Kinh tế Việt Nam năm 2025 - Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Năm 2024 - những nốt thăng trầm
Năm 2024 khởi đầu với rất nhiều niềm tin về sự phục hồi và hy vọng rằng, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc hơn với viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế thế giới đã trải qua một năm với rất nhiều bất ổn, cùng những biến động khó lường. Căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế - chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế vốn đã phân hóa lại trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Tại Mỹ, những lo ngại ban đầu về đầu tàu kinh tế của thế giới có khả năng rơi vào suy thoái với cú hạ cánh cứng dường như đã không xảy ra, ngược lại, các số liệu vĩ mô gần đây đặc biệt liên quan tới việc làm, tiêu dùng cho thấy quốc gia này vẫn thể hiện những dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Ngược lại, nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc thì đón nhận một kịch bản hoàn toàn đối lập. Kinh tế Trung Quốc gây thất vọng trong năm 2024 khi trước đó đã có rất nhiều kỳ vọng về sự hồi phục mạnh mẽ sau khi tái mở cửa toàn bộ, trong bối cảnh những khó khăn về lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng trong nước trì trệ dẫn tới lo ngại về nguy cơ giảm phát. Chỉ số niềm tin tại Trung Quốc cũng yếu hơn và có thể có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng mà nguyên nhân chính cũng đến từ sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.
Quay trở lại với bức tranh kinh tế trong nước, với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung Việt Nam cũng trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN. Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng được cải thiện và tăng lên lần lượt 6,93% trong quý II/2024 và 7,4% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng. Đã có những lo ngại rằng tác động của bão Yagi, cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong 70 năm qua, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo các thống kê, những tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do bão vào đầu tháng 9/2024 với thiệt hại ước tính lên tới hơn 3 tỉ USD. Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.
Vượt qua tất cả, kinh tế Việt Nam năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Về tổng quan, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch do Quốc hội đề ra.
Cụ thể hơn, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm 2024 tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cũng được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng khích lệ là sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép trong quý III/2024 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023 (Tổng cục Thống kê).
Về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý III/2024, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 38,23 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, có 3.375 dự án đầu tư mới (tăng 1,8% so với năm 2023), tổng vốn đăng ký đạt hơn 19,7 tỉ USD (giảm 7,6% so với năm 2023); có 1.539 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 11,2% so với năm 2023), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 14 tỉ USD (tăng 50,4% so với năm 2023) (Tổng cục Thống kê, 2025). Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% tổng lượng vốn FDI. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đưa ra cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây. Điều này có thể được hỗ trợ bởi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8/2024, chuẩn hóa một số quy định để thúc đẩy nhu cầu. Nhìn về phía trước, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất cũng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, với chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Mỹ cuối tháng 9/2024 đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta. Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện. Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị gia tăng cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và NVIDIA mở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam. Những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo, với việc Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời, thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ở phía ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Với việc các chỉ số liên quan tiêu dùng của Mỹ cao hơn những dự báo phần nào giải thích tại sao xuất khẩu của Việt Nam vẫn là ngành có khả năng phục hồi tích cực nhất trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Mỹ từ các “nền kinh tế trung gian”. Việt Nam có mức độ xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc. Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch Covid-19 và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục hỗ trợ doanh số bán lẻ khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1,7 triệu lượt người, đưa mức chung 11 tháng năm 2024 đạt hơn 15,8 triệu lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Điểm đáng khích lệ là Chính phủ đã đưa ra biện pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nước. Việc cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu và cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ kéo dài đến hết năm 2024, trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8/2024 được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố triển vọng cho thị trường bất động sản. Chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn mang tính thích ứng để giúp tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế, nhằm đưa Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra cho năm 2024, tạo tiền đề vững chắc cho những năm sắp tới.
Về thị trường tiền tệ, dựa vào diễn biến giá thuận lợi hơn, đặc biệt là giá dầu và giá hàng hóa ít biến động, những tháng cuối năm 2024, thị trường tiền tệ khá ổn định. Trong khi các rủi ro như gián đoạn nguồn cung từ bão Yagi và xung đột địa chính trị vẫn hiện hữu, lạm phát thấp hơn so với mức trần mục tiêu 4,5% mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) duy trì lập trường điều hành theo hướng tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát.
Về tỉ giá, tỉ giá USD/VND tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường. Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong thời gian gần đây do những nhiễu động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và những căng thẳng địa chính trị khác.
Để tóm tắt diễn biến tỉ giá năm 2024, có thể chia làm ba giai đoạn tương ứng với ba quý gần nhất. Trong đầu quý II/2024, USD/VND đã tăng giá mạnh từ mức 1 USD = 24.650 VND lên mức cao nhất năm là 1 USD = 25.460 VND chỉ trong thời gian gần 2 tháng, tương đương mức mất giá khoảng 3%. Trong giai đoạn đó, kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed giảm, khiến khác biệt về chính sách điều hành trở nên rõ nét và đưa chênh lệch lãi suất VND - USD tăng cao, dữ liệu tiếp tục vượt trội ở Mỹ và rủi ro địa chính trị đã hỗ trợ USD trong suốt thời gian đó. Để hỗ trợ thị trường, NHNN đã can thiệp thông qua nghiệp vụ bán USD từ dự trữ ngoại hối cũng như phát hành tín phiếu ngắn hạn nhằm giảm đà tăng của tỉ giá (Ngô Đăng Khoa, 2024).
Bước sang quý III/2024, xu hướng đảo chiều khi tỉ giá USD/VND giảm giá mạnh trở lại về mức 1 USD = 24.600 VND, tương đương mức mất giá chỉ còn 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9/2024. Nhờ vào các biện pháp hỗ trợ thị trường từ cơ quan điều hành, cũng như việc Fed hạ lãi suất lần đầu tiên đưa chỉ số USD (dollar index) hạ nhiệt, đồng thời, góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất VND - USD.
Tuy nhiên, bước sang quý IV/2024, câu chuyện về áp lực tỉ giá tăng quay trở lại. Quan sát một cách tổng thể, một số loại ngoại tệ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn khi dòng vốn chảy ra, ví dụ, cặp USD/INR đạt mức cao kỷ lục mới, trong khi cặp USD/KRW hiện đang ở gần mức cao nhất trong năm. Tương tự, tỉ giá USD/VND tiếp tục tăng nhanh và mạnh quay trở lại gần mức đỉnh cũ của năm 2024 là 1 USD = 25.450 VND. Những biến số trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ cho tới khi ông Donald Trump đắc cử, cùng những số liệu kinh tế khả quan, đặc biệt liên quan tới việc làm của Mỹ thời gian qua thổi bùng lên đà tăng giá chỉ số USD, cũng như hạ đi kỳ vọng về cường độ giảm lãi suất của Fed trong chu kỳ mới này. Tương tự như những giai đoạn trước, NHNN đã áp dụng chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt thông qua việc đặt giá bán USD hỗ trợ thị trường tại mức 1 USD = 25.450 VND, đồng thời, tiếp tục giới thiệu lại công cụ phát hành tín phiếu nhằm điều tiết nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng, qua đó, gián tiếp góp phần củng cố niềm tin thị trường và giảm áp lực lên tỉ giá. Vào thời điểm này, khi sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ đã qua, vẫn rất khó khăn để đặt ra được một kịch bản rõ nét nào về diễn biến của tỉ giá trong thời gian sắp tới.
Về lãi suất, NHNN đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, khi tỉ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia khác vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt, đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục đứng trước áp lực tăng. Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng đã có phiên tăng mạnh ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống vào đầu tháng 11/2024, trong đó, lãi suất qua đêm lên mức 6,2%/năm, cao nhất kể từ đầu năm 2024. Kể từ đầu tháng 10/2024 đến ngày 31/12/2024, NHNN cùng lúc phải áp dụng linh hoạt các công cụ điều hành thanh khoản để giải quyết vấn đề ổn định tỉ giá thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu, đồng thời, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh hoạt động thị trường mở.
Năm 2025 - sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%, trong khi đó, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện hoạt động kinh tế trong năm 2025.
Trên thực tế, hoàn toàn có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm 2023 một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan tỏa đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp. Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III/2024, Nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam ở mức trên 6,5%.
Về chỉ tiêu lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm 2024. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn. Cân nhắc tất cả những điều này, Nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC dự báo lạm phát năm 2025 của Việt Nam ở mức 3,0%.
Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho năm 2025. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, liệu nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam, vì các thị trường nước ngoài, đặc biệt là phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ở những thị trường này. Rõ ràng, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền cùng việc Đảng cộng hòa chiếm đa số ở lưỡng viện Mỹ sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới. Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump, tuy nhiên, bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau. Cụ thể là các đề xuất của Đảng cộng hòa trong quá trình tranh cử bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10 - 20% đối với các nền kinh tế khác. Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ năm 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày, dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ. Quan trọng hơn, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam tới Mỹ chiếm tỉ trọng lần lượt hơn 40% và 33%. Mặc dù châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề. Mặc dù có thể khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Ngoài thuế quan, tỉ giá luôn là mục tiêu cơ quan điều hành lưu ý. Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế là một trong những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỉ giá sắp tới. Trong khi đó, với sự phục hồi vẫn chưa đồng đều cùng với mục tiêu tăng trưởng năm sau duy trì ở mức cao, Nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025.
Chuyển đổi kép - động lực cho tăng trưởng
“Chuyển đổi kép - chuyển đổi xanh và chuyển đổi số” đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp họ hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này. Chẳng hạn như Trung Quốc, nền kinh tế số lớn nhất thế giới, đã triển khai sáng kiến “Dữ liệu miền Đông, điện toán miền Tây” nhằm dịch chuyển các trung tâm dữ liệu từ khu vực miền Đông vốn hạn chế về tài nguyên đất đai và năng lượng sang khu vực miền Tây đất nước nhằm tận dụng điều kiện thời tiết mát hơn, năng lượng sạch và các nguồn tài nguyên với chi phí hiệu quả.
Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Chẳng hạn,
Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỉ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%.
Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), đến ngày 31/12/2024, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh. Theo khảo sát năm 2022 của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị). 48,7% doanh nghiệp cho rằng, giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố năm 2024.
Thực tế, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Thứ nhất, những yếu tố nhân khẩu học như dân số khoảng 100 triệu người với tỉ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng Internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (gross merchandise value), Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ASEAN vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Là nước có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đáng khích lệ, Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ tìm cách đóng vai trò tích cực để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Nhìn chung, số hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như AI mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.
Bên cạnh đó, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Vốn từ ngân sách Nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỉ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết. Theo một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID, có tới 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, chi phí đầu tư là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số. Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.
Một điểm quan trọng nữa trong năm 2025 chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Chính phủ đang cho thấy tinh thần rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây là sẽ một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Tài liệu tham khảo:
1. N Zhang (2024): The “Eastern Data and Western Computing” initiative in China contributes to its net-zero target - ScienceDirect.
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
3. Dương Văn Bôn (2023): Xu hướng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31, tháng 11/2023.