
Đề xuất xây dựng các mô hình tài chính phi tập trung trong trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Tài chính phi tập trung (Decentralized Finance - DeFi) đã và đang trở thành lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trong công nghệ blockchain, giúp cung cấp các dịch vụ tài chính minh bạch và dễ tiếp cận mà không cần thông qua các tổ chức tài chính trung gian truyền thống. Bài viết phân tích tổng quan các nghiên cứu khoa học về những mô hình DeFi phổ biến hiện nay như mô hình cho vay và vay mượn, sàn giao dịch phi tập trung (DEX), yield farming (khai thác lợi suất hay canh tác lợi nhuận) và stablecoin (một loại tiền điện tử). Đồng thời, bài viết thảo luận về lợi ích và những thách thức khi triển khai DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất các mô hình DeFi cho trung tâm tài chính quốc tế nhằm làm tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh của trung tâm này trong tương lai, hướng đến một trung tâm tài chính quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới.
Từ khóa: DeFi, blockchain, cho vay và vay mượn, sàn giao dịch phi tập trung, khai thác lợi suất, stablecoin.
PROPOSAL ON DECENTRALIZED FINANCE MODELS IN HO CHI MINH CITY FINANCIAL HUBS
Abstract: Decentralized finance (DeFi) has become a rapidly growing field in blockchain technology to provide transparent and easily accessible financial services without through a network of intermediary financial institutions. The article analyzes an overview of scientific research on popular DeFi models such as lending and borrowing models, decentralized exchanges, yiel farming and stablecoins. Besides, the article discusses the benefits and drawbacks when developing DeFi in Ho Chi Minh City and proposes decentralized financial models financial hubs, increasing the financial hubs' attractiveness and competitiveness of this in the future, guiding this hubs to become an international financial hubs with great influence in the region and the world.
Keywords: DeFi, blockchain, lending and borrowing, decentralized exchange, yield farming, stablecoin.
1. Giới thiệu
DeFi là ứng dụng của công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tổ chức trung gian như ngân hàng, từ đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giao dịch (Xu và Vadgama, 2022). Với DeFi, các hoạt động tài chính như vay mượn, trao đổi tài sản, đầu tư được thực hiện tự động thông qua các hợp đồng thông minh, cho phép giảm chi phí và tăng tốc độ giao dịch đáng kể.
Là một trong những xu hướng nổi bật trong ngành tài chính toàn cầu những năm gần đây, DeFi sử dụng công nghệ blockchain để loại bỏ sự can thiệp của các tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng, quỹ đầu tư hay các cơ quan quản lý. Các ứng dụng DeFi cho phép người dùng tham gia vào các hoạt động tài chính như vay, cho vay, trao đổi tài sản, đầu tư và bảo hiểm thông qua các hợp đồng thông minh mà không cần sự xác nhận từ các bên trung gian.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, việc xây dựng các mô hình DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính, đồng thời giúp trung tâm tài chính quốc tế sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính (Fintech).
2. Một số mô hình DeFi hiện nay trên thế giới
Hiện nay, một trong những mô hình quan trọng của DeFi là mô hình cho vay và vay mượn. Các nền tảng như Aave và Compound đã cho phép người dùng tham gia các giao dịch vay vốn mà không cần các ngân hàng truyền thống làm trung gian (Xu và Vadgama, 2022). Nhờ tận dụng tính năng của blockchain, những mô hình này đã giúp giảm bớt chi phí hành chính, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay của người dùng.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cũng được xem là mô hình then chốt của DeFi. Các sàn giao dịch như Uniswap hay Sushiswap cung cấp dịch vụ giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân với nhau, loại bỏ rủi ro từ các sàn giao dịch trung gian tập trung. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch, bảo mật và hiệu quả của các giao dịch tiền mã hóa (Malamud và Rostek, 2017).
Yield farming - Khai thác lợi suất, tuy là một hình thức khá mới mẻ nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Các nền tảng như Yearn.finance và Curve Finance cung cấp cho người dùng cơ hội kiếm lợi nhuận thông qua việc cung cấp thanh khoản cho các giao dịch DeFi. Yield farming đã tạo ra một hình thức thu nhập thụ động, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tham gia (Cousaert và cộng sự, 2022).
Ngoài ra, stablecoins cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tiền mã hóa và các đồng tiền pháp định, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quốc tế nhanh chóng và hiệu quả hơn (Zhou và Kaleem, 2021).
Một số nghiên cứu gần đây đã tập trung phân tích sâu hơn về hiệu quả của hợp đồng thông minh, rủi ro an ninh và các vấn đề phát sinh trong việc ứng dụng DeFi rộng rãi. Nghiên cứu của Dietrich và cộng sự (2021) đã chỉ ra rằng, hợp đồng thông minh làm tăng tính hiệu quả và minh bạch, trong khi Kaur và cộng sự (2023) nhấn mạnh các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tính bảo mật. Makarov và Schoar (2022) đã tổng hợp và phân tích các ưu điểm và hạn chế của DeFi, trong khi Xu và cộng sự (2023) đặc biệt chú trọng vào cơ chế vận hành của các sàn DEX và tác động của chúng đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Việc triển khai các mô hình DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lợi ích thiết thực như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút vốn đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề thanh khoản hạn chế và chi phí giao dịch cao trên các blockchain lớn. Một số giải pháp như khai thác thanh khoản hoặc áp dụng các giải pháp công nghệ được coi là các hướng giải quyết khả thi để vượt qua những thách thức này.
3. Lợi ích của việc xây dựng các mô hình DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.1. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Một trong những ưu điểm nổi bật của DeFi là khả năng mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho các cá nhân và tổ chức mà không yêu cầu những điều kiện khắt khe như hệ thống ngân hàng truyền thống. Các dịch vụ DeFi chỉ cần kết nối Internet và ví điện tử, cho phép người dùng ở bất kỳ đâu, kể cả những nơi thiếu hạ tầng ngân hàng, đều có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm tài chính cơ bản như tiết kiệm, đầu tư hoặc vay vốn. DeFi còn giúp giảm thiểu chi phí và rào cản gia nhập thị trường tài chính, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển hay các khu vực vùng sâu, vùng xa. Các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh rằng, DeFi góp phần quan trọng vào việc giảm bất bình đẳng tài chính toàn cầu thông qua việc cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các nhóm dân cư trước đây bị hạn chế hoặc hoàn toàn loại khỏi hệ thống ngân hàng truyền thống (Vasishta và cộng sự, 2025).
3.2. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư
Nhờ vào đặc tính mở và phi tập trung, sự phát triển của DeFi dựa trên nền tảng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh đã tạo điều kiện thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa nhanh chóng và linh hoạt, từ việc tạo ra các sản phẩm tài chính mới như cho vay phi tập trung, giao dịch tài sản số, cho đến các giải pháp quản lý tài sản tự động hóa và bảo hiểm số.
Chính sự minh bạch và khả năng tiếp cận không giới hạn về mặt địa lý của DeFi đã giúp tăng niềm tin và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào những dự án tài chính mới. Việc thông tin và giao dịch được ghi nhận công khai trên blockchain cho phép các nhà đầu tư dễ dàng thẩm định tính khả thi và hiệu quả của các dự án mà không bị phụ thuộc vào các trung gian tài chính truyền thống.
Hơn nữa, nhờ sự hội nhập mạnh mẽ vào hệ thống tài chính toàn cầu, DeFi còn trở thành cầu nối giúp nguồn vốn quốc tế có thể dễ dàng tìm kiếm các cơ hội đầu tư sáng tạo ở những thị trường mới nổi. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp và startup công nghệ, giúp họ tiếp cận nguồn lực cần thiết để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng hơn.
Nhìn chung, DeFi không chỉ là một xu hướng công nghệ đơn thuần, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và gia tăng sức hấp dẫn đầu tư trên quy mô toàn cầu.
3.3. Khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái blockchain và mã hóa
Việc xây dựng các mô hình DeFi sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái blockchain và mã hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty blockchain cùng với các nhà phát triển hợp đồng thông minh, các dịch vụ tài chính mã hóa có thể phát triển và triển khai các sản phẩm và dịch vụ, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số.
4. Đề xuất các mô hình DeFi cho Thành phố Hồ Chí Minh
4.1. Mô hình DEX
DEX tại Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhằm mục tiêu cung cấp một nền tảng giao dịch tài sản số minh bạch, bảo mật và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái DeFi tại khu vực. Sàn DEX này sẽ phục vụ cho cả thị trường trong nước và quốc tế, cung cấp các dịch vụ giao dịch tiền mã hóa và các tài sản token hóa (tokenized) từ các tài sản thực tế như bất động sản, vàng, cổ phiếu.
Mục tiêu chính của sàn DEX tại Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: (i) Tăng cường khả năng giao dịch tài sản số: Giúp người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia giao dịch tiền mã hóa và các tài sản số mà không cần qua các tổ chức trung gian; (ii) Thúc đẩy tính thanh khoản: Tạo ra một môi trường giao dịch tài sản số với tính thanh khoản cao, đặc biệt là các tài sản địa phương như VND, vàng, bất động sản tokenized và các token blockchain khác; (iii) Giảm chi phí giao dịch: Loại bỏ các chi phí trung gian thông qua mô hình AMM (Automated Market Maker), giúp giảm chi phí giao dịch và tăng cường hiệu quả cho người dùng; (iv) Xây dựng hệ sinh thái DeFi: Cung cấp các dịch vụ DeFi như cho vay, vay mượn, yield farming và các giải pháp tài chính khác cho cộng đồng và doanh nghiệp.
Các tính năng và dịch vụ của DEX tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm có: (i) Giao dịch tiền mã hóa và tài sản tokenized: Sàn DEX hỗ trợ giao dịch các loại tiền mã hóa phổ biến và các stablecoins. Bên cạnh đó, sàn cũng sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch các tài sản tokenized từ bất động sản, vàng, cổ phiếu và các tài sản vật lý khác. Các tài sản này có thể được token hóa, giúp dễ dàng giao dịch và lưu trữ trên nền tảng blockchain; (ii) Cơ chế AMM và bể thanh khoản (liquidity pool): Sàn DEX sẽ sử dụng cơ chế AMM để tạo ra các liquidity pool, nơi người dùng có thể cung cấp thanh khoản cho các cặp giao dịch như VND/USDT, BTC/ETH, vàng/token, bất động sản/token. Những người cung cấp thanh khoản sẽ nhận lại phần thưởng từ phí giao dịch của sàn, khuyến khích sự tham gia và tạo ra tính thanh khoản cho thị trường; (iii) Yield farming và staking: Sàn DEX sẽ tích hợp các tính năng yield farming và staking, cho phép người dùng kiếm được phần thưởng từ việc cung cấp thanh khoản vào các pool hoặc tham gia vào các hoạt động staking. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính thanh khoản của các token, mà còn tạo ra một hệ sinh thái tài chính phi tập trung mạnh mẽ, với các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng; (iv) Quản trị phi tập trung: Sàn DEX sẽ áp dụng mô hình quản trị phi tập trung để quản lý các quyết định quan trọng, từ việc thay đổi phí giao dịch đến việc phát triển các tính năng mới. Những người tham gia cung cấp thanh khoản hoặc sở hữu token của sàn sẽ có quyền biểu quyết, tham gia vào quá trình quản lý và phát triển của sàn; (v) Tích hợp với các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC): Để làm tăng tính tiện lợi và kết nối với hệ thống tài chính truyền thống, sàn DEX sẽ có khả năng tích hợp với các CBDC trong tương lai. Các CBDC này có thể được sử dụng cho các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế, mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư và người dùng.
Về lợi ích, DEX sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư sẽ có thể tham gia vào thị trường tài sản số một cách dễ dàng, an toàn và minh bạch, đồng thời giảm thiểu chi phí và rủi ro liên quan đến việc sử dụng các sàn giao dịch tập trung.
Bên cạnh đó, với công nghệ blockchain, mọi giao dịch trên DEX đều được ghi lại và kiểm tra công khai, giúp tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các rủi ro như gian lận, thao túng thị trường hay vi phạm quyền lợi của người dùng. Điều này sẽ góp phần nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ DeFi sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm tài chính mới, cải thiện khả năng vay vốn, đầu tư và tiết kiệm mà không cần thông qua các tổ chức tài chính truyền thống, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của các dự án blockchain và các công ty fintech, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về thách thức và giải pháp, một trong những thách thức lớn đối với DEX là vấn đề thanh khoản. Để giải quyết vấn đề này, sàn DEX tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể áp dụng các cơ chế khuyến khích người dùng cung cấp thanh khoản như liquidity mining (khai thác thanh khoản), giúp thu hút các nhà đầu tư cung cấp thanh khoản cho các pool trên sàn.
Về phí giao dịch trên blockchain, đặc biệt là trên Ethereum, có thể rất cao trong thời gian có lưu lượng giao dịch lớn. Để giải quyết vấn đề này, sàn DEX tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể sử dụng các giải pháp mở rộng quy mô như Layer 2 hoặc chuyển sang các blockchain khác như Binance Smart Chain (BSC) hoặc Polygon, nơi phí giao dịch thấp hơn và giao dịch nhanh chóng hơn.
4.2. Mô hình cho vay và vay mượn tài sản trong DeFi
Mô hình cho vay và vay mượn tài sản trong DeFi là một trong những ứng dụng nổi bật và có tiềm năng nhất trong hệ sinh thái DeFi. Mô hình này hoạt động trên nền tảng blockchain và hợp đồng thông minh, cho phép người dùng tham gia vào các hoạt động vay mượn mà không cần sự tham gia của các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng, công ty tài chính hay các tổ chức tín dụng. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính minh bạch và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống.
Quản lý rủi ro và giảm chi phí trung gian
Một trong những lợi thế quan trọng của mô hình cho vay và vay mượn tài sản trong DeFi là khả năng loại bỏ hoàn toàn các chi phí trung gian, một yếu tố làm tăng chi phí cho các khoản vay trong hệ thống tài chính truyền thống. Khi tham gia vào các giao dịch vay mượn trong môi trường DeFi, người dùng không cần phải thông qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để kiểm tra, xác nhận hay xử lý giao dịch. Thay vào đó, mọi quy trình đều được tự động hóa thông qua các hợp đồng thông minh và công nghệ blockchain, giúp giảm chi phí cho cả người vay và người cho vay.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoản vay có thể được cung cấp với lãi suất thấp hơn so với các tổ chức tài chính truyền thống. Người cho vay có thể trực tiếp tham gia vào việc cho vay tài sản mà không cần phải lo lắng về chi phí hành chính hay các khoản phí ẩn. Hệ thống này cũng làm tăng sự cạnh tranh trong ngành tài chính, tạo ra các cơ hội mới cho cả người vay và người cho vay.
Quản trị rủi ro và ứng dụng KYC
Mặc dù DeFi cung cấp nhiều lợi ích về việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa giao dịch, nhưng vấn đề quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng, vẫn là một yếu tố quan trọng cần được giải quyết trong mô hình cho vay và vay mượn tài sản.
Trong các hệ thống DeFi truyền thống, rủi ro tín dụng có thể được kiểm soát qua các phương pháp truyền thống như kiểm tra lịch sử tín dụng, nhưng trong môi trường phi tập trung, việc này có thể gặp khó khăn vì không có cơ sở dữ liệu tập trung để kiểm tra thông tin tín dụng của khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, các nền tảng DeFi có thể áp dụng các công nghệ như kiểm tra thông tin khách hàng (Know Your Customer - KYC) và chống rửa tiền (Anti-Money Laundering - AML) để xác minh thông tin của người vay. Quá trình KYC sẽ đảm bảo rằng các khách hàng tham gia vào hệ thống là những cá nhân hoặc tổ chức hợp pháp, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ gian lận và hành vi phạm pháp.
KYC có thể được thực hiện thông qua các dịch vụ xác minh danh tính dựa trên blockchain, giúp các bên tham gia bảo vệ quyền lợi của mình mà không cần phải có sự tham gia của các trung gian truyền thống. Các nền tảng DeFi có thể hợp tác với các dịch vụ KYC trực tuyến để tích hợp vào quy trình của mình, bảo đảm tính hợp pháp của các giao dịch và giảm thiểu rủi ro trong quá trình cho vay.
Sử dụng AI để đánh giá rủi ro tín dụng và kết nối khách hàng
Một trong những công nghệ quan trọng khác có thể được tích hợp vào mô hình cho vay và vay mượn tài sản trong DeFi là trí tuệ nhân tạo (AI). AI có thể được sử dụng để đánh giá rủi ro tín dụng của người vay dựa trên các chỉ số và dữ liệu hành vi mà không cần đến việc kiểm tra lịch sử tín dụng truyền thống. AI sẽ phân tích các thông tin từ các giao dịch trên blockchain, các hành vi tài chính và thậm chí là các dữ liệu xã hội (ví dụ: Mức độ hoạt động trên mạng xã hội, sự ổn định của tài sản số) để đưa ra quyết định về mức độ tin cậy của người vay.
Việc ứng dụng AI trong DeFi có thể giúp tìm kiếm, kết nối người vay và người cho vay một cách hiệu quả hơn. AI có thể phân tích các nhu cầu tài chính của khách hàng và đối chiếu với các nhà đầu tư hoặc người cho vay tiềm năng, giúp tối ưu hóa quá trình kết nối và bảo đảm rằng, các bên tham gia có thể tìm thấy đối tác phù hợp với nhu cầu của mình.
Ngoài ra, AI còn có thể giúp các nền tảng DeFi tự động đưa ra các quyết định về việc chấp nhận hay từ chối các khoản vay, đồng thời điều chỉnh lãi suất dựa trên mức độ rủi ro của người vay. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính chính xác trong việc đánh giá rủi ro mà còn giảm thiểu sự can thiệp của con người, giúp hệ thống hoạt động nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tài sản thế chấp: Tài sản số và tài sản token hóa
Một yếu tố quan trọng trong mô hình cho vay và vay mượn tài sản là tài sản thế chấp. Trong môi trường DeFi, tài sản thế chấp không nhất thiết phải là tiền tệ truyền thống như USD hay VND mà có thể là tài sản số (như các đồng tiền mã hóa Bitcoin, Ethereum) hoặc các tài sản token hóa (tokenized assets) từ các tài sản vật lý. Tài sản token hóa là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ, trong đó các tài sản vật lý như bất động sản, vàng, cổ phiếu hoặc các tác phẩm nghệ thuật có thể được chuyển đổi thành các token trên blockchain, từ đó dễ dàng giao dịch và sử dụng làm tài sản thế chấp.
Việc sử dụng tài sản số hoặc tài sản token hóa có nhiều ưu điểm so với các tài sản truyền thống. Thứ nhất, nó giúp giảm thiểu chi phí và thời gian cần thiết để chuyển nhượng tài sản. Các giao dịch có thể được thực hiện nhanh chóng và minh bạch nhờ vào tính năng của blockchain. Thứ hai, tài sản token hóa giúp mở rộng khả năng sử dụng tài sản thế chấp, bởi vì không phải ai cũng có khả năng sở hữu các tài sản vật lý có giá trị như bất động sản hoặc vàng.
4.3. Mô hình yield farming và staking
Việc phát triển các mô hình yield farming và staking sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái DeFi tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi người dùng có thể cung cấp thanh khoản và kiếm lợi nhuận từ các giao dịch. Các mô hình này có thể được phát triển thông qua các hợp tác với các sàn giao dịch và các nền tảng tài chính khác để tăng cường tính thanh khoản và ổn định của thị trường.
4.4. Phát triển CBDC và thanh toán qua DeFi
Trong khi các đồng tiền mã hóa đang dần được chấp nhận và sử dụng trong nhiều quốc gia, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang tìm cách phát triển và phát hành CBDC. CBDC có thể được coi là một phần của hệ thống tiền tệ quốc gia, nhưng thay vì tồn tại dưới dạng tiền mặt vật lý, nó được phát hành và lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số. Mục đích của CBDC là để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính trong khi cung cấp các tiện ích thanh toán kỹ thuật số cho người dân và các doanh nghiệp.
DeFi đã tạo ra một cách thức mới để người dùng thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần thông qua các tổ chức tài chính truyền thống. Mô hình DeFi giúp loại bỏ các chi phí trung gian và mang lại tính minh bạch, dễ dàng truy cập, tính thanh khoản cao cho người tham gia. Sự kết hợp giữa CBDC và DeFi trong hệ thống thanh toán xuyên biên giới có thể mở ra những khả năng mới, tối ưu hóa các giao dịch quốc tế và kết nối các loại tiền tệ khác nhau.
CBDC và sự phát triển của thanh toán xuyên biên giới: Hiện nay, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia như Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ đang nghiên cứu và phát triển CBDC với mục tiêu cải thiện hệ thống thanh toán nội địa và xuyên biên giới. Việc sử dụng CBDC trong thanh toán quốc tế có thể giúp giảm thiểu chi phí chuyển tiền và thời gian xử lý giao dịch, tăng tính bảo mật và sự minh bạch. Các giao dịch quốc tế hiện tại thường phải trải qua nhiều bên trung gian, gây tốn kém và kéo dài thời gian xử lý, đặc biệt là khi sử dụng các loại tiền tệ truyền thống như USD, EUR hay JPY.
Với CBDC, các giao dịch xuyên biên giới có thể được thực hiện trực tiếp giữa các bên mà không cần phải qua các ngân hàng trung gian hoặc các tổ chức tài chính quốc tế như SWIFT. CBDC có thể hỗ trợ thanh toán nhanh chóng, chi phí thấp và giảm thiểu rủi ro tỉ giá, đặc biệt là khi được kết hợp với công nghệ blockchain, giúp đảm bảo tính minh bạch và bảo mật.
Thanh toán xuyên biên giới qua DeFi và kết nối với CBDC: Một trong những điểm mạnh của DeFi là khả năng hỗ trợ thanh toán và giao dịch xuyên biên giới mà không cần sự can thiệp của các tổ chức tài chính truyền thống. Các nền tảng DeFi, đặc biệt là các sàn DEX và các nền tảng cho vay, có thể cho phép người dùng thực hiện các giao dịch quốc tế giữa các loại tiền mã hóa và ngoại tệ mạnh mà không phải chịu chi phí trung gian cao.
DeFi hỗ trợ thanh toán với tiền mã hóa: Một trong những ứng dụng nổi bật của DeFi trong thanh toán xuyên biên giới là việc sử dụng các đồng tiền mã hóa để thực hiện các giao dịch quốc tế. Người dùng có thể gửi và nhận các khoản thanh toán chỉ trong vài phút với chi phí thấp và không cần phải lo lắng về các vấn đề như tỉ giá hối đoái hay chi phí ngân hàng quốc tế.
DeFi cung cấp các sàn DEX và các dịch vụ tài chính khác giúp người dùng trao đổi, cho vay và vay mượn các đồng tiền mã hóa mà không cần thông qua các ngân hàng hay tổ chức tài chính trung gian. Các nền tảng như Uniswap, Pancakeswap, hay Sushiswap đã cho phép việc giao dịch các token và các đồng tiền mã hóa trên blockchain một cách dễ dàng và minh bạch.
Kết nối DeFi với ngoại tệ mạnh và tiền pháp định: Một trong những thách thức lớn của hệ thống DeFi là việc thiếu kết nối trực tiếp với các ngoại tệ mạnh và các hệ thống tài chính truyền thống. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa DeFi và CBDC có thể giải quyết vấn đề này. Các ngân hàng trung ương có thể phát hành các phiên bản kỹ thuật số của các ngoại tệ mạnh như USD, EUR, JPY… dưới dạng CBDC và kết nối với các nền tảng DeFi, cho phép thanh toán và giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn.
Stablecoins và kết nối với CBDC: Stablecoins đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các đồng tiền mã hóa và các đồng tiền pháp định trong hệ sinh thái DeFi. Việc sử dụng stablecoins giúp giảm thiểu sự biến động của các đồng tiền mã hóa như Bitcoin hay Ethereum, giúp người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch xuyên biên giới mà không gặp phải rủi ro tỉ giá.
Để kết nối stablecoins với CBDC, các ngân hàng trung ương có thể hợp tác với các nền tảng DeFi để phát triển các công cụ chuyển đổi stablecoins thành CBDC và ngược lại. Điều này sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái thanh toán xuyên biên giới linh hoạt, nơi người dùng có thể chọn lựa giữa các loại tiền mã hóa, stablecoins hoặc CBDC tùy vào nhu cầu của mình.
