
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”
![]() |
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hoàng Giáp) |
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT-NHNN, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN khẳng định, trong thời gian qua, công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức thực thi và hoạt động quản lý giám sát, tổ chức triển khai trong nước cũng như quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam đã xác định hành vi rửa tiền trong quy định của Bộ luật Hình sự với hình phạt đủ sức răn đe cho cả thể nhân và pháp nhân. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức đáng kể do hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố diễn ra ngày càng tinh vi, đến nhiều lĩnh vực ngành, nghề; công tác phối hợp triển khai phòng, chống rửa tiền của các bộ, ngành còn hạn chế, còn nặng nhiều thủ tục hành chính…; do đó hiệu quả thực thi còn chưa cao.
Mặt khác, bà Nguyễn Thị Minh Thơ chia sẻ, các yêu cầu trong bối cảnh phức tạp, liên quan hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực này ngày càng khắt khe. Các chuẩn mực quốc tế, thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên tục sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.
Hơn nữa, việc sửa đổi Thông tư số 09/2023/TT-NHNN nhằm thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện và hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, bà Nguyễn Thị Minh Thơ khẳng định.
Đại diện NHNN cho biết, các điểm được điều chỉnh, cập nhật trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT-NHNN bao gồm tiêu chí và phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, cùng với quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi các nội dung liên quan đến quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Đặc biệt, các chế độ báo cáo giao dịch cũng được điều chỉnh, bao gồm chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ và giao dịch chuyển tiền điện tử…
Đối tượng chịu sự điều chỉnh trong lần sửa đổi bổ sung Thông tư này được xác định (bao gồm các đối tượng đã quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN) là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Hoàng Giáp) |
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ cũng chỉ ra một số điểm khác biệt quan trọng trong Dự thảo lần này so với quy định hiện hành tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN. Theo đó, Dự thảo này sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT-NHNN đối với các nội dung quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.
Dự thảo Thông tư bổ sung khoản 6 Điều 3 như sau: “6. Đối tượng báo cáo phải báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền cho NHNN và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này”.
Lý giải sự điều chỉnh này, Thông tư số 09/2023/TT-NHNN đã quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền; tuy nhiên, chưa có quy định về mẫu báo cáo kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của các đối tượng báo cáo.
Việc thiếu quy định mẫu báo cáo dẫn đến một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể: Các đối tượng báo cáo hiện đang tự xây dựng và gửi báo cáo kết quả đánh giá rủi ro theo các mẫu biểu, hình thức trình bày khác nhau. Điều này gây khó khăn cho NHNN và các bộ, ngành quản lý trong việc tổng hợp, so sánh và đánh giá chất lượng giữa các báo cáo; thời gian qua, NHNN đã tiếp nhận ý kiến của một số đối tượng báo cáo đề nghị có hướng dẫn thống nhất về mẫu báo cáo đánh giá rủi ro để thuận tiện trong quá trình thực hiện và bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ của thông tin báo cáo.
Do đó, việc bổ sung quy định tại Thông tư nhằm: (i) Thiết lập cơ sở pháp lý cho việc ban hành mẫu báo cáo đánh giá rủi ro; (ii) Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong báo cáo giữa các đối tượng báo cáo; (iii) Hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá hiệu quả hơn từ phía NHNN và các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, nhằm quy định rõ thẩm quyền phê duyệt quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền là do: Theo khuyến nghị của FATF, NHNN phải có quy định yêu cầu các tổ chức tài chính và các tổ chức kinh doanh ngành, nghề phi tài chính được chỉ định (DNFBP) có các chính sách, kiểm soát và các thủ tục được quản lý cấp cao phê chuẩn. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2023/TT-NHNN chỉ yêu cầu tổ chức tài chính xây dựng và thực hiện quy trình, chưa quy định cụ thể cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về nguyên tắc, tổ chức tài chính ban hành quy trình nội bộ theo phân cấp tại quy định nội bộ, tuy nhiên, việc này có thể dẫn tới việc quy trình được xây dựng, ban hành nhưng chưa bảo đảm tuân thủ và đáp ứng yêu cầu về sự giám sát của “quản lý cấp cao”.
Đối với việc bổ sung “Quy trình nhận biết khách hàng trên cơ sở rủi ro”, việc bổ sung quy trình này để hướng dẫn chi tiết quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, bảo đảm sự phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro trong phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đều nhấn mạnh nguyên tắc "áp dụng biện pháp phòng ngừa trên cơ sở rủi ro" đối với khách hàng, sản phẩm và giao dịch.
Trong khi đó, tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN chưa tách bạch và cụ thể hóa quy trình nhận biết khách hàng trên cơ sở rủi ro trong nhận biết khách hàng, khiến việc thực thi nguyên tắc này còn lúng túng hoặc thiếu trọng tâm. Do đó, việc bổ sung riêng một quy trình nhận biết khách hàng trên cơ sở rủi ro sẽ giúp tổ chức tài chính thiết lập quy trình phù hợp hơn với từng loại khách hàng và mức độ rủi ro, nâng cao hiệu quả nhận diện và giảm thiểu rủi ro bị lợi dụng để rửa tiền. Việc yêu cầu có một quy trình riêng sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng để NHNN đánh giá mức độ tuân thủ của các tổ chức tài chính trong các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Những sự khác biệt này không chỉ là câu chữ mang tính kỹ thuật mà còn có thể tác động đáng kể đến các đối tượng điều chỉnh của Thông tư. Việc làm rõ và thảo luận kỹ lưỡng về điểm khác biệt này trong Hội thảo là rất cần thiết để bảo đảm rằng khi Thông tư chính thức được ban hành, các đối tượng chịu sự điều chỉnh có thể hiểu rõ, chuẩn bị đầy đủ và triển khai một cách hiệu quả, bà Nguyễn Thị Minh Thơ khẳng định.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng từ các tổ chức tài chính, các ngành, nghề phi tài chính liên quan, các chuyên gia pháp lý… Những ý kiến này được chia sẻ từ góc độ thực tiễn triển khai công tác phòng, chống rửa tiền tại đơn vị, cũng như từ kinh nghiệm và sự am hiểu chuyên sâu về các chuẩn mực quốc tế.
Tại Hội thảo, đại diện NHNN khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo phù hợp, bảo đảm vừa đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, giảm thiểu rủi ro không cần thiết, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, góp phần vào sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
"Quy định mới nếu sớm đi vào thực hiện sẽ có nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các hành động theo cam kết của Chính phủ với FATF và cũng đang trong quá trình khởi động, chuẩn bị cho đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) lần thứ 3 đối với Việt Nam (dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2027), việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường thực thi đóng vai trò then chốt. Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị tại trung ương và địa phương, đặc biệt là vai trò của các đối tượng báo cáo, là điều kiện cơ bản để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao", bà Nguyễn Thị Minh Thơ khẳng định.
Tin bài khác


Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô
