Nuôi dưỡng khát khao làm giàu trên quê hương của các đối tượng chính sách
Không cam chịu cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với thu nhập bấp bênh, nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), biến những ước mơ làm giàu trên quê hương thành hiện thực. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Những giấc mơ đã thành hiện thực
Khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương luôn cháy bỏng trong tim mỗi người con đất Việt, tuy nhiên, con đường lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo không bao giờ trải đầy hoa hồng. Bên cạnh nghị lực, ý chí và sự nỗ lực của bản thân, người dân rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ để biến ước mơ thành hiện thực. Trong hành trình ấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đóng vai trò như "chìa khóa vàng" mở ra cánh cửa hy vọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Những khoản vay kịp thời với lãi suất "mềm" đã giúp họ tháo gỡ khó khăn về vốn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu …
Vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên làm giàu
trên mảnh đất quê hương
Theo dấu chân của các cán bộ tín dụng chính sách NHCSXH, giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi những nếp nhà sàn đơn sơ nép mình bên những rẫy cà phê xanh ngát, chúng tôi gặp chị Rmah H’Nhơn ở thôn Plei Du, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Với dáng người nhỏ nhắn, luôn vượt lên những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, chị Rmah H’Nhơn ấp ủ trong mình khát vọng phát triển kinh tế, vun đắp cho quê hương thêm giàu đẹp. Hành trình ấy của chị khởi đầu bằng những bước đi chập chững, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm nuôi bò sinh sản. Giữa mênh mông kiến thức, chị Rmah H’Nhơn như người lữ khách lạc lối, từng bước khám phá bí quyết chăn nuôi, chăm sóc đàn bò. Kinh nghiệm đã có nhưng vốn liếng ít ỏi, con đường lập nghiệp của chị tưởng chừng như khép lại trước những vô vàn khó khăn về tài sản bảo đảm, lãi suất từ các ngân hàng thương mại. Nhưng rồi, tia sáng hy vọng đến khi chị được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản. Đàn bò ban đầu chỉ có vài con nay đã đông đúc hơn. Năm con bò mẹ khỏe mạnh, hằng năm cho ra đời năm chú bê con. Nhờ số tiền bán bê con, gia đình chị Rmah H’Nhơn có được cuộc sống ổn định, con cái được đến trường, nếp nhà sàn cũng được sửa sang khang trang hơn.
Câu chuyện của chị Rmah H’Nhơn là một trong nhiều hoàn cảnh của các hộ vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư Răng, huyện Ia Pa quản lý dư nợ. Hiện nay, Hội đang quản lý dư nợ tín dụng chính sách trên 14 tỉ đồng với 270 hộ còn dư nợ. Để có được hiệu quả trên, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ NHCSXH phụ trách địa bàn, Hội cũng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách tín dụng ưu đãi đến mọi người dân; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác quản lý và sử dụng vốn vay... Nhờ đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn, không để phát sinh nợ quá hạn; trở thành cầu nối hiệu quả, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội... đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo đời sống; hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Chư Răng vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất giò Hiền đang chuẩn bị nguyên liệu làm giò, chả
Không chỉ riêng tại Gia Lai, chúng tôi về thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hỏi thăm cơ sở sản xuất giò Hiền, ai ai cũng tấm tắc khen ngợi. Đó là cơ ngơi của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nghị lực, đã biến nghề làm giò truyền thống thành con đường thoát nghèo, làm giàu cho gia đình. Bước vào cơ sở sản xuất, không khí lao động hăng say, khẩn trương khiến chúng tôi không thể rời mắt. Ngoài hai vợ chồng chị Hà, còn có bốn nhân công là người địa phương đang cần mẫn làm việc tại cơ sở sản xuất. Mỗi ngày, cơ sở của chị Hà cung cấp ra thị trường gần 200kg giò, mang hương vị quê hương đến với mọi nhà, đem lại lợi nhuận khoảng 45 - 50 triệu đồng/tháng. Thế nhưng ít ai biết rằng, chỉ vài năm trước đây, gia đình chị Hà còn thuộc diện khó khăn trong xã.
Từ những câu chuyện mộc mạc mà đầy sức sống, bằng nghị lực, vượt lên hoàn cảnh cho thấy rõ khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của những người con đất Việt chưa bao giờ nguội tắt. Dù ở vùng núi cao hay miền đồng bằng, dù là người dân tộc thiểu số hay người kinh, đều mang trong mình ngọn lửa đam mê, mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, khát vọng ấy cần được vun đắp, nuôi dưỡng bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi được ủy thác qua NHCSXH như “dòng nước mát lành”, tưới tắm cho những mầm xanh hy vọng. Chính những khoản vay kịp thời với lãi suất ưu đãi đã tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn, tháo gỡ nút thắt về vốn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm giàu.
Nhằm hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo của các đối tượng chính sách, NHCSXH đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi. Trong 9 tháng năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Hội đồng quản trị, NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp tục khẳng định vai trò tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt trên 375,7 nghìn tỉ đồng, tăng 29.286 tỉ đồng so với năm 2023; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 48.527 tỉ đồng. Tổng dư nợ đạt 357,2 nghìn tỉ đồng, tăng 16.506 tỉ đồng (+5,6%) so với năm 2023, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 261,8 nghìn tỉ đồng, tăng gần 17 nghìn tỉ đồng so với năm 2023, hoàn thành 86,3% kế hoạch tăng trưởng được giao. Bên cạnh đó, NHCSXH còn tích cực đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn phục vụ sinh kế, tạo việc làm và chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Người dân làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh,
nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống
Bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ NHCSXH thực hiện mục tiêu
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chuyên gia nhận định, công tác triển khai chính sách tín dụng ưu đãi vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Nhiều người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, chưa hiểu hết về các chương trình tín dụng, thủ tục vay vốn, dẫn đến việc chưa tiếp cận và tận dụng được các cơ hội hỗ trợ từ ngân hàng. Thêm vào đó, việc cập nhật và sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, khiến người dân khó tiếp cận thông tin về tín dụng chính sách và các mô hình kinh tế mới. Người dân gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, học hỏi kinh nghiệm, do đó hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao, dẫn đến một bộ phận người dân chưa thoát nghèo bền vững. Chưa kể, việc luân chuyển cán bộ cùng với nhiệm vụ kiêm nhiệm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình bám sát địa bàn, cập nhật các chính sách, chương trình tín dụng mới để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất.
Để tiếp tục nuôi dưỡng nhiều hơn khát vọng thoát nghèo trên mảnh đất quê hương, TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần cơ cấu lại hệ thống chính sách tín dụng theo hướng tích hợp, tăng định mức chính sách và bảo đảm phù hợp vùng, miền; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hộ làm kinh tế khá, giỏi làm nòng cốt với quan điểm lấy người khá để hỗ trợ người nghèo, thay đổi quan điểm chỉ có tín dụng hộ nghèo.
Để tạo nguồn lực hiện thực hóa mục tiêu của NHCSXH, TS. Nguyễn Lâm Thành cho rằng, trong công tác điều hành, quản lý cần kịp thời phân bổ, chuyển nguồn vốn vay của Trung ương về các địa phương; chỉ đạo lồng ghép các chính sách trên cùng một địa bàn, giải ngân kịp thời nhất là giữa vốn nhà nước cấp với vốn vay hoặc giữa vốn vay với vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án khác (nhất là tín dụng cho các hoạt động sản xuất), bảo đảm tính đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức Hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH để việc sử dụng vốn của người vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tăng cường trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa NHCSXH với Ban Dân tộc, các sở, ngành chuyên môn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội trong công tác vận động tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thống kê, rà soát, cập nhật các tiêu chí và bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc xây dựng kế hoạch vốn hằng năm, phải cân đối các nguồn ngân sách thống nhất từ Trung ương đến địa phương cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội; NHCSXH cần tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bổ sung tăng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Đề án chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương sang để cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ dân giúp giảm nghèo bền vững.
Hương Giang
NHNN