
Giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn: Đã đến lúc xây dựng một chiến lược mới cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)
Tham dự và chủ trì Hội thảo khoa học, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, năng lực quản trị, điều hành và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến hết tháng 12/2024, hệ thống các TCTD là HTX bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) và 1.180 QTDND có quy mô tổng tài sản đạt trên 253.000 tỉ đồng, hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố phục vụ gần 2 triệu thành viên là các cá nhân, hộ gia đình ở vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại Hội thảo |
Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã một lần nữa khẳng định, NHHTX và QTDND được thành lập, tổ chức dưới hình thức HTX, trong đó các QTDND hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống; NHHTX là ngân hàng của tất cả các QTDND, do các QTDND và một số pháp nhân khác góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống QTDND.
Trước thách thức đặt ra là làm thế nào để các HTX hoạt động an toàn, vận hành dựa trên tôn chỉ, mục đích và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn kỳ vọng Hội thảo sẽ mang lại những giá trị thiết thực, đưa hoạt động của NHHTX, QTDND ngày càng hiệu quả, an toàn và bền vững, đồng thời là tư liệu quý giá để NHHTX hoàn thiện nội dung Đề án khoa học và công nghệ cấp bộ “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TCTD là HTX theo Luật Các TCTD năm 2024” mà Thống đốc NHNN giao NHHTX chủ trì nghiên cứu.
TS. Cấn Văn Lực - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Tận dụng thành công cơ hội, QTDND sẽ có nhiều bước đột phá
Tham luận tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khẳng định các HTX đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Song, thực trạng hoạt động của hệ thống HTX tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với vai trò, mục tiêu đặt ra. Hiện nay, tỉ trọng của HTX trong hệ thống TCTD rất nhỏ, với tổng tài sản có chỉ chiếm 1,15% và vốn điều lệ chiếm 0,73% của hệ thống TCTD. Dù đã có những bước phát triển nhất định, song trên thực tế, các HTX mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của khu vực nông nghiệp, nông thôn và các hộ gia đình. Hoạt động của các QTDND tại một số tỉnh, thành phố chưa thực sự hiệu quả, rủi ro tác nghiệp, đạo đức còn tương đối cao; sản phẩm, dịch vụ của các QTDND chưa đa dạng, phong phú; hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu chưa được đầu tư phù hợp. Đặc biệt, tính liên kết hệ thống giữa các TCTD là HTX chưa chặt chẽ, bao gồm mối liên kết dọc giữa QTDND với các thành viên, mối liên kết ngang giữa các QTDND với nhau và với NHHTX. Một số bất cập khác như chưa có một quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với hoạt động của QTDND, chưa phối hợp nhuần nhuyễn giữa NHNN tỉnh, thành phố với NHHTX, bảo hiểm tiền gửi, chính quyền địa phương, chất lượng cán bộ QTDND còn thấp, năng suất lao động chưa cao…
![]() |
TS. Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trình bày tham luận tại Hội thảo |
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra cơ hội phát triển của các HTX trong thời gian tới còn rất lớn, từ việc hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện đến việc hoạt động của QTDND đang ngày càng được quan tâm, thúc đẩy. Theo thống kê, có khoảng gần 60% dân số, lao động Việt Nam vẫn đang sống ở các vùng nông thôn và tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp; 30% lực lượng lao động của Việt Nam có tài khoản ngân hàng và tỉ lệ này chỉ đạt 20 - 25% tại khu vực nông thôn. Những con số này cho thấy yêu cầu về phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam rất lớn. Ngày 22/01/2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Chiến lược này, QTDND có vai trò không thể thay thế. Xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các công nghệ mới giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, hạ thấp các rào cản về địa lý, giảm chi phí, mở ra các nguồn lực tăng trưởng mới, phương thức kinh doanh mới, hỗ trợ quản lý, quản trị tốt hơn. Xu hướng xanh hóa cũng mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới, kể cả từ quốc tế, quỹ đầu tư. Những lợi ích này đang được tận dụng rất tốt ở không chỉ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán... mà còn cả các QTDND trên thế giới. Để tận dụng những cơ hội trên, TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất một số giải pháp, cụ thể:
Đối với NHNN, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống HTX phù hợp với Luật Các TCTD. Đổi mới cơ chế quản lý, giám sát hệ thống QTDND theo hướng phân cấp quy mô tài sản, điều kiện quản trị rủi ro và năng lực cán bộ. Đồng thời, tăng cường và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin báo cáo và quản lý của NHNN để quản lý tập trung, có hiệu quả, giám sát đầy đủ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các vi phạm trong hoạt động của các QTDND. Triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống QTDND theo định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu, kém bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể và một số biện pháp khác theo đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và an toàn hệ thống. Phối hợp với Liên minh HTX triển khai các phương án giáo dục tài chính để phổ cập các kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức tài chính cộng đồng.
Đối với NHHTX, cần nâng cao vai trò đầu mối của NHHTX, thông qua việc tăng cường năng lực tài chính cho NHHTX, đầu tư đổi mới công nghệ, tạo cơ chế thuận lợi hỗ trợ NHHTX nguồn vốn để điều hòa thanh khoản cho các QTDND và tăng cường trách nhiệm, sự giám sát của các QTDND đối với NHHTX để NHHTX phát huy tốt vai trò điều hòa vốn và tăng tính liên kết hệ thống. Chủ động đề xuất phương án để quản lý và sử dụng quỹ bảo toàn và quỹ dự phòng rủi ro (nếu có) một cách hiệu quả hơn nữa, hướng dẫn, hỗ trợ các QTDND chuyển đổi số…
Đối với các QTDND, cần điều chỉnh về mô hình tổ chức theo hướng: Cơ chế phê duyệt tín dụng phải thực hiện theo hình thức mới với ít nhất là 2 khâu, gồm khâu đề xuất và khâu thẩm định, giải ngân. Chú trọng hơn đến yếu tố con người bằng cách chuẩn hóa yêu cầu đầu vào, chuẩn hóa nội dung, chương trình tập huấn, đào tạo, kiểm tra, đánh giá cán bộ QTDND, trong đó hết sức lưu ý rủi ro nhóm lợi ích (nhiều người trong cùng một quỹ có quan hệ họ hàng, thân quen…)..
PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng: Tăng cường liên kết trong hệ thống TCTD là HTX trên toàn quốc là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, PGS,.TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng chỉ ra rằng, việc tăng cường liên kết trong hệ thống HTX trên toàn quốc đóng vai trò cốt lõi trong việc cải thiện hiệu suất hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống tín dụng HTX tại Việt Nam. Phân tích này dựa trên mô hình liên kết tại các quốc gia như Đức, Pháp, Ấn Độ và Philippines. Như hệ thống NHHTX tại Đức, thường được gọi là Raiffeisenbank, là một mô hình tiêu biểu về liên kết hiệu quả giữa các NHHTX cơ sở và ngân hàng trung ương, tập trung vào quản trị tập trung và chia sẻ công nghệ. Hệ thống hoạt động theo mô hình hai cấp, bao gồm hàng trăm ngân hàng cơ sở địa phương, ngân hàng chuyên biệt, và các công ty tài chính ở cấp quốc gia. Đứng đầu hệ thống là DZ Bank AG tại Frankfurt, đóng vai trò là ngân hàng trung ương duy nhất, thực hiện các chức năng quan trọng như cung cấp vốn, bảo đảm thanh khoản, cơ cấu thời hạn sản phẩm tài chính, đầu tư chứng khoán, kết nối thanh toán và phát hành thẻ tín dụng cho các ngân hàng cơ sở. Sự hỗ trợ này giúp các ngân hàng địa phương duy trì hoạt động ổn định và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng.
![]() |
PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Nhìn lại Việt Nam, PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh chỉ ra mức độ liên kết hiện nay được thể hiện qua các mối quan hệ dọc và ngang giữa các QTDND và NHHTX. Tuy đã có những tiến bộ, nhưng hệ thống này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mô hình HTX. Liên kết dọc phản ánh mối quan hệ giữa các QTDND với NHHTX và các thành viên của quỹ, trong khi liên kết ngang là sự kết nối giữa các QTDND với nhau. Tính chặt chẽ và hiệu quả của các mối liên kết này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Mối liên kết dọc giữa QTDND và NHHTX được xác lập dựa trên vai trò của NHHTX như “ngân hàng của các QTDND”. Thực tế cho thấy, NHHTX đã đóng góp vào việc điều hòa vốn và hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các QTDND cần giúp đỡ, đặc biệt thông qua các cơ chế như Quỹ an toàn hệ thống ở tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, An Giang... Tuy nhiên, sự liên kết này chưa đủ vững chắc do thiếu kênh chia sẻ thông tin hai chiều, dẫn đến hạn chế trong phối hợp và giám sát. Sự chồng lấn về dịch vụ giữa NHHTX và QTDND cũng gây ra cạnh tranh nội bộ, làm yếu đi tính gắn kết của hệ thống.
Liên kết dọc giữa QTDND và thành viên chủ yếu dựa vào lợi ích vay vốn, tuy nhiên, vai trò giám sát của thành viên đối với hoạt động của QTDND còn yếu do nhận thức hạn chế về tài chính, ngân hàng, cũng như tâm lý đơn giản hóa vấn đề của người dân địa phương. Liên kết ngang giữa các QTDND thể hiện qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau mà không có cạnh tranh trực tiếp. Các cụm QTDND tại một số địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương… đã hình thành để giao lưu và hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn. Sự ra đời của Hiệp hội QTDND Việt Nam từ năm 2006 đã tạo ra cầu nối quan trọng để tập hợp các QTDND, bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy phát triển chung. Tuy nhiên, liên kết ngang trên toàn quốc vẫn còn rời rạc, hoạt động của Hiệp hội chưa đủ mạnh để bảo đảm sự gắn kết đồng bộ, do đó cần tiếp tục củng cố vai trò và năng lực của tổ chức này.
Theo PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống TCTD HTX tại Việt Nam, cần hoàn thiện mô hình liên kết theo Luật Các TCTD năm 2024. PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh đề xuất, cần củng cố NHHTX thành trung tâm điều phối và giám sát hệ thống QTDND. Bên cạnh đó cần chuẩn hóa hoạt động và quản trị, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số với việc NHHTX cần dẫn đầu chuyển đổi số cho hệ thống QTDND.
PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh cũng cho rằng, sự gắn kết hệ thống TCTD HTX cần cải thiện cả về liên kết ngang và liên kết dọc. Về liên kết ngang, các QTDND nên hợp tác qua cụm địa phương để chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, Hiệp hội QTDND đóng vai trò cầu nối tổ chức diễn đàn và cơ chế hỗ trợ toàn quốc. Về liên kết dọc, NHHTX cần thiết lập cơ chế tái cấp vốn linh hoạt, minh bạch dựa trên nhu cầu thực tế của QTDND, đồng thời xây dựng kênh thông tin hai chiều để tăng cường giám sát và hỗ trợ, khuyến khích QTDND cải thiện quản trị. Nhà nước cần hỗ trợ tài chính thông qua NHHTX để thống nhất hạ tầng công nghệ cho QTDND, bảo đảm hoạt động hiệu quả và an toàn. Đồng thời, chính quyền địa phương nên cung cấp kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ QTDND, kết nối với các chương trình quốc tế để học hỏi mô hình HTX tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực và áp dụng vào thực tiễn.
PGS.,TS. Lê Thanh Tâm - Trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Các HTX thành công có đặc điểm chung là duy trì nguyên tắc hợp tác, đặt thành viên làm trung tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech)
Phân tích, đánh giá những kinh nghiệm thành công và thất bại của các mô hình HTX tài chính nổi bật trên thế giới, PGS.,TS. Lê Thanh Tâm - Trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Thứ nhất, nguyên lý chung của mô hình HTX tài chính là sự kết hợp của các nguyên lý mô hình HTX và tổ chức trung gian tài chính, với sự gia nhập tự nguyện, lợi nhuận không phải là mục tiêu hoạt động chính, tạo thuận lợi cho mọi thành viên. Thứ hai, chuyển đổi số tác động mạnh mẽ và tích cực đến mô hình và hoạt động của HTX tài chính, giúp cải thiện dịch vụ, tăng cường trải nghiệm thành viên, tối ưu hóa quản trị, kiểm soát rủi ro, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí hoạt động. Tuy vậy, chuyển đổi số cũng gây ra các thách thức lớn cho các HTX tài chính như yêu cầu vốn lớn, rủi ro an ninh mạng và bảo mật thông tin. Thứ ba, các HTX tài chính thành công có một số đặc điểm chung giúp họ phát triển mạnh và phục vụ hiệu quả như: Duy trì nguyên tắc hợp tác, đặt thành viên làm trung tâm; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng Fintech; xây dựng mạng lưới rộng, gắn kết với chính quyền địa phương; cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng; ưu tiên tài chính toàn diện cho nhóm yếu thế; nhận hỗ trợ chính sách và ưu đãi từ cơ quan quản lý; thu hút khách hàng bằng giá cả cạnh tranh và chia sẻ lợi nhuận với thành viên, tạo lợi thế so với ngân hàng truyền thống. Thứ tư, một số mô hình hoặc trường hợp HTX tài chính thất bại chủ yếu do quản lý yếu, kém; thiếu giám sát, rủi ro hoạt động do gian lận nội bộ, tham nhũng…
![]() |
PGS., TS. Lê Thanh Tâm - Trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Hội thảo |
Từ phân tích trên, PGS.,TS. Lê Thanh tâm đã đề xuất các bài học nhằm hoàn thiện mô hình HTX ở Việt Nam, đó là: Thứ nhất, hoàn thiện mô hình quản trị và quản lý rủi ro trên cơ sở phát huy tối đa các điểm mạnh của mô hình hợp tác xã. Trong đó, xây dựng mô hình quản trị của NHHTX theo chuẩn quốc tế, phù hợp với đặc thù hợp tác xã. Tạo cơ chế khuyến khích các QTDND hoạt động minh bạch. Về phía NHNN, cần ủy quyền đầy đủ hơn một số nhiệm vụ giám sát và kiểm tra các QTDND, cho phép NHHTX được thực thi cơ chế thưởng, phạt các QTDND một cách triệt để. Trong bối cảnh sáp nhập các chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành, khu vực như hiện nay, NHHTX có nhiều lợi thế hơn trong thực hiện các hoạt động này. Với các quyền hạn trên, vai trò của NHHTX trong hỗ trợ liên kết hệ thống mới được phát huy tối đa. Thứ hai, tăng cường chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả trong NHHTX với việc phát triển các tính năng trên nền tảng ngân hàng số app phục vụ khách hàng và thành viên QTDND; ứng dụng công nghệ vào quản lý tín dụng, rủi ro, tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính của NHHTX, trong đó nhấn mạnh bộ đệm vốn mạnh giúp NHHTX vượt qua các cú sốc kinh tế trong bối cảnh biến động khó lường hiện nay trên thế giới. Thứ tư, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; địa phương hóa hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tích hợp tài chính xanh và phát triển bền vững. Trong đó tận dụng các điểm mạnh của NHHTX và hệ thống QTDND trong thực hiện tài chính toàn diện tại Việt Nam, phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho các đối tượng khách hàng tài chính toàn diện. Thứ năm, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân sự toàn hệ thống trong bối cảnh chuyển đổi số; khuyến khích văn hóa học tập liên tục, đẩy mạnh hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các tổ chức nước ngoài.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam: Cần thu hẹp số lượng QTDND và tăng quy mô hoạt động của một QTDND
Để thúc đẩy hệ thống các TCTD hợp tác phát triển an toàn, hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam khuyến nghị, việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các QTDND để góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD và hình thành hệ thống QTDND có sức mạnh tài chính thực sự, có khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, quản trị tốt. Cơ sở của việc đưa ra định hướng này đó là xuất phát từ bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đang trong giai đoạn tái cơ cấu quốc gia, thay đổi địa giới hành chính cấp xã, phường; chuyển đổi số mạnh mẽ tạo sức cạnh tranh quyết trên thị trường tài chính tiền tệ… Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, cần có một quyết định của Bộ Chính trị để thu hẹp số lượng QTDND, đồng thời giải quyết vấn đề khó nhất khi thực hiện định hướng này, đó là nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho QTDND được sáp nhập và NHHTX có thể tham gia và hỗ trợ các QTDND thực hiện quá trình sáp nhập, tạo ra những lợi ích vượt trội cho các QTDND…
![]() |
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
ThS. Phan Đức Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Kim Chung, Hà Nội: Phải hiểu và xác định chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu
“Chuyển đổi số là con đường tất yếu để tăng năng lực canh tranh, phát triển bền vững của QTDND” ThS. Phan Đức Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Kim Chung, Hà Nội cho biết. Như QTDND Kim Chung nằm ở phía Tây huyện Đông Anh, việc chuyển đổi số đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Quỹ. Trong năm 2024, NHHTX phát triển dịch vụ chuyển tiền điện tử nhanh 24/7, mang lại sự thuận tiện vượt trội cho khách hàng. Nhờ đó, số lượng giao dịch chuyển tiền đi/đến tại QTDND Kim Chung tăng khá mạnh, với 6.081 lượt khách hàng thực hiện giao dịch, tổng số giá trị giao dịch lên tới 605,8 tỉ đồng.
![]() |
ThS. Phan Đức Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Kim Chung, Hà Nội phát biểu tại Hội thảo |
Việc áp dụng và triển khai các sản phẩm Fintech hiện đại đã giúp Quỹ “Trẻ hóa thành viên, khách hàng”. Nếu trước đây, giao dịch chủ yếu dựa vào tiền mặt thì nay thanh toán chuyển tiền điện tử ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn, giảm đáng kể việc kiểm đếm tiền mặt, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực. Đặc biệt, dù số lượng cán bộ nhân viên giảm từ 17 cán bộ xuống 14 người nhưng hiệu quả công việc vẫn bảo đảm và không ngừng tăng trưởng. Sự đổi mới này giúp QTDND Kim Chung xây dựng hình ảnh trẻ trung, năng động, hiện đại, thân thiện, chuyên nghiệp; nâng cao niềm tin của khách hàng và thành viên; đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường tài chính.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các QTDND còn gặp nhiều bất cập. Đây không chỉ là bài toán đổi mới công nghệ mà còn đòi hỏi phải đổi mới trong tư duy quản trị. Vì vậy để các QTDND tiếp tục hoạt động ổn định, an toàn và phát triển, phải chuyển đổi nhận thức, tăng cường truyền thông để các QTDND hiểu và có kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Đặc biệt, phải tuyên truyền cho lãnh đạo và cán bộ của các QTDND nâng cao trách nhiệm và hiểu đúng về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải hình thành và phát triển ngân hàng số tại NHHTX và QTDND. Xây dựng các nghiệp vụ cho phép khách hàng, QTDND, thành viên QTDND có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số thông qua việc kết nối vào hệ thống thanh toán của NHHTX…
Chủ tịch Hội đồng quản trị NHHTX Nguyễn Quốc Cường đề xuất cần có một Chỉ thị mới của Bộ Chính trị thay cho Chỉ thị số 57-CT/TW
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị NHHTX Nguyễn Quốc Cường, hiện nay, các QTDND đang có xu hướng già hóa thành viên. Lợi thế gần dân, sát dân của QTDND bị triệt tiêu trong bối cảnh các TCTD chuyển đổi số mạnh mẽ, các App ngân hàng cung ứng dịch vụ 24/7. Chủ tịch Hội đồng quản trị NHHTX Nguyễn Quốc Cường đề xuất cần có một Chỉ thị mới của Bộ Chính trị thay cho Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND làm căn cơ cho phát triển hệ thống trong những năm tiếp theo.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng quản trị NHHTX Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý đã chỉ ra bức tranh toàn diện về kết quả đạt được, thách thức, đề xuất nhiều giải pháp để có bước phát triển mới cho hệ thống QTDND trong kỷ nguyên mới. Đây sẽ là nguồn thông tin gợi ý quan trọng để NHHTX xây dựng Đề án, báo cáo NHNN với những định hướng mới cho hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian tới. Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cũng chỉ ra tính ưu việt và khác biệt, làm điểm tựa cho hệ thống QTDND phát triển bền vững, đó chính là hoạt động không vì lợi nhuận mà trên cơ sở vì quyền lợi cộng đồng. Bên cạnh đó là những trợ lực từ khung khổ pháp lý mới cho hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian qua.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, đã đến lúc xây dựng một chiến lược mới cho hệ thống QTDND, trong đó định vị NHHTX và QTDND là hoạt động tài chính vi mô trên cơ sở tương hỗ và phát triển dựa vào cộng đồng. Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cũng đặt mục tiêu Đề án phát triển QTDND cần tăng tính liên kết hệ thống, trong đó, vai trò NHHTX là trung tâm của liên kết, đồng thời, đề nghị đánh giá lại vai trò đóng góp của QTDND với NHHTX và ngược lại để có cải cách toàn diện, triệt để trong mô hình liên kết mới.
Mặc dù đã có những bước đi nhanh, mạnh, kịp thời, tuy nhiên thời gian tới, NHHTX không chỉ cần nâng cao năng lực tài chính, mà cả nguồn nhân lực, quản trị. Đặc biệt, việc 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cơ cấu thành 15 NHNN khu vực, đòi hỏi NHHTX phải hỗ trợ NHNN nhiều hơn nữa, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra cần phối hợp với NHNN khu vực để giúp hệ thống phát triển an toàn, hiệu quả.
Tin bài khác


Báo chí đồng hành cùng ngân hàng trong thời đại công nghệ số

Báo chí ngành Ngân hàng đồng hành cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Phát huy sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp phát triển bền vững ngành Ngân hàng

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
