Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ tại các tổ chức tín dụng - Từ quy định pháp luật đến thực tiễn thực hiện

Chính sách
Để nhận biết quyền đòi nợ, trước hết phải xuất phát từ quy định về “quyền tài sản” do pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền đòi nợ.
aa

Tóm tắt: Là một loại quyền tài sản theo quy định của pháp luật, quyền đòi nợ ngày càng được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Để xử lý tài sản này, TCTD thường ưu tiên phương án thỏa thuận giữa các bên hơn là tiến hành khởi kiện, thi hành án tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hiện nay của TCTD còn nhiều hạn chế, vướng mắc do pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu các quy định, hướng dẫn việc thực hiện. Bài viết tập trung phân tích vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ của TCTD trong phạm vi hợp đồng thế chấp cho nghĩa vụ vay tại ngân hàng nhằm đưa ra một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật. Các giao dịch có tài sản là quyền đòi nợ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ khác không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này.


Từ khóa: Quyền đòi nợ, hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, xử lý quyền đòi nợ.

LEGAL REGULATIONS AND ITS IMPLEMENTATION ON HANDLING COLLATERAL
AS DEBT COLLECTION RIGHTS AT CREDIT INSTITUTIONS


Abstract: As a type of property right prescribed by law, debt collection rights are increasingly used as security for many loans at credit institutions. To handle this asset, credit institutions often prioritize an agreement between the parties rather than initiating a lawsuit or enforcing a judgment at a competent authority. However, the process of handling assets and debt collection rights of credit institutions still has many limitations because of the lack of regulations and guidance on implementation. The article focuses on analyzing the issue of handling collateral assets, which are debt collection rights of credit institutions within the scope of mortgage contracts for loan obligations at banks in order to provide relevant recommendations to improve the law. Transactions which assets are debt collection rights securing the performance of other obligations are not within the scope of this article’s research.

Keywords: Debt collection rights, contract to mortgage debt collection rights, handling debt collection rights.

1. Quy định pháp luật về quyền đòi nợ và thế chấp quyền đòi nợ bảo đảm cho khoản vay tại TCTD

Để nhận biết quyền đòi nợ, trước hết phải xuất phát từ quy định về “quyền tài sản” do pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền đòi nợ. Quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015): “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”; theo đó, đặc điểm nhận biết của quyền tài sản là ở giá trị tự thân của nó được xác định bằng tiền. Với cách tiếp cận này, quyền đòi nợ khi có giá trị kinh tế tức là xác định được giá trị bằng tiền thì được coi là quyền tài sản. Tuy vậy, trong hệ thống pháp luật cần thiết phải có định nghĩa thống nhất về quyền đòi nợ làm cơ sở để điều chỉnh các quan hệ pháp luật phát sinh liên quan đến quyền này.

Xét về hình thức, quyền đòi nợ là quyền tài sản được hình thành giữa các yếu tố: Chủ thể có quyền, chủ thể có nghĩa vụ và đối tượng của quyền là khoản nợ. Khoản nợ trong quyền đòi nợ là một khoản tiền mà bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc văn bản ghi nhận cam kết của các bên. Do chưa có cách hiểu chung về thuật ngữ “quyền đòi nợ” nên có quan điểm cho rằng, quyền đòi nợ là quyền chỉ phát sinh từ các giao dịch cho vay hoặc nhầm lẫn giữa hoạt động thu nợ của ngân hàng với quyền đòi nợ là một loại tài sản. Thực chất, việc thu nợ của ngân hàng là thu hồi một khoản tiền bao gồm nợ gốc, nợ lãi, phí phạt (nếu có) do chính ngân hàng đã giải ngân cho vay theo hợp đồng tín dụng nên quyền này của ngân hàng không thể xác định giá trị bằng tiền và không phải là một loại tài sản. Trong khi đó, quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản có nguồn gốc hình thành từ các giao dịch hợp pháp khác nhau như mua bán, cho thuê, xây dựng... mà trong đó, chủ thể có quyền được yêu cầu chủ thể có nghĩa vụ phải thanh toán một khoản tiền cụ thể sau khi đã hoàn thành một công việc nhất định. Việc tính lãi suất chậm trả của khoản tiền là đối tượng của quyền đòi nợ phụ thuộc vào sự thống nhất của các bên khác với việc thu nợ của ngân hàng sẽ luôn phải chịu lãi suất (lãi trên nợ gốc, lãi quá hạn...) theo thời kỳ. Như vậy, có thể hiểu, quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản với các đặc điểm như được xác định giá trị bằng tiền, có nguồn gốc phát sinh từ các giao dịch hợp pháp khác nhau mà trong đó, chủ thể có quyền được yêu cầu chủ thể có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền cụ thể theo thỏa thuận ghi nhận tại hợp đồng.

Là một loại tài sản, quyền đòi nợ được đưa vào các giao dịch khác nhau, trong đó có giao dịch bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự. Theo Điều 295 BLDS 2015, một tài sản dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai, thuộc sở hữu của bên bảo đảm (trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu) nhưng phải xác định được. Theo đó, quyền đòi nợ mặc dù là tài sản vô hình nhưng có giá trị kinh tế nên được sử dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Với tính chất đặc thù, quyền đòi nợ được sử dụng chủ yếu trong hợp đồng thế chấp tài sản. Khi thế chấp quyền đòi nợ, bên thế chấp là chủ sở hữu quyền đòi nợ sẽ chuyển giao quyền được “thu nợ” cho bên nhận thế chấp mà không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp phải thông báo cho bên có nghĩa vụ trước khi yêu cầu họ trả nợ.

Về bản chất, việc giao quyền đòi nợ từ bên thế chấp cho bên nhận thế chấp tuân thủ theo nguyên tắc chuyển giao quyền yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 365 BLDS 2015 và được cụ thể hóa tại Điều 33 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21). Theo cách tiếp cận này, việc thế chấp quyền đòi nợ không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ nhưng bên nhận thế chấp phải thông báo trước cho bên có nghĩa vụ trước khi yêu cầu họ trả nợ. Bên cạnh đó, pháp luật không quy định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thế chấp như không bắt buộc phải công chứng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm. Điều này, một mặt tạo ra sự chủ động cho bên thế chấp và bên nhận thế chấp khi được sử dụng quyền này để bảo đảm cho việc thực hiện các giao dịch khác nhau mà không phụ thuộc vào ý chí của bên có nghĩa vụ; mặt khác, cũng tiềm ẩn rủi ro về khả năng thu hồi nợ trên thực tế nếu bên có nghĩa vụ trả nợ không phối hợp thực hiện hoặc bên có nghĩa vụ không còn tồn tại.

Về nghĩa vụ thông báo, giữa BLDS 2015 (Điều 365) và Nghị định số 21 (Điều 33) đang quy định khác nhau về chủ thể thực hiện. BLDS 2015 quy định người chuyển giao quyền yêu cầu là người có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ; Nghị định số 21 lại do bên nhận thế chấp (bên được chuyển giao quyền) thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là pháp luật phải xác định được ý nghĩa của việc thông báo sẽ chỉ là một “thủ tục” làm cơ sở trước khi thu nợ hay là một điều kiện ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp. Cùng với đó, Nghị định số 21 cũng chưa quy định cụ thể về cách thức thông báo như thời hạn, hình thức, nội dung của thông báo hoặc trường hợp bên có nghĩa vụ đã nhận thông báo nhưng không có phản hồi có được coi là đã biết thông tin về nghĩa vụ trả nợ. Thực tế, việc thông báo chỉ đang được bên nhận thế chấp thực hiện như là một “thủ tục” làm cơ sở để thu nợ nhưng lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Vì vậy, nhà làm luật cần phải đánh giá và quy định cụ thể về nghĩa vụ “thông báo” theo hướng chỉ là một thủ tục trước khi bên nhận thế chấp thu nợ hay sẽ là một trong những điều kiện để làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ nhằm tháo gỡ vướng mắc do vi phạm nghĩa vụ thông báo.

Tại các TCTD, quyền đòi nợ được dùng để bảo đảm cho khoản vay chủ yếu thông qua hình thức hợp đồng thế chấp. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung của hợp đồng dân sự, mỗi TCTD lại có những quy định đặc thù về việc nhận thế chấp tài sản này nhằm đảm bảo quyền xử lý tài sản thu hồi nợ vay. TCTD có thể nhận một hoặc nhiều tài sản bảo đảm cho một khoản vay và thường nhận thế chấp quyền đòi nợ cùng với các tài sản hữu hình khác để giảm thiểu rủi ro khi xử lý tài sản. Điều này cho thấy, TCTD vẫn khá cẩn trọng trong việc nhận tài sản thế chấp là quyền đòi nợ do tính chất đặc thù như không thể chiếm hữu tài sản mà chỉ quản lý về giá trị, việc xử lý phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của bên có nghĩa vụ tài sản cũng như quá trình khởi kiện, thi hành án khó khăn do chưa có quy định hướng dẫn thực hiện.

