
Hệ thống ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Trong hai năm 2020 - 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 ở quy mô lớn, đẩy lùi dịch bệnh. Bước sang năm 2022, nền kinh tế dần phục hồi, người dân bắt đầu trở lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hệ thống ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Chú trọng đầu tư tín dụng hỗ trợ người dân
Với tinh thần luôn đồng hành cùng người dân, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ tối đa người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đồng chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; có công văn chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; công văn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trong phối hợp triển khai. Từ đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện cơ chế lãi suất phù hợp, ưu đãi để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, xử lý nợ xấu theo quy định của NHNN.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định. Tính đến ngày 31/8/2022, tổng vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn đạt 58.618 tỷ đồng (tăng 5,39% so với cuối năm 2021); dư nợ tín dụng đạt 71.468 tỷ đồng (tăng 12,96% so với cuối năm 2021).
Đến tháng 8/2022, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt gần 13.020 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 18,6% tổng dư nợ tín dụng, tăng 8,8% so với đầu năm 2022); tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.858 tỷ đồng (chiếm 19,9% tổng dư nợ tín dụng, tăng 6,77% so với đầu năm 2022); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 2.318 tỷ đồng (chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng, giảm 13,9% so với đầu năm 2022); tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 647 tỷ đồng (giảm 1,86% so với đầu năm 2022).
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện 23 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ tính đến tháng 8/2022 đạt 3.601,6 tỷ đồng (tăng 11,4% so với đầu năm 2022). Cụ thể một số chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ đạt 147,8 tỷ đồng (tăng 19% so với đầu năm 2022); cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ đạt 735,8 tỷ đồng (tăng 27,1% so với đầu năm 2022); cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đạt 932,4 tỷ đồng (tăng 1,8% so với đầu năm 2022); cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đạt 186,6 tỷ đồng (tăng 39,5% so với đầu năm 2022)… NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay thêm mới 02 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với dư nợ đạt 15,49 tỷ đồng với 1.035 khách hàng vay; cho vay theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với dư nợ đạt 480 triệu đồng của 06 khách hàng. Đồng thời, NHCSXH tỉnh đang triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 6799/UBND-TTH ngày 01/7/2022 triển khai thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH; đồng thời, đang triển khai việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đến cuối tháng 8/2022, nợ xấu nội bảng tại các TCTD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ở mức 755,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,06%. Nợ xấu tăng trong thời gian gần đây chủ yếu do các phát sinh khoản nợ đã được cơ cấu theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Thuế tiếp tục giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống QTDND theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 của Thống đốc NHNN).
Phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng
Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 và Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 21/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. NHNN Chi nhánh tỉnh đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động số 385/KH-TTH ngày 14/6/2021 triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động số 30/KH-TTH ngày 18/01/2022 triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025. Các TCTD tích cực phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí, viện phí, phí, lệ phí tại các trường học, cơ sở y tế, trung tâm hành chính công cấp xã, cấp huyện. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thừa Thiên Huế đã phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, tích hợp các giải pháp thanh toán trên ứng dụng Hue-S, triển khai thẻ điện tử công chức, ký kết thỏa thuận hợp tác với Cổng dịch vụ công tỉnh để triển khai các giải pháp thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người dân thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, hệ thống ATM, POS, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng và đảm bảo công tác an toàn trong hoạt động. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện đa dạng hóa kênh cung cấp các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, QR code… Tính đến tháng 8/2022, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 226 ATM và gần 1.180 POS đang hoạt động, tổng số thẻ đang lưu hành là 898.462 thẻ với số giao dịch qua thẻ lũy kế trong 7 tháng năm 2022 đạt gần 3,3 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch lũy kế đạt gần 8.675,7 tỷ đồng.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Để có thể hỗ trợ người dân nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế xác định những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 của Thống đốc NHNN và Quyết định số 01/QĐ-UBND năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tới toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tiếp tục theo dõi, triển khai, truyền thông về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các TCTD triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước tỉnh sau khi Sở Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trọng trạng thái bình thường mới năm 2022 - 2023.
Ba là, chủ động thông tin về các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp của ngành Ngân hàng. NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ ban hành theo Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 18/3/2022 của Thống đốc NHNN và Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bốn là, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo TCTD trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thu hồi, xử lý nợ xấu; triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các TCTD trên địa bàn tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 21/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai Đề án thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025.
Sáu là, chấp hành nghiêm quy định của NHNN về an toàn kho quỹ; chủ động các biện pháp phòng, chống tiêu cực, trộm cướp tại các phòng giao dịch, ô tô giao dịch lưu động.
Bảy là, nâng cao chất lượng trong quản lý hoạt động ngoại hối, quản lý kinh doanh vàng; thụ lý và xét duyệt các hồ sơ thủ tục liên quan đến lĩnh vực ngoại hối, kinh doanh vàng trên địa bàn.
Tám là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của các TCTD trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của pháp luật, của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục các hành vi sai phạm trong hoạt động.
Bảo Ly - NHNN
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
