
Quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện
Tóm tắt: Công tác quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại (NHTM) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có các biện pháp pháp lí, quy định cụ thể, rõ ràng để công tác quản trị rủi ro được thực hiện hiệu quả hơn. Bài viết này tập trung làm rõ vai trò của quản trị rủi ro, đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật quản trị rủi ro tại các ngân hàng và từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động quản trị rủi ro tại các NHTM.
Từ khóa: Quản trị rủi ro, NHTM, thực trạng, giải pháp.
RISK MANAGEMENT AT COMMERCIAL BANKS: CURRENT SITUATION AND SOME RECOMMENDATIONS FOR COMPLETION
Abstract: Risk management at commercial banks is one of the important factors that directly determine banking business activities. This requires the State to have specific and clear legal measures and regulations for risk management to be implemented more effectively. From there, this article focuses on clarifying the role of risk management, at the same time analyzing and assessing the current situation of law on risk management at commercial banks and thereby making recommendations and solutions to contribute to completing Vietnamese law on risk management activities at commercial banks.
Keywords: Risk management, commercial banking, current situation, solutions.
1. Đặt vấn đề
Trong lĩnh vực kinh doanh NHTM, hoạt động tín dụng luôn là hoạt động cốt lõi và chủ yếu. Mặc dù hoạt động này mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng, tuy nhiên, chúng tiềm ẩn rủi ro rất cao. Rủi ro thường đi đôi với lợi ích, rủi ro càng cao thì lợi nhuận kì vọng cho ngân hàng càng lớn1. Do đó, các ngân hàng cần phải đánh giá các cơ hội kinh doanh dựa trên mối quan hệ rủi ro - lợi ích nhằm tìm ra những cơ hội đạt được lợi ích xứng đáng với mức rủi ro chấp nhận.
Công tác quản trị rủi ro trong các NHTM là một hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn ngừa và giải quyết rủi ro kịp thời, qua đó làm hạn chế tổn thất, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho hoạt động của NHTM. Để có thể thực hiện tốt hoạt động quản trị rủi ro, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động tín dụng của ngân hàng, tiêu biểu như: Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017; Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành văn bản quy định như: Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về tỉ lệ an toàn ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm soát nội bộ NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN; Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 23/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng...
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn Basel II - phiên bản II của Hiệp ước Basel do Ủy ban Basel ban hành quy định về khung rủi ro tín dụng, xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính2 cũng được các NHTM tại Việt Nam áp dụng dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đầy biến động, khó kiểm soát, sự bấp bênh về tỉ giá, lãi suất... đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt để đổi mới phương thức kinh doanh, đề ra giải pháp kịp thời để hạn chế rủi ro, đảm bảo sự phát triển ổn định cho NHTM.
2. Vai trò của hoạt động quản trị rủi ro tại các NHTM
Rủi ro là những sự việc xảy ra không như mong muốn của con người, nó gây ra những hậu quả mà chúng ta không lường trước được về mức độ nghiêm trọng, cũng như không gian, thời gian mà chúng sẽ xảy ra. Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng: Rủi ro hoạt động là rủi ro gây ra tổn thất do các nguyên nhân như con người, sự không đầy đủ hoặc vận hành không tốt các quy trình, hệ thống, các sự kiện khách quan bên ngoài. Theo các khoản 24, 25, 26, 27, 28, 29, Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì rủi ro được hiểu như sau: Rủi ro tín dụng (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro tín dụng đối tác); rủi ro thị trường (gồm rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu, rủi ro giá hàng hóa); rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng; rủi ro hoạt động; rủi ro danh tiếng; rủi ro chiến lược. Rủi ro thường vô hình, có thể dự báo được trước hoặc là không thể, khó nắm bắt và khó lường trước. Rủi ro luôn luôn đi kèm với lợi nhuận, đó là sự đánh đổi, rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải có tầm nhìn xa và có hoạch định chiến lược kĩ càng để giảm rủi ro ở mức thấp nhất.
Trong lĩnh vực kinh doanh NHTM, hoạt động tín dụng luôn là hoạt động cốt lõi và chủ yếu
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu đối với bất kì nền kinh tế nào. Mức độ hội nhập của Việt Nam đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng. Quá trình hội nhập mang đến cho thị trường ngân hàng Việt Nam nhiều cơ hội trong việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, đa dạng sản phẩm dịch vụ từ những nền quốc gia có kinh tế phát triển. Tuy nhiên, vấn đề hội nhập cũng mang đến nhiều khó khăn và thách thức, những rủi ro trong kinh doanh cùng với các yếu tố thị trường ngày càng phức tạp. Sự đa dạng hóa sản phẩm tài chính ngân hàng càng cao, mức độ rủi ro ngày càng lớn, môi trường tài chính biến động không ngừng và khó kiểm soát3. Do đó, để không bị tổn thất, chi phí mà ngân hàng bỏ ra để xử lí rủi ro phải nhỏ hơn chi phí mà rủi ro gây ra.
Trong hoạt động ngân hàng, triệt tiêu rủi ro là điều không thể, chính vì thế, chúng ta phải chấp nhận và biết cách nắm bắt, hạn chế và điều khiển nó để tránh được thiệt hại, đồng thời tìm kiếm lợi nhuận cũng từ những rủi ro này. Hệ thống quản trị rủi ro của một ngân hàng sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo cho ngân hàng luôn kiểm soát rủi ro ở một mức độ hợp lí, phù hợp với quy mô và bản chất kinh doanh tín dụng của ngân hàng4. Việc xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro là điều cần thiết, có thể thấy vai trò quan trọng của hệ thống quản trị tín dụng được thể hiện như sau:
Một là, tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động ngân hàng. Bằng việc thực hiện các hoạt động theo dõi thị trường tài chính, kiểm soát nội bộ và đề ra những giải pháp hiệu quả, hệ thống quản trị rủi ro sẽ duy trì được thường xuyên tình trạng cân đối giữa nhu cầu và khả năng có được nguồn vốn trong mọi điều kiện để đảm bảo sự ổn định, vững chắc về tài chính cho ngân hàng và làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Hai là, điều tiết những tác động tiêu cực của rủi ro, chi phí của ngân hàng bỏ ra để điều tiết phải thấp hơn giá trị thiệt hại do những rủi ro ngân hàng có khả năng xảy ra và thậm chí ở mức độ giá trị cao nhất khi chúng xảy ra.
Ba là, chủ động phát hiện những cơ hội và nguy cơ có khả năng xảy ra làm tác động đến mục tiêu dự án, từ đó thực hiện giải pháp phù hợp nhằm làm tăng cơ hội và giảm các nguy cơ. Tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện dự án ngay từ giai đoạn lập kế hoạch. Đồng thời, bộ phận quản trị rủi ro cần phải linh động, nhạy bén để đề ra chiến lược mới khi rủi ro đổi hướng xoay chuyển để đáp ứng kịp thời, hạn chế tổn thất lớn nhất.
Như vậy, công tác quản trị rủi ro quyết định trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng. Nhờ có công tác này, ngân hàng có thể lường trước được rủi ro và đưa ra những giải pháp, kế hoạch kịp thời để ứng phó, giải quyết các vấn đề khó khăn mà nền kinh tế đem lại.
3. Thực trạng về công tác quản trị rủi ro tại các NHTM
Các NHTM là một trong những trung gian tài chính quan trọng bậc nhất của hệ thống tài chính, đóng vai trò trung tâm trong quá trình tạo ra tiền tệ, hệ thống thanh toán, các khoản đầu tư tài chính và sự phát triển kinh tế5. Chính vì thế, sự ổn định tài chính của các NHTM được xem là nội dung quan trọng, cốt yếu trong ổn định tài chính. Để giữ vững sự ổn định, trước tiên, ngân hàng phải giữ vững tỉ lệ an toàn vốn, cân bằng lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, kiểm soát nợ xấu so với tổng dư nợ, tổng tài sản và tài sản thanh khoản, nguồn vốn ngắn hạn...; đồng thời, bộ phận quản trị rủi ro phải nhận dạng được rủi ro để đề ra chiến lược kịp thời.
Theo Điều 21 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý rủi ro đảm bảo các yêu cầu sau: a) Quản lý các rủi ro trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng; b) Nhận dạng đầy đủ, đo lường chính xác, theo dõi thường xuyên để kịp thời phòng ngừa tối thiểu rủi ro trọng yếu; c) Kiểm soát trạng thái rủi ro đảm bảo tuân thủ các hạn mức rủi ro; d) Các quyết định có rủi ro phải minh bạch, rõ ràng và phù hợp với chính sách quản lý rủi ro, hạn mức rủi ro. Tùy vào tình hình thực tế, quy mô và điều kiện của từng ngân hàng mà ban quản trị tự quyết định cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý rủi ro, qua đó ban hành các chính sách phù hợp, đúng với quy định của pháp luật để các hệ số an toàn được ổn định.
Tiêu chuẩn Basel II do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng ban hành năm 1988 cũng được áp dụng tại các ngân hàng ở Việt Nam. Với Basel II, Ủy ban Basel đã đề xuất khung đo lường với 3 trụ cột chính: Trụ cột thứ nhất liên quan đến việc duy trì vốn bắt buộc, tỉ lệ vốn bắt buộc tối thiểu là 8% của tổng tài sản có rủi ro; trụ cột thứ hai liên quan đến việc hoạch định chính sách ngân hàng và trụ cột thứ ba là các ngân hàng phải công khai thông tin theo nguyên tắc thị trường. Theo số liệu thu thập được, NHTM cổ phần Quốc tế (VIB) là ngân hàng đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Basel II, đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II6. Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn Basel cho thấy NHTM tại Việt Nam có đủ khả năng hoạt động an toàn theo thông lệ của các nước phát triển trên thế giới, có thể phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Ngoài tiêu chuẩn Basel II, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 6 ngân hàng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III, đó là ngân hàng NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank); NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank), NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) và NHTM cổ phần Á Châu (ACB)7. Basel III hướng tới khắc phục những hạn chế về quy định vốn, nâng cao và siết chặt quản trị rủi ro, đồng thời yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn và chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kì vọng. Nhờ vào đó, các ngân hàng có thể cải thiện được khả năng ứng phó, tự giải thoát trước khủng hoảng tài chính.
Trong quá trình hoạt động, có thể thấy, các ngân hàng ở Việt Nam đã thực hiện khá tốt công tác quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tại NHTM cổ phần Quân đội (MB), các hoạt động kinh doanh và các văn bản được ban hành đều tuân thủ theo quy định của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN. Theo Báo cáo Công bố thông tin theo trụ cột 3 Basel II ngày 31/12/2022, MB cho biết tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất đạt 11,53%, tỉ lệ an toàn vốn riêng lẻ đạt 11,37%, đã đáp ứng tiêu chí tối thiểu 8% của Basel II đưa ra8. Chẳng hạn, trong việc quản lí rủi ro tín dụng, quy trình quản lí rủi ro được MB thực hiện theo 4 bước chính: (1) Nhận dạng rủi ro; (2) Đo lường rủi ro; (3) Theo dõi rủi ro; (4) Kiểm soát rủi ro liên tục được vận hành, báo cáo cấp có thẩm quyền để có quyết định xử lí thông tin rủi ro kịp thời, hiệu quả. Cơ cấu tổ chức quản lí rủi ro tín dụng được MB tổ chức và phân định chức năng theo mô hình 3 tuyến bảo vệ đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả và không phát sinh xung đột về lợi ích: Tuyến thứ nhất gồm các đơn vị có chức năng kinh doanh, vận hành và hỗ trợ, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra - kiểm soát nội bộ; tuyến thứ hai bao gồm các đơn vị có chức năng quản lí rủi ro, kiểm soát tài chính, thanh tra - điều tra nội bộ, tuân thủ - pháp chế; tuyến thứ ba là đơn vị độc lập thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ. MB tăng cường nhận diện rủi ro và có biện pháp quản lí hiệu quả để phân tán, giảm thiểu tối đa các nguy cơ phát sinh, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, thanh khoản, thu nhập và các hoạt động của ngân hàng và Tập đoàn.
Không chỉ MB thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thực hiện rất thành công. Vietcombank đã xây dựng chương trình tính tỉ lệ an toàn vốn tự động hằng tháng, ban hành Quy định quản lí tỉ lệ an toàn vốn và Quy trình vận hành chương trình tính tỉ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Bên cạnh đó, theo định kì hằng năm hoặc khi cần thiết, Vietcombank cũng đã ban hành Quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn hướng dẫn về việc lập kế hoạch vốn, đảm bảo phù hợp với kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Để thực hiện hoạt động quản trị rủi ro một cách hiệu quả, Vietcombank đã thành lập ủy ban Quản lí rủi ro với chức năng tham mưu cho Hội đồng quản trị trong việc phê duyệt các chính sách và định hướng phù hợp trong từng thời kì liên quan đến loại rủi ro khác nhau, đề xuất cho Hội đồng quản trị các chiến lược, chính sách quản lí rủi ro, các biện pháp phòng ngừa rủi ro trên nhiều mặt hoạt động. Nhờ hoạt động quản trị rủi ro hiệu quả, năm 2022, tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất của Vietcombank đạt 9,31%; tỉ lệ an toàn vốn riêng lẻ đạt 8,97%. Đây là con số ấn tượng đối với ngân hàng, nó thể hiện ngân hàng đang hoạt động và phát triển tốt.
Trên thực tế, các ngân hàng tại Việt Nam đa phần đã thực hiện tốt hoạt động quản trị rủi ro. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có ngân hàng bị NHNN đưa vào kiểm soát đặc biệt vì liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán, mà nguyên nhân một phần vì công tác quản lí rủi ro chưa thực sự hiệu quả, sai phạm của một số cá nhân, tổ chức, nội bộ chưa được thống nhất, kiểm soát kĩ dẫn đến uy tín bị sụt giảm, NHNN phải hỗ trợ, giúp đỡ để phục hồi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện
NHTM đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của hệ thống NHTM có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hóa; ngược lại, kinh tế hàng hóa phát triển mạnh mẽ đến giai đoạn cao của nó - kinh tế thị trường, thì NHTM ngày càng được hoàn thiện và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu. Khi hệ thống ngân hàng gặp sự cố, mất khả năng thanh toán và đứng trước bờ vực phá sản, nền kinh tế sẽ gặp khủng hoảng, tạo nên hiệu ứng lan truyền rủi ro của cả hệ thống, thậm chí có thể trở thành mầm mống của khủng hoảng kinh tế - tài chính. Để tình trạng này không xuất hiện, cần thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, góp phần đảm bảo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Một là, Quốc hội cần ban hành Luật Phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Vì hiện nay, các văn bản quy định về hoạt động quản trị rủi ro trong NHTM đa phần là Thông tư do NHNN ban hành. Điều này làm cho các văn bản rời rạc, không tập trung và dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm quy định, áp dụng pháp luật. Không những thế, việc Thông tư còn hiệu lực nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thì sẽ dẫn đến một Thông tư nữa lại ra đời, sẽ gây nhiễu thông tin, đôi khi gây ra mâu thuẫn và khó thực hiện.
Hai là, cần bắt buộc thành lập một bộ phận quản lí rủi ro tại từng NHTM, trong đó, thành phần là những cán bộ cấp cao trong hội đồng quản trị và những người có chuyên môn cao được ngân hàng tuyển chọn. Xuất phát từ tính chất rủi ro của hoạt động kinh doanh này, quản trị rủi ro cần có một đội ngũ chuyên nghiệp, có năng lực thường xuyên theo dõi, nhận dạng, đo lường các rủi ro có thể xảy đến, tính toán sẵn sách lược và chiến lược để hạn chế tối đa rủi ro. Có như thế, hoạt động quản trị rủi ro mới thực sự hiệu quả, đảm bảo sự ổn định cho hoạt động ngân hàng.
Ba là, bản thân các ngân hàng phải thường xuyên cung cấp, cập nhật kiến thức về rủi ro, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho tất cả các cán bộ ngân hàng. Khi các cán bộ, nhân viên hiểu rõ về rủi ro trong kinh doanh, họ sẽ hạn chế được các lỗi và rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên cập nhật các sự kiện, thường xuyên trao đổi thông tin, công khai, minh bạch để NHNN và các ngân hàng khác nắm thông tin kịp thời, cùng phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp để hệ thống ngân hàng phát triển, giữ vững sự ổn định của nền kinh tế.
5. Kết luận
Rủi ro tại các NHTM có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất kì lí do nào, dù là khách quan hay chủ quan, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong kinh doanh, đôi khi chúng ta phải chấp nhận rủi ro để tìm kiếm một cơ hội mới, mức lợi nhuận mới tiềm năng hơn. Tuy nhiên, dù đã chấp nhận rủi ro nhưng chúng ta phải tìm biện pháp để giảm thiểu thiệt hại mà rủi ro mang lại. Chính vì vậy, công tác quản trị rủi ro đóng vai trò quan trọng trong mỗi ngân hàng. Hiện nay, thị trường tài chính luôn biến đổi, khó lường và khó nắm bắt được, do đó việc hoàn thiện một hành lang pháp lí vững chắc để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, bảo vệ nền kinh tế là điều cần thiết đối với mỗi quốc gia.
1 Phí Trọng Hiển (2019), “Quản trị rủi ro ngân hàng: Cơ sở lý thuyết, thách thức thực tiễn và giải pháp cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, Số chuyên đề, tr. 8-13.
2 Nguyễn Thị Dung (2022), “Quá trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Số kì 2 tháng 6/2022.
3 Hoàng Xuân Phong (2014), "Quản trị rủi ro thị trường tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam", Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Ngân hàng, tr. 1.
4 Trần Khánh Dương (2019), “Phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, tr. 11.
5 Nguyễn Thị Kiều Nga - Trần Huy Hoàng (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến tính ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, Số 29+30, tr. 406-411.
6 Minh Thành (2023), Ngân hàng nào đang an toàn vốn nhất, Tuổi trẻ Online, https://tuoitre.vn/ngan-hang-nao-dang-an-toan-von-nhat-20230418101613223.htm, truy cập ngày 05/5/2023.
7 Thiên Ân (2022), Việt Nam đã có 6 ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III, Tạp chí Thương gia Online, https://thuonggiaonline.vn/viet-nam-da-co-6-ngan-hang-quan-tri-rui-ro-theo-chuan-basel-iii-52990.htm#:~:text truy cập ngày 05/05/2023.
8 NHTM cổ phần Quân đội (2022), Báo cáo công bố thông tin theo trụ cột 3 Basel II ngày 31/12/2022, tr. 3.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017.
2. Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
3. Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về tỉ lệ an toàn ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm soát nội bộ NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Thông tư số 40/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
6. Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
7. Thông tư số 23/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
8. Thiên Ân (2022), Việt Nam đã có 6 ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III, Tạp chí Thương gia Online, https://thuonggiaonline.vn/viet-nam-da-co-6-ngan-hang-quan-tri-rui-ro-theo-chuan-basel-iii-52990.htm#:~:text truy cập ngày 05/5/2023.
9. Nguyễn Thị Dung (2022), “Quá trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các NHTM Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Số kì 2 tháng 6/2022.
10. Trần Khánh Dương (2019), “Phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.
11. Phí Trọng Hiển (2019), “Quản trị rủi ro ngân hàng: Cơ sở lý thuyết, thách thức thực tiễn và giải pháp cho hệ thống NHTM Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, Số chuyên đề.
12. Nguyễn Thị Kiều Nga - Trần Huy Hoàng (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến tính ổn định tài chính của các NHTM Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, Số 29+30.
13. NHTM cổ phần Quân đội (2022), Báo cáo công bố thông tin theo trụ cột 3 Basel II tại ngày 31/12/2022.
14. Hoàng Xuân Phong (2014), “Quản trị rủi ro thị trường tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Ngân hàng.
15. Minh Thành (2023), Ngân hàng nào đang an toàn vốn nhất, Tuổi trẻ Online, https://tuoitre.vn/ngan-hang-nao-dang-an-toan-von-nhat-20230418101613223.htm, truy cập ngày 05/5/2023.
ThS. Đỗ Thị Lan Anh (Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Trần Linh Huân, Lê Thị Châu Giang (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Phạm Thị Hồng Tâm (Trường Đại học Phan Thiết)
Tin bài khác


Vốn tín dụng chính sách tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

Hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương

Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Gia tăng tiện ích sử dụng cho khách hàng

“Dòng chảy” vốn tín dụng tại tỉnh An Giang tạo động lực tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoạt động ngân hàng - Dấu ấn trong bức tranh kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024

25 năm phát triển sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
