Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Quốc tế
Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
aa

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích tầm quan trọng của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên dữ liệu khảo sát hộ gia đình do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện. Kết quả chỉ ra rằng trình độ hiểu biết tài chính của người dân có ảnh hưởng đáng kể đến cách các hộ gia đình phản ứng trước sự thay đổi về lãi suất và kỳ vọng lạm phát. Theo khảo sát, những hộ gia đình có kiến thức tài chính cao thường tiếp nhận thông tin từ ngân hàng trung ương kịp thời và điều chỉnh hành vi tiêu dùng, tiết kiệm cũng như vay mượn một cách hợp lý, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ. Ngược lại, các hộ có hiểu biết hạn chế thường phản ứng chậm và thiếu hiệu quả, dẫn đến nhận định sai lệch về tác động của chính sách. Sự khác biệt về kiến thức tài chính giữa các nhóm dân cư theo độ tuổi, giới tính và mức thu nhập càng làm gia tăng bất bình đẳng trong hành vi tài chính. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông tài chính để nâng cao hiểu biết của người dân, qua đó góp phần hỗ trợ thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả hơn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách bền vững.

Từ khóa: Hiểu biết tài chính, chính sách tiền tệ, hộ gia đình.

FINANCIAL LITERACY AND TRANSMISSION OF MONETARY POLICY: LESSONS LEARNED FROM EUROPEAN CENTER BANK AND RECOMMENDATIONS

Abstract: This article analyzes the importance of financial literacy in the transmission of monetary policy, based on household survey data conducted by the European Central Bank (ECB). The findings indicate that individuals’ level of financial knowledge significantly influences how households respond to changes in interest rates and inflation expectations. According to the survey, households with high financial literacy tend to promptly absorb information from the central bank and adjust their consumption, saving, and borrowing behaviors accordingly, thereby enhancing the effectiveness of monetary policy transmission. In contrast, households with limited financial knowledge often respond more slowly and less efficiently, leading to inaccurate assessments of policy impacts. Differences in financial literacy across age groups, genders, and income levels further exacerbate inequality in financial behavior. Based on these insights, the article recommends strengthening financial education and communication efforts to improve public understanding, thereby supporting more effective implementation of monetary policy and promoting sustainable economic growth.

Keywords: Financial literacy, monetary policy, households.

1. Khái niệm về hiểu biết tài chính và vai trò trong truyền tải chính sách tiền tệ

Lusardi và Mitchell (2014) cho rằng, hiểu biết tài chính là khả năng nắm bắt và vận dụng các kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân - bao gồm lập kế hoạch tài chính, quản lý nợ, đầu tư và tiết kiệm - để đưa ra các quyết định tài chính hợp lý và bảo đảm phúc lợi tài chính suốt đời. Theo Atkinson và Messy (2012), hiểu biết tài chính là sự kết hợp của kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi cần thiết để cá nhân có thể ra quyết định tài chính một cách hiệu quả, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tài chính và giảm thiểu rủi ro. OECD/INFE (2012) cho rằng, hiểu biết tài chính bao gồm sự nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi trong việc quản lý tài chính cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi kinh tế.

Có thể nói, hiểu biết tài chính không chỉ là khả năng nắm bắt và vận dụng các khái niệm tài chính cơ bản, mà còn là công cụ giúp cá nhân đưa ra những quyết định tài chính thông minh, giảm thiểu rủi ro đầu tư và chuẩn bị tốt cho tương lai.

Vậy hiểu biết tài chính có vai trò như thế nào trong việc truyền tải chính sách tiền tệ? Những người có kiến thức tài chính cao phản ứng như thế nào với thay đổi lãi suất? Liệu họ có sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn và có cái nhìn dài hạn hơn?

Theo khảo sát ý kiến công chúng mới nhất của ECB (2024), hơn 90% số người được hỏi biết đến ECB. Tuy nhiên, chỉ có 43% trong số họ nắm rõ nhiệm vụ của ECB là duy trì ổn định giá cả, mặc dù lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của công dân châu Âu. Những phát hiện này là một phần của hiện tượng chung, đó là mức độ hiểu biết tài chính còn hạn chế.

Kết quả khảo sát của ECB cho thấy, mức hiểu biết tài chính cao có xu hướng giúp thông điệp của ngân hàng trung ương lan tỏa hiệu quả hơn tới nền kinh tế thực, từ đó góp phần làm cho chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao hơn và giảm tỉ lệ hy sinh - tức chi phí giảm lạm phát dưới dạng mất mát sản lượng hoặc tăng thất nghiệp.

Vì lý do này, các ngân hàng trung ương, trong đó có ECB, đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao hiểu biết tài chính. Những sáng kiến này không chỉ củng cố niềm tin vào ngân hàng trung ương, mà còn hỗ trợ các mục tiêu rộng lớn hơn.

2. Hiểu biết tài chính khác biệt đáng kể giữa các nhóm kinh tế - xã hội

Năm 2021, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã công nhận hiểu biết tài chính là kỹ năng cần thiết giúp người dân tự chủ trong các quyết định tài chính cá nhân và nâng cao phúc lợi chung. Nó được định nghĩa là khả năng nắm bắt và sử dụng hiệu quả các khái niệm tài chính cơ bản để ra quyết định tài chính cá nhân.

Quá trình ra quyết định này diễn ra suốt cuộc đời của mỗi người, từ việc quyết định chi tiêu, tiết kiệm đến lựa chọn cách đầu tư hiệu quả, tài trợ cho các khoản mua sắm lớn như nhà ở và chuẩn bị cho tuổi già hay những tình huống khẩn cấp. Điều này đòi hỏi người dùng phải hiểu rõ cách mà lãi suất và lạm phát tác động đến lợi nhuận từ các sản phẩm tài chính cũng như chi phí vay mượn.

Sự biến động kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây càng làm nổi bật tầm quan trọng của hiểu biết tài chính đối với phúc lợi của các hộ gia đình. Sự gia tăng lạm phát sau đại dịch Covid-19 và việc lãi suất tăng đột biến sau một thập kỷ ở mức thấp đã cho thấy nhu cầu hiểu và ứng phó hiệu quả với môi trường thay đổi của lạm phát và lãi suất.

Các nhà kinh tế Annamaria Lusardi và Olivia Mitchell (2014) trong nghiên cứu: “Tầm quan trọng kinh tế của hiểu biết tài chính: Lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm” đặt ra ba câu hỏi lớn về hiểu biết tài chính, trở thành tiêu chí phổ biến để đánh giá kiến thức cơ bản trong ba lĩnh vực quan trọng đối với quyết định tài chính của hộ gia đình: Khái niệm lãi kép, tác động của lạm phát lên sức mua của tiết kiệm và lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Một cá nhân được xem là có hiểu biết tài chính nếu trả lời đúng cả ba câu hỏi này.

Nhiều khảo sát đã thu thập dữ liệu về mức độ hiểu biết tài chính ở các quốc gia và nhóm kinh tế - xã hội khác nhau. ECB cũng góp phần bằng cách đưa các câu hỏi về hiểu biết tài chính vào khảo sát kỳ vọng tiêu dùng. Kết quả cho thấy, trong khu vực đồng Euro, chưa đến một nửa số người được hỏi (khoảng 48%) trả lời đúng cả ba câu.

Hơn nữa, mức hiểu biết tài chính còn có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm: Một là, người trẻ có kiến thức tài chính thấp hơn so với trung bình. Những người dưới 50 tuổi thường có mức hiểu biết tài chính hạn chế. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tích lũy của cải dài hạn hoặc quyết định mua sắm các khoản đầu tư lớn. Hai là, phụ nữ có mức hiểu biết tài chính thấp hơn đáng kể so với nam giới. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là khi về già. Ba là, mức hiểu biết tài chính tăng dần theo trình độ học vấn và thu nhập, góp phần làm gia tăng bất bình đẳng vì những người có kiến thức tốt thường ra quyết định tài chính hiệu quả hơn. Cuối cùng, sự khác biệt cũng tồn tại giữa các quốc gia, ngay cả trong khu vực đồng Euro. Các nước Bắc Âu thường có mức hiểu biết tài chính cao hơn.

Những khác biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân, mà còn tác động đến hiệu quả của chính sách kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, hiệu quả của chính sách tiền tệ phụ thuộc vào việc truyền tải nhanh và hiệu quả các quyết định chính sách, đặc biệt là thay đổi lãi suất, đến những điều kiện tài chính và từ đó tác động tới hoạt động kinh tế và lạm phát.

3. Các hộ gia đình có kiến thức tài chính cao phản ứng mạnh mẽ hơn trước thay đổi lãi suất

Trong các mô hình kinh tế vĩ mô truyền thống, chính sách tiền tệ tác động chủ yếu qua kênh lãi suất: Khi lãi suất tăng, người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và tiêu dùng, đầu tư ít hơn do hiệu ứng thay thế. Lãi suất cao khiến doanh nghiệp do dự đầu tư và các hộ gia đình hạn chế mua sắm các hàng hóa lâu bền. (Hình 1)

Hình 1: Sự chú ý tới thay đổi lãi suất của các hộ gia đình châu Âu

Đơn vị tính: %

Nguồn: Khảo sát kỳ vọng của người tiêu dùng châu Âu  của ECB, 2024
Nguồn: Khảo sát kỳ vọng của người tiêu dùng châu Âu của ECB, 2024

Những nhà hoạch định chính sách thường dựa vào các mô hình này và cho rằng các hộ gia đình sẽ điều chỉnh hành vi vay mượn và tiết kiệm một cách tối ưu khi lãi suất thay đổi. Tuy nhiên, nếu một bộ phận dân cư có kiến thức tài chính hạn chế, hành vi của họ có thể không phản ánh đúng các giả định của mô hình, dẫn đến việc dự báo sai hiệu quả truyền tải của chính sách tiền tệ.

Một ví dụ điển hình là khi ECB tăng lãi suất chính sách năm 2022 để kiềm chế lạm phát, những người có kiến thức tài chính nhận ra rằng đây là cơ hội để tăng cường tiết kiệm và hạn chế vay mượn, giúp quá trình truyền tải chính sách diễn ra hiệu quả; ngược lại, nhóm ít hiểu biết phản ứng chậm và yếu hơn. (Hình 2, Hình 3)

Hình 2: Mô tả phản ứng của hộ gia đình châu Âu đối với thay đổi lãi suất (trường hợp thích hợp để tiết kiệm)
từ tháng 7/2022 đến tháng 11/2024

Đơn vị tính: %

Nguồn: ECB, 2024
Nguồn: ECB, 2024

Hình 3: Mô tả phản ứng của hộ gia đình châu Âu đối với thay đổi lãi suất (trường hợp thích hợp để vay mượn)
từ tháng 7/2022 đến tháng 11/2024

Đơn vị tính: %

Nguồn: ECB, 2024
Nguồn: ECB, 2024

Trong một số trường hợp khác, tác động đến truyền tải chính sách không được rõ ràng. Các hộ gia đình có kiến thức tài chính cao thường ưu tiên vay với lãi suất cố định khi lãi suất thấp, nhưng lại không điều chỉnh rõ khi lãi suất tăng cao, dẫn đến việc truyền tải chính sách gặp trở ngại. Trong khi đó, các hộ gia đình có kiến thức hạn chế thường không thay đổi sở thích vay mượn đáng kể khi lãi suất tăng.

Hiểu biết tài chính của người vay và người gửi tiền ảnh hưởng đến cả tốc độ và mức độ mà các ngân hàng điều chỉnh lãi suất chính sách thành các điều kiện tài chính thực tế. Khi các hộ gia đình càng chú ý đến mức lãi suất, họ càng tìm kiếm được các sản phẩm vay mượn và tiết kiệm có điều kiện tốt nhất. Điều này được thể hiện rõ qua khả năng “so sánh” các điều khoản vay mượn của các hộ gia đình có kiến thức tài chính tốt hơn.

4. Hiểu biết tài chính làm tăng khả năng chấp nhận rủi ro và tham gia thị trường chứng khoán

Chính sách tiền tệ nới lỏng thường có xu hướng khuyến khích nhà đầu tư dịch chuyển từ các tài sản an toàn sang những lựa chọn có tiềm năng sinh lời cao hơn, qua đó gia tăng hiệu quả của các điều chỉnh chính sách.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhờ có hiểu biết tài chính tốt, các hộ gia đình thường có khả năng đầu tư vào cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ cao hơn, qua đó góp phần củng cố cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ. Tương tự, trên thị trường thế chấp, các hộ gia đình có kiến thức tài chính tốt cũng có xu hướng vay mua nhà nhiều hơn, dù mức độ khác biệt so với đầu tư cổ phiếu không quá lớn. Điều này cho thấy những thay đổi trong hành vi vay mượn của hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, khả năng chấp nhận rủi ro cao cũng mang lại tác động gián tiếp tích cực khi thúc đẩy huy động vốn tư nhân vào các khoản đầu tư rủi ro nhưng có hiệu suất cao hơn, từ đó nâng cao năng suất và lãi suất tự nhiên (r-star). Điều này mở rộng dư địa để ngân hàng trung ương sử dụng công cụ lãi suất trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế khi cần thiết.

Nếu một bộ phận lớn dân số phản ứng với chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách điều chỉnh danh mục đầu tư từ các sản phẩm tiết kiệm sang cổ phiếu, điều này không chỉ giúp thị trường chứng khoán phát triển, mà còn tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, từ đó gia tăng thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, hiệu ứng của cải vật chất cũng đóng vai trò như một kênh khuếch đại. Khi chính sách tiền tệ nới lỏng diễn ra đồng thời với hiệu suất tốt của các tài sản rủi ro, giá trị tài sản của hộ gia đình tăng lên, từ đó kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng, giá tài sản có thể biến động không đồng đều, đôi khi làm suy yếu hiệu quả truyền tải chính sách.

Cuối cùng, các hộ gia đình có kiến thức tài chính vững thường duy trì được khoản tiết kiệm dự phòng lớn hơn, giúp họ ứng phó tốt với các cú sốc tài chính và duy trì mức tiêu dùng ổn định. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt, những hộ gia đình này có thể sử dụng khoản tiết kiệm đó để duy trì chi tiêu, làm chậm lại quá trình truyền tải tác động của chính sách.

5. Các hộ gia đình có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc hình thành kỳ vọng lạm phát

Một trong những kênh truyền tải của chính sách tiền tệ là thông qua kỳ vọng lạm phát. Vì các quyết định tiêu dùng, đầu tư và cả quá trình định giá, thậm chí cả tiền lương đều dựa vào kỳ vọng về tốc độ thay đổi giá cả trong tương lai, nên cách mà các hộ gia đình hình thành kỳ vọng lạm phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng lạm phát. (Hình 4)

Hình 4: Nhận thức về lạm phát và lạm phát tính theo chỉ số HICP của hộ gia đình châu Âu
từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2024

Nguồn: ECB, 2024
Nguồn: ECB, 2024

Nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ ra rằng trong bối cảnh lạm phát gần đây, kỳ vọng lạm phát ngắn hạn trở nên rất quan trọng trong việc định hình mức lạm phát của các nền kinh tế phát triển.

Nếu có các yếu tố làm giảm sự nhạy cảm của kỳ vọng lạm phát trước diễn biến giá cả thực tế, thì lạm phát sẽ giảm nhanh hơn với mức chi phí thấp hơn, nghĩa là tỉ lệ hy sinh sẽ thấp hơn. Vì vậy, việc hiểu rõ cách thức hình thành kỳ vọng của người tiêu dùng là rất quan trọng đối với các ngân hàng trung ương.

Nghiên cứu của IMF cho thấy, tác động giảm phát của việc thắt chặt chính sách mạnh hơn khi tỉ lệ người có tầm nhìn dài hạn cao. Các hộ gia đình có tầm nhìn dài hạn thường dựa trên nhiều thông tin hơn, bao gồm chính sách của ngân hàng trung ương, trong khi nhóm có tầm nhìn ngắn hạn chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế về lạm phát.

Do đó, tỉ lệ những hộ có tầm nhìn ngắn hạn cao đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu giảm lạm phát.

Theo khảo sát của ECB, các hộ gia đình có kiến thức tài chính tốt quan tâm nhiều hơn đến lạm phát. Cụ thể, 52% số hộ có kiến thức tài chính chú ý “nhiều” hoặc “rất nhiều” đến lạm phát, so với 45% ở nhóm có kiến thức hạn chế. Sự quan tâm này giúp họ tiếp cận các thông tin từ ngân hàng trung ương dễ dàng hơn.

Dữ liệu từ khảo sát của ECB cũng cho thấy, ngay cả trong nhóm có kiến thức tài chính tốt, gần một nửa vẫn không quan tâm nhiều đến lạm phát, giải thích tại sao nhận thức về lạm phát thường dai dẳng và thích ứng chậm với biến động giá cả. Ví dụ, trong khu vực đồng Euro, mặc dù lạm phát giảm gần 8 điểm phần trăm từ mức đỉnh vào tháng 10/2022 đến cuối năm 2023, nhận thức về lạm phát lại giảm với tốc độ chậm hơn.

Một sự khác biệt nữa được thấy ở kỳ vọng lạm phát. Hộ gia đình có kiến thức tài chính tốt hình thành kỳ vọng lạm phát một năm tới chính xác hơn, với sai số giữa dự báo và nhận thức thực tế nhỏ hơn.

Hiểu biết tài chính còn ảnh hưởng đến cách các hộ gia đình nhận thức thu nhập thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát). Điều này gián tiếp tác động đến quá trình truyền tải chính sách tiền tệ. Theo thông báo của ECB, trong ba năm (2022 - 2024), mức tăng tiêu dùng tư nhân thực tế chậm hơn so với thu nhập khả dụng thực tế, có thể là do nhận thức sai lệch về diễn biến thu nhập của hộ gia đình. Trong khi hơn 50% hộ gia đình trong khu vực đồng Euro có tăng trưởng thu nhập thực tế dương vào năm 2024, chỉ có 11% nhận thức được sự tăng trưởng đó. Mức bi quan cao nhất lại xuất hiện ở nhóm thu nhập thấp và ở những hộ có kiến thức tài chính hạn chế, cho thấy tác động của lạm phát thấp do chính sách tiền tệ thắt chặt không được phản ánh đầy đủ trong tiêu dùng, từ đó làm suy yếu phục hồi kinh tế.

6. Nhu cầu tăng cường sáng kiến giáo dục tài chính

Từ kết quả khảo sát của ECB cho thấy tại sao các ngân hàng trung ương luôn chú trọng vào việc thúc đẩy kiến thức tài chính cho người dân. Trong chính sách tiền tệ năm 2021, ECB nhận định rằng truyền thông đến đại chúng là chìa khóa quan trọng. Vì vậy, việc giải thích các quyết định chính sách theo cách dễ hiểu luôn được đặt lên hàng đầu.

Chẳng hạn, phần tuyên bố mở đầu tại các cuộc họp báo sau khi đưa ra quyết định chính sách tiền tệ đã được ECB thay thế bằng một “tuyên bố chính sách tiền tệ” - một thông điệp ngắn gọn, thuyết phục và ít phức tạp hơn, giúp cải thiện khả năng tiếp cận và mức độ dễ hiểu đối với người đọc. Bên cạnh đó, nhằm tiếp cận nhóm công chúng không chuyên, nội dung thông tin cũng được trình bày dưới dạng trực quan và được cung cấp bằng tất cả các ngôn ngữ chính thức của châu Âu.

Khi người dân hiểu rõ cách thức hoạt động của chính sách tiền tệ, họ sẽ tin tưởng hơn vào ngân hàng trung ương. Niềm tin này, cùng với khả năng duy trì ổn định giá cả, giúp neo kỳ vọng lạm phát và tăng tỉ lệ người có tầm nhìn dài hạn trong nền kinh tế.

