
Những tác động mạnh mẽ của cộng đồng kinh tế ASEAN tới nền kinh tế Việt Nam
Từ khi ra đời vào năm 2015 đến nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho nền kinh tế khu vực mà còn ứng phó, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu. Tham gia AEC mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ khai thác các nguồn lực bên ngoài và cùng với khai thác tiềm năng nội lực để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh cơ hội mở ra, việc tham gia AEC cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
1. Quá trình hình thành và phát triển của AEC
Vào ngày 22/11/2015, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút kí văn kiện lịch sử, tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN (AC), trong đó nêu rõ sự hình thành của AC tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu, rộng. Ngày 31/12/2015, AC chính thức được thành lập với ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), AEC và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).
Trong ba bộ phận hợp thành AC thì AEC được xem là đòn bẩy chính trong chính sách phát triển của các nước. Việc hình thành AEC có khởi nguồn từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 2010, từ đó đến nay, vấn đề liên kết và kết nối kinh tế ASEAN không ngừng mở rộng. Các liên kết ấy được thể hiện sinh động qua bốn đặc trưng của AEC, đó là: (i) Một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất gắn liền với lưu chuyển thuận lợi của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động kĩ năng và vốn; (ii) Một khu vực kinh tế cạnh tranh; (iii) Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; (iv) Một khu vực hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu chính của AEC là thúc đẩy tự do trong khu vực của năm yếu tố kinh tế thiết yếu gồm: Hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề - để tăng cường tính cạnh tranh của ASEAN như một cơ sở sản xuất thống nhất.
AEC là một trong bốn khối mậu dịch quan trọng của thế giới. Với hơn 600 triệu dân, GDP chung của ASEAN lớn hơn của Ấn Độ và bằng khoảng 30% GDP của Trung Quốc năm 2012. Với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các thị trường mới nổi, GDP của ASEAN đạt hơn 3.000 tỉ USD năm 2017, GDP bình quân đầu người của ASEAN sẽ tăng hơn 50% từ 3.600 tỉ USD năm 2012 đạt đến 5.800 tỉ USD năm 2017. Trong hơn một thập kỉ qua, thương mại nội khối ASEAN đạt khoảng 750 tỉ USD. AEC hiện là nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu với GDP đạt 3.100 tỉ USD, đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... Tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN tăng từ 108 tỉ USD năm 2010 lên 174 tỉ USD năm 2021, đưa ASEAN trở thành nơi nhận FDI lớn thứ 3 trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
2. Tác động của AEC đến Việt Nam
Những tác động tích cực
Trên chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển, ASEAN từ quy mô ban đầu với năm thành viên sáng lập, sau bốn lần mở rộng, ngày nay đã quy tụ được sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á. Với vị thế địa - kinh tế như nằm ở vị trí nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN cũng có thể được coi là vùng đệm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản, từ đó, ASEAN trở thành con đường vận chuyển thương mại lớn của thế giới (80% dầu lửa của Nhật Bản), là vựa lúa lớn của thế giới (Thái Lan và Việt Nam)… Và ASEAN đã trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, hợp tác của ASEAN đã bao gồm hợp tác nội vùng và với các nước bên ngoài. Từ Hiệp hội của những nước nghèo, chậm phát triển đã vươn lên thành khu vực phát triển kinh tế năng động với tổng thu nhập GDP hơn 3.000 tỉ USD, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Thành công và thành quả quan trọng nhất của ASEAN là trở thành hạt nhân và đầu tàu cho quá trình hợp tác và liên kết châu lục mà không có đối tác nào khác có thể thay thế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng như hiện nay, đang đặt ra cho ASEAN nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài tổ chức. Đến nay, AEC đã hoàn thành hơn 90% các biện pháp trong lộ trình nhưng phần còn lại đều là những vấn đề khó khăn, không dễ giải quyết, đòi hỏi các nước thành viên phải nỗ lực rất lớn với quyết tâm chính trị cao. Rõ ràng khó khăn là không ít, nhưng việc tham gia AEC cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ khai thác các nguồn lực bên ngoài, cùng với khai thác tiềm năng nội lực để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã tham gia tích cực và đầy đủ vào mọi hoạt động của ASEAN, là một thành viên đi đầu trong các hoạt động của ASAEN, nhất là trong cuộc vận động xây dựng AC nói chung và AEC nói riêng.
Để hội nhập sâu, rộng vào AEC, vào năm 2015, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines, đồng thời hoàn thành xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược với các nước có vai trò quan trọng trên thế giới và trong khu vực như: Canada, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Điều đó cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nếu xét về mặt kinh tế, thì 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện đã chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Như vậy, đối với người dân, dù là người sản xuất hay người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ những thành quả về quan hệ kinh tế, thương mại với các nước phát triển. Bởi những nước này cũng là các nước nhập khẩu hầu hết các sản phẩm mà Việt Nam sản xuất ra để xuất khẩu như nông sản, dệt may, giày dép, hàng điện tử. Ngược lại, người dân Việt Nam cũng tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu phần lớn từ các nước này. Đây là những lợi ích hết sức cụ thể để Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trên thế giới.
Một cơ hội khác cho Việt Nam khi tham gia AEC, đó là sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong AC sẽ không còn bị giới hạn bởi hàng rào bảo hộ, cũng như chính sách thuế quan sẽ trở về con số 0%. Đây chính là thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực ASEAN có nhiều chuyển biến tích cực. Từ các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Có thể nói, việc tham gia hợp tác giữa các quốc gia trong AEC xuất phát từ những thành tựu mà chúng ta đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, tất cả yếu tố đó đã tạo niềm tin cho các đối tác trong AC, giúp họ tăng cường mở rộng các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, dịch vụ, đầu tư với Việt Nam. Để tạo đà thuận lợi cho quá trình xây dựng AEC, Việt Nam đã khẩn trương tham gia Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là cơ hội lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi vì, khi tham gia vào ATIGA thì người tiêu dùng không chỉ được hưởng giá rẻ của đầu vào sản xuất mà hàng hóa tiêu dùng cũng rẻ hơn.
Ngoài các cơ hội trên, khi tham gia vào AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác ngày càng sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực khác như: Văn hóa - xã hội, khoa học kĩ thuật, giáo dục và đào tạo, y tế… với các nước trong AC. Đồng thời, cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác bên ngoài, nhất là các nước đối thoại với AC.
Một số thách thức
Nhìn vào sự phát triển của các nước trong AC thì rõ ràng khi tham gia vào AEC, bên cạnh những tác động tích cực, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do xuất phát điểm kinh tế thấp, sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những thách thức lớn ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không vượt lên chính mình, Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình và dẫn đến tụt hậu. Ngoài những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, khi tham gia AEC, Việt Nam còn gặp phải những trở ngại, thách thức khác như là:
- Về mặt lí thuyết, AEC không chỉ đẩy mạnh thương mại nội khối mà còn thu hút đầu tư nước ngoài trong toàn khu vực. Thế nhưng, tác dụng thúc đẩy thương mại nội khối của AEC có thể không nhiều do cộng đồng này tiếp tục phải chịu tác động của các rào cản thương mại và các biện pháp bảo hộ phi thuế quan. Đến nay các nước trong khối ASEAN vẫn chưa thể dỡ bỏ hết những rào cản thương mại về con số 0%. Một số quốc gia chủ chốt của ASEAN chưa muốn cắt giảm các hạng mục thuế quan quan trọng nhất của mình, trong khi nhiều rào cản trong số đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tiến trình tự do hóa thương mại nội khối.
- Về sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước, những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn trong khối lo ngại sự xâm nhập của các nền kinh tế phát triển hơn. Trong khi đó, các thành viên có nền kinh tế phát triển ở mức cao trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các ngành sản xuất hiện đại như công nghiệp nặng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng và các ngành dịch vụ khác...
- Các nước trong AEC vẫn chưa đạt được toàn bộ các mục tiêu đề ra theo chỉ số do AEC công bố năm 2015. Nguyên nhân cơ bản là do các nước thành viên vẫn còn những quan điểm chưa thống nhất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thương mại hóa của Việt Nam.
3. Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, nâng tầm vị thế trong khu vực và thế giới
Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn chiến lược trong quá trình hội nhập
Về tầm nhìn chiến lược trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần ưu tiên phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, nhất là quan hệ hữu nghị với các nước trong AEC. Đây là nền tảng trong chính sách hội nhập bền vững và là cơ sở cho sự phát triển toàn diện chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế song phương và đa phương của quốc gia. Trong đó, Việt Nam cần chủ động phối hợp với các nước trong AEC xây dựng và hoàn thiện các thể chế hợp tác về luật pháp. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với những đối tác chiến lược mở rộng của ASEAN như: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Hoa Kỳ… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tích cực thực hiện những chương trình sáng kiến hợp tác khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bởi RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu đại dịch; đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia bằng cách giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Thứ hai, xây dựng các thể chế, chính sách phù hợp trong bối cảnh hội nhập
Nhà nước cần xây dựng, ban hành chính sách phát triển môi trường kinh doanh, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, đổi mới nghiên cứu và phát triển. Đó là cơ sở cần thiết để tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh một số ngành công nghiệp có khả năng tạo bước đột phá như nông nghiệp, logistics, năng lượng, kinh tế biển, công nghệ cao…
Thứ ba, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế
Việc thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm sự vận hành của thị trường diễn ra phù hợp với quy luật khách quan. Với việc cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp có được những cơ hội trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, cạnh tranh mang lại những đóng góp tích cực cho thị trường và xã hội. Qua đó, người tiêu dùng được hưởng mức giá cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao. Cạnh tranh là điều kiện quan trọng, tiên quyết để thúc đẩy quá trình tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế bền vững. Về mặt chiến lược phát triển, doanh nghiệp cần nắm chắc thị phần bản địa và từng bước phát triển ra AEC, Đông Bắc Á và thế giới theo mục tiêu, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Thứ tư, xây dựng văn hóa kinh doanh, thích ứng với hội nhập
Xây dựng văn hóa kinh doanh đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Trong bối cảnh đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế khu vực ASEAN, Việt Nam cần đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh, trân trọng đối tác, nhà đầu tư, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc xây dựng AEC là kết quả nỗ lực vượt bậc với không ít gian nan của các nước thành viên trong việc tìm kiếm mô hình phát triển và hợp tác phát triển mang đậm phong cách ASEAN. Đây còn là biểu hiện rõ nét sự trưởng thành của ý thức tự lực, tự cường, với khát vọng vươn lên xây dựng một AC sống trong hòa bình, đoàn kết, phát triển năng động, đồng đều và thịnh vượng. Trong thời điểm hiện nay, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song AC đang đứng trước nhiều cơ hội lịch sử nhằm đưa hợp tác liên kết lên tầm cao mới, đó là việc hiện thực hóa AEC. Nhìn lại chặng đường đã qua, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng hiện thực hóa những mục tiêu mà AEC đã đề ra và khi làm được điều này sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng với thế giới, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngọc An (2023), “Kỳ vọng một ASEAN tầm vóc”, Báo Tuổi trẻ, ngày 06/9/2023.
2. Khánh Bình (2023), “Hội nghị cấp cao ASEAN 42 - Hướng đến một cộng đồng Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hồ sơ Sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), ngày 25/5/2023.
3. Phạm Minh Chính (2023), “Sứ mệnh của ASEAN trong thế giới đa cực”, Báo Tuổi trẻ, ngày 05/9/2023
4. Phạm Ngọc Hòa (2015), “Những đóng góp và triển vọng của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 8/2015.
5. Đoàn Duy Khương (2023), “Việt Nam - ASEAN trên con đường phồn vinh, thịnh vượng”, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), ngày 10/8/2023.
6. Phan Ngọc Liên (2006), Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. P. Hoontrakul, C. Balding, R. Marwah (2018), Châu Á chuyển mình, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
8. An Nhi (2015), “Thống nhất trong đa dạng”, Báo An ninh thế giới cuối tuần, số 171 (11/2015).
TS. Phạm Hữu Doanh (Trường Đại học Đà Lạt)
Phạm Ngọc Hòa (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp)
Tin bài khác


Quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
