Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
Tóm tắt: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Trong gần 40 năm đổi mới (1986 - 2024), khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đang đối diện với những rào cản về chính sách dẫn đến kìm hãm sự phát triển của khu vực cũng như phát huy nội lực của nền kinh tế. Bài viết tìm hiểu động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân ASEAN, từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Từ khóa: Kinh tế tư nhân, SME, tăng trưởng, ASEAN.
PRIVATE ECONOMIC SECTOR: THE DRIVING FORCE OF ASEAN DEVELOPMENT
AND LESSONS FOR VIETNAM
Abstract: Developing the private economic sector is an inevitable requirement in the current context. In Vietnam, the 13th National Congress of the Party affirmed: “The private economic sector is an important driving force of the economy”. In nearly 40 years of renovation (1986 - 2024), the private economic sector has made significant contributions to the development of the national economy. However, the private economic sector is facing policy barriers that hinder the development of the sector as well as the promotion of the internal strength of the economy. This article explores the driving forces for the development of the ASEAN private economic sector, thereby drawing some lessons for the development of the private economic sector in Vietnam.
Keywords: Private economic sector, SME, growth, ASEAN.
1. Kinh tế tư nhân - động lực tăng trưởng của ASEAN
Kinh tế tư nhân là tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Theo nghĩa hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể.
Ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP và là nền tảng, trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Những tập đoàn, công ty tư nhân hàng đầu ở các nước công nghiệp phát triển luôn đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế. Trong ASEAN, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Các doanh nghiệp tư nhân không chỉ tạo ra việc làm mà còn đóng góp vào GDP, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2023, tại Phiên họp toàn thể về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS - ASEAN Business and Investment Plenary Session) với chủ đề “Điều chỉnh kinh tế tư nhân của ASEAN”, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto khẳng định, triển khai mô hình kinh doanh tư nhân cần phù hợp với giai đoạn mới của số hóa với việc thành lập Hiệp định khung kinh tế số ASEAN. Việc triển khai mô hình kinh doanh tư nhân sẽ đẩy nhanh chương trình nghị sự kinh tế bền vững trong khu vực. Kinh tế tư nhân ASEAN cần áp dụng mô hình kinh doanh toàn diện bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp khác để đạt được mức tăng trưởng lên gấp đôi trong nền kinh tế số.
Giai đoạn 2022 - 2023, khu vực tư nhân ASEAN đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của các quốc gia. Kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 45% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Indonesia đóng góp khoảng 60% GDP và tạo ra hơn 97% việc làm trong nước. Kinh tế tư nhân Philippines đóng góp 5,6% vào mức tăng trưởng GDP năm 2023. Các quốc gia ASEAN khác cũng ghi nhận sự đóng góp lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, giúp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Vai trò của kinh tế tư nhân trong ASEAN được thể hiện:
Một là, khu vực kinh tế tư nhân ASEAN tạo nhiều việc làm: Kinh tế tư nhân ASEAN đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Các doanh nghiệp tư nhân ASEAN là nguồn tạo việc làm lớn nhất, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Tại Indonesia, các SME chiếm 97% tổng số doanh nghiệp và tạo ra hơn 60% việc làm trong nước. Các doanh nghiệp tư nhân thường đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên, giúp nâng cao chất lượng lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động. Sự phát triển của kinh tế tư nhân khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và thúc đẩy sự sáng tạo trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là SME, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Hai là, khu vực kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP: Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của các quốc gia ASEAN, giúp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc đầu tư, đổi mới và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững thông qua áp dụng những công nghệ xanh và thân thiện với môi trường. Sự phát triển của kinh tế tư nhân khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh của các quốc gia ASEAN trên thị trường quốc tế.
Ba là, kinh tế tư nhân thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp tư nhân thường tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt giúp khu vực kinh tế tư nhân ASEAN phát triển bền vững và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất giúp doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Áp dụng công nghệ số và tự động hóa trong sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh. Đổi mới sáng tạo cũng giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mở rộng thị phần của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong ASEAN áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững, như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải và quản lý tài nguyên hiệu quả. Đổi mới sáng tạo đã tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, khuyến khích các doanh nhân trẻ tham gia vào thị trường, từ đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, kinh tế tư nhân giúp tăng cường khả năng cạnh tranh: Tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ASEAN, qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN trên trường quốc tế. Các quốc gia ASEAN nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu rào cản pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Việt Nam đã có nhiều cải cách để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI - Global Competitiveness Index). Các doanh nghiệp tư nhân ASEAN đầu tư mạnh vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng những công nghệ mới như số hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. ASEAN đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế khu vực cũng giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thị trường quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Singapore là điển hình trong việc tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân thay vì dồn vốn quá nhiều cho các doanh nghiệp Nhà nước khi trong gói kích cầu trị giá 20,5 tỉ SGD (2011) đã dành tới 8,4 tỉ SGD cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó 5,1 tỉ SGD hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm. Singapore tập trung vào đa dạng hóa các ngành, nghề cho công nhân, khuyến khích doanh nghiệp gửi công nhân đi học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Singapore rất chú trọng hỗ trợ cho các SME, trợ cấp các SME đang là một trong những ưu tiên của nước này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Singapore tập trung vào những công ty chuẩn bị thực hiện các bước để nâng cao năng suất và mở rộng kinh doanh. Mục tiêu là duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp địa phương, nâng cao tay nghề cho người lao động và thu hút đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2019 - 2022, số lượng hỗ trợ của Chính phủ Singapore dành cho các SME thông qua hàng loạt chương trình đã tăng gấp đôi.
Năm 2024, hơn 70% trong số tất cả gói thầu của Singapore trị giá từ 90.000 USD đến dưới 1 triệu USD được trao cho các SME. Nhờ vậy, khu vực tư nhân Singapore có sự cải thiện các tiêu chí như mức độ ưu tiên cho việc thu hút và giữ chân nhân tài có tay nghề cao, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và tính hiệu quả của các SME.
Ở Thái Lan, với đường lối kinh tế là nhất quán: Phát triển kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, Thái Lan đã thông qua những ưu đãi mới nhằm tăng đầu tư của khu vực tư nhân lên 110 tỉ baht (khoảng 3,56 tỉ USD) năm 2020 và đóng góp thêm 0,25% vào tăng trưởng kinh tế. Những ưu đãi của Thái Lan gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn một năm thuế đối với nhập khẩu máy móc mới. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan cung cấp khoản cho vay với lãi suất đặc biệt dành cho các công ty xuất khẩu khi thay đổi trang thiết bị để phục vụ xuất khẩu, những ưu đãi về thuế áp dụng đối với mua máy móc mới, trong khi việc giảm thuế không áp dụng đối với máy móc thuê. Mặc dù các biện pháp ưu đãi ước tính sẽ khiến Chính phủ thất thu 8,6 tỉ baht tiền thuế nhưng Chính phủ Thái Lan đã chuẩn y ngân sách 350 triệu baht để hỗ trợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan áp dụng mức lãi suất đặc biệt. Chiến lược khuyến khích kinh tế tư nhân của Thái Lan được đưa ra nhằm bù đắp thiệt hại doanh thu từ du lịch do lượng du khách Trung Quốc tới Thái Lan giảm 2 triệu lượt vì dịch Covid-19 năm 2020.
Indonesia cho phép tư nhân trong nước tự do kinh doanh trên cơ sở độc lập về nguồn vốn hoặc hình thành hệ thống công ty cổ phần liên doanh giữa Nhà nước với tư nhân trong và ngoài nước. Từ năm 1986, Philippines chủ trương tự do buôn bán và tư nhân hóa các công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ. Năm 1998, đã có 93 xí nghiệp quốc doanh tại Philippines được tư nhân hóa.
Mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao của Malaysia sẽ phụ thuộc nhiều vào sự sẵn lòng và năng lực của khu vực tư nhân trong việc áp dụng các chính sách quốc gia. Các SME rất quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển của Malaysia và trở thành động lực chính tạo việc làm. Các SME là xương sống của ngành công nghiệp sản xuất và nhiều lĩnh vực khác với sự đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội. Malaysia rất chú trọng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân. Năm 2023, tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân ở Malaysia chiếm tới 117% GDP.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng cũng như đóng góp đáng kể của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế, tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân ASEAN còn tồn tại một số hạn chế, đó là:
Thứ nhất, sự đóng góp của các SME trong ASEAN vào mạng lưới sản xuất quốc tế vẫn còn hạn chế so với quy mô và đóng góp vào tạo việc làm. Thị phần xuất khẩu trung bình của 5 nước thành viên ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) là 23%, thấp hơn so với các đối tác của ASEAN ở các nền kinh tế Đông Á khác, nơi thị phần xuất khẩu của các SME là 43% ở Hàn Quốc, 40 - 60% ở Trung Quốc và 56% ở Đài Loan. Do đó, dường như vẫn còn có nhiều cơ hội để cải thiện kết nối SME của ASEAN với mạng lưới sản xuất quốc tế.
Thứ hai, các SME trong ASEAN cơ bản đều có đặc điểm không đồng nhất. Bởi vậy, SME cần cải thiện năng suất và khả năng đổi mới để ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu.
Thứ ba, khu vực SME ở các nước thành viên ASEAN có dân số đông phần lớn là các nước đang phát triển. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ và nằm ở những vùng nông nghiệp nông thôn với khả năng tiếp cận thị trường và tài chính hạn chế. Trọng tâm phát triển SME trong trường hợp này cần phát triển nguồn nhân lực để có được những kiến thức quản lý cơ bản và kỹ năng quản lý tài chính.
Chính vì vậy, khu vực tư nhân ASEAN cần tích cực nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới, bao gồm tối đa hóa mối quan hệ với phát triển kinh tế địa phương, với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hợp tác ASEAN không chỉ đơn thuần là nỗ lực của khu vực công, những nỗ lực mang tính toàn diện và hợp tác của khu vực kinh tế tư nhân trong các chương trình nghị sự và các sáng kiến khác nhau của ASEAN cũng rất quan trọng. Khu vực kinh tế tư nhân ASEAN không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
2. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Sau gần 40 năm đổi mới (1986 - 2024), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu kinh tế đều có sự đóng góp của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân được khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, huy động được nguồn lực lớn, tạo nhiều việc làm cho người lao động, bước đầu hình thành một số doanh nghiệp tư nhân lớn, ngày càng thể hiện được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân Việt Nam hiện có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với 7 triệu doanh nhân, đóng góp gần 45% GDP, khoảng 1/3 thu ngân sách Nhà nước (NSNN), hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho 85% lực lượng lao động; chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 30% NSNN. Thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng hơn 15%/năm, cao gấp hai lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang có xu hướng giảm.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn nhất vào đầu tư và tăng trưởng GDP của Việt Nam, gấp đôi khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp rưỡi khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân cũng tạo ra 45 triệu việc làm. Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rất rõ khi Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng quy mô lớn, những dự án sân bay, cảng biển, đường cao tốc hoặc những lĩnh vực khó như hạ tầng năng lượng, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh. Một số doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực đã đóng vai trò trụ cột, góp sức gánh vác những trọng trách lớn, đồng thời, tạo “đòn bẩy” để đưa kinh tế nhanh chóng phục hồi, bứt phá sau đại dịch Covid-19 và đang từng bước kinh doanh đa ngành để trở thành những doanh nghiệp quan trọng trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chiếm lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất và lắp ráp ô tô, vận tải, hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, nông nghiệp… Khu vực kinh tế tư nhân đã có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như các tập đoàn: Vingroup, Sun Group, Trường Hải Thaco, Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG, T&T Group, Vietjet, TH… Trong đó, có những thương hiệu không những được ghi nhận ở thị trường trong nước mà ở cả thị trường khu vực và quốc tế.
Mặc dù đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa thật sự được cải thiện, còn hạn chế nhiều mặt, chưa sẵn sàng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của một số doanh nghiệp còn thấp, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Khu vực kinh tế tư nhân dù lớn về số lượng nhưng chất lượng hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Sau đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng bị chững lại.
Mặc dù kinh tế tư nhân đang dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế, nhưng trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách cũng như năng lực nội tại của chính các doanh nghiệp. Tỉ trọng nguồn tài chính tư nhân trong nước trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác. Tỉ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam là 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD, thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN. Nguyên nhân là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam với đặc điểm là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ hơn các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hiện nay, một số “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, đó là:
Thứ nhất, tình trạng ít doanh nghiệp cỡ vừa và lớn là một trở ngại lớn của kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Năm 2024, trong số 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%). Vốn đầu tư chính thức trung bình của một doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chỉ đạt 43,5 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp khu vực Nhà nước là 5,56 tỉ đồng và doanh nghiệp FDI là 421,9 triệu đồng trên mỗi doanh nghiệp. Về quy mô lao động, trung bình mỗi doanh nghiệp khu vực tư nhân có 12,8 lao động, trong khi doanh nghiệp khu vực Nhà nước là 512,2 lao động và doanh nghiệp FDI là 224 lao động.
Quy mô vốn hóa trung bình trên thị trường của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là 186 triệu USD/công ty, thấp hơn rất nhiều so với mức vốn hóa trung bình của các nước như: Philippines là 1,2 tỉ USD/công ty, Singapore là 1,07 tỉ USD/công ty, Thái Lan là 835 triệu USD/công ty, Indonesia là 809 triệu USD/công ty và Malaysia là 553 triệu USD/công ty.
Thứ hai, tình trạng không chính thức của khu vực kinh tế tư nhân còn chiếm tỉ lệ cao. Trong khu vực kinh tế tư nhân, các hộ kinh doanh nhỏ chiếm tỉ lệ lớn và không được coi là một loại hình doanh nghiệp, là khu vực không chính thức. Khu vực không chính thức tăng, tạo ra những hệ lụy không nhỏ cho khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế Việt Nam. Một là, giảm nguồn thu cho NSNN. Hộ kinh doanh không chính thức của khu vực kinh tế tư nhân chiếm 88,7% số lượng cơ sở sản xuất nhưng chỉ đóng góp vào NSNN 1,56%, tương đương 638 triệu USD, trong khi hộ doanh nghiệp chính thức chỉ chiếm 11,3% về số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp 15,4% vào NSNN, tương đương 6,3 tỉ USD. Hai là, an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Với hơn 5,1 triệu cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hơn 38,28 triệu lao động, tuy nhiên, do những quy định chưa chặt chẽ đối với hộ kinh doanh nên phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh của các hộ không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, buộc người lao động phải chi trả các khoản khi ốm đau, bệnh tật, làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Ba là, tạo tâm thế ỷ lại trong đội ngũ doanh nhân. Tâm thế không lớn và không muốn lớn của đội ngũ doanh nhân đã làm cho quy mô của doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh với các nước trong quá trình hội nhập.
Thứ ba, chất lượng tăng trưởng và tỉ suất lợi nhuận khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thấp. Quy mô nhỏ và tính không chính thức cao đã làm hạn chế khả năng tận dụng các lợi thế có được nhờ quy mô kinh tế, chuyên môn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân. Những hạn chế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng, làm cho tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc nhiều vào các ngành khai thác khoáng sản và tín dụng. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Sự hạn chế về công nghệ và năng lực đổi mới, sáng tạo đã làm cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn. Những hạn chế này cũng được thể hiện khi chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) của khu vực kinh tế tư nhân đang có dấu hiệu gia tăng so với trước. Năm 2011, ICOR đầu tư tư nhân khoảng 4,2 lần nhưng quý I/2024 tăng lên 8,4 lần, rõ ràng hiệu quả đầu tư là một vấn đề cần quan tâm (Cấn Văn Lực, 2024).
Thứ tư, mối liên kết của khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI rất hạn chế. Trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn đang hoạt động, nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp loại 1 và 145 nhà cung cấp loại 2 và 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng lại có đến 690 nhà cung cấp loại 1 và 1.700 nhà cung cấp loại 2 và 3. Tình trạng hoạt động độc lập, đơn lẻ của khu vực kinh tế tư nhân đã làm cho khả năng tiếp cận thị trường và quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân vốn đã hạn chế do quy mô nhỏ nay càng trở nên khó hơn. Những hạn chế này đã và đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, làm cho kinh tế tư nhân khó trở thành động lực thực sự của nền kinh tế.
Thứ năm, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân thấp so với các khu vực khác và so với mức chung của xã hội. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI (Minh Dũng, 2023).
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khẳng định, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó, có 60 - 70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu tỉ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tư nhân đến năm 2025 đạt khoảng 55% và 60 - 65% GDP năm 2030. Năng suất lao động tăng 5%/năm; hằng năm có 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Một số quan điểm đánh giá về doanh nghiệp tư nhân chưa khách quan, gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân. Ngoài ra là những khó khăn về thể chế kinh tế, bộ máy hành chính chưa hiệu quả, thủ tục hành chính thiếu minh bạch; nhiều doanh nghiệp tư nhân phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc… Vì vậy, để kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cần nâng cao hơn nữa bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, giữa kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước; xem xét ưu đãi thuế cho các SME.
- Tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, trong đó có cả việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút FDI nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân gia nhập thị trường. Tăng cường mối liên kết của các công ty này với những chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Tiếp tục thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Xây dựng các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp hạn chế về quy mô và thiếu khả năng đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực.
- Từng bước giúp khu vực kinh tế tư nhân mở rộng sang những lĩnh vực kinh doanh khác mà tư nhân có thể tham gia, không loại trừ những lĩnh vực độc quyền ở thành phần kinh tế Nhà nước. Đồng thời, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, như:
(i) Ưu tiên cho các doanh nghiệp tư nhân vay với lãi suất ưu đãi; (ii) Giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp tư nhân nhằm khuyến khích chuyển đổi loại hình kinh doanh cá thể, hộ gia đình sang mô hình doanh nghiệp.
- Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, SME, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng cần đổi mới hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trên thị trường và hoạt động theo cơ chế thị trường.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Cần kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, nghiên cứu hình thành một đạo luật doanh nghiệp mang tính thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thống nhất, công bằng giữa các chủ thể kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ, ít doanh nghiệp đầu tư nhiều kinh phí cho R&D để cải tiến công nghệ, nắm bắt cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh. Môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ cần dành thêm nguồn lực tài chính để thực hiện R&D, từ đó, cung cấp lại cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điển hình, Nhật Bản đầu tư 3% GDP cho R&D, Trung Quốc là hơn 2% GDP và huy động thu hút tài chính tư nhân vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân.
Ba là, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Trình độ của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế khi đa phần thiếu năng lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất mới, do đó, cần tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tăng cường sự kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp khu vực khác. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, để từ đó có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất trong bối cảnh mới.
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì những chính sách từ Chính phủ cần chú trọng làm tăng các chỉ số về giá trị gia tăng, hoạt động sáng tạo, phát minh sáng chế, năng suất và chất lượng sản phẩm, các tiến bộ về công nghệ và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
4. Kết luận
Phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong suốt giai đoạn đổi mới, đặc biệt từ Đại hội XIII của Đảng với việc khẳng định và nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển đáng kể và đóng góp to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn còn khoảng cách lớn. Để kinh tế tư nhân phát triển như mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân thì bên cạnh nỗ lực của chính khu vực kinh tế tư nhân, cần có những hỗ trợ từ Nhà nước, trong đó, vấn đề cốt lõi là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo nền tảng vững chắc hơn nữa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý khuyến khích các SME, doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi nhanh sang kinh tế số, góp phần quan trọng để phát triển bền vững kinh tế tư nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Asila Jalil (2024), Malaysia’s economy to get a push from private sector consumption, investment spending, http://nst.com.my
2. Usman Kansong (2023), ASEAN Private Sector Must Implement an Inclusive Business Model - ASEAN Indonesia 2023.
3. Yuri Sato (2020), Development of Small and Medium Enterprises in the ASEAN, 9_sato.pdf, http://jcie.org
4. Smita Kuriakose (2021), Preparing the Malaysian private sector to compete at the highest level.
5. Kiều Chinh (2023), Đến năm 2025, kinh tế tư nhân có thể đóng góp 55% vào GDP quốc gia, http://mekongasean.vn
6. Minh Dũng (2023), Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển, http://nhandan.vn
7. Trần Hùng (2022), Kinh tế tư nhân Việt Nam trong tiến trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và thế giới, http://doanhnhansaigon.vn
8. Đại Kim (2024), Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, http://nhandan.vn
9. Nguyễn Quốc Điền (2023), Phát triển kinh tế tư nhân, một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội, http://kinhtetrunguong.vn
10. Vụ Thống kê tổng hợp (2023), Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển, http://consosukien.vn
11. Nguyễn Thị Luyến (2023), Những điểm nhấn trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam giai đoạn đổi mới (từ năm1986 tới nay), http://dangcongsan.org.vn
12. Nguyễn Huy Viện (2022), Chỉ khi kinh tế tư nhân phát triển mới có dân giàu, nước mạnh, http://quangnam.gov.vn
13. Nguyễn Văn Tuấn (2023), Vai trò của kinh tế tư nhân ở Thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023.
14. Huy Quốc (2020), Thái Lan khuyến khích đầu tư tư nhân, Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG, http://sggp.org.vn
15. Viet Nam Private Sector VIE.pdf, http:// economica.vn
Lê Thị Thu Hương (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới)
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội)