
Định hướng tái cấu trúc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trong bối cảnh mới
Tóm tắt: Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là một mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Cơ cấu tổ chức, hoạt động của một số bộ phận chủ chốt và chức năng, nhiệm vụ của QTDND đã được quy định rất rõ tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các thông tư hướng dẫn Luật. Bài viết phân tích bối cảnh chung tác động đến hoạt động của các QTDND, yêu cầu cấp thiết tái cơ cấu hệ thống QTDND với cách tiếp cận là phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập trong hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay, trên cơ sở đó, đề xuất định hướng tái cấu trúc hệ thống QTDND bằng sự thu hẹp số lượng quỹ tín dụng và tăng quy mô hoạt động của một số QTDND, đồng thời, gợi ý xây dựng chiến lược tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện quá trình tái cấu trúc này.
Từ khóa: QTDND, mô hình kinh tế hợp tác, tái cấu trúc.
ORIENTATION FOR RESTRUCTURING THE PEOPLE’S CREDIT FUND SYSTEM IN THE NEW CONTEXT
Abtracts: According to the provisions of the Law on Credit Institutions 2024, People’s Credit Fund is a cooperative economic model operating in the monetary and banking sector. The organizational structure, operations of a number of key departments and the functions, tasks of People’s Credit Fund have been clearly stipulated in the Law on Credit Institutions 2024 and the guiding the Law. The article analyzes the general context affecting the operations of People’s Credit Funds, the urgent need to restructure People’s Credit Fund system with the approach of analyzing and evaluating the limitations and shortcomings in the operations of the current People’s Credit Fund system. On that basis the author, proposes the orientation of restructuring People’s Credit Fund system by reducing the number of credit funds and increasing the scale of operations of a number of People’s Credit Funds, simultaneously, suggesting the development of a vision strategy to 2045 to implement this restructuring process.
Keywords: The People's Credit Fund, cooperative economic model, restructuring.
1. Bối cảnh chung tác động đến hoạt động của các QTDND
Hiện nay, cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc, từ bộ máy hành chính Nhà nước đến sự vận hành của nền kinh tế đã có sự cải cách mạnh mẽ, nhanh chóng: Cơ cấu tổ chức, nhân sự của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, lựa chọn những người tài, người tâm huyết cho bộ máy công quyền. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào đổi mới quản trị, điều hành và sản phẩm, dịch vụ, làm thay đổi cơ bản các hình thức cung ứng dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào hoạt động ngân hàng như: Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) để đánh giá, phân loại khách hàng; quyết định giải ngân hay giúp đơn giản hóa các quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian giao dịch. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ số, các NHTM còn hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để nâng cấp các quy trình, nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiên tiến, giúp ngân hàng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tích hợp công nghệ theo hướng tự động, thông minh, có thể tiến hành kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả. Công nghệ số đã hỗ trợ ngân hàng có độ bao phủ rộng hơn, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, không cần phải đến điểm giao dịch ngân hàng mà có thể truy cập dữ liệu, chuyển tiền thông qua các thiết bị di động. Để ứng dụng công nghệ số đòi hỏi các NHTM và công ty Fintech phải đầu tư lớn nguồn lực, đồng thời, môi trường pháp lý phải có nhiều thay đổi để hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Những thay đổi nêu trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của hệ thống QTDND, đòi hỏi các QTDND phải có bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Từ đòi hỏi thực tế khách quan đó, việc tái cơ cấu hệ thống QTDND để thích ứng và phát triển trong môi trường mới là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là tái cấu trúc hệ thống QTDND theo hướng nào là phù hợp và đạt được mục tiêu thúc đẩy hệ thống các tổ chức tín dụng hợp tác phát triển an toàn, hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích.
2. Yêu cầu cấp thiết tái cơ cấu hệ thống QTDND
Tính đến ngày 31/12/2024, hệ thống QTDND có 1.178 quỹ, được phân bố trên 58 tỉnh, thành phố của cả nước, với tổng tài sản là 194.421 tỉ đồng; tổng dư nợ là 138.723 tỉ đồng, chiếm 0,88% dư nợ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy chiếm thị phần nhỏ, nhưng hoạt động của QTDND góp phần bao phủ thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các đối tượng ở nông thôn và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo.
Điểm giống nhau của các QTDND đó là hoạt động phục vụ lợi ích thành viên, các khoản tín dụng cung cấp chủ yếu là cho vay thành viên, chiếm khoảng 95 - 99% tổng dư nợ. Kết hợp giữa đặc điểm giới hạn về địa bàn hoạt động và tính chất các khoản vay chủ yếu là cho vay ngắn hạn với giá trị nhỏ, nên thủ tục cho vay tại các QTDND thường đơn giản hơn, giải quyết nhanh, tỉ lệ nợ xấu thấp. Về cơ cấu huy động vốn, khoảng 50 - 75% vốn huy động từ thành viên, còn lại là huy động ngoài thành viên. Về hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Đề tài: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các QTDND Việt Nam” (mã số: ĐTNH.006/20), thì phần lớn hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các QTDND còn nhiều hạn chế, bất cập xuất phát từ sự ít quan tâm của lãnh đạo đến hệ thống kiểm soát nội bộ, tiếp đến là thiếu nguồn nhân lực, không ít quỹ cán bộ tín dụng và thẩm định là một người làm. Những quỹ tín dụng có quy mô nhỏ với tổng tài sản dưới 100 tỉ đồng thì nguồn nhân lực càng khó khăn để sắp xếp đủ bộ máy trong hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, đảm bảo sự phân công, phân nhiệm theo nguyên tắc “bảo đảm một quy trình nghiệp vụ phải có ít nhất 02 cán bộ tham gia, một người thực hiện giao dịch và một người kiểm soát giao dịch, không có cá nhân nào có thể một mình thực hiện và quyết định một quy trình nghiệp vụ”, “tránh xung đột lợi ích”, “bảo đảm một cán bộ không đảm nhiệm cùng một lúc những cương vị, nhiệm vụ có mục đích, quyền lợi mâu thuẫn hoặc chồng chéo với nhau”.
Trong hệ thống QTDND, điểm khác biệt giữa các quỹ là địa bàn hoạt động, quy mô, chất lượng nguồn nhân lực và sự hiểu biết pháp luật không đồng đều. Cụ thể:
- Về quy mô hoạt động: Đa số QTDND có quy mô hoạt động nhỏ và vừa (Hình 1). Trong tổng số 1.178 QTDND, tính đến ngày 31/12/2024, có 32% QTDND có quy mô tài sản dưới 100 tỉ đồng; 42% QTDND có quy mô tài sản từ 100 đến dưới 200 tỉ đồng; 24% QTDND có quy mô tài sản từ 200 đến dưới 500 tỉ đồng; chỉ có 2% QTDND có quy mô tài sản trên 500 tỉ đồng, trong đó có 3 QTDND tổng tài sản trên 1.000 tỉ đồng.
- Về địa bàn hoạt động: Theo quy định, QTDND hoạt động chủ yếu trên địa bàn một phường, một xã, hoặc có thể mở rộng phạm vi hoạt động ở các phường, xã liền kề với trụ sở làm việc của QTDND khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN quy định về QTDND. Với đặc điểm về địa giới hoạt động, các QTDND thường huy động và cho vay tại chỗ, qua đó, tạo thế mạnh cho QTDND do có điều kiện nắm bắt rõ thông tin và am hiểu về khách hàng của mình hơn.
- Về chất lượng nguồn nhân lực: Nhìn chung, cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ nghiệp vụ của QTDND nắm vững cơ chế chính sách, nghiệp vụ, đáp ứng đúng quy định về bằng cấp của nhà nước; tuy nhiên, hiểu biết về pháp luật của cán bộ các QTDND nhìn chung không đồng đều, không ít nhân sự không chủ động rà soát cơ chế, chính sách, một số cán bộ tín dụng, kế toán chưa nắm chắc quy trình nghiệp vụ của mình... Nhận định này cũng được minh chứng tại Đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các QTDND Việt Nam”.
Về mặt lý luận, đối với doanh nghiệp hoạt động ở bất cứ lĩnh vực nào, muốn hoạt động có hiệu quả phải tối ưu hóa được quy trình quản lý và nghiệp vụ; quản lý tài chính hiệu quả, như dự báo nhu cầu tài chính trong tương lai, quản lý sát sao dòng tiền...; người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, khả năng ra quyết định nhanh chóng, tạo môi trường làm việc tích cực, khuyến khích hợp tác giao tiếp và đổi mới sáng tạo của cấp dưới; có khả năng phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh và có chính sách chăm sóc khách hàng tốt; quản lý nhân sự tốt từ khâu tuyển dụng đến phân công vị trí công việc; khuyến khích, động viên cán bộ làm việc tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quy trình quản lý và sản xuất, kinh doanh; quản trị rủi ro tốt, như xây dựng được chiến lược dự phòng (kế hoạch đối phó với các tình huống khẩn cấp, khủng hoảng để giảm thiểu tổn thất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp), bảo đảm bảo mật thông tin doanh nghiệp và khách hàng, tránh các sự cố bảo mật có thể ảnh hưởng đến uy tín và tài chính.
3. Đề xuất định hướng tái cấu trúc hệ thống QTDND
Từ lý luận và thực tiễn hoạt động của hệ thống QTDND như đề cập trên, để đạt được mục tiêu đặt ra thúc đẩy hệ thống các tổ chức tín dụng hợp tác phát triển an toàn, hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích, tác giả bài viết đề xuất định hướng tái cấu trúc hệ thống QTDND như sau:
Tái cấu trúc hệ thống QTDND là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của các QTDND để góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và hình thành hệ thống các QTDND có sức mạnh tài chính thực sự, khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, quản trị tốt; theo đó, đến năm 2035 và những năm tiếp theo, bên cạnh việc tiếp tục củng cố bộ máy hoạt động của QTDND theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của lãnh đạo quỹ, năng lực nghiệp vụ của cán bộ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thì vấn đề quan trọng có tính quyết định bảo đảm sự thành công cho định hướng tái cấu trúc nêu trên, đó là cần thu hẹp số lượng quỹ tín dụng và tăng quy mô hoạt động của mỗi quỹ tín dụng.
Cơ sở của việc đưa ra định hướng này xuất phát từ bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội đang trong giai đoạn tái cơ cấu quốc gia, thay đổi địa giới hành chính cấp xã, phường; chuyển đổi số mạnh mẽ tạo sức cạnh tranh quyết liệt trên thị trường tài chính, tiền tệ và những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các QTDND như đã đề cập ở trên. Với số lượng QTDND lớn như hiện nay, quy mô hoạt động, năng lực quản trị, chất lượng cán bộ... không đồng đều giữa các quỹ là thách thức rất lớn đối với Ngân hàng Hợp tác xã khi thực hiện vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”. Thực tế trong thời gian qua, các QTDND rơi vào kiểm soát đặc biệt phần lớn là những quỹ có quy mô nhỏ, theo đó số lượng nhân sự ít, không đủ sắp xếp bộ máy hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Kinh nghiệm tái cơ cấu Tập đoàn Desjardins là một bài học để chúng ta suy nghĩ và hành động theo định hướng nêu trên (xem hộp 11: Tái cơ cấu Tập đoàn Desjardins).
Hộp 1: Tái cơ cấu Tập đoàn Desjardins (viết tắt là Tập đoàn)
![]() |
Để thực hiện định hướng trên không phải là đơn giản mà rất khó khăn, phức tạp. Vấn đề khó nhất khi thực hiện định hướng này, đó là nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho QTDND được sáp nhập, nguồn lực tài chính để Ngân hàng Hợp tác xã có thể tham gia và hỗ trợ các QTDND thực hiện quá trình sáp nhập, tạo ra những lợi ích vượt trội cho các quỹ khi thực hiện sáp nhập; tiếp đến là sự đồng thuận và tự nguyện sáp nhập của các QTDND, vì các quỹ là những chủ thể độc lập về tài chính.
Bên cạnh đó, để bảo đảm cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, cần tiếp tục triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan tới hoạt động của QTDND; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm tra theo chuyên đề, kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các QTDND có vi phạm thể lệ, chế độ, kiểm tra việc khắc phục tồn tại, sai phạm theo các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, các QTDND xây dựng tốt phương án củng cố và phát triển QTDND; trong đó, tập trung nâng cao năng lực quản trị điều hành của QTDND đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ; nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng; tăng trưởng phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng hoạt động nhất là chất lượng tín dụng; tiếp tục củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của QTDND hiện có, bảo đảm các QTDND hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
Về lâu dài, NHNN cần xây dựng Chiến lược tái cấu trúc hệ thống QTDND tầm nhìn đến năm 2045 nhằm củng cố vững chắc mô hình các tổ chức tín dụng hợp tác theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
1 Bài thu hoạch từ đợt học tập khảo sát tại Tập đoàn Desjardins Canada, tháng 10/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ: “Quản trị QTDND - Thực trạng và đề xuất chính sách nhằm đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế”. Mã số: ĐTN.003/22.
2. Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các QTDND Việt Nam”. Mã số: ĐTNH.006/20.
3. Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Hạ Thị Thiều Dao (2012), Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Năm năm 2012, xu hướng năm 2013, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 186.
5. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia (12/11/2023), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Cơ hội, thực trạng và giải pháp - Tạp chí điện tử Thị trường Tài chính Tiền tệ.
Tin bài khác


Một số giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng từ các biến động kinh tế - xã hội tới hoạt động kinh doanh của Agribank

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Báo chí đồng hành cùng ngân hàng trong thời đại công nghệ số

Báo chí ngành Ngân hàng đồng hành cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
