Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra

Nghiên cứu - Trao đổi
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
aa

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đối với ngành nông nghiệp trong 10 năm gần đây ở Việt Nam. Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp cũng như yêu cầu về mở rộng quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng từ nay đến năm 2030.

Từ khóa: Dư nợ, nông nghiệp, tăng trưởng, tín dụng.

THE CREDIT GROWTH IN THE AGRICULTURE INDUSTRY AND ISSUES EMERGE

Abstract: The article evaluates the banking system’s lending activities for the agriculture industry in 10 years in Vietnam. By analyzing the scale and the outstanding credit fluctuation for agriculture in the period 2014 - 2023, the article points out the positive results and some limitations in the banking system’s credit growth for the important agriculture industry. On that basis, the authors propose recommendations to further promote the outstanding credit growth in the coming time aimed at meeting the demand for agriculture production capital as well as the requirement for widening the banking system credit scale by 2030.

Keywords: Outstanding credit, agriculture, growth, credit.

1. Giới thiệu

Việt Nam là một nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời và cho đến hiện tại, nông nghiệp (bao gồm cả lĩnh vực lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản) vẫn là ngành có nhiều đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Thống kê trong 10 năm trở lại đây (từ năm 2014 đến năm 2023) cho thấy, ngành nông nghiệp thường chiếm khoảng 12 - 14% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và khoảng 2,5 - 4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính chung trong cả giai đoạn 2014 - 2023, tỉ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP và kim ngạch xuất khẩu của cả nước lần lượt là 12,73% và 3,35%. Mức độ đóng góp cụ thể từng năm của ngành nông nghiệp được thể hiện chi tiết tại Hình 1.

Hình 1: Đóng góp của nông nghiệp vào GDP và kim ngạch xuất khẩu

giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê


Trong nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là đối tượng được Nhà nước và ngành Ngân hàng quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong ngành nông nghiệp sử dụng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kết quả của chính sách ưu tiên này là đã có hàng triệu khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp được hệ thống ngân hàng cho vay một lượng vốn tín dụng lên đến hàng triệu tỉ đồng và dư nợ tín dụng đối với ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên mỗi năm.

Với dư nợ tín dụng thường xuyên được mở rộng, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh dư nợ liên tục gia tăng, kết quả cho vay của hệ thống ngân hàng đối với ngành nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định như tốc độ tăng trưởng hay tỉ trọng dư nợ... Chính vì vậy, việc xem xét một cách toàn diện quy mô tín dụng nông nghiệp là rất cần thiết nhằm xác định phương hướng điều hành hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu mở rộng hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả - như mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Thực trạng tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp thời gian qua

2.1. Một số chính sách cơ bản thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp

Ở Việt Nam, việc cung ứng vốn tín dụng đối với ngành nông nghiệp đã được hệ thống ngân hàng thực hiện từ rất lâu, tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chính sách tín dụng đối với ngành nông nghiệp đã thực sự nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể là việc Chính phủ thường xuyên ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay cũng như các biện pháp hỗ trợ tài chính khác đối với nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là các văn bản quan trọng như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn); Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp...

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, tùy theo tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế từng năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành Ngân hàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ vốn tín dụng đối với ngành nông nghiệp như: Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp (ưu tiên các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu); Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, trong đó giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành ít nhất 100.000 tỉ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản (theo Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ), trong đó giao NHNN nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023...

Căn cứ các chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định hoặc hướng dẫn triển khai hoạt động cho vay đối với ngành nông nghiệp, như: Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ; Quyết định số 2662/QĐ-NHNN ngày 16/12/2014 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 1050/QĐ-NHNN; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 04/4/2017 về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 về việc triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, trong đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành khoảng 15.000 tỉ đồng để cho vay đối với các khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gấp 1,5 lần quy mô gói tín dụng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo)... Ngoài ra, tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc, NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam (VND) nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn, trong đó có nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. (Hình 2)

Hình 2: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND

đối với lĩnh vực nông nghiệp do NHNN quy định những năm gần đây

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê và NHNN


2.2. Tình hình tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023

Căn cứ các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp do Chính phủ và NHNN ban hành, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, vì thế, dư nợ tín dụng đối với ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên mỗi năm. Thống kê cho thấy, thời điểm cuối năm 2013, dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 366,1 nghìn tỉ đồng; đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng nông nghiệp tăng gấp 2,6 lần, đạt 952,4 nghìn tỉ đồng. Diễn biến dư nợ và tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp từng năm giai đoạn 2014 - 2023 được thể hiện tại Hình 3.

Hình 3: Tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: NHNN


Trong những năm qua, dư nợ tín dụng nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ rất đáng khích lệ. Tính bình quân trong giai đoạn 2014 - 2023, mỗi năm, dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp tăng trưởng 10,03%, trong đó, một số năm có dư nợ tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn, như năm 2015 (cao hơn 8,97 điểm phần trăm), năm 2016 (cao hơn 9,34 điểm phần trăm)... Đồng thời, so với tốc độ tăng trưởng dư nợ đối với một số ngành, nhóm ngành khác trong nền kinh tế như công nghiệp, vận tải và viễn thông, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023 rất đáng ghi nhận. Tính bình quân, trong giai đoạn 2014 - 2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành công nghiệp đạt 9,34%/năm, nhóm ngành vận tải và viễn thông đạt 9,62%/năm, lần lượt thấp hơn 0,69 điểm phần trăm và 0,41 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp. (Hình 4 và Hình 7)

Hình 4: Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với một số ngành

giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN

Nếu so với tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp thì tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với ngành này thời gian qua có sự chênh lệch tương đối lớn. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP ngành nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 3,14%/năm; nếu tính theo giá hiện hành, tốc độ tăng trưởng đạt 6,03%/năm. Điều đó có nghĩa dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng vào ngành nông nghiệp đã tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong cùng thời kỳ. Chênh lệch về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng và giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp qua từng năm được thể hiện tại Hình 5.

Hình 5: Tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP nông nghiệp

giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và NHNN


Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng đáng ghi nhận nói trên, tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp một số năm gần đây có dấu hiệu chậm lại. Kết quả tính toán từ số liệu thống kê do NHNN công bố cho thấy, giai đoạn 2014 - 2017, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp bình quân đạt 15,23%/năm; giai đoạn 2018 - 2023 (trong đó có hai năm 2020 và năm 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19), tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,7%/năm. So với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng đối với ngành nông nghiệp giảm trong giai đoạn này. (Hình 6)

Hình 6: Diễn biến tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng

đối với nền kinh tế và một số ngành khác giai đoạn tính từ đầu năm 2014

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của NHNN


Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đối với ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2023 cũng thấp hơn một số ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Tính toán từ số liệu thống kê của NHNN cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của dư nợ cho vay đối với nông nghiệp chỉ cao hơn chưa đầy 1 điểm phần trăm so với tốc độ tương ứng của dư nợ đối với ngành công nghiệp hoặc nhóm ngành vận tải và viễn thông, trong khi lại thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ đối với thương mại hoặc các hoạt động dịch vụ khác, với mức chênh lệch tăng trưởng bình quân lần lượt là 7,73 điểm phần trăm và 8,30 điểm phần trăm. Nếu so với tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng đối với ngành xây dựng thì tốc độ tăng trưởng tương ứng của dư nợ tín dụng nông nghiệp thấp hơn 2,32 điểm phần trăm; còn nếu so với tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế thì khoảng chênh lệch này là 4,55 điểm phần trăm. (Hình 7)

Hình 7: Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân theo ngành

giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN


Theo thống kê của NHNN, trong giai đoạn 2014 - 2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thêm gần 10,1 triệu tỉ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp tăng thêm 586,3 nghìn tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,81%. Mức độ đóng góp của hoạt động tín dụng đối với ngành nông nghiệp vào dư nợ tín dụng tăng thêm từng năm của nền kinh tế được thể hiện cụ thể tại Hình 8.

Hình 8: Đóng góp của ngành nông nghiệp

vào tổng dư nợ tín dụng tăng thêm giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN


Số liệu tại Hình 8 cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2023, dư nợ tín dụng tăng thêm đối với nông nghiệp đóng góp trên 10% vào dư nợ tín dụng tăng thêm đối với nền kinh tế chỉ bao gồm năm 2015 và năm 2016; các năm còn lại, ngành nông nghiệp đóng góp gần 10% trong tổng dư nợ tín dụng tăng thêm của hệ thống ngân hàng, trong đó phổ biến là đóng góp dưới 6%. Năm 2023, tỉ lệ đóng góp của hoạt động tín dụng đối với ngành nông nghiệp vào dư nợ tăng thêm của nền kinh tế là 3,78%.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 12,73% GDP (tính theo giá hiện hành); dư nợ tín dụng bình quân đối với ngành nông nghiệp chiếm 8,56% tổng dư nợ bình quân của hệ thống ngân hàng. Ngành xây dựng đóng góp 5,84% vào GDP giai đoạn 2014 - 2023, thấp hơn 6,89 điểm phần trăm so với ngành nông nghiệp, tuy nhiên, dư nợ tín dụng bình quân của ngành xây dựng chiếm đến 9,12% tổng dư nợ tín dụng bình quân của nền kinh tế, cao hơn ngành nông nghiệp 0,56 điểm phần trăm. Mức độ đóng góp vào GDP và quy mô dư nợ tín dụng nền kinh tế của ngành nông nghiệp và ngành xây dựng trong từng năm được thể hiện tại Hình 9.

Hình 9: Đóng góp của ngành nông nghiệp và ngành xây dựng

vào GDP và dư nợ tín dụng nền kinh tế giai đoạn 2014 - 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN


Đánh giá một cách khái quát, trong 10 năm qua, dư nợ tín dụng nông nghiệp không ngừng tăng lên từng năm; kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp qua các năm, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và nâng cao vị thế trên trường thế giới.

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển hơn nữa, việc mở rộng quy mô cho vay đối với ngành kinh tế này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như ngành nông nghiệp nhìn chung vẫn phụ thuộc nhiều vào quy mô vốn đầu tư, trong đó vốn vay từ các tổ chức tín dụng là một bộ phận hết sức quan trọng.

3. Một số vấn đề đặt ra trong tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp thời gian tới

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những mục tiêu được đặt ra đối với nông nghiệp là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đến năm 2030 đạt bình quân khoảng 3%/năm. Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân toàn nền kinh tế đến năm 2030 được xác định là khoảng 7%/năm. Với quy mô nền kinh tế và ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) lần lượt là hơn 5 triệu tỉ đồng và gần 566 nghìn tỉ đồng, nếu thực hiện thành công các mục tiêu được đặt ra ở trên, thì tỉ trọng GDP ngành nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta ước tính đến năm 2030 là 7,72% và trong cả giai đoạn 2021 - 2030 là 9,03%. Kết quả ước tính quy mô GDP ngành nông nghiệp và toàn nền kinh tế từng năm (bao gồm các năm 2021 - 2023) được thể hiện tại

Hình 10.

Hình 10: Ước tính GDP ngành nông nghiệp và nền kinh tế

giai đoạn 2021 - 2030

Nguồn: Tính toán của tác giả


Với dư nợ tín dụng đạt được đến hết năm 2023, giả sử trong giai đoạn 2024 - 2030, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ bình quân của giai đoạn 2014 - 2023 (lần lượt là 14,58%/năm và 10,03%/năm) thì đến cuối năm 2030, tỉ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là 5,29% và tính chung giai đoạn 2021 - 2030, tỉ trọng này là 6,23%. Số liệu về dư nợ và tỉ trọng dư nợ ước tính của ngành nông nghiệp từng năm được thể hiện tại Hình 11.

Hình 11: Ước tính quy mô dư nợ tín dụng

ngành nông nghiệp và nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2030

Nguồn: Thống kê của NHNN và tính toán của tác giả


Số liệu tại Hình 10 và Hình 11 cho thấy, với các mục tiêu và giả định được đưa ra, nếu tính riêng năm 2030 hay tính chung cho cả giai đoạn 2021 - 2030, thì tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với ngành nông nghiệp trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước tính đều thấp hơn so với tỉ lệ đóng góp của GDP ngành này trong GDP toàn nền kinh tế, với khoảng cách chênh lệch là 2,43 điểm phần trăm (tính riêng cho năm 2030) hoặc 2,8 điểm phần trăm (tính chung cho cả giai đoạn 2021 - 2030). Trường hợp ước tính dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và ngành nông nghiệp trong thời gian tới theo tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 2018 - 2023 thì khoảng cách chênh lệch này sẽ lớn hơn bởi kết quả tính toán từ số liệu thống kê của NHNN cho thấy, càng đến những giai đoạn gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế càng có xu hướng vượt xa hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ đối với ngành nông nghiệp. (Hình 12)

Hình 12: Tốc độ tăng trưởng bình quân và tỉ trọng dư nợ tín dụng bình quân
của ngành nông nghiệp trong các giai đoạn tính đến cuối năm 2023

Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN


Với những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, việc xem xét đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành nông nghiệp hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ được Tổng cục Thống kê thực hiện gần nhất (năm 2020) cho thấy, trong số hơn 9,1 triệu đơn vị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, bộ phận chủ yếu vẫn là các hộ sản xuất, phần còn lại bao gồm 7.418 hợp tác xã và 7.471 doanh nghiệp, trong đó, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 96%). Với sự hạn chế về năng lực tài chính, khả năng đáp ứng yêu cầu về tài sản bảo đảm tiền vay và trình độ quản lý của đa phần các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, việc mở rộng quy mô cho vay để thực hiện các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đến thời điểm hiện nay vẫn là một thách thức rất lớn đối với các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh đó, để việc mở rộng quy mô cho vay đối với nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu về vốn của ngành nông nghiệp cũng như yêu cầu về tăng trưởng tín dụng mà không đem lại rủi ro cho hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực thật sự am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao chất lượng của công tác thẩm định, quyết định cho vay cũng như hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trong việc hoàn tất các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và hồ sơ vay vốn theo quy định. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng cần áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro có hiệu quả để hạn chế đến mức tối đa tổn thất từ các khoản tín dụng của các khách hàng vay vốn trong ngành nông nghiệp.

Bên cạnh nỗ lực của hệ thống ngân hàng, để hoạt động cho vay đối với ngành nông nghiệp mang lại kết quả, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng của phương án sản xuất, kinh doanh, đề nghị vay vốn và thực hiện đúng các cam kết tại hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký kết với tổ chức tín dụng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần xúc tiến mở rộng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là kiến thức về quản lý tài chính và lập kế hoạch kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng vốn vay cũng như khách hàng vay vốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

3. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. NHNN (2023), Thống kê dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, truy cập ngày 18/8/2024 tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/dntddvnkt

5. Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

6. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

7. Tổng cục Thống kê (2015 - 2023), Niên giám Thống kê 2014 - 2023, Nxb. Thống kê.

8. Tổng cục Thống kê (2020), Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, Nxb. Thống kê.

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp (Ngân hàng Phát triển Việt Nam)

TS. Vũ Thị Tâm Thu (Kho bạc Nhà nước Hà Nội)

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quản lý xã hội luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhà nước nào cũng phải quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách hiệu quả. Bởi lẽ, có quản lý tốt xã hội thì nhà nước mới vận hành, phát triển một cách trật tự, ổn định và bền vững, giúp cho đất nước phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, từ đó mới nâng cao được chất lượng đời sống của Nhân dân trên các mặt, các lĩnh vực. Theo Hồ Chí Minh, để quản lý xã hội - xã hội mới, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau; tính chất quản lý phải toàn diện, rộng khắp trên tất cả các mặt của xã hội; yêu cầu quản lý thật chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng; cách thức quản lý phải đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và  quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, tinh giản biên chế trở thành một nhiệm vụ chính trị mang tính cấp thiết; cần phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành sáng tạo của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để mang lại hiệu quả thiết thực.
Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là một trong những quyền quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng huyền thoại với những dấu ấn chiến công lừng lẫy gắn liền với phong trào Đồng Khởi, với “Đội quân tóc dài”, với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, vị thuyền trưởng chỉ huy tàu “không số” đầu tiên chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc…, tên tuổi và sự nghiệp của bà luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế và tài chính, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông ngân hàng trung ương (NHTW). Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin của công chúng, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp ngân hàng tránh tình trạng mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá sản hoặc tổn thất lớn. Ngoài ra, quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản còn đóng vai trò hỗ trợ ngân hàng tuân thủ các chỉ số thanh khoản như: Tỉ lệ bao phủ thanh khoản, tỉ lệ nguồn vốn ổn định ròng... giúp ngân hàng hoạt động an toàn và bền vững.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Chính sách tiền tệ đòi hỏi sự linh hoạt và sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, tương tự như nghệ thuật chiến tranh được mô tả trong chuyên luận nổi tiếng của Tôn Tử. Các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể học được điều gì đó từ một chiến lược gia người Trung Quốc sống cách đây hơn 2.500 năm. Bài viết giới thiệu sáu nguyên tắc chiến lược được vận dụng tư tưởng của Tôn Tử dành cho các NHTW, được đề xuất bởi Giáo sư Kristin Forbes - Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhằm qua đó, giúp họ quản lý hiệu quả các khủng hoảng và duy trì sự ổn định kinh tế.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc