Kinh tế Việt Nam vươn mình mạnh mẽ dưới ngọn cờ của Đảng
Từ ngày 03/02/1930 - 07/02/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam (gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng và tiến hành giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, từ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng trở lên quan trọng, là động lực lớn đưa con thuyền kinh tế đất nước đạp gió, rẽ sóng, vượt trùng dương, thể hiện sức mạnh kiên cường, bản lĩnh vững vàng của dân tộc Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Kinh tế Việt Nam những năm đầu thành lập Đảng (1930 - 1945)
Những thập niên đầu thế kỷ 20, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp. Khi ấy kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu; thực dân Pháp khai thác, vơ vét tài nguyên một cách triệt để, phục vụ lợi ích của chính quốc. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm của Cách mạng Việt Nam là đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân. Mặc dù chưa có nhiều điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, nhưng Đảng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, những tư tưởng về nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được đặt ra, tạo nền tảng cho nhiều chính sách phát triển đất nước sau này. Đảng khẳng định rõ, để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, trước tiên phải đánh bại ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng đất nước khỏi áp bức, bóc lột. Qua 15 năm kháng chiến trường kỳ, Đảng đã lãnh đạo các phong trào cách mạng, đấu tranh đòi quyền lợi cho Nhân dân lao động, chống lại chính sách sưu cao, thuế nặng của thực dân và thúc đẩy đoàn kết dân tộc, cùng Nhân dân làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước bối cảnh nền kinh tế đất nước phải đối diện với tam tầng khó khăn: “Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, Đảng đã chú trọng đến phục hồi, phát triển kinh tế để củng cố nền độc lập còn non trẻ. Đảng đề ra chiến lược phát triển nền kinh tế tự chủ, không phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài, tận dụng sức mạnh nội tại của đất nước nhằm từng bước vượt qua thách thức, khó khăn. Theo đó, Đảng chú trọng vào việc phát triển một nền kinh tế công - nông vững mạnh, tạo ra một hệ thống sản xuất nông nghiệp tiến bộ, đồng thời, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành công nghiệp thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu của Nhân dân trong cả nước. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã tập trung xây dựng nhiều cơ sở kinh tế tự lực trong các căn cứ cách mạng, góp phần duy trì phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ vững thành quả cách mạng.
Kinh tế Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ “kháng chiến, kiến quốc” (1945 - 1975)
Trong 30 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ (1945 - 1975), Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đóng vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn chủ trương duy trì, phát triển kinh tế hiệu quả để phục vụ cho tiền tuyến.
Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “kháng chiến và kiến quốc” xác định hai nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam là: Quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và ra sức xây dựng chế độ mới. Theo đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đảng ta đã phát động nhiều phong trào sản xuất, huy động Nhân dân tham gia vào công cuộc kiến thiết nền kinh tế, bao gồm các hoạt động khôi phục nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng… Nhiều cuộc vận động huy động tài chính từ các tầng lớp Nhân dân được triển khai, giúp củng cố nền tảng tài chính nhằm phục vụ tốt cho hai cuộc kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng chỉ đạo “kháng chiến, kiến quốc” tại Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Tư liệu/Báo Quân đội nhân dân) |
Đối với ngành nông nghiệp, Đảng và Chính phủ đã kêu gọi Nhân dân tăng cường sản xuất nông sản, tập trung chủ yếu vào lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc chiến. Nhiều chính quyền địa phương đã áp dụng những biện pháp động viên Nhân dân sản xuất gạo và phân phối lương thực hợp lý để đảm bảo cung cấp cho quân đội và dân cư. Ngoài ra, chính sách cải cách, chia lại ruộng đất cho nông dân cũng được thực hiện, giúp gia tăng sản lượng lúa gạo trong toàn quốc.
Đối với ngành công nghiệp, để duy trì cuộc kháng chiến, Đảng chỉ đạo tập trung xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược, cũng như nhu yếu phẩm cần thiết cho quân đội và Nhân dân. Các xưởng sản xuất vũ khí nhỏ đã được thành lập ở những vùng căn cứ địa trên toàn quốc, sản phẩm chủ yếu bao gồm quân trang, vũ khí, thuốc nổ và nhu yếu phẩm phục vụ quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc Việt Nam đã duy trì được sản xuất nhiên liệu và các vật liệu xây dựng cơ bản để phục vụ cho chiến tranh. Việc xây dựng các tuyến giao thông vận tải, đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển… đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cung cấp vật tư cho chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng nhận được sự viện trợ lớn từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần làm giảm bớt khó khăn về vật tư, đạn dược trong suốt hai cuộc kháng chiến. Tháng 01/1950, Trung Quốc và Liên Xô lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, cuộc chiến đấu của Nhân dân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh, động lực trong công cuộc phát triển kinh tế thời kỳ “kháng chiến, kiến quốc”.
Kinh tế Việt Nam mạnh mẽ vươn mình dưới ngọn cờ của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước (từ năm 1975 đến nay)
Sau năm 1975, đất nước bước vào giai đoạn thống nhất và bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh kéo dài và những hạn chế trong cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp. Dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn này là khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và hội nhập quốc tế. Đảng xác định, phát triển kinh tế bền vững, bao trùm và hội nhập; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế (Nguồn ảnh: Internet) |
Văn kiện Đại hội XII là kết tinh sự phát triển lý luận của của Đảng, trong đó nhấn mạnh: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Dưới ngọn cờ của Đảng, từ năm 1986, những cải cách kinh tế kết hợp với xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc. Từ một trong những nước nghèo trên thế giới, Việt Nam đã vươn mình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người tăng gần 8 lần trong vòng chưa đầy 40 năm, từ dưới 600 USD/người năm 1986 lên gần 4.700 USD/người năm 2024. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 đạt 11.511,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 476,3 tỉ USD. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Theo giá so sánh, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023) (Tổng cục Thống kê, 2025).
Cùng với quá trình hội nhập toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những bước đột phá tích cực khi chuyển dần sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2010, tỉ trọng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong GDP là 18,9%, đến năm 2024 đã giảm xuống còn 11,86%. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng đáng kể, chiếm tỉ lệ lần lượt là 37,64%; 42,36% GDP năm 2024 (Tổng cục Thống kê, 2025). Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, Việt Nam tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt, tận dụng tối đa ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Việc tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết lao động, tạo việc làm...
Nhìn lại chặng đường đổi mới đất nước với biết bao khó khăn, thăng trầm, song, nền kinh tế Việt Nam vẫn luôn mạnh mẽ vươn mình dưới ngọn cờ của Đảng để khẳng định sức mạnh, vị thế trên trường quốc tế. Những quyết sách sáng suốt của Đảng đã tạo ra nền tảng vững chắc phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là từ thời kỳ kiến thiết, đổi mới đất nước sau chiến tranh. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những thách thức và cơ hội mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo, đưa kinh tế đất nước phát triển vững bền, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Tài liệu tham khảo:
1. https://tapchinganhang.gov.vn/dau-an-ve-su-lanh-dao-cua-dang-trong-phat-trien-kinh-te-11259.html
2. Phạm Việt Dũng (2024): Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
3. Tổng cục Thống kê (2025), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024.
4. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tổng quan về Việt Nam.