
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Tóm tắt: Sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang tác động mạnh mẽ đến hệ thống tài chính - ngân hàng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều mô hình kinh doanh mới vẫn chưa được bao quát trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát và bảo vệ quyền lợi người dùng. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập khung pháp lý cho việc thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình tài chính mới ứng dụng công nghệ, trước khi chính thức áp dụng toàn hệ thống. Bài viết này phân tích các quy định của Nghị định số 94/2025/NĐ-CP, đánh giá tác động thực tiễn đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Fintech, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi, hoàn thiện khung pháp lý và phát huy vai trò của cơ chế thử nghiệm trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Từ khóa: Fintech, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chuyển đổi số.
A REGULATORY SANDBOX - A STRATEGIC BREAKTHROUGH TO PROMOTE FINTECH
AND DIGITAL TRANSFORMATION IN THE BANKING SECTOR
Abstract: The rapid growth of financial technology (Fintech) has significantly impacted the global financial and banking systems, including Vietnam. However, numerous new business models remain outside the scope of the current legal framework, posing challenges for regulatory oversight and consumer protection. In response to these practical demands, on April 29, 2025, the Government of Vietnam issued Decree No. 94/2025/NĐ-CP on the regulatory sandbox mechanism in the banking sector. This Decree takes effect from from July 01, 2025, marking the first time Vietnam has established a legal framework for piloting new technology-driven financial products, services, and business models before their full-scale implementation. This article analyzes the provisions of Decree No. 94/2025/NĐ-CP, assesses its practical implications for credit institutions and Fintech companies, thereby, providing recommendations to enhance the effectiveness of its implementation, improve the legal framework, and promote the role of the sandbox mechanism in the digital transformation of Vietnam’s financial and banking sector.
Keywords: Fintech, regulatory sandbox, digital transformation.
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
1. Bối cảnh ban hành và nội dung cơ bản của Nghị định số 94/2025/NĐ-CP
Tại khu vực ASEAN, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan là những nước tiên phong trong việc áp dụng cơ chế thử nghiệm để hỗ trợ phát triển Fintech. Cụ thể, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai cơ chế thử nghiệm từ năm 2016 dưới sự điều hành của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp Fintech triển khai giải pháp tài chính sáng tạo trong môi trường có giới hạn, được giám sát bởi cơ quan quản lý và được miễn trừ một số yêu cầu pháp lý nhất định trong thời gian thử nghiệm.
Tại Thái Lan, cơ chế thử nghiệm được tổ chức theo mô hình phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC). Mô hình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp như thanh toán QR, định danh điện tử (eKYC), bảo hiểm số và tư vấn đầu tư tự động (robo-advisory). Kết quả thử nghiệm từ các cơ chế này cũng góp phần thúc đẩy ban hành các quy định pháp lý điều chỉnh mới cho các dịch vụ tài chính sáng tạo, đặc biệt là cho vay ngang hàng (P2P Lending) và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Việt Nam, Fintech trong những năm gần đây cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thanh toán điện tử, P2P Lending, chấm điểm tín dụng bằng trí tuệ nhân tạo (AI), robo-advisory và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Theo báo cáo của Ernst & Young năm 2024, Fintech tại Việt Nam phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng kép 25,7% trong giai đoạn 2017 - 2023, chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán và cho vay kỹ thuật số. Chỉ số tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal cũng cho thấy, Việt Nam chỉ xếp hạng 14 thế giới và đứng thứ 3 ASEAN, sau Singapore và Thái Lan, theo đó ghi nhận khoảng cách nhất định trong ứng dụng Fintech so với các nước dẫn đầu khu vực1. Mặc dù phát triển nhanh, nhưng đa số các mô hình Fintech tại Việt Nam hiện nay vẫn nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật hoặc chỉ chịu sự điều chỉnh gián tiếp, gây ra rủi ro đáng kể cho người tiêu dùng tài chính, đồng thời tạo thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước. Trước thực tế đó, từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 về việc thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ2. Theo đó, NHNN đã chủ động nghiên cứu và xây dựng Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thiết lập một cơ chế thử nghiệm dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý thử nghiệm rõ ràng, an toàn và linh hoạt cho các sản phẩm Fintech mới.
Đặc biệt, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã lần đầu tiên chính thức hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng tại Điều 106. Theo quy định này, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính phủ được giao trách nhiệm quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, điều kiện và phạm vi thực hiện cơ chế thử nghiệm này. Trên cơ sở đó, ngày 17/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP với mục đích chính như sau: (i) Quy định các chuẩn mực, nguyên tắc cho sự vận hành cơ chế thử nghiệm, đề ra các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chí xét duyệt, biện pháp kiểm soát đối với việc thử nghiệm các giải pháp Fintech; (ii) Sử dụng kết quả, thông tin đầu vào của cơ chế thử nghiệm để sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, ban hành quy định mới, cải cách khung khổ pháp lý của ngành Ngân hàng theo hướng thích ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động Fintech; (iii) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (iv) Thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện theo hướng ứng dụng giải pháp Fintech nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng.
Có thể khẳng định, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc thử nghiệm các sản phẩm, mô hình, dịch vụ tài chính mới ứng dụng công nghệ. Một số nội dung chính của Nghị định như sau:
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech và các bên liên quan như cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khách hàng sử dụng giải pháp Fintech trong khuôn khổ thử nghiệm. Đối tượng được chấp thuận thử nghiệm phải triển khai các sản phẩm hoặc mô hình tài chính mới thuộc lĩnh vực chưa được quy định rõ ràng hoặc chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.
Ba lĩnh vực Fintech được phép thử nghiệm theo Nghị định bao gồm: (i) Chấm điểm tín dụng - sử dụng dữ liệu phi truyền thống và công nghệ để đánh giá uy tín tín dụng của khách hàng; (ii) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) - kết nối hệ thống giữa các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ đa nền tảng; (iii) Ứng dụng P2P Lending để kết nối trực tiếp bên vay và bên cho vay trên nền tảng số, sử dụng đồng Việt Nam và bị giới hạn phạm vi theo quy định cụ thể của Giấy chứng nhận tham gia thử nghiệm.
Về điều kiện và tiêu chí tham gia: Tổ chức đề xuất thử nghiệm phải đáp ứng đồng thời các điều kiện pháp lý, năng lực tài chính, nhân sự, đặc biệt là các tiêu chí kỹ thuật như: Giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích thực tiễn; đã xây dựng mô hình quản trị rủi ro; có kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng và phương án rút lui an toàn trong trường hợp kết thúc thử nghiệm. Đối với công ty Fintech, yêu cầu người đại diện pháp luật phải có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức, pháp lý chặt chẽ.
Về thời hạn và phạm vi thử nghiệm: Mỗi giải pháp Fintech được phép thử nghiệm tối đa 2 năm, có thể được gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần tối đa 1 năm nếu có lý do chính đáng. Phạm vi thử nghiệm (bao gồm quy mô khách hàng, địa bàn, loại dịch vụ cung cấp...) được xác định cụ thể trong Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm do NHNN cấp, trên cơ sở đánh giá rủi ro và ý kiến của các bộ ngành liên quan.
Kết thúc giai đoạn thử nghiệm: NHNN sẽ căn cứ vào báo cáo đánh giá của tổ chức thử nghiệm, kết quả giám sát trong quá trình thực hiện và ý kiến của các cơ quan liên quan để quyết định một trong ba phương án: Dừng thử nghiệm và thu hồi Giấy chứng nhận tham gia thử nghiệm, gia hạn thử nghiệm hoặc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm, từ đó mở đường cho triển khai chính thức hoặc kiến nghị xây dựng quy phạm pháp luật phù hợp.
Về cơ chế giám sát và bảo vệ người tiêu dùng: Nghị định số 94/2025/NĐ-CP trao cho NHNN quyền yêu cầu báo cáo định kỳ, kiểm tra tại chỗ và đình chỉ thử nghiệm nếu phát hiện vi phạm hoặc rủi ro ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Đồng thời, tổ chức thử nghiệm phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, có cơ chế xử lý khiếu nại, cam kết minh bạch với khách hàng và xây dựng phần mềm hỗ trợ giám sát nếu được yêu cầu.
2. Một số tác động tích cực và thách thức của Nghị định số 94/2025/NĐ-CP khi triển khai áp dụng
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong quá trình thể chế hóa đổi mới sáng tạo tài chính tại Việt Nam. Không chỉ góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Nghị định này còn tạo ra các tác động sâu rộng đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Dưới đây là một số tác động tích cực và thách thức khi triển khai thực hiện Nghị định số 94/2025/NĐ-CP.
2.1. Một số tác động tích cực
(i) Thúc đẩy hợp tác đổi mới giữa ngân hàng và công ty Fintech
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý linh hoạt cho các ngân hàng thương mại tăng cường hợp tác với công ty Fintech thông qua các mô hình như Open API, thử nghiệm sản phẩm tài chính số, eKYC, P2P Lending... Việc này góp phần thúc đẩy hình thành hệ sinh thái tài chính số đồng bộ và cạnh tranh hơn. Theo hướng dẫn của Jenik và Duff (2020), cơ chế thử nghiệm tạo điều kiện để các cơ quan quản lý tăng cường tương tác với khu vực tư nhân thông qua thử nghiệm trực tiếp, từ đó thu thập thông tin thực tiễn về đổi mới sáng tạo và điều chỉnh chính sách dựa trên bằng chứng3.
(ii) Mở rộng tiếp cận tài chính
Thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới trong môi trường có kiểm soát giúp các TCTD tiếp cận các nhóm khách hàng chưa được phục vụ. Việc ứng dụng công nghệ số như eKYC, robo-advisory, ví điện tử... giúp đơn giản hóa quy trình tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí phục vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng. Đồng thời, quá trình thử nghiệm cũng tạo cơ sở để các tổ chức đánh giá nhu cầu thực tiễn, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với từng phân khúc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia. Tại Malaysia, sau giai đoạn thử nghiệm, một công ty Fintech đã huy động thành công được 18,5 triệu ringgit (tương đương 4,4 triệu USD) để mở rộng hoạt động tập trung vào nhóm khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng4.
(iii) Tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng
Việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp Fintech ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning) giúp các ngân hàng nâng cao độ chính xác trong chấm điểm tín dụng, tăng hiệu quả quản trị rủi ro và tối ưu hóa quy trình vận hành. Nhờ đó, các TCTD có thể cắt giảm chi phí, cải thiện năng suất và thích ứng linh hoạt hơn với xu hướng số hóa ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
(iv) Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, cho phép các tổ chức tín dụng thử nghiệm mô hình ngân hàng số toàn diện trong môi trường pháp lý có kiểm soát. Điều này tạo điều kiện để các ngân hàng đánh giá hiệu quả, mức độ chấp nhận của thị trường và khả năng vận hành công nghệ mới trước khi triển khai đại trà, từ đó giảm thiểu rủi ro và chi phí thử - sai trong môi trường thực tế. Việc thử nghiệm các mô hình như ngân hàng số không chi nhánh, eKYC, Open API, AI trong vận hành, không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào hệ thống chi nhánh vật lý truyền thống mà còn tái cấu trúc mô hình phục vụ, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dùng.
2.2. Một số thách thức
(i) Áp lực cạnh tranh và rủi ro bất bình đẳng
Mô hình kinh doanh tinh gọn, chi phí vận hành thấp và khả năng đổi mới nhanh của các công ty Fintech đang tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như thanh toán, cho vay tiêu dùng và huy động vốn. Trong khi đó, việc chỉ một số doanh nghiệp được lựa chọn tham gia cơ chế thử nghiệm có thể dẫn đến cảm nhận về sự thiên lệch trong tiếp cận chính sách, từ đó làm phát sinh lo ngại về môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng lĩnh vực.
(ii) Rủi ro công nghệ và an toàn thông tin
Việc thử nghiệm sản phẩm trong môi trường thực tế, đặc biệt với các mô hình xử lý dữ liệu cá nhân, chấm điểm tín dụng tự động hoặc giao dịch tài sản số, tiềm ẩn nhiều rủi ro như rò rỉ thông tin, sai lệch thuật toán hoặc gian lận công nghệ nếu thiếu cơ chế kiểm soát phù hợp. Nhằm hạn chế các rủi ro này, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP yêu cầu tổ chức thử nghiệm phải xây dựng kế hoạch ứng phó, phương án quản lý rủi ro, cũng như triển khai biện pháp bảo vệ dữ liệu và bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, tổ chức thử nghiệm có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp xảy ra sự cố theo thỏa thuận và quy định pháp luật hiện hành.
(iii) Gia tăng chi phí tuân thủ và nguồn lực quản trị
Cơ chế thử nghiệm đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện tham gia, quy trình thẩm định, nghĩa vụ báo cáo, lưu trữ và giám sát, kéo theo chi phí tuân thủ đáng kể, đặc biệt đối với các tổ chức có quy mô vừa và nhỏ. Theo nghiên cứu của Consultative Group to Assist the Poor (2020), chi phí vận hành một cơ chế sandbox tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) có thể dao động từ 25.000 USD - 100.000 USD5. Khoản chi này bao gồm: Phí thẩm định ban đầu, tư vấn pháp lý - công nghệ, xây dựng báo cáo định kỳ, giám sát tuân thủ, đầu tư vào hạ tầng bảo mật thông tin và quản lý dữ liệu theo tiêu chuẩn cao.
Tại Việt Nam, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP yêu cầu tổ chức tham gia thử nghiệm phải xây dựng hồ sơ đề xuất chi tiết, đính kèm báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch xử lý sự cố; báo cáo định kỳ về tiến độ và hiệu quả thử nghiệm; cung cấp thông tin phục vụ giám sát tại chỗ và bảo đảm lưu trữ dữ liệu minh bạch. Những yêu cầu này đòi hỏi tổ chức phải thiết lập hệ thống quản trị nội bộ chuyên biệt, xây dựng cơ chế giám sát độc lập, trong nhiều trường hợp, phải điều chỉnh cấu trúc tổ chức để đáp ứng các nghĩa vụ thử nghiệm kéo dài từ 2 - 4 năm.
(iv) Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ
Việc tích hợp với hệ thống Fintech đòi hỏi ngân hàng phải nâng cấp hệ thống core banking, mở cổng API an toàn, chuẩn hóa dữ liệu và đồng bộ hóa quy trình vận hành phù hợp với mô hình số. Đây là bài toán đầu tư lớn về cả công nghệ và con người, nhất là với các ngân hàng chưa sẵn sàng chuyển đổi số toàn diện.
3. Một số đánh giá và khuyến nghị
Thứ nhất, cơ chế thử nghiệm là giai đoạn cần thiết trước khi thiết lập khuôn khổ pháp lý chính thức
Cơ chế thử nghiệm được thiết kế nhằm kiểm chứng tính khả thi và hiệu quả thực tiễn của các mô hình đổi mới tài chính trước khi được điều chỉnh chính thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu không xác lập lộ trình luật hóa rõ ràng, việc kéo dài thời gian thử nghiệm có thể khiến các doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái pháp lý không ổn định, không được cấp phép chính thức nhưng cũng không chịu sự điều chỉnh đầy đủ, từ đó làm phát sinh rủi ro pháp lý và thiếu minh bạch trong thực thi chính sách. Quy định tại Điều 18 Nghị định số 94/2025/NĐ-CP cũng đã xác định rõ nguyên tắc kết thúc giai đoạn thử nghiệm và chuyển đổi sang khuôn khổ pháp lý chính thức. Do đó, việc xây dựng lộ trình luật hóa, đồng thời tích hợp kết quả thử nghiệm vào quá trình hoàn thiện pháp luật là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tính nhất quán, minh bạch và bền vững trong quản lý đổi mới sáng tạo tài chính.
Thứ hai, phạm vi lĩnh vực thử nghiệm cần được mở rộng
Theo thống kê của Worldwide Adoption of Regulatory Sandboxes, đến năm 2024, có tới 66,3% các cơ chế thử nghiệm trên toàn cầu được triển khai trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và bảo hiểm6. Trong khi Nghị định số 94/2025/NĐ-CP hiện mới quy định ba lĩnh vực được ưu tiên thử nghiệm, do vậy, Việt Nam cần chủ động mở rộng phạm vi này nhằm bắt kịp xu hướng đổi mới tài chính toàn cầu. Đặc biệt, các lĩnh vực như ứng dụng Blockchain và hợp đồng thông minh, token hóa tài sản (bao gồm tài sản số, bất động sản, chứng khoán hóa), hay ví điện tử tích hợp định danh số (e-ID) đều có tiềm năng tạo đột phá trong Chiến lược tài chính toàn diện, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền và gian lận tài chính. Cũng theo nghiên cứu của Markellos và cộng sự (2024), các quốc gia có năng lực cạnh tranh cao thường tiên phong triển khai thử nghiệm các công nghệ thế hệ mới, qua đó xây dựng được lợi thế phát triển bền vững trong chu kỳ từ 2 - 4 năm so với các thị trường đi sau. Do đó, việc mở rộng phạm vi thử nghiệm không chỉ là yêu cầu thực tiễn mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam trong dài hạn.
Thứ ba, củng cố cơ chế giám sát và bảo vệ người tiêu dùng
Trong môi trường thử nghiệm, người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới chưa được kiểm chứng đầy đủ về tính ổn định và mức độ an toàn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt liên quan đến sai sót công nghệ, gian lận, hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân. Do đó, việc tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi khách hàng cần được coi là ưu tiên trong quá trình triển khai cơ chế thử nghiệm. Nghị định số 94/2025/NĐ-CP đã đặt ra yêu cầu tổ chức tham gia phải xây dựng phương án quản lý rủi ro và có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều cơ chế thử nghiệm hiện hành vẫn còn hạn chế trong việc xác lập trách nhiệm pháp lý rõ ràng hay cơ chế khiếu nại và quy trình xử lý tổn thất khi xảy ra sự cố. Để khắc phục điều này, cần xem xét ban hành các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết nhằm quy định tiêu chuẩn công bố thông tin cho khách hàng trước và trong quá trình thử nghiệm; thiết lập hệ thống truy vết và cảnh báo rủi ro; xác định rõ nguyên tắc phân chia trách nhiệm giữa các bên liên quan trong trường hợp xảy ra sự cố về bảo mật, mất dữ liệu hoặc sai lệch dịch vụ. Bên cạnh đó, cần thiết lập một cơ chế chia sẻ dữ liệu có kiểm soát giữa ngân hàng, tổ chức thử nghiệm và cơ quan quản lý thông qua nền tảng công nghệ trung gian, bảo đảm tính bảo mật, phân quyền trách nhiệm rõ ràng và phương án ứng phó khi phát sinh sự cố.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác đổi mới giữa ngân hàng và công ty Fintech
Hiệu quả của cơ chế thử nghiệm phụ thuộc đáng kể vào mức độ kết nối và phối hợp giữa các chủ thể tham gia. Để phát huy tối đa vai trò thúc đẩy đổi mới, NHNN nên xem xét nghiên cứu thiết lập một nền tảng công nghệ tích hợp, cho phép kết nối hiệu quả giữa ngân hàng, tổ chức thử nghiệm và các cơ quan quản lý có liên quan. Nền tảng này sẽ đóng vai trò hỗ trợ chia sẻ dữ liệu, giám sát xuyên suốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp trong quá trình thử nghiệm. Bên cạnh hạ tầng công nghệ, việc tổ chức định kỳ các hội thảo chuyên đề, diễn đàn trao đổi giữa các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm cũng cần được chú trọng. Đây là kênh quan trọng để thúc đẩy đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, chuẩn hóa quy trình giám sát và nâng cao khả năng thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
1 Ernst & Young Vietnam (2024, November). Improving Vietnam's Financial Inclusion and Fintech’s Role in Collaboration with Credit Institutions.
2 Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 999/QĐ-TTg: “6. Nhiệm vụ của NHNN: Xây dựng quy định các giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán do NHNN cấp phép. Phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ vào Việt Nam; Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng; Nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.”
3 Jeník, Ivo, and Schan Duff. 2020. How to Build a Regulatory Sandbox: A Practical Guide for Policy Makers. CGAP/World Bank.
4 https://eastasiaforum.org/2021/09/10/digital-banking-is-key-to-financial-inclusion-in-malaysia
5 Global Experiences from Regulatory Sandboxes, (World Bank, 2020).
6 Worldwide Adoption of Regulatory Sandboxes (Markellos et al., SSRN, 2024).
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 của Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
2. Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
3. Ernst & Young Vietnam (2024, November). Improving Vietnam's Financial Inclusion and Fintech’s Role in Collaboration with Credit Institutions.
4. World Bank (2020). Global Experiences from Regulatory Sandboxes.
5. Markellos, R., Papadamou, S., & Syrichas, G. (2024). Worldwide Adoption of Regulatory Sandboxes. SSRN Electronic Journal.
6. Watkinson, I., et al. (2023). Escaping the Middle Income Trap: Fintech Regulatory Reform in Vietnam, GLA1011H White Paper 2023-02.
7. Jenik, I., & Duff, S. (2020). How to Build a Regulatory Sandbox: A Practical Guide for Policymakers, CGAP.
8. Tạp chí Tài chính (2023). Việt Nam cần có nhiều giải pháp để thị trường Fintech phát triển toàn diện.
9. Thị trường Tài chính Tiền tệ (2025). Nghị định 94/2025/NĐ-CP và cơ hội cho Fintech Việt Nam: Từ vùng xám pháp lý bước ra vùng sáng.
10. Tạp chí Ngân hàng (2025). Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
11. Fili.vn (2025). Nghị định 94 và cơ chế sandbox Fintech: Đòn bẩy chiến lược cho chuyển đổi số tài chính - ngân hàng.
12. Báo Đầu tư (2025). Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Tin bài khác


Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và một số gợi mở về mặt pháp lý

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và một số gợi mở về mặt pháp lý

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
