
Thực thi ESG: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Thực thi ESG - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn ESG trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới cũng như đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, xã hội và quản trị. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao sáng kiến của Báo Dân trí - cơ quan ngôn luận của Bộ Nội vụ trong việc tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và xây dựng các giải pháp thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu Khai mạc Diễn đàn |
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững bởi đây là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Đây chính là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được Chính phủ hiện thực hóa thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị. Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Diễn đàn ESG Việt Nam với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” chính là cơ hội để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các bên liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề cấp bách liên quan đến bài toán thực thi ESG, đồng thời hướng đến các giải pháp thực thi ESG thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù tại Việt Nam.
Về phía Bộ Nội vụ, với vai trò quan trọng trong việc kiến tạo khung khổ pháp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức xã hội, định hướng và phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực của quốc gia, Bộ Nội vụ đang góp phần tích cực trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho thực hành ESG, thúc đẩy phát triển bền vững và kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tại Diễn đàn, Ông Deep Sen - Phó Chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững (SFSC) EuroCham Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy thực thi ESG tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Theo ông Deep Sen, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh - bao trùm - có trách nhiệm, nhờ các cam kết mạnh mẽ về Net Zero của Chính phủ cùng với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân. Ông cho rằng, ESG không chỉ là một bộ tiêu chuẩn đạo đức hay trách nhiệm xã hội, mà thực chất là một mô hình phát triển mới, nơi tài chính đóng vai trò then chốt để chuyển đổi chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững.
![]() |
Ông Deep Sen - Phó Chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững - EuroCham Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn |
Về các yếu tố trọng yếu cần được thúc đẩy trong việc thực thi ESG, ông Deep Sen nhấn mạnh đến 3 yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về tài chính bền vững, bao gồm chuẩn mực báo cáo ESG, hướng dẫn phân loại các khoản đầu tư xanh và tích hợp ESG vào quản trị doanh nghiệp; thứ hai, nâng cao vai trò của ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc huy động nguồn lực, tái phân bổ vốn cho các dự án xanh và đánh giá rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng; thứ ba, tăng cường năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là khối SME để hiểu và áp dụng hiệu quả các tiêu chí ESG thông qua đào tạo, sử dụng công cụ hỗ trợ và kết nối với thị trường tài chính xanh.
Ông Deep Sen khẳng định, với sự hợp tác công - tư chặt chẽ và vai trò dẫn dắt của Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chức năng và sự nghiêm túc trong quá trình thực thi của các doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu về phát triển bền vững tại khu vực ASEAN trong những năm tới.
Thực thi ESG toàn diện - Phương châm hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: Mặc dù là một trong những doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, trong đó thế mạnh là công nghệ thông tin - lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong bối cảnh chuyển đổi số, Tập đoàn FPT khi thực thi ESG không coi mình trong vai doanh nghiệp lớn mà hoạt động giống như các doanh nghiệp bình thường khác. Việc thực hành ESG đã được FPT tiên phong triển khai trong hơn 10 năm qua, đặc biệt 4 năm trở lại đây là thời điểm FPT triển khai trên quy mô toàn diện, từ nội bộ đến toàn bộ đối tác để tạo ra những điểm kết nối.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn |
Với đội ngũ nhân sự khổng lồ, gần 90.000 nhân viên, trong đó khoảng 40.000 nhân viên thế hệ gen Z (sinh năm 1995 trở lại đây), FPT cho rằng, việc đưa tiêu chuẩn ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao hoạt động của FPT, qua đó giúp mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt, thu hút lao động trẻ. Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ các nguyên tắc thực thi ESG ở FPT bao gồm: Một là “không sao chép”, bởi mỗi doanh nghiệp phải xây dựng các yếu tố thực thi ESG riêng biệt dù doanh nghiệp chỉ có 3 - 5 người. Hai là “không lùi bước”, việc thực thi ESG không chỉ nhằm xây dựng những báo cáo bền vững có nội dung đẹp, mà phải thực thi thật trong hoạt động của chính doanh nghiệp. Ba là “phải đo lường được”, kết quả việc thực hành ESG phải được đo bằng định lượng, cụ thể, rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh 5 nguyên tắc xây dựng khung chiến lược cho thực thi ESG: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, đóng góp cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, FPT cũng chủ động xây dựng môi trường làm việc xanh với văn phòng xanh, không gian mở, kiểm soát tiêu thụ điện, nước, triển khai văn phòng không giấy tờ, đặc biệt Tập đoàn luôn đặt mục tiêu lấy con người làm trung tâm: “Người giỏi và tốt là một chuyện. Điều quan trọng là tìm được người phù hợp”, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Theo đó, FPT đã đưa AI vào quản trị nội bộ, quản trị việc mua - bán hàng, quản trị dòng tiền với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin. Đây chính là những nền tảng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường và các chính sách toàn cầu như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu… đang mang đến những thách thức, nhưng đồng thời cùng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững. Đánh giá bối cảnh tại Việt Nam, ông Mandal cho biết Chính phủ đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển xanh, khí hậu, năng lượng. Đặc biệt, ESG trở thành nền tảng trong các chính sách kinh tế mới của Nhà nước. Ông cho rằng, doanh nghiệp buộc phải thay đổi từ chiến lược đến vận hành nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH phát biểu tại Diễn đàn |
Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, Công ty cổ phần Sữa TH đang tích cực tích hợp ESG vào hoạt động dựa trên 3 trụ cột:
(i) Môi trường: TH đã đưa vào sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời với sản lượng khoảng 7 triệu kWh mỗi năm, góp phần cắt giảm hơn 5.000 tấn CO2 phát thải. Song song, doanh nghiệp thu hồi và tái sử dụng khoảng 1,6 triệu m3 nước mỗi năm, vừa tiết kiệm tài nguyên vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. Đặc biệt, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng như trồng cây xanh, giám sát rạn san hô và áp dụng biện pháp sinh học - dùng thiên địch thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp cũng cam kết duy trì trung hòa carbon vĩnh viễn, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060 và ISO 14068.
(ii) Xã hội: Không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất, TH còn luôn chủ động lan tỏa giá trị đến cộng đồng thông qua hàng loạt sáng kiến thiết thực. Nổi bật là mô hình liên kết với hơn 20.000 hộ nông dân, góp phần nâng cao giá trị nông sản và phát triển vùng nguyên liệu bền vững. TH cũng là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng nhiều chương trình vì sức khỏe và tương lai thế hệ trẻ như “Sữa học đường”, “Bữa ăn học đường”, cùng các dự án thuộc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt. Các hoạt động trao quyền cho phụ nữ, chăm lo dinh dưỡng và giáo dục cho trẻ em trở thành những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển con người mà tập đoàn theo đuổi lâu dài…
(iii) Quản trị: TH chú trọng xây dựng hệ thống minh bạch và tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế với việc công bố báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn Báo cáo phát triển bền vững GRI, đồng thời vận hành Ủy ban Phát triển bền vững và phòng ban chuyên trách ESG để hiện thực hóa các cam kết quốc tế. Bộ Quy tắc ứng xử cùng chính sách đa dạng - công bằng - hòa nhập là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của TH. Văn hóa nội bộ “lên tiếng" (speak up) cũng được khuyến khích, tạo nên môi trường làm việc an toàn, dân chủ và công bằng, là yếu tố nền tảng cho một doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm.
Theo ông Mandal, điều tạo nên khác biệt của TH khi thực thi ESG chính là tốc độ và sự nghiêm túc. “Khi đã quyết, chúng tôi triển khai rất nhanh, có kế hoạch cụ thể, đội ngũ rõ ràng từ tập đoàn đến từng công ty thành viên. Tất nhiên, đi đầu luôn có thách thức - về nhân lực, chi phí, quá trình thực thi. Nhưng doanh nghiệp không đơn độc. Chúng tôi tin đây là con đường chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiến tới Net Zero”, ông Mandal khẳng định.
Bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (Xanh SM) khẳng định, tiêu chuẩn ESG chính là ngôn ngữ chung để doanh nghiệp Việt Nam tăng sức mạnh hội nhập toàn cầu. Nhằm mục tiêu thực thi hiệu quả ESG, cũng như hưởng ứng cam kết NetZero của Thủ tướng tại COP26, qua 2 năm ra mắt thị trường, Xanh SM đã đạt 300 triệu chuyến xe và mang lại việc làm cho 100.000 tài xế, đồng thời giúp giảm hơn 211.000 tấn CO2. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sau khi chuyển sang xe điện đã giảm 40% chi phí nhiên liệu, giảm 40% chi phí bảo dưỡng. Đồng thời, Xanh SM hiện nay đã là doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam và có mặt tại một số quốc gia như Lào, Indonesia…
![]() |
Bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh phát biểu tại Diễn đàn |
Phó Tổng Giám đốc Xanh SM cũng cho biết, tính đến nay, đã có hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào liên minh xanh Việt Nam. Xanh SM không chỉ tạo ra công việc, thu nhập cho người lao động, đồng thời, còn hiện thực hóa việc thực hiện các tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp và cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam. Đối với Xanh SM, ESG không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động, thể hiện sứ mệnh cao cả của doanh nghiệp đó là kiến tạo vì một tương lai Xanh và bền vững.
Chia sẻ về chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên Hội đồng thành viên PVN nhấn mạnh, phát triển bền vững không còn là một khái niệm mang tính lý thuyết, mà là yêu cầu thiết yếu trong kỷ nguyên mới. Theo đó, từ năm 2015, PVN đã công bố báo cáo phát triển bền vững hằng năm, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, thể hiện cam kết minh bạch và trách nhiệm. Việc tích hợp ESG vào chiến lược phát triển được doanh nghiệp thực hiện đồng bộ và toàn diện trên ba khía cạnh:
Về lĩnh vực môi trường, PVN chú trọng đến các vấn đề về an toàn, kiểm soát phát thải, quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sau khai thác và áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất. PVN cũng đang từng bước đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ xanh như thu hồi, lưu trữ, sử dụng carbon để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Về lĩnh vực xã hội, PVN đề cao việc bảo vệ người lao động, xây dựng môi trường làm việc công bằng, đa dạng, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương nơi tập đoàn hoạt động.
Về lĩnh vực quản trị, PVN không ngừng cải tiến hệ thống quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả, với sự tăng cường vai trò của Hội đồng thành viên và cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ.
![]() |
Ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên Hội đồng thành viên PVN phát biểu tại Diễn đàn |
Ông Phạm Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, PVN xác định rõ vai trò tiên phong của mình trong việc dẫn dắt chuyển đổi xanh và phát triển bền vững ngành năng lượng. Tập đoàn cam kết tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tích hợp hiệu quả các yếu tố ESG, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp thiết thực cho ngành công nghiệp năng lượng nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.
Thực thi ESG - Vai trò chiến lược của ngành Ngân hàng Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bao trùm. Nhiều chính sách liên quan đến giảm phát thải carbon, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và nông nghiệp bền vững đã được ban hành, tạo nền tảng cho doanh nghiệp định hướng phát triển theo ESG. Tuy nhiên, tác động thực tế vẫn còn ở mức khiêm tốn, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Mặc dù nhiều chương trình tín dụng xanh được công bố, nhưng yêu cầu minh bạch về tài chính và tiêu chuẩn ESG mà đa số SME chưa đủ năng lực đáp ứng. Bên cạnh đó, SME cũng gặp khó trong tiếp cận công nghệ sạch và hiện đại do chi phí đầu tư cao và thiếu thông tin về các giải pháp phù hợp. Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chưa nhất quán, chính sách thiếu tính kết nối và hỗ trợ cụ thể cho SME khiến tác động lan tỏa bị hạn chế.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững,VCCI phát biểu tại Diễn đàn |
Ông Nguyễn Tiến Huy kiến nghị, để chính sách phát triển bền vững thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ các rào cản thể chế, thúc đẩy khung pháp lý minh bạch, thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho SME, từ đó giúp SME tiếp cận được nguồn lực và bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.
Chia sẻ về vai trò của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi ESG, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trước những diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường và những chính sách, tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe… đặt ra những cơ hội cũng như thách thức đan xen cho ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi ESG cũng như việc thực thi ESG trong chính hệ thống ngân hàng.
![]() |
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Diễn đàn |
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực xanh tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng quy mô, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ xanh, chuyển đổi danh mục đầu tư bền vững hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào với phí hợp lý. Bên cạnh đó, hiện nay xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, dự án đầu tư “xanh” mới, trong khi chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật chung về môi trường để nhận diện, đánh giá tính “xanh” của dự án đầu tư, đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để lựa chọn, thẩm định, quản lý khoản cấp tín dụng xanh hiệu quả. Vì vậy, các ngân hàng cần phải đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư và tăng cường quản trị rủi ro khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động cho vay, qua đó đóng góp tích cực vào việc “xanh” hóa nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.
Với vai trò là kênh dẫn vốn huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động vì môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, góp phần chuyển đổi nền kinh tế xanh, phát thải thấp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, NHNN đã định hướng hoạt động tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, rủi ro môi trường và xã hội thông qua các Chiến lược phát triển của Ngành, Đề án phát triển ngân hàng xanh Việt Nam, Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững… phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Từ đó, tăng cường nhận thức, trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo hướng bền vững.
Thứ hai, NHNN đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào ngành, lĩnh vực xanh; lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng; xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng thực hiện các Đề án chống biến đổi khí hậu, chương trình cho vay nông nghiệp bền vững, phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp... tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ ba, NHNN chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều quy định, hướng dẫn để triển khai hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng một cách đồng bộ, hiệu quả: Ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường, xã hội, quản trị đối với 15 ngành có rủi ro cao…
Thứ tư, NHNN tích cực tham gia nhiều diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực… trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; qua đó góp phần từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ, ngân hàng trong bối cảnh đất nước đang vươn mình và hội nhập quốc tế.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất: Chiến lược để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới |
Tin bài khác


Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Dòng vốn ngân hàng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát huy thế mạnh vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Đẩy mạnh các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực để đạt được các mục tiêu tăng trưởng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tri ân các đơn vị và cán bộ nghỉ hưu trước tuổi

Chủ động cung ứng vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
