
Xây dựng mô hình liên kết 5 “nhà” góp phần phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã quan tâm xây dựng các chính sách phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, qua đó nhằm tăng cường phát triển các thế mạnh kinh tế của tỉnh. Đồng hành với các chủ trương này, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tích cực tham gia, có nhiều chính sách ưu tiên về vốn cho sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi và bước đầu hình thành một số chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả.
Sau 30 năm đổi mới, với các chính sách, cơ chế phù hợp đã thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Bến Tre phát triển tương đối toàn diện với tốc độ nhanh hơn. Để phát huy thế mạnh của tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ngày 05/8/2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, với 8 sản phẩm chủ lực (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển). Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU và 2 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 78.195 ha diện tích đất trồng dừa, sản lượng gần 700 triệu trái/năm; 25.105 ha cây ăn trái, sản lượng 310.015 tấn/năm; 45.946 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng 298.048 tấn. Tỉnh Bến Tre đã hình thành một số chuỗi giá trị nông sản chủ lực khá rõ nét là dừa, bưởi da xanh và chôm chôm. Trong đó, chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh. Toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 67 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị; 24.246,6 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; 28 vùng trồng được gắn 59 mã số với diện tích 550,18 ha; 06 chỉ dẫn địa lí (dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý và cua biển), 09 nhãn hiệu chứng nhận (bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam, xoài Tứ quý Thạnh Phú, tôm biển, tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm, gà nòi lai tàu), 31 nhãn hiệu tập thể.
Đồng hành với các chủ trương, chính sách của tỉnh, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã hướng dòng vốn tín dụng với nhiều giải pháp tích cực vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng vùng sản xuất tập trung, ưu tiên cho các nhu cầu tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, tổng số tiền cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ năm 2000 đến năm 2022 đạt 344.565 tỉ đồng, chiếm 84,5% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 5/2023 đạt 41.900 tỉ đồng, chiếm 72% dư nợ; trong đó dư nợ cho vay liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt gần 2.000 tỉ đồng (gồm 16 chuỗi liên kết ngang, liên kết dọc các sản phẩm: dừa, tôm, bò, lúa, gạo, nghêu, heo), qua đó góp phần tích cực trong xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, bất cập, đó là tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh còn chậm. Một số sản phẩm (tôm biển, nhãn, lợn, bò và hoa cảnh) chỉ đạt mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra chưa bền vững. Quy mô diện tích, sản lượng tham gia chuỗi các sản phẩm chủ lực còn nhỏ so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân của những bất cập trên là kinh tế tập thể còn chậm phát triển, chưa đảm nhận tốt vai trò tổ chức lại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tham gia liên kết chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh nên hạn chế năng lực đầu tư và chế biến sâu; việc thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn… Mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững.
Trước những hạn chế, thách thức nêu trên, để góp phần cùng các cấp, các ngành địa phương khắc phục tồn tại, NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre đã ký kết Quy chế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tham gia sâu vào mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo đó, ngân hàng làm cầu nối, soạn thảo hợp đồng liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản; chọn doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, năng lực và có thị trường tiêu thụ tốt làm doanh nghiệp dẫn dắt ký kết thỏa thuận liên kết ngang với các doanh nghiệp liên quan trong cùng ngành hàng, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua vận động các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết dọc với doanh nghiệp dẫn dắt.
Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia của ngân hàng bắt đầu được hình thành, các bên gắn kết chặt chẽ bằng hợp đồng kinh tế với lợi ích hài hòa, đồng thời các bên tham gia đều phải mở tài khoản tại ngân hàng. Ngân hàng cho doanh nghiệp dẫn dắt và các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết ngang vay vốn, các doanh nghiệp ứng vốn cho nông dân, cung ứng vật tư, hỗ trợ kĩ thuật sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, năng suất chất lượng nông sản tăng cao, doanh nghiệp cam kết bao tiêu nông sản, nông dân bán được sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp mà không qua thương lái, giá cả nông sản ổn định và cao hơn so với hộ sản xuất không tham gia chuỗi liên kết. Đồng thời, ngân hàng có thể cấp hạn mức tín dụng dưới hình thức cho vay thấu chi qua tài khoản để nông dân có thể giải quyết vấn đề vốn theo thời vụ; ngân hàng kiểm soát được dòng tiền trong chuỗi khép kín, đánh giá được tình hình tài chính và hiệu quả sử dụng vốn, từ đó có thể xem xét, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các bên tham gia chuỗi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua mô hình sản xuất của chuỗi liên kết này, nhiều hộ dân thấy được lợi ích kinh tế, dần dần quy mô và số lượng hộ nông dân tham gia chuỗi phát triển ngày càng lớn, theo nhu cầu và điều kiện thực tế đòi hỏi hình thành hợp tác xã dịch vụ, làm đầu mối liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian như vật tư, phân bón, cây và con giống, đào tạo, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất cho nông dân thông qua các hợp tác xã dịch vụ. Hợp tác xã thu gom, sơ chế nông sản và bán cho doanh nghiệp; qua đó, doanh nghiệp và nông dân cũng giảm được chi phí vận chuyển, sơ chế ban đầu.
Kết quả đánh giá áp dụng mô hình liên kết chuỗi khép kín có sự tham gia của ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian qua cho thấy, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện một số chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, đồng thời hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực chế biến, nhất là các doanh nghiệp chế biến dừa, xuất khẩu trái cây trên địa bàn tỉnh, mô hình này cũng tạo điều kiện thúc đẩy thành lập các hợp tác xã theo yêu cầu thực tế, hoạt động hiệu quả, thực chất.
Lễ ký kết chuỗi liên kết ngang ngành dừa giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre, Công ty Cổ phần đầu tư dừa Bến Tre và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Tâm
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Bến Tre ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty Chế biến dừa Lương Quới, doanh nghiệp dẫn dắt hình thành chuỗi dừa
Từ kinh nghiệm thực tiễn đã đạt được, để tiếp tục phát huy vai trò tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre đề ra, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre đã đề ra giải pháp và đề xuất một số nội dung trọng tâm cần thực hiện như sau:
Thứ nhất, hệ thống ngân hàng tỉnh Bến Tre giữ vai trò kết nối, dẫn dắt tiếp tục xây dựng mô hình liên kết mới nhằm mở rộng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực, đó là liên kết 5 “nhà”: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - ngân hàng. Trong đó, Nhà nước là nhân tố quan trọng nhất, Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để 4 “nhà” còn lại liên kết tốt được với nhau, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển liên kết. Doanh nghiệp dẫn dắt giữ vai trò liên kết ngang với các doanh nghiệp liên quan trong chuỗi liên kết, có thể ứng vốn, cung ứng vật tư, phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu kĩ thuật, con giống, phương pháp sản xuất cho nhà nông, thu mua nông sản sơ chế từ hợp tác xã hoặc thu mua nông sản trực tiếp từ nhà nông, hợp tác xã cung cấp dịch vụ, trang thiết bị, vật tư đầu vào cho sản xuất, thu mua, sơ chế sản phẩm nông sản; nhà khoa học phổ biến kĩ thuật chăm sóc, nuôi trồng, xử lí các vấn đề môi trường. Ngân hàng giữ vai trò kết nối, liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp, cho vay doanh nghiệp đầu mối, các thành viên tham gia chuỗi và cung cấp các dịch vụ thanh toán để xây dựng chuỗi khép kín, kiểm tra, kiểm soát dòng tiền bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia chuỗi, qua đó tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, áp dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi về tín dụng, dịch vụ thanh toán cho các thành viên chuỗi giá trị.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cần có cơ chế, tạo điều kiện để ngân hàng tham gia xây dựng mô hình liên kết 5 “nhà”, trong đó quan tâm phát triển doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực chế biến nông sản và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến, đủ tiềm lực, đủ mạnh và có thị trường tiêu thụ ổn định để dẫn dắt hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển sản xuất theo mô hình liên kết trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp đồng bộ với NHNN Chi nhánh tỉnh để xây dựng mô hình liên kết mới, trong đó giao cho NHNN Chi nhánh tỉnh làm đầu mối, gắn kết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng thuận hưởng ứng chủ trương của tỉnh, quyết liệt và chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Tạo điều kiện để ngân hàng vận động khách hàng vay, doanh nghiệp dẫn dắt ký kết thỏa thuận hợp tác ngang, dọc giữa khách hàng - doanh nghiệp, hợp tác xã và ngân hàng.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần thay đổi tư duy, phương thức cho vay theo truyền thống, chuyển đổi mạnh mẽ cho vay phục vụ sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, phát huy lợi thế về nguồn lực tài chính, hình thành các sản phẩm tín dụng ưu đãi, khuyến mại các dịch vụ thanh toán để thu hút khách hàng tham gia, giữ vai trò đầu tàu, chủ động trong xây dựng hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, liên kết 5 “nhà” chặt chẽ, qua đó cho vay, cung ứng dịch vụ ngân hàng, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã nông nghiệp thông qua mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thứ năm, các ngành, các cấp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, lợi ích và tính tất yếu của việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại và sạch gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp; các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi đối với sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi.
Thứ sáu, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị ở địa phương cần tăng cường trách nhiệm, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các ngành các cấp, xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình liên kết 5 “nhà” trong toàn tỉnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ.
3. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
4. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
5. Báo cáo Sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
ThS. Lê Công Thành (Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre)
ThS. Bùi Thị Thúy Hằng (Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre)
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
