
Thúc đẩy sức mạnh nội sinh từ phong trào thi đua
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: Mục đích của thi đua là để “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” nhằm thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Tinh thần ấy đã được chuyển hóa trong các phong trào thi đua của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hơn hai thập kỷ qua. Đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2025 là một chặng đường đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. "Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao cùng sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua là yêu nước, càng khó khăn thì càng phải thi đua, toàn hệ thống NHCSXH đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, tiếp tục khẳng định vai trò “bà đỡ” cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đưa tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội". Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến NHCSXH giai đoạn 2020 - 2025.
![]() |
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Ngân hàng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Khi công việc hòa cùng nhịp tim hồng…
Về các xã Ea Yiêng; xã Ea Yông; Xã Hòa An; xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, không chỉ lãnh đạo xã, các tổ chức hội và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) mà nhiều người dân cũng biết mặt, nhớ tên cán bộ tín dụng NHCSXH Y Viên Niê. Cũng bởi 20 năm làm cán bộ tín dụng, đôi chân anh đã in khắp các nẻo đường Krông Pắc. “Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, qua mỗi đợt thi đua, bản thân tôi luôn hiểu rõ đạo đức, tư cách của một cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo để giúp họ thoát nghèo là một vinh dự lớn lao”, anh chia sẻ và cho biết đây cũng là động lực thôi thúc anh vượt qua khó khăn vất vả, không ngừng học hỏi trong thực tế tại cơ sở thôn, buôn và trong sách, vở, đồng nghiệp, đem hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao trong phục vụ cho bà con nhân dân trong huyện nằm trong đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt đối với bà con nhân dân là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với trình độ dân trí còn thấp, năng lực tổ chức sản xuất còn hạn chế, điều kiện tiếp cận với nguồn vốn còn khó khăn. “Hằng ngày sau thời gian làm việc, tôi vẫn thường suy nghĩ lại ngày hôm nay mình đã làm được những việc gì tốt cho cơ quan, cho hộ nghèo, hộ chính sách? Ngày mai mình cần phải làm những việc gì?” anh chia sẻ.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã dồn tích thành bức tranh tín dụng sáng rạng theo năm tháng, từ mốc dư nợ năm 2020 là 56.903 triệu đồng, đến ngày 31/12/2024 dư nợ 4 xã đạt 141.998 triệu đồng. Đặc biệt, số dư tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đạt 7.491 triệu đồng với hơn 3.322 khách hàng đang vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV, chiếm tỉ lệ 99% thành viên vay vốn trên địa bàn là một bước đổi mới vượt bậc, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số trong việc sử dụng đồng tiền vay.
Ở huyện Châu Thành - cửa ngõ về Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ chính của tỉnh Tiền Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, những năm qua nổi tiếng với với các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp Tân Hương đã thu hút hàng ngàn lao động. Song cũng còn không ít những người dân quá tuổi làm ở những nơi công nghiệp chỉ còn cách bám nghề nông mưu sinh. Cuộc sống cũng không dễ dàng khi ảnh hưởng dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, giá cả hàng hóa nông sản bấp bênh, hạn hán xâm nhập mặn, diễn biến phức tạp, khó lường chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bởi vậy, để có thể thúc đẩy ý chí sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà cấp trên giao, ban lãnh đạo phòng giao dịch đã thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến tạo khí thế thi đua sôi nổi từ đó thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được được giao như: Phát động thi đua hằng năm, thi đua quý, thi đua ngắn ngày, thi đua chào mừng các ngày lễ lớn... Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều cách làm hay, giải pháp mới, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao như: Truy tìm thông tin các hộ vay vốn bỏ địa phương thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội, mạng Zalo, Facebook... hay hướng dẫn các tổ chức hội cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát, lưu trữ hồ sơ khoa học; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Kết quả của các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo đã đưa tổng nguồn vốn của đơn vị đến ngày 31/01/2025 đạt 530.468 triệu đồng, tăng 92,01% so với đầu năm 2020, trong đó phần vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền là 14.200 triệu đồng, tăng 13.000 triệu đồng so với đầu năm 2020, nâng tổng nguồn vốn địa phương ngân sách huyện đến nay đạt 16.010 triệu đồng, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Đến ngày 31/01/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách huyện đạt 528.857 triệu đồng, tăng 91,46% so với đầu năm 2020. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,18% (giảm 1,1% so với năm 2020), góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt góp phần xây dựng thành công huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Còn với Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội, các phong trào thi đua là động lực góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Trung ương và Thành phố giao. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Chi nhánh đã phát động 38 đợt thi đua các phong trào thi đua gắn với từng sự kiện quan trọng của đơn vị, của Thành phố và của Ngành cũng như nền kinh tế nền tảng để hằng năm, Chi nhánh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương và Thành phố giao, được NHCSXH công nhận là đơn vị xuất sắc nhất hệ thống 10 năm liên tiếp từ năm 2015 đến năm 2024. Tính đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh tăng trưởng 8.381 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm (giai đoạn 2020 - 2025), đạt 14,8%, trong đó, riêng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng trưởng 7.614 tỉ đồng, bình quân mỗi năm tăng 1.523 tỉ đồng và đến nay đạt 10.575 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 63% trên tổng nguồn vốn; tổng dư nợ tín dụng tại Chi nhánh tăng trưởng 8.380 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 14,8% và đến nay đạt 16.794 tỉ đồng, cao nhất so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, xanh, bền vững.
![]() |
Đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát huy sức mạnh nội sinh của từng người lao động
Đó chỉ là một vài lát cắt trong hành trình thi đua không ngừng nghỉ của NHCSXH trong 5 năm qua. Quán triệt đầy đủ, kịp thời, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, yêu nước; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống NHCSXH luôn được triển khai toàn diện, đồng bộ, đổi mới và phát triển sâu rộng, tạo động lực to lớn cổ vũ cán bộ, người lao động vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đơn vị trong hệ thống NHCSXH tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thi đua khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn mới.
Hội đồng quản trị, Ban điều hành NHCSXH đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng trong toàn hệ thống, đồng thời cụ thể hóa vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của người lao động. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua theo phương châm thi đua để thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thi đua hướng về cơ sở, tạo điều kiện để các đơn vị trong toàn hệ thống đổi mới, chủ động trong triển khai thực hiện các nội dung thi đua. Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành các văn bản quy định về thi đua, khen thưởng phù hợp với các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và thực tiễn tổ chức, hoạt động của NHCSXH. Trong giai đoạn 2020 - 2025, NHCSXH đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong toàn hệ thống NHCSXH theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, nghị định của Chính phủ và các thông tư của ngành Ngân hàng, của Bộ Nội vụ. Đồng thời nghiên cứu xây dựng Quy chế Thi đua, khen thưởng mới thay thế Quy chế Thi đua, khen thưởng của NHCSXH kèm theo Quyết định số 02/QĐ-HĐQT ngày 05/01/2021.
Bên cạnh việc tổ chức triển khai công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống, NHCSXH thực hiện tốt việc phối hợp với các đơn vị ban, bộ, ngành cũng như các cơ quan có thẩm quyền về công tác thi đua, khen thưởng, NHCSXH còn phát huy vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Đảng, Chính quyền, Công đoàn và Đoàn thanh niên tạo sự đồng thuận, thống nhất, tăng cường sức mạnh tổng hợp hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống NHCSXH phát triển bền vững, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Cùng với việc thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NHCSXH luôn tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống, từ Hội sở chính đến các đơn vị cơ sở. Ở khắp các đơn vị trong hệ thống, nơi đâu cũng thấy dấu ấn các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát động như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua thực hiện phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; “Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”; “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Đồng thời, Tổng Giám đốc NHCSXH đã phát động nhiều phong trào thi đua hằng năm, thi đua chuyên đề, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH hằng năm đến năm 2030 và nhiệm vụ của Ngành Ngân hàng.
Các chi nhánh, đơn vị NHCSXH luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp, các ngành và địa phương phát động, đồng thời, phát động nhiều phong trào thi đua ngắn ngày, thi đua theo chuyên đề như: Thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về kế hoạch tín dụng, kế toán và quản lý tài chính, kiểm tra, kiểm soát...; thi đua hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ; thi đua củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện tham mưu công tác bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các phong trào thi đua được phát động tới các tập thể, cá nhân người lao động của đơn vị với đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung thi đua, thời gian thi đua, tiêu chí xét khen thưởng cụ thể và bám sát nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Kết thúc đợt thi đua, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân, các đơn vị tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Hội đồng thi đua khen thưởng các đơn vị thực hiện xem xét khen thưởng, trình khen thưởng bảo đảm theo đúng quy định để kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, người lao động hăng say thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt đặc biệt người lao động trực tiếp, đang công tác tại những địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc tôn vinh, khen thưởng kịp thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các điển hình tiên tiến đã tạo ảnh hưởng lan tỏa tốt đã thúc đẩy sức sáng tạo, tính chủ động, tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân các đơn vị đã được phát huy cao độ; trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong toàn hệ thống NHCSXH, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Hiệu ứng của các phong trào thi đua được thể hiện rõ trong bức tranh hoạt động của NHCSXH, là điểm tựa để NHCSXH vượt qua những khó khăn đặc biệt là đại dịch Covid-19, cơn bão số 3 (Yagi)... hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Giai đoạn 2020 - 2025 cũng chứng kiến sự chuyển mình cả về chất và lượng của NHCSXH thông qua việc tham mưu chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm, thể hiện ở việc tổ chức triển khai bài bản, toàn diện các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến ngày 30/4/2025, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 60.374 tỉ đồng; đưa tỉ trọng nguồn vốn ủy thác địa phương so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội từ 3% lên 14,6% trên tổng nguồn vốn tín dụng. Đến ngày 30/4/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 411.812 tỉ đồng, tăng 94,3% so với đầu giai đoạn (năm 2020).
Đây là nền tảng để trong giai đoạn 2020 - 2025, vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy được vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Nhìn lại 5 năm, vốn tín dụng đã được đầu tư hiệu quả đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, với gần 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn và tổng doanh số cho vay đạt 541.498 tỉ đồng, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp thu hút, tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động (trong đó gần 37 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 11 nghìn lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn tự tạo việc làm); giúp gần 350 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 8 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; hơn 48 nghìn căn nhà ở xã hội và hơn 24 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách góp phần bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Tính đến ngày 30/4/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 386.467 tỉ đồng, tăng 179.662 tỉ đồng so với đầu giai đoạn, bình quân tăng trưởng dư nợ hằng năm đạt 12,1% (tăng so với bình quân năm trong giai đoạn trước), với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ.
Không chỉ thi đua trong chuyên môn, cán bộ, người lao động trong hệ thống NHCSXH luôn nhiệt tình hưởng ứng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện từ với tổng số tiền từ khi thành lập NHCSXH đến nay là 441.219 triệu đồng, riêng giai đoạn 2020 - 2025 là 242.250 triệu đồng.
Những nỗ lực của từng cán bộ NHCSXH trong các phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025 đã góp phần phát huy sức mạnh nội sinh, đoàn kết, nỗ lực vượt khó sáng tạo của tập thể, cá nhân người lao động toàn hệ thống phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị NHCSXH được giao giai đoạn 2020 - 2025 và đóng góp trong thành công chung thực hiện nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025. Những nỗ lực này cũng đã được Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Đặc biệt, NHCSXH đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới năm 2020.
![]() |
Quang cảnh Hội nghị |
Xây dựng một định chế tài chính công tự chủ vị sinh
Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến NHCSXH giai đoạn 2020 - 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Ngân hàng Đào Minh Tú thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Lãnh đạo NHNN ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp xuất sắc vào kết quả hoạt động của NHCSXH, cũng như tạo lập niềm tin của xã hội, nâng cao uy tín, vị thế của ngành Ngân hàng trong những năm qua. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú hi vọng Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến hôm nay là dịp tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong tu dưỡng, rèn luyện, học tập, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHCSXH. Qua đó, tạo sự đồng thuận về nhận thức tư tưởng, hành động, khích lệ, cổ vũ cán bộ, người lao động NHCSXH tự giác thi đua với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của hệ thống NHCSXH và của toàn ngành Ngân hàng; xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ ra rằng, với mục tiêu phát triển NHCSXH có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ giai đoạn 2025 - 2030, là một trong những “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đòi hỏi NHCSXH phải hết sức nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua mà NHCSXH cần triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 26/12/2024 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị và cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống NHCSXH về vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; làm cho thi đua thực sự trở thành động lực, ý thức tự giác của mỗi cá nhân, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của NHNN và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước, của ngành Ngân hàng để phát động các phong trào thi đua sâu, rộng.
Thứ ba, tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù. Chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của NHCSXH. Sắp xếp bộ máy của NHCSXH tinh, gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới; xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH có năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Thứ tư, phát huy vai trò tích cực, chủ động của tổ chức đoàn thể trong việc vận động, khuyến khích đoàn viên, người lao động tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua; nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động xã hội, thiện nguyện vì cộng đồng.
Thứ năm, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, phản ánh toàn diện, khách quan về những kết quả nổi bật và sự đóng góp tích cực của NHCSXH vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế song phương, đa phương. Tăng cường quảng bá mô hình hoạt động NHCSXH riêng có đến bạn bè quốc tế, các đối tác, đại sứ quán thông qua các kênh thông tin đối ngoại…
“Phát huy thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong từng giai đoạn, với tinh thần “Thi đua ái quốc”, tôi tin tưởng tập thể cán bộ, người lao động trong hệ thống NHCSXH cùng với các tập thể, cá nhân kiêm nhiệm phối hợp thực hiện tín dụng chính sách sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục giữ vững danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đóng góp tích cực trong kết quả hoạt động ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đặt mục tiêu.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
![]() |
Lễ ký giao ước thi đua |
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (thứ nhất, bên phải) trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng cho Trung tâm Đào tạo NHCSXH |
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (bên trái) trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” do Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh |
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (thứ ba, từ trái sang) trao tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Ngân hàng” cho các cá nhân của NHCSXH |

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô
