
Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Tín dụng xanh tăng tốc mạnh mẽ
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, vấn đề về suy thoái môi trường đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia trên thế giới - đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh - phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên là xu thế tất yếu để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng.
Bám sát các chủ trương, định hướng trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia nên đã vào cuộc rất sớm. Từ năm 2015, NHNN đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng, Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra yêu cầu tăng dần tỉ trọng tín dụng đầu tư cho các dự án xanh, phát triển ngân hàng xanh tại các chiến lược, đề án phát triển của ngành Ngân hàng thông qua các giải pháp tăng cường nhận thức, năng lực thực thi của toàn Ngành về tăng trưởng xanh. Đặc biệt, năm 2023, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của toàn Ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và các đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, với 7 nhóm nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị vụ, cục, chi nhánh của NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017 - 2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn Ngành. Sự phát triển về lượng đi cùng với cải thiện rõ rệt về chất. Đã có 57 TCTD triển khai đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, với tổng dư nợ được đánh giá đạt 3,62 triệu tỉ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2017. Nhiều ngân hàng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, tích hợp tiêu chí tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, đồng thời công bố báo cáo phát triển bền vững, gia tăng tính minh bạch, giải trình và khẳng định vị thế trên thị trường tài chính - tín dụng quốc tế. Điều này cho thấy tín dụng xanh không còn là khái niệm mới lạ mà đã trở thành một hướng đi chiến lược được nhiều ngân hàng tích cực theo đuổi.
Sau gần 2 năm triển khai, Kế hoạch hành động của Ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN khẳng định, nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững có sự chuyển biến rõ rệt. Theo đó, 60% TCTD đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh; 23 TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững. Tính đến tháng 3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ xanh (năm 2017 chỉ có 15 TCTD), tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017 - 2024 đạt trên 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Đã có có 57 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ 3,62 triệu tỉ đồng, tăng hơn 15 lần so với thời điểm năm 2017. Nhiều TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của mình.
Là một quốc gia có nền tảng nông nghiệp vững chắc, Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank có tỉ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024. Quý I/2025, Agribank tiếp tục dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỉ đồng; triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhìn nhận, thực tế cho thấy, việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng còn không ít khó khăn. Theo đó, việc triển khai chưa thực sự đồng đều, nhiều TCTD, ngân hàng thương mại chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh tín dụng dư nợ tín dụng xanh; kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về danh mục xanh; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.
Dưới góc độ của một ngân hàng, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, Chính phủ chưa ban hành quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; phần lớn vốn huy động ngắn hạn, trong khi các dự án môi trường có thời gian hoàn vốn dài, đầu tư lớn; hệ thống thông tin quản lý và các công cụ hỗ trợ kiểm soát, giám sát danh mục xanh và ESG còn hạn chế do khung pháp lý chưa hoàn thiện…
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú còn chia sẻ, yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải… Để giải quyết những khó khăn này không chỉ có sự nỗ lực của ngành Ngân hàng mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là cơ hội để ngành Ngân hàng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện định hướng giải pháp, nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn tới.
Tăng cường hợp tác quốc tế tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh
Gợi ý một số giải pháp trong thời gian tới, TS. Michaela Baur, Giám đốc GIZ tại Việt Nam tin rằng, phân loại xanh là yếu tố then chốt để định hướng các dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu. Từ năm 2017, theo ủy thác của Chính phủ Đức, GIZ đã hỗ trợ NHNN xây dựng "Báo cáo thống kê tín dụng xanh". Đây được xem là phiên bản sơ khởi của một hệ thống phân loại xanh dành riêng cho ngành Ngân hàng, nhằm theo dõi và thúc đẩy các hoạt động tín dụng xanh.
Trong giai đoạn tiếp theo của Chiến lược tăng trưởng xanh, một hệ thống phân loại xanh quy mô quốc gia là hết sức quan trọng. Hệ thống này cần phải áp dụng toàn diện cho cả ngân hàng và thị trường vốn, đồng thời phù hợp với hệ thống phân loại ngành quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống này phải cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính xanh, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Hiện tại, GIZ đang tích cực hợp tác với NHNN và các bộ, ngành liên quan để xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia, dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2025, TS. Michaela Baur khẳng định.
Không chỉ vậy, hiện nhiều ngân hàng đang tăng tốc kiện toàn các nền tảng trụ cột cho khung phát triển bền vững, hướng tới việc tạo ra giá trị và tác động tích cực. Bà Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, MB đặt mục tiêu đầy tham vọng, trở thành ngân hàng xanh tiên phong, điển hình dẫn dắt về chuyển đổi ESG toàn diện trong chuỗi giá trị, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2030. MB cũng sẽ tiên phong trong các giải pháp tài chính khí hậu, tận dụng thế mạnh nội tại về công nghệ số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với các TCTD khác, MB mong muốn NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội để tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực về ESG cho toàn Ngành. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, cũng như xây dựng các cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp.
Về phía NHNN, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các nhiệm vụ được giao tại đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh hay chống biến đổi khí hậu, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ (bao gồm động lực truyền thống và động lực mới), hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng dẫn về tín dụng xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, tích cực kết nối, làm việc với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động về tài chính xanh, ngân hàng xanh, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng về ngân hàng - tín dụng xanh, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành Ngân hàng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ ngân hàng, khách hàng về tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Một điểm nhấn quan trọng khác của Tọa đàm là Lễ ra mắt "Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài". Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đây là một sản phẩm hợp tác giữa NHNN và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), được xây dựng theo các thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ TCTD áp dụng tiêu chuẩn ESG trong hoạt động tín dụng, thúc đẩy mục tiêu tài chính bền vững. Cấu trúc của Sổ tay gồm phạm vi và nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường xã hội; hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội; các chỉ số về môi trường xã hội và báo cáo; đề cập cách thức tham gia của các bên liên quan...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc ra mắt Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng do NHNN và IFC phối hợp biên soạn là rất thiết thực, "cầm tay chỉ việc" cho các TCTD trong việc xây dựng quy trình cụ thể và phù hợp theo tính chất từng ngân hàng và khoản vay. Đây là tài liệu tham khảo có tính thực tiễn cao, giúp các TCTD tăng cường quản lý rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Khắc phục các hạn chế, bất cập trong việc xử lý tài sản bảo đảm và nợ xấu

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô
