
Chuẩn hóa chi trả bảo hiểm tiền gửi tiên tiến, thúc đẩy bảo vệ kịp thời và đầy đủ hơn quyền lợi của người gửi tiền
Vai trò quan trọng của công cụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có thể được tóm tắt ở ba nội dung (1) bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền
Vai trò quan trọng của công cụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có thể được tóm tắt ở ba nội dung (1) bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, (2) góp phần kiểm soát rủi ro hoạt động ngân hàng, và (3) thúc đẩy huy động tối đa nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế. Đối với người gửi tiền, chi trả bảo hiểm tiền gửi là cách thức cho thấy mức độ bảo vệ trực tiếp và có tác động tức thì đối với tâm lý người gửi tiền khi ngân hàng có khó khăn và chấm dứt hoạt động. Nội dung chi trả BHTG được hoạch định bao gồm các khía cạnh: qui mô hạn mức chi trả, tính kịp thời và tiện lợi, cơ chế điều chỉnh hạn mức chi trả, và nguồn quĩ cho chi trả BHTG.
Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi
Hạn mức chi trả BHTG được hiểu là giới hạn tối đa cho phép chi trả bảo hiểm cho tiền gửi khi ngân hàng nhận tiền gửi của họ đặt vào tình huống sự kiện BHTG. Qui mô tiền chi trả bảo hiểm càng cao, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ càng cao và ngược lại. Mặc dầu vậy, mức độ chi trả tiền bảo hiểm có mối liên hệ trực tiếp với khả năng phát sinh rủi ro, đặc biệt là loại rủi ro có tên gọi “rủi ro đạo đức” (tham khảo Hình 1).
Có hai hình thức chi trả BHTG được áp dụng ở các hệ thống BHTG trên thế giới:
- Chi trả toàn bộ số tiền gửi (cùng lãi) thuộc đối tượng được bảo hiểm (chi trả không giới hạn);
- Chi trả tới một giới hạn nhất đinh (chi trả có giới hạn). Nếu số dư tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm thấp hơn hoặc bằng giới hạn đó thì người gửi tiền sẽ được hoàn trả toàn bộ tiền gửi của họ (bao gồm cả tiền lãi cộng dồn). Nếu số dư tiền gửi (tính cả lãi) lớn hơn hạn mức chi trả BHTG thì người gửi tiền chỉ được nhận khoản tiền bồi thường từ tổ chức BHTG bằng hạn mức chi trả BHTG mà thôi.
Chi trả có giới hạn là phổ biến do có nhiều ưu việt so với chi trả không giới hạn, đặc biệt là ưu việt về khả năng giảm thiểu rủi ro đạo đức, tăng kỷ cương thị trường. Tính đến tháng 7 năm 2001, trong số 73 hệ thống BHTG trên thế giới chỉ còn hệ thống BHTG ở Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết chi trả BHTG không giới hạn [Kunt and Sobaci, 2000, tr36].
Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được xác định theo hai phương thức: phương thức xác định theo người gửi tiền tại một tổ chức nhận tiền gửi và phương thức xác định theo tài khoản. Do tính ưu việt và tác dụng kiểm soát rủi ro trong thực thi công cụ BHTG, phương thức xác định hạn mức chi trả theo người gửi tiền được lựa chọn phổ biến. Trong tình huống xẩy ra khủng hoảng, niềm tin của công chúng đối với hoạt động ngân hàng quốc gia giảm sút nghiêm trọng, điều chỉnh hạn mức chi trả tăng tới mức không giới hạn có thể được áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định. Thời gian duy trì hạn mức chi trả ở mức cao hoặc không giới hạn tùy thuộc vào mức độ tiến triển và khắc phục khó khăn của hệ thống ngân hàng. Lưu ý việc áp dụng hạn mức chi trả cao hơn mức hợp lý cho phép sẽ phát sinh rủi ro chấp nhận rủi ro cao trong hoạt động ngân hàng. Hậu quả của trạng thái này có thể dẫn tới số lượng ngân hàng đóng cửa tăng (tham chiếu hình 2 và 3).
Cách thức chi trả bảo hiểm tiền gửi
Tổ chức BHTG cần dàn xếp để có thể thực hiện chi trả tiện lợi nhất cho người gửi tiền, trong thời gian nhanh nhất có thể và đảm bảo tính chính xác cao. Thủ tục chi trả cần có sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ, đối chiếu thông tin định danh người gửi tiền, số tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm và tiền lãi dồn tích. Song hành với bố trí chi trả BHTG, khích lệ sự tham gia của các ngân hàng trong khu vực trong cùng địa bàn tổ chức huy động tiền gửi được chi trả, góp phần tăng tính ổn định hoạt động ngân hàng tại địa bàn có xẩy ra sự kiện chi trả BHTG. Kinh nghiệm của BHTG Nhật Bản cho thấy, khi có ngân hàng gặp khó khăn tới mức phát sinh sự kiện chi trả BHTG, ngân hàng đó ngay lập tức chuyển tới cơ quan BHTG file số liệu về người gửi tiền và qui mô tiền gửi thuộc đối tượng chi trả BHTG. Việc đối chiếu xác minh tính chính xác của số liệu cần chi trả được thực hiện khẩn trương và phương án chi trả, bao gồm nguồn tiền chi trả, hình thức chi trả và thời điểm bắt đầu chi trả được triển khai và thực thi.
Xử lý đối với tiền gửi trên mức chi trả
Người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ ngoài việc được nhận số tiền bảo hiểm theo hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền vượt quá hạn mức sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD) bị phá sản. Thông thường, khi tòa án tuyên bố một ngân hàng bị phá sản sẽ giao cho một cơ quan tiếp quản ngân hàng đổ vỡ và cơ quan đó sẽ bán nợ, thanh lý tài sản để trả lệ phí cho họ, trả phí cho luật sư, thuế, phần còn lại trả cho khách hàng. Ví dụ, tại Đài Loan, tổ chức BHTG Đài Loan (CDIC) được chỉ định là cơ quan tiếp nhận các tổ chức tham gia BHTG ngay từ khi đóng cửa. Để đáp ứng các nhu cầu thanh khoản của các chủ nợ của tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa, Luật CDIC quy định, CDIC có thể chi trả trước cho các yêu cầu thanh toán của người gửi tiền vượt quá hạn mức bảo hiểm tối đa và của các chủ nợ không phải người gửi tiền trên cơ sở tỷ lệ hoàn trả đã được dự tính từ việc đánh giá giá trị các tài sản của tổ chức bị đóng cửa, mà không làm tăng chi phí do CDIC thực hiện trách nhiệm bảo hiểm theo khoản 1 Điều 28 Luật DCIC. Số tiền thanh toán trước nói trên sẽ được tính từng khoản một trên cơ sở lệnh thu hồi các khoản chi trả trước, và được khấu trừ trước từ số thu từ thanh lý và trả lại cho CDIC. Quy định về tính toán và tiến hành việc chi trả trước đối với người gửi tiền vượt trên hạn mức bảo hiểm tối đa và các chủ nợ không phải người gửi tiền trên cơ sở tỉ lệ hoàn trả đã được dự báo trước sẽ được CDIC xây dựng và đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn (CDIC, 2010).
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định số tiền gửi của người được BHTG bao gồm cả gốc và lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản trong phá sản TCTD thực hiện theo trật tự như sau: Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức BHTG phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản theo quy định của pháp luật về BHTG và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; và khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ nêu trên, các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Như vậy, khoản tiền gửi không thuộc đối tượng được BHTG và số tiền gửi vượt hạn mức chi trả tại TCTD phá sản sẽ được ưu tiên chi trả trước các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Hàm ý chính sách
Xây dựng cơ chế điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG kịp thời: xác định tình huống điều chỉnh, mức độ điều chỉnh, đối tượng (cá nhân và tổ chức) có trách nhiệm quyết định điều chỉnh kịp thời.
Tổ chức dàn xếp chi trả BHTG kịp thời, thuận tiện và chính xác. Tính kịp thời, thuận tiện và chính xác trong chi trả BHTG có vài trò đặc biệt quan trọng. Sự lo lắng, bức xúc và mất niềm tin của người gửi tiền sẽ được giảm bớt và được kiểm soát tỷ lệ thuận với mức độ kịp thời, thuận tiện và chính xác của việc chi trả BHTG. Kinh nghiệm thành công của tổ chức BHTG Mỹ cho thấy, đối với ngân hàng gặp khó khăn, không tiếp tục duy trì hoạt động và chọn phương án đóng cửa ngân hàng, thu xếp tuyên bố thời điểm đóng cửa gắn liền với sắp xếp chi trả tiện lợi, kịp thời có ý nghĩa lớn trong ổn định tâm lý người gửi tiền và giảm ảnh hưởng bất lợi trong giải quyết đóng cửa ngân hàng. Trong tình huống như vậy, ngân hàng được tổ chức BHTG tiếp cận tức thì về hệ thống thông tin khách hàng gửi tiền, qui mô tiền gửi cần chi trả. Ngân hàng sẽ được dàn xếp tuyên bố chấm dứt hoạt động vào chiều ngày thứ 6 của tuần làm việc và việc chi trả BHTG sẽ được thực hiện vào ngày thứ 2 của tuần làm việc kế tiếp. Với dàn xếp như vậy, gián đoạn đối với người gửi tiền về giao dịch tiếp cận tiền gửi của họ được giảm tối đa có thể.
Tích tụ tài chính để đáp ứng chi trả BHTG đầy đủ và kịp thời là nội dung cần được quan tâm. Cơ chế BHTG được đánh giá hiệu quả và thành công khi đạt được trạng thái khó khăn ngân hàng đơn lẻ và hệ thống sẽ được giải quyết bằng chính nguồn lực tài chính tích tụ từ cộng đồng ngân hàng quốc gia. Cơ chế BHTG được kỳ vọng tích tụ tài chính cho bảo vệ người gửi tiền, chấm dứt tình trạng sử dụng tiền thuế của người dân để giải quyết khó khăn ngân hàng. Trong tình huống khó khăn ngân hàng diễn ra ở diện rộng, khả năng bảo vệ người gửi tiền không thể được đáp ứng đầy đủ bằng nguồn tài chính tích tụ, tổ chức BHTG được sử dụng cơ chế cho phép vay trong và ngoài quốc gia. Mặc dầu vậy, trong quá trình củng cố ngân hàng tiếp theo, tổ chức BHTG có trách nhiệm huy động từ phí BHTG và có cơ chế thu hồi từ đối tượng gây ra rủi ro ngân hàng để trả nợ vay và tiếp tục tích tụ tài chính. BHTG Nhật Bản những năm gần đây rất thành công trong truy thu trách nhiệm tài chính từ rủi ro ngân hàng gây nên sự kiện chi trả BHTG.
Tài liệu tham khảo:
Federal Deposit Insurance Corporation (1998), A Brief History of Deposit Insurance in the United States
Kunt D. A. and Sobaci T. (2000), Deposit Insurance around the World: A Data Base, The Word Bank
Luật BHTG Đài Loan, năm 2010
Luật BHTG số 06/2012/QH13
Luật phá sản số 51/2014/QH13
Nguyễn Thị Kim Oanh (2004), Bảo hiểm tiền gửi: Nguyên lý, thực tiễn và định hướng, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Ths. Nguyễn Việt Trung
Nguồn: TCNH số 12-2019
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