Trên thực tế, để bảo vệ quyền lợi của mình, TCTD vẫn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc, song đối với việc “thông báo” cho bên có nghĩa vụ lại chưa được thực hiện thống nhất. Có trường hợp TCTD chủ động thông báo nhưng lại quá sát thời hạn yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc TCTD thỏa thuận để bên thế chấp chịu trách nhiệm thông báo. Có thể thấy, việc “thông báo” trên thực tiễn không giống nhau nhưng đều dẫn đến tình trạng chung là bên có nghĩa vụ bất hợp tác và thường không xác nhận đã được thông báo về việc thế chấp này để từ chối việc trả nợ. Do đó, pháp luật cần quy định rõ việc thông báo có ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp hay không để các bên tuân thủ thực hiện; đồng thời, để thống nhất hướng giải quyết đối với trường hợp bên có nghĩa vụ đề nghị tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp do không được biết hoặc biết không đầy đủ thông tin về việc thế chấp tại TCTD.

Mặc dù điều kiện để nhận thế chấp quyền đòi nợ tương đối cởi mở, nhưng quá trình xử lý tài sản này lại phức tạp vì thực chất quyền đòi nợ là tài sản vô hình và TCTD chỉ nhận tài sản thế chấp là “quyền” như quyền được thanh toán/thu hồi nợ đối với khoản tiền cụ thể. Bên cạnh đó, việc thu nợ phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác của bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ. Nếu bên thế chấp và bên có nghĩa vụ không phối hợp xác định công nợ thì TCTD rất khó để kiểm soát chính xác giá trị tài sản quyền đòi nợ, từ đó gây khó khăn cho quá trình xử lý tài sản cũng như khởi kiện, thi hành án.

2. Quy định pháp luật về các biện pháp xử lý tài sản thế chấp quyền đòi nợ và khó khăn, vướng mắc trong quá trình TCTD xử lý tài sản

Quyền đòi nợ là một loại tài sản nên về nguyên tắc, TCTD vẫn có quyền áp dụng các phương thức xử lý khác nhau để thu hồi nợ. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của tài sản đồng thời là sự hạn chế trong quy định pháp luật nên việc xử lý tài sản của TCTD gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình xử lý tài sản này, TCTD vẫn ưu tiên phương án thỏa thuận giữa các bên như yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao tiền hoặc tài sản để xử lý trước khi tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Nếu bên có nghĩa vụ không phối hợp, TCTD có quyền yêu cầu Tòa án hoặc thi hành án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

2.1. Xử lý tài sản thông qua việc yêu cầu người có nghĩa vụ chuyển giao tiền hoặc tài sản khác để thu hồi nợ

Nghị định số 21 đã dành Chương IV cho nội dung về xử lý tài sản bảo đảm nói chung (nguyên tắc xử lý, các biện pháp xử lý tài sản, cách thức thực hiện…). Đối với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, tại khoản 2 Điều 54 Nghị định số 21 chỉ đề cập phương thức “Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ khác chuyển giao khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình…” mà chưa hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện, trách nhiệm pháp lý của các bên khi vi phạm cam kết và các biện pháp xử lý khác có thể áp dụng. Việc TCTD yêu cầu bên thứ ba - bên có nghĩa vụ trả nợ phải chuyển tiền hoặc tài sản khác để thu nợ có điểm thuận lợi hơn một số biện pháp khác (bán đấu giá tài sản, khởi kiện, thi hành án...), song trên thực tế, quá trình thực hiện tồn tại một số bất cập như sau:

- Theo hợp đồng thế chấp, giá trị quyền đòi nợ được xác định bằng tiền ngay từ thời điểm nhận thế chấp nhưng vào thời điểm xử lý tài sản sẽ phát sinh rủi ro ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của TCTD như bên có nghĩa vụ đã không còn hoạt động; giá trị quyền đòi nợ bị giảm do bên có nghĩa vụ đã thanh toán cho bên thế chấp nhưng TCTD không được thông tin hoặc bên thế chấp không chuyển khoản tiền đã nhận về tài khoản của TCTD như thỏa thuận; bên thế chấp và bên có nghĩa vụ tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền đòi nợ; bên có nghĩa vụ không phối hợp trả nợ, không xác nhận công nợ… Như vậy, thực tế việc TCTD yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao tiền để thu nợ trực tiếp không phải lúc nào cũng thực hiện được do phương thức này bị phụ thuộc vào sự thiện chí, hợp tác của bên có nghĩa vụ và bên thế chấp. Trong khi đó, pháp luật không quy định về trách nhiệm khi các bên vi phạm nghĩa vụ hoặc chưa có cơ chế bảo đảm quyền thu nợ của bên có quyền.

- Theo quy định, TCTD còn có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản khác ngoài khoản tiền đã xác định trong hợp đồng. Tuy nhiên, việc đề nghị bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản khác có thể vượt quá phạm vi của hợp đồng thế chấp nếu giữa TCTD và bên thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ trả nợ không thỏa thuận về nội dung này. Hơn nữa, quy định này không phản ánh đúng bản chất của quan hệ thế chấp là được xác lập giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp nên việc thay thế, rút bớt, tăng thêm tài sản thế chấp là do TCTD và bên thế chấp thực hiện mà không phải là yêu cầu bắt buộc đối với bên có nghĩa vụ. Về bản chất, TCTD chỉ nhận thế chấp “quyền” mà cụ thể quyền đề nghị bên có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền cụ thể nên việc yêu cầu họ phải bàn giao tài sản khác là không phù hợp và không khả thi. Ngoài ra, trong trường hợp cho phép các bên dùng “tài sản khác” thay thế cho quyền đòi nợ thì cần bổ sung định nghĩa “tài sản khác” có bắt buộc phải là tài sản hữu hình (giấy tờ có giá, vàng, bạc kim khí, nhà, đất…) để thay thế cho quyền đòi nợ hay có thể nhận chính tài sản làm phát sinh giá trị của quyền đòi nợ như lô hàng hóa, công trình xây dựng trong hợp đồng mua bán, hợp đồng xây dựng của bên thế chấp với bên có nghĩa vụ trả nợ để mở rộng khả năng xử lý tài sản của bên nhận thế chấp.

- Nghị định số 21 đã đề cập đến biện pháp thu tiền hoặc tài sản khác của bên nhận thế chấp khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm (Thông tư liên tịch số 16) dành một điều khoản hướng dẫn chung về cách thức xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ. Theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 16, trước thời điểm đòi nợ, bên nhận thế chấp phải thông báo cho bên có nghĩa vụ trước ít nhất 07 ngày làm việc với hồ sơ theo quy định. Khi nhận đủ thông báo, bên có nghĩa vụ phải thanh toán nợ. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên nhận thế chấp có quyền áp dụng các biện pháp như: (i) Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nếu khoản nợ là vật; (ii) Yêu cầu bên có nghĩa vụ trả tiền gốc, lãi (nếu có); (iii) Yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nếu quyền đòi nợ không đủ thanh toán giá trị nghĩa vụ được bảo đảm; (iv) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, quy định tại Thông tư liên tịch số 16 chỉ là hướng dẫn nội bộ giữa một số cơ quan, ban, ngành và trong Nghị định số 21 không có điều khoản dẫn chiếu đến quy định tại Thông tư này. Đồng thời, Thông tư liên tịch số 16 được ban hành căn cứ theo một số văn bản hiện đã hết hiệu lực như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường… và hiện đã có các văn bản khác thay thế nên cần thiết phải điều chỉnh và cập nhật nội dung mới. Trong trường hợp Thông tư liên tịch số 16 phải xem xét lại hiệu lực (giữ nguyên/bãi bỏ) thì việc áp dụng quy định về quy trình, cách thức xử lý quyền đòi nợ sẽ không còn phù hợp.

2.2. Biện pháp khởi kiện tại Tòa án và yêu cầu cơ quan thi hành xử lý tài sản quyền đòi nợ theo quy định

2.2.1. Một số bất cập trong quá trình khởi kiện tại Tòa án

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, TCTD khởi kiện yêu cầu bên vay trả nợ theo hợp đồng tín dụng, nếu bên vay không thanh toán đúng và đầy đủ dư nợ thì TCTD sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Về cơ bản, quy trình xét xử tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ vẫn tuân thủ quy định chung trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh việc bên có nghĩa vụ cho rằng, bên nhận thế chấp vi phạm việc thông báo và không công nhận hiệu lực của hợp đồng thế chấp hoặc bên thế chấp/bên có nghĩa vụ không phối hợp để xác định công nợ gây khó khăn cho quá trình thẩm định tài sản cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Quyền đòi nợ là tài sản đặc thù được xác định giá trị bằng tiền ngay trong hợp đồng/giao dịch nên không thể áp dụng cách thức thẩm định tài sản hữu hình đối với loại tài sản vô hình. Hiện nay, để xác định giá trị của quyền đòi nợ, Tòa án chủ yếu xác minh dựa vào các hợp đồng, giấy tờ ghi nhận thỏa thuận của các bên. Do đó, nếu bên thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ không phối hợp cung cấp các tài liệu này hoặc bên có nghĩa vụ đã không còn tồn tại, quá trình xác minh tài sản sẽ kéo dài hoặc không thống nhất được giá trị quyền đòi nợ làm cơ sở để giải quyết quyền lợi hợp pháp của các bên. Có quan điểm cho rằng, Tòa án có thể xác minh tài sản quyền đòi nợ thông qua chính tài sản làm phát sinh quyền đòi nợ như khối lượng công trình đã thi công, thửa đất được thuê, lô hàng hóa làm phát sinh quyền thu nợ. Tuy nhiên, các tài sản này không phải là đối tượng của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ nên chủ tài sản có quyền từ chối hợp tác. Mặt khác, quyền đòi nợ là quyền thu hồi một giá trị tài sản cụ thể bằng tiền nên việc thẩm định tài sản hữu hình chứa quyền là không chính xác. Ví dụ: Theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì Công ty A (bên thế chấp) sẽ được thanh toán 3 tỉ đồng từ Công ty B (bên có nghĩa vụ) ngay khi bên B nhận được tài sản tại kho hàng. Công ty A mang quyền được thanh toán trị giá 3 tỉ đồng này để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng C. Vào thời điểm xử lý tài sản, bên B đã thanh toán 50% số tiền về Công ty A nên chỉ còn nợ 1,5 tỉ đồng. Khi đó, Tòa án phải xác minh giá trị quyền đòi nợ là 1,5 tỉ đồng hay 3 tỉ đồng thay vì xác định giá trị lô hàng hóa theo hợp đồng mua bán.

Trong quá trình xét xử, giữa TCTD và bên có nghĩa vụ có thể phát sinh tranh chấp về giá trị quyền đòi nợ (cụ thể số tiền) vào thời điểm tuyên án. TCTD thường yêu cầu Tòa án công nhận quyền được xử lý tài sản quyền đòi nợ theo giá trị thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp nhưng bên có nghĩa vụ có thể đưa ra con số khác sau khi đã trừ đi các chi phí thực tế hoặc đã chuyển tiền cho bên thế chấp nhưng bên thế chấp không chuyển tiền thanh toán cho TCTD. Vấn đề đặt ra là Tòa án có bắt buộc phải xác định cụ thể giá trị quyền đòi nợ và đưa ra phán quyết trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng hay không? Có quan điểm cho rằng, quyền đòi nợ đã được xác định giá trị theo thỏa thuận của các bên vào thời điểm thế chấp nên Tòa án chỉ cần công nhận quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng thế chấp. Mặt khác, cũng có ý kiến rằng, khi tuyên án, Tòa án phải đưa ra phán quyết cụ thể về số tiền của quyền đòi nợ thì mới giải quyết dứt điểm tranh chấp.

Để trả lời câu hỏi này, cần xét đến phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (TCTD) trong tranh chấp hợp đồng tín dụng là được công nhận quyền xử lý, phát mại tài sản quyền đòi nợ cùng với các tài sản khác (nếu có) mà không đặt ra vấn đề xác định cụ thể giá trị quyền đòi nợ tại giai đoạn xét xử. Việc xác minh giá trị của quyền đòi nợ chỉ nên được xem xét khi đương sự có yêu cầu được Tòa án chấp nhận và Tòa án đã thu thập được đầy đủ chứng cứ theo quy định. Đồng thời, quan hệ tranh chấp được Tòa án giải quyết là quan hệ tín dụng giữa TCTD và khách hàng tập trung chủ yếu xác định quyền được thu đầy đủ nợ gốc, lãi và quyền được yêu cầu thi hành án xử lý tài sản của TCTD nên việc phải xác định chi tiết giá trị quyền đòi nợ đã tăng/giảm là không cần thiết và vượt quá yêu cầu khởi kiện.

Ngoài ra, trong vụ án có nhiều tài sản bảo đảm khác nhau thì việc xác định giá trị quyền đòi nợ khi các bên không hợp tác không chỉ kéo dài thời gian xét xử mà còn ảnh hưởng đến quyền được xử lý các tài sản bảo đảm khác của ngân hàng. Trong khi đó, việc TCTD tách riêng từng tài sản bảo đảm để khởi kiện là không hiệu quả và phát sinh thêm nhiều chi phí nên TCTD thường khởi kiện chung trong một vụ án và Tòa án phải giải quyết được các yêu cầu khởi kiện hợp pháp của nguyên đơn trong cùng một bản án. Như vậy, trong quá trình xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của nguyên đơn là công nhận giá trị của quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp. Tòa án chỉ xem xét, xác định giá trị của quyền đòi nợ khi đương sự có yêu cầu được Tòa chấp nhận và Tòa án đã thu thập được đầy đủ chứng cứ theo quy định.

2.2.2. Một số bất cập trong giai đoạn thi hành bản án, quyết định có liên quan đến tài sản thế chấp là quyền đòi nợ

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, TCTD - người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, xử lý tài sản là quyền đòi nợ. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan chưa có hướng dẫn riêng về thi hành án tài sản quyền đòi nợ nên Chấp hành viên về cơ bản vẫn thực hiện theo quy trình chung của thi hành án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, lúng túng chưa đạt được hiệu quả thu nợ cũng như thời gian xử lý kéo dài do không có đủ điều kiện thi hành án.

Về xác minh điều kiện thi hành án: Quyền đòi nợ có tính chất đặc thù là được xác định giá trị bằng tiền tại thời điểm giao kết hợp đồng thế chấp và không bị sụt giảm giá trị do yếu tố khách quan (hư hỏng, xuống cấp...). Tuy vậy, quyền đòi nợ không phải là tài sản hữu hình nên việc xác minh điều kiện thi hành án cũng khiến Chấp hành viên gặp lúng túng do chưa có hướng dẫn về cách thức xác minh, quy trình thực hiện. Tương tự như giai đoạn thẩm định tại chỗ của Tòa án, đến nay, việc xác minh điều kiện thi hành án đối với quyền đòi nợ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm của cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không còn hoạt động hoặc không xác định được chính xác số tiền để thi hành án thì Chấp hành viên phải xác định trường hợp ấy là chưa đủ điều kiện thi hành án để tạm đình chỉ/đình chỉ thi hành án hay được xác minh các tài sản khác của bên có nghĩa vụ để xử lý thì pháp luật hiện chưa có quy định.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và văn bản sửa đổi, bổ sung chỉ quy định về kê biên, định giá và bán đấu giá đối với quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ mà không có hướng dẫn đối với quyền đòi nợ. Việc kê biên quyền đòi nợ không thuộc trường hợp bị “cấm kê biên” trong Luật Thi hành án dân sự nhưng lại thiếu quy định về cách thức tiến hành kê biên tài sản này trên thực tế. Ngoài ra, trong trường hợp không thể xác minh được chính xác giá trị quyền đòi nợ để kê biên thì Chấp hành viên cần phải tiến hành các nghiệp vụ nào cũng chưa có quy định hướng dẫn. Vấn đề đặt ra là Chấp hành viên có được yêu cầu người phải thi hành án bàn giao chính tài sản làm phát sinh quyền đòi nợ (khối lượng công trình đã thi công, thửa đất được thuê, lô hàng hóa làm phát sinh quyền thu nợ) hay một tài sản khác tương ứng với số tiền phải trả để giải quyết dứt điểm tranh chấp. Trong khi đó, như phân tích nêu trên thì giá trị quyền đòi nợ không phải lúc nào cũng đồng nhất với giá trị tài sản làm phát sinh quyền đòi nợ (khối lượng công trình, thửa đất, lô hàng hóa…); do đó, pháp luật cần có quy định đối với trường hợp trao quyền cho Chấp hành viên được yêu cầu người phải thi hành án chuyển giao tài sản khác để xử lý hoặc phải có định hướng nghiệp vụ nội bộ để Chấp hành viên có cơ sở thực hiện.

Về thẩm định giá, đấu giá tài sản quyền đòi nợ: Trong trường hợp giữa TCTD và người có nghĩa vụ không đạt được sự đồng thuận để xử lý tài sản thế chấp quyền đòi nợ qua việc thu tiền trực tiếp hoặc xử lý tài sản khác (theo phân tích tại mục 2.1) cũng như không thỏa thuận được về giá trị tài sản để đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên phải tiến hành các thủ tục thẩm định giá tài sản. Căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá năm 2012, thẩm định giá là việc xác định giá trị thị trường bằng tiền của một tài sản để làm cơ sở cho việc xử lý tài sản. Tuy nhiên, quyền đòi nợ tự thân nó đã được các bên liên quan xác định giá trị bằng tiền trong hợp đồng cụ thể và tài sản này không bị thay đổi hiện trạng dẫn đến giảm giá trị do tác động của các yếu tố bên ngoài như tài sản hữu hình. Do đó, việc thẩm định giá đối với quyền đòi nợ để xác định giá trị bằng tiền là không cần thiết vì giá trị quyền đòi nợ đã được thỏa thuận theo hợp đồng thế chấp hoặc theo con số thực tế do TCTD và bên có nghĩa vụ xác minh với nhau. Ví dụ: Công ty A chịu trách nhiệm thi công công trình cho chủ đầu tư Công ty B và được thanh toán sau khi hoàn thiện công trình là 10 tỉ đồng. Công ty A mang giá trị quyền được thu tiền sau khi thi công là 10 tỉ đồng để thế chấp cho khoản vay của mình tại một TCTD. Khi đó, TCTD là bên có quyền đối với khoản phải thu và được thu nợ với số tiền cụ thể trong hợp đồng thế chấp giữa TCTD và Công ty A hoặc theo giá trị thực tế do các bên xác định. Như vậy, để thi hành án đối với tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, thay vì thẩm định giá quyền đòi nợ thì Chấp hành viên cần xác định chính xác giá trị quyền đòi nợ vào thời điểm xử lý là theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp hay giá trị thực tế còn lại hoặc phát sinh thêm của quyền đòi nợ.

Tương tự vướng mắc của hoạt động thẩm định giá, việc bán đấu giá đối với tài sản thế chấp là quyền đòi nợ cũng thiếu vắng quy định hướng dẫn thực hiện. Với tư cách là một loại tài sản, quyền đòi nợ có thể được đưa ra bán đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản nhưng tính khả thi và hiệu quả của phương án này là chưa đạt được. Việc bán đấu giá tài sản chỉ làm thay đổi bên có quyền thu nợ nhưng không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay nói cách khác, người mua tài sản này sẽ phải tiếp tục “đòi nợ” của người có nghĩa vụ đã không hợp tác ngay từ giai đoạn chưa thi hành án nên rất khó thu hút người mua trong khi vẫn phát sinh các chi phí liên quan1 . Vì vậy, nhà làm luật cần xem xét việc bán đấu giá quyền đòi nợ có thể triển khai được trên thực tế hay không hoặc cần có biện pháp khác phù hợp hơn để giải quyết triệt để tranh chấp liên quan đến quyền đòi nợ.

3. Một số đề xuất hoàn thiện

Như vậy, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện hành, các quy định về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ thông qua phương thức tố tụng hoặc phi tố tụng đều còn thiếu hoặc đã có nhưng chưa cụ thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền (Tòa án, Thi hành án) khi xử lý các tranh chấp tín dụng có tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ cũng phát sinh tâm lý e ngại do thiếu công cụ pháp luật dẫn đến tiến độ giải quyết vụ án kéo dài. Do đó, để góp phần hạn chế vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay tại TCTD là quyền đòi nợ, tác giả đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới để hướng dẫn chi tiết phương thức xử lý tài sản đặc thù này không chỉ trong phạm vi tranh chấp hợp đồng tín dụng tại TCTD mà mở rộng ra là quyền đòi nợ bảo đảm cho các nghĩa vụ khác. Cụ thể:

Thứ nhất, để có cơ sở sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành về quyền đòi nợ, xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần có định nghĩa chính thức về “quyền đòi nợ”. Việc xây dựng một định nghĩa thống nhất về quyền đòi nợ cần phản ánh được đặc thù cơ bản của quyền này đó là một loại quyền tài sản, xác định được giá trị bằng tiền, có nguồn gốc phát sinh từ các giao dịch hợp pháp khác nhau mà trong đó, chủ thể có quyền được yêu cầu chủ thể có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền cụ thể theo thỏa thuận ghi nhận tại hợp đồng.

Thứ hai, về nghĩa vụ thông báo khi nhận thế chấp quyền đòi nợ: Pháp luật hiện hành quy định việc thế chấp quyền đòi nợ không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, song để hạn chế rủi ro cho bên nhận thế chấp cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ trả nợ, pháp luật cần sửa đổi quy định về nghĩa vụ thông báo của bên nhận thế chấp theo hướng: Việc “thông báo” của bên nhận thế chấp không phải là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thế chấp nhưng nếu bên nhận thế chấp vi phạm thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện yêu cầu của bên nhận thế chấp. Để có cơ sở thực hiện, pháp luật cần quy định rõ thời hạn, cách thức thông báo của bên nhận thế chấp như việc thông báo phải dưới hình thức văn bản và phải được thực hiện ngay khi hợp đồng thế chấp có hiệu lực, tối đa không quá 03 ngày làm việc. Trường hợp TCTD không thông báo hoặc thông báo không đúng quy định, bên có nghĩa vụ có quyền từ chối không thực hiện yêu cầu của bên có quyền.

Thứ ba, về phương án xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ thông qua việc TCTD yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản khác cho mình: Để phản ánh đúng bản chất của giao dịch thế chấp tài sản quyền đòi nợ tại TCTD, pháp luật cần chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định số 21; theo đó, chủ thể có nghĩa vụ chuyển giao tài sản khác thay thế cho quyền đòi nợ để TCTD xử lý phải là “bên thế chấp” mà không phải là bên có nghĩa vụ trả nợ. Do giữa TCTD và bên có nghĩa vụ không phát sinh quan hệ thế chấp mà TCTD chỉ có quyền thu giá trị quyền đòi nợ của bên có nghĩa vụ nên không thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải bàn giao tài sản khác thay cho quyền đòi nợ. Việc TCTD yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản khác để xử lý chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận giữa TCTD và bên có nghĩa vụ tại văn bản có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp TCTD yêu cầu bên thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ chuyển giao “tài sản khác” để xử lý cần quy định “tài sản khác” sẽ do các bên thỏa thuận theo hướng chỉ cần là tài sản hợp pháp và được TCTD đánh giá là có khả năng phát mại, thu hồi nợ mà không bị giới hạn phải là tài sản hữu hình (đất đai, nhà xưởng, hàng hóa…) nhằm hỗ trợ cho TCTD và bên có nghĩa vụ tháo gỡ khó khăn khi xử lý quyền đòi nợ không đạt hiệu quả.

Bổ sung hướng dẫn về trình tự thực hiện biện pháp “yêu cầu bên có nghĩa vụ chuyển giao khoản tiền, tài sản khác cho bên nhận thế chấp” theo hướng kế thừa và điều chỉnh quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 16. Việc luật hóa quy định về trình tự, thủ tục của biện pháp yêu cầu chuyển giao tiền, tài sản đã có trong Thông tư liên tịch số 16 vào văn bản pháp luật hiện hành không chỉ tạo cơ chế cho các bên xử lý tài sản quyền đòi nợ một cách hiệu quả mà còn hạn chế phát sinh tranh chấp phải khởi kiện, thi hành án.

Thứ tư, về phương thức khởi kiện tại Tòa án: Xuất phát từ bản chất của quyền đòi nợ là tài sản đã xác định giá trị bằng tiền ngay tại thời điểm thế chấp nên bản án, quyết định của Tòa án chỉ cần công nhận quyền được xử lý tài sản quyền đòi nợ của TCTD với giá trị tài sản này trong hợp đồng thế chấp có hiệu lực mà không bắt buộc phải xác định giá trị cụ thể của quyền đòi nợ không thuộc phạm vi yêu cầu khởi kiện. Tòa án chỉ xem xét, xác định giá trị của quyền đòi nợ khi đương sự có yêu cầu được Tòa án chấp nhận và Tòa án đã thu thập được đầy đủ chứng cứ theo quy định. Trong thời gian tới, để quá trình xét xử những tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền đòi nợ được thuận lợi, Tòa án có thẩm quyền cần đưa ra giải thích, hướng dẫn cụ thể về thủ tục thẩm định tại chỗ tài sản là quyền đòi nợ, triệu tập bên có nghĩa vụ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên tòa, hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong quá trình xét xử vụ án có tài sản là quyền đòi nợ.

Thứ năm, về quá trình thi hành bản án có tài sản là quyền đòi nợ: Pháp luật hiện hành cần bổ sung quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thi hành án có tài sản là quyền đòi nợ (xác minh điều kiện thi hành án, kê biên tài sản), trong đó phải phản ánh được tính chất đặc thù của tài sản này. Bên cạnh đó, quy định pháp luật cần xem xét việc rút ngắn quy trình thi hành án đối với quyền đòi nợ như không bắt buộc thẩm định giá tài sản này mà thay vào đó, Chấp hành viên xác minh chính xác giá trị quyền đòi nợ thông qua hồ sơ, giấy tờ và làm việc với các bên liên quan. Đồng thời, nhà làm luật cần đánh giá lại khả năng bán đấu giá tài sản là quyền đòi nợ và nghiên cứu có cách thức khác hiệu quả hơn để xử lý tranh chấp liên quan đến tài sản này.

1 Hồ Quân Chính, "Khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ để thi hành án", https://danchuphapluat.vn


Tài liệu tham khảo:

1. Lê Trọng Dũng (2021), “Quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam và những vấn đề cần hoàn thiện”, https://sti.vista.gov.vn

2. Hồ Quân Chính (2021), “Khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ để thi hành án”, https://danchuphapluat.vn

3. Bùi Đức Giang (2013), “Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5, trang 43 - 44.

4. Thu Giang, “Thế chấp quyền đòi nợ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật: giải quyết yêu cầu thi hành án như thế nào?”, https://www.toaan.gov.vn/

5. Một số tài liệu liên quan khác.

ThS. Trần Thị Thủy

NHNN


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Thời gian tới, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở (Open Banking) thành công, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với những giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cộng với nhu cầu vốn thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Xem thêm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3