Hiểu biết về ECB cũng gắn liền với kiến thức tài chính. Các hộ gia đình có kiến thức tốt thường hiểu rõ hơn về ECB và mục tiêu lạm phát của tổ chức này, từ đó củng cố uy tín của ECB. Trong bối cảnh lạm phát gần đây, tỉ lệ hộ có kiến thức cao tin tưởng vào khả năng duy trì ổn định giá cả của ECB trong ba năm tới đã tăng đáng kể sau khi ECB bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất và giảm lạm phát. Ngược lại, các hộ gia đình có kiến thức hạn chế thường mất niềm tin vào khả năng của ECB, dù lạm phát đã giảm rõ rệt. Điều này tương đồng với khảo sát gần đây tại Mỹ, nơi 60% người được hỏi tin rằng lãi suất cao gây ra lạm phát cao.

Do đó, để duy trì và nâng cao uy tín, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục giúp người dân hiểu rõ hơn về hành động của mình qua truyền thông, đồng thời tăng cường nỗ lực cải thiện kiến thức tài chính.

Thời gian qua, ECB tích cực mở rộng truyền thông tới công chúng thông qua nhiều video giải thích trên kênh YouTube “Espresso Economics”, xuất hiện trên truyền hình, tương tác trên mạng xã hội và sản xuất các podcast định kỳ.

Những hành động này gồm nâng cao nhận thức, xây dựng mạng lưới kiến thức tài chính của các ngân hàng trung ương, hợp tác với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia, phát triển bộ dữ liệu kiến thức tài chính hài hòa trên toàn châu Âu và tập trung truyền thông vào những thời điểm quan trọng như giai đoạn giáo dục sớm, vay mượn khoản lớn hay xây dựng lương hưu.

Tất nhiên, những nỗ lực này chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách quy mô lớn hơn từ phía chính phủ và hệ thống giáo dục, đồng thời đòi hỏi một quá trình dài hạn với những bước tiến dần dần. Kiến thức tài chính cũng được coi là nền tảng của Liên minh tiết kiệm và đầu tư - một trong những sáng kiến trọng tâm của Ủy ban châu Âu1. Dưới trụ cột đầu tiên, liên minh này hướng đến việc khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào thị trường vốn, qua đó đóng góp vào việc huy động nguồn tài chính cho các khoản đầu tư quy mô lớn phục vụ quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Do đó, nâng cao hiểu biết tài chính được đánh giá là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu đã đề ra và sẽ được thúc đẩy thông qua Chiến lược Kiến thức Tài chính của Ủy ban châu Âu.

7. Một số khuyến nghị

Từ nghiên cứu về hiểu biết tài chính trong quá trình truyền tải chính sách tiền tệ thông qua phân tích khảo sát ý kiến hộ gia đình châu Âu của ECB, tác giả đưa một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục tài chính toàn diện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên tích hợp giáo dục tài chính vào hệ thống giáo dục quốc dân, thông qua đó đưa các khái niệm cơ bản về lãi suất, lạm phát, đa dạng hóa đầu tư vào chương trình phổ thông. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết kế tài liệu phù hợp với từng cấp học, kết hợp thực hành qua trò chơi hoặc dự án thực tế.

Thứ hai, triển khai chiến dịch truyền thông đại chúng: NHNN cần sử dụng video ngắn, infographic trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) để giải thích chính sách tiền tệ và tác động đến đời sống; tổ chức hội thảo trực tuyến và trực tiếp tại cộng đồng, tập trung vào nhóm yếu thế (nông thôn, phụ nữ, người thu nhập thấp).

Thứ ba, trình bày chính sách tiền tệ bằng ngôn ngữ dễ hiểu: Để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách tiền tệ, NHNN nên trình bày các chính sách bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu; đồng thời đa dạng hóa các kênh truyền thông, chẳng hạn như phát triển kênh YouTube hoặc podcast, nhằm giải thích chính sách, kết hợp phỏng vấn chuyên gia và người dân để nâng cao tính tương tác và minh bạch.

Thứ tư, theo dõi và đánh giá hiệu quả: Trước hết, NHNN nên xây dựng chỉ số đo lường hiểu biết tài chính, khảo sát định kỳ (2 - 3 năm/lần) để đánh giá mức độ hiểu biết tài chính theo vùng miền, giới tính, độ tuổi, sau đó công bố kết quả công khai để điều chỉnh chính sách kịp thời. Bên cạnh đó, NHNN cần đánh giá mức độ cải thiện hành vi tiết kiệm, đầu tư và phản ứng với chính sách tiền tệ sau các chương trình đào tạo.

Thứ năm, tận dụng sự phát triển của công nghệ: NHNN cần xây dựng ứng dụng di động cung cấp kiến thức tài chính cơ bản, tích hợp tính năng hỏi đáp trực tuyến với chuyên gia; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích nhu cầu và cung cấp nội dung cá nhân hóa.

Thứ sáu, củng cố niềm tin vào chính sách tiền tệ: NHNN cần duy trì ổn định lạm phát nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân lập kế hoạch tài chính dài hạn.

8. Kết luận

Hiểu biết tài chính là một trong những yếu tố then chốt giúp chính sách tiền tệ của NHNN phát huy hiệu quả. Để đạt được điều này, cần kết hợp giáo dục, truyền thông sáng tạo và hỗ trợ thiết thực cho các nhóm yếu thế. Việc đầu tư vào nâng cao hiểu biết tài chính không chỉ giảm chi phí thực thi chính sách, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao phúc lợi xã hội. Như Benjamin Franklin đã nói: “Đầu tư vào tri thức mang lại lợi nhuận cao nhất”. Điều này càng đúng trong bối cảnh Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu.

_______________

1 Liên minh tiết kiệm và đầu tư (Capital markets union - CMU), là một sáng kiến chiến lược do Ủy ban châu Âu khởi xướng nhằm xây dựng một thị trường vốn thống nhất trên toàn EU. Mục tiêu chính là: (i) Huy động tiết kiệm trong dân cư và chuyển hóa thành đầu tư hiệu quả; (ii) Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn; (iii) Tăng cường vai trò của thị trường vốn, bổ sung cho hệ thống tài chính truyền thống vốn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng; (iv) Hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số thông qua huy động nguồn lực tài chính quy mô lớn.

Tài liệu tham khảo:

1. ECB Knowledge and Attitude Survey, 10th Edition, 2024, Internal report.

2. European Commission (2025), Eurobarometer, EP Winter 2025 survey, March.

3. G20 (2021), Italian G20 Presidency Third Finance Ministers and Central Bank Governors Meeting Communiqué.

4. Lusardi, A. and Mitchell, O.S. (2014), “The Economic Importance of Financial Literacy: Theory and Evidence”, Journal of Economic Literature, Vol. 52, No 1, March.

5. Atkinson, A. and Messy, F.-A. (2012), “Measuring Financial Literacy: Results of the OECD/International Network on Financial Education (INFE) Pilot Study”, OECD Working Papers on Finance, Insurance and Private Pensions, No 15, OECD Publishing.

6. Baldassarri, L. Georgarakos, D., Kenny, G. and Meyer, J. (2024), “Monetary policy transmission to households: The importance of consumers’ attention to interest rates and financial literacy”, VoxEU, 26 September.

7. Byrne, D., Kelly, R. and O’Toole, C. (2022), “How Does Monetary Policy Pass,Through Affect Mortgage Default? Evidence from the Irish Mortgage Market”, Journal of Money, Credit and Banking, Vol. 54, Issue 7, pages 2081-2101.

8. Deuflhard, F., Georgarakos, D. and Inderst, R. (2018), “Financial Literacy and Savings Account Returns”, Journal of the European Economic Association, Vol. 17(1), pages 131-164.

9. Bauer, M.D., Bernanke, B.S. and Milstein, E. (2023), “Risk Appetite and the Risk-Taking Channel of Monetary Policy”, Journal of Economic Perspectives, Vol. 37, No 1, Winter, pages 77-100. See also Borio, C. and Zhu, H. (2012), “Capital regulation, risk-taking and monetary policy: A missing link in the transmission mechanism?”, Journal of Financial Stability, Vol. 8, Issue 4, pages 236-251.

10. Melcangi, D. and Sterk, V. (2024), “Stock Market Participation, Inequality, and Monetary Policy”, The Review of Economic Studies, June.

11. Christelis, D., Georgarakos, D., Jappelli, T. and Kenny, G. (2024), “Consumer risk-taking and stock market investment: Insights using the CES’s consumer finance module”, Research Bulletin, No 119, European Central Bank, May. See also van Rooij, M., Lusardi, A. and Alessie, R. (2011), “Financial literacy and stock market participation”, Journal of Financial Economics, Vol. 101, Issue 2, pages 449-472.

12. Cloyne, J., Ferreira, C. and Surico, P. (2020), “Monetary Policy when Households have Debt: New Evidence on the Transmission Mechanism”, The Review of Economic Studies, Vol. 87, Issue 1, pages 102-129.

13. Filip, M.-D., Momferatou, D. and Parraga-Rodriguez, S. (2025), “Why a more competitive economy matters for monetary policy”, The ECB Blog, ECB, 11 February.

14. Albrizio, S. and Bluedorn, J. (2023), “How Managing Inflation Expectations Can Help Economies Achieve a Softer Landing”, IMF Blog, IMF, 4 October.

15. Ehrmann, M., Georgarakos, D. and Kenny, G. (2023), “Credibility gains from communicating with the public: evidence from the ECB’s new monetary policy strategy,” Working Paper Series, No 2785, ECB.

16. Weber, M., Gorodnichenko, Y. and Coibion, O. (2023), “The Expected, Perceived, and Realized Inflation of US Households Before and During the COVID19 Pandemic,” IMF Economic Review, Vol. 71(1), March, pages 326-368.

17. Baumann, A., Caprari, L., Kocharkov, G. and Kouvavas, O. (2025), “Are real incomes increasing or not? Household perceptions and their role for consumption”, Economic Bulletin, Issue 1, ECB.

18. European Central Bank (2021), Strategy review, July.

19. See the ECB’s Our monetary policy statement at a glance.

20. European Commission (2025), “Savings and Investments Union: A Strategy to Foster Citizens’ Wealth and Economic Competitiveness in the EU”, communication, 19 March.

21. Lagarde, C. (2024), “How to turn European savings into investment, innovation and growth”, contribution to The Economist, 4 December.

22. Một số tài liệu tham khảo khác.

ThS. Đặng Thị Hiền
Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tin bài khác

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…
Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Bài viết phân tích chiến lược của các ngân hàng toàn cầu, sự rút lui của một số ngân hàng lớn khỏi các liên minh khí hậu và xu hướng chuyển đổi sang “tài trợ xanh” và "tài trợ chuyển đổi", trên cơ sở đó đề xuất một số hàm ý đối với Việt Nam.
Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và các yếu tố kinh tế vĩ mô tới sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại châu Á. Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu bảng gồm 43.232 quan sát từ 1.093 ngân hàng thương mại ở các nước châu Á trong giai đoạn quý I/2008 đến quý I/2024. Bằng cách tiếp cận theo phương pháp hồi quy 2SLS, nghiên cứu đã khắc phục được vấn đề nội sinh trong mô hình và mang lại các kết quả ước lượng vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa chỉ số Lerner và Z-score hay cạnh tranh thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Xem thêm
Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia  và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong xu hướng phát triển nền kinh tế số, các giao dịch thường xuyên được thực hiện qua phương thức trực tuyến từ dịch vụ công đến các dịch vụ tài chính, cũng từ đó, rủi ro về bảo mật thông tin ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Các thông tin dữ liệu nói chung và thông tin dữ liệu cá nhân nói riêng là những vấn đề quan trọng trong các quan hệ xã hội và cần được bảo vệ như những quyền lợi chính đáng của con người.
Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục nâng cao năng lực giám sát và quản lý rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và bộ tiêu chí phân loại tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp bất động sản. Tín dụng bất động sản cũng được định hướng ưu tiên cho các phân khúc phục vụ an sinh xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án thương mại đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân.
Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của ngành Ngân hàng, doanh số giải ngân chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (chương trình 145 nghìn tỉ đồng) đã có sự cải thiện qua thời gian, tháng sau cao hơn tháng trước, tương ứng với nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 82/CĐ-TTg ngày 4/6/2025 về tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng

Chiều 28/5, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng trong thời gian tới.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng