Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi
Là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng trong khu vực, cũng là một trong 47 quốc gia tuân thủ tuyên bố về tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2009, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong diễn đàn về tăng trưởng xanh toàn cầu.
aa

Tóm tắt: Là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng trong khu vực, cũng là một trong 47 quốc gia tuân thủ tuyên bố về tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2009, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong diễn đàn về tăng trưởng xanh toàn cầu. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế xanh, mới đây nhất phải kể đến Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh, một công cụ quan trọng nhằm hướng đến chiến lược phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã đạt được một số những thành tựu đáng kể về tăng trưởng xanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Bài viết này tìm hiểu khái niệm về “tăng trưởng xanh”, Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh, các thành tựu đã đạt được cũng như khó khăn phải đối mặt, từ đó đưa ra khuyến nghị đóng góp vào quá trình tăng trưởng xanh hướng đến kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Từ khóa: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.

GREEN GROWTH TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VIETNAM

Abstract: Vietnam is not only one of the countries with rapid development in Southeast Asia, but also one of 47 countries that complied with Organisation for Economic Cooperation and Development (OECD) declaration on green growth in 2009. Therefore,Vietnam Nam plays an important role in the global green growth forum. The Party and State of Vietnam have recently issued many guidelines and policies to develop a green economy, most recently including the green growth statistical indicators which is a crucial tool for the sustainable development strategy. In the fact, Vietnam has achieved several significant achievements in green growth, but there are still many difficulties that need to be resolved. This article explores the definition of “green growth”, the set of indicators to measure green growth, the achievements, challenges, thereby providing recommendations to contribute to the green growth process towards a green economy and sustainable development in Vietnam.

Keywords: Green growth, sustainable development, set of green growth statistical indicators.

1. Khái niệm về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo Liên hợp quốc (2011), tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển bền vững nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tăng trưởng xanh nhấn mạnh việc sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Mục tiêu trọng tâm của tăng trưởng xanh là phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn môi trường, tạo ra sự cân bằng có lợi cho cả nền kinh tế và toàn cầu. Thuật ngữ “tăng trưởng xanh” bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào năm 2005 tại Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường và Phát triển và được sử dụng trong các thỏa thuận của các quốc gia với Liên hợp quốc, nhằm cụ thể hóa chiến lược hành động của mình trong Chiến lược tăng trưởng xanh (UNESCAP). Ví dụ, khái niệm này đã được Hàn Quốc luật hóa tại Đạo luật về Tăng trưởng xanh Carbon thấp (Framework Act on Low Carbon Green Growth) ban hành vào tháng 4/2010.

Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai... Phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ.

Có thể thấy, mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng xanh nhằm nhấn mạnh tới việc phát triển kinh tế một cách bền vững thông qua việc giữ cân bằng, hài hòa với môi trường sinh thái, không gây áp lực, làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường.

2. Hành động của Đảng và Nhà nước thực hiện tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chú trọng đến phát triển kinh tế xanh, thông qua các văn bản cụ thể hóa định hướng về tăng trưởng xanh như Quyết định số 1393/QĐ-TTg 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, sau đó là Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Bên cạnh đó, để xây dựng cơ sở giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 nhóm mục tiêu cụ thể, bám sát Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Mục tiêu số 1 là “giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP”. Trong đó, các lĩnh vực phải thực hiện việc kiểm kê chỉ số bao gồm: Giao thông vận tải; năng lượng; xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải; công nghiệp.

Mục tiêu số 2 là “xanh hóa các ngành kinh tế”. Trong mục tiêu số 2, các lĩnh vực phải thực hiện việc kiểm kê chỉ số bao gồm: Năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng; thương mại - dịch vụ.

Mục tiêu số 3 là “xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”. Ở mục tiêu số 3, bộ chỉ tiêu đề cập đến lĩnh vực môi trường, xã hội với các chỉ tiêu như: Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lí bằng cách chôn lấp trực tiếp; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lí; tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lí đạt theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Lĩnh vực đô thị với các chỉ tiêu: Tỉ lệ đô thị đạt được tiêu chuẩn đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh và bền vững so với tổng số các đô thị; diện tích cây xanh công cộng bình quân trên đầu người khu vực nội thành, nội thị.

Mục tiêu số 4 là “xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu”. Mục tiêu số 4 bao hàm các chỉ tiêu: Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế; tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp và sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng được quy chuẩn; tỉ lệ dân số sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; tỉ lệ dân số sống trong các nhà tạm.

Bộ chỉ tiêu này được ban hành cuối năm 2023, áp dụng đo lường và thống kê các chỉ tiêu từ cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì và phối hợp với 12 bộ, ngành liên quan trực tiếp, cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện. Có thể khẳng định, việc ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh trên thể hiện rất rõ quyết tâm đạt được các mục tiêu cụ thể về tăng trưởng xanh để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững của Việt Nam.

3. Một số kết quả nổi bật về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam


Thực hiện các chủ trương, định hướng tăng trưởng xanh hướng đến phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đã và đang chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế và tiếp cận với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới.

3.1. Lĩnh vực nông nghiệp


Nông nghiệp hữu cơ là ưu tiên trong cách thức canh tác và sản xuất của nông nghiệp xanh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam đã tăng hơn 4 lần lên xấp xỉ 495.000 ha so với năm 2016. Bộ cũng đã tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Việt Nam có 46/63 tỉnh, thành phố phát động và đang thực hiện phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có 17.168 người nông dân tham gia sản xuất hữu cơ, 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ và tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phong trào nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh bằng cách sử dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp cũng được đẩy mạnh ở một số địa phương, điển hình như tỉnh Nghệ An... Mỗi năm, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu trung bình đạt 90.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh để phục vụ cho việc canh tác hữu cơ, vừa giảm được chi phí khoảng ½ lần so với phân bón hóa học, vừa tăng năng suất, chất lượng cho đầu ra của các sản phẩm hữu cơ. Không chỉ dừng lại ở đó, rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ sinh học tại các trường đại học và phòng thí nghiệm ở Việt Nam đã nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các lớp tập huấn để triển khai mô hình “nuôi ruồi lính đen” giúp phân hủy rác hữu cơ đến người nông dân. Năm 2023, cả nước có 120 cơ sở nuôi ruồi lính đen, phân bố ở 7 vùng sinh thái, trong đó có 12 cơ sở với diện tích từ 200 - 2.000 m2 nhằm mục đích thương mại hoặc để xử lí chất thải chăn nuôi, làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam được tiêu thụ trong nước và còn xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới gồm: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan… Các quốc gia trên đều là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

Thủy sản là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng 3,7 - 4%/năm và đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,32 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2022. Sản lượng này 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kì năm trước. Tại Hội nghị Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản - vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế biển xanh, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, bền vững, tăng nuôi trồng và giảm khai khác, góp phần tạo động lực để xây dựng nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành lâm nghiệp của Việt Nam năm 2023 đã lần đầu tiên chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD. Diện tích rừng trồng mới của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,55% so với cùng kì năm trước, sản lượng gỗ khai thác tăng 6,3%. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp có những bước phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu theo hướng tăng trưởng xanh đã được áp dụng vào thực tiễn, ví dụ có thể kể đến là công trình "Ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám vào quản lí rừng và cảnh báo cháy rừng tại tỉnh Thái Nguyên" (GIS là hệ thống công cụ tập hợp các quy trình trên máy tính dùng để thu thập, quản lí, lưu trữ dữ liệu địa lí và thực hiện lập bản đồ, phân tích sự vật, hiện tượng xảy ra trên trái đất cũng như dự đoán tác động và hoạch định chiến lược).

3.2. Lĩnh vực công nghiệp

Trong những năm qua, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào mục tiêu chính bao gồm nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng, máy móc, kĩ thuật mới, thân thiện với môi trường và hạn chế phát thải CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường, triển khai việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học vào sản xuất công nghiệp.

Theo báo cáo, Bộ Công Thương đã triển khai một cách đồng bộ các giải pháp quản lí về nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Để đánh giá cụ thể hơn về cường độ sử dụng năng lượng, các chuyên gia thường đánh giá thông qua hệ số đàn hồi/GDP hay còn được hiểu là tỉ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên GDP. Hệ số đàn hồi điện/GDP của Việt Nam đã giảm từ mức 2,0 trong giai đoạn 2001 - 2010 xuống mức 1,9 trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn 2017 - 2019, tỉ lệ này là 1,25 - 1,3 sau đó tiếp tục giảm xuống 1,07 vào 2020; trong nửa đầu năm 2023, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 0,5. (Hình 1)

Hình 1: Hệ số đàn hồi tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP tại Việt Nam

giai đoạn 2017 - 2023

Nguồn: David Dapice (2023)


Ngoài ra, hiện nay 91% khu công nghiệp tại Việt Nam đã có hệ thống xử lí nước thải tập trung, các ngành công nghiệp tái chế phát triển, đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng cho việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

3.3. Lĩnh vực dịch vụ


Ngành dịch vụ đã dần trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,54% GDP năm 2023, tỉ trọng lao động trong ngành dịch vụ chiếm gần 40% tổng số lao động của cả nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành dịch vụ đã đóng góp 49,76% vào GDP. Dịch vụ xanh ngày càng được coi trọng trong xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Các hoạt động dịch vụ được đẩy mạnh trong quá trình chuyển đổi xanh như: Mua sắm và tiêu dùng xanh, tài chính xanh, du lịch xanh. Để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất cho ra đời những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu gắn với yêu cầu phát triển bền vững. Các chương trình được phát động liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình Cấp nhãn sinh thái do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chương trình Nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương. Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai, áp dụng để điều chỉnh hành vi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người dân trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, rất nhiều người tiêu dùng quan tâm, hưởng ứng sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, ví dụ như các sản phẩm organic, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm dễ phân hủy. Một trong những thành tựu phải kể đến trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỉ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, cụ thể là 564 nghìn tỉ đồng năm 2023, con số này chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

4. Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những thành tựu nhất định đã đạt được, việc phát triển nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Từ phía cơ quan quản lí nhà nước

Hoạt động quản lí, điều phối các chính sách về tăng trưởng xanh còn thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các bộ, ngành và các cấp chính quyền; các chính sách và kế hoạch chồng chéo, không nhất quán. Một vấn đề quan trọng nữa là nhận thức của các chủ thể về nội hàm của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn khác nhau hoặc chưa được thống nhất, chưa xác định rõ đây là mục tiêu hay phương thức để phát triển, được cụ thể hóa trong các đạo luật, chính sách. Điều này cản trở việc thực hiện và giám sát hiệu quả các hành động và mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các văn bản quy định pháp luật cụ thể hay hành lang pháp lí về thực hiện phát triển nền kinh tế xanh ở nước ta hiện nay chưa có, chủ yếu là lồng ghép trong các quyết định mà chưa hình thành được một hành lang pháp lí thống nhất, xuyên suốt, dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lí của các cơ quan, đơn vị và chủ thể thực hiện.

Từ phía các ngành kinh tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Do điều kiện về nguồn lực còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ sản xuất cũ, tiêu hao nhiều năng lượng, lượng phát thải lớn, hiệu quả kinh tế thấp và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, mức độ tăng trưởng trong từng ngành kinh tế chưa thực sự rõ nét do công tác quản lí Nhà nước về kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong khi đó, nền kinh tế đã và đang phải đối phó với những khó khăn từ biến đổi khí hậu, vừa phải hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu bảo vệ môi trường trong điều kiện hạn chế nguồn lực.

Từ phía nhận thức của cộng đồng


Mức độ nhận thức, sự tham gia của cộng đồng về các vấn đề bền vững và tăng trưởng xanh còn chưa cao, làm hạn chế việc thay đổi hành vi cộng đồng, đổi mới xã hội để có thể hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển carbon thấp. Ngoài ra, một số người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen tiêu dùng truyền thống, chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường thường có giá thành cao hơn, do đó hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.

5. Đề xuất, khuyến nghị nâng cao hiệu quả tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững

Xuất phát từ những khó khăn và hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Đối với cơ quan quản lí nhà nước


Nhà nước cần tăng cường sự phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận và huy động sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh, từ đó góp phần giảm sự thiếu nhất quán, thúc đẩy sự nỗ lực hợp tác hành động cả ở cấp trung ương và địa phương. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa bao trùm, định hướng hành vi của các chủ thể hướng tới mục tiêu phát triển xanh hóa nền kinh tế, giải quyết các vấn đề về kinh tế, môi trường và xã hội. Mặc dù hiện nay, hệ thống pháp luật ở nước ta đã quy định và khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất, tiêu dùng, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên, các quy định này còn thiếu cụ thể, cần được xây dựng thành hệ thống, tạo hành lang pháp lí công bằng, hiệu quả, tăng cường các cơ chế quản lí và hệ thống giám sát để đảm bảo khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể phát triển, hướng tới tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần áp dụng biện pháp xử lí nghiêm khắc đối với các chủ thể tác động tiêu cực đến môi trường khi tiến hành sản xuất, kinh doanh, buộc các đơn vị không tuân thủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hệ thống cơ sở pháp lí này còn phải bao gồm hệ thống danh mục phân loại xanh (green taxonomy) hoàn chỉnh, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm vào đó, Nhà nước cần định hướng phát triển kinh tế xanh đối với những ngành trọng điểm và nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở cách tiếp cận theo ngành, hướng tới mục tiêu bền vững như: Đầu tư phát triển khoa học, công nghệ mang lại sản phẩm thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo; đầu tư chuyển giao, áp dụng công nghệ sạch và các công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Đối với các ngành kinh tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh


Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ xanh, cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho người lao động để thu hẹp khoảng cách về công nghệ, thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững. Thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh, đồng thời tăng cường đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, nhà máy năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hệ thống quản lí chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị. Tích cực tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho các sáng kiến tăng trưởng xanh, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và trao đổi các kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tại các trường đại học đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ công nghệ theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, thông minh, nghiên cứu quy trình tái chế hoặc xử lí rác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế vì mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bởi vì nền kinh tế xanh có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường và sự phát triển bền vững. Việc tham gia các thỏa thuận môi trường quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đáp ứng với thách thức môi trường toàn toàn cầu. Hợp tác quốc tế là cơ hội thuận lợi để tham khảo kinh nghiệm của các nước đã thành công trong mô hình phát triển nền kinh tế xanh và vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội để vận động các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Đối với cộng đồng

Tăng cường, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các chiến dịch giáo dục về năng lượng sạch, phân loại rác, giảm thiểu chất thải và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua các dự án như thích ứng dựa vào cộng đồng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức của các chủ thể về phát triển nền kinh tế xanh, đặc biệt là chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua các phương tiện thông tin truyền thông, các kiến thức về phát triển kinh tế xanh nên được thường xuyên cập nhật phổ biến, đặc biệt trong hệ thống giáo dục từ cấp học phổ thông đến cao đẳng, đại học. Những kiến thức hiểu biết về nền kinh tế xanh sẽ tác động và dần thay đổi thói quen, hành vi sản xuất, tiêu dùng của các chủ thể.

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT ngày 01/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.

2. Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (2018), Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023), Ngân hàng với tăng trưởng xanh, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, trang 25.

4. Sáng kiến phát triển mở Việt Nam (2024): Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/green-growth-in-vietnam

5. Nguyễn Hoàng Nam (2020), Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

6. Liên hợp quốc (2011), Hướng tới một nền kinh tế xanh: Con đường dẫn đến phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.

7. Khúc Thế Anh (2024), Cơ sở hạ tầng phục vụ cho tài chính xanh, tín dụng xanh trong các ngân hàng tại Việt Nam; https://tapchinganhang.gov.vn/co-so-ha-tang-phuc-vu-cho-tai-chinh-xanh-tin-dung-xanh-trong-cac-ngan-hang-tai-viet-nam.htm

8. Trịnh Thị Tuyết Mai (2022), Một số vấn đề về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

9. Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023.

10. Nguyễn Xuân Thành (2023), Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn, https://diendankinhte.quochoi.vn/tham-luan2/chuyen-doi-xanh-va-thach-thuc-tang-truong-kinh-te-trung-han.html


ThS. Lương Hoàng Phương Thảo

Trường Đại học Phenikaa

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quản lý xã hội luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhà nước nào cũng phải quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách hiệu quả. Bởi lẽ, có quản lý tốt xã hội thì nhà nước mới vận hành, phát triển một cách trật tự, ổn định và bền vững, giúp cho đất nước phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, từ đó mới nâng cao được chất lượng đời sống của Nhân dân trên các mặt, các lĩnh vực. Theo Hồ Chí Minh, để quản lý xã hội - xã hội mới, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau; tính chất quản lý phải toàn diện, rộng khắp trên tất cả các mặt của xã hội; yêu cầu quản lý thật chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng; cách thức quản lý phải đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và  quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, tinh giản biên chế trở thành một nhiệm vụ chính trị mang tính cấp thiết; cần phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành sáng tạo của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để mang lại hiệu quả thiết thực.
Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là một trong những quyền quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng huyền thoại với những dấu ấn chiến công lừng lẫy gắn liền với phong trào Đồng Khởi, với “Đội quân tóc dài”, với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, vị thuyền trưởng chỉ huy tàu “không số” đầu tiên chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc…, tên tuổi và sự nghiệp của bà luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế và tài chính, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông ngân hàng trung ương (NHTW). Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin của công chúng, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp ngân hàng tránh tình trạng mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá sản hoặc tổn thất lớn. Ngoài ra, quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản còn đóng vai trò hỗ trợ ngân hàng tuân thủ các chỉ số thanh khoản như: Tỉ lệ bao phủ thanh khoản, tỉ lệ nguồn vốn ổn định ròng... giúp ngân hàng hoạt động an toàn và bền vững.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Chính sách tiền tệ đòi hỏi sự linh hoạt và sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, tương tự như nghệ thuật chiến tranh được mô tả trong chuyên luận nổi tiếng của Tôn Tử. Các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể học được điều gì đó từ một chiến lược gia người Trung Quốc sống cách đây hơn 2.500 năm. Bài viết giới thiệu sáu nguyên tắc chiến lược được vận dụng tư tưởng của Tôn Tử dành cho các NHTW, được đề xuất bởi Giáo sư Kristin Forbes - Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhằm qua đó, giúp họ quản lý hiệu quả các khủng hoảng và duy trì sự ổn định kinh tế.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc