Tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế - Nhìn lại năm 2024 và định hướng năm 2025
Tăng trưởng tín dụng và công tác điều hành tín dụng ngân hàng trong năm 2024 diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen. Các yếu tố tích cực đến từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế với các động lực tăng trưởng chính như sản xuất công nghiệp, thu hút và giải ngân FDI, xuất khẩu, du lịch… đạt kết quả khả quan, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, lãi suất USD giảm nhưng vẫn ở mức cao, đồng USD vẫn diễn biến phức tạp... Những khó khăn, thách thức này cộng hưởng với khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lũ và các vấn đề còn tồn tại trước đó có tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.
Trước tình hình đó, bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tín dụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và góp phần quan trọng vừa kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
1. Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024
Thứ nhất, tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2024 để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Đây là bước đi thể hiện sự chủ động của NHNN, phù hợp với diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát. Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với những khoản mới ở mức khoảng 6,65%/năm, giảm 0,59%/năm bằng cả hệ thống, riêng 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (Big 4) giảm khoảng 1% so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất tiền gửi bình quân đối với những khoản mới là 4,03%/năm, tăng 0,71%/năm.
Trụ sở NHNN |
Có thể nói, lãi suất tiền gửi tăng nhưng lãi suất cho vay giảm cho thấy, các TCTD sẵn sàng chủ động đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn. Bởi khi lãi suất tiền gửi tăng lên thì TCTD phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi, trong khi lãi suất cho vay giảm thì nguồn thu của các TCTD sẽ giảm và chênh lệch thu - chi của các TCTD sẽ bị thu hẹp hơn.
Thứ hai, đổi mới cách thức điều hành tăng trưởng tín dụng, tạo sự chủ động cho các TCTD trong tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4 - 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, các giải pháp điều hành tín dụng được thực hiện chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN chủ động theo dõi và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ mà không cần các TCTD phải đề nghị điều chỉnh; tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện lộ trình giảm dần và gỡ bỏ biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD. Thực tế với diễn biến lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã hai lần chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD (vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024) để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, trong đó bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ ba, triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng với nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Khách hàng có thể thực hiện vay vốn trên môi trường số mà không cần trực tiếp đến ngân hàng (cho vay bằng phương tiện điện tử), đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với các khoản cho vay có mức giá trị nhỏ bao gồm cả việc cấp tín dụng qua thẻ… tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hơn quá trình thẩm định, phê duyệt tín dụng, giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhanh chóng, thuận lợi hơn.
- Tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn Ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 (vào ngày 20/02/2024 và ngày 19/6/2024); làm việc trực tiếp với lãnh đạo chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố về công tác tín dụng năm 2024 nhằm đánh giá kết quả hoạt động tín dụng, bàn biện pháp tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng trên địa bàn và đưa ra giải pháp triển khai trong thời gian tới.
- Triển khai mạnh mẽ, sâu rộng Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp (hội nghị, buổi làm việc, trao đổi…) để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng; kịp thời xử lý, tháo gỡ, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương1.
- Chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng, ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân; triển khai theo thẩm quyền các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
- Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng nhằm nâng cao khả năng thu thập, cung cấp thông tin tín dụng khách hàng vay, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
- Tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay; xây dựng, triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm, dịch vụ tài chính; cảnh báo những hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”.
Thứ tư, triển khai mạnh mẽ các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân
- Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai quyết liệt thông qua nhiều hội nghị, văn bản chỉ đạo nhằm giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn từ Chương trình; trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà. Thực tế, đã có 9 ngân hàng2 đăng ký tham gia Chương trình với tổng số tiền đăng ký là 145.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân pháp lý trong việc triển khai dự án còn vướng mắc, nên đến nay, chương trình mới giải ngân được 1.903 tỉ đồng bao gồm: 1.727 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 16 dự án; 176 tỉ đồng cho người mua nhà tại 14 dự án.
- Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được các TCTD triển khai tích cực, hiệu quả với quy mô ban đầu là 15.000 tỉ đồng và hai lần nâng quy mô lên 30.000 tỉ đồng và 60.000 tỉ đồng. Đến tháng 11/2024, doanh số giải ngân lũy kế đạt khoảng 50.000 tỉ đồng với trên 12.000 lượt khách hàng vay vốn, đạt 83% doanh số cam kết.
- Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân (UBND) 12 tỉnh, thành phố trong vùng chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
- Hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi (cơn bão số 3): Trước những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra với tổng mức thiệt hại lên đến 81.703 tỉ đồng (có khoảng 124 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 192 nghìn tỉ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn), ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong đó, NHNN đã khẩn trương ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 như: Cơ cấu thời hạn trả nợ, phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3... Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 chỉ đạo các TCTD triển khai ngay cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại và triển khai các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay tiếp cận tín dụng... Theo đó, đã có 35 ngân hàng đăng ký hỗ trợ 405.000 tỉ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỉ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5 - 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5 - 6,7%, trung, dài hạn từ 5,5 - 8%/năm.
Đến nay, doanh số lũy kế cho vay mới đạt khoảng 43 nghìn tỉ đồng; thực hiện hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu với dư nợ khoảng 102 nghìn tỉ đồng. Có thể nói, các giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của cơn bão số 3 đối với đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau thiên tai.
Thứ năm, tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ 27 chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt 365.165 tỉ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, tập trung ở một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo đạt 33.895 tỉ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 41.355 tỉ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 46.033 tỉ đồng; cho vay học sinh, sinh viên đạt 20.030 tỉ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 24.334 tỉ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 61.624 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 107.857 tỉ đồng.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nên mặc dù trong những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng khá thấp do yếu tố mùa vụ đầu năm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 4/2024 trở đi, tăng trưởng tín dụng đã chứng kiến xu hướng phục hồi khá tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2023. Đến cuối năm 2024, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 15,8%, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó: Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao (công nghiệp hỗ trợ tăng trên 21%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng gần 30%). Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát (trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chiếm tỉ trọng nhỏ, khoảng 1%; tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm). Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh. Giải ngân đối với một số chương trình, chính sách tín dụng đạt kết quả tích cực (chương trình cho vay lâm sản, thủy sản đạt 86% cam kết theo quy mô lần 3). Các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2024.
Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức khá cao và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024.
2. Định hướng điều hành tín dụng năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tạo động lực, nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2025 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ IX; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9...
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng rất nặng nề.
Đối với công tác tín dụng năm 2025, NHNN và các TCTD tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy, lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại. Vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh vẫn dựa nhiều vào hệ thống các TCTD trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn sẽ tạo áp lực tăng lãi suất và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động tín dụng ngân hàng. Tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới nhiều biến động do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp, khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Trong bối cảnh đó, bám sát mục tiêu, định hướng của Đảng, Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành hoạt động tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Một số giải pháp trọng tâm trong điều hành tín dụng cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng và thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chủ động rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, tín dụng ngành, lĩnh vực...
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chủ trương Chính phủ; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Khuyến khích các TCTD tối ưu hóa chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn, hạn chế “tín dụng đen”.
Ba là, phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động tín dụng. Chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và chính quyền địa phương tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau; khuyến khích các TCTD tổ chức hội nghị khách hàng để lắng nghe, chia sẻ khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững.
Bốn là, tập trung triển khai quyết liệt các kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Những nỗ lực này không chỉ nhằm hỗ trợ kinh tế trong ngắn hạn mà còn hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài.
1 Đến quý III/2024, đã có gần 1.300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Thông qua chương trình, các TCTD đã cho vay được gần 1.594 nghìn tỉ đồng cho hơn 237.000 doanh nghiệp, 13.000 đối tượng khác; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 616 doanh nghiệp, 653 đối tượng khác với dư nợ gần 16.240 tỉ đồng; ngoài ra các TCTD còn thực hiện hỗ trợ bằng các hình thức khác như giảm lãi, phí...
2 NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM cổ phần Quân đội (MB), NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).