
CIC: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2017 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2018
Vừa qua, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Vừa qua, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2017, bám sát chủ trương, định hướng của ngành trong năm 2017 và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự, Ban Lãnh đạo NHNN, sự phối hợp chặt chẽ của các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan thuộc NHNN và với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, CIC đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Trong năm 2017, CIC tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của “Đề án phát triển CIC đến 2015 và hướng tới 2020” và được thể hiện ở các thành tích đáng ghi nhận. CIC đã hoàn thành việc nâng cấp cơ cấu tổ chức thông qua việc phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ soạn thảo và trình Thống đốc NHNN ban hành Quyết định 926/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của CIC. CIC cũng đã hoàn thành và chính thức vận hành toàn bộ hệ thống mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS - cấu phần CIC. Hệ thống này đã hỗ trợ và tạo điều kiện để CIC có thể nâng cao năng lực xử lý dữ liệu, cung cấp thông tin tự động và triển khai, mở rộng các hoạt động nghiệp vụ khác trong năm 2017.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2017, CIC đã hoàn thành xây dựng mô hình XHTD doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp theo nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở đó, từ tháng 7/2017, CIC đã chính thức cung cấp sản phẩm XHTD mới tới các TCTD.
Tháng 10/2017, CIC chính thức vận hành hoạt động đăng ký trực tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử kết nối với khách hàng vay thể nhân tại khu vực Hà Nội, TPHCM và vào tháng 11/2017 triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn. Qua đó, số lượng khách hàng đăng ký tài khoản trực tuyến đã tăng lên đáng kể lên trên 4.000 khách hàng, tăng gần 3 lần so với năm 2016. Thông qua hoạt động này, CIC đã từng bước nâng cao tính minh bạch, khách quan của TTTD và góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Về xây dựng kho dữ liệu TTTD quốc gia, đến nay, 100% TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên 1.000 quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô gửi file báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định. Bên cạnh đó, CIC còn thu thập được thông tin từ một số đơn vị ngoài ngành (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 30 tổ chức tự nguyện), qua đó góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu của CIC. Tính đến hết năm 2017, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu TTTD quốc gia là trên trên 34,3 triệu, trong đó trên 700.000 khách hàng doanh nghiệp và trên 33,6 triệu khách hàng cá nhân. Việc thu thập, xử lý, cập nhật chỉnh sửa thông tin đều được thực hiện theo đúng quy trình và được giám sát chặt chẽ theo quy trình nghiệp vụ nội bộ về xử lý, cập nhật và bảo mật thông tin.
Trong năm 2017, CIC đã làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của NHNN, trong đó cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ban Lãnh đạo NHNN về tình hình tín dụng, biến động nợ xấu của các TCTD; báo cáo phục vụ cho NHNN tham gia các kỳ họp Quốc hội như báo cáo dư nợ chứng khoán và bất động sản, báo cáo nợ xấu một số ngành nghề ưu tiên theo tỉnh, TP; cung cấp các báo cáo định kỳ và theo yêu cầu đột xuất cho đơn vị, Vụ, Cục NHNN...
Năm 2017, tiếp tục triển khai kế hoạch giảm giá sản phẩm và hoàn thiện hệ thống giá sản phẩm dịch vụ, theo đó các sản phẩm dịch vụ cho đối tượng ngoài ngành đã giảm trung bình từ 30%~60%. Do vậy hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin CIC tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong năm, CIC đã cung cấp trên 12 triệu báo cáo đơn lẻ cho các TCTD, tăng trưởng trên 34% so với năm 2016; cung cấp trên 400.000 dòng thông tin theo lô cho các TCTD, tăng 67% so với 2016; tỉ lệ cung cấp thông tin tự động theo thời gian thực đạt khoảng 85% cao hơn năm 2016 (là 80%);
Trong quan hệ quốc tế, CIC đã phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế tổ chức thành công Hội thảo “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” tại Ninh Bình vào tháng 5/2017. Trên cơ sở thành công của Hội nghị, CIC đã trình và được Ban Lãnh đạo NHNN cho phép triển khai các hoạt động trao đổi thông tin xuyên biên giới với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật. CIC cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như IFC để tổ chức các hội thảo phổ biến kiến thức về TTTD đến đại đa số dân cư.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, CIC sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án phát triển CIC đến 2020; Chỉ thị của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng 2018; Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Đồng thời, CIC sẽ nâng cao chất lượng cơ sở TTTD quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu theo các giải pháp phát triển cơ sở dữ liệu trong Đề án phát triển, trong đó mục tiêu hàng đầu là duy trì đầy đủ 100% thông tin trong ngành, tiếp tục mở rộng nguồn thông tin từ các tổ chức ngoài ngành, đặc biệt là các nguồn thông tin phi truyền thống với mục tiêu nâng cao độ phủ thông tin lên trên 60%/dân số trưởng thành theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Thực hiện giảm phí khai thác dịch vụ TTTD theo lộ trình để đồng hành cùng các TCTD trong việc hạ lãi suất cho vay, trước mắt giảm ngay 12% phí hiện thời các sản phẩm dịch vụ có sẵn của CIC, đồng thời tiếp tục theo dõi và đề xuất mức phí phù hợp từng giai đoạn…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của CIC trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích trong năm 2017. Hoạt động CIC năm qua có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới công nghệ, quy trình nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới trong dự án FSMIMS vào vận hành chính thức, qua đó nâng cao được tính tự động hóa trong các hoạt động nghiệp vụ; chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, mạnh dạn xây dựng và triển khai nhiều đề án, dự án để đổi mới về tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ mới, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN. Việc mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đã được tăng cường, tạo nền tảng để phục vụ tốt hơn yêu cầu của NHNN và mở rộng tín dụng, quản trị rủi ro của các TCTD, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng vay. Hoạt động của CIC đã góp phần vào những thay đổi đáng kể về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2018 của WB, tăng 03 bậc lên hạng 29/190 quốc gia được khảo sát, đạt 75/100 điểm.
Phó Thống đốc yêu cầu CIC phát huy mạnh mẽ những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 CIC đã đề ra, Phó Thống đốc hy vọng CIC tiếp tục phấn đấu và sớm đạt được mục tiêu đã được xác định trong Đề án phát triển CIC, đó là: Nâng tầm quy mô tổ chức và hoạt động của CIC; xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia thống nhất, đầy đủ, chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, là nguồn dữ liệu TTTD chủ yếu, kênh TTTD tin cậy để cung cấp đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho NHNN, TCTD, tổ chức khác và cá nhân...
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc, ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng Giám đốc CIC đã cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Hãnh đạo NHNN, sự phối hợp chặt chẽ của các Vụ, Cục, đơn vị NHNN đối với hoạt động của CIC và bày tỏ quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của năm 2018.
CICB
TCNH số 3+4/2018
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
