
Báo chí đồng hành cùng ngân hàng trong thời đại công nghệ số
Tóm tắt: Trong kỷ nguyên công nghệ số, cả báo chí và ngân hàng đều phải thay đổi để thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của công nghệ, nhu cầu người dùng và xu hướng toàn cầu hóa. Không chỉ là người đưa tin, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa ngân hàng và khách hàng, giúp truyền tải thông tin chính xác, nâng cao nhận thức tài chính và thúc đẩy niềm tin vào hệ thống tài chính - ngân hàng. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ vai trò của báo chí đối với ngành Ngân hàng trong thời đại công nghệ số, cũng như chỉ ra những khó khăn, thách thức trong vấn đề này và từ đó đề xuất một số kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả.
Từ khóa: Báo chí, công nghệ số, ngân hàng, đồng hành, vai trò, thách thức, kiến nghị.
THE MEDIA ACCOMPANYING BANKS IN THE DIGITAL ERA
Abstract: In the digital era, both the media and the banks must evolve to keep pace with rapid technological advancements, changing user demands, and globalization trends. The media is not only a channel for delivering news but also plays role as a bridge between banks and their customers to convey accurate information, enhance financial literacy and trust in the financial - banking system. This article focuses on analyzing and clarifying the role of the media in the banking industry in the digital era, identifying key challenges, thereby making some recommendations to address these issues and improve effectiveness.
Keywords: Media, digital technology, banking, accompanying, role, challenges, recommendations.
![]() |
Khóa đào tạo chuyên đề: “Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung số” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 11/3 vừa qua đã mở ra những góc nhìn mới về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình sản xuất, sáng tạo nội dung của các cơ quan báo chí, truyền thông (Nguồn ảnh: Thời báo Ngân hàng) |
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ngành Ngân hàng đang đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các nền tảng số đang làm thay đổi sâu sắc mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ, cũng như cách thức tiếp cận khách hàng của các ngân hàng. Trong quá trình chuyển đổi này, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là cầu nối thông tin giữa ngân hàng với công chúng mà còn là một đối tác đồng hành trong việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của các tổ chức tín dụng. Sự đồng hành giữa báo chí và ngân hàng không chỉ thể hiện qua việc đưa tin, phản ánh chính sách, hoạt động kinh doanh mà còn ở khả năng truyền tải thông điệp chiến lược, lan tỏa các sáng kiến chuyển đổi số, cảnh báo rủi ro và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò này, báo chí cũng cần thích nghi với môi trường số, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả với các tổ chức tài chính. Chính vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí và ngân hàng trong thời đại công nghệ số là cần thiết và mang tính thời sự, góp phần tìm ra hướng đi bền vững cho cả hai lĩnh vực trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
2. Vai trò của báo chí đối với ngành Ngân hàng trong thời đại công nghệ số
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã và đang làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các ngân hàng không chỉ chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy mạnh số hóa sản phẩm - dịch vụ mà còn thay đổi cách thức tiếp cận, chăm sóc khách hàng và quản lý thông tin. Trong bối cảnh đó, báo chí với tư cách là một kênh thông tin đại chúng có sức ảnh hưởng sâu rộng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đồng hành cùng ngành Ngân hàng vượt qua những thách thức, tận dụng cơ hội và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Vai trò của báo chí đối với ngành Ngân hàng trong thời đại công nghệ số được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, báo chí là cầu nối thông tin giữa ngân hàng và cộng đồng. Báo chí chính là cầu nối quan trọng giữa các tổ chức tín dụng và công chúng. Trong thời đại số, khi các sản phẩm tài chính ngân hàng ngày càng đa dạng, mang tính công nghệ cao và có sự thay đổi liên tục, người dân rất cần những kênh thông tin chính thống để hiểu và cập nhật kiến thức. Báo chí giúp truyền tải kịp thời các thông tin về chính sách tín dụng, lãi suất, các sản phẩm dịch vụ mới như ngân hàng số, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử (eKYC),... giúp người dân tiếp cận dễ dàng, đúng cách và an toàn. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính mà còn góp phần xây dựng thói quen sử dụng dịch vụ tài chính số một cách văn minh và hiệu quả trong cộng đồng.
