Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

Hoạt động ngân hàng
Trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024, hệ thống ngân hàng đã phát huy vai trò là huyết mạch quan trọng, chủ động bảo đảm nguồn vốn lưu thông linh hoạt, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của tỉnh.
aa

1. Bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

Nằm ở trung tâm phía Nam Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng lớn để đầu tư, phát triển kinh tế như: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới, được đầu tư khá đồng bộ; hạ tầng điện lực có công suất nằm trong top dẫn đầu cả nước; cùng với nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, được đào tạo cơ bản luôn sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, các huyện ven biển của tỉnh Nam Định (gồm Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) rất giàu tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… Năm 2024, khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có, kinh tế tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định và có những bước phát triển vượt bậc so với năm 2023, cụ thể:

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt khoảng 61.222 tỉ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, là mức tăng cao trong vùng (4/11) và cả nước (9/63). GRDP bình quân đầu người đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm 2023. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, bất thường trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2024 tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,56% so với năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,65%.

Hoạt động thương mại, dịch vụ toàn tỉnh diễn ra sôi động trong năm 2024, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2024 tăng 8,9% so với tháng trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,8% so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 4.775 triệu USD, tăng 21,4% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 25,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.225 triệu USD.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2024 của tỉnh Nam Định có nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động là 1.806 doanh nghiệp, số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 2,5 lần so với năm 2023. Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2024 khởi sắc hơn quý III/2024 với 77,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Hoạt động đầu tư, xây dựng cũng được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện với nhiều công trình trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông liên vùng và hạ tầng khu đô thị, khu dân cư. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2024 đạt 62.420 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Trong đó, vốn Nhà nước là 13.736 tỉ đồng, chiếm 22%, tăng 3%; vốn ngoài Nhà nước là 42.189 tỉ đồng, chiếm 67,6%, tăng 15,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6.495 tỉ đồng, chiếm 10,4%, tăng 105,9%. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt tín hiệu tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Nam Định, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 25/12/2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 81 dự án (gồm 47 dự án đầu tư trong nước, 34 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký là 11.523 tỉ đồng và 343 triệu USD.

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024
Bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 có nhiều khởi sắc

Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng lớn từ thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão số 3, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND), sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; cùng sự nỗ lực các sở, ngành, đoàn thể và của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tình hình kinh tế tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực với 100% (14/14) chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

2. Dấu ấn hoạt động ngân hàng trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

Trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024, hệ thống ngân hàng đã phát huy vai trò là huyết mạch quan trọng, chủ động bảo đảm nguồn vốn lưu thông linh hoạt, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của tỉnh.

NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)

Năm 2024, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024; Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định đã chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra an toàn, hiệu quả.

Trên thị trường tiền tệ, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định tích cực chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, nỗ lực phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các đối tượng là động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội… nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm trong năm 2024, giảm khoảng 0,44%/năm so với cuối năm 2023.

Với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu đã được phân bổ, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, yêu cầu các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, an toàn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt tín dụng, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, theo dõi dòng tiền, thực hiện nghiêm quy định nội bộ về luân chuyển cán bộ… nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Đến ngày 27/12/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 129.431 tỉ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 123.043 tỉ đồng, tăng 18,8% so với đầu năm. Cho vay bằng VND chiếm 97,2%; cho vay ngắn hạn chiếm 76,9%; cho vay doanh nghiệp là 36.280 tỉ đồng, chiếm 29,5%; cho vay hợp tác xã là 48 tỉ đồng, chiếm 0,04%; cho vay hộ gia đình, cá nhân là 86.715 tỉ đồng, chiếm 70,46%. Trong đó, dư nợ cho vay của Ngân hàng Phát triển tỉnh Nam Định là 472,3 tỉ đồng. Cùng với đó, chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm tỉ lệ 0,48% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN.

Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2024, các TCTD trên địa bàn tỉnh Nam Đỉnh đã tích cực triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, một số kết quả như sau:

Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 62.752 tỉ đồng, chiếm 51% tổng dư nợ cho vay, tăng 7.486 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 18.333 tỉ đồng, chiếm 14,9% tổng dư nợ cho vay và chiếm 50,5% dư nợ cho vay doanh nghiệp, tăng 2.996 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

Cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.820 tỉ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm 2024, với 100.114 khách hàng, trong đó cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường chiếm 34,8%; cho vay hộ cận nghèo chiếm 15,7%; cho vay hộ nghèo chiếm 2,6%; cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 19,6%; cho vay giải quyết việc làm chiếm 18,1%; cho vay học sinh, sinh viên chiếm 5,0%; cho vay các chương trình khác chiếm 4,2%.

Cho vay chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 và Văn bản số 7849/NHNN-TD ngày 23/9/2024 của NHNN có doanh số giải ngân lũy kế đến ngày 30/9/2024 là 242,4 tỉ đồng, tăng 130,6 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023, đến nay không còn dư nợ theo chương trình này.

Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội có 470 khách hàng đang có quan hệ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, số tiền còn dư nợ 184,2 tỉ đồng, giảm 3,4 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng hạ tầng thanh toán

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của hệ thống ngân hàng tỉnh Nam Định năm 2024 và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn: (i) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai Đề án 06; đẩy mạnh triển khai áp dụng các giải pháp ứng dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID trong định danh, xác thực khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán; (ii) Tăng cường áp dụng các giải pháp, công nghệ số trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, quản trị rủi ro, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ nền tảng với nhiều ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng; (iv) Tích cực triển khai các cơ chế, chính sách mới về hoạt động thanh toán, hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân trước thời điểm 01/01/2025…

Tính đến ngày 20/12/2024, tổng số hồ sơ khách hàng đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chíp hoặc tài khoản VNeID là 749.842 hồ sơ, trong đó khách hàng cá nhân là 748.677 hồ sơ, tỉ lệ khách hàng cá nhân đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học đạt 70,9% (xếp thứ 30 toàn quốc). Một số TCTD đã làm việc ngoài giờ hành chính để hỗ trợ khách hàng, bảo đảm hoàn thành việc đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng cá nhân trước ngày 01/01/2025. Bên cạnh đó, các TCTD đã tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng bằng phương thức điện tử, trong tháng 11/2024 có 1.147 khách hàng phát sinh mới được TCTD cho vay, dư nợ đến ngày 30/11/2024 đạt 65,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, các TCTD tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, công tác TTKDTM tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ mới để phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo mật, trong đó các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, nhất là trong thanh toán tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, trợ cấp… Đến nay đã có 100% các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hải quan được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 99,9% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng nộp thuế điện tử; 95,6% khách hàng tham gia thanh toán tiền điện; 533 trường học trên địa bàn đã thực hiện thanh toán tiền học phí; 24 bệnh viện, cơ sở y tế đã triển khai thực hiện thanh toán tiền viện phí qua ngân hàng…

Tính đến tháng 12/2024, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với những đơn vị liên quan thực hiện thu thuế 501.366 món, với số tiền 11.498 tỉ đồng; thu tiền điện 1.869.901 món, với số tiền 3.960 tỉ đồng; thu tiền nước 469.525 món, với số tiền 266 tỉ đồng; thu cước viễn thông 576.308 món, với số tiền 106 tỉ đồng; thu tiền học phí 1.029.122 món, với số tiền 484 tỉ đồng; thu tiền viện phí 26.404 món, với số tiền 97 tỉ đồng; chi trả các chương trình an sinh xã hội 162.807 món, với số tiền 810 tỉ đồng. Nhìn chung, hoạt động thanh toán qua ngân hàng cơ bản bảo đảm thông suốt, chính xác và an toàn; chất lượng dịch vụ ATM, CDM, thẻ ngân hàng, các dịch vụ thanh toán khác tiếp tục được nâng cao.

Tích cực thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thực hiện Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 03/9/2020 của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Chiến lược này; chỉ đạo các TCTD thông qua mạng lưới hoạt động để tăng cường công tác truyền thông; tích cực phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là về khu vực nông thôn, khu vực xa trung tâm, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, phục vụ hiệu quả quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cơ bản các mục tiêu đến năm 2025 đã và đang được thực hiện theo đúng định hướng. Theo đó, các TCTD đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động: Đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 25 chi nhánh TCTD cấp I, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 121 phòng giao dịch, 233 ATM. So với thời điểm cuối năm 2023, tăng 2 phòng giao dịch và 8 ATM, trong đó nhiều đơn vị đã nâng cấp ATM thêm nhiều dịch vụ hiện đại so với ATM truyền thống như nộp, rút tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… Bên cạnh đó, các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngày càng được phát triển đa dạng; nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính đã được các TCTD quan tâm, chú trọng phát triển với tiện ích, thuận tiện, chi phí thấp, hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, doanh nghiệp.

3. Hệ thống ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế tỉnh Nam Định, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2025

Trên cơ sở chỉ tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD của NHNN và định hướng phát triển kinh tế tỉnh Nam Định trong năm 2025, hệ thống ngân hàng trên địa bàn quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2025, tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế tỉnh Nam Định với một số mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, các TCTD chủ động xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro thanh khoản và các rủi ro liên quan; không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng 140.000 tỉ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng 60.000 tỉ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản... Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp; tiếp tục triển khai các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh. Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, tuân thủ đúng quy trình khi tiến hành định giá, nhận thế chấp và quản lý tài sản bảo đảm của khách hàng vay vốn, thường xuyên theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm để kịp thời phát hiện những thay đổi, biến động về tài sản, trên cơ sở đó có những giải pháp quản lý tài sản bảo đảm và quản lý khoản vay phù hợp.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; thường xuyên đánh giá nợ xấu, bảo đảm khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan thi hành án các cấp trong quá trình thu hồi nợ xấu.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc các quy định về TTKDTM, trong đó tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bảo đảm chính chủ khi sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng trong thanh toán trực tuyến. Tiếp tục nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán, hoạt động an toàn, hiệu quả; thúc đẩy kết nối với các ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ TTKDTM trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là y tế, giáo dục… Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán QR Code… bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Thứ sáu, tích cực tham gia triển khai các chương trình giáo dục tài chính để triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân hàng tỉnh Nam Định năm 2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định.

2. Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của UBND tỉnh Nam Định.

3. Cục Thống kê tỉnh Nam Định: Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2024.

Minh Anh
NHNN

Tin bài khác

Tác động của tín dụng vi mô đến thu nhập hộ gia đình công nhân tại tỉnh Bình Dương

Tác động của tín dụng vi mô đến thu nhập hộ gia đình công nhân tại tỉnh Bình Dương

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm đáng kể trong những năm qua, nhưng các thách thức như việc làm không ổn định, tín dụng đen và áp lực dân nhập cư vẫn cản trở tiến trình này. Trong chính sách xóa đói, giảm nghèo, tín dụng vi mô đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với các nhóm thu nhập thấp như công nhân tại các khu công nghiệp. Nghiên cứu này đánh giá tác động của tín dụng vi mô đến thu nhập hộ gia đình công nhân tại tỉnh Bình Dương thời điểm trước sáp nhập với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng dữ liệu khảo sát từ 200 hộ gia đình công nhân và mô hình hồi quy Tobit để đưa ra đánh giá và đề xuất kiến nghị phù hợp.
Tín dụng tiếp tục là điểm sáng của ngành Ngân hàng

Tín dụng tiếp tục là điểm sáng của ngành Ngân hàng

Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2025 ghi nhận tín hiệu tích cực với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Tuy nhiên, sức ép từ các biện pháp thuế quan của Mỹ bắt đầu ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động sản xuất, thể hiện qua đà sụt giảm của chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Trong bối cảnh đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) triển khai linh hoạt để giữ ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Sử dụng phương pháp định tính và định lượng, nghiên cứu này điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đại học khi tham gia mua sắm trực tuyến tại thành phố Thủ Dầu Một. Qua các bước kiểm định, nghiên cứu xác định những biến tác động đến sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một khi tham gia mua sắm trực tuyến bao gồm: Tính tiện ích của nền tảng trực tuyến, chất lượng thông tin sản phẩm, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Tương tự nhiều địa phương khác trong cả nước, tại tỉnh Quảng Ngãi, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khu vực 14 gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Bạc Liêu, đây là địa bàn với tiềm năng và thế mạnh kinh tế là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng Khu vực 15 góp phần phát triển kinh tế địa phương

Hoạt động của hệ thống ngân hàng Khu vực 15 góp phần phát triển kinh tế địa phương

Hệ thống ngân hàng Khu vực 15 gồm 4 tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau, với những lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế đa dạng, bản sắc văn hóa phong phú và nguồn lực xã hội dồi dào, tạo nên “cực tăng trưởng” mới cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2025 - Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2025 - Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Bài viết phân tích tình hình tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đầu năm 2025 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cho thấy tín dụng phục hồi tích cực ở các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và logistics nhưng vẫn còn thách thức như tăng trưởng chưa đồng đều và rủi ro nợ xấu. Dựa trên chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị về ổn định lãi suất, định hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành tín dụng và tăng trưởng bền vững.
Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã không ngừng chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, từ đó tăng dần quy mô và tốc độ dư nợ tín dụng xanh. Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Lễ công bố "Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 21/5/2025 dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Xem thêm
Sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và một số gợi mở về mặt pháp lý

Sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và một số gợi mở về mặt pháp lý

Việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng ngân hàng không chỉ mở ra một hướng tiếp cận vốn mới cho các doanh nghiệp xanh, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường carbon và thực hiện hiệu quả các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình xây dựng khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số, một lĩnh vực vừa nhiều tiềm năng đổi mới, vừa ẩn chứa rủi ro hệ thống và pháp lý phức tạp. Bối cảnh thế giới cho thấy xu hướng hợp pháp hóa có kiểm soát, đặt trọng tâm vào bảo vệ nhà đầu tư, giám sát rủi ro và thúc đẩy phát triển công nghệ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết này đề xuất một số khuyến nghị về việc xây dựng khung pháp luật quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Giai đoạn 2018 - 2023 được đánh giá là một trong những giai đoạn biến động của kinh tế toàn cầu khi một loạt các sự kiện bất thường, ngoài dự đoán đã xảy ra, ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô cũng như hệ thống tài chính tại các quốc gia. Theo đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có những điều chỉnh lớn về chính sách tiền tệ - tài khóa và những điều chỉnh này đã ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô toàn cầu như lãi suất, tỉ giá. Nhóm tác giả đã thực hiện khái quát những thay đổi chính trong điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa của ba quốc gia lớn và ước lượng tác động đến tỉ giá tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chỉ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Mỹ và EU mới có ảnh hưởng đến tỉ giá, còn sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc và chính sách tài khóa cơ bản không có nhiều tác động đến tỉ giá Việt Nam.
Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng, là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, qua đó, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Tài sản số và tín chỉ carbon đang mở ra những cơ hội mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ việc đa dạng hóa tài sản bảo đảm đến thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới tài chính. Với tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam có thể tận dụng các loại tài sản này để hỗ trợ mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những rào cản về pháp lý, công nghệ và quản lý rủi ro hiện nay đang hạn chế khả năng ứng dụng của tài sản số, tín chỉ carbon. Việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các thách thức này.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 10/2025/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thông tư số 08/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướ

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng