
Có nên cho vay góp vốn, hoàn thanh toán và chứng minh tài chính
Tóm tắt: Ngoài những nhu cầu vay vốn không được cho vay được quy định tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng có thể không được cho vay đối với các nhu cầu vốn để: (1) Góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; (2) Thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa; (3) Chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba. Những quy định này trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN làm phát sinh nhiều ý kiến khác nhau từ phía người vay và các TCTD. Bài viết sẽ cho thấy được những lợi ích và rủi ro của các hoạt động cho vay nói trên.
Từ khóa: Góp vốn, hoàn thanh toán, chứng minh tài chính, cấm cho vay.
1. Góp vốn - lợi ích và rủi ro của cho vay góp vốn
Góp vốn theo giải thích tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp (2020) là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Do đó, cho vay góp vốn có thể hiểu là việc các TCTD cấp tín dụng bằng tiền để khách hàng góp vốn tạo thành vốn điều lệ của công ty hoặc tăng thêm vốn chủ sở hữu (không tạo thành nên vốn điều lệ của công ty). Cho vay hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh hay nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác cũng được xem là cho vay góp vốn.
Cho vay góp vốn đã được nhiều tổ chức tài chính nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước vay để góp vốn thành lập các công ty con thực hiện các dự án đầu tư (doanh nghiệp dự án). Nhiều ngân hàng thương mại trong nước cũng sẵn sàng cho khách hàng vay để góp thêm vốn chủ sở hữu hoặc thành lập các doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư.
Thông thường, đối với phương thức cho vay dự án đầu tư truyền thống, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mở rộng hay đầu tư thay thế mà không cần thành lập thêm doanh nghiệp, dự án sẽ được các TCTD cho vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư của họ. Các TCTD thường yêu cầu người vay phải có vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Nguồn trả nợ là từ dòng tiền hoạt động phát sinh từ dự án vay vốn kể cả các nguồn trả nợ khác của doanh nghiệp vay vốn. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hình thành trong tương lai từ vốn vay hoặc các tài sản khác của người vay.
Các TCTD chỉ được đáp ứng những nhu cầu vay vốn của khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật
Tuy nhiên, đối với phương thức tài trợ dự án hay tài trợ phi truyền thống, các doanh nghiệp phải góp vốn để thành lập công ty con. Công ty con này sẽ sử dụng vốn góp của công ty mẹ cùng với vốn vay từ các TCTD để thực hiện dự án. Trong trường hợp này, công ty con được gọi là công ty dự án và có tư cách pháp nhân độc lập với công ty mẹ. Công ty con sẽ đứng ra vay nợ (chứ không phải là công ty mẹ), đồng thời, sử dụng tài sản hình thành trong tương lai từ vốn vay để thế chấp cho các TCTD. Công ty mẹ có thể bảo lãnh vay vốn cho công ty con (công ty dự án) nhưng thường chỉ bảo lãnh vay vốn cho công ty dự án trong giai đoạn xây dựng. Sau khi dự án được chứng nhận hoàn thành xây dựng và được đưa vào vận hành chính thức, khoản tài trợ sẽ trở thành miễn truy đòi đối với công ty mẹ. Nguồn trả nợ trong tài trợ dự án chủ yếu là dòng tiền hoạt động phát sinh từ dự án chứ không thể có nguồn trả nợ nào khác. Do đó, một khi chấp nhận tài trợ cho dự án theo phương thức tài trợ phi truyền thống, các TCTD phải thẩm định chặt chẽ tính khả thi và triển vọng thành công của dự án, bởi vì, rủi ro của phương thức tài trợ dự án cao hơn rủi ro của phương thức tài trợ truyền thống. Chính vì vậy, tài trợ dự án trong thực tế thường diễn ra phổ biến ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, cấp điện, cấp nước, khai thác dầu khí và khoáng sản của các tập đoàn và các tổng công ty đa ngành, đa lĩnh vực, dưới hình thức công ty mẹ - con.
Đối với phương thức tài trợ dự án, công ty mẹ có thể đứng ra vay nợ để góp vốn thành lập công ty con. Trong trường hợp này, các TCTD phải thẩm định tính khả thi của phương án đầu tư thành lập công ty con và dự án đầu tư khả thi của công ty mẹ. Tài sản thế chấp có thể là tài sản góp vốn hoặc tài sản khác của công ty mẹ. Nguồn trả nợ là từ cổ tức hoặc lợi nhuận được chia kể cả các nguồn trả nợ khác của công ty mẹ. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nguồn trả nợ từ cổ tức hoặc lợi nhuận được chia sẽ rất rủi ro cho các TCTD cho vay trong trường hợp cổ tức hoặc lợi nhuận được chia thấp đáng kể so với dư nợ cho vay, làm tăng thêm thời hạn trả nợ ngoài mong muốn của các TCTD. Mặt khác, vốn góp tạo thành vốn điều lệ của công ty con sẽ không được hoàn lại mà chỉ được chuyển nhượng, nên vốn góp không được xem là nguồn trả nợ cho khoản vay như trong tài trợ truyền thống. Trong trường hợp nguồn trả nợ cho khoản vay góp vốn là nguồn trả nợ của công ty mẹ, đòi hỏi các TCTD cho vay sẽ phải thẩm định kỹ lưỡng khả năng trả nợ của công ty mẹ. Do đó, khối lượng công việc thẩm định cũng sẽ nhiều hơn.
Nếu không hiểu rõ đặc điểm rủi ro của tài trợ dự án luôn cao hơn rủi ro của tài trợ truyền thống, các TCTD sẽ có thể chấp nhận cho vay góp vốn để thành lập công ty dự án ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, và điều này vô hình trung làm gia tăng rủi ro cho các TCTD. Bởi lẽ, nhìn chung thì cho vay các công ty con mới được thành lập sẽ rủi ro hơn là cho vay những công ty đã được thành lập và hoạt động được nhiều năm. Chính vì vậy mà các TCTD chỉ cho các công ty mới thành lập vay nếu như các TCTD thật sự tin tưởng vào triển vọng thành công của dự án và thường chỉ có ở những lĩnh vực đầy tiềm năng như hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, khai thác dầu khí hay khoáng sản như nói trên, chứ không phải lĩnh vực nào các TCTD cũng chấp nhận cho các công ty mới thành lập vay. Nói cách khác, việc cho vay đối với các công ty mới thành lập đã rất hạn chế thì việc cho vay góp vốn đối với công ty mẹ lại càng hạn chế hơn do rủi ro khá cao đối với các TCTD.
Khác với các khoản cho vay góp vốn thành lập công ty, các khoản cho vay góp thêm vốn chủ sở hữu sẽ có mức độ rủi ro thấp hơn, do công ty nhận vốn góp đã được thành lập và đã có thời gian hoạt động nhiều năm hơn. Tuy nhiên, để quyết định có cho vay góp thêm vốn chủ sở hữu hay không, các TCTD cũng cần thẩm định chặt chẽ khả năng trả nợ của công ty góp vốn lẫn công ty nhận vốn góp, cũng như tài sản bảo đảm của người vay.
Cho vay góp vốn giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, hoặc gia tăng tỷ suất sinh lời từ các khoản đầu tư góp vốn. Tuy nhiên, rủi ro đối với người vay và các TCTD cũng sẽ nhiều hơn trong phương thức tài trợ dự án hay là phương thức tài trợ phi truyền thống. Do đó, các TCTD phải hết sức thận trọng khi quyết định cho vay góp vốn thành lập công ty ở những lĩnh vực mà tính khả thi và triển vọng thành công của dự án là không cao.
2. Lợi ích và rủi ro của cho vay đặt cọc và hoàn thanh toán
Đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015). Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015.
Đặt cọc trong thực tế thường được thực hiện trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Tỷ lệ đặt cọc thường chiếm từ 20 - 30% giá trị bất động sản mua bán. Nếu sau khi đặt cọc và các bên ký kết hợp đồng mua, bán thì số tiền đặt cọc được xem như khoản thanh toán đầu tiên và người mua sẽ phải thanh toán tiếp các đợt còn lại theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Việc các TCTD chấp nhận cho khách hàng vay để đặt cọc mua bất động sản nói riêng, hàng hóa nói chung sẽ đáp ứng được nhu cầu tài chính mang tính cấp bách cho khách hàng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD.
Rủi ro thứ nhất là năng lực tài chính của người vay yếu kém và có khả năng là không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng bị mất tiền cọc, và/hoặc thậm chí không trả được nợ vay đặt cọc cho các TCTD. Cũng cần lưu ý là, khi cho khách hàng vay thanh toán tiền mua tài sản, hàng hóa, dịch vụ, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có vốn chủ sở hữu/vốn tự có tham gia đến 30% giá trị tài sản và các TCTD sẽ cho khách hàng vay nhu cầu vốn còn thiếu của khách hàng. Do đó, với tỷ lệ đặt cọc thậm chí đến 30% giá trị tài sản thì cũng hoàn toàn nằm trong khả năng đáp ứng bằng vốn tự có của khách hàng theo quy định của các TCTD. Cho nên các TCTD cũng không cần thiết phải đáp ứng nhu cầu này của khách hàng, trừ trường hợp mà tỷ lệ đặt cọc lên đến 30% giá trị tài sản trong khi TCTD chấp nhận cho vay đến 90% giá trị tài sản thì TCTD có thể cho vay 20% số tiền đặt cọc, chứ không phải là toàn bộ số tiền đặt cọc trong trường hợp này.
Rủi ro thứ hai là người mua bỏ cọc do giá cả tài sản giảm nhanh trên thị trường dẫn đến người mua bị lỗ.
Rủi ro thứ ba là tranh chấp xảy ra giữa bên mua và bên bán khiến việc đòi lại tiền cọc của người mua rất khó khăn. Chẳng hạn như, tài sản chưa đủ điều kiện để bán, người bán đổi ý không bán chấp nhận trả cọc và bồi thường nhưng người mua không đồng ý.
Cho vay đặt cọc nhìn chung là khá rủi ro cho các TCTD. Mặt khác, nếu so với những khoản cho vay để đáp ứng nhu cầu thanh toán tiền mua tài sản, hàng hóa hay dịch vụ, thông thường, các TCTD sẽ yêu cầu người vay phải chứng minh mục đích sử dụng tiền vay bằng các hợp đồng mua bán. Khi đó, quyền sở hữu tài sản được xem như đã chuyển từ bên bán sang bên mua, nhưng với hợp đồng đặt cọc, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán. Bản chất của hoạt động cho vay đặt cọc của các TCTD là cho vay để khách hàng thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chứ không phải là cho vay để khách hàng mua sắm tài sản. Hơn nữa, việc các TCTD dễ dãi trong việc đáp ứng nhu cầu vay đặt cọc mua bất động sản của khách hàng cũng sẽ góp phần làm cho các hoạt động đầu cơ bất động sản, “lướt sóng” hay “tay không bắt giặc” có điều kiện phát triển, gây nên tình trạng tăng nóng hoặc sốt ảo bất động sản.
Do đó, việc NHNN dự kiến cấm các TCTD cho vay đặt cọc nhằm hạn chế rủi ro cho các TCTD là có cơ sở. Tuy nhiên, việc NHNN dự kiến chỉ cấm các TCTD cho khách hàng vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật là không cần thiết, bởi vì, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng đã cấm các TCTD cho vay để đáp ứng các nhu cầu tài chính cho các giao dịch mà pháp luật cấm.
Với hoạt động cho vay hoàn thanh toán của các TCTD, ngoài việc giúp cho khách hàng đáp ứng được nhu cầu tài chính để đầu tư và thanh toán, hoạt động cho vay này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD và để lại nhiều hệ lụy.
Rủi ro thứ nhất là nhiều khả năng khách hàng không cần chứng minh mục đích sử dụng tiền vay và điều này dẫn việc các TCTD không cần hoặc không thể kiểm tra mục đích sử dụng tiền vay của khách hàng. Điều này dẫn đến vi phạm nguyên tắc cho vay được nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, khách hàng vay vốn TCTD phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Rủi ro thứ hai là có khả năng khách hàng sử dụng tiền vay cho các mục đích đầu cơ tài sản (bất động sản, chứng khoán) tiềm ẩn rủi ro hoàn vốn và hoàn trả nợ vay của khách hàng. Đồng thời, hoạt động đầu cơ cũng góp phần đẩy giá tài sản tăng cao hơn giá trị thực của tài sản, để lại nhiều hệ lụy cho chính các TCTD và nền kinh tế.
Rủi ro thứ ba là cho vay đảo nợ. Có khả năng khách hàng vay hoàn thanh toán để trả các khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu tại các TCTD khác, dẫn đến làm giảm chất lượng của các khoản cho vay hoàn thanh toán.
Thật ra, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải cung cấp phương án hay dự án sử dụng vốn vay khả thi và sử dụng tài sản vay hoàn thanh toán để thế chấp cho các TCTD như thông thường, chứ không cần thiết phải vay hoàn thanh toán để che giấu mục đích sử dụng vốn mang tính đầu cơ hoặc không hợp pháp của khách hàng.
3. Lợi ích và sự cần thiết của cho vay chứng minh tài chính
Cho vay chứng minh khả năng tài chính cũng là một sản phẩm tín dụng được nhiều TCTD cung cấp cho khách hàng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Cho vay chứng minh khả năng tài chính giúp cho khách hàng thuận lợi hơn trong thủ tục chứng minh khả năng tài chính cho con du học hay chứng minh khả năng tài chính để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh… Tuy nhiên, để chứng minh khả năng tài chính, khách hàng không nhất thiết phải sử dụng cho vay chứng minh tài chính của các TCTD mà có thể sử dụng những thủ tục thay thế khác. Chẳng hạn, để chứng minh tài chính cho con du học, khách hàng có thể chứng minh bằng thủ tục xác nhận số dư các loại tiền gửi tại các TCTD hoặc hợp đồng cho vay du học của các TCTD. Để chứng minh tài chính bằng các loại bất động sản, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ủy thác quản lý tài sản hay dịch vụ bảo quản giấy tờ có giá của các TCTD. Ngoài ra, việc giải ngân vốn vay chứng minh tài chính vào tài khoản tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng rồi sau đó khách hàng có sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không cũng là vấn đề khó khăn đối với các TCTD. Thậm chí, có khả năng các TCTD cũng không cần kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay sau khi đã giải ngân bằng chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Do đó, rất có khả năng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ sau này cho các TCTD.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Dân sự 2015.
2. Luật Doanh nghiệp 2020.
3. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Đinh Văn Hoàn (Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Bình)
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
