
Một số giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam
Trong hơn 20 năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý quan trọng và hỗ trợ đa dạng nguồn lực cho việc phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở rất lớn của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Bài viết này đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở đánh giá khái quát các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội qua các giai đoạn kể từ khi Luật Nhà ở đầu tiên được ban hành.
![]() |
Nhà ở xã hội luôn là một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững (Nguồn ảnh: Internet) |
1. Giai đoạn Luật Nhà ở năm 2005
Tại Việt Nam, thuật ngữ “nhà ở xã hội” chính thức được đề cập tại Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 ngày 29/11/2005 do Quốc hội khóa XI ban hành tại kỳ họp thứ 8. Đây cũng là luật đầu tiên quy định về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, theo đó, nhà ở xã hội được định nghĩa là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ thuê hoặc thuê mua. Các đối tượng này phải đảm bảo điều kiện cần là có thu nhập thấp và điều kiện đủ là thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu và chưa được thuê hoặc mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; (ii) Có nhà ở thuộc sở hữu nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; (iii) Có nhà ở thuộc sở hữu nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát. Đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội phải thanh toán lần đầu 20% giá trị của nhà ở thuê mua.
Như vậy, trong giai đoạn này, nhà ở xã hội chỉ có phương thức cho thuê hoặc thuê mua. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, thuê mua trên địa bàn. Còn tổ chức, cá nhân phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thuê, thuê mua là chủ đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở do mình đầu tư. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn, doanh nghiệp xây dựng quỹ nhà ở xã hội phải thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở năm 2005 thì nhà ở xã hội chỉ dùng để cho thuê và thuê mua, không được phép bán; các cơ chế, chính sách cho việc phát triển quỹ nhà này còn chung chung, không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Luật này không quy định bắt buộc phải dành quỹ đất trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội hiện hành (như xây dựng nhà ở cao không quá 6 tầng, với diện tích không quá 60m2) không phù hợp; đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội còn hạn chế; điều kiện thuê, thuê mua còn chung chung nên việc phát triển nhà ở xã hội không đạt được yêu cầu.
2. Giai đoạn Luật Nhà ở năm 2014
Theo Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2014, nhà ở xã hội được định nghĩa là loại hình nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho 10 nhóm đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. So với Luật Nhà ở năm 2005, các hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định mới đã được mở rộng hơn.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được mở rộng thêm với hình thức bán, đi kèm các điều kiện được quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với trường hợp mua nhà ở xã hội (phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đối tượng, điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập). Việc cho phép mua, bán nhà ở xã hội được xem là một bước đột phá trong chính sách, phù hợp với tâm lý ưa chuộng sở hữu nhà ở thay vì thuê của phần lớn người dân Việt Nam. Chính vì vậy, chính sách này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các chủ đầu tư, nhờ các ưu đãi hấp dẫn như miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế, lợi nhuận định mức, cũng như các ưu đãi liên quan đến phần diện tích kinh doanh thương mại và nhà ở thương mại trong phạm vi dự án.
Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 đã được triển khai trong thời gian dài, song kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Hầu hết các địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, tỷ lệ hoàn thành còn thấp. Chỉ một số ít địa phương sử dụng nguồn vốn nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách) để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân thực hiện, đến thời điểm này vẫn chưa xuất hiện mô hình nhà ở xã hội theo các đối tượng này, mà chủ yếu là phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong chính sách pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về nhà ở xã hội, như việc bố trí quỹ đất, triển khai đầu tư các dự án, cụ thể như sau:
Một là, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.
Hai là, Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư vẫn phải tiến hành thủ tục xác định tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước khi được miễn, gây phát sinh thủ tục hành chính kéo dài (mất khoảng 1 - 2 năm theo báo cáo của doanh nghiệp).
Ba là, các chính sách ưu đãi hiện hành dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đủ hấp dẫn và thiếu thực chất. Dù có quy định miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế... nhưng thực tế chủ đầu tư không được hưởng các ưu đãi này do không được tính vào giá bán, cho thuê. Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê cũng chưa được áp dụng do pháp luật thuế chưa có quy định cụ thể.
Bốn là, chính sách ưu đãi phần diện tích kinh doanh thương mại trong các dự án nhà ở xã hội được triển khai từ năm 2014, nhưng mới chỉ được quy định trong các Nghị định của Chính phủ, chưa được luật hóa, do đó thiếu cơ sở pháp lý vững chắc.
Năm là, mô hình nhà ở xã hội hiện nay chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng có điều kiện lao động đặc thù như công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.
Sáu là, theo khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 yêu cầu các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến lãng phí, trong khi chủ đầu tư không thể bán để thu hồi vốn, làm giảm tính hấp dẫn trong đầu tư nhà ở xã hội.
Bảy là, Điều 61 Luật Nhà ở năm 2014 quy định nguyên tắc xác định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, phương pháp xác định giá hiện chưa tính đến một số chi phí hợp lý của doanh nghiệp (chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí khác). Mức lợi nhuận định mức (10% đối với nhà để bán, thuê mua; 15% đối với nhà cho thuê) chưa đủ hấp dẫn. Hơn nữa, việc tính lợi nhuận trên toàn bộ dự án (kể cả phần 20% diện tích thương mại) cũng chưa khuyến khích được nhà đầu tư tích cực tham gia.
Do đó, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội để cho thuê và cải cách thủ tục hành chính, cần thiết phải xem xét cho phép các bên được thỏa thuận giá thuê nhà ở xã hội.
3. Giai đoạn Luật Nhà ở năm 2023
Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 khóa XV, Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 với nhiều điểm mới đột phá, trong đó có thể kể đến chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc thực hiện quy hoạch quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
Đồng thời, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp; bổ sung thêm hai chính sách mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Mở rộng các hình thức phát triển nhà ở xã hội, trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần: (i) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê; (ii) tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (thông qua hình thức đầu tư vốn hoặc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nước để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan); (iii) cá nhân xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp để cho thuê; giảm bớt thủ tục hành chính (bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng).
Tăng nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Miễn tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án, không phải thực hiện các thủ tục đề nghị và tính miễn tiền như trước đây; ưu đãi về phần diện tích kinh doanh thương mại dịch vụ, nhà ở thương mại trong phạm vi dự án, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này. Giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở...
4. Nguyên nhân nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra
Theo quan điểm tiếp cận từ góc độ cung - cầu - giá nhà ở xã hội, những nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội thấp trong khi cơ chế ưu đãi được tăng tới mức tối đa. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại cao cấp, diện tích lớn để bán cho những người có thu nhập cao nhằm thu hồi vốn nhanh, tỉ lệ sinh lời cao mà chưa quan tâm phát triển các loại căn hộ có diện tích nhỏ, có giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Thứ hai, mặc dù đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội ngày càng được mở rộng nhưng người dân liên tục phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài về việc không có nhà ở xã hội để đăng ký mua, không thể đăng ký nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, không có dự án để đăng ký… hoặc phải trả tiền “chênh” quá lớn so với thu nhập thấp của người dân để có được một “suất” đăng ký mua nhà ở xã hội tại một dự án, nhưng khả năng hồ sơ có đăng ký mua được nhà ở xã hội hay không lại rất bấp bênh do được thực hiện thông qua hình thức bốc thăm (số lượng hồ sơ đăng ký lớn gấp nhiều lần so với số căn nhà ở xã hội mà chủ đầu tư công bố bán).
Ngoài ra, đa số tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là thuê, thuê mua; muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất hơn là ở nhà chung cư dẫn tới việc phát triển mô hình nhà ở xã hội (đặc biệt là nhà chung cư) để cho thuê, cho thuê mua không hiệu quả.
Thứ ba, giá bán nhà ở xã hội. Mặc dù Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định khống chế lợi nhuận định mức nhưng giá nhà ở vẫn cao so với thu nhập của người dân.
Cuối cùng, để giúp cho nhà ở xã hội được phân phối và lưu thông vào thị trường thì không thể không kể đến các kênh tài chính, sự tham gia của Ngân hàng Chính sách xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định (BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank…), các chính sách hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, mà điển hình là gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng và mới đây nhất gói này đã tăng quy mô lên tới 145.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hệ thống tài chính nhà ở thiếu một số quỹ đầu tư để phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, thiếu cơ chế thế chấp bất động sản…; dẫn tới thiếu nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn.
5. Một số đề xuất, kiến nghị
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho phát triển nhà ở xã hội, đồng thời, các địa phương cơ bản cũng bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cũng thực hiện việc dành quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án. Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần tìm hiểu một số kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của một số quốc gia trên thế giới.
Các nước phát triển và đang phát triển đã có các biện pháp chính sách khu vực công khác nhau để đối phó với vấn đề nhà ở do đô thị hóa gây ra. Do sự điều tiết của thị trường về chính sách cung ứng trực tiếp và hạn chế đầu tư công, các chính sách thay thế được xây dựng dưới hình thức khuyến khích các nhà cung cấp nhà ở xã hội thông qua khu vực tư nhân, chính sách hỗ trợ người có nhu cầu (các chương trình cho vay thế chấp hoặc trợ cấp nhà ở). Tham khảo trường hợp của Hàn Quốc, việc cung cấp nhà ở công cộng được bắt đầu với thị trường nhà để bán, sau đó phát triển sang nhà ở công cộng cho thuê... Tuy nhiên, điểm tương tự trong cách giải quyết vấn đề nhà ở là phát triển các cơ chế đa dạng cho nhà ở công cộng có tính đến khả năng chi trả của người thụ hưởng. Các phương án huy động tài chính phù hợp có thể góp phần tạo ra nguồn cung nhà ở xã hội ổn định. Để cung cấp nhà ở xã hội ổn định, cần có kế hoạch tạo nguồn tài chính cần thiết theo phương thức chính sách. Tham khảo phương thức tích lũy vốn như Quỹ Housing Provident Fund - HPF của Trung Quốc là một chương trình tiết kiệm bắt buộc dành cho người lao động chính thức, được thành lập từ năm 1991 với mục tiêu hỗ trợ người dân mua nhà thông qua việc tiết kiệm và vay vốn ưu đãi; Quỹ Central Provident Fund - CPF của Singapore là một hệ thống an sinh xã hội bắt buộc, được Chính phủ Singapore quản lý, nhằm giúp người dân tiết kiệm cho nghỉ hưu, chăm sóc y tế, mua nhà và bảo hiểm; trái phiếu nhà ở quốc gia của Hàn Quốc; phương thức cấp quyền đăng ký mua nhà và quyền ưu tiên khi mua nhà ở mới với điều kiện phải tham gia và gửi tiền tiết kiệm như trường hợp cơ chế tiết kiệm mua nhà của Hàn Quốc.
Có thể thấy rằng, các nước đều chú trọng vai trò của Nhà nước trong phát triển, đa dạng hóa nhà ở xã hội, giảm chi tiêu đầu tư công cho phát triển nhà ở xã hội, phát triển các định chế tài chính có tính dài hạn nhằm cung cấp nguồn vốn ổn định, phù hợp để phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững.
Trên cơ sở một số kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các quốc gia nêu trên, bài viết đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện hơn nữa các chính sách nhà ở xã hội hiện hành ở Việt Nam như sau:
Một là, cần sự thay đổi về nhận thức, tư duy về chính sách nhà ở xã hội, bỏ hình thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, định nghĩa về người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, không phải là tư duy về sở hữu nữa mà là sử dụng nhà ở một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở để phục vụ sinh hoạt, làm việc và sinh sống một cách thực tế. Theo đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, trong đó có hình thức nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, cho thuê mua, vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân có thu nhập thấp.
Hai là, thiết lập một Ủy ban tầm cỡ quốc gia để điều hành chuyên trách lĩnh vực nhà ở xã hội như mô hình HDB1 của Singapore đã hoạt động hiệu quả và cung cấp nhu cầu nhà ở xã hội cho tới 98% người dân Singapore.
Ba là, thành lập một doanh nghiệp do Ủy ban nói trên điều hành và chủ quản về nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu xây dựng quỹ nhà ở xã hội theo yêu cầu, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, phát triển các định chế tài chính mới như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ... và yêu cầu có sự đóng góp của người thuê mua nhà ở xã hội.
Năm là, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, nhà ở, thu nhập, đăng ký cư trú… phục vụ cho việc dự báo nhu cầu nhà ở của người dân, việc xác nhận thông tin của người dân khi đăng ký thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
1 HDB là đơn vị trực thuộc Bộ phát triển Quốc gia Singapore, được thành lập vào năm 1960. Chính phủ Singapore giao nhiệm vụ cho HDB một số hoạt động như thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho người dân Singapore, xây dựng các khu nhà ở mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cải thiện môi trường sống tại các khu nhà ở cũ. HDB có 24 chi nhánh và 03 trung tâm dịch vụ ở mỗi thị trấn để hỗ trợ cung cấp sản phẩm nhà ở sau khi đầu tư xây dựng. HDB có trách nhiệm và quyền hạn từ công tác quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, phân phối, quản lý, bảo trì và các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở trong một tổng thể chung. Nhờ có quyền hạn đầy đủ và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể trong mọi khâu điều hành, quản lý, nên hoạt động phát triển nhà ở mang lại hiệu quả cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2005). Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
2. Quốc hội (2014). Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014.
3. Quốc hội (2023). Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023.
4. Bộ Xây dựng (2005 - 2025). Các báo cáo tổng kết.
5. Bộ Xây dựng, Koica (2021). Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030”.
6. Chính phủ (2022). Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023.
7. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.
8. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021.
9. Chính phủ (2006 - 2025). Các Nghị định liên quan đến nhà ở.
10. Vnexpress. Chênh tiền tỷ khi mua nhà xã hội qua môi giới. https://vnexpress.net/chenh-tien-ty-khi-mua-nha-xa-hoi-qua-moi-gioi-4856793.html
Tin bài khác


Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử

Môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch: Sức hút để 'tăng tốc' dòng vốn FDI

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Dòng vốn ngân hàng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát huy thế mạnh vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Đẩy mạnh các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