Việc kết hợp CBDC với DeFi trong thanh toán xuyên biên giới sẽ mang lại các lợi ích sau:
Thứ nhất, giảm chi phí và thời gian giao dịch. Khi kết hợp CBDC với DeFi, các giao dịch xuyên biên giới sẽ được xử lý nhanh chóng với chi phí rất thấp. Không còn cần thiết phải qua các bên trung gian như ngân hàng hay tổ chức tài chính quốc tế, giúp giảm thiểu các khoản phí giao dịch và thời gian xử lý.
Thứ hai, tăng cường tính minh bạch và bảo mật. Blockchain là công nghệ cốt lõi của DeFi và CBDC, cung cấp tính minh bạch và bảo mật cao trong mọi giao dịch. Các giao dịch được ghi nhận trên blockchain có thể được kiểm tra và xác minh bất kỳ lúc nào, đảm bảo tính chính xác và bảo mật của thông tin tài chính.
Thứ ba, tạo ra hệ sinh thái thanh toán toàn cầu kết nối tiền mã hóa và tiền pháp định. Điều này mở ra cơ hội cho các quốc gia tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu mà không phải lo ngại về các vấn đề truyền thống như tỉ giá hối đoái hay chi phí chuyển tiền.
Việc phát triển CBDC và tích hợp chúng với các nền tảng DeFi trong thanh toán xuyên biên giới sẽ tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Sự kết hợp này không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính trung gian mà còn mở ra một cơ hội mới cho việc kết nối các loại tiền tệ khác nhau, bao gồm cả tiền mã hóa và các ngoại tệ mạnh. Việc xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới dựa trên CBDC và DeFi có thể là bước đột phá quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
5. Kết luận
Việc xây dựng các mô hình DeFi tại Trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền tài chính phi tập trung tại Việt Nam. Để triển khai thành công các mô hình này, cần xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm sáng tạo và thu hút đầu tư từ các công ty blockchain. Mô hình DeFi không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tài chính số tại Thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra cơ hội lớn cho việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính đổi mới và minh bạch.
Tài liệu tham khảo:
1. Cousaert, S., Xu, J., & Matsui, T. (2022, May). Sok: Yield aggregators in defi. In 2022 IEEE International Conference on Blockchain and Cryptocurrency (ICBC) (pages 1-14). IEEE.
2. Dietrich, F., Palm, D., & Louw, L. (2020). Smart contract based framework to increase transparency of manufacturing networks. Procedia CIRP, pages 91, 278-283.
3. Kaur, G., Habibi Lashkari, A., Sharafaldin, I., & Habibi Lashkari, Z. (2023). Smart contracts and defi security and threats. In Understanding cybersecurity management in decentralized finance: Challenges, strategies, and trends (pages 91-111). Cham: Springer International Publishing.
4. Makarov, I., & Schoar, A. (2022). Cryptocurrencies and decentralized finance (DeFi). Brookings Papers on Economic Activity, 2022(1), pages 141-215.
5. Malamud, S., & Rostek, M. (2017). Decentralized exchange. American Economic Review, 107(11), pages 3320-3362.
6. Xu, J., & Vadgama, N. (2022). From banks to defi: the evolution of the lending market. Enabling the Internet of Value: How Blockchain Connects Global Businesses, pages 53-66.
7. Xu, J., Paruch, K., Cousaert, S., & Feng, Y. (2023). Sok: Decentralized exchanges (dex) with automated market maker (amm) protocols. ACM Computing Surveys, 55(11), pages 1-50.
8. Vasishta, P., Dhiman, A., Smith, S., & Singla, A. (2025). How can DeFi improve the quality, affordability, access and usage of financial services? A systematic literature review. Journal of Economic and Administrative Sciences.
Tin bài khác


Chuyển đổi số ngân hàng và bài toán an ninh, an toàn thông tin

GenAI - Tương lai cá nhân hóa dịch vụ khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

AI Agent: Xu hướng công nghệ mới, thực tiễn quốc tế và giải pháp áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại - Kinh nghiệm một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam

Phát triển dữ liệu - cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá

Chiến lược ưu tiên thiết bị di động trong hoạt động ngân hàng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
