Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Chính sách
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình xây dựng khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số, một lĩnh vực vừa nhiều tiềm năng đổi mới, vừa ẩn chứa rủi ro hệ thống và pháp lý phức tạp. Bối cảnh thế giới cho thấy xu hướng hợp pháp hóa có kiểm soát, đặt trọng tâm vào bảo vệ nhà đầu tư, giám sát rủi ro và thúc đẩy phát triển công nghệ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết này đề xuất một số khuyến nghị về việc xây dựng khung pháp luật quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
aa

Tóm tắt: Sự bùng nổ của tiền kỹ thuật số đang đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật hiện hành tại Việt Nam, nơi thị trường phát triển nhanh nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý. Bài viết lý giải tính cấp thiết của việc xác lập vị trí pháp lý cho tài sản số, phân tích hạn chế trong cơ chế quản lý hiện tại, phản ánh nguy cơ thất thu thuế, rửa tiền, lừa đảo khi thiếu nền tảng pháp luật rõ ràng. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý theo hướng chủ động, thích ứng, kết hợp luật hóa, có cơ chế thử nghiệm (sandbox), thiết kế thuế phù hợp và phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) nhằm cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy đổi mới trong nền kinh tế số.

Từ khóa: Tiền kỹ thuật số, tài sản số, sandbox, CBDC.

DEVELOPING A LEGAL FRAMEWORK FOR DIGITAL CURRENCY IN VIETNAM: INTERNATIONAL EXPERIENCES AND POLICY RECOMMENDATIONS

Abstract: The rapid rise of digital currency is challenging the current legal system in Vietnam, where the market is evolving swiftly but significant legal gaps remain. This article highlights the urgent need to define the legal status of digital assets, analyzes the limitations of the current regulatory framework, outlines risks such as tax evasion, money laundering, and fraud that may arise in the absence of a clear legal foundation. Drawing on international experiences, the authors propose developing a proactive and adaptive legal framework. This includes legal codification, the implementation of regulatory sandboxes, an appropriate tax regime, the development of a central bank digital currency (CBDC) to strike a balance between risk control and innovation in the digital economy.

Keywords: Digital currency, digital assets, sandbox, CBDC.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

1. Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của tiền kỹ thuật số, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng nhưng cũng đối mặt nhiều rủi ro pháp lý. Mặc dù khung pháp lý chính thức chưa thực sự hoàn thiện, quy mô giao dịch tài sản số tại Việt Nam đã ước đạt 100 - 120 tỉ USD mỗi năm, với khoảng 17 - 27 triệu người tham gia. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ chấp nhận tài sản số cao nhất thế giới, nhưng phần lớn giao dịch diễn ra trên nền tảng nước ngoài, gây thất thu thuế và gia tăng nguy cơ rửa tiền, lừa đảo (H. Hương và P. Vân, 2025). Các nhà đầu tư Việt Nam cũng thu về lợi nhuận gần 1,18 tỉ USD từ các khoản đầu tư tài sản mã hóa, đưa Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về lợi nhuận từ lĩnh vực này, chỉ sau Hoa Kỳ (9,36 tỉ USD) và Anh (1,39 tỉ USD) (Global Crypto Adoption Index 2024 - Chainalysis, 2024). Điều này cho thấy quá trình bùng nổ vượt ngoài khả năng quản lý của pháp luật hiện hành của tài sản mã hóa nói chung và tiền điện tử nói riêng, đồng thời cũng cho thấy sự cấp thiết phải xác lập vị trí pháp lý của tài sản số trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trước thực trạng đó, ngày 14/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, đánh dấu lần đầu tiên đưa ra định nghĩa và quy định khung về tài sản số. Đây là bước đi nền tảng mở đường cho việc thiết lập hành lang pháp lý toàn diện trong quản lý tiền kỹ thuật số tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bài viết này hướng đến nghiên cứu chuyên sâu về việc xây dựng khung pháp luật quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bố cục bài viết gồm các phần theo trình tự: (1) Mở đầu; (2) Tổng quan tình hình nghiên cứu; (3) Cơ sở pháp lý về tiền kỹ thuật số; (4) Thực tiễn quản lý tiền kỹ thuật số tại Việt Nam; (5) Kinh nghiệm quốc tế; (6) Khuyến nghị và giải pháp.

2. Tổng quan nghiên cứu

Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của tiền kỹ thuật số và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã đặt ra nhiều thách thức pháp lý mới đối với các quốc gia. Tiền kỹ thuật số, bao gồm cả tiền mã hóa phi tập trung (decentralized cryptocurrencies), stablecoin và CBDC, đã xóa nhòa ranh giới truyền thống giữa tiền tệ, tài sản và hàng hóa, tạo nên một khoảng trống lớn trong khuôn khổ pháp lý truyền thống vốn dựa trên các loại tiền định danh (Fiat) do nhà nước phát hành.

Các nghiên cứu quốc tế về tiền kỹ thuật số tập trung mạnh vào việc xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm điều tiết lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này. Zetzsche và cộng sự (2018) cảnh báo sự phức tạp và rủi ro pháp lý của tài sản số, trong khi Allen cộng sự (2020) nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa đổi mới tài chính và ổn định hệ thống khi triển khai CBDC. Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định về thị trường tài sản tiền mã hóa (MiCA), thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản tiền mã hóa trong phạm vi EU (Swan, 2023). Ở bình diện quốc tế, Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) đã xây dựng và liên tục hoàn thiện các chuẩn mực toàn cầu về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASPs), được thể hiện thông qua hướng dẫn năm 2019, bản cập nhật toàn diện năm 2021 và báo cáo đánh giá thực thi vào năm 2023. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã từng bước phát triển cơ chế pháp lý phân loại, cấp phép và kiểm soát hoạt động liên quan đến tài sản số.

Tại Việt Nam, nghiên cứu còn khá manh mún và chủ yếu tập trung ở mức độ nhận diện khái niệm, rủi ro và đề xuất định hướng pháp lý ban đầu. Một số nghiên cứu tiêu biểu như của Trương Hồ Hải (2015), Nguyễn Thị Hiền (2018, 2021) và Trần Văn Biên (2020) đã bước đầu phân tích tính chất pháp lý của tiền ảo, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống nghiên cứu như: Thiếu sự thống nhất trong định danh pháp lý; chưa rõ cơ chế phân công và xử lý trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý; thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt thiếu vắng các mô hình pháp lý linh hoạt, thích ứng theo nguyên tắc trung lập công nghệ. Do đó, việc "Xây dựng hành lang pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" có ý nghĩa quan trọng trong việc hệ thống hóa lý luận và đưa ra giải pháp pháp lý thực tiễn, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

3. Cơ sở pháp lý về tiền kỹ thuật số

Tiền kỹ thuật số là một hiện tượng đa ngành, cần tiếp cận tổng hợp từ kinh tế học, luật học và công nghệ. Trên phương diện kinh tế - tiền tệ, lý thuyết cổ điển về tiền cho rằng, tiền phải thực hiện ba chức năng: Phương tiện thanh toán, đo lường giá trị và lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, tiền mã hóa như Bitcoin dù có thể tích lũy giá trị và được sử dụng trong một số cộng đồng, nhưng không được nhà nước công nhận là tiền hợp pháp, từ đó không đáp ứng đủ chức năng của tiền pháp định. Theo lý thuyết chủ quyền tiền tệ của nhà nước, việc phát hành tiền là độc quyền của ngân hàng trung ương và gắn với quyền lực chính trị - tài chính. Sự ra đời của các loại tiền mã hóa phi tập trung đặt ra thách thức trực tiếp đối với chủ quyền này (Nguyễn Thanh Hà, Hoàng Thị Phương Lan và Nguyễn Thị Hương, 2025).

Trên phương diện luật dân sự, lý luận về tài sản và quyền sở hữu là nền tảng. Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa đề cập rõ tài sản số, nhưng theo lý thuyết quyền tài sản, nếu tiền mã hóa có thể định giá, sở hữu và chuyển nhượng thì có thể coi là tài sản vô hình. Nếu không thừa nhận điều này, pháp luật sẽ thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên trong tranh chấp dân sự. Ngoài ra, lý thuyết về thị trường tài chính cho thấy, tiền mã hóa có thể là công cụ tài chính với khung pháp lý riêng để bảo đảm minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư.

Hiện nay, tiền mã hóa như Bitcoin chưa được pháp luật công nhận và chỉ tồn tại trong phạm vi giao dịch cộng đồng. Khái niệm tiền ảo (virtual currency), dù phổ biến trong truyền thông và các văn bản như Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, song vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa quy định về cụ thể “tài sản số”, tạo ra khoảng trống trong định danh và bảo hộ pháp lý. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 hiện chưa điều chỉnh trực tiếp loại tài sản này.

Tuy nhiên, một số văn bản chính sách đã bước đầu tiếp cận vấn đề về tài sản số như: Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa Blockchain và đặc biệt là Luật Công nghiệp công nghệ số năm 2025 - văn bản đầu tiên chính thức đề cập đến “tài sản số” và quyền sở hữu tương ứng.

Tổng thể, cơ sở pháp lý hiện hành còn phân mảnh, chủ yếu mang tính định hướng, chưa đủ để điều chỉnh toàn diện hoạt động phát hành, giao dịch và quản lý tiền kỹ thuật số - vốn vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật, gây nhiều rủi ro trong thực tiễn quản lý.

4. Thực tiễn xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam

Mặc dù chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn đáng chú ý trong quản lý tiền kỹ thuật số.

Giai đoạn 2017 - 2020

Việt Nam bắt đầu tiếp cận lĩnh vực này qua Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Bộ Tư pháp được giao chủ trì nghiên cứu, phối hợp với NHNN và các bộ ngành liên quan. Đến tháng 01/2018, Bộ Tư pháp đã có báo cáo bước đầu với hai hướng đề xuất gồm cấm tuyệt đối hoặc công nhận có kiểm soát. Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg nhằm tăng cường kiểm soát huy động vốn qua tiền ảo. Tuy nhiên, đến năm 2020 vẫn chưa có bước tiến luật hóa rõ ràng.

Giai đoạn 2021 - 2025

Trong giai đoạn này, khung pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đã rõ ràng hơn. Triển khai Quyết định số 942/QĐ-TTg, NHNN đã nghiên cứu thí điểm tiền kỹ thuật số dựa trên Blockchain, hướng tới phát hành CBDC dựa trên kinh nghiệm tham khảo từ mô hình e-CNY của Trung Quốc và các quốc gia khác.

Đặc biệt, năm 2023, khi thị trường tài sản số phát triển mạnh, Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu về tỉ lệ sở hữu tài sản số, với 20 triệu người dùng và giao dịch ước tính 120 tỉ USD (Nhĩ Anh, 2024). Tuy nhiên, do chưa cấp phép sàn giao dịch, toàn bộ hoạt động diễn ra trên nền tảng nước ngoài hoặc phi chính thức, gây thất thu thuế và rủi ro pháp lý.

Đứng trước tình trạng đó, Nhà nước đã có bước đi mạnh mẽ trong việc kiểm soát tài sản ảo thông qua việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 hay Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Chính phủ. Tháng 3/2025, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị quyết thí điểm phát hành, giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế phối hợp quản lý giữa ba cơ quan, gồm Bộ Tài chính, Bộ Công an và NHNN đối với sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa nhằm hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính.

5. Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số toàn diện, nhiều quốc gia đã ban hành hoặc đang hoàn thiện các khung pháp lý điều chỉnh tiền kỹ thuật số và tài sản mã hóa. Kinh nghiệm từ EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy những cách tiếp cận đa dạng, phản ánh đặc thù thể chế và ưu tiên chính sách của từng quốc gia (Bảng 1). Đây là nguồn tham chiếu cho Việt Nam trong việc xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn đất nước.

EU là khu vực tiên phong xây dựng khung pháp lý toàn diện cho tài sản mã hóa. Quy định về Thị trường Tài sản tiền mã hóa (MiCA) năm 2023 phân loại rõ Token tiện ích, Token tham chiếu tài sản (ARTs) và Token tiền điện tử (EMTs), yêu cầu minh bạch thông tin, cấp phép và giám sát các VASPs như sàn giao dịch và ví điện tử. MiCA tích hợp các quy định về phòng, chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) theo tiêu chuẩn FATF, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên, tạo sự đồng bộ trong khối (ESMA, 2023).

Ngược lại, Hoa Kỳ tiếp cận với sự tham gia của nhiều cơ quan liên bang và tiểu bang. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) coi nhiều loại tiền mã hóa là chứng khoán; Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) phân loại Bitcoin, Ethereum là hàng hóa; Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính Hoa Kỳ (FinCEN) điều chỉnh các sàn theo quy định AML. Do thiếu khung liên bang thống nhất, pháp luật Hoa Kỳ dễ chồng chéo, làm tăng chi phí tuân thủ và gây rủi ro pháp lý (Latham và Watkins, 2025). Mỗi bang cũng có quy định riêng, làm phức tạp thêm hệ thống, một cảnh báo quan trọng cho Việt Nam khi xây dựng mô hình quản lý tập trung.

Nhật Bản là quốc gia sớm công nhận tiền mã hóa là tài sản (PSA, 2017). Các VASPs phải đăng ký với Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA), đáp ứng yêu cầu về vốn, bảo mật, phân tách tài sản và tuân thủ AML hoặc KYC. Sau sự cố Coincheck (2018), Nhật Bản tăng cường giám sát lưu ký và bảo vệ người dùng. Mô hình cơ quan quản lý tích hợp và khung Sandbox giúp nước này dung hòa quản lý chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới.

Hàn Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ Người dùng Tài sản ảo (2024), yêu cầu tách bạch tài sản khách hàng, bảo hiểm rủi ro và báo cáo giao dịch nghi vấn. Luật cũng cấm thao túng thị trường, giao dịch nội gián và yêu cầu lưu trữ hồ sơ lên tới 15 năm. Quốc gia này đang xây dựng Đạo luật Cơ bản về Tài sản số, điều chỉnh stablecoin, ETF Bitcoin và hoạt động của nhà đầu tư tổ chức, phản ánh cách tiếp cận có lộ trình và kiểm soát kỹ lưỡng. Các cơ quan quản lý bao gồm Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC), Dịch vụ Giám sát tài chính (FSS), Đơn vị Tình báo tài chính (KFIU).

Trung Quốc cấm hoàn toàn phát hành, khai thác, giao dịch tiền ảo để bảo vệ ổn định kinh tế và kiểm soát tiền tệ. Đồng thời, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển e-CNY theo mô hình hai cấp, cho phép ngân hàng thương mại phân phối đồng tiền số quốc gia. Cách tiếp cận này thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong kiểm soát và số hóa hệ thống tiền tệ.

Bảng 1: Khung pháp lý tiền kỹ thuật số tại EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc

Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

6. Một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số

Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào ngày 14/6/2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực kiến tạo thể chế pháp lý cho nền kinh tế số tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng cho tiền kỹ thuật số cần được xem là một ưu tiên chiến lược, nhằm dung hòa giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm an toàn pháp lý - tài chính. Trên cơ sở đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn pháp lý trong nước, nhóm nghiên cứu đề xuất năm nhóm giải pháp chính trong việc xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số như sau:

Thứ nhất, xác lập địa vị pháp lý và triển khai lộ trình luật hóa

Việc xác định rõ địa vị pháp lý của tiền kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền tài sản của chủ thể, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái số và kiểm soát các rủi ro pháp lý - tài chính. Một trong những bước đi đầu tiên là sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015, bổ sung khái niệm “tài sản số”, từ đó có thể thừa nhận các dạng tiền mã hóa như một loại tài sản hợp pháp, có thể sở hữu, chuyển nhượng, thừa kế và tham gia vào các giao dịch dân sự.

Cùng với đó, Việt Nam cần có sự phân biệt rõ ràng về mặt thuật ngữ và bản chất giữa các khái niệm như: Electronic money (tiền điện tử do ngân hàng phát hành); Virtual currency (tiền ảo mang tính phi chính thức); Crypto-assets (tài sản mã hóa có thể giao dịch); Token và CBDC. Việc sử dụng lẫn lộn khái niệm “tiền ảo” trong truyền thông, chính sách hay pháp luật hiện nay dễ gây hiểu nhầm, từ đó dẫn đến mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật và quản lý thực tiễn. Do đó, cần xây dựng một hệ thống thuật ngữ chuẩn hóa, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế như khuyến nghị của FATF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và khung pháp lý MiCA của EU.

Trong giai đoạn 2025 - 2026, Chính phủ có thể ban hành khung Sandbox dành cho tài sản số, cho phép triển khai trong phạm vi giới hạn các mô hình như: Sàn giao dịch nội địa được cấp phép; dịch vụ ví lưu ký (custodial wallet); hoạt động phát hành thử nghiệm token có kiểm soát. Trên cơ sở kết quả và đánh giá độc lập từ sandbox, Việt Nam có thể tiến tới xây dựng một Đạo luật về tài sản số và tiền kỹ thuật số, độc lập hoặc được lồng ghép trong Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, nhằm thiết lập hành lang pháp lý lâu dài, đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, thiết lập cơ chế quản lý, cấp phép và kiểm soát rủi ro

Một trong những khía cạnh cấp thiết trong việc quản lý tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là xây dựng hệ thống cấp phép và giám sát hiệu quả đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản số. Những chủ thể này bao gồm các sàn giao dịch tài sản số, trung gian thanh toán kỹ thuật số, tổ chức tư vấn - môi giới đầu tư tài sản mã hóa, các nền tảng ví điện tử tích hợp tài sản số.

Cơ chế cấp phép nên gắn với bộ tiêu chí minh bạch và tiêu chuẩn hóa, bao gồm nhưng không giới hạn ở các yếu tố như: Vốn pháp định tối thiểu, tiêu chuẩn bảo mật hệ thống thông tin (ví dụ: ISO/IEC 27001), cơ chế tách biệt tài sản khách hàng và tài sản doanh nghiệp, hệ thống nhận diện khách hàng và kiểm soát rửa tiền với mức độ nghiêm ngặt.

Tùy theo tính chất pháp lý và chức năng kinh tế của từng loại token, thẩm quyền cấp phép và giám sát nên được phân định rõ ràng. Chẳng hạn: Với các token mang tính chất đầu tư tài chính (security token), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên là cơ quan chủ quản. Với các token gắn với hệ sinh thái hàng hóa - dịch vụ (utility token), vai trò giám sát nên thuộc về Bộ Công Thương. Với stablecoin - đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định, đặc biệt là loại gắn với đồng Việt Nam, cần được xếp vào nhóm đặc biệt, yêu cầu dự trữ 100% và chịu sự quản lý của NHNN như một dạng tiền điện tử ổn định giá trị.

Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi và bổ sung Nghị định số 19/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền theo hướng đưa VASP vào đối tượng bắt buộc báo cáo. Điều này bao gồm việc: Áp dụng Quy tắc Travel Rule theo khuyến nghị của FATF; thiết lập cơ chế lưu giữ hồ sơ giao dịch và khách hàng; tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tài chính và cơ quan chức năng. Ngoài ra, các quy định liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống gian lận, lừa đảo, thao túng thị trường và giải quyết tranh chấp trong không gian tài sản số cũng cần được chuẩn hóa và nội luật hóa, tránh để tồn tại “khoảng trắng pháp lý” khiến người dùng rơi vào thế yếu khi xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách thuế và phát triển CBDC

Việc khẳng định tài sản số là hợp pháp phải đi kèm cơ chế thu thuế phù hợp. Trước mắt, cần ban hành hướng dẫn tạm thời về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân với lợi nhuận từ giao dịch tài sản số, áp dụng cơ chế khấu trừ tại nguồn đối với các sàn nội địa được cấp phép. Trong dài hạn, cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung nhóm thu nhập từ tài sản số, rà soát Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm làm rõ việc đánh thuế dịch vụ tài sản số. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát dòng tiền ra nước ngoài và ưu đãi thuế trong giai đoạn đầu cho các nền tảng tuân thủ luật.

Ngoài ra, việc triển khai CBDC là bước đi chiến lược. NHNN cần đề xuất bổ sung quy định về phát hành CBDC chính thức. Mô hình hai cấp (NHNN phát hành - ngân hàng thương mại phân phối) nên được áp dụng, tích hợp với hạ tầng ví điện tử, hệ thống thanh toán hiện hữu. Mục tiêu là bảo đảm chủ quyền tiền tệ số, đồng thời cung cấp phương tiện thanh toán an toàn, giảm chi phí giao dịch.

Thứ tư, kiện toàn bộ máy quản lý và điều phối liên ngành

Hiện nay, công tác quản lý tài sản số tại Việt Nam còn thiếu hiệu quả, phân tán và chưa có sự điều phối thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Việc nhiều bộ, ngành cùng tham gia nhưng không có cơ chế phối hợp chặt chẽ, dẫn đến chồng chéo thẩm quyền, có khoảng trống pháp lý và sự chậm trễ trong phản ứng với rủi ro thị trường. Trong bối cảnh tài sản kỹ thuật số ngày càng phát triển theo hướng xuyên biên giới, phi tập trung và khó kiểm soát, một mô hình quản trị tập trung, đa ngành, chủ động là yêu cầu cấp thiết.

Theo đó, Nhà nước cần thành lập một ban chỉ đạo quốc gia về tài sản số và tiền kỹ thuật số, trực thuộc Chính phủ, có chức năng như một thiết chế điều phối liên ngành ở cấp cao nhất. Ban chỉ đạo này cần được trao thẩm quyền thực chất để: (i) Đề xuất và thống nhất định danh pháp lý cho từng loại hình tài sản số (token tiện ích, token đầu tư, stablecoin, NFT...); (ii) Xây dựng khung pháp lý đồng bộ và liên ngành, bảo đảm tính nhất quán giữa Bộ luật Dân sự, Luật NHNN, Luật Giao dịch điện tử, Luật Phòng chống rửa tiền và các đạo luật chuyên ngành khác; (iii) Điều phối việc triển khai Sandbox thí điểm tài sản số trong môi trường có kiểm soát, bao gồm chọn lựa chủ thể tham gia, cơ chế giám sát và đánh giá rủi ro; (iv) Phối hợp với Bộ Tài chính, Cục Thuế, NHNN để định hình chính sách thuế, theo dõi dòng tiền và kiểm soát thất thu thuế; (v) Làm đầu mối hợp tác quốc tế với các tổ chức như FATF, OECD, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc chia sẻ dữ liệu, đồng bộ chuẩn mực và xử lý tài sản kỹ thuật số vi phạm xuyên biên giới.

Thứ năm, nâng cao nhận thức, đào tạo và phổ biến pháp luật

Trước tiên, Việt Nam cần xây dựng chương trình giáo dục tài chính và công nghệ tài sản số trong hệ thống phổ thông và đại học. Nội dung bao gồm kiến thức về Blockchain, token, rủi ro đầu tư, hành vi lừa đảo và quyền pháp lý của nhà đầu tư. Việc tích hợp linh hoạt qua bài giảng chính khóa, học liệu mở và nền tảng số sẽ tạo hiệu quả tiếp cận rộng rãi. Kinh nghiệm từ Singapore, Hàn Quốc cho thấy giáo dục sớm giúp giảm thiểu thiệt hại và hình thành hành vi tài chính có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần triển khai chiến dịch truyền thông toàn quốc về tài sản số, do các bộ ngành phối hợp thực hiện. Truyền thông cần tập trung cảnh báo rủi ro đầu tư ảo, mô hình đa cấp, phổ biến quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư, hướng dẫn hành vi tài chính an toàn. Công cụ truyền thông số, video ngắn, infographic, mạng xã hội và hợp tác với báo chí, hợp tác với các người có sức ảnh hưởng (KOL) sẽ tăng độ lan tỏa tới giới trẻ.

Về thực thi pháp luật, cần đào tạo chuyên đề cho cán bộ tòa án, điều tra, kiểm sát về xử lý chứng cứ số, truy vết dòng tiền Blockchain, nhận diện hành vi lừa đảo. Đồng thời, nên thiết lập hệ thống tư vấn pháp lý miễn phí qua cổng điện tử hoặc tổng đài, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, phản ánh vi phạm, tránh rơi vào bẫy đầu tư bất hợp pháp. Đây là bước đi thiết thực giúp gắn kết pháp luật với đời sống số.

7. Kết luận

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình xây dựng khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số, một lĩnh vực vừa nhiều tiềm năng đổi mới, vừa ẩn chứa rủi ro hệ thống và pháp lý phức tạp. Bối cảnh thế giới cho thấy xu hướng hợp pháp hóa có kiểm soát, đặt trọng tâm vào bảo vệ nhà đầu tư, giám sát rủi ro và thúc đẩy phát triển công nghệ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật trong nước vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, với nhiều khoảng trống về pháp lý, quản lý hoạt động và bảo vệ quyền lợi. Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào tháng 6/2025 là dấu mốc thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy tiến trình luật hóa tài sản và tiền kỹ thuật số. Để đạt được mục tiêu này, cần một chiến lược đồng bộ: Xác định địa vị pháp lý rõ ràng, triển khai sandbox có kiểm soát, hoàn thiện chính sách thuế, phòng chống rủi ro, kiện toàn bộ máy điều phối liên ngành, đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây chính là tiền đề để Việt Nam hội nhập an toàn và chủ động vào nền kinh tế số toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

1. Biên, T. V., Oanh, N. M. (2020). Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (4).

2. Cương, N. H. và cộng sự. (2021). Luật tư trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Đoàn, P. T. (2018). Nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam (Luận văn thạc sĩ). Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

4. European Commission. (2023). Markets in Crypto-Assets Regulation (MiCA). https://finance.ec.europa.eu/publications/regulation-markets-crypto-assets_en

5. FATF. (2023). Targeted Update on Implementation of the FATF Standards on Virtual Assets and Virtual Asset Service Providers. https://www.fatf-gafi.org

6. FSA. (2018). Japan’s Approach to Crypto-assets. Financial Services Agency.

7. FSA. (2023). Guidelines on Crypto Asset Exchange Service Providers. https://www.fsa.go.jp

8. FSC. (2023). Regulatory framework for digital assets. Financial Services Commission Korea. https://www.fsc.go.kr

9. Hà, N. T., Lan, H. T. P., Hương, N. T. (2025). Hoàn thiện khung pháp lý để tiền điện tử, tài sản số sớm có giá trị pháp lý tại Việt Nam. Tạp chí Luật sư Việt Nam. https://lsvn.vn

10. Hương Giang. (2022). Hà Nội điều tra đường dây rửa tiền nghìn tỉ bằng tiền ảo. Báo Pháp luật Việt Nam. https://baophapluat.vn

11. Huyền, N. T. (2025). Phỏng vấn ông Phan Đức Trung: “Luật hóa tiền kỹ thuật số góp phần phát triển kinh tế số”. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn

12. Latham & Watkins. (2025). US Crypto Policy Tracker: Regulatory Developments. https://www.lw.com/US-crypto-policy-tracker/regulatory-developments

13. Lê, Q. (2025). Hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa tài sản số làm tài sản bảo đảm. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.

14. Lực, C. V. (2025). Hành lang pháp lý vững chắc cho tài sản số. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn

15. Nguyễn, T. H., Lan, H. T. P., Hương, N. T. (2025). Báo cáo nghiên cứu tiền kỹ thuật số và khung pháp lý tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu Lập pháp.

16. OECD. (2022). Regulatory Sandboxes in Financial Innovation: Policy Perspectives. https://www.oecd.org

17. PBOC. (2023). White Paper on e-CNY. People’s Bank of China. https://www.pbc.gov.cn

18. Phạm, T. T. H., Phạm, V. R. (2021). Nghiên cứu tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC): Xu thế và khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, (10), trang 45–50.

19. Swan, E. J. (2023). Cybercurrency Law: A Guide to Digital Asset Regulation Around the World. Oxford University Press.

Hoàng Văn Thành, Phùng Thị Thu Hương, Đào Hoa Kỳ Hằng, Nguyễn Ngọc Mai
Học viện Ngân hàng

Tin bài khác

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Giai đoạn 2018 - 2023 được đánh giá là một trong những giai đoạn biến động của kinh tế toàn cầu khi một loạt các sự kiện bất thường, ngoài dự đoán đã xảy ra, ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô cũng như hệ thống tài chính tại các quốc gia. Theo đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có những điều chỉnh lớn về chính sách tiền tệ - tài khóa và những điều chỉnh này đã ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô toàn cầu như lãi suất, tỉ giá. Nhóm tác giả đã thực hiện khái quát những thay đổi chính trong điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa của ba quốc gia lớn và ước lượng tác động đến tỉ giá tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chỉ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Mỹ và EU mới có ảnh hưởng đến tỉ giá, còn sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc và chính sách tài khóa cơ bản không có nhiều tác động đến tỉ giá Việt Nam.
Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng, là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, qua đó, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Tài sản số và tín chỉ carbon đang mở ra những cơ hội mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ việc đa dạng hóa tài sản bảo đảm đến thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới tài chính. Với tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam có thể tận dụng các loại tài sản này để hỗ trợ mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những rào cản về pháp lý, công nghệ và quản lý rủi ro hiện nay đang hạn chế khả năng ứng dụng của tài sản số, tín chỉ carbon. Việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các thách thức này.
Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tạo động lực làm giàu trong toàn dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Nghị quyết, từ năm 2026, Việt Nam sẽ chấm dứt cơ chế thuế khoán với hộ kinh doanh, chuyển sang cơ chế tự kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, đồng thời đẩy mạnh thu thuế điện tử.
Phản ứng chính sách của Fed và BPoC trước xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc

Phản ứng chính sách của Fed và BPoC trước xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc là một minh họa hậu quả sâu rộng của các xung đột thương mại. Tác động của nó còn vượt ra ngoài phạm vi hai nước này, khi các nền kinh tế phụ thuộc như Canada và Mexico cũng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số quốc gia lại tìm thấy cơ hội phát triển khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra do sở hữu khả năng thay thế hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan giữa hai quốc gia trên. Điều này phản ánh cách thức phức tạp và khó lường mà xung đột thương mại có thể định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu.
Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia  và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong xu hướng phát triển nền kinh tế số, các giao dịch thường xuyên được thực hiện qua phương thức trực tuyến từ dịch vụ công đến các dịch vụ tài chính, cũng từ đó, rủi ro về bảo mật thông tin ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Các thông tin dữ liệu nói chung và thông tin dữ liệu cá nhân nói riêng là những vấn đề quan trọng trong các quan hệ xã hội và cần được bảo vệ như những quyền lợi chính đáng của con người.
Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục nâng cao năng lực giám sát và quản lý rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và bộ tiêu chí phân loại tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp bất động sản. Tín dụng bất động sản cũng được định hướng ưu tiên cho các phân khúc phục vụ an sinh xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án thương mại đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân.
Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của ngành Ngân hàng, doanh số giải ngân chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (chương trình 145 nghìn tỉ đồng) đã có sự cải thiện qua thời gian, tháng sau cao hơn tháng trước, tương ứng với nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng.
Xem thêm
Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình xây dựng khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số, một lĩnh vực vừa nhiều tiềm năng đổi mới, vừa ẩn chứa rủi ro hệ thống và pháp lý phức tạp. Bối cảnh thế giới cho thấy xu hướng hợp pháp hóa có kiểm soát, đặt trọng tâm vào bảo vệ nhà đầu tư, giám sát rủi ro và thúc đẩy phát triển công nghệ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết này đề xuất một số khuyến nghị về việc xây dựng khung pháp luật quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Giai đoạn 2018 - 2023 được đánh giá là một trong những giai đoạn biến động của kinh tế toàn cầu khi một loạt các sự kiện bất thường, ngoài dự đoán đã xảy ra, ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô cũng như hệ thống tài chính tại các quốc gia. Theo đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có những điều chỉnh lớn về chính sách tiền tệ - tài khóa và những điều chỉnh này đã ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô toàn cầu như lãi suất, tỉ giá. Nhóm tác giả đã thực hiện khái quát những thay đổi chính trong điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa của ba quốc gia lớn và ước lượng tác động đến tỉ giá tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chỉ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Mỹ và EU mới có ảnh hưởng đến tỉ giá, còn sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc và chính sách tài khóa cơ bản không có nhiều tác động đến tỉ giá Việt Nam.
Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng, là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, qua đó, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Tài sản số và tín chỉ carbon đang mở ra những cơ hội mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ việc đa dạng hóa tài sản bảo đảm đến thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới tài chính. Với tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam có thể tận dụng các loại tài sản này để hỗ trợ mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những rào cản về pháp lý, công nghệ và quản lý rủi ro hiện nay đang hạn chế khả năng ứng dụng của tài sản số, tín chỉ carbon. Việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các thách thức này.
Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tạo động lực làm giàu trong toàn dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Nghị quyết, từ năm 2026, Việt Nam sẽ chấm dứt cơ chế thuế khoán với hộ kinh doanh, chuyển sang cơ chế tự kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, đồng thời đẩy mạnh thu thuế điện tử.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 10/2025/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thông tư số 08/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướ

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng