
Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”
Tóm tắt: Bài viết phân tích chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu trong việc chuyển đổi từ tài trợ các ngành công nghiệp phát thải carbon cao sang các dự án "xanh" và khử carbon. Mặc dù có xu hướng thắt chặt tài trợ cho các ngành như khai thác mỏ, dầu khí và luyện kim, nhiều ngân hàng lớn vẫn tiếp tục hỗ trợ các ngành "nâu" - ngành có lượng phát thải carbon cao, do áp lực kinh tế và chính trị. Các ngân hàng toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ và Nhật Bản, cung cấp phần lớn nguồn vốn tài trợ cho các ngành phát thải carbon cao, trong khi đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế. Bài viết cũng đề cập đến sự dịch chuyển sang "tài trợ chuyển đổi", tập trung vào các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính, thay vì phân loại cứng nhắc giữa "xanh" và "nâu".
Từ khóa: Chiến lược, nhà đầu tư toàn cầu, ngân hàng toàn cầu, phát thải carbon.
GLOBAL INVESTORS’ STRATEGIES: THE BUMPY ROAD TO “GOING GREEN”
Abstract: The article analyzes the strategies of global investors in shifting from financing high-carbon industries to “green” and decarbonization projects. Despite a trend toward tightening financing for sectors such as mining, oil and gas, and metals, many major banks continue to support “brown” industries (with high carbon emissions) due to economic and political pressures. Global banks, especially those from the US and Japan, provide the majority of financing for high-carbon industries, while investment in renewable energy remains limited. The article also discusses the shift to “transformational financing” focusing on projects that reduce greenhouse gas emissions, rather than rigid “green” and “brown” categories.
Keywords: Strategy, global investors, global banks, carbon emissions.
1. Giới thiệu
Biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách thức đầu tư và tài trợ toàn cầu. Các ngân hàng và tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình khử carbon thông qua việc điều chỉnh chiến lược tài trợ. Tuy nhiên, con đường hướng tới một nền kinh tế xanh không hề bằng phẳng. Mặc dù nhiều ngân hàng đã cam kết giảm tài trợ cho các ngành công nghiệp phát thải carbon cao, thực tế cho thấy việc cắt giảm này diễn ra chậm chạp, trong khi đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bài viết phân tích chiến lược của các ngân hàng toàn cầu, sự rút lui của một số ngân hàng lớn khỏi các liên minh khí hậu và xu hướng chuyển đổi sang “tài trợ xanh” và "tài trợ chuyển đổi", trên cơ sở đó, đề xuất một số hàm ý đối với Việt Nam.
![]() |
Xanh hóa không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là chiến lược cạnh tranh dài hạn (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
2. Chiến lược của các ngân hàng toàn cầu - Kết quả và thảo luận
2.1. Các ngân hàng toàn cầu và chính sách tài trợ cho ngành công nghiệp carbon
Vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025, sáu ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã rút khỏi Liên minh Ngân hàng Không phát thải (Net Zero Banking Alliance - NZBA) - một liên minh ngân hàng quốc tế cam kết điều chỉnh chính sách tín dụng và đầu tư theo mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Liên minh này được thành lập vào năm 2021 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, như một phần của Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ), khi đại diện cho nhóm này tại Hội nghị COP26, cựu Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney gọi đây là một “bước đột phá trong việc huy động tài chính khí hậu mà thế giới đang cần” (Jessop, 2021).
Các tổ chức tài chính: Goldman Sachs, Wells Fargo, Citibank, Bank of America, Morgan Stanley và JPMorgan Chase, trong tuyên bố rút khỏi NZBA đã nhấn mạnh rằng, họ vẫn cam kết giảm lượng khí thải carbon. Cùng với đó, vào cuối tháng 01/2025, năm ngân hàng lớn nhất của Canada (Bank of Montreal, National Bank, TD Bank, National Bank of Canada và CIBC) cũng rời khỏi NZBA nhưng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình khử carbon (Frost, 2025).
Dù đã đưa ra các cam kết cắt giảm phát thải, nhưng các ngân hàng toàn cầu, bao gồm cả những ngân hàng vẫn tham gia GFANZ, nhìn chung, không vội vàng cắt giảm tài trợ cho các ngành phát thải carbon cao.
Kể từ khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào năm 2016, 60 ngân hàng lớn nhất thế giới đã cung cấp 6,9 nghìn tỉ USD tài trợ cho các ngành công nghiệp phát thải carbon cao, trong đó, khoảng một nửa (3,3 nghìn tỉ USD) dành cho các công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, chỉ có 3,8 nghìn tỉ USD được đầu tư vào năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp xanh (Banking on Climate Chaos, 2024).
Tính đến năm 2023, tài trợ cho ngành công nghiệp carbon cao giảm khoảng 10%, sau khi giảm 15% vào năm 2022. Tuy nhiên, mức cắt giảm này vẫn chưa đủ để thúc đẩy quá trình khử carbon, vốn đòi hỏi phải giảm tài trợ cho các ngành gây ô nhiễm, đồng thời, tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh. Theo ước tính của BloombergNEF, để đạt mục tiêu trung hòa carbon theo Thỏa thuận Paris đến năm 2030, tài trợ cho các dự án xanh cần gấp 4 lần so với tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, nhưng trong năm 2023, tỉ lệ này mới chỉ đạt 0,89:1 (0,74:1 vào năm 2022 và 0,78:1 vào năm 2021 (Quinson, 2025).
Top 10 ngân hàng toàn cầu về tài trợ "nâu" chiếm hơn 40% tổng tài trợ này, trong đó, chủ yếu là các ngân hàng toàn cầu của Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, tại Mỹ đang có xu hướng gia tăng cho vay đối với ngành dầu khí thông qua các ngân hàng khu vực: Từ đầu năm 2022, tổng dư nợ tín dụng "nâu" của năm ngân hàng khu vực lớn (Citizens Financial, BOK Financial, Truist Securities, Fifth Third và US Bancorp) đã tăng hơn 70% tính theo trung bình hằng năm (AAGR) so với giai đoạn 2016 - 2021 (White, 2024).
2.2. Chiến lược đầu tư của các ngân hàng toàn cầu
Trong năm 2024, một số ngân hàng lớn, không chỉ ở Mỹ, đã điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng nới lỏng các hạn chế đối với việc tài trợ cho các công ty "nâu" - thường thực hiện điều này một cách kín đáo bằng cách chỉnh sửa các tài liệu đã được phê duyệt trước đó.
Tại Mỹ, ngân hàng lớn thứ hai theo quy mô tài sản - Bank of America - đã chuyển từ lệnh cấm hoàn toàn đối với việc tài trợ thăm dò và khai thác tại Bắc Cực, khai thác than và sử dụng than để sản xuất điện sang kiểm soát tăng cường. Nói cách khác, ngân hàng có thể tài trợ cho các dự án trong những lĩnh vực này hoặc từ chối đầu tư với lý do rủi ro cao. Tháng 01/2024, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã hủy bỏ chiến lược khí hậu của Credit Suisse (ngân hàng mà UBS đã mua lại) và điều chỉnh chính sách của ngân hàng hợp nhất đối với ngành than: Thay vì lệnh cấm hoàn toàn, họ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro (Bloomberg, 2024). Ngân hàng Anh HSBC thậm chí tuyên bố không có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn việc tài trợ cho các lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao, cho rằng các lệnh cấm này không hiệu quả trong việc giảm phát thải (March, 2024).
Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu (ngoại trừ UBS) vẫn cam kết với các nghĩa vụ trước đây, tiếp tục mở rộng các lệnh cấm và thắt chặt điều kiện tài trợ cho các công ty "nâu". Một số ngân hàng đã công bố lệnh cấm tài trợ cho các dự án khai thác dầu khí mới cũng như các công ty ít đa dạng hóa, chỉ hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn - tức là, thăm dò và khai thác dầu khí mà không có hoạt động chế biến tiếp theo (ING Group). BNP Paribas và Credit Agricole của Pháp tuyên bố sẽ không còn cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các công ty dầu khí, ngoại trừ trái phiếu xanh.
Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng hạn chế tài trợ cho than nhiệt, vốn được sử dụng trong sản xuất điện. Tuy nhiên, chỉ có ba ngân hàng lớn (gồm BNP Paribas, Credit Agricole và ING Group) cam kết ngừng tài trợ cho khai thác than luyện kim. Thông thường, các ngân hàng biện minh cho việc loại trừ than luyện kim khỏi chính sách hạn chế tài trợ ngành than bằng lập luận rằng nó không có giải pháp thay thế trong sản xuất thép. Trong khi đó, các nhà hoạt động khí hậu kêu gọi mở rộng lệnh cấm, vì ngành công nghiệp thép có lượng phát thải carbon cao, với 90% lượng khí thải đến từ việc sử dụng than.
Các ngân hàng từ các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDEs) trong thời gian dài đã trì hoãn việc áp dụng các lệnh cấm trực tiếp đối với tài trợ cho ngành than và dầu khí, chủ yếu do các vấn đề an ninh năng lượng ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, một số ngân hàng các nước EMDEs đã bắt đầu thắt chặt chiến lược tài trợ cho các công ty có lượng khí thải carbon cao.
Tại Mexico, trước đây, những hạn chế đối với nhiên liệu hóa thạch chỉ áp dụng cho công ty con của các ngân hàng châu Âu: Trong báo cáo của Ngân hàng Tây Ban Nha BBVA đã nhận định rằng, chiến lược đầu tư của họ đối với các tài sản châu Âu cũng như Mexico đều như nhau (BBVA, 2023). Tuy nhiên, từ tháng 01/2024, Banorte - ngân hàng lớn thứ hai theo quy mô tài sản của Mexico đã bắt đầu hạn chế tài trợ cho các dự án mới và mở rộng trong lĩnh vực khai thác than và khai thác dầu khí phi truyền thống, với kế hoạch ngừng hoàn toàn tài trợ cho các lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao vào năm 2030.
Ngược lại, tại Trung Quốc, các công ty con tại Hồng Kông của các ngân hàng lớn Trung Quốc đang tích cực hơn so với công ty mẹ trong việc hạn chế tài trợ cho các ngành có lượng khí thải carbon cao. Từ tháng 10/2023, chi nhánh Hồng Kông của Ngân hàng Trung Quốc (BOCHK) đã mở rộng lệnh cấm tài trợ cho ngành than, áp dụng cả với các dự án trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục (trước đó, chỉ áp dụng với các dự án ở nước ngoài). Ngân hàng này cũng ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch phi truyền thống và khai thác tại Bắc Cực (BOC, 2024).
Một số ngân hàng từ các nền kinh tế đang phát triển đã áp đặt các giới hạn định lượng đối với tỉ lệ tín dụng dành cho các lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao trong tổng danh mục cho vay. Ví dụ, Ngân hàng FirstRand của Nam Phi giới hạn tỉ lệ này ở mức 2% đối với ngành khai thác than (với kế hoạch giảm xuống 1% vào năm 2030) và 2,5% đối với các công ty khai thác dầu khí (FirstRand, 2023).
2.3. Tài trợ "xanh" (Green Finance)
Tuy nhiên, các hạn chế đầu tư đối với các ngành "nâu" không đồng nghĩa với việc bật đèn xanh cho các lĩnh vực "xanh". Các ngân hàng, dù ở các nước phát triển hay đang phát triển, vẫn chưa tích cực tài trợ cho các dự án khí hậu.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2024), khoảng 60% ngân hàng thuộc các thị trường EMDEs dành chưa đến 5% danh mục cho vay của mình cho tài trợ khí hậu, trong khi 28% ngân hàng hoàn toàn không tài trợ cho các dự án khí hậu. Tại Nga, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng tín dụng tại Nga (AKRA), vào năm 2023, tổng danh mục ESG của hệ thống ngân hàng đạt 4,4 nghìn tỉ RUB, chiếm 2,6% tổng tài sản ngân hàng; trong đó, chỉ hơn 2 nghìn tỉ RUB thuộc về các khoản cho vay "xanh".
Tại Liên minh châu Âu (EU), từ năm 2024, các ngân hàng phải công bố tỉ lệ tài sản bền vững theo Tiêu chuẩn phân loại của EU - Tỉ lệ Tài sản Xanh (Green Asset Ratio - GAR). Trong một khảo sát với 33 ngân hàng tại 13 quốc gia, tỉ lệ GAR trung bình chỉ đạt 3%.
Ở Nhật Bản, đầu tư vào các ngành có lượng khí thải carbon cao vẫn vượt quá mức tài trợ cho các dự án khí hậu. Từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2024, các tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản (JBIC, JOGMEC, NEXI, JICA, DBJ) đã tài trợ cho ngành dầu khí và khai thác than với tổng trị giá 93 tỉ USD, cao gấp gần 4 lần so với giá trị các dự án năng lượng sạch trong cùng kỳ.
Các ngân hàng lớn của Mỹ có phản ứng khác nhau đối với đề xuất của Văn phòng Kiểm soát Tài chính New York yêu cầu công bố tỉ lệ giữa tín dụng "xanh" và tín dụng dành cho nhiên liệu hóa thạch. Cổ đông của Bank of America và Goldman Sachs đã không ủng hộ đề xuất này, trong khi RBC, JPMorgan và Citibank đã tham gia sáng kiến, đồng ý đặt mục tiêu cụ thể cho chỉ số này. Cuối năm 2023, JPMorgan lần đầu tiên công bố dữ liệu về tỉ lệ này, cho thấy rằng với mỗi 1 USD đầu tư vào lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao, ngân hàng đầu tư 1,29 USD vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, BloombergNEF ước tính tỉ lệ thực tế của JPMorgan thấp hơn (chỉ đạt 0,8:1). Điều đáng chú ý là vào năm 2023, JPMorgan là ngân hàng đứng đầu thế giới về đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, cũng tuyên bố là nhà đầu tư lớn vào năng lượng phát thải carbon thấp.
2.4. Tài trợ chuyển đổi
Một xu hướng khác trong giới tài chính là từ bỏ việc phân chia tài sản thành "xanh" và "nâu", thay vào đó, tập trung vào tài trợ chuyển đổi - tài trợ cho các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Ngân hàng Anh HSBC và Standard Chartered đang phát triển công cụ tín chỉ chuyển đổi dành cho khách hàng ở châu Á. Công cụ này là một dạng tín chỉ carbon, được tính theo tấn CO₂ tương đương, chứng nhận việc giảm phát thải nhờ đóng cửa sớm các nhà máy điện than. Sáng kiến này được kỳ vọng sẽ huy động nguồn vốn cần thiết để phi carbon hóa ngành điện tại khu vực châu Á, nơi than vẫn là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện.
Tài trợ chuyển đổi không phải là khoản tài trợ vô điều kiện - các ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng phải có kế hoạch chuyển đổi hoặc tự đánh giá mức độ phù hợp của khách hàng với lộ trình hướng đến phát thải ròng bằng 0. Chẳng hạn, Danske Bank (Đan Mạch) đã phát triển một mô hình đánh giá mức độ phù hợp với lộ trình chuyển đổi. Commonwealth Bank (Úc) yêu cầu khách hàng phải có kế hoạch cắt giảm phát thải đến năm 2035 và các bước phi carbon hóa tiếp theo đến năm 2050. Barclays (Anh) yêu cầu các công ty dầu khí lập chiến lược cắt giảm phát thải, trong khi Union Investment (Đức) lên kế hoạch ngừng tài trợ cho các công ty dầu khí không có chiến lược phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Giống như các ngân hàng, các công ty quản lý tài sản và bảo hiểm trên toàn cầu cũng đang dần chuyển hướng sang tài trợ chuyển đổi thay vì chỉ tập trung vào các dự án "xanh" hay "nâu". Tính đến tháng 8/2024, các nhà quản lý tài sản đang nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của các công ty nhiên liệu hóa thạch trị giá 5,1 nghìn tỉ USD, trong đó hơn 60% thuộc về các nhà đầu tư tổ chức Mỹ. Trong năm 2024, nhiều quỹ đầu tư lớn của Mỹ như BlackRock, Invesco, JPMorgan Chase, Pimco, Goldman Sachs và State Street đã rời khỏi sáng kiến Climate Action 100+ (một trong những liên minh lớn nhất về giảm khí thải carbon trong đầu tư) hoặc giảm mức độ tham gia.
Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn đối mặt với cáo buộc "greenwashing" - giả vờ là nhà đầu tư "xanh" nhưng thực chất không có sự chuyển đổi bền vững. Vào tháng 10/2024, tổ chức môi trường ClientEarth đã kiện BlackRock với cáo buộc đầu tư vào các tập đoàn dầu khí thông qua các quỹ được dán nhãn "bền vững". Trong giai đoạn từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, 30% các công ty trước đó bị cáo buộc "greenwashing" vẫn tiếp tục vi phạm, mặc dù số lượng các vụ việc liên quan đến vấn đề này đã giảm 12% - mức giảm đầu tiên trong sáu năm qua. Trong khi đó, một số quỹ quản lý tài sản nhỏ hơn đã thắt chặt chiến lược đối với ngành than, đặt ra thời hạn ngừng tài trợ. Các mốc thời gian này khác nhau tùy theo mức độ phát triển kinh tế của từng quốc gia - năm 2030 đối với các công ty thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và năm 2040 đối với các công ty tại EMDEs. Tuy nhiên, các lệnh cấm này thường không áp dụng cho tài trợ nhằm đóng cửa các nhà máy điện than và mỏ dầu khí. Một số tổ chức lớn như Legal and General (Anh), Prudential Financial (Mỹ), và Manulife (Canada) vẫn tài trợ cho việc ngừng hoạt động các cơ sở này.
2.5. Chiến lược của các công ty bảo hiểm
Ngành bảo hiểm đang đối mặt với một tình huống mâu thuẫn. Một mặt, các công ty bảo hiểm vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. Tổng số vốn đầu tư của các tổ chức tài chính này vào ngành dầu khí và khai thác than ước tính lên tới hơn 530 tỉ USD. Hai công ty bảo hiểm lớn nhất đầu tư vào các lĩnh vực này là Berkshire Hathaway và State Farm của Mỹ, với tổng số vốn đầu tư hơn 180 tỉ USD. Trong 10 năm qua, sự gia tăng đầu tư của hai công ty này vào nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng tỉ trọng các khoản đầu tư này trong danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm Mỹ, từ 3,8% năm 2014 lên 4,4% vào năm 2024.
Mặt khác, một số công ty bảo hiểm đang dần thắt chặt các điều khoản bảo hiểm đối với các công ty “nâu”. Ví dụ, vào năm 2024, Chubb (Mỹ - Thụy Sĩ) và Meiji Yasuda Life (Nhật Bản) đã hoàn toàn từ chối bảo hiểm cho các công ty tham gia thăm dò các mỏ dầu khí mới hoặc có kế hoạch mở rộng hoạt động gây phát thải carbon cao. Trong khi đó, Generali (Ý) đã mở rộng lệnh cấm bảo hiểm đối với toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành dầu khí, bao gồm cả các trạm xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) mới và các nhà máy điện chạy bằng dầu và khí đốt.
Song song với sự gia tăng đầu tư của các công ty bảo hiểm vào các ngành có lượng phát thải cao, tổn thất bảo hiểm liên quan đến biến đổi khí hậu cũng ngày càng gia tăng. Trong 10 năm qua, tỉ lệ tổn thất bảo hiểm do thiên tai chiếm trong tổng số tổn thất được bảo hiểm đã tăng từ 31% lên 38%. Điều này dẫn đến việc tăng phí bảo hiểm hoặc thậm chí từ chối bảo hiểm đối với các tài sản có rủi ro khí hậu cao.
Tại Pháp, vào đầu năm 2024, cư dân tại khoảng 2.000 thành phố và thị trấn đã không thể mua bảo hiểm nhà ở, do các công ty bảo hiểm hủy hợp đồng nhằm giảm thiểu tổn thất do bão và lũ lụt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Canada, nơi 6% - 10% số nhà ở không có bảo hiểm lũ lụt, trong khi phí bảo hiểm dự kiến sẽ tăng 7% vào cuối năm 2024. Như vậy, các công ty bảo hiểm đang chuyển chi phí rủi ro sang các hộ gia đình.
Một biện pháp nhằm đối phó với tình trạng này có thể thấy ở California (Mỹ), nơi từ cuối năm 2024, chính quyền bang bắt buộc các công ty bảo hiểm phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, nếu họ muốn tiếp tục hoạt động trong tiểu bang. Các công ty bảo hiểm phải tăng dần tỉ lệ hợp đồng bảo hiểm tại các khu vực rủi ro cao lên 85% tổng số hợp đồng bảo hiểm của họ. Dự kiến, biện pháp này có thể làm tăng phí bảo hiểm lên tới 40%.
Nhìn chung, xu hướng tài trợ cho các ngành có lượng phát thải carbon cao của các tổ chức tài chính lớn vẫn chưa rõ ràng. Một mặt, các ngân hàng từ các nước đang phát triển đang dần hạn chế tài trợ cho các ngành công nghiệp “nâu”. Mặt khác, các ngân hàng ở các nước phát triển - từng dẫn đầu trong phong trào tài chính xanh - lại đang nới lỏng chính sách đối với nhiên liệu hóa thạch, bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm hoặc tạo điều kiện cho các công ty có chiến lược khử carbon. Tuy nhiên, việc áp đặt các hạn chế chỉ là một phần của vấn đề: để đạt được mục tiêu khí hậu, cần phải tăng cường tài trợ cho các dự án “xanh”, điều mà cho đến nay, vẫn chưa đủ cả ở các nước phát triển lẫn đang phát triển.
2.6. Một số hàm ý đối với Việt Nam
Các ngân hàng cần nhìn nhận xanh hóa không chỉ là trách nhiệm môi trường, mà còn là chiến lược cạnh tranh dài hạn. Tuy nhiên, chiến lược này không nên triển khai theo kiểu “phong trào” mà cần: (i) Có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc điểm phát triển của Việt Nam; (ii) Đảm bảo cân bằng giữa lợi nhuận, rủi ro và mục tiêu bền vững. Dưới đây là một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam, đặc biệt là ngành Ngân hàng:
Thứ nhất, chuyển hướng từ loại trừ sang hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Thay vì loại trừ hoàn toàn các ngành phát thải cao (như năng lượng, thép, xi măng…), các ngân hàng nên cân nhắc thiết kế các sản phẩm tín dụng chuyển đổi, nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình cải thiện công nghệ, giảm phát thải. Điều này giúp duy trì ổn định kinh tế trong khi vẫn hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế carbon thấp.
Thứ hai, tăng cường minh bạch và quản trị rủi ro “greenwashing”. Trước áp lực ngày càng lớn từ hiện tượng “greenwashing” trên toàn cầu, ngành Ngân hàng cần: (i) Thiết lập bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá tính xanh của khoản tín dụng hoặc dự án; (ii) Công khai thông tin về danh mục tín dụng xanh, tiêu chí đánh giá và kết quả tác động thực tế về môi trường; (iii) Phát triển cơ chế kiểm toán độc lập và đánh giá bên thứ ba để tăng tính tin cậy của báo cáo ESG.
Thứ ba, tham gia các liên minh và cam kết khí hậu một cách chủ động, linh hoạt. Việc một số tổ chức quốc tế rút khỏi các sáng kiến khí hậu cho thấy các ngân hàng cần thận trọng trong việc lựa chọn cam kết và sáng kiến phù hợp, tránh hình thức và chịu áp lực chính trị. Thay vào đó, nên ưu tiên xây dựng nội lực xanh hóa hệ thống ngân hàng, như: (i) Tăng cường năng lực phân tích rủi ro khí hậu; (ii) Đào tạo nhân sự về tài chính bền vững; (iii) Thiết lập lộ trình xanh hóa danh mục tín dụng phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.
Thứ tư, phát triển hệ thống công cụ và tiêu chuẩn tài chính xanh quốc gia. Học hỏi các quốc gia tiên tiến, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện khung phân loại xanh, hệ thống đánh giá xếp hạng tín dụng xanh, và chuẩn hóa báo cáo khí hậu cho ngành Ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự đồng bộ trong thực thi các chính sách xanh.
3. Kết luận
Chiến lược tài trợ của các ngân hàng toàn cầu trong việc hỗ trợ quá trình khử carbon vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù có những nỗ lực trong việc giảm tài trợ cho các ngành công nghiệp phát thải carbon cao, nhiều ngân hàng trên thế giới vẫn tiếp tục hỗ trợ các ngành "nâu" do áp lực kinh tế và chính trị. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án xanh vẫn chưa đủ để đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu. Xu hướng "tài trợ chuyển đổi" đang nổi lên như một giải pháp trung gian, tập trung vào việc giảm phát thải thay vì phân loại cứng nhắc giữa "xanh" và "nâu". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn từ cả khu vực tài chính và chính phủ các nước, cùng với việc tăng cường đầu tư vào các dự án bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Asean Capital Market Forum. (2024). ASEAN transition finance guidance. https://www.theacmf.org/initiatives/sustainable-finance/asean-transition-finance-guidance-v2
2. Banking on Climate Chaos. (2024). Fossil fuel finance report. https://reclaimfinance.org/site/wp-content/uploads/2024/06/BOCC_2024.pdf
3. BBVA. (2023). BBVA report on TFCD 2023.
4. BOC Hong Kong (Holdings) Limited. (2024). ESG sensitive sector strategy statement.
5. Bloomberg. (2024, February 19). UBS ditches Credit Suisse plan to phase out coal financing. Swissinfo. https://www.swissinfo.ch/eng/ubs-ditches-credit-suisse-plan-to-phase-out-coal-financing/73419300
6. FirstRand. (2023). FirstRand Limited’s 2023 climate-related financial disclosures.
7. Frost, R. (2025, February 10). Top American banks exit net zero alliance: What does this mean for their European peers? Euronews. https://www.euronews.com/green/2025/02/10/top-american-banks-exit-net-zero-alliance-what-does-this-mean-for-their-european-peers
8. Jessop, S. (2021, April 21). Carney, Kerry launch global finance plan to boost climate action. Reuters. https://www.reuters.com/business/sustainable-business/carney-kerry-launch-global-finance-plan-boost-climate-action-2021-04-21/
9. March, A. (2024). HSBC tells clients it won’t blacklist major polluters. Financial Post. https://financialpost.com/pmn/business-pmn/hsbc-tells-clients-it-wont-blacklist-major-polluters
10. Quinson, T. (2025, January 29). Banks make little headway in addressing climate change. BNN Bloomberg. https://www.bnnbloomberg.ca/business/international/2025/01/29/global-banks-make-little-headway-in-addressing-climate-change/
11. White, N. (2024, April 14). US regional banks dramatically step up loans to oil and gas. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-04-14/us-regional-banks-dramatically-step-up-loans-to-oil-and-gas
12. World Bank. (2024). Finance and prosperity 2024 – Special focus: Sovereign-bank nexus, climate and the banking sector.
Tin bài khác


Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
