
Những thách thức về biến đổi khí hậu và hàm ý chính sách đối với nợ công
Tóm tắt: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đặt ra thách thức cho các quốc gia trên thế giới. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi đầu tư tài chính đáng kể, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước với khuyến nghị các nước phát triển cần hỗ trợ tài chính cho các nước kém phát triển. Việc xây dựng các chính sách cân bằng giữa các mục tiêu về khí hậu và duy trì tính bền vững của nợ công đặt ra nhiều thách thức. Bài viết này nhằm thảo luận về những hạn chế tài chính cơ bản mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi theo đuổi các mục tiêu này và đưa ra một số hàm ý chính sách.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, tài chính, nợ công.
CLIMATE CHANGE CHALLENGES AND POLICY IMPLICATIONS FOR GOVERNMENT DEBT
Abstract: Climate change is a global issue that presents challenges to countries around the world. Addressing this problem requires significant financial investment, including State budget with some recommendations for developed countries to support under developed countries. Developing policies that balance climate goals with maintaining government debt sustainability poses many challenges. This article focuses on discussing the basic financial constraints that policymakers face when pursuing these goals, thereby, providing some policy implications.
Keywords: Climate change, finance, government debt.
1. Giới thiệu
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đặt ra thách thức cho các quốc gia trên thế giới. Dữ liệu gần đây cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C trong giai đoạn 2011 - 2020 so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900 (UNEP, 2023). Các nhà khoa học dự đoán rằng, nếu mức phát thải hiện tại vẫn tiếp diễn, lượng ngân sách carbon còn lại sẽ cạn kiệt vào năm 2030, khiến việc hành động để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trở nên vô cùng quan trọng vì cả lý do sinh tồn và kinh tế (Bolton và cộng sự, 2022). Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu rất tốn kém, với ước tính từ "3 đến 6 nghìn tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2050" để đạt được các mục tiêu do Thỏa thuận chung Paris đặt ra, cao hơn nhiều so với nguồn tài chính khí hậu toàn cầu hằng năm hiện nay là 630 tỉ USD, chủ yếu được tài trợ bằng nợ (Prasad và cộng sự, 2022). Điều này tạo ra mối liên hệ giữa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nợ, khiến việc thiết kế các chính sách cân bằng giữa hai yếu tố này trở nên cần thiết. Bài viết này nhằm thảo luận một số hạn chế tài chính cơ bản mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để đạt được các mục tiêu của chính sách về biến đổi khí hậu và đưa ra một số hàm ý chính sách.
Điều đáng chú ý là mặc dù phần lớn lượng khí thải carbon dioxide đến từ các nền kinh tế lớn, các quốc gia thu nhập thấp có lượng khí thải thấp hơn vẫn bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu. Trên thực tế, tính đến năm 2020, 4 nền kinh tế lớn gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ chịu trách nhiệm cho 60% lượng khí thải carbon toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tổng lượng khí thải (Bolton và cộng sự, 2022). Ngược lại, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường gánh chịu phần lớn tác động của biến đổi khí hậu, mặc dù ít chịu trách nhiệm hơn trong việc gây ra biến đổi khí hậu. Thiệt hại về chi phí của các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể rất lớn, ngay cả đối với các quốc gia thường được coi là “có khả năng phục hồi tốt hơn” (Vasic-Lalovic, 2023). Do không gian tài chính hạn chế, việc triển khai các chương trình, dự án tập trung vào thích ứng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các nước thu nhập thấp, đang phát triển có thể đầy thách thức.
Theo Prasad và cộng sự (2022), giá năng lượng tăng đột biến có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh và ít carbon ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến chi phí thiết yếu cho quá trình chuyển đổi này tăng đáng kể. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế tiên tiến và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng ở các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi có thể gây ra thách thức đối với việc tài trợ cho các dự án khí hậu. Để đạt được các mục tiêu bền vững về khí hậu, tài khóa và nợ công, các quốc gia cần xây dựng một chiến lược toàn diện kết hợp với các biện pháp tài khóa, tiền tệ và kinh tế vĩ mô, cũng như các chính sách hợp tác quốc tế.
2. Biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan tới tài chính, nợ công
Mức nợ công tăng cao ở nhiều quốc gia đang làm phức tạp thêm những thách thức về khí hậu hiện nay.
Trên toàn cầu, tài chính khí hậu ước tính vào khoảng 630 tỉ USD hằng năm, chiếm khoảng 0,7% GDP thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nguồn tài trợ này chủ yếu đến từ trái phiếu xanh, chỉ chiếm 3 đến 3,5% thị trường trái phiếu toàn cầu (Spinaci, 2022). Trong khi đó, các dự báo cho thấy cần đầu tư từ 1 đến 6 nghìn tỉ USD hằng năm để đạt được mục tiêu 2°C của Thỏa thuận chung Paris và các mục tiêu thích ứng của thỏa thuận này, chiếm 1 đến 7% GDP thế giới cho đến năm 2050 (Belianska và cộng sự, 2022).
Ngoài ra, người ta dự đoán rằng tỉ lệ nợ công toàn cầu sẽ tăng 1 điểm phần trăm hằng năm trong trung hạn, nhanh hơn tốc độ tăng trước đại dịch (IMF, 2023). Sự gia tăng mức nợ công trên toàn thế giới đặt ra những thách thức về tài chính cho các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập thấp, nơi không gian tài chính bị hạn chế. Trên thực tế, trong thập kỷ qua, lượng nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã tăng gần gấp đôi (Vasic-Lalovic, 2023). Do đó, nhiều quốc gia có khả năng phục hồi kém hơn trước biến đổi khí hậu phải đối mặt với quyết định khó khăn giữa việc thực hiện các biện pháp giảm mức nợ công hoặc tăng tài trợ khí hậu cho các dự án thích ứng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường để bảo vệ cuộc sống của hàng triệu cá nhân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Mặc dù nguồn tài trợ từ các nền kinh tế tiên tiến, các nhà tài trợ song phương và đa phương đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng số tiền này vẫn còn thiếu đáng kể so với nhu cầu tài chính để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi sự tham gia của “nguồn tài trợ tư nhân và không ưu đãi” (Prasad và cộng sự, 2022).
Các cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu không những không cung cấp đủ nguồn tài chính mà còn được phân bổ không đồng đều giữa các quốc gia.
Theo Belianska và cộng sự (2022), các quốc gia ở châu Phi cận Sahara (SSA), nơi phát thải ít carbon nhất nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn tài trợ cho các sáng kiến liên quan đến khí hậu thông qua 4 kênh chính: Tài trợ ưu đãi, công cụ nợ có tác động đến khí hậu, các chương trình tín dụng carbon quốc tế và các chương trình bảo hiểm liên quan đến khí hậu. Trong số các kênh này, tài trợ ưu đãi cho hành động ứng phó với khí hậu thường được ưa chuộng do cung cấp các khoản tài trợ và khoản vay ưu đãi. Từ năm 2009 đến năm 2019, các khoản tài trợ chiếm 54,8% tổng nguồn tài trợ cho khí hậu của các quốc gia SSA, trong khi công cụ nợ chiếm 44,7%. Trong danh mục nợ, các khoản vay ưu đãi chiếm 82% tổng số. Đáng chú ý, tỉ lệ tài trợ ưu đãi cho các dự án khí hậu do các nhà tài trợ đa phương cung cấp có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia nhận tài trợ. Ví dụ, trong cùng kỳ, 5 trong số 48 quốc gia1 ở SSA đã nhận được 32% nguồn tài trợ ưu đãi về khí hậu.
Các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết phân bổ 100 tỉ USD hằng năm cho tài chính khí hậu đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển vào năm 2020. Điều này tạo cơ hội cho các quốc gia đó tiếp cận nguồn tài trợ dành cho các biện pháp thích ứng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số thách thức phải được khắc phục. Ví dụ, khung thời gian kéo dài cần thiết để thấy được lợi nhuận từ các dự án liên quan đến khí hậu có thể cản trở nguồn tài trợ ưu đãi do lo ngại về sự không chắc chắn. Ngoài ra, tiêu chí tiếp cận tài chính khí hậu khác nhau rất nhiều giữa các nhà tài trợ và số tiền tài trợ được phê duyệt tương đối hạn chế, với thời hạn giải ngân dài (Belianska và cộng sự, 2022).
