bất lợi với những doanh nghiệp này.
Thứ bảy, thiếu sự liên kết, hỗ trợ giữa các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, nhà quản lý... Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bên liên quan có thể hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy sự chuyển đổi mang tính tuần hoàn (Ranta và cộng sự, 2018; Hart và cộng sự, 2019; Caldera và cộng sự, 2019). Thông qua việc liên kết các bên liên quan, họ có thể chia sẻ kiến thức, công nghệ lẫn nhau, qua đó, tạo điều kiện cho việc thiết lập, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, cần thiết trong quá trình sản xuất tuần hoàn. Trong phạm vi doanh nghiệp, các bộ phận cần kết nối, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là các cổ đông để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh doanh và tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn bằng cách khuyến khích, trao quyền cho các nhà lãnh đạo điều hành theo đuổi các chiến lược phát triển bền vững. Điều này giúp giảm nhẹ lo ngại rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ưu tiên lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai (Rizos và cộng sự, 2016; Zhang và cộng sự, 2019; Staicu và Pop, 2018; Ritala, 2019).
3. Một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp
Nền kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Để đạt được điều này, cần bắt đầu từ sự thay đổi của doanh nghiệp khi phải mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để phù hợp với điều kiện mới. Tại Việt Nam, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 687/QĐ-TTg về Kế hoạch phát triển nền kinh tế tuần hoàn đã định hướng rõ ràng rằng, kinh tế nước ta đang dần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Dựa trên nghiên cứu và phân tích, bài viết đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm:
Thứ nhất, cần có sự minh bạch, rõ ràng trong các hướng dẫn để triển khai mô hình chuyển đổi bền vững cho các doanh nghiệp. Sự nhất quán trong các quy định, hướng dẫn giúp các doanh nghiệp dễ dàng triển khai mô hình kinh doanh tuần hoàn, đồng thời có chính sách khuyến khích để thúc đẩy, biểu dương đối với các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi và đạt hiệu quả trong hoạt động của họ.
Thứ hai, bảo đảm chính sách hỗ trợ vốn, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chuyển đổi xanh, tập trung vào việc thúc đẩy tiếp cận vốn, giúp quá trình chuyển đổi hiệu quả hơn. Các chính sách hướng tới mục tiêu cân bằng thông qua việc giảm sự chênh lệch chi phí giữa hệ thống sản xuất tuyến tính sang hệ thống sản xuất tuần hoàn; tiêu chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá đối với tính tuần hoàn trong doanh nghiệp.
Thứ ba, tập hợp các biện pháp, chính sách toàn diện khác để khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn như: Thực hiện các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định hay tăng cường các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tiến tới mục tiêu kinh tế tuần hoàn ở cấp địa phương. Để các biện pháp này được thiết kế tốt và đạt được mục tiêu đề ra, cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và không nên gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, chia sẻ khoa học công nghệ, kiến thức và cơ sở hạ tầng giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Cần thiết lập cơ sở hạ tầng và ứng dụng chuyên môn trong hệ sinh thái môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phân luồng nguyên vật liệu tuần hoàn.
Thứ tư, truyền cảm hứng về sáng tạo mô hình tuần hoàn trong đội ngũ quản lý cũng như đào tạo các nhóm để nắm bắt tinh thần chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện mới. Ngoài ra, cần tập trung vào việc giáo dục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay vì nâng cao nhận thức về vấn đề bền vững nói chung. Khuyến nghị người tiêu dùng áp dụng mô hình tái chế, tái sử dụng sản phẩm… để kéo dài vòng đời sản phẩm.
Thứ năm, việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của khoa học và công nghệ. Chuyển đổi công nghệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, hạn chế việc khai thác tài nguyên quá mức, gây tổn hại đến hệ sinh thái môi trường. Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, đổi mới, khai thác công nghệ hợp lý nhằm theo kịp bước tiến của thời đại và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cấp thiết trong nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của họ đối với sản phẩm. Công tác giáo dục cần được quan tâm, khuyến khích người dân về ý thức phân loại chất thải từ nguồn, tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho hoạt động thu gom vật liệu, vận chuyển chất thải, tái sử dụng và tái chế.
Thứ bảy, nghiên cứu thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn. Trong khi doanh nghiệp là động lực trung tâm, thì Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường phát triển cho nền kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc học hỏi các phương pháp và kinh nghiệm quốc tế là một yếu tố cần thiết để góp phần đạt được mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tài liệu tham khảo
1. Atasu, A.; Dumas, C.; Wassenhove, L.N.V. (2021). The Circular Business Model. Harvard Business Review. July-August 2021.
2. Bộ Công Thương Việt Nam (2024). Doanh nghiêp đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn.
3. Caldera, H.T.S.; Desha, C.; Dawes, L (2019). Evaluating the enablers and barriers for successful implementation of sustainable business practice in ‘lean’ SMEs. Journal of Cleaner Production. 2019, 218, pages 575-590.
4. De Jesus, A., & Mendonça, S. (2018). Lost in transition? Drivers and barriers in the eco-innovation road to the circular economy. Ecological Economics, 145, 75–89. https://doi.org/10.1016/j.ecolecon.2017. 08.001
5. Dey, P. K., Malesios, C., De, D., Budhwar, P., Chowdhury, S., & Cheffi, W. (2020). Circular economy to enhance sustainability of small and medium‐sized enterprises. Business Strategy and the Environment, 29(6), pages 2145-2169.
6. Edgeman, R. (2020). Urgent evolution: excellence and wicked Anthropocene Age challenges. Total Quality Management & Business Excellence, 31(5-6), pages 469-482.
7. Fenna Blomsma & Geraldine Brennan, 2017. “The Emergence of Circular Economy: A New Framing Around Prolonging Resource Productivity,” Journal of Industrial Ecology, Yale University, vol. 21(3), pages 603-614.
8. Geissdoerfer, M., Savaget, P., Bocken, N. M. P., & Hultink, E. J. (2017). The circular economy - A new sustainability paradigm? Journal of Cleaner Production, 143(February), 757–768. https://doi.org/10.1016/j. jclepro.2016.12.048
9. Ghisellini P., Cialani. C, Ulgiati. S (2016). A review on circular economy: the expected transition to a balanced interplay of environmental and economic systems. Journal of Cleaner Production.(2016)
10. Hart, J.; Adams, K.; Giesekam, J.; Tingley, D.D.; Pomponi, F (2019). Barriers and drivers in a circular economy: The case of the built environment. Procedia CIRP 2019, 80, pages 619-624.
11. Kumar, S., Raut, R. D., Nayal, K., Kraus, S., Yadav, V. S., & Narkhede, B. E. (2021). To identify industry 4.0 and circular economy adoption barriers in the agriculture supply chain by using ISM-ANP. Journal of Cleaner Production, 293, 126023.
12. Nguyễn Tiến Mạnh và Lâm Thị Thảo (2024). Kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và rào cản. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Trường Đại học Hòa Bình. Số 12, tháng 6/2024.
13. Perey, R., Benn, S., Agarwal, R., & Edwards, M. (2018). The place of waste: Changing business value for the circular economy. Business Strategy and The Environment, 27(5), pages 631-642.
14. Prieto-Sandoval, V., Jaca, C., & Ormazabal, M. (2018). Towards a consensus on the circular economy. Journal of Cleaner Production, 179, pages 605-615. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2017.12.224
15. Rizos, V.; Behrens, A.; Van Der Gaast, W.; Hofman, E.; Ioannou, A.; Kafyeke, T.; Flamos, A.; Rinaldi, R.; Papadelis, S.; Hirschnitz-Garbers, M.; and Corrado Topi (2016). Implementation of Circular Economy Business Models by Small and Medium-Sized Enterprises (SMEs): Barriers and Enablers. Sustainability 2016, 8, 1212.
16. Selvan, R.T.; Ramakrishna S(2021). Sustainability for Beginners; World Scientific: Singapore, 2021; page 200.
17. Staicu, D.; Pop, O (2018). Mapping the interactions between the stakeholders of the circular economy ecosystem applied to the textile and apparel sector in Romania. Management & Marketing. 2018, 13, pages 1190-1209.
18. Tan, J.; Cha, V. (2021). Innovation for Circular Economy. In An Introduction to Circular Economy; Springer: Singapore, 2021; pages 369–395.
19. Thanh Tú (2023). Loại bỏ các rào cản trong đầu tư kinh tế tuần hoàn.
20. Tura, N.; Hanski, J.; Ahola, T.; Ståhle, M.; Piiparinen, S.; Valkokari, P. (2019). Unlocking circular business: A framework of barriers and drivers. Journal of Cleaner Production, 2019, 212, pages 90-98.
21. United Nations. (2015). Transforming our world: The 2030 Agenda for Sustainable Development.
22. Vuta, M., Vuta, M., Enciu, A., & Cioaca, S.-I. (2018). Assessment Of The Circular Economy’s Impact In The EU. Amfiteatru Economic, 20(48), pages 248-261.
23. Zhang, A.; Venkatesh, V.G.; Liu, Y.; Wan, M.; Qu, T.; Huisingh, D (2019). Barriers to smart waste management for a circular economy in China. Journal of Cleaner Production. 2019, 240, 118198.
Tin bài khác


Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