Hai là, góp phần củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Niềm tin là yếu tố then chốt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Một biến động nhỏ trong tâm lý khách hàng cũng có thể gây ra tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, thậm chí ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính. Báo chí, với vai trò là kênh truyền thông đại chúng chính thống, có khả năng định hướng dư luận, giải thích chính sách, phản ánh sự thật một cách minh bạch và có trách nhiệm. Trong những thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như xảy ra khủng hoảng tài chính, ngân hàng mất thanh khoản, hoặc xuất hiện thông tin thất thiệt về một ngân hàng cụ thể, báo chí có thể góp phần ổn định tâm lý khách hàng, ngăn chặn tin đồn lan truyền và củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Ngược lại, nếu thông tin được báo chí phản ánh thiếu kiểm chứng hoặc giật gân, sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn thị trường. Do đó, vai trò “gác cổng thông tin” của báo chí càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại số.
Ba là, đồng hành trong truyền thông chiến lược và xây dựng thương hiệu ngân hàng. Trong thời đại mà hình ảnh và thương hiệu ngân hàng được xây dựng không chỉ trên các kênh truyền thông truyền thống mà còn qua mạng xã hội, nền tảng số và công cụ tìm kiếm, báo chí có vai trò đồng hành cùng ngân hàng trong chiến lược truyền thông tổng thể. Không chỉ đưa tin sự kiện, báo chí còn có thể tham gia truyền tải các chiến dịch truyền thông về chuyển đổi số, tài chính xanh, ngân hàng thân thiện với môi trường, ngân hàng số hóa toàn diện, ngân hàng phục vụ cộng đồng,... Nhờ vậy, các ngân hàng có thể mở rộng mức độ nhận diện thương hiệu, tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng như giới trẻ, người tiêu dùng thông minh, người dùng công nghệ,... Báo chí cũng đóng vai trò truyền cảm hứng và lan tỏa các mô hình ngân hàng sáng tạo, hiện đại, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
Bốn là, phát huy vai trò phản biện và giám sát xã hội. Một vai trò không thể thiếu của báo chí là chức năng phản biện và giám sát xã hội đối với hoạt động của ngành Ngân hàng. Trong bối cảnh số hóa, khi một số rủi ro mới nảy sinh như lừa đảo công nghệ cao, mất an toàn thông tin, xâm phạm dữ liệu cá nhân,... thì báo chí chính là lực lượng phát hiện, cảnh báo và thúc đẩy các bên liên quan, đặc biệt là ngân hàng, có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, báo chí cũng giúp phát hiện những sai phạm trong hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu,… từ đó gây sức ép tích cực để các ngân hàng nâng cao tính minh bạch, tuân thủ pháp luật và hoạt động hiệu quả hơn. Như vậy, báo chí không chỉ đồng hành mà còn đóng vai trò thúc đẩy ngành Ngân hàng phát triển lành mạnh và bền vững.
Năm là, thúc đẩy tài chính toàn diện và nâng cao dân trí tài chính. Tài chính toàn diện là một trong những mục tiêu chiến lược của Chính phủ và ngành Ngân hàng trong thời đại số. Báo chí với khả năng phổ cập kiến thức có thể giúp người dân ở mọi vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, tiếp cận thông tin tài chính một cách dễ hiểu, gần gũi và hữu ích. Thông qua các chuyên trang, chuyên đề, talkshow, bài viết chuyên sâu,… báo chí có thể giải thích các khái niệm như tín dụng vi mô, bảo hiểm vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm có kỳ hạn, phòng tránh rủi ro tín dụng,... từ đó góp phần nâng cao dân trí tài chính, giúp người dân tự tin hơn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng và chủ động hơn trong quản lý tài chính cá nhân.
3. Thách thức của báo chí khi đồng hành cùng ngân hàng trong thời đại công nghệ số
Sự phát triển nhanh chóng và sâu rộng của công nghệ số đã làm thay đổi toàn diện cách thức vận hành của nhiều lĩnh vực trong xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí và lĩnh vực ngân hàng. Nếu ngành Ngân hàng đang từng bước chuyển đổi từ mô hình vận hành truyền thống sang mô hình ngân hàng số, thì báo chí cũng buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao, đa dạng và thời gian thực của công chúng. Trong mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và ngân hàng, báo chí có vai trò to lớn trong việc thông tin, tuyên truyền, phản biện và hỗ trợ truyền thông chiến lược cho ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả vai trò đó trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, báo chí phải đối mặt với hàng loạt thách thức sâu sắc, mang tính nội tại cũng như tác động từ môi trường bên ngoài. Cụ thể:
Thứ nhất, đặc thù chuyên môn cao và tính nhạy cảm của lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Lĩnh vực ngân hàng được xem là một trong những lĩnh vực có tính chuyên môn sâu và độ nhạy cảm cao trong nền kinh tế . Các thông tin liên quan đến tín dụng, huy động vốn, lãi suất, thanh khoản, nợ xấu, an toàn hệ thống,... không chỉ mang tính kỹ thuật phức tạp mà còn có mối liên hệ mật thiết với chính sách tiền tệ quốc gia, tình hình kinh tế vĩ mô và tâm lý xã hội. Chính vì vậy, bất kỳ sai sót nào trong việc đưa tin - dù là vô tình hay do thiếu hiểu biết - đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: làm suy giảm niềm tin của công chúng, kích hoạt làn sóng rút tiền hàng loạt, gây mất ổn định hệ thống ngân hàng, thậm chí lan rộng thành khủng hoảng trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít phóng viên, biên tập viên hiện nay chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên sâu về hoạt động ngân hàng hiện đại. Việc thiếu cơ hội tiếp cận hoặc đào tạo bài bản về các nội dung mới như ngân hàng số, ngân hàng mở, ứng dụng công nghệ blockchain, AI, hay quản trị rủi ro trong môi trường chuyển đổi số... khiến cho quá trình tiếp cận và phân tích thông tin còn chưa sâu, truyền đạt thông tin chưa thật chính xác. Chính sự thiếu hụt này tạo ra rào cản lớn đối với việc phản ánh một cách toàn diện và sâu sắc các hoạt động của ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác truyền thông trong lĩnh vực này nhằm bảo đảm vai trò kết nối thông tin đúng đắn giữa ngành Ngân hàng và công chúng.
Thứ hai, áp lực từ tốc độ lan truyền và sự lấn át của thông tin phi chính thống trong kỷ nguyên số. Trong thời đại công nghệ số, tốc độ lan truyền thông tin ngày càng trở nên nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Zalo,... Các chủ đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng - tài chính vốn luôn thu hút sự quan tâm của công chúng, lại càng dễ dàng trở thành tâm điểm chia sẻ, bình luận và bàn tán rộng rãi. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của không gian mạng là sự gia tăng đáng lo ngại của các luồng thông tin không chính thống. Đây là những thông tin chưa được kiểm chứng, mang tính suy đoán chủ quan, hoặc thậm chí là xuyên tạc, giật gân nhằm câu view, câu like. Điều đáng nói là các thông tin sai lệch hoặc gây hoang mang này thường có khả năng lan truyền nhanh và rộng hơn thông tin chính thống. Chúng thường đánh trúng vào tâm lý tò mò, lo sợ hoặc kỳ vọng quá mức của người dân, khiến người tiếp nhận dễ bị cuốn theo và chia sẻ mà không kiểm tra tính xác thực. Trong bối cảnh đó, báo chí phải đối mặt với áp lực rất lớn. Để bảo đảm tính chính xác, khách quan và tuân thủ các quy trình đạo đức nghề nghiệp, thông tin từ báo chí thường cần qua nhiều bước kiểm chứng, biên tập, dẫn đến việc công bố chậm hơn so với luồng tin mạng xã hội. Sự chậm trễ này khiến báo chí gặp khó khăn trong việc bắt nhịp với dòng thông tin đang diễn ra, từ đó làm suy giảm vai trò định hướng dư luận. Nhiều khi, tiếng nói chính thống bị "chìm lấp" trong một biển thông tin hỗn tạp, không còn đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của công chúng. Đây là một thách thức lớn đối với công tác truyền thông về lĩnh vực ngân hàng - tài chính, đòi hỏi báo chí phải có giải pháp linh hoạt, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận, trình bày và phân tích thông tin, đồng thời phải nâng cao khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả trước những diễn biến thông tin trên không gian mạng.
Thứ ba, sức ép từ mô hình truyền thông đa nền tảng và yêu cầu chuyển đổi số báo chí. Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, yêu cầu chuyển đổi từ mô hình báo chí truyền thống sang báo chí đa nền tảng đã trở thành xu thế tất yếu. Các cơ quan báo chí không chỉ dừng lại ở việc xuất bản báo in hay báo điện tử mà còn phải tích hợp và vận hành linh hoạt nhiều loại hình truyền thông như video, infographic, podcast, mạng xã hội, livestream,... nhằm đáp ứng thói quen tiếp nhận thông tin ngày càng đa dạng và nhanh chóng của độc giả. Tuy nhiên, không phải tòa soạn nào cũng đủ tiềm lực để thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện và hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí vẫn vận hành theo phương thức truyền thống, thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, chưa đầu tư đủ vào hạ tầng kỹ thuật số và đặc biệt là chưa xây dựng được chiến lược nội dung phù hợp với môi trường truyền thông số. Điều này không chỉ làm giảm tính cạnh tranh của báo chí mà còn khiến họ bỏ lỡ cơ hội trong việc tiếp cận độc giả mới và giữ chân người dùng trung thành. Thách thức này càng trở nên rõ nét khi xét đến mối quan hệ truyền thông với ngành Ngân hàng - một lĩnh vực đang đi đầu trong chuyển đổi số với tốc độ nhanh và quy mô rộng lớn. Khi báo chí chưa theo kịp về công nghệ, việc đồng hành, phản ánh và truyền tải kịp thời các nội dung chuyên sâu, cập nhật và có tính tương tác cao từ hoạt động ngân hàng trở nên khó khăn. Khoảng cách này khiến sự kết nối giữa hai bên trở nên lỏng lẻo, làm giảm hiệu quả truyền thông trong việc xây dựng niềm tin và hiểu biết đúng đắn cho công chúng về hoạt động ngân hàng hiện đại. Bên cạnh đó, sự chủ động của các ngân hàng trong việc xây dựng và phát triển các kênh truyền thông riêng như website, fanpage, kênh YouTube hay tài khoản mạng xã hội đã và đang định hình lại cách thức truyền tải thông tin đến khách hàng. Trong bối cảnh đó, nếu báo chí không nhanh chóng thích ứng và đổi mới, vai trò trung gian thông tin – vốn từng là thế mạnh của báo chí - sẽ dần bị thu hẹp, thậm chí bị thay thế. Đây là một thách thức lớn cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để báo chí có thể tồn tại, phát triển và tiếp tục giữ vững vị trí là kênh thông tin chính thống, chuyên sâu và đáng tin cậy.
Thứ tư, áp lực thương mại hóa và nguy cơ đánh mất tính khách quan. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và xu hướng tự chủ tài chính trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhiều cơ quan báo chí, hoạt động thương mại hóa báo chí ngày càng gia tăng. Để duy trì hoạt động, không ít tòa soạn buộc phải mở rộng hợp tác truyền thông với các doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng - vốn là nhóm khách hàng lớn, có tiềm lực tài chính và nhu cầu truyền thông cao. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào nguồn thu từ quảng cáo và tài trợ truyền thông đã tạo ra áp lực thương mại đáng kể, làm nảy sinh nguy cơ báo chí đánh mất tính độc lập, khách quan - những giá trị cốt lõi của nghề làm báo. Việc "làm truyền thông thay vì làm báo" như vậy khiến thông tin trở nên một chiều, thiếu chiều sâu và không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Về lâu dài, điều này không chỉ làm suy giảm vai trò giám sát xã hội của báo chí mà còn ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận thông tin chính xác, khách quan của công chúng.
Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút độc giả và tăng tương tác trên môi trường số, nhiều đơn vị truyền thông còn bị chi phối bởi các chỉ số như lượt xem (views), độ tiếp cận (reach), mức độ tương tác (engagement), dẫn đến hiện tượng giật tít câu khách, đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, chạy theo xu hướng giật gân mà xem nhẹ yếu tố chuyên môn, tính xác thực và trách nhiệm xã hội. Những thông tin sai lệch có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư và thị trường tài chính - những hành vi này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin công chúng, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia.
Thứ năm, rủi ro pháp lý và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng - tài chính là một trong những lĩnh vực nhạy cảm và dễ phát sinh rủi ro pháp lý đối với hoạt động báo chí. Chỉ một sai sót trong việc đưa tin - dù là do lựa chọn ngôn ngữ không chính xác, thiếu kiểm chứng thông tin, hay diễn đạt không rõ ràng - cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng, người gửi tiền và cả thị trường tài chính. Pháp luật hiện hành quy định rõ trách nhiệm của báo chí trong việc đưa tin trung thực, khách quan; nếu vi phạm, nhà báo hoặc cơ quan báo chí có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Từ những thách thức mà báo chí đang đối mặt trong quá trình đồng hành với ngành Ngân hàng thời kỳ chuyển đổi số đòi hỏi cần phải thực hiện các giải pháp sau để khắc phục và nâng cao hiệu quả. Cụ thể:
Một là, khắc phục hạn chế về chuyên môn sâu và năng lực tiếp cận thông tin ngân hàng hiện đại. Báo chí cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực tiếp cận thông tin của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cần xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên trách về lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong mỗi cơ quan báo chí. Thay vì giao việc kiêm nhiệm cho phóng viên ở nhiều mảng khác nhau, mỗi tòa soạn nên có ban chuyên mục riêng biệt với phóng viên theo dõi sát sao, liên tục cập nhật tình hình ngành Ngân hàng. Việc chuyên môn hóa này sẽ giúp nâng cao chất lượng đưa tin, đồng thời tạo điều kiện hình thành mạng lưới phóng viên có hiểu biết sâu và có khả năng bình luận, phản biện chuyên nghiệp về các vấn đề tài chính - ngân hàng. Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường kết nối và thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin chính thống giữa các ngân hàng và cơ quan báo chí. Các ngân hàng nên chủ động xây dựng bộ phận quan hệ báo chí chuyên nghiệp, hoạt động như đầu mối hỗ trợ phóng viên tiếp cận thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và đúng định hướng. Việc tạo dựng kênh trao đổi thường xuyên, minh bạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin báo chí, đồng thời hạn chế những hiểu lầm, suy diễn hoặc đưa tin thiếu kiểm chứng. Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp này, báo chí có thể từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng đội ngũ làm báo vững vàng về kiến thức ngân hàng hiện đại, từ đó phản ánh chính xác và hiệu quả hơn các vấn đề của Ngành trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng hiện nay.
Hai là, ứng phó với tốc độ lan truyền thông tin không chính thống và cạnh tranh truyền thông xã hội. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thông tin sai lệch, suy đoán hoặc giật gân về lĩnh vực ngân hàng - tài chính có thể lan truyền nhanh chóng và gây tác động tiêu cực đến tâm lý người dân cũng như sự ổn định của thị trường. Trước thực trạng này, các cơ quan báo chí cần chủ động triển khai các giải pháp kịp thời và linh hoạt để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vai trò định hướng thông tin. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mô hình báo chí đa phương tiện để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn, trực quan và dễ tiếp cận hơn. Các cơ quan báo chí nên tận dụng các công cụ truyền thông hiện đại như infographic, clip ngắn, reels, livestream, podcast hay các định dạng nội dung ngắn gọn, thân thiện với thiết bị di động - nhằm lan tỏa hiệu quả thông tin chính thống đến đông đảo người dùng trên nền tảng số. Điều này không chỉ giúp báo chí bắt nhịp với thói quen tiêu thụ thông tin của người trẻ mà còn tăng khả năng cạnh tranh với các nội dung không chính thống đang lấn át trên mạng xã hội. Đặc biệt, báo chí cần chuyển từ tư duy bị động phản hồi sang chủ động dẫn dắt dư luận. Thay vì chỉ “dập tin đồn”, các cơ quan báo chí nên đầu tư cho các bài viết chuyên sâu, có phân tích rõ ràng về đúng - sai, nguyên nhân và tác động, qua đó giúp công chúng hiểu đúng bản chất sự việc. Sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong cách đưa tin là chìa khóa để báo chí giữ vững vai trò là nguồn thông tin đáng tin cậy và là lực lượng tiên phong trong việc bảo vệ sự ổn định, minh bạch của thị trường tài chính - ngân hàng.
Ba là, giải quyết khó khăn trong chuyển đổi số và vận hành truyền thông đa nền tảng. Trước sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường truyền thông hiện đại và yêu cầu ngày càng cao trong việc phản ánh kịp thời, hấp dẫn các vấn đề của ngành Ngân hàng, các cơ quan báo chí buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển mô hình truyền thông đa nền tảng. Theo đó, cần đầu tư đồng bộ về hạ tầng số và nguồn nhân lực công nghệ; chủ động huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tài trợ hoặc hợp tác công tư - để hiện đại hóa hạ tầng công nghệ. Bao gồm: hệ thống quản trị nội dung (CMS) hiện đại, nền tảng phân tích dữ liệu người dùng (analytics), công cụ tối ưu hóa tìm kiếm (SEO) và giải pháp bảo mật số nhằm bảo đảm an toàn thông tin. Song song đó, cần xây dựng đội ngũ nhân sự có chuyên môn về truyền thông số, bao gồm cả tuyển dụng và đào tạo nội bộ, để vận hành hiệu quả các công cụ và nền tảng kỹ thuật mới. Bên cạnh hạ tầng, mỗi cơ quan báo chí cần xác định rõ chiến lược nội dung số hóa phù hợp với đặc thù từng nền tảng truyền thông. Chẳng hạn, những nội dung chuyên sâu, phân tích chính sách tài chính có thể ưu tiên phát hành trên báo điện tử và website; các clip ngắn, đồ họa sinh động phù hợp với TikTok, Facebook để thu hút giới trẻ; trong khi podcast hoặc chương trình âm thanh dài là lựa chọn lý tưởng cho các nền tảng nghe như Spotify hay Apple Podcasts. Việc "cá nhân hóa" nội dung theo từng nền tảng giúp tối ưu hóa khả năng tiếp cận, giữ chân độc giả và nâng cao hiệu quả truyền thông về lĩnh vực ngân hàng trong kỷ nguyên số. Việc đầu tư đúng hướng và bài bản cho chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để báo chí nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò là cầu nối thông tin uy tín giữa ngành Ngân hàng và công chúng trong thời đại công nghệ số.
Bốn là, kiểm soát áp lực thương mại hóa, bảo đảm tính khách quan và độc lập của thông tin. Trước xu thế thương mại hóa báo chí ngày càng rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí phải tự chủ tài chính, việc hợp tác truyền thông với các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng, đã trở thành hoạt động phổ biến. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, xu hướng này dễ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong đưa tin, làm lu mờ vai trò giám sát, phản biện và khách quan - những giá trị cốt lõi của báo chí. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan báo chí cần thiết lập quy định rõ ràng về việc phân biệt giữa nội dung thông tin và nội dung quảng bá thương mại. Cần tăng cường vai trò kiểm duyệt và giám sát nội dung của Ban biên tập hoặc Hội đồng biên tập, đặc biệt đối với các chuyên mục đòi hỏi nghiệp vụ chuyên sâu. Việc phân cấp rõ ràng nhiệm vụ biên tập, thẩm định thông tin và kiểm soát chất lượng nội dung sẽ giúp tránh tình trạng cá nhân hoặc nhóm lợi ích chi phối thông tin theo hướng thương mại hóa. Ban biên tập cần giữ vai trò như một “bộ lọc” chuẩn mực, bảo đảm mọi thông tin đăng tải đều tuân thủ các nguyên tắc khách quan, công bằng và có giá trị định hướng xã hội. Cơ quan báo chí cũng cần xây dựng và thực thi một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nội bộ dành riêng cho phóng viên phụ trách mảng tài chính - ngân hàng. Quy tắc này nên cụ thể hóa các tình huống có thể phát sinh xung đột lợi ích trong quá trình tác nghiệp, đưa ra hướng dẫn rõ ràng về việc nhận tài trợ, quà tặng, hoặc thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tín dụng. Qua đó, tạo ra hành lang pháp lý - đạo đức để bảo vệ phóng viên khỏi những cám dỗ thương mại, đồng thời bảo đảm tính độc lập, khách quan trong việc đưa tin về lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm này.
Năm là, hạn chế rủi ro pháp lý và nâng cao đạo đức nghề nghiệp báo chí trong lĩnh vực ngân hàng. Để đạt được điều này, các cơ quan báo chí có thể triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: (i) Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề về pháp lý và đạo đức nghề nghiệp báo chí. Nội dung các lớp tập huấn nên bao gồm: Kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đưa tin trong lĩnh vực ngân hàng như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Báo chí, Luật Cạnh tranh, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như các quy định xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật hoặc phát tán tin giả… Qua đó, giúp phóng viên, biên tập viên nhận thức rõ hơn về ranh giới pháp lý trong nghiệp vụ, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và phòng ngừa vi phạm trong quá trình tác nghiệp. (ii) Cần thiết lập bộ phận kiểm định thông tin chuyên trách trong các tòa soạn - đặc biệt đối với các nội dung liên quan đến tài chính - ngân hàng. Bộ phận này có chức năng rà soát nội dung trước khi xuất bản, tập trung vào các yếu tố có nguy cơ pháp lý cao như số liệu tài chính, trích dẫn phát ngôn, thuật ngữ chuyên môn hoặc thông tin nhạy cảm về thị trường. Việc chuẩn hóa nội dung trước khi phát hành không chỉ giúp tránh sai sót mà còn góp phần nâng cao chất lượng thông tin và uy tín của tòa soạn. (iii) Cần xây dựng cơ chế phối hợp xác minh thông tin giữa báo chí và các tổ chức tài chính. Các cơ quan báo chí nên chủ động kết nối và duy trì quan hệ hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại và chuyên gia tài chính - ngân hàng để tham vấn, xác thực thông tin trong các tình huống phức tạp. Việc phối hợp này không chỉ giúp hạn chế rủi ro đưa tin sai mà còn góp phần bảo vệ thị trường khỏi các hiệu ứng tiêu cực do tin đồn hoặc thông tin chưa kiểm chứng gây ra.
5. Kết luận
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, mối quan hệ giữa báo chí và ngành Ngân hàng không chỉ dừng lại ở vai trò truyền tải thông tin đơn thuần mà đã trở thành một mối quan hệ đồng hành chiến lược. Báo chí giữ vai trò cầu nối giữa ngân hàng với công chúng, góp phần lan tỏa các chính sách, sản phẩm dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, định hướng dư luận và củng cố niềm tin xã hội vào hệ thống ngân hàng hiện đại. Đồng thời, báo chí cũng thực hiện chức năng giám sát, phản biện và góp phần thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của hoạt động ngân hàng - một lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò này, báo chí cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức không nhỏ như: Sự phức tạp và nhạy cảm của thông tin ngân hàng, tốc độ lan truyền và sức ảnh hưởng của mạng xã hội, yêu cầu chuyển đổi số nội tại, áp lực thương mại hóa và rủi ro pháp lý, đạo đức nghề nghiệp. Những thách thức này đòi hỏi báo chí cần không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực chuyên môn, ứng dụng công nghệ hiện đại và giữ vững các giá trị nghề nghiệp cốt lõi. Việc báo chí đồng hành hiệu quả cùng ngành Ngân hàng trong thời đại công nghệ số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng thông tin trong xã hội mà còn là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành Ngân hàng thực hiện thành công chiến lược số hóa, phát triển bền vững và phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Trong tương lai, sự gắn kết, hợp tác và phát triển hài hòa giữa báo chí và ngành Ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng để hướng tới một hệ sinh thái tài chính - truyền thông lành mạnh, hiệu quả và thích ứng tốt với mọi biến động của thời đại số.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thị Anh (2023), Thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, truy cập ngày 01/4/2025, https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-tai-viet-nam-106492.htm
2. Lê Dung (2025), Sự kết nối không ngừng trong kỷ nguyên số, Tuổi trẻ Thủ đô, truy cập ngày 01/4/2025, https://tuoitrethudo.vn/su-ket-noi-khong-ngung-trong-ky-nguyen-so-274165.html
3. Nguyễn Vĩnh Hưng (2023), Thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Luật sư.
4. Pace (2025), Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Vai trò, lợi ích & giải pháp, truy cập ngày 01/4/2025, https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep
Tin bài khác


Phát huy sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp phát triển bền vững ngành Ngân hàng

Quản lý kỳ vọng thị trường của Ngân hàng Nhà nước và vai trò của báo chí ngành Ngân hàng

Báo chí - Cầu nối thiết yếu để người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả

Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ít đọc báo chí chuyên ngành trong thời đại công nghệ 4.0

Phản biện xã hội - vai trò và sức mạnh của báo chí

Vai trò truyền thông chính sách về hoạt động ngân hàng đối với đời sống xã hội hiện nay

Tạp chí Ngân hàng phát động Cuộc thi viết Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