Những ràng buộc về tài chính và chính trị ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn giữa cách tiếp cận dựa trên chi tiêu và doanh thu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, 2023) đã xây dựng một số kịch bản cho một nền kinh tế tiên tiến tiêu biểu, liên quan đến sự đánh đổi giữa các lựa chọn khác nhau. Trong kịch bản đầu tiên, quốc gia này chỉ dựa vào cách tiếp cận dựa trên chi tiêu, bao gồm tăng đáng kể đầu tư xanh công và trợ cấp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này đi kèm với chi phí tài chính lớn và có thể dẫn đến tỉ lệ nợ trên GDP tăng khoảng 45%, cũng như chi phí đi vay cao hơn và rủi ro nợ không bền vững cao hơn. Kịch bản thứ hai liên quan đến việc tăng chi tiêu công ở mức vừa phải hơn, khiến tỉ lệ nợ trên GDP tăng không mạnh, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Về phía doanh thu, chỉ áp dụng định giá carbon sẽ đòi hỏi mức giá cao hơn nhiều, khoảng 280 USD/tấn để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 so với mức trung bình hiện tại là 20 USD một tấn ở nhiều quốc gia. Mặc dù điều này có thể làm giảm bớt áp lực tài chính, nhưng có thể không được ủng hộ về mặt chính trị.
Các kịch bản tương tự cũng được IMF (2023) hiệu chỉnh cho các nền kinh tế thị trường mới nổi. Nếu các quốc gia này lựa chọn quá trình chuyển đổi xanh dựa trên chi tiêu, với mức giá trần carbon là 45 USD/tấn trong giai đoạn 20 năm (từ 2030 - 2050), tăng đầu tư công và trợ cấp xanh để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2060, tỉ lệ nợ công trên GDP trung bình của họ được dự đoán sẽ tăng 50 điểm phần trăm. Kịch bản này chỉ ra rằng, các quốc gia này có xu hướng phải đối mặt với chi phí đi vay tăng và mức nợ công của họ có thể trở nên không bền vững. Ngược lại, việc tăng dần chi tiêu công và đầu tư có thể khiến mục tiêu môi trường trở nên khó đạt được.
Những thách thức về tài chính mà các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch gặp phải trong bối cảnh “chuyển đổi năng lượng toàn cầu” là khác nhau (Puyo và cộng sự, 2023). Mặc dù việc giảm phát thải carbon và chuyển sang các công nghệ thân thiện với môi trường là quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng điều này sẽ tác động đến doanh thu của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu năng lượng nhiên liệu hóa thạch giảm sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia này một cách khác nhau, vì một số nước lớn như Mỹ, Canada và Trung Quốc sở hữu nền kinh tế đa dạng, trong khi nhiều nền kinh tế khác phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Á và Trung Đông (IMF, 2023). Doanh thu giảm có thể làm gia tăng áp lực ngân sách đối với các quốc gia này, làm trầm trọng thêm căng thẳng đối với tài chính cho biến đổi khí hậu và có khả năng dẫn đến các thách thức về chính trị. Do đó, việc đạt được sự cân bằng giữa các mục tiêu về khí hậu, tính bền vững của nợ công và tính khả thi về mặt chính trị là một vấn đề phức tạp đối với tất cả các quốc gia.
3. Hàm ý chính sách
Biến đổi khí hậu là vấn đề phức tạp, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện từ tất cả các quốc gia cùng với sự hợp tác toàn cầu để giải quyết cái được gọi là “Bộ ba về biến đổi khí hậu”, bao gồm các mục tiêu về khí hậu, khả năng duy trì nợ và các cân nhắc về chính trị (IMF, 2023). Một số giải pháp cơ bản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế được thảo luận cụ thể như sau:
Chính sách tài khóa nên đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Điều này không nên được coi là chỉ dựa vào các chính sách tài khóa để đạt được các mục tiêu về khí hậu, mà đúng hơn, các chính sách như vậy được coi là thành phần xương sống trong việc phân bổ nguồn lực, kết nối các chính sách và sáng kiến khác. IMF (2023) đã đưa ra một khuôn khổ nhấn mạnh vào các chính sách tài khóa, bao gồm nhiều biện pháp khác nhau từ doanh thu, chi tiêu, tài chính và các khía cạnh cấu trúc.
Đối với nhiều nền kinh tế công nghiệp và tiên tiến lớn đang trải qua tình trạng trì trệ lâu dài, việc mở rộng tài khóa để hành động vì môi trường là một cách giúp các quốc gia này đạt được mục tiêu kép của mình: (1) Tăng cầu để vượt qua tình trạng trì trệ và phục hồi tăng trưởng; (2) Đạt được mục tiêu về khí hậu. Theo Summers (2016), chỉ riêng các chính sách tiền tệ thông thường có thể không đủ để đạt được mục tiêu đầu tiên. Mặc dù đã thực hiện các chính sách nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước công nghiệp phải vật lộn với nhu cầu đầu tư vẫn thấp hơn tiết kiệm, dẫn đến lãi suất tự nhiên thấp2. Tiết kiệm nhiều hơn cùng với việc không có “cơ hội đầu tư mới tốt” khiến tiền tiết kiệm chảy vào các tài sản hiện có, đẩy giá tài sản lên. Obstfeld (2023) lưu ý rằng, trong khi các tín hiệu thị trường cho thấy lãi suất thực dài hạn tăng gần đây, thì các yếu tố cơ bản vốn khó có thể đảo ngược mạnh mẽ đã đẩy lãi suất xuống kể từ những năm 1980 và 1990 có thể làm tăng lãi suất thực toàn cầu trong tương lai gần một cách đáng kể và bền vững. Trong bối cảnh này, việc mở rộng tài khóa có thể thúc đẩy nhu cầu và tăng lãi suất tự nhiên, mang lại hy vọng vượt qua giai đoạn trì trệ kéo dài.
Có nhiều lo ngại rằng việc tăng đầu tư công có thể dẫn đến áp lực nợ công cao hơn. Tuy nhiên, Obstfeld (2023) cũng nhấn mạnh, tăng trưởng gần đây thấp hơn và sự trở lại chậm chạp về mức lãi suất tự nhiên của những thập kỷ trước ở nhiều nước phát triển có thể là một "lợi thế cho không gian chính sách tài khóa". Một mặt, các nước phát triển có thể tăng đầu tư công vào quá trình chuyển đổi xanh với ít hạn chế về tài trợ hơn so với các nước thu nhập thấp và đang phát triển (Bolton và cộng sự, 2022). Mặt khác, những lo ngại về gánh nặng nợ công gia tăng làm nổi bật tầm quan trọng của việc thực hiện kết hợp các chính sách bổ sung. Đối với các thị trường thu nhập thấp và mới nổi có không gian tài khóa hạn chế, chính phủ nên cải thiện hệ thống thuế để tăng cường năng lực tăng thu ngân sách. Ngoài ra, các quốc gia này nên ưu tiên các chính sách tăng trưởng, phát triển để xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng của họ.
Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân là điều quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặc dù tài chính công là nguồn thiết yếu để thúc đẩy nhu cầu và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng riêng nó là không đủ. Để giảm áp lực cho khu vực công, cần thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các công nghệ tái tạo có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo Prasad và cộng sự (2022), tài chính khí hậu của khu vực tư nhân vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong “tổng tài sản được quản lý” toàn cầu. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do sự không chắc chắn về chính sách và công nghệ liên quan đến “quá trình chuyển đổi sang carbon thấp”, có thể gây cản trở đầu tư của khu vực tư nhân. Hơn nữa, việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu liên quan đến việc giải quyết một số thất bại của thị trường, chẳng hạn như hàng hóa công cộng, ảnh hưởng ngoại lai liên quan đến khí hậu và thông tin bất đối xứng. Theo nghĩa đó, khu vực công đóng vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Một cách để thực hiện điều này là đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ tích hợp các công nghệ mới, chẳng hạn như “lưới điện, trạm sạc, giao thông công cộng, băng thông rộng và quy hoạch đô thị”. Ngoài ra, khu vực công có thể áp dụng các chính sách như đánh thuế, trợ cấp… để giảm bớt các hạn chế và thúc đẩy tài chính khí hậu từ khu vực tư nhân.
Việc thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các nỗ lực chuyển đổi xanh có khả năng được đẩy nhanh với sự hỗ trợ từ các chính sách của ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các ngân hàng trung ương có xu hướng mua trái phiếu từ các tổ chức phát hành trái phiếu nâu hoặc chấp nhận chúng làm tài sản thế chấp cho mục đích cho vay (Papoutsi và cộng sự, 2022). Do đó, việc chuyển sang trái phiếu xanh trong thành phần bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương sẽ báo hiệu cho thị trường và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các trái phiếu này (Bolton và cộng sự, 2022). Hơn nữa, các ngân hàng phát triển quốc gia (NDB) và các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tác, mở rộng quy mô tài chính bền vững để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bằng cách tạo điều kiện cho tài chính của khu vực tư nhân cho các dự án liên quan đến khí hậu, họ có thể đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới tương lai ít carbon và chống chịu với khí hậu (Prasad và cộng sự, 2022).
Một khuôn khổ pháp lý toàn diện, hệ thống giám sát là điều cần thiết để củng cố uy tín, sự tăng trưởng trái phiếu xanh của chính phủ và trái phiếu gắn kết bền vững.
Thị trường trái phiếu xanh của chính phủ đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây, mặc dù chỉ chiếm 3 đến 3,5% tổng lượng trái phiếu phát hành (Spinaci, 2022). Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy trái phiếu xanh dễ vỡ nợ hơn trái phiếu truyền thống, nhưng việc thiếu các cơ chế thực thi đáng tin cậy vẫn là mối quan tâm lớn. Bolton và cộng sự (2022) lập luận rằng, khả năng thực thi hạn chế có thể khiến các nhà quản lý tài sản tuyên bố sai sự thật là họ đang đầu tư vào trái phiếu xanh và bên phát hành sử dụng tiền một cách sai trái cho các mục đích không phải xanh. Không giống như trái phiếu xanh truyền thống, “trái phiếu liên kết với tính bền vững” khác biệt ở chỗ các điều khoản của trái phiếu được liên kết với các mục tiêu môi trường cần đạt được thay vì tài trợ cho các dự án cụ thể. Do đó, bên phát hành được khuyến khích đạt các mục tiêu về khí hậu. Tuy nhiên, việc thiếu một hệ thống giám sát toàn diện đã đặt ra một thách thức đáng kể đối với sự phát triển của các trái phiếu này. Một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để thực thi và một hệ thống giám sát thông tin về khí hậu sẽ là cần thiết để phát triển lành mạnh các thị trường trái phiếu xanh cũng như trái phiếu chính phủ liên kết với tính bền vững.
Thiết lập khuôn khổ thể chế cho thị trường tín chỉ carbon.
Theo Bolton và cộng sự (2022), thị trường carbon hoạt động hiệu quả có thể giúp giảm bớt bất bình đẳng tồn tại giữa các nước công nghiệp phát thải lớn và các nước hấp thụ carbon, thường là các quốc gia nghèo hơn, bằng cách tạo điều kiện cho dòng vốn chảy từ nước phát thải lớn sang nước thu nhập thấp. Ngoài ra, các thị trường này có thể tạo ra doanh thu từ các khoản đầu tư bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cung cấp một con đường tiềm năng để giảm lượng khí thải carbon từ các nước phát thải lớn và tài trợ cho các khoản đầu tư xanh cho chính phủ mà không phải gánh chịu khoản nợ không bền vững. Tuy nhiên, để thị trường carbon hoạt động hiệu quả, điều cần thiết là phải thiết lập một khuôn khổ thể chế khắc phục được những bất lợi cố hữu của thị trường carbon tự nguyện và phân mảnh. Hơn nữa, có thể có những lỗ hổng tiềm ẩn đối với cán cân thanh toán do dòng vốn đổ vào đáng kể liên quan đến tài chính khí hậu ở các nước đang phát triển và thu nhập thấp. Điều này có thể xảy ra nếu sự gia tăng dòng vốn tài chính khí hậu không đi kèm với sự phát triển đồng đều của sản xuất trong nước và năng lực công nghệ, cũng như các kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai, mất cân bằng kinh tế vĩ mô và tài chính có thể xảy ra (Prasad và cộng sự, 2022).
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ tài chính dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình đang gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu.
Như đã đề cập trước đó, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu với không gian tài chính hạn chế để thích ứng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chi phí đầu tư công hằng năm ước tính cho thích ứng ở các nền kinh tế đang phát triển lên tới khoảng 500 tỉ USD, tương ứng với khoảng 0,4% GDP của các quốc gia tiên tiến (Aligishiev và cộng sự, 2022). Nếu tính đến chi phí giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các khoản đầu tư cần thiết thậm chí còn cao hơn. Mặc dù thực tế là các quốc gia nghèo có xu hướng phát thải ít hơn, Bolton và cộng sự (2022) đã cảnh báo rằng, khi các quốc gia nghèo phát triển, sẽ có nguy cơ tăng phát thải khí nhà kính, cho thấy cần phải đầu tư nhiều hơn để các quốc gia này có thể chuyển sang công nghệ xanh. Họ cũng cho rằng các nền kinh tế tiên tiến và "các quốc gia thu nhập trung bình cao" có lượng khí thải cao nên cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo có quá ít năng lực tài chính để hành động vì khí hậu. Ngoài các cam kết hỗ trợ tài chính, các nhà tài trợ nên thiết lập các mục tiêu chi tiêu và mục tiêu khí hậu mà các quốc gia nhận tài trợ phải cam kết đạt được để được hỗ trợ thông qua các quỹ tập trung như GCF, các khoản tài trợ có điều kiện song phương và đa phương, cũng như "giảm nợ có điều kiện".
Tóm lại, không có giải pháp phù hợp hoặc công cụ hoàn hảo duy nhất phù hợp với tất cả các quốc gia để giải quyết hiệu quả những thách thức của biến đổi khí hậu. Mỗi chính sách và hành động đều liên quan đến sự đánh đổi và việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau của chính phủ. Mặc dù rõ ràng là cần phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và môi trường sống của mọi sinh vật, nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại cần vượt qua để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Với những lựa chọn phức tạp mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để đồng thời đạt được "các mục tiêu về khí hậu, tính bền vững về tài chính và tính khả thi về mặt chính trị", giải pháp hứa hẹn nhất nằm ở sự kết hợp cẩn trọng giữa các chính sách nhằm mục đích giảm phát thải, các nỗ lực thích ứng, giảm thiểu trên quy mô toàn cầu và giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm tàng đến nền kinh tế.■
____________
1 Ethiopia, Kenya, Nam Phi và Tanzania.
2 Lãi suất tự nhiên được coi là tỉ lệ cân bằng giữa đầu tư và tiết kiệm khi có việc làm đầy đủ (Summers, 2016).
Tài liệu tham khảo:
1. Aligishiev, Zamid; Massetti, Emanuele and Bellon, Matthieu (2022). “Macro-Fiscal Implications of Adaptation to Climate Change,” IMF Staff Climate Note 2022/02, International Monetary Fund, Washington, DC.
2. Belianska, Anna et al. (2022). “Climate Change and Select Financial Instruments: An Overview of Opportunities and Challenges for Sub-Saharan Africa,” IMF Staff Climate Note 2022/009, International Monetary Fund, Washington, DC.
3. Belianska, Anna et al. (2023). “Closing the Gap: Concessional Climate Finance and Sub-Saharan Africa,” in Regional Economic Outlook: Sub-Saharan Africa--The Big Funding Squeeze, International Monetary Fund, Washington, DC.
4. Blanchard, Olivier (2023). “Reconciling the tension between green spending and debt sustainability,” Peterson Institute for International Economics blog retrieved December 19, 2023, Washington, DC.
5. Bolton, Patrick et al. (2023). “Climate and Debt,” Geneva Reports on the World Economy 25, Center for Economic Policy Research, London.
6. IMF (2023). “Climate Crossroads: Fiscal Policies in a Warming World,” Fiscal Monitor October 2023, International Monetary Fund, Washington, DC.
7. Obstfeld, Maurice (2023). “Natural and Neutral Real Interest Rates: Past and Future,” NBER Working Papers 31949, National Bureau of Economic Research, Inc.
8. Obstfeld, Maurice (2023). “Natural and Neutral Real Interest Rates: Past, Present and Future,” NBER Working Paper 31949. National Bureau of Economic Research, Cambridge MA.
9. Papoutsi, Melina; Piazzesi, Monika and Schneider, Martin (2022). “How unconventional is green monetary policy?” Working paper.
10. Prasad, Ananthakrishnan et al. (2022). “Mobilizing Private Climate Financing in Emerging Market and Developing Economies; IMF Staff Climate Note 2022/007. International Monetary Fund, Washington, DC.
11. Puyo, Mesa et al. (2023). “Fossil Fuel Exporters and the Energy Transition,” Unpublished, International Monetary Fund, Washington, DC.
12. Spinaci, Stefano (2022). “European green bonds: A standard for Europe, open to the world,” European Parliament, EPRS.
13. Summers, Lawrence H. (2016). “The Age of Secular Stagnation: What It Is and What to Do About It,” Foreign Affairs” 95(2): pages 2-9.
14. UNEP (2023). “Climate change 2023 Synthesis Report,” Intergovernmental Panel on Climate change, WMO, UNEP.
15. Vasic-Lalovic, Ivana et al. (2023). “The Growing Debt Burdens of Global South Countries: Standing in the Way of Climate and Development Goals,” Center for Economic and Policy Research, Washington, DC.
Tin bài khác


Chuyển đổi hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Kinh nghiệm và khuyến nghị chiến lược

Việt Nam hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Tài chính xanh trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Kết nối tài chính xanh với thị trường carbon: Hướng đi “xanh” cho nền kinh tế

Đồng bộ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế

Thủ tướng: Phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
