
Chứng khoán hóa tài sản trí tuệ - Giải pháp mới trong thương mại hóa và huy động vốn
Tóm tắt: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều thách thức, nhu cầu đa dạng hóa phương thức huy động vốn đã dần trở nên cấp thiết. Mặc dù sớm thu hút được sự chú ý và được coi là phương án thay thế sáng tạo trong huy động vốn, vẫn có khoảng cách nhất định giữa lý thuyết và thực tiễn triển khai chứng khoán hóa tài sản trí tuệ. Đáng chú ý, phần lớn nghiên cứu hiện nay tập trung vào mô hình của Mỹ và các nước phát triển, trong khi bối cảnh và nhu cầu của các thị trường châu Á lại ít được đề cập. Bài viết đi sâu phân tích sự ra đời và phát triển của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, từ đó đánh giá ưu, nhược điểm và đưa ra gợi mở cho các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, khi bước đầu tiếp cận với hình thức huy động vốn này.
Từ khóa: Chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, thương mại hóa, huy động vốn.
INTELLECTUAL PROPERTY - BACKED SECURITIZATION:
A NEW SOLUTION FOR COMMERCIALIZATION AND CAPITAL MOBILIZATION
Abstract: In the context of a global economy facing numerous challenges, the need to diversify capital mobilization methods has become increasingly urgent. Although intellectual property - backed securitization has garnered early attention and is considered an innovative alternative for raising capital, a notable gap remains between theory and practical implementation. Most existing research to date has focused on the models of the United States and other developed countries, while the specific contexts and demands of Asian markets have received relatively limited attention. This article provides an in-depth analysis of the emergence and evolution of IP securitization, evaluates its advantages and limitations, and offers insights for Asian markets, including Vietnam, as they begin to explore this form of capital mobilization.
Keywords: Intellectual property - backed securitization, commercialization, capital mobilization.
1. Đặt vấn đề
Xuất hiện tại thị trường Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 20, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ sớm thu hút được nhiều sự quan tâm của truyền thông và giới nghiên cứu, hứa hẹn sẽ bùng nổ như một phương án huy động vốn thay thế tiềm năng, mở khóa tính thanh khoản cho một tài sản vô hình còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy các giao dịch chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong nhân rộng mô hình (Fairfax, 1999).
Khi các nhà nghiên cứu còn đang bối rối với thực trạng này thì khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008 xảy ra, làm nổi bật những rủi ro trong sử dụng sai chứng khoán hóa (Hu, Joseph C., 2011). Tuy nhiên đây cũng là cột mốc quan trọng góp phần làm “nguội” cơn sốt, buộc chứng khoán hóa tài sản trí tuệ phải tự đánh giá lại cùng với thị trường để phát triển từ một xu hướng thoáng qua thành một giải pháp huy động vốn khả thi.
Ở quy mô quốc tế, từ năm 2009, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã có nhiều động thái ủng hộ tài chính sở hữu trí tuệ (WIPO, 2009). Các nỗ lực của WIPO và Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường khuôn khổ pháp lý với sự ra đời của Hướng dẫn lập pháp UNCITRAL về Giao dịch được bảo đảm (2007), Phụ lục về sở hữu trí tuệ (2010) và Luật mẫu về Giao dịch bảo đảm (2016). Mặc dù Luật mẫu UNCITRAL không đề cập rõ ràng đến chứng khoán hóa, nhưng sự tham vấn của WIPO trong quá trình soạn thảo đã củng cố khuôn khổ pháp lý để sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản thế chấp, khiến chứng khoán hóa tài sản trí tuệ và các khoản vay được bảo đảm bằng tài sản trí tuệ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chứng khoán hóa tài sản trí tuệ trở thành một công cụ tài chính hợp pháp và hiệu quả trên thị trường toàn cầu (Spiros V. Bazinas, 2022).
Được truyền cảm hứng từ sự khuyến khích và tầm nhìn của WIPO, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đã dịch chuyển sang phần còn lại của thế giới. Trái ngược với sự phấn khích của các học giả phương Tây trong giai đoạn đầu trước khủng hoảng tài chính, các học giả phương Đông có vẻ thận trọng hơn trong việc nghiên cứu và phân tích hình thức huy động vốn mới này. Trong khi các quốc gia đã có khuôn khổ chứng khoán hóa, chẳng hạn như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ, sớm thể hiện sự quan tâm do đã có kinh nghiệm về chứng khoán hóa các khoản phải thu và tài chính có cấu trúc, thì các nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan... vẫn khá thờ ơ (Lai, 2009).
Tại Nhật Bản, giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đầu tiên được bảo đảm bởi tiền bản quyền phát sóng 34 tập phim nổi tiếng "It's Tough Being a Man", được cấp phép bởi Shochiku Co., Ltd năm 2002. Giao dịch thứ hai được bảo đảm bởi tiền bản quyền từ các giấy phép độc quyền cho bốn bằng sáng chế liên quan đến công nghệ quang học và phát triển ống kính của Công ty Scalar vào năm 2003 (Takahiro Kitagawa, 2004; Hiroyuki Watanabe, 2004). Sau hai giao dịch này, cho đến nay gần như không có thêm thông tin về giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở Nhật Bản.
Ở Trung Quốc, mục tiêu “nghiên cứu và phát triển chứng khoán hóa tài sản trí tuệ” lần đầu tiên được giới thiệu năm 2015, với một chương trình tài trợ chứng khoán hóa tài sản trí tuệ thí điểm bắt đầu vào năm 2017. Thị trường Trung Quốc chứng kiến giao dịch chứng khoán hóa được bảo đảm bằng bản quyền đầu tiên vào cuối năm 2018. Phải mất một năm sau, giao dịch được bảo đảm bằng bằng sáng chế đầu tiên mới ra mắt, đánh dấu bước đột phá và chứng minh cấp độ phát triển tiếp theo của ngành tài chính, thị trường bằng sáng chế và nhu cầu đầu tư vào tài sản trí tuệ ở Trung Quốc. Tính đến năm 2019, hơn 10 giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đã được triển khai hoặc đang chờ Chính phủ phê duyệt, với số tiền tích lũy vượt qua 10 tỉ Nhân dân tệ (Song và Liu, 2022; Chung, 2020).
Không giống như chứng khoán hóa được bảo đảm bằng tài sản truyền thống, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ tận dụng dòng doanh thu từ bằng sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền, cung cấp mô hình tài chính không bị ràng buộc bởi tài sản thế chấp hữu hình. Điều này đặc biệt phù hợp với nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, nơi những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, hệ sinh thái khởi nghiệp và các chính sách đổi mới, hướng đến khối kinh tế tư nhân được nhà nước hậu thuẫn tạo ra một phong trào đáng kể cho việc kiếm tiền từ tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng chứng khoán hóa tài sản trí tuệ không phải là một giải pháp tối ưu cho tất cả. Ngay cả ở các thị trường Mỹ và châu Âu, sự thành công và thực tiễn huy động vốn từ hình thức này vẫn còn nhiều tranh cãi. Khi xem xét triển khai chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, cần phải chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa mục tiêu, chế độ pháp lý và cấu trúc thị trường. Rõ ràng, sự hiểu biết đủ sâu và có góc nhìn khách quan để tránh kỳ vọng không thực tế sẽ giúp tận dụng công cụ tài chính này với các điều chỉnh phù hợp với khả năng để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới năng động và bền vững hơn trong tương lai.
2. Chứng khoán hóa và chứng khoán hóa tài sản trí tuệ
Mặc dù không phải là một khái niệm phổ biến ở Việt Nam, chứng khoán hóa là một phương tiện tài chính quen thuộc ở Mỹ và rất nhiều thị trường phát triển trước cuộc khủng hoảng 2007 - 2008. Điều kỳ lạ là, mặc dù phổ biến và thu hút nhiều sự chú ý là vậy, công chúng vẫn chưa hiểu rõ về chứng khoán hóa. Vẫn có những cuộc tranh luận không ngừng về việc liệu nó có thực sự là một “thuật giả kim” hay chỉ là một cấu trúc tài chính rắc rối, một “trò chơi có tổng bằng không”1.
Là đứa trẻ “sinh sau, đẻ muộn” của gia đình chứng khoán hóa bảo đảm bằng tài sản (ABS), chứng khoán hóa tài sản trí tuệ thừa hưởng các đặc trưng của mô hình này, trong đó doanh thu tạo ra từ việc sử dụng thương mại hoặc khai thác tài sản trí tuệ được sử dụng để bảo lãnh và trả các khoản nợ cho nhà đầu tư (Borod, 2005). Tuy nhiên, không giống loại ABS khác, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ tận dụng doanh thu từ việc khai thác thương mại bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, vốn là các tài sản vô hình (S. K. Verma, 2006). Thuở ban đầu, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ mô phỏng mô hình ABS truyền thống. Tuy nhiên, vì chưa có cơ sở hạ tầng pháp lý cho chứng khoán hóa nói chung ở mỗi khu vực pháp lý, vẫn còn nhiều không gian để các bên sáng tạo. Điều này cũng tạo ra nhiều biến thể và khác biệt trong mô hình ở các nước. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải đảm bảo được tính tách biệt khỏi phá sản đã đề cập.
Về bản chất, chứng khoán hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiếm tiền từ các tài sản trí tuệ, cung cấp nguồn tài trợ ngay lập tức cho hoạt động kinh doanh và tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu - phát triển. Tiền đề cơ bản của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là việc cấu trúc và đánh giá đúng cách tài sản trí tuệ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dựa trên hoạt động trí óc, sáng tạo, tiếp cận thanh khoản mà không làm loãng quyền sở hữu hoặc bị giới hạn bởi các khoản nợ truyền thống (Solomon và Bitton, 2015). Do đó, sau khi trái phiếu Bowie (Bowie Bond) được giới thiệu vào năm 1997, đã có một làn sóng ủng hộ và thái độ lạc quan đáng kể về tiềm năng áp dụng chứng khoán hóa vào sở hữu trí tuệ.
Vào năm 1997, thông tin về việc ngôi sao nhạc Rock David Bowie sẽ phát hành chứng khoán bảo đảm bởi tiền bản quyền âm nhạc của mình đã tạo nên một cú nổ lớn trong và ngoài nước Mỹ. Ở thời điểm đó, cấu trúc chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đã cho phép ông Bowie chuyển đổi tiền bản quyền trong tương lai từ khoảng 300 bài hát trước năm 1990 thành 55 triệu USD trái phiếu, lãi suất 7,9% và thời hạn đáo hạn 10 năm (Chu, 1998). Việc David Bowie có thể phá vỡ ranh giới và trở thành người tiên phong trong việc sử dụng chứng khoán hóa để kiếm tiền từ tài sản trí tuệ có thể xuất phát từ nhiều lý do chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là David Bowie giữ toàn bộ bản quyền âm nhạc của mình, với danh tiếng và nguồn thu tiền bản quyền ổn định, đạt hơn 1 triệu USD mỗi năm (Nemlioglu, 2019).
Mặc dù đã chịu nhiều tổn thất và có khi bị tụt hạng xuống gần với loại không khuyến khích đầu tư do sự phát triển của nạn ăn cắp bản quyền và các nền tảng âm nhạc trực tuyến miễn phí thời đó, trái phiếu Bowie vẫn tạo ra một tiền lệ (John Gabala Jr., 2004). Trước trái phiếu Bowie, quyền sở hữu trí tuệ và tiền bản quyền âm nhạc chưa từng được xem xét để chứng khoán hóa do tính không thể đoán trước của dòng tiền. Sau trái phiếu Bowie, các thỏa thuận tương tự đã xuất hiện. Hàng loạt các thương vụ chứng khoán hóa tiền bản quyền đã nhấn mạnh vai trò của chứng khoán hóa trong việc cung cấp thanh khoản cho người nắm giữ tài sản trí tuệ. Người ta cho rằng, Elton John và Michael Jackson cũng đã xem xét việc chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, nhưng không có thông tin nào thêm về việc triển khai do tình hình bản quyền phức tạp của các nghệ sĩ này (Fairfax, 1999).
Nhanh chóng bắt kịp xu hướng, Hollywood ghi nhận ba thỏa thuận chứng khoán hóa lớn liên quan đến bản quyền khai thác và phát sóng các bộ phim của Dreamworks, Universal và Miramax. Các thương hiệu thời trang cũng tham gia vào quá trình chứng khoán hóa với thỏa thuận được bảo đảm bởi doanh thu cấp phép nhãn hiệu của Bill Blass, Candie và Guess Inc., cũng như các thỏa thuận được hỗ trợ bởi nhượng quyền thương mại và tiền bản quyền từ Dunkin’ Donuts và Domino's Pizza (Nisar, 2011). Ở lĩnh vực sáng chế, các công ty công nghệ sinh học là những chủ thể đầu tiên tham gia chứng khoán hóa với các thương vụ bảo đảm bởi doanh thu trong tương lai từ việc cấp phép hoặc bán thuốc.
Về mặt cấu trúc, đầu vào của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là quyền nhận các khoản thanh toán trong tương lai từ tài sản trí tuệ do người khởi tạo sở hữu. Đây thường là các khoản phải thu từ hợp đồng bán hàng hóa, cấp phép, chuyển nhượng, cho thuê hoặc thậm chí là bồi thường kiện tụng. Ở phía ngược lại, đầu ra của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là các chứng khoán ở nghĩa rộng nhất, bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tín thác hoặc các giấy tờ chứng minh tài chính khác được chỉ định có giá trị thị trường thứ cấp. Do đó, đặc điểm quan trọng nhất của đầu ra trong giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ nằm ở sự công nhận hợp pháp của nó trên thị trường vốn. Điều này cũng làm nổi bật vai trò của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ như một cầu nối giữa những người cần vốn và thị trường vốn. Các nhà đầu tư có thể mua chứng khoán đã phát hành trên thị trường sơ cấp và bán chúng trên thị trường thứ cấp để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá trị.
3. Bản chất pháp lý của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ
Trong một cấu trúc chứng khoán hóa tài sản trí tuệ điển hình, chủ thể tham gia có thể được chia thành bốn nhóm chính:
(1) Người khởi tạo: Thường là chủ sở hữu với thu nhập cố định từ việc cấp phép, nhượng quyền hoặc các hoạt động tạo ra doanh thu khác từ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, một ngân hàng hoặc bên thứ ba cũng có thể đóng vai trò là người khởi tạo bằng cách tập hợp các luồng thu nhập từ nhiều chủ sở hữu tài sản trí tuệ trong khi vẫn đảm bảo quyền của chủ nợ (Song và Liu, 2022). Trong một giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, người khởi tạo có thể đồng thời đảm nhiệm thêm một số vai trò như: Bên dịch vụ chịu trách nhiệm thu hồi các khoản phải thu và đảm bảo khoản thanh toán được thực hiện đúng hạn; bên tăng cường tín dụng; hoặc bên định giá nội bộ.
(2) Tổ chức mục đích đặc thù (SPV): Một thực thể độc lập về mặt pháp lý có được các quyền sở hữu trí tuệ thông qua chuyển nhượng từ bên khởi tạo. Sau chuyển nhượng, SPV là chủ nợ mới đối với khoản phải thu. Vì vai trò và chức năng đặc biệt phục vụ hoạt động chứng khoán hóa, SPV thường được thành lập dưới dạng công ty có mục đích đặc biệt, tổ chức ủy thác, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Nhìn chung, SPV đóng vai trò trung tâm trong các giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, là chủ thể thực hiện tổ chức, phát hành và phân phối chứng khoán, đồng thời chịu trách nhiệm duy trì, quản lý tài sản sau phát hành, đảm bảo thanh toán đối với các bên liên quan.
(3) Các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ: Đây là nhóm chủ thể có số lượng lớn nhất, bao gồm nhưng không giới hạn ở bên dịch vụ, các công ty xếp hạng, tăng cường tín dụng, bảo lãnh phát hành, ủy thác, tư vấn pháp lý và tài chính... Các dịch vụ này được SPV sử dụng để hỗ trợ quá trình tạo lập và vận hành giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Khi hoàn thành công việc, nhà cung ứng được trả tiền theo thỏa thuận dịch vụ. Trước khi phân phối lợi nhuận cho nhà đầu tư, các chi phí này được khấu trừ như một phần chi phí hoạt động của SPV.
(4) Các nhà đầu tư: Bên mua chứng khoán từ giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, những người sẽ nhận được khoản thanh toán bảo đảm bởi quyền đối với các khoản phải thu từ tài sản trí tuệ. Nhà đầu tư của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ thường là các tổ chức như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí hoặc công ty đầu tư, với khẩu vị đầu tư dài hạn.
Như vậy, về mặt bản chất, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là một quy trình tài chính chứ không tạo ra thêm bất kỳ loại quyền tài sản nào mới đối với tài sản trí tuệ. Thông qua các kỹ thuật tài chính và pháp lý khác nhau, người khởi tạo đã mở rộng các độc quyền đối với tài sản trí tuệ, biến những quyền này thành chứng khoán giao dịch được trên thị trường. Thay vì chỉ được khai thác và thương mại hóa thông qua các kênh truyền thống như chuyển giao, cấp phép, nhượng quyền và bán trực tiếp, tài sản trí tuệ đã được đẩy thêm một bước tiến xa hơn vào thị trường tài chính, nơi quyền đối với khoản phải thu từ tài sản trí tuệ được biến đổi thành công cụ tài chính bán được cho các nhà đầu tư với các khẩu vị rủi ro khác nhau.
Trong cấu trúc này, người khởi tạo không phải là con nợ vì quyền đối với thu nhập từ tài sản trí tuệ đã được đóng gói và bán cho SPV. Do đó, giao dịch này cũng giải phóng người khởi tạo khỏi các nghĩa vụ, rủi ro và trao cho SPV vai trò là chủ nợ mới với các khoản phải thu. Khác với tình huống mâu thuẫn thẩm quyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản thế chấp trong giao dịch bảo đảm (Wang, 2014), quyền khởi kiện vi phạm trong chứng khoán hóa tài sản trí tuệ vẫn thuộc về người khởi tạo. Trường hợp người khởi tạo chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ cho SPV, thì quyền khởi kiện mới thuộc về SPV. Cơ chế này góp phần giải quyết các mâu thuẫn về quyền, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ cẩn trọng của bên khởi tạo và SPV trong giao dịch chứng khoán hóa.
Tương tự, do tài sản trí tuệ có thể vẫn thuộc sở hữu của bên khởi tạo, nên các nhà đầu tư trong giao dịch thường trở thành chủ nợ đối với khoản phải thu, chứ không phải là người nắm giữ vốn chủ sở hữu của người khởi tạo hoặc chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Nói cách khác, các nhà đầu tư thường không có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản trí tuệ. Họ không thể bán, cấp phép hoặc khai thác trực tiếp cũng như khởi kiện đối với các hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ do giới hạn về quyền (Schwarcz, 1994). Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể thông qua SPV để thúc đẩy các hành động pháp lý cần thiết trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Dù SPV có thể thiếu thẩm quyền hoặc nguồn lực, chủ thể này vẫn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với người khởi tạo hoặc chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
Từ góc nhìn của Bộ luật Dân sự, bản chất pháp lý của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có thể được hiểu là một thỏa thuận hợp đồng phức tạp, được hỗ trợ bởi các nguyên tắc dân sự như các nguyên tắc chi phối quyền sở hữu tài sản, giao dịch dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về bản chất, giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ liên quan đến việc chuyển nhượng hoặc sử dụng khoản phải thu từ tài sản trí tuệ làm tài sản cơ sở để hỗ trợ cho việc phát hành chứng khoán. Dù làm mờ ranh giới truyền thống, quyền sở hữu trí tuệ vẫn là một loại quyền tài sản đặc thù (Nguyễn Ngọc Điện, 2022). Đây là cơ sở quan trọng để hợp pháp hóa việc sử dụng tài sản trí tuệ như một tài sản tài chính hoặc tài sản thế chấp.
Theo quan điểm khai thác, quyền sở hữu trí tuệ nói chung vốn được thiết kế để chuyển nhượng và sử dụng thương mại. Xuất hiện cùng với chủ nghĩa tư bản và gắn liền với nền kinh tế thị trường, các ý tưởng về khả năng chuyển nhượng sớm được mã hóa trong hầu hết các chế độ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế (Tosato, 2011). Tuy nhiên, có các mâu thuẫn tiềm tàng giữa luật sở hữu trí tuệ và pháp luật về giao dịch bảo đảm (Bracha, 2020; I. Davies, 2006; Marilee Owens-Richards, 2016). Do đó, một cách tiếp cận thực tế hơn là thông qua các khoản phải thu, tức là quyền đối với khoản thanh toán hình thành trong tương lai.
Dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là sự mở rộng của hoạt động khai thác tài sản trí tuệ và là một loại hình thương mại hóa tài sản trí tuệ khá mới. Trong khi các hoạt động khai thác truyền thống chủ yếu dựa vào sử dụng tài sản trí tuệ trong hoạt động vận hành hoặc theo thỏa thuận hợp đồng, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đánh dấu một giai đoạn mới, tận dụng giá trị tài chính và tiềm năng thu nhập trong tương lai của tài sản trí tuệ để huy động vốn. Điều này biến các quyền vô hình thành các công cụ tài chính có thể giao dịch, do đó mở rộng các chức năng pháp lý và kinh tế của tài sản trí tuệ vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống. Theo nghĩa này, chứng khoán hóa không phải là sự thay đổi so với các lý thuyết Luật Sở hữu trí tuệ truyền thống, mà là sự mở rộng tự nhiên của việc khai thác tài sản trí tuệ.
Cuối cùng, dưới góc nhìn của pháp luật về chứng khoán, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là một hình thức phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản, trong đó tài sản bảo đảm là quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể hơn là quyền đối với khoản phải thu từ việc khai thác tài sản trí tuệ. Điều này tương tự như chứng khoán hóa các khoản phải thu từ thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, hợp đồng thuê tài chính... nhưng cũng có khác biệt do khoản phải thu từ tài sản trí tuệ thường khó định giá, cực kỳ mẫn cảm và dễ thay đổi. Mặc dù có thể không được chính thức dán nhãn là “tài sản tài chính” trong các quy tắc pháp lý hoặc kế toán, trên thực tế, tài sản trí tuệ vẫn có khả năng đảm đương chức năng giống hệt như vậy. Miễn là dòng tiền ổn định và có thể phần nào dự đoán được, tài sản trí tuệ dường như không có khác biệt với các tài sản hữu hình và vô hình khác trong lý thuyết chứng khoán hóa. Do đó, các chứng khoán được phát hành bởi SPV dựa trên khoản phải thu từ tài sản trí tuệ cũng phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp và đáp ứng điều kiện chào bán, công bố thông tin và niêm yết theo Luật Chứng khoán.
4. Lợi ích và thách thức đối với chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở châu Á
Kế thừa “phép thuật giả kim” từ chứng khoán hóa, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ là công cụ có thể mở khóa tiềm năng tài chính của quyền sở hữu trí tuệ và mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Đối với các nền kinh tế thị trường hiện đại, chứng khoán hóa hỗ trợ tự do hóa hệ thống tiền tệ bằng cách ưu tiên thanh khoản bằng tài sản hơn là dựa vào kênh ngân hàng truyền thống. Tương tự như vậy, nó cũng cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ và nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro khác nhau. Khi tính thanh khoản của thị trường tăng lên, sẽ có dòng tiền hiệu quả hơn đổ về cho những chủ thể thường gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính truyền thống, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty khởi nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận. Ngoài ra, hình thức huy động vốn này cũng thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa sự phát triển của sở hữu trí tuệ với đổi mới tài chính.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, trước khi chứng khoán hóa xuất hiện, các ngân hàng chủ yếu phải đối mặt với những thách thức do vai trò là trung gian thị trường, đòi hỏi họ phải tạo ra các khoản vay và giữ chúng trên bảng cân đối kế toán cho đến khi đáo hạn. Do đó, khi đối diện với những khoản vay được thế chấp bằng tài sản trí tuệ, các ngân hàng thường ngần ngại do lo ngại về lợi nhuận và yêu cầu gia tăng trong dự phòng vốn. Trong bối cảnh đó, chứng khoán hóa cho phép các ngân hàng chuyển rủi ro của các khoản vay thế chấp tài sản trí tuệ cho các nhà đầu tư, giải phóng ngân hàng khỏi các lo ngại mà vẫn đáp ứng được chính sách của nhà nước trong khuyến khích cho vay thế chấp tài sản trí tuệ.
Ngoài ra, một số quan điểm mới cũng cho rằng chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có thể đóng vai trò định giá, cung cấp giá trị có thể đo lường được của quyền sở hữu trí tuệ theo phương pháp đơn giản, chuẩn hóa. Trên thực tế, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có thể là “ngọn hải đăng” cho một số nhà đầu tư hoặc ngân hàng khi không có phương pháp thông thường để đánh giá tài sản trí tuệ. Điều này có lợi cho việc tạo ra tài sản trí tuệ mới và thúc đẩy thương mại hóa các tài sản trí tuệ hiện có. Nói cách khác, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ góp phần đơn giản việc định giá tài sản trí tuệ, khiến nó minh bạch và dễ tiếp cận hơn (Alekseev, 2002). Bằng cách chỉ định giá trị thị trường cho tài sản trí tuệ, chứng khoán hóa giúp thúc đẩy lòng tin vào thương mại hóa và tăng trưởng giá trị của tài sản trí tuệ, giảm rủi ro và rào cản gia nhập thị trường tài chính. Cuối cùng, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ củng cố cả hệ sinh thái đổi mới và tài chính, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đối với các thị trường châu Á đang phát triển, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có thể giúp chính phủ giải quyết những yêu cầu về vốn và đa dạng hóa giải pháp tài chính, khuyến khích đổi mới, giảm bớt gánh nặng tài chính bằng cách tập hợp các nguồn lực, cải thiện hệ thống phân bổ rủi ro. Bằng cách tích hợp chứng khoán hóa tài sản trí tuệ vào hệ sinh thái tài chính, nhiều quốc gia có thể phân bổ trách nhiệm đổi mới giữa các bên công và tư, tạo ra một khuôn khổ cân bằng để chia sẻ phần thưởng và nghĩa vụ. Sự hợp tác này cũng góp phần củng cố hệ sinh thái đổi mới, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững (Angelo B. T. và cộng sự, 2014).
Đồng thời, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cũng được tiếp cận như một cơ chế sáng tạo để giải quyết nhu cầu về giải pháp tài chính trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Bằng cách tận dụng tài sản trí tuệ, các chủ thể có thể giảm bớt căng thẳng khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc chi phí hoạt động tăng, đặc biệt trong tình huống bộc lộ hạn chế đối với khai thác tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng... Ngoài ra, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cũng khuyến khích đầu tư nghiên cứu - phát triển đối với công nghệ xanh, tăng cường đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy cơ sở hạ tầng chống chịu thay đổi và các giải pháp bền vững (Denoncourt, 2021).
Tuy nhiên, việc áp dụng chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở châu Á nói chung còn rất nhiều thách thức. Một số có thể kể ra ngay như mâu thuẫn văn hóa, nhận thức truyền thống về khai thác tài sản trí tuệ, thiếu quy định về tài chính và chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, cơ chế định giá tài sản trí tuệ chưa phát triển, bất đối xứng thông tin, thiếu thị trường thứ cấp để thanh lý tài sản trí tuệ. Bức tranh chung về những thách thức và rào cản pháp lý đối với chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có thể được tóm tắt như sau:
Ở cấp độ lý thuyết: Mặc dù chứng khoán hóa tài sản trí tuệ không khác gì chứng khoán hóa các tài sản khác, nó vẫn gặp phải các thách thức khi nhấn mạnh sự căng thẳng giữa việc siết chặt quyền độc quyền và lợi ích công cộng (Rognstad, 2018). Trước làn sóng chứng khoán hóa, đã có nhiều tranh luận về việc liệu cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ quá mức có làm suy yếu lợi ích công cộng thay vì thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Khi các nền kinh tế đang phát triển xem xét khuôn khổ pháp lý cho chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, sự mâu thuẫn này sẽ càng thể hiện rõ ràng bởi chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đòi hỏi dòng tiền có thể dự đoán được, thường đi kèm với bảo đảm tính độc quyền nghiêm ngặt, tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng và hạn chế khả năng tiếp cận các hàng hóa thiết yếu (Drahos, 1999).
Ở cấp độ thực thi: Cuộc tranh luận về việc có cần khung pháp lý cho chứng khoán hóa nói chung phản ánh các triết lý quản lý khác nhau giữa phương Tây và phương Đông. Trong khi các chính phủ phương Tây chủ yếu chỉ can thiệp khi thị trường thất bại, các nước châu Á thường tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua quy định, ngay cả trong điều kiện bình thường (Rosen và Usui, 1994). Do đó, nhu cầu về khung pháp lý riêng cho chứng khoán hóa và chứng khoán hóa tài sản trí tuệ phụ thuộc vào mức độ trưởng thành về kinh tế, bối cảnh văn hóa và khung pháp lý về sở hữu trí tuệ hiện có của một quốc gia. Tuy nhiên, sự phân mảnh về quy định làm phức tạp các giao dịch xuyên biên giới và cản trở sự phát triển của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở quy mô lớn hơn.
Ở cấp độ thực tiễn: Việc áp dụng rộng rãi chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đối mặt với những thách thức chuyên biệt bao gồm cả tính phức tạp của việc cấu trúc các thỏa thuận, khó khăn trong định giá, thanh khoản thị trường thấp và bất đối xứng thông tin. Điều này khiến nhiều loại tài sản trí tuệ không phù hợp với chứng khoán hóa do không bảo đảm được tính tách biệt khỏi phá sản. Sự phức tạp này cũng kéo theo các chi phí tiềm ẩn. Tương tự như vậy, không phải tất cả chủ sở hữu tài sản trí tuệ đều là “ứng cử viên” phù hợp cho chứng khoán hóa. Rất ít chủ sở hữu đồng thời có cả nhu cầu lớn về tài chính và nguồn doanh thu ổn định như trường hợp của David Bowie (Chu, 1998). Tiếp theo, thách thức lớn khác của chứng khoán hóa, chính là ở định giá. Sở dĩ việc định giá tài sản trí tuệ khó khăn hơn nhiều so với định giá tài sản hữu hình và các tài sản vô hình khác là bởi tính biến động giá trị tài sản trí tuệ và dòng tiền đi kèm là không thể đoán trước. Khoản phải thu này cực kỳ nhạy cảm và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan. Thêm nữa, việc thiếu các phương pháp đánh giá chuẩn hóa và đặc thù cũng góp phần làm phức tạp định giá tài sản trí tuệ (Solomon, Bitton, 2015).
Một thách thức đáng kể khác là thiếu thị trường thứ cấp, qua đó hạn chế phần nào khả năng giao dịch của nhà đầu tư. Điều này khiến tài sản trí tuệ có thể hấp dẫn trong một số điều kiện nhất định nhưng đa số các nhà đầu tư vẫn e dè, giảm sự nhiệt tình chung của thị trường.
Cuối cùng, sự bất đối xứng thông tin là một thách thức dai dẳng đối với thương mại hóa tài sản trí tuệ. Do đó, cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường cần nỗ lực thiết lập khuôn khổ công bố thông tin phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Trong khi cơ chế như xếp hạng tín nhiệm không chính thức, thỏa thuận bảo mật thông tin và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chỉ định vẫn phổ biến trên thị trường. Việc áp dụng chúng trong mô hình chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cần được quản lý cẩn trọng để tránh gây ra sự bất cân xứng thông tin, làm giảm hiệu quả thị trường.
5. Tương lai chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở châu Á và gợi mở cho Việt Nam
Mặc dù chứng khoán hóa tài sản trí tuệ mang lại lợi ích và mở rộng cơ hội khai thác tài sản trí tuệ, đây vẫn là một cấu trúc tài chính đặc biệt phức tạp, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ và chứng khoán nâng cao hơn, các hoạt động định giá tốt hơn, chi phí giao dịch thấp hơn và cơ sở hạ tầng thị trường phát triển đáng kể hơn. Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật có thể giảm thiểu từng rủi ro riêng lẻ, nhưng tổng giá trị rủi ro có thể vẫn sẽ không thay đổi. Do đó, khi xem xét quá trình tích hợp chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cho các nền kinh tế châu Á như Việt Nam, điều quan trọng là phải thừa nhận thành công của giao dịch chứng khoán hóa tài sản trí tuệ không chỉ là vấn đề về kỹ thuật tài chính mà còn kết nối sâu sắc với khuôn khổ pháp lý, năng lực thể chế và các chiến lược kinh tế rộng hơn.
Đối diện với thách thức và nhu cầu có thật trong việc đa dạng hóa phương thức huy động vốn, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể xem xét hình thức huy động vốn này. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chứng khoán hóa tài sản trí tuệ không phải là giải pháp chung cho mọi nhu cầu tài chính, cũng không thể thay thế các cơ chế cho vay và đầu tư truyền thống. Tính khả thi phụ thuộc vào thiện chí của các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các cải cách pháp lý phù hợp với quy định về sở hữu trí tuệ và tài chính, cải thiện phương pháp định giá và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Trong trường hợp tích hợp chứng khoán hóa tài sản trí tuệ vào các chiến lược kinh tế rộng hơn, nếu cần, phải quản lý cẩn thận để tránh tình trạng đầu cơ thái quá và đảm bảo sự ổn định lâu dài. Vai trò của chính phủ, các tổ chức tài chính và quốc tế cũng rất quan trọng trong việc định hình bối cảnh pháp lý và thể chế cho chứng khoán hóa tài sản trí tuệ. Rõ ràng, việc đánh giá quá cao hoặc quá thấp tác động của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ đều không có lợi.
Nhìn chung, trong giai đoạn đầu khi tiếp cận với chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, một lộ trình tìm hiểu và tích hợp có kiểm soát, cộng hưởng với tư tưởng thử nghiệm, thí điểm cẩn trọng sẽ có lợi hơn là áp đặt mô hình của các nước. Việc rà soát khung pháp lý cũng rất quan trọng để tận dụng và thử nghiệm khả năng thích ứng của cơ sở pháp lý và thị trường nội địa với chứng khoán hóa tài sản trí tuệ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ vẫn là một công cụ tài chính gây tranh cãi với những rủi ro và bất ổn đáng kể. Tuy nhiên, thước đo thành công của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ ở châu Á có thể rất khác các nước Phương Tây và không bị giới hạn bởi lợi nhuận tài chính và sự ổn định của dòng tiền, nhưng mở rộng ra các tác động trong thúc đẩy đổi mới, giải quyết tình trạng thiếu vốn và tăng cường đa dạng hóa tài chính. Trong một số trường hợp, thành công của thỏa thuận chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cũng được xác định thêm bởi khả năng giáo dục và phát triển thị trường.
Sẽ cần thêm thời gian để xác định xem chứng khoán hóa tài sản trí tuệ có tiềm năng để trở thành một công cụ tài chính mang tính chuyển đổi tại khu vực châu Á hay không. Đứng trước câu hỏi này, mỗi thị trường lại phải đối mặt với các điều kiện cấu trúc, pháp lý và kinh tế riêng biệt. Ở một số nền kinh tế như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, hiện đã có những bước tiến trong việc hiểu và triển khai chứng khoán hóa tài sản trí tuệ trong chiến lược tài chính. Tuy nhiên ở đa số các nền kinh tế còn lại, bao gồm nhiều nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ vẫn còn là một khái niệm xa lạ và phần nào “đáng sợ” với những rủi ro và sự phức tạp vốn có của nó.
Tại Việt Nam, do thị trường tài chính trong nước vẫn chủ yếu quen thuộc với các hình thức phát hành cổ phiếu và trái phiếu truyền thống, chứng khoán hóa tài sản, đặc biệt là tài sản phi truyền thống như tài sản trí tuệ, vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ với dư địa phát triển hạn chế. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật hiện hành về dân sự, doanh nghiệp, đầu tư, chứng khoán và sở hữu trí tuệ vẫn cung cấp những nền tảng pháp lý gián tiếp có thể hỗ trợ cho hoạt động này. Cụ thể, tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 450 thừa nhận giao dịch mua bán quyền tài sản, Điều 365 cho phép chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền theo thỏa thuận. Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng quy định rõ ràng quyền tài sản gắn liền với quyền sở hữu công nghiệp và bản quyền đều có thể chuyển nhượng, cấp phép, chuyển giao và đem về dòng tiền theo thỏa thuận. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để người khởi tạo chuyển quyền đòi nợ từ hợp đồng khai thác tài sản trí tuệ (như tiền bản quyền, phí sử dụng sáng chế...) cho SPV dưới hình thức chuyển nhượng quyền yêu cầu.
Ngoài ra, do Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hiện hành không có quy định cấm các doanh nghiệp nhận quyền tài sản hoặc thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến khoản thu từ bên thứ ba, nên việc thành lập và hoạt động của SPV trong giao dịch chứng khoán hóa là hoàn toàn khả thi.
Tương tự, dù Luật Chứng khoán không đề cập trực tiếp đến “chứng khoán hóa tài sản”, về nguyên tắc, doanh nghiệp được phép phát hành chứng khoán có hoặc không có tài sản bảo đảm. Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cũng được phép chuyển nhượng nợ, khoản phải thu. Tuy nhiên vì chưa có khung pháp lý cho mô hình ABS tiêu chuẩn, các doanh nghiệp thường phải thỏa thuận riêng với nhà đầu tư, dẫn đến nghĩa vụ tuân thủ và rủi ro pháp lý tương đối cao.
Như vậy, mặc dù chưa có khung pháp lý chuyên biệt cho hoạt động chứng khoán hóa tài sản trí tuệ, nhưng với xu hướng phát triển kinh tế số và sự gia tăng giá trị của các tài sản vô hình, việc nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm mô hình chứng khoán hóa tài sản trí tuệ tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi và có thể sẽ cần thiết, đặc biệt trong trường hợp nhà nước muốn khai thác hoạt động này để phát triển kinh tế quốc gia và hướng đến hỗ trợ kinh tế tư nhân (Lê Thị Thiên Hương, 2021).
Ngoài ra, giai đoạn 2024 - 2025 cũng đánh dấu nhiều sự thay đổi quyết liệt trong việc thúc đẩy khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Sự ra đời của Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã lần nữa nhấn mạnh yêu cầu về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn, đặc biệt là vì mục đích thương mại. Từ đây các nghiên cứu chính sách, đặc biệt trong xây dựng sàn giao dịch tài sản trí tuệ cũng đang dần được chú trọng.
Ngày 27/6/2025 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với nhiều đổi mới mang tính đột phá, mở rộng cơ hội cho các mô hình thương mại hóa mới, trong đó có chứng khoán hóa tài sản trí tuệ. Mặc dù chưa quy định trực tiếp, Luật đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, quy định về thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 21 - 23 cũng sẽ mở đường cho việc thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới, tạo điều kiện để chứng khoán hóa tài sản trí tuệ từng bước được hiện thực hóa. Riêng với vấn đề định giá tài sản trí tuệ, mặc dù Thông tư số 37/2024/TT-BTC ngày 16/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá tài sản vô hình đã có các hướng dẫn chi tiết hơn về định giá vô hình, vẫn chưa có các phương pháp chi tiết cho từng loại tài sản trí tuệ với những đặc thù riêng biệt, đồng thời cũng không có hướng dẫn định giá cho mục đích bảo đảm tín dụng hoặc phát hành chứng khoán.
Như vậy, mặc dù việc tăng cường quyền sở hữu, quyền tự chủ thương mại hóa tài sản trí tuệ, khuyến khích mô hình kinh doanh sáng tạo, đa dạng hóa hình thức huy động vốn và cho phép thử nghiệm có kiểm soát đã được thể hiện rõ qua các văn bản pháp luật mới, đặc biệt là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2025, sẽ vẫn cần thêm nhiều nỗ lực nếu muốn hiện thực hóa các giải pháp huy động vốn phức tạp như chứng khoán hóa tài sản trí tuệ.
Do đó, trong bối cảnh Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ phải cân bằng hợp lý giữa kỳ vọng vào tiềm năng của chứng khoán hóa tài sản trí tuệ và thực tiễn quốc gia nhằm đánh giá hệ thống pháp lý và tài chính hiện hành có đủ năng lực hỗ trợ cơ chế này mà không làm gia tăng rủi ro hệ thống hay không. Trước đây, hưởng ứng cam kết với ASEAN trong Kế hoạch hành động Hà Nội năm 2000 về phát triển thị trường chứng khoán hóa, Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã đề xuất nhiệm vụ “từng bước xây dựng cơ chế chứng khoán hóa tài sản”. Tuy nhiên đến Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, nội dung này lại không còn nữa.
Tóm lại, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ rõ ràng không phải là một cơ chế tài chính dễ hiểu và dễ thực hiện. Tuy nhiên, việc chỉ giới hạn tài sản trí tuệ trong các hình thức khai thác, thương mại truyền thống cũng không có lợi. Thay vì “ngó lơ và bỏ mặc” chứng khoán hóa tài sản trí tuệ cho thị trường, sẽ tốt hơn nếu các chính phủ có thể tìm hiểu, dự đoán và xem xét khả năng thích hợp, cũng như các lợi ích mà hình thức huy động vốn này có thể mang lại.y
1 Theo Steven L Schwarcz: "Thuật giả kim" (alchemy magic) ám chỉ nỗ lực biến kim loại thường thành vàng, còn "trò chơi có tổng bằng không" (zero sum game) là khi lợi ích của người này bằng đúng tổn thất của người khác, khiến lợi nhuận ròng bằng không. Hai thuật ngữ này thường được dùng trong nghiên cứu chứng khoán hóa tài sản trí tuệ để phản ánh sự đối lập giữa tiềm năng chuyển đổi và rủi ro vốn có của hình thức huy động vốn này.
Tài liệu tham khảo:
1. Alekseev, Innokenty Y. (2002). “Securitization of Intellectual Property". Thesis project, Stanford: Stanford Law School.
2. Angelo B. Taningco, Lawrence Dacuycuy, Marvin Castell, Tereso S. Jr. Tullao, and Santiago Dumlao Jr. (2014). “The Policy Recommendations for the Expansion of the Securitization Market in the ASEAN+3 Countries”. Research report. De La Salle University - Angelo King Institute (DLSU-AKI) Manila, Philippine: ASEAN+3 Research Group.
3. Borod, Ronald S. (2005). “An Update on Intellectual Property Securitization”. The Journal of Structured Finance 10 (4), pages 65-72.
4. Bracha, Oren. (2020). “The History of Intellectual Property as The History of Capitalism”. Case Western Reserve Law Review 71 (2), pages 547-83.
5. Chu, Nicole. (1998). “Bowie Bonds: A Key to Unlocking the Wealth of Intellectual Property”. HASTINGS COMM/ENT L.J. 21, pages 472-99.
6. Chung, Jili. (2020). Innovation’s Crouching Tiger (Second Edition): 新創臥虎(第二版國際英文版. 2nd Innovation's Crouching Tiger ed. edition. Ehgbooks.
7. Denoncourt, Janice. (2021). “Chapter 7: A Modern Role for Intellectual Property Rights in Sustainable Finance, Prudential Banking and Capital Adequacy Regulation”. In Intellectual Property and Sustainable Markets, edited by Ole-Andreas Rognstad and Inger B. Ørstavik. Edward Elgar Publishing.
8. Edward De Sear. (2006). “Why Hollywood Turned to Securitization”. Digital Magazine. IFLR. March 31, 2006. https://www.iflr.com/article/2a63733ixysbvclaj4osw/why-hollywood-turned-to-securitization.
9. Fairfax, Lisa M. (1999). “When You Wish Upon a Star: Explaining the Cautious Growth of Royalty-Backed Securitization”. COLUM. BUS. L. REV. 3, pages 411-87.
10. Gary Gorton and Andrew Metrick. (2013). “Chapter 1: Securitization”. In Handbook of the Economics of Finance, 2:1-70. Elsevier.
11. Hiroyuki Watanabe. (2004). “Intellectual Property as Securitized Assets”. SSRN Scholarly Paper 3683632. 2003FY Industrial Property Research Promotion Project. Waseda University: Japan Patent Office.
12. Hu, Joseph C. (2011). Asset Securitization: Theory and Practice. John Wiley & Sons.
13. I. Davies. (2006). “Secured Financing of Intellectual Property Assets and the Reform of English Personal Property Security Law”. Oxford Journal of Legal Studies 26 (3): 559-83. https://doi.org/10.1093/ojls/gql018
14. John Gabala Jr. (2004). “‘Intellectual Alchemy’: Securitization of Intellectual Property as an Innovative Form of Alternative Financing”. UIC Review of Intellectual Property Law 3 (2).
15. Lai, Stanley. (2009). “Securitise Your IP Rights in Asia”. Managing Intellectual Property No. 188 (April): 30.
16. Lê Thị Thiên Hương. (2021). “Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ: Tìm vốn trong khủng hoảng Covid! (Securitization of intellectual property rights: Finding capital in the Covid crisis!)”.
17. Maria Cristina Odasso and Elisa Ughetto. (2011). “Patent-backed Securities in Pharmaceuticals: What Determines Success or Failure?” R&D Management 41 (3), pages 219-39. https://doi.org/10.1111/j.1467-9310.2011.00646.x
18. Marilee Owens-Richards. (2016). “The Collateralisation and Securitisation of Intellectual Property”. Doctoral Dissertation, Queen Mary, University of London.
19. Mas Rahmah. (2017). “Promoting Intellectual Property Securitization for Financing Creative Industry in Indonesia: Challenges and Solutions”. Journal of Intellectual Property Rights 22 (2).
20. Nemlioglu, Ilayda (2019). “A Novelty on Unlocking Businesses’ Potential Growth: Intellectual Property Securitisation”. Procedia Computer Science 158.
Tin bài khác


Giải pháp "tích hợp mô hình D-SMART" dành cho doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Tích hợp ESG trong chiến lược phát triển logistics: Thực tiễn quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero

Ngân hàng trung ương mua vàng: Xu hướng và dự báo

Ngân hàng trung ương và vàng: Phân tích và hàm ý

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thị trường vàng

Phân tích bản đồ tri thức trong nghiên cứu về tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Một số gợi ý cho Việt Nam

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Pháp luật về thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai: Phân tích và một số khuyến nghị

Tín dụng tăng trưởng “tiếp sức” nền kinh tế hiệu quả

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý, xử lý tài sản bảo đảm ngân hàng bằng tài sản số, tín chỉ các-bon và bài học cho Việt Nam

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 12 - khóa XIII

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
