Quy định của pháp luật về phí Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và thực tiễn thi hành

Nghiên cứu - Trao đổi
Với những đặc thù về quy mô, đối tượng khách hàng và tính liên kết hệ thống, các QTDND phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng và nguy cơ đổ vỡ hệ thống.
aa

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu, đánh giá quy định của pháp luật về trích nộp, thu phí Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) (Quỹ bảo toàn) và thực tiễn thi hành quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn từ thời điểm thành lập năm 2014 đến nay. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả trong việc trích nộp và thu phí Quỹ bảo toàn.

Từ khóa: Quỹ bảo toàn, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng HTX), QTDND, trích nộp phí.

THE LEGAL REGULATIONS ON FEES FOR THE SAFETY FUND
AND THE PRACTICE OF IMPLEMENTATION

Abstract: This article analyzes and evaluates the legal regulations on deduction and collection of fees for the Safety Fund and the practice of implementing regulations on deduction and payment of fees for the Safety Fund from the time of its establishment in 2014 to present. On that basis, the author proposes some of solutions and recommendations for improving the law as well as enhancing efficiency in the payment and collection of Safety Fund fees.

Keywords: Safety fund; Cooperative Bank, People’s Credit Fund; fee deduction.

1. Đặt vấn đề

Với những đặc thù về quy mô, đối tượng khách hàng và tính liên kết hệ thống, các QTDND phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng và nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) rất quan tâm đến các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Từ thực tiễn thí điểm Quỹ bảo toàn tại 03 tỉnh (Hưng Yên, Thái Bình, An Giang) và kinh nghiệm của hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã của Cộng hòa liên bang Đức; hệ thống Quỹ Tín dụng Desjardins của Canada, ngày 23/01/2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-NHNN quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Qua hơn 09 năm hoạt động chính thức (từ năm 2014 đến năm 2023), Quỹ bảo toàn đã phát huy tính hiệu quả, khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống QTDND. Quỹ bảo toàn đã tạo ra một thiết chế quan trọng bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND thông qua hoạt động cho vay hỗ trợ đối với các QTDND gặp khó khăn tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, Quỹ bảo toàn còn là công cụ cảnh báo sớm cho Ngân hàng HTX và NHNN về những yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND.

Nguồn vốn Quỹ bảo toàn được hình thành trên cơ sở phí trích nộp của Ngân hàng HTX và các QTDND thành viên, cùng với đó là lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại Ngân hàng HTX và chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn. Trong đó, nguồn vốn từ phí trích nộp của Ngân hàng HTX và các QTDND chiếm tỉ trọng cao nhất trong nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn. Quy định của pháp luật liên quan đến việc trích nộp và thu phí Quỹ bảo toàn không chỉ quyết định quy mô, khả năng bảo đảm an toàn của Quỹ bảo toàn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của Ngân hàng HTX và các QTDND. Bài viết nghiên cứu, đánh giá quy định của pháp luật về trích nộp phí Quỹ bảo toàn và thực tiễn thi hành quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn từ thời điểm thành lập năm 2014 đến nay, trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả trong việc trích nộp và thu phí Quỹ bảo toàn1.

2. Quy định của pháp luật về trích nộp phí Quỹ bảo toàn

2.1. Đối tượng có nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn và mức trích nộp

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, Ngân hàng HTX, QTDND (trừ trường hợp đang bị áp dụng kiểm soát đặc biệt) có trách nhiệm trích nộp phí tham gia đầy đủ, đúng hạn vào Quỹ bảo toàn một năm một lần trước ngày 31/01 của năm tiếp theo. Việc trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn của Ngân hàng HTX, QTDND bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014. Theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, mức phí trích nộp được quy định là 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của Ngân hàng HTX, QTDND. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã cho thấy mức trích nộp 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước là lớn và phần nào đó đã gây khó khăn cho các QTDND. Chính vì vậy, năm 2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về Ngân hàng HTX, QTDND và Quỹ bảo toàn, theo đó từ năm tài chính 2019, mức phí trích nộp phí bảo toàn là 0,05% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của Ngân hàng HTX, QTDND2.

Việc thay đổi mức trích nộp phí là cần thiết và phù hợp với thực trạng tài chính của hệ thống các QTDND tại Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước để tính mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn là vấn đề cần bàn luận thêm. Quỹ bảo toàn được thành lập và sử dụng để cho vay hỗ trợ các QTDND khi gặp khó khăn tài chính, khó khăn chi trả, tránh nguy cơ phá sản và đổ vỡ, bảo đảm an toàn cho hệ thống QTDND nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung. Khó khăn tài chính, khó khăn chi trả của các QTDND sẽ biểu hiện trực tiếp và rõ ràng nhất thông qua khả năng chi trả đối với người gửi tiền hoặc tổng tài sản có của QTDND. Chính vì vậy, sử dụng số dư tiền gửi hay tổng tài sản của QTDND làm cơ sở để tính mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn sẽ phù hợp hơn việc sử dụng dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước làm cơ sở. Trên thế giới, pháp luật các quốc gia cũng sử dụng số dư tiền gửi hay tổng tài sản của quỹ tín dụng để xác định mức trích nộp phí Quỹ bảo toàn. Cụ thể, pháp luật Jamaica quy định mức trích nộp phí Quỹ bảo toàn là 0,35% tiền gửi tiết kiệm, pháp luật Ireland quy định mức trích nộp phí là 0,58% tài sản của QTDND3.

2.2. Thời điểm dừng trích nộp phí và quy mô của Quỹ bảo toàn

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, “Khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là HTX, Quỹ bảo toàn sẽ tạm thời ngừng thu phí tham gia của các thành viên và tiếp tục thu phí khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn thấp hơn mức nêu trên”4. Quy định trên sau đó được sửa đổi thành “Việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND”5.

Con số “1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là HTX” theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN là quá lớn và không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc thay đổi từ 1,5 lần xuống còn 1,5% là rất lớn (100 lần). Thời điểm ngừng thu phí tham gia của các thành viên có liên quan đến quy mô của Quỹ bảo toàn, bởi như đã nói, phí trích nộp từ các thành viên chiếm tỉ trọng lớn nhất trong quy mô, nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn.

Trên thế giới, pháp luật các quốc gia có quy định khác nhau về quy mô của Quỹ bảo toàn. Tại Lithuania, Quỹ ổn định được thành lập bởi Liên hiệp tín dụng Trung ương (CCU). CCU không có quy định giới hạn quy mô của Quỹ ổn định mà chỉ quy định số dư của Quỹ ổn định không thấp hơn 1% tổng tài sản của tất cả các liên hiệp thành viên trong CCU và không thấp hơn giá trị tài sản trung bình của một thành viên tại thời điểm cuối năm tài chính6. Tại Jamaica, năm 1977, Liên đoàn Liên hiệp tín dụng hợp tác xã Jamaica (JCCUL) đã thành lập Quỹ ổn định. Theo quy định của JCCUL, mỗi năm JCCUL đều tiến hành đánh giá tất cả các liên hiệp tín dụng thành viên để xác định tỉ lệ đóng phí vào Quỹ ổn định của mỗi liên hiệp tín dụng thành viên, nhưng không vượt quá 0,35% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của liên hiệp tín dụng đó. Trong trường hợp số dư Quỹ bảo toàn dưới 1% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của tất cả các liên hiệp tín dụng thành viên thì các liên hiệp tín dụng thành viên cần phải đóng bổ sung, số tiền đóng bổ sung do JCCUL quyết định. Quỹ ổn định sẽ ngừng thu phí khi số tiền trong Quỹ bằng 3% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của tất cả các liên hiệp tín dụng thành viên7.

Trở lại với Việt Nam, tổng tài sản có của hệ thống QTDND tính đến ngày 30/4/2023 là 171.374 tỉ đồng. Theo quy định hiện tại, quy mô của Quỹ bảo toàn sẽ bị giới hạn ở mức khoảng 2.500 tỉ đồng. Con số 2.500 tỉ đồng là quá nhỏ so với các số liệu về tổng dư nợ và tổng số dư tiền gửi của hệ thống các TCTD là HTX (tính đến ngày 30/4/2023, tổng dư nợ của hệ thống TCTD là HTX là 160.833 tỉ đồng (trong đó dư nợ của các QTDND là 131.562 tỉ đồng, dư nợ của Ngân hàng HTX là 29.271 tỉ đồng), tổng số dư tiền gửi của hệ thống TCTD là HTX là 190.931 tỉ đồng (trong đó tổng tiền gửi của các QTDND là 151.227 tỉ đồng, số dư tiền gửi của Ngân hàng HTX là 39.704 tỉ đồng)8.

Từ kinh nghiệm của các nước và thực trạng hệ thống QTDND tại Việt Nam có thể khẳng định, việc pháp luật Việt Nam quy định “Việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND” là chưa thật sự phù hợp. Như vậy, theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-NHNN ngày 05/7/2017 của Thống đốc NHNN về quy mô của Quỹ bảo toàn chưa thể bảo đảm hỗ trợ an toàn cho hoạt động của hệ thống khi các QTDND gặp khó khăn tài chính, khó khăn chi trả.

2.3. Quy định về báo cáo hoạt động và báo cáo thu phí Quỹ bảo toàn

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, hằng năm, chậm nhất vào ngày 15/7, Ngân hàng HTX có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của Quỹ bảo toàn cho NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Hằng năm, chậm nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, Ngân hàng HTX có trách nhiệm gửi các báo cáo cho NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng các nội dung sau:

(i) Tình hình hoạt động và báo cáo tình hình tài chính năm trước của Quỹ bảo toàn.

(ii) Báo cáo về kết quả giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban kiểm soát Ngân hàng HTX về hình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn.

Ngoài ra, Ngân hàng HTX phải báo cáo đột xuất theo yêu cầu của NHNN. Các báo cáo của Ngân hàng HTX phải được lập thành văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

3. Thực tiễn thi hành quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn

3.1. Thực tiễn thi hành nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn của Ngân hàng HTX

Căn cứ vào quy định của pháp luật và các quy định về thu phí bảo toàn trong Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn. Hằng năm, căn cứ vào dư nợ cho vay (nhóm 1, nhóm 2) bình quân năm liền kề trước của các QTDND, Ban quản lý Quỹ bảo toàn lập Bảng tổng hợp tính phí tham gia Quỹ bảo toàn của các QTDND gửi các chi nhánh Ngân hàng HTX đối chiếu. Các chi nhánh Ngân hàng HTX phối hợp cùng Ban quản lý Quỹ bảo toàn đối chiếu, kiểm tra danh sách. Sau khi đối chiếu, thống nhất, bảng tổng hợp tính phí tham gia Quỹ bảo toàn của các QTDND sẽ được gửi cho các QTDND.

Các QTDND kiểm tra, nếu có thắc mắc sẽ phản hồi thông qua chi nhánh Ngân hàng HTX. Sau khi nhận được thắc mắc của các QTDND, chi nhánh Ngân hàng HTX sẽ phối hợp với Ban quản lý Quỹ bảo toàn đối chiếu, kiểm tra, thống nhất số phí QTDND phải nộp. Sau đó, Ban quản lý Quỹ bảo toàn gửi văn bản thông báo số phí bảo toàn tới các QTDND thông qua chi nhánh Ngân hàng HTX. Chi nhánh Ngân hàng HTX gửi thông báo bản cứng số phí phải nộp về từng QTDND. Đối với các QTDND không nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn hoặc nộp không đầy đủ, đúng hạn, Quỹ bảo toàn sẽ phối hợp với chi nhánh Ngân hàng HTX nhắc nhở, đôn đốc. Dựa vào số liệu báo cáo của Ngân hàng HTX gửi NHNN có thể đưa ra một số đánh giá về tình hình thu phí Quỹ bảo toàn như sau:

Thứ nhất, trong các năm đầu việc thu phí Quỹ bảo toàn của các QTDND còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều QTDND chưa hiểu đúng về ý nghĩa, vai trò của Quỹ bảo toàn và nghĩa vụ của các QTDND trong việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn theo quy định. Tuy nhiên, qua thời gian, cùng với đó là sự đôn đốc, nhắc nhở của Ngân hàng HTX, các QTDND đã nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của Quỹ bảo toàn và nghĩa vụ của các QTDND trong việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn theo quy định. Chính vì vậy, theo thời gian các QTDND đã dần nghiêm túc hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2022, số tiền phí Quỹ bảo toàn của các năm từ 2014 đến 2021 đã được Ngân hàng HTX và các QTDND nộp đầy đủ, tổng số phí Quỹ bảo toàn Ngân hàng HTX và các QTDND đã trích nộp là: 490,6 tỉ đồng. Riêng năm 2022, tổng số phí Quỹ bảo toàn là 64,1 tỉ đồng, trong đó Ngân hàng HTX phải nộp 9,9 tỉ đồng, các QTDND phải nộp 54,2 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, Ngân hàng HTX và 602 QTDND đã thực hiện trích nộp phí Quỹ bảo toàn năm 2022 với tổng số tiền là: 37,1 tỉ đồng. (Bảng 1)

Bảng 1: Số tiền phí Quỹ bảo toàn thu của Ngân hàng HTX và các QTDND


Đơn vị: Tỉ đồng

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Ngân hàng HTX về tình hình hoạt động và tình hình tài chính

các năm gửi NHNN (số liệu được làm tròn đến 01 số thập phân)

Tuy nhiên, cá biệt vẫn tồn tại một số QTDND không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn. Cụ thể: (i) Theo Báo cáo tình hình hoạt động của Quỹ bảo toàn năm 2016, Ngân hàng HTX gửi NHNN ngày 25/01/2017, tính đến ngày 25/01/2017, QTDND Thành Đô, tỉnh Ninh Bình vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn năm 2014; (ii) Theo Báo cáo tình hình hoạt động và tình hình tài chính năm 2021 của Quỹ bảo toàn, Ngân hàng HTX gửi NHNN ngày 10/02/2022, QTDND Long Bình, tỉnh Đồng Nai đến 07/01/2022 mới hoàn thành việc nộp phí năm 2019.

Thứ hai, theo quy định các QTDND phải hoàn thành việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn của năm liền kề trước ngày 31/01 của năm tiếp theo. Tuy nhiên, số liệu trong báo cáo của Ngân hàng HTX gửi NHNN cho thấy, số lượng các QTDND chậm trích nộp phí Quỹ bảo toàn là khá phổ biến. (Bảng 2)

Bảng 2: Số liệu về các QTDND trích nộp phí Quỹ bảo toàn qua các năm


Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Ngân hàng HTX

về tình hình hoạt động và tình hình tài chính các năm gửi NHNN

Vấn đề đặt ra là pháp luật Việt Nam hiện tại không có quy định về biện pháp xử lí với các QTDND không trích nộp phí Quỹ bảo toàn hoặc trích nộp muộn so với thời gian quy định. Chính vì vậy, thực tế để thu đúng, thu đủ phí Quỹ bảo toàn, Ngân hàng HTX - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lí và sử dụng Quỹ bảo toàn chỉ có thể dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở các QTDND thực hiện nghiêm túc quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn. Trong Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn (Quy chế số 03/QC-NHHT ngày 23/9/2022 của Ngân hàng HTX) quy định một trong những điều kiện để QTDND được vay vốn từ Quỹ bảo toàn là: QTDND là thành viên của Ngân hàng HTX và đóng đầy đủ, kịp thời các khoản phí theo quy định9. Có thể hiểu, quy định trên được đặt ra với mục đích tạo sức ép để các QTDND thực hiện việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn đúng quy định. Tuy nhiên, quy định trên là điều kiện để QTDND được vay vốn từ Quỹ bảo toàn chứ không phải là biện pháp xử lí và thực tế cho thấy không có nhiều ý nghĩa trong việc buộc các QTDND phải trích nộp phí Quỹ bảo toàn đúng quy định và hơn nữa đó chỉ là quy định nội bộ, không phải quy định của pháp luật.

Thứ ba, Ngân hàng HTX đã thực hiện nghiêm túc việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn theo quy định. Tổng số tiền trích nộp phí Quỹ bảo toàn của Ngân hàng HTX tính đến năm 2022 là 80,4 tỉ đồng (Bảng 1). Ngoài việc trích nộp phí Quỹ bảo toàn, Ngân hàng HTX cũng thực hiện nghiêm túc quy định về việc thu phí Quỹ bảo toàn của các QTDND. Việc tính số phí phải nộp, quy trình thông báo, giải quyết thắc mắc, khiếu nại và đôn đốc nhắc nhở các QTDND trích nộp phí bảo toàn được thực hiện nghiêm túc và khoa học.

3.2. Thực tiễn thi hành quy định về báo cáo thu phí Quỹ bảo toàn

Thực tế cho thấy, Ngân hàng HTX được giao nhiệm vụ quản lí và sử dụng Quỹ bảo toàn đã thực hiện nghiêm túc các báo cáo 6 tháng và báo cáo năm gửi NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

(i) Về thời gian báo cáo: Tất cả các báo cáo 6 tháng của Ngân hàng HTX đều được thực hiện và gửi NHNN trước ngày 15/7 hằng năm. Các báo cáo năm của Quỹ bảo toàn đều được thực hiện và gửi NHNN trước ngày 31/01 hằng năm.

(ii) Về tên gọi của báo cáo và các nội dung báo cáo: Thông tư số 03/2014/TT-NHNN không có quy định, hướng dẫn cụ thể về mẫu báo cáo. Đến Thông tư số 14/2019/TT-NHNN mới có quy định, hướng dẫn cụ thể về báo cáo 6 tháng và báo cáo năm. Chính vì vậy, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019 báo cáo của Ngân hàng HTX không có sự thống nhất về tên báo cáo, nội dung và bố cục. Từ năm 2020 đến nay, báo cáo 6 tháng và báo cáo năm của Ngân hàng HTX được thực hiện theo đúng mẫu báo cáo được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2019/TT-NHNN.

Các thông tin được trình bày trong các báo cáo 6 tháng bao gồm:

- Thông tin về thu phí Quỹ bảo toàn của năm liền trước (tổng số tiền phí đã thu được; số QTDND và số tiền phí đã nộp; số tiền phí Ngân hàng HTX đã nộp; số QTDND chưa nộp phí và số tiền phí chưa thu được).

- Thông tin về thu nhập và chi phí của Quỹ bảo toàn (tổng thu nhập, trong đó lãi tiền gửi và lãi tiền vay; tổng chi phí, chi phí cho các hạng mục, nội dung cụ thể).

- Thông tin về cho vay hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường (số QTDND vay vốn, số tiền cho vay với từng QTDND, thời hạn vay, lãi suất cho vay).

Các thông tin được trình bày trong các báo cáo năm bao gồm:

- Thông tin về thu phí Quỹ bảo toàn của năm trước nữa (tổng số tiền phí đã thu được; số QTDND và số tiền phí đã nộp; số tiền phí Ngân hàng HTX đã nộp).

- Thông tin về thu phí Quỹ bảo toàn của năm vừa rồi: Tổng số tiền phí đã thu được; số QTDND và số tiền phí đã nộp; số tiền phí Ngân hàng HTX đã nộp; số QTDND chưa nộp phí và số tiền phí chưa thu được.

- Thông tin về nguồn vốn của Quỹ bảo toàn: Tổng số phí bảo toàn đã thu; lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại Ngân hàng HTX; chênh lệch thu, chi từ hoạt động của Quỹ bảo toàn; trích lập dự phòng; tổng nguồn vốn của Quỹ bảo toàn.

- Chi phí hoạt động của Quỹ bảo toàn: Tổng chi phí; các nội dung và số tiền chi phí cụ thể.

- Số liệu về cho vay hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả và cho vay đặc biệt: Doanh số cho vay cộng dồn của các năm; doanh số thu nợ cộng dồn của các năm; tổng dư nợ còn lại; số QTDND vay vốn trong năm vừa rồi, số tiền cho vay, thời hạn vay, lãi suất vay; số liệu về công tác thu hồi nợ, số nợ gốc thu hồi, tiền lãi thu hồi, số tiền thu hồi cụ thể đối với từng QTDND.

- Số liệu về trích lập dự phòng rủi ro: Số liệu trích lập năm vừa rồi và tổng số tiền trích lập.

- Số liệu về sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo toàn: Số dư tiền gửi; số tiền gửi có kì hạn; số tiền gửi không kì hạn.

Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét thực tế các báo cáo 6 tháng, báo cáo năm của Ngân hàng HTX gửi NHNN qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có thể khẳng định: Ngân hàng HTX đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về thời gian báo cáo, nội dung báo cáo. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, thời hạn để các QTDND hoàn thành nghĩa vụ đóng phí là ngày 31/01 của năm sau, trong khi thời hạn để Ngân hàng HTX gửi báo cáo năm là 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Khoảng thời gian 15 ngày là không đủ để Ngân hàng HTX tổng hợp số liệu và hoàn thiện báo cáo. Chính vì vậy, Ngân hàng HTX thường phải chốt số liệu xây dựng báo cáo gửi NHNN trước ngày 31/01 hằng năm và đó chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng các thông tin, số liệu được thể hiện trong các báo cáo năm chưa có sự thống nhất.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Từ những phân tích đánh giá quy định của pháp luật liên quan đến nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn và thực tiễn thi hành, tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành quy định của pháp luật về trích nộp, thu phí Quỹ bảo toàn như sau:

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần căn cứ vào thực tế quy mô, tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND tại Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh thời điểm ngừng thu phí Quỹ bảo toàn theo hướng tăng giới hạn quy mô để bảo đảm Quỹ bảo toàn phát huy được vai trò cho vay hỗ trợ khó khăn tài chính, khó khăn chi trả giúp cho các QTDND trở lại hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả thi hành quy định của pháp luật về nghĩa vụ trích nộp phí bảo toàn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thu phí Quỹ bảo toàn của Ngân hàng HTX, quy định của pháp luật về Quỹ bảo toàn cần hoàn thiện theo hướng:

(i) Bổ sung quy định về các biện pháp xử lí (chế tài) áp dụng với QTDND không thực hiện đúng quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn. Quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lí (chế tài) đối với QTDND không thực hiện đúng quy định về trích nộp phí Quỹ bảo toàn cho các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

(ii) Bổ sung quy định xác định trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến đối với các QTDND về ý nghĩa, vai trò của Quỹ bảo toàn và nghĩa vụ trích nộp phí bảo toàn; đôn đốc, nhắc nhở các QTDND không thực hiện đúng nghĩa vụ trích nộp phí Quỹ bảo toàn.

Thứ ba, để Ngân hàng HTX có thêm thời gian tổng hợp, đánh giá số liệu báo cáo của Ban quản lý Quỹ bảo toàn và xây dựng báo cáo gửi NHNN, qua đó bảo đảm số liệu báo cáo được đầy đủ, chính xác và thống nhất, quy định về thời hạn gửi báo cáo tình hình hoạt động và tình hình tài chính của Quỹ bảo toàn của Ngân hàng HTX về NHNN tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN cần được sửa đổi theo hướng lùi thời hạn thực hiện báo cáo năm về tình hình hoạt động của Quỹ bảo toàn đối với Ngân hàng HTX.

Thứ tư, NHNN, Ngân hàng HTX và các QTDND cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và cao hơn nữa là đào tạo để nâng cao nhận thức, hiểu biết của độ ngũ lãnh đạo, cán bộ QTDND về ý nghĩa, vai trò của Quỹ bảo toàn và quy định của pháp luật về Quỹ bảo toàn.

1 Các số liệu được sử dụng trong bài viết được tổng hợp từ các Báo cáo 6 tháng và Báo cáo năm của Ngân hàng HTX về Quỹ bảo toàn từ năm 2014 đến năm 2022.
2 Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của NHNN) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế. Riêng đối với Ngân hàng HTX, số dư nợ cho vay nêu trên được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các QTDND thành viên.
3 Trích lại theo: Jones, P.A. (2010). “Stabilising British Credit Unions: A Research Study into the International Rationale and Design of Credit Union Stabilisation Programmes.” Research Report published by the Faculty of Health and Applied Social Sciences, Liverpool John Moores University.
4 Ngoài nguồn thu từ trích nộp phí của Ngân hàng HTX, QTDND, Quỹ bảo toàn còn được bổ sung từ các nguồn: (i) Chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn; (ii) Lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại Ngân hàng HTX theo quy định pháp luật được sử dụng bổ sung Quỹ bảo toàn. (Từ năm 2016 đến nay đã dừng nộp Quỹ bảo toàn)
5 Điều 1 Thông tư số 06/2017/TT-NHNN.
6 Trích lại theo: Credit Unions’ System In Lithuania, Jurgita Liutvinskienė, Head of Marketing and Product Development Department, Lithuanian Central Credit Union, Savanoriu pages 363-211, Kaunas, Lithuania.
7 Trích lại theo: Jones, P.A. (2010). “Stabilising British Credit Unions: A Research Study into the International Rationale and Design of Credit Union Stabilisation Programmes.” Research Report published by the Faculty of Health and Applied Social Sciences, Liverpool John Moores University.
8 Các số liệu trên được lấy từ hệ thống PRMS của Ngân hàng HTX.

9 Điều 8 Quy chế số 03/QC-NHHT ngày 23/9/2022 của Ngân hàng HTX.


Tài liệu tham khảo:

1. Lê Hà Diễm Chi (2022), Quỹ bảo toàn hỗ trợ QTDND: Thực trạng và giải pháp, đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020.

2. Credit Unions’ System In Lithuania, Jurgita Liutvinskienė, Head of Marketing and Product Development Department, Lithuanian Central Credit Union, Savanoriu pages 363-211, Kaunas, Lithuania.

3. Jones, P.A. (2010). “Stabilising British Credit Unions: A Research Study into the International Rationale and Design of Credit Union Stabilisation Programmes.” Research Report published by the Faculty of Health and Applied Social Sciences, Liverpool John Moores University.

4. Quy chế số 179/QC-NHHT ngày 28/3/2014 của Ngân hàng HTX.

5. Quy chế số 2095/QC-NHHT ngày 31/12/2019 của Ngân hàng HTX.

6. Quy chế số 03/QC-NHHT ngày 23/9/2022 của Ngân hàng HTX.

7. Báo cáo tình hình hoạt động và tài chính của Quỹ bảo toàn từ năm 2014 đến năm 2022.

8. Báo cáo 6 tháng Quỹ bảo toàn từ năm 2014 đến năm 2022.


TS. Đỗ Mạnh Phương (Phó Trưởng Khoa Luật - Học viện Ngân hàng)

ThS. Nguyễn Thị Duyên (Tạp chí Ngân hàng)

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia: Giải pháp tạo nguồn vốn bền vững cho phát triển nhà ở xã hội

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia: Giải pháp tạo nguồn vốn bền vững cho phát triển nhà ở xã hội

Từ thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 ra đời, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế thông thoáng để huy động các nguồn vốn cho phát triển nhà ở để bán, cho thuê như: Thành lập Quỹ phát triển nhà ở của các địa phương; huy động vốn của các tổ chức tín dụng; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân có khả năng tài chính, có nhu cầu mua nhà ở; huy động vốn thông qua các hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh liên kết...
Quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bài viết phân tích tác động của quản trị rủi ro tín dụng đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2023, qua đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quản lý xã hội luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhà nước nào cũng phải quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách hiệu quả. Bởi lẽ, có quản lý tốt xã hội thì nhà nước mới vận hành, phát triển một cách trật tự, ổn định và bền vững, giúp cho đất nước phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, từ đó mới nâng cao được chất lượng đời sống của Nhân dân trên các mặt, các lĩnh vực. Theo Hồ Chí Minh, để quản lý xã hội - xã hội mới, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau; tính chất quản lý phải toàn diện, rộng khắp trên tất cả các mặt của xã hội; yêu cầu quản lý thật chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng; cách thức quản lý phải đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và  quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, tinh giản biên chế trở thành một nhiệm vụ chính trị mang tính cấp thiết; cần phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành sáng tạo của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để mang lại hiệu quả thiết thực.
Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là một trong những quyền quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng huyền thoại với những dấu ấn chiến công lừng lẫy gắn liền với phong trào Đồng Khởi, với “Đội quân tóc dài”, với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, vị thuyền trưởng chỉ huy tàu “không số” đầu tiên chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc…, tên tuổi và sự nghiệp của bà luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế và tài chính, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông ngân hàng trung ương (NHTW). Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin của công chúng, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp ngân hàng tránh tình trạng mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá sản hoặc tổn thất lớn. Ngoài ra, quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản còn đóng vai trò hỗ trợ ngân hàng tuân thủ các chỉ số thanh khoản như: Tỉ lệ bao phủ thanh khoản, tỉ lệ nguồn vốn ổn định ròng... giúp ngân hàng hoạt động an toàn và bền vững.
Xem thêm
Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Tăng trưởng cao không nhất thiết đi kèm với lạm phát cao, bong bóng tài sản, nợ xấu gia tăng và đồng nội tệ mất giá. Nhưng các yếu tố này vẫn tiềm ẩn như các rủi ro kinh tế vĩ mô, tạo nguy cơ đối với sự ổn định vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết này đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng cao, với trọng tâm là phát huy điểm mạnh và hạn chế hiệu ứng tiêu cực từ vận hành chính sách tài khóa và tiền tệ.
Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã có bài viết, trong đó nêu rõ các yêu cầu mục tiêu; những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/04/2025 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi xanh, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các loại tài sản mới như tài sản số, tín chỉ carbon có thể và sẽ được chấp nhận như thế nào với vai trò là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cùng chung nhận định đó là cần sớm hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4/2025.
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và các yếu tố kinh tế vĩ mô tới sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại châu Á. Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu bảng gồm 43.232 quan sát từ 1.093 ngân hàng thương mại ở các nước châu Á trong giai đoạn quý I/2008 đến quý I/2024. Bằng cách tiếp cận theo phương pháp hồi quy 2SLS, nghiên cứu đã khắc phục được vấn đề nội sinh trong mô hình và mang lại các kết quả ước lượng vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa chỉ số Lerner và Z-score hay cạnh tranh thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc