
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
Tóm tắt: Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng thì kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Việc đặt trọng tâm, động lực phát triển đất nước vào khu vực tư nhân là định hướng đúng đắn bởi đây là khu vực kinh tế năng động, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, mà còn giải quyết các vấn đề xã hội. Bài viết làm rõ quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong hai thập niên gần đây; từ đó, khuyến nghị chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68.
PRIVATE ECONOMY: THE MOST IMPORTANT DRIVING FORCE OF THE ECONOMY
Abstracts: In the context of Vietnam's transition to building a modern market economy with deep integration, the private economy is the most important driving force of the economy. Focusing on the private sector as the driving force for national development is the right direction because this is a dynamic economic sector, not only contributing to economic growth, but also solving social problems. The article clarifies the Communist Party of Vietnam's perception of private economic development, as well as the practice of private economic development in Vietnam in the past two decades; thereby, making some policy recommendations to promote the remarkable development of the private economy in the new context.
Keywords: Modern market economy, private economy, Resolution No. 68.
1. Từ quá trình nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân
Thời gian qua, sự phát triển của kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, giải phóng lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trước đổi mới, trong nhận thức cũng như trong hành động, Việt Nam chưa thực sự thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Những sai lầm này tất yếu dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng vào cuối những năm 70 đầu năm 80 của thế kỷ XX. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải có những thay đổi lớn trong nhận thức và hành động, phải tìm ra con đường, bước đi phù hợp để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Khái niệm “kinh tế tư nhân” được chính thức sử dụng từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (tháng 3/1989). Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: “Trong điều kiện của nước ta, các hình thức kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hóa đi lên chủ nghĩa xã hội”1. Bước phát triển mới trong quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001), khi Đảng ta khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội IX, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX thông qua Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương có một nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006), Đảng ta đã có những khẳng định mới về vai trò của kinh tế tư nhân khi coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vị trí quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Có thể thấy, quan niệm coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong hai kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cho thấy tư duy lý luận của Đảng không ngừng vận động và phát triển, ngày một phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Từ nóng vội chủ quan cải tạo sớm các thành phần kinh tế tư nhân, tư bản đến chỗ thừa nhận vị trí, vai trò của thành phần kinh tế này nhằm mục đích giải phóng mọi sức sản xuất; tiếp đến xác định sự tồn tại lâu dài và xem các thành phần kinh tế là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”2. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP3. Nghị quyết này sẽ mở ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân và cụ thể hóa các giải pháp để phát huy tối đa vai trò, đưa kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng nhất” và là “lực lượng tiên phong” của nền kinh tế.
Chính sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng đã tạo cơ sở cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Theo Điều 51 Hiến pháp năm 2013, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân không ngừng được hoàn thiện thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật như: Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2004, 2014 và 2020; Luật Đầu tư năm 2004, 2014, 2020; Luật Cạnh tranh; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Nhờ đó đã tạo khung pháp luật chung, thống nhất về thành lập, tổ chức và hoạt động của các hình thức tổ chức kinh doanh áp dụng đối với mọi tổ chức kinh doanh không phân biệt về hình thức sở hữu và ngày càng tiệm cận với quy định, quy tắc chung của quốc tế. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa nhằm bảo vệ cho nhà đầu tư. Khu vực kinh tế tư nhân được tự do cạnh tranh và đối xử bình đẳng theo pháp luật so với kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
2. Đến thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta
Trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới 4.
Tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm cả nước có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm nước ta có hơn 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới5. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2021, đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể) luôn chiếm tỉ trọng trên 50% GDP cả nước (50,55% năm 2019; 50,56% năm 2020; 50,04% năm 2021). Năm 2024, cả nước có hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm trước; bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 197,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7%; bình quân một tháng có gần 16,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động6.
Bên cạnh đó, đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, tỉ trọng của kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn vượt khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn 2010 - 2021, tỉ trọng đầu tư của khu vực tư nhân đã tăng từ 44,6% năm 2010 lên mức 59,5% năm 20217. Chính kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công được tiết giảm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2022, một loạt công trình hạ tầng lớn do khu vực kinh tế tư nhân đảm nhận đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào vận hành. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội - đó là giải quyết lao động, việc làm. Giai đoạn 2010 - 2021, tuy tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên của khu vực tư nhân đã giảm từ 86,3% năm 2010 xuống còn 82,6% năm 2021, nhưng khu vực này vẫn giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động của nền kinh tế. Tốc độ tăng số lao động trung bình trong khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2011 - 2018 đạt trên 3,6%, riêng khu vực doanh nghiệp của tư nhân đạt gần 5,4%8.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế, được thể hiện trên các mặt sau: Huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư với số lượng lớn vào sản xuất kinh doanh; tạo ra nhiều của cải hàng hóa cho xã hội; đóng góp vào ngân sách nhà nước; góp phần nâng cao sức sản xuất của xã hội; tạo thêm nhiều việc làm mới vừa làm tăng của cải vật chất cho xã hội, vừa làm giảm áp lực giải quyết việc làm cho người lao động; thúc đẩy sự hình thành và phát triển các loại thị trường; làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước; tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động sản xuất và kinh doanh; tạo động lực và môi trường cạnh tranh sống động, linh hoạt, sáng tạo cho sự phát triển; góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm... Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành, nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Lĩnh vực kinh doanh đa dạng, song chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ, có xu hướng tháo lui khỏi lĩnh vực công nghiệp và đang mất thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năng lực công nghệ, khả năng hội nhập quốc tế còn thấp và ít gắn kết với đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật và canh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại… có xu hướng gia tăng, phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không đảm bảo lợi ích của người lao động. Đã xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
3. Khuyến nghị chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc trong bối cảnh mới
Một là, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết số 68-NQ/TW với những giải pháp về huy động vốn, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực, thông tin thị trường... Thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chú trọng các chỉ số đang xếp hạng thấp như: Bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản…, gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hai là, thực sự gỡ bỏ các rào cản, đặc biệt là rào cản về nhận thức và điều hành thực tiễn trong quản lý nhà nước về kinh tế đối với khu vực kinh tế tư nhân. Chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách đã có chuyển biến lớn theo hướng coi trọng vai trò, động lực của khu vực kinh tế tư nhân, tuy nhiên, còn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực thật sự của Chính phủ, các ban, ngành Trung ương trong quá trình triển khai chủ trương này. Mặt khác, phát huy vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế tư nhân bằng việc thông tin rộng rãi, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng các mô hình phát triển, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Ba là, có chiến lược phát triển vị thế, vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đồng hành với phát triển mạnh khu vực kinh tế nước ngoài và tính hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước. Đồng thời, rà soát và xóa bỏ các rào cản khi gia nhập và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực tư nhân nói riêng. Triển khai trong thực tiễn các cơ chế, chính sách về đất đai, lao động, tài chính, ngân hàng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai theo hướng tích tụ ruộng đất trực tiếp với hộ gia đình.
Bốn là, các cấp ủy Đảng tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương nhất quán trong phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và đồng hành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một xu thế khách quan. Tuy nhiên, để đưa kinh tế tư nhân phát triển đúng quỹ đạo, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa lại là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, lâu dài và khó khăn. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách và cơ chế, biện pháp quản lý phù hợp, không làm mất động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Bên cạnh nỗ lực từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp, những người làm kinh doanh cũng phải có những nỗ lực để tạo ra sự cộng hưởng từ chính sách, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, tập 49, trang 598.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, trang 130.
3 Bộ Chính trị: Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
4 Bộ Chính trị: Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
5 Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả sơ bộ, Nxb.Thống kê, H.2022, trang 72.
6 Cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025, truy cập từ trang https://www.nso.gov.vn/, [cập nhật ngày 06/4/2025].
7 Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả sơ bộ, Nxb. Thống kê, H.2022, trang 263.
8 Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả sơ bộ, Nxb. Thống kê, H.2022, trang 266.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
2. Cục Thống kê (2025). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025, truy cập từ trang https://www.nso.gov.vn/.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, trang 49.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I.
5. Lê Xuân Nghĩa (2019). Cải cách khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn, Báo Thanh niên ngày 7/01/2019.
6. Tổng cục Thống kê (2022). Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả sơ bộ, Nxb. Thống kê, H.2022.
Tin bài khác


Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Bứt phá trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát hành vi “tẩy xanh” hướng tới tăng trưởng bền vững - Góc nhìn từ khía cạnh pháp lý

Tiến tới Hiệp ước Toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa

Thực hành tiết kiệm

Thanh toán không dùng tiền mặt tạo lập thói quen chi tiêu của người dân

Thủ tướng: Triển khai ngay cơ chế đặc thù với nhà ở xã hội; lập Quỹ nhà ở quốc gia trong tháng 6

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngành Ngân hàng quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
