
Hiệu quả từ những điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long
Huyền Trang
Đến mùa Xuân Kỷ Hợi là trọn vẹn 16 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Long tổ chức được hệ thống điểm giao dịch trải khắp toàn địa bàn xuống tận các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Mọi hoạt động giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng diễn ra sôi nổi như ngày hội ngay tại trụ sở UBND xã, phường; được đồng bào tích cực tham gia.
Từ những ngày đầu có mặt tại tỉnh Vĩnh Long, NHCSXH đã tổ chức các điểm giao dịch về tận cơ sở xã, phường tạo điều kiện cho người dân nghèo được tiếp cận thuận lợi, trực tiếp với nguồn vốn vay. Kể từ đó, dù ngày nắng hay ngày mưa, nơi nào có người nghèo cần vay vốn ưu đãi để sản xuất thì ở nơi đó có dấu chân của những người cán bộ NHCSXH.
TP Vĩnh Long có trên 140 nghìn hộ gia đình, sinh sống ở 11 xã, phường. Trung bình mỗi tháng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Tín dụng NHCSXH tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi giao dịch tại trụ sở UBND các xã, phường. Tại đây, cán bộ nhân viên ngân hàng trực tiếp thực hiện việc giải ngân và thu nợ, thu lãi của các hộ vay vốn.
Thông qua các tổ giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, mỗi người cán bộ, nhân viên ngân hàng phải bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích.
Ông Nguyễn Văn Bình - Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Trường An, cho biết, mỗi buổi đi giao dịch lưu động tại xã, Tổ giao dịch phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo mọi thủ tục, phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch chính xác, hiệu quả như: máy tính được cài đặt sẵn các chương trình, máy in, máy đếm tiền, máy phát điện dự phòng để phòng khi mất điện và các công cụ hỗ trợ khác.
Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.
Với các chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện để phát triển kinh tế, xây nhà ở, tạo việc làm, tiếp tục học tập và đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.
Ông Lữ Thành Hưng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Trường An, cho biết: Thực hiện các buổi giao dịch tại UBND xã, phường có lợi rất nhiều cho bà con nhân dân. Người vay không cần phải đến giao dịch tại ngân hàng, tiết kiệm được thời gian, đi lại và an toàn hơn. Việc thu nộp lãi hàng tháng cũng thuận tiện hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thu Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Trường An cho biết, từ khi NHCSXH triển khai điểm giao dịch tại xã, phường đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân nghèo. Sau khi giao dịch xong, các cán bộ NHCSXH tổ chức họp với lãnh đạo UBND xã, phường, các hội, đoàn thể để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách. Thông qua hoạt động này, nhiều người dân trên địa bàn xã Trường An được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long có 109 điểm giao dịch cố định tại 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hằng tháng, vào một ngày cố định, Tổ giao dịch lưu động là các cán bộ NHCSXH với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cần thiết đi giao dịch phục vụ cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách từ giải ngân, thu nợ, thu lãi,…
NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ 1.822 tỷ đồng. Riêng năm 2018 có 24.755 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cho người dân. Chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
(Tạp chí Ngân hàng số 7/2019)
Tin bài khác


Tín dụng tiếp tục là điểm sáng của ngành Ngân hàng

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Hoạt động của hệ thống ngân hàng Khu vực 15 góp phần phát triển kinh tế địa phương

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2025 - Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 12 - khóa XIII

Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
