Đạo đức xuất bản
1. Nhiệm vụ của tác giả
Quyền tác giả: Những cá nhân có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu mới có quyền tác giả về bài viết.
Tiêu chuẩn về bản thảo bài viết: Tác giả/nhóm tác giả cần cung cấp bản thảo bài viết đến Tạp chí Ngân hàng về kết quả nghiên cứu chưa từng được công bố/xuất bản tại bất kì ấn phẩm/trang thông tin nào. Tác giả/nhóm tác giả cần trình bày khách quan về tầm quan trọng của bài nghiên cứu.
Tính nguyên bản của bản thảo, đạo văn và xác nhận nguồn: Tác giả/nhóm tác giả cần đảm bảo bài viết gửi đến Tạp chí Ngân hàng là bản thảo gốc và không trùng lắp với sản phẩm đã được xuất bản trước đây bao gồm cả sản phẩm do chính tác giả xuất bản; bài viết chưa được gửi đến các Tạp chí khác khi gửi cho Tạp chí Ngân hàng. Dữ liệu và kết quả phân tích trong bài viết là trung thực và không bị ngụy tạo và/hoặc chỉnh sửa, xuyên tạc. Nếu tác giả sử dụng tài liệu hay lời trích dẫn của các nhà khoa học khác thì tác giả/nhóm tác giả cần phải trích dẫn, trích nguồn hoặc xin phép được sử dụng tài liệu đó trong nghiên cứu.
Truy cập và lưu trữ tài liệu: Dữ liệu, tài liệu tham khảo và các thông tin khác trong bài nghiên cứu phải được trình bày chính xác và đầy đủ để có thể được nhân rộng nghiên cứu. Nếu trong bài viết có sự gian lận hoặc cố ý đưa ra các nhận định không chính xác thì tác giả/nhóm tác giả được coi là có hành vi phi đạo đức. Tác giả/nhóm tác giả cần cung cấp dữ liệu hỗ trợ nghiên cứu cho quá trình biên tập và truy cập công khai vào dữ liệu đó. Dữ liệu trong bài viết cần được lưu giữ theo thời gian quy định sau khi xuất bản.
Nhiều ấn phẩm: Tác giả/nhóm tác giả không xuất bản các bản thảo có cùng một nội dung nghiên cứu trên nhiều hơn một tạp chí hoặc đơn vị xuất bản.
Tuyên bố về xung đột lợi ích: Trong bản thảo bài viết, tất cả tác giả cần nêu rõ các mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Tác giả/nhóm tác giả cần liệt kê cụ thể các nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và/hoặc hoàn thiện bài viết. Nếu nguồn tài trợ không có bất kì sự liên quan nào thì tác giả/nhóm tác giả cũng cần phải tuyên bố rõ ràng trong bài viết.
Thông báo về các sai sót trong ấn phẩm đã xuất bản: Khi tác giả/nhóm tác giả phát hiện có sai sót trong bài viết đã xuất bản thì phải thông báo ngay cho Tạp chí Ngân hàng để rút bài hoặc sửa chữa những nội dung cụ thể trong bài viết. Nếu Tạp chí Ngân hàng nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, thì tác giả/nhóm tác giả có trách nhiệm hợp tác kịp thời cùng với Tạp chí Ngân hàng, bao gồm việc cung cấp đầy đủ bằng chứng cho Tạp chí Ngân hàng khi được yêu cầu.
2. Nhiệm vụ của chuyên gia phản biện
Đóng góp trong quyết định biên tập: Nhiệm vụ của các nhà khoa học - chuyên gia phản biện nhằm hỗ trợ Tạp chí Ngân hàng đưa ra quyết định trong quá trình biên tập và thông qua nhận xét cụ thể các nghiên cứu, từ đó hỗ trợ tác giả/các tác giả và Tạp chí Ngân hàng nâng cao chất lượng bài viết. Khi chuyên gia phản biện được Tạp chí Ngân hàng mời mà nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện phản biện nghiên cứu được gửi đến hay biết rằng nếu thực hiện phản biện cũng sẽ không mang tính khả thi thì cần phải thông báo ngay cho Tạp chí Ngân hàng và gửi thư từ chối lời mời tham gia vào quy trình phản biện của Tạp chí Ngân hàng.
Tính bảo mật: Bất kì bản thảo nào đang trong quy trình phản biện của Tạp chí Ngân hàng thì đều được xem như là tài liệu bảo mật. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ tất cả các đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kì ai hay liên hệ trực tiếp với tác giả mà không được sự đồng ý của Tạp chí Ngân hàng. Chuyên gia phản biện không được sử dụng các tài liệu/kết quả nghiên cứu trong bản thảo bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả/nhóm tác giả.
Cảnh báo về các vấn đề đạo đức: Các chuyên gia phản biện cần có nhận thức cao về các vấn đề xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan đến bài viết và thông báo ngay cho Tạp chí Ngân hàng, bao gồm bất kì sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa các bản thảo đang xem xét với các bài viết đã được công bố mà chuyên gia phản biện biết đến.
Tiêu chuẩn về tính khách quan: Công tác phản biện cần được thực hiện một cách khách quan mà không có sự thiên lệch mang tính cá nhân nào trong quá trình phản biện bản thảo bài viết. Việc phê bình cá nhân tác giả/nhóm tác giả đang gửi bản thảo bài viết được coi là không phù hợp. Nếu chuyên gia phản biện đề xuất tác giả/nhóm tác giả đưa trích dẫn nghiên cứu của mình vào bài viết thì đó là vì lí do khoa học chính đáng, chứ không phải vì mục đích làm tăng số trích dẫn bài nghiên cứu hay nâng cao tính minh bạch công trình nghiên cứu của mình.
3. Nhiệm vụ của Tạp chí Ngân hàng
Quyết định xuất bản: Tạp chí Ngân hàng chịu trách nhiệm đối với việc đăng tải và xuất bản các bài viết gửi về Tạp chí Ngân hàng.
Phản biện của chuyên gia: Tạp chí Ngân hàng phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và xử lí đúng hạn theo quy trình phản biện. Một số bài viết phải được phản biện bởi các chuyên gia độc lập bên ngoài và khi cần thiết Tạp chí Ngân hàng có thể tham khảo thêm các ý kiến khoa học khác. Tạp chí Ngân hàng cần lựa chọn chuyên gia phản biện có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của bài viết để tránh việc lựa chọn các chuyên gia phản biện không phù hợp.
Tính công bằng: Việc đánh giá bản thảo gửi đến Tạp chí Ngân hàng dựa trên nội dung khoa học. Tạp chí Ngân hàng cần thiết lập một cơ chế minh bạch để đưa ra các quyết định biên tập các bài viết gửi đến Tạp chí Ngân hàng.
Tính bảo mật: Tạp chí Ngân hàng phải đảm bảo tính bảo mật của tất cả các bản thảo gửi đến và các cuộc trao đổi với chuyên gia phản biện. Tạp chí Ngân hàng phải giữ kín thông tin về các chuyên gia phản biện và không được phép sử dụng các thông tin trong bản thảo để phục vụ cho mục đích cá nhân.
Công khai về xung đột lợi ích: Viên chức Tạp chí Ngân hàng không được tham gia vào quy trình xét duyệt các bài viết mà họ tự viết hoặc các thành viên gia đình, đồng nghiệp tham gia viết, hay là bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà trong đó viên chức Tạp chí Ngân hàng được hưởng lợi ích.
Tạp chí Ngân hàng