Một số chủ thể đặc biệt của hợp đồng thế chấp bất động sản theo Luật Đất đai năm 2024

Thị trường tài chính
Tư cách chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản là một vấn đề quan trọng được đặt ra trong việc xác lập hợp đồng, nhất là trong bối cảnh nhiều hợp đồng thế chấp bất động sản bị tòa án tuyên vô hiệu do yếu tố chủ thể hợp đồng.
aa

Tư cách chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản là một vấn đề quan trọng được đặt ra trong việc xác lập hợp đồng, nhất là trong bối cảnh nhiều hợp đồng thế chấp bất động sản bị tòa án tuyên vô hiệu do yếu tố chủ thể hợp đồng. Các vụ việc đó liên quan chủ yếu đến một số chủ thể đặc biệt như hộ gia đình sử dụng đất hay vợ chồng. Luật Đất đai năm 2024 được ban hành và có một số quy định điều chỉnh trực tiếp việc xác định chủ thể của hợp đồng thế chấp bất động sản. Bài viết tập trung phân tích các quy định đó cũng như hành lang pháp lý về tư cách chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản của doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình sử dụng đất, nhóm người sử dụng đất chung và vợ chồng sở hữu chung bất động sản.


Đối với tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất), bên thế chấp phải là chủ sở hữu của các tài sản này (Nguồn ảnh: Internet)


1. Yêu cầu chung về chủ thể

Pháp luật chung về giao dịch bảo đảm đặt ra nguyên tắc là bên thế chấp tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản thế chấp. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 295 và Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015
1. Đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, nguyên tắc này được hiểu là bên thế chấp phải là người sử dụng đất. Đối với tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất)2, bên thế chấp phải là chủ sở hữu của các tài sản này.

Pháp luật về đất đai cũng khẳng định lại nguyên tắc nêu trên. Khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024 nêu rõ, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan. Quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất của từng chủ thể sử dụng đất cũng được quy định tại các điều luật khác nhau của văn bản này. Chẳng hạn, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; điểm b khoản 1 Điều 34 Luật Đất đai năm 2024 công nhận quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất của cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức hay của cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai năm 2024. Các điều luật này đều nêu các chủ thể trên được thế chấp “tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất”.

Như vậy, có thể thấy, cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2024 là các văn bản điều chỉnh trực tiếp thế chấp bất động sản - đều đặt ra yêu cầu chung là bên thế chấp bất động sản phải là chủ sở hữu của bất động sản thế chấp. Cụ thể hơn, trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, bên thế chấp phải là người sử dụng đất; còn trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất, bên thế chấp phải là chủ sở hữu của các tài sản đó. Theo đó, việc xem xét tư cách chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản của các đối tượng được phân tích dưới đây được dựa trên nguyên tắc này.

2. Doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân được công nhận một cách gián tiếp là chủ thể của hợp đồng thế chấp bất động sản theo quy định của Luật Đất đai năm 2024
3. Văn bản này công nhận tổ chức kinh tế là người sử dụng đất và các quy định của pháp luật liên quan xác định rõ doanh nghiệp tư nhân là một loại hình tổ chức kinh tế. Thực vậy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024, tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư là một loại hình người sử dụng đất. Khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 định nghĩa: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”. Như vậy, doanh nghiệp là người sử dụng đất. Hơn nữa, Điều 1 Luật Doanh nghiệp năm 2020 liệt kê doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp bên cạnh công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Nói cách khác, mặc dù Luật Đất đai năm 2024 không nêu rõ doanh nghiệp tư nhân là người sử dụng đất, song doanh nghiệp tư nhân với tư cách là một loại hình doanh nghiệp được công nhận tư cách người sử dụng đất theo văn bản Luật này.

Trên tinh thần đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 cũng công nhận tư cách người sử dụng đất của doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, có thể kể đến quy định tại điểm g khoản 2 Điều 22, khoản 7 Điều 30 và khoản 9 Điều 37 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; hay khoản 7 Điều 13 và khoản 8 Điều 41 Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Cần lưu ý khái niệm “tổ chức kinh tế” theo Luật Đất đai năm 2024 có nội hàm khá đặc thù. Không phải mọi tổ chức kinh tế theo Luật Đầu tư đều được coi là tổ chức kinh tế theo Luật Đất đai năm 2024. Điểm b khoản 1 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 loại trừ “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” khỏi nhóm “tổ chức kinh tế”.

Hơn nữa, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đất đai năm 2024 cũng có nội hàm hẹp hơn so với nội hàm của Luật Đầu tư. Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Như vậy, theo Luật Đầu tư năm 2020, chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài nắm một phần vốn (mà không quan trọng tỉ lệ vốn nắm giữ) trong một tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế đó trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khoản 46 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 định nghĩa “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất”. Như vậy, theo cách tiếp cận của Luật Đất đai năm 2024, chỉ có tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 để thực hiện dự án có sử dụng đất mới được coi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điểm khác biệt quan trọng trong cách tiếp cận của hai luật này.

Luật Đầu tư năm 2020 quy định rõ hơn về loại hình tổ chức kinh tế được đề cập tại Luật Đất đai năm 2024 nêu trên. Cụ thể, nếu kết hợp Điều 22 và khoản 1 Điều 23 của văn bản này có thể thấy tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 là tổ chức kinh tế có dự án sử dụng đất và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.

Trường hợp 2: Có tổ chức kinh tế thuộc trường hợp 1 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trường hợp 3: Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thuộc trường hợp 1 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã

Khác với cách tiếp cận của Luật Đất đai năm 2024 trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân, đối với hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, văn bản này có các quy định giúp xác định rõ hơn địa vị pháp lý là người sử dụng đất của các tổ chức này. Thứ nhất, do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế (khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020), các chủ thể này có tư cách là người sử dụng đất theo điểm b khoản 1 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024. Thêm vào đó, một loạt quy định của Luật Đất đai năm 2024 nhắc tới quyền sử dụng đất của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã: khoản 2 Điều 36, điểm d khoản 1 Điều 109, hay điểm h khoản 1 Điều 157.

Cách tiếp cận nêu trên phù hợp với tinh thần của pháp luật về hợp tác xã. Khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023 đều công nhận tư cách pháp nhân của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Hơn nữa, khoản 1 và khoản 3 Điều 73 Luật Hợp tác xã năm 2023 cho phép cá nhân, tổ chức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc góp vốn dẫn tới việc chuyển quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (điểm a khoản 1 Điều 76 Luật Hợp tác xã năm 2023). Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và được miễn, giảm tiền thuê đất, mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác (điểm a khoản 2 Điều 88 và khoản 2 Điều 21 Luật Hợp tác xã năm 2023). Nói cách khác, Luật Hợp tác xã năm 2023 làm rõ tư cách người sử dụng đất của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Như vậy, khi hợp tác xã thế chấp quyền sử dụng đất hay tài sản gắn liền với đất của mình để vay vốn thì hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã sẽ đứng tên trực tiếp là bên thế chấp trong hợp đồng thế chấp. Cần phân biệt hợp tác xã và liên hiệp hợp tác với tổ hợp tác. Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất hai thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (khoản 21 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023). Khi tổ hợp tác tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của tổ hợp tác là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự).

3. Các chủ thể có chung quyền sử dụng đất

Hộ gia đình sử dụng đất

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, hộ gia đình sử dụng đất không còn là người sử dụng đất và các thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất được coi là nhóm người sử dụng đất chung. Hộ gia đình sử dụng đất được định nghĩa tại khoản 25 Điều 3 của Luật này là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Hộ gia đình sử dụng đất không được liệt kê trong 7 loại chủ thể sử dụng đất tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2024. Thay vào đó, điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024 nêu rõ “nhóm người sử dụng đất bao gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân”. Khoản 3 Điều 259 Luật Đất đai năm 2024 cũng chỉ rõ hộ gia đình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại; khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất theo hình thức giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình đó theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Như vậy, kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (tức là ngày 01/8/2024), nếu các thành viên của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho nhóm người sử dụng đất chung và trong trường hợp họ xác lập hợp đồng thế chấp bất động sản với tổ chức tín dụng thì các thành viên đó sẽ là bên thế chấp
4.

Cách tiếp cận của Luật Đất đai năm 2024 cũng phù hợp với cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, hộ gia đình sử dụng đất không còn là một trường hợp ngoại lệ của quy định tại điều này của Bộ luật Dân sự năm 2015 như cách tiếp cận của Luật Đất đai năm 2013.

Luật Đất đai năm 2024 cũng có quy định liên quan đến “số phận” của các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho hộ gia đình sử dụng đất trước ngày 01/8/2024. Đặc biệt, khoản 1 Điều 259 Luật Đất đai năm 2024 quy định hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tham gia quan hệ pháp luật về đất đai với tư cách nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Đất đai năm 2024.

Nhóm người sử dụng đất

Nhóm người sử dụng đất không phải là một chủ thể sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 nhưng văn bản này có các quy định riêng điều chỉnh đối với loại chủ thể này. Thành viên của nhóm người sử dụng đất có thể có cá nhân, thành viên hộ gia đình hoặc tổ chức kinh tế (điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024). Theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện. Như vậy, trừ trường hợp các thành viên của nhóm người sử dụng đất yêu cầu cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, mỗi thành viên sẽ được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Luật Đất đai năm 2024 có cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về tư cách chủ thể khi xác lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Điều 209 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung; mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình. Từ quy định của Luật Đất đai năm 2024, có thể phân biệt 4 trường hợp thực hiện quyền thế chấp như sau:

Thứ nhất, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền thế chấp đối với phần quyền sử dụng đất của mình mà quyền sử dụng đất đó phân chia được theo phần thì sẽ có hai lựa chọn: Tách thửa để được chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần quyền sử dụng đất của thành viên đó và sau đó sẽ xác lập hợp đồng thế chấp
5 hoặc đăng ký biến động ghi nhận việc thế chấp (điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024)6. Trong cả hai trường hợp trên, bên thế chấp đều là thành viên dự kiến thế chấp.

Thứ hai, trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì tất cả các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất (điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024). Nói cách khác, trong trường hợp này, một thành viên không thể thế chấp riêng rẽ quyền sử dụng đất.

Thứ ba, trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm phân chia được theo phần mà một số hoặc tất cả các thành viên đều nhất trí cùng thế chấp để bảo đảm cho một khoản vay thì bên thế chấp sẽ bao gồm các thành viên có liên quan đó.

Thứ tư, có thể suy luận từ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024 rằng trong trường hợp nhóm người sử dụng đất có trên 2 thành viên và hơn 1 thành viên muốn cùng thực hiện quyền thế chấp để bảo đảm cho một khoản vay thì các thành viên đó có thể thực hiện thủ tục tách thửa rồi sau đó thế chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận.

Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Luật Đất đai năm 2024 có các quy định riêng điều chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho vợ chồng là người sử dụng đất chung. Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024 nêu rõ:

“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.”

Tuy vậy, Luật Đất đai năm 2024 không đề cập trực tiếp vấn đề tư cách chủ thể của hợp đồng thế chấp trong trường hợp bất động sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, để xác định tư cách chủ thể hợp đồng thế chấp trong trường hợp này, cần xem xét quy định của pháp luật chung về giao dịch bảo đảm và pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bộ luật Dân sự năm 2015 coi sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia (khoản 1 Điều 213). Tuy nhiên, khi tài sản chưa phân chia thì “vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung” (khoản 2 Điều 213). Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng có cách tiếp cận tương tự như Bộ luật Dân sự năm 2015. Văn bản này quy định việc định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận (khoản 1 Điều 35) và trong trường hợp tài sản chung là bất động sản, việc thỏa thuận đó phải được thể hiện bằng văn bản (điểm a khoản 2 Điều 35). Như vậy, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu bất động sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng thì bên thế chấp bao gồm cả vợ và chồng.

Hệ quả của việc chỉ một trong hai vợ chồng xác lập hợp đồng thế chấp bất động sản là hợp đồng có thể bị tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ
7. Có thể hiểu việc xác lập hợp đồng đó vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và Gia đình nên theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 20158, hợp đồng thế chấp bất động sản đó vô hiệu. Hơn nữa, hợp đồng thế chấp vô hiệu toàn bộ bởi vì khi tài sản chung của vợ chồng chưa được chia thì không xác định được phần quyền của mỗi người đối với tài sản chung đó nên tòa án không thể tuyên hợp đồng vô hiệu từng phần.

Các phân tích ở trên cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như pháp luật chuyên ngành có các quy định giúp xác định chủ thể của hợp đồng thế chấp bất động sản trong một số trường hợp đặc biệt và rằng các quy định đó đi theo hướng chủ thể của hợp đồng chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Tuy nhiên, cách tiếp cận của pháp luật hiện hành về chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản còn có những điểm đặc thù, một phần là do các yếu tố về lịch sử và thực tế ở Việt Nam. Các tổ chức tín dụng cần đặc biệt lưu ý vấn đề xác định chủ thể hợp đồng thế chấp bất động sản để hạn chế nguy cơ vô hiệu hợp đồng.

1 Về biện pháp thế chấp tài sản, xem thêm Bùi Đức Giang “Xác lập biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Ngân hàng, số 18, tháng 9/2016, trang 37 - 39 và Bùi Đức Giang “Xác lập hợp đồng thế chấp tài sản theo Bộ luật Dân sự”, Tạp chí Ngân hàng, số 4, tháng 2/2019, trang 13 - 15.
2 Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất (khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024).
3 Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về tư cách pháp nhân của doanh nghiệp tư nhân. Xem thêm Bùi Đức Giang “Bàn về chủ thể giao kết hợp đồng tài chính theo quy định mới”, Tạp chí Ngân hàng, số 22, tháng 11/2017 .
4 Trường hợp từng thành viên hoặc một số hoặc tất cả các thành viên muốn thế chấp quyền sử dụng đất chung, các nguyên tắc nêu tại điểm b mục 3 dưới đây sẽ được áp dụng.
5 Việc tách thửa chỉ được phép thực hiện nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai năm 2024, trong đó có điều kiện là phải đảm bảo diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và điều kiện phải bảo đảm có lối đi, được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có.
6 Việc đăng ký biến động trong trường hợp này không được quy định một cách rõ ràng tại Điều 133 Luật Đất đai năm 2024.
7 Chẳng hạn xem thêm Quyết định giám đốc thẩm số 10/2013/KDTM-GĐT của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 25/4/2013. Xem thêm mục III.15 Văn bản số 196/TANDTC-PC của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 03/10/2023.
8 Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.


TS. Bùi Đức Giang
Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) - Đại học Quốc gia Hà Nội
https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Chuyển đổi hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Kinh nghiệm và khuyến nghị chiến lược

Chuyển đổi hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Kinh nghiệm và khuyến nghị chiến lược

Các ngân hàng tại Trung tâm tài chính quốc tế sẽ phải tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế với những yêu cầu về tính linh hoạt và khả năng đáp ứng cao, đặc biệt là trong môi trường tài chính toàn cầu hóa như hiện nay.
Việt Nam hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu

Việt Nam hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng gắn kết và dòng vốn quốc tế liên tục dịch chuyển, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế (IFC) không chỉ là tham vọng chiến lược mà còn là cơ hội để Việt Nam tái định vị vị thế trên bản đồ tài chính khu vực. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại sự kiện "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4/2025.
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia đã chủ động phát triển các trung tâm tài chính như một mũi nhọn chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập. Với độ mở kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam liệu đã hội tụ đủ các điều kiện để phát triển các trung tâm tài chính. Sự ra đời của Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến trung tâm tài chính tại Việt Nam chính là bước đi đầu tiên trong hành trình đó. Nhằm làm rõ thêm tiềm năng, điều kiện, thách thức cũng như những đề xuất cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính.
Tài chính xanh trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tài chính xanh trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Mục tiêu chính của bài viết là phân tích vai trò của tài chính xanh trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bài viết tập trung đánh giá các cơ chế tài chính hiện có, làm rõ mối quan hệ giữa tài chính xanh và năng lượng tái tạo, từ đó đề xuất chính sách cần thiết để tối ưu hóa tác động của tài chính xanh trong lĩnh vực này.
Kết nối tài chính xanh với thị trường carbon: Hướng đi “xanh” cho nền kinh tế

Kết nối tài chính xanh với thị trường carbon: Hướng đi “xanh” cho nền kinh tế

Mô hình kết nối tài chính xanh với thị trường carbon là huy động nguồn vốn xanh cho các dự án, chương trình, hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững. Ngoài ra, mô hình này còn thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính xanh trên cơ sở thị trường carbon.
Đồng bộ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế

Đồng bộ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế

Thế giới hiện nay đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, với những thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp nối các thành tựu của thời kỳ độc lập và đổi mới. Trong bối cảnh này, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Điều này không chỉ hỗ trợ tăng trưởng bền vững mà còn góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.
Thủ tướng: Phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân

Thủ tướng: Phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân

Chiều ngày 02/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án để chuẩn bị trình Bộ Chính trị.
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Xác định kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng cũng góp phần nâng cao năng lực nội sinh, củng cố vị thế tự lực, tự cường của nền kinh tế. Hoài bão về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường và tự chủ về kinh tế cũng sẽ trở nên gần hơn, khả thi hơn khi có sự chung tay của người dân và khu vực kinh tế tư nhân.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc