Nền kinh tế mùa lễ hội: Khi niềm vui và lợi nhuận song hành
Mùa lễ hội tại Mỹ và ý nghĩa về kinh tế
Tại Mỹ, mùa lễ hội bắt đầu từ Lễ Tạ ơn, diễn ra vào ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11. Đây là khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện lễ hội sôi động kéo dài đến Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Giai đoạn này không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mua sắm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Lễ Tạ ơn gắn liền với lịch sử nước Mỹ, bắt nguồn từ bữa tiệc mùa thu năm 1621 tại Plymouth, Massachusetts, nơi những người hành hương mời bộ tộc Wampanoag cùng chia sẻ niềm vui sau mùa màng bội thu. Sự kiện này thể hiện lòng biết ơn và tinh thần đoàn kết trong bối cảnh khó khăn. Ngày nay, Lễ Tạ ơn là dịp để gia đình quây quần, tổ chức các bữa tiệc ấm áp, đồng thời duy trì truyền thống văn hóa gia đình.
Dịp lễ hội cuối năm tại Mỹ đã trở thành cơ hội vàng để các nhà bán lẻ kích cầu, giảm giá sâu nhằm thu hút khách hàng |
Ngay sau Lễ Tạ ơn, người Mỹ bước vào Black Friday và Cyber Monday1, là hai ngày mua sắm lớn nhất trong năm. Với Black Friday, nhiều người lầm tưởng “Black” (đen) mang ý nghĩa tiêu cực, tuy nhiên, trong thuật ngữ kinh doanh, “Black” ám chỉ lợi nhuận, khi các doanh nghiệp chuyển từ “in the red” (thua lỗ) sang “in the black” (có lãi).
Black Friday có nguồn gốc từ Philadelphia vào thập niên 1950, khi lượng người mua sắm đông đảo khiến các cửa hàng chật kín. Ngày này nhanh chóng lan rộng khắp nước Mỹ và trở thành cơ hội vàng để các nhà bán lẻ kích cầu, giảm giá sâu nhằm thu hút khách hàng. Những người dân Mỹ xếp hàng dài tại các siêu thị, cửa hàng để mua hàng với giá siêu rẻ. Sức mua trong những ngày này có thể bằng vài tháng trước đó cộng lại. Đây chính là đòn bẩy kinh tế mạnh vào dịp cuối năm tại Mỹ.
Với dân số gần 343 triệu người, ước tính có khoảng 184 triệu người Mỹ tham gia mua sắm từ ngày Black Friday đến ngày Cyber Monday. Những đợt giảm giá vốn bắt đầu từ ngày Black Friday nay đã được triển khai sớm hơn, kéo dài cả tuần lễ trước đó. Theo dữ liệu cập nhật của Adobe Analytics, người dân Mỹ đã chi gần 10,8 tỉ USD mua sắm trên mạng trong dịp Black Friday năm 2024, tăng 10,2% so với năm 2023.
Do đó, mùa lễ hội không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Mỹ. Quy mô GDP năm 2024 của Mỹ đạt 29,17 nghìn tỉ USD, một phần nhờ sức mua mạnh mẽ của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, thói quen tiêu xài phóng khoáng của người dân Mỹ đã hình thành từ giai đoạn Chính phủ Mỹ hỗ trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19. Khi đó, người dân Mỹ nhận tiền trợ cấp mà không cần làm việc, nhiều người còn tiết kiệm được khoản tiền đáng kể. Chính vì thế, dù chi phí tăng cao, họ vẫn tiếp tục tiêu xài. Để hiểu rõ hơn về giá cả và thói quen tiêu dùng của người Mỹ, cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nền kinh tế Mỹ hoạt động trên nguyên tắc tự do và cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty phải cạnh tranh quyết liệt để tồn tại. Nếu không giảm giá, tối ưu chi phí hoặc nhập khẩu hàng hóa với giá hợp lý, họ sẽ không bán được hàng.
Từ tháng 11 đến tháng 12 hằng năm, các công ty bán lẻ thường đạt từ 20% đến 30% doanh thu cả năm. Đây là thời điểm quan trọng bởi nếu không bán được hàng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong suốt năm sau. Trong hai tháng cuối năm 2024, tổng giá trị giao dịch bán lẻ tại Mỹ ước tính đạt gần 1.000 tỉ USD, một con số đáng kinh ngạc. Chỉ riêng ngày Black Friday, người tiêu dùng chi khoảng 10 tỉ USD và Cyber Monday đạt doanh số 12,5 tỉ USD. Trong tuần lễ từ Lễ Tạ ơn đến Cyber Monday, tổng chi tiêu có thể đạt gần 23 tỉ USD.
Dịp lễ hội, lượng người dân Mỹ di chuyển để thăm người thân thường đi kèm với việc mua sắm thực phẩm, quà tặng và các nhu yếu phẩm khác đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế. Các nhà kinh tế cũng như Bộ Thương mại Mỹ theo dõi sát sao xu hướng tiêu dùng này, vì nó thường báo hiệu tình hình kinh tế của năm sau.
Tuy nhiên, không phải mọi nhóm tuổi đều có xu hướng chi tiêu như nhau. Những người dưới 30 tuổi thường sử dụng thẻ tín dụng đến mức tối đa để mua sắm những sản phẩm có giá tốt nhất. Một số người tiêu tiền để trải nghiệm mùa lễ, cải tạo nhà cửa, hoặc đi du lịch. Những người lớn tuổi (50 - 60 tuổi) có tài chính vững chắc cũng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế thông qua việc mua sắm và chi tiêu cho gia đình.
Tại Mỹ, các công ty thường bắt đầu tuyển dụng lao động thời vụ từ tháng 10 để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Những vị trí này sẽ kéo dài trong 2 - 3 tháng và chủ yếu thuộc các ngành bán lẻ, giao nhận hàng hóa như Amazon, Target, UPS, và FedEx. Điều này mang lại cơ hội cho những người muốn làm thêm hoặc cần công việc tạm thời. Với mức thu nhập trung bình khoảng 2.000 USD mỗi tháng, tổng chi tiêu của hàng trăm nghìn lao động tạm thời này sẽ quay trở lại nền kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Khi các công ty tuyển dụng, họ không chỉ trả lương mà còn kích thích tiêu dùng. Người lao động chi tiêu, các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khách sạn lại tiếp tục hưởng lợi, từ đó tạo ra một vòng quay kinh tế.
Xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ đã có những thay đổi đáng kể trong 4 năm gần đây. Do ảnh hưởng của lạm phát, người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn. Họ tìm kiếm các sản phẩm có giá trị cao thay vì ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu. Điều này cũng làm thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, từ việc tích trữ hàng hóa đến tối ưu hóa sản xuất để bảo đảm không bị thiếu hụt trong mùa cao điểm.
Hiệu ứng này không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn lan tỏa ra quốc tế. Các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Mexico - những nhà cung cấp lớn cho thị trường Mỹ đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho mùa lễ hội.
Mùa lễ hội tại Mỹ không chỉ là thời điểm thúc đẩy doanh số mà còn là chỉ số quan trọng định hình triển vọng kinh tế cho năm tiếp theo.
Tác động của thị trường chứng khoán Mỹ tới tâm lý mua sắm của người dân
Tại Mỹ, những tháng cuối năm thường là thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm. Điều này phần lớn đến từ tâm lý tích cực của người tiêu dùng trước các ngày lễ lớn. Các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng cáo, thường kèm theo khuyến mãi hấp dẫn như “chỉ còn vài ngày” hoặc “ưu đãi kết thúc lúc nửa đêm” đã khơi gợi tâm lý “mua sắm bù đắp” ở người tiêu dùng - ngay cả những món hàng chưa thực sự cần thiết cũng được họ mang về.
Một điều đặc biệt tại Mỹ là chính sách trả lại hàng hóa sau mua sắm. Người tiêu dùng có thể hoàn trả những món hàng không phù hợp một cách dễ dàng, tạo sự yên tâm khi quyết định mua sắm. Sau Black Friday, Cyber Monday, Giáng sinh... việc trả hàng diễn ra phổ biến, từ đó cũng ảnh hưởng một phần đến thị trường chứng khoán.
Việc cho phép trả lại hàng hóa đã trở thành một phần của văn hóa tiêu dùng của người dân Mỹ, nhưng nó cũng mang lại những thách thức không nhỏ cho các nhà bán lẻ. Các hãng buôn phải chịu chi phí để kiểm tra, đóng gói, gắn nhãn mác và đưa hàng hóa trở lại quầy kệ. Theo ước tính, những chi phí này có thể chiếm đến 20% giá trị món hàng. Vì vậy, nếu tỉ lệ trả lại cao, thiệt hại về chi phí chắc chắn không nhỏ. Tuy nhiên, lợi ích của chính sách này là rất lớn. Các nhà bán lẻ tại Mỹ hiểu rằng nếu không có chính sách trả hàng linh hoạt, họ sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Đặc biệt, trong thời đại mua sắm trực tuyến bùng nổ, như trên Amazon, khách hàng có tài khoản Prime được miễn cả phí giao hàng lẫn phí trả lại, không cần lý do hay câu hỏi. Điều này khuyến khích người tiêu dùng thoải mái mua sắm, vì họ biết rằng việc trả lại hàng không gặp trở ngại.
Ở Mỹ, nhiều cửa hàng như Ross tận dụng các mặt hàng bị trả lại từ các thương hiệu cao cấp và bán với giá rẻ hơn rất nhiều. Người tiêu dùng có thể tìm được những món hàng giá trị chỉ với một phần nhỏ giá gốc. Đây là một điểm thú vị của văn hóa tiêu dùng tại Mỹ, đặc biệt đối với những người mới từ Việt Nam sang, nếu được người thân giới thiệu, họ có thể tận dụng để mua sắm tiết kiệm.
Trở lại với bối cảnh sau kỳ bầu cử, nền kinh tế Mỹ có những biến động đặc trưng. Tuy nhiên, với những chính sách kinh tế được thông qua, từ cắt giảm thuế, giảm lãi suất, đến khuyến khích các công ty trở về Mỹ, nền kinh tế có thể được kích thích mạnh mẽ. Sự thay đổi này không chỉ tác động đến tâm lý lạc quan mà còn ảnh hưởng tích cực đến thị trường tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong mùa lễ hội cuối năm.
1 Cyber Monday hay thứ Hai điện tử là một thuật ngữ được sử dụng trong marketing để chỉ các giao dịch thương mại điện tử trong ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày Black Friday.
Tài liệu tham khảo:
1. https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/thanksgiving-2024-la-ngay-may-nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai-lam-viec-tai-viet-nam-co-duoc-nghi-lam-ngay-le-ta-on-khong-12448#google_vignette
2. https://vietnamnet.vn/dip-giam-gia-manh-nhat-nam-black-friday-2024-la-ngay-nao-2344275.html
3. https://www.washingtonpost.com/business/2024/02/02/grocery-price-inflation-biden/
4. https://danso.org/hoa-ky/#google_vignette
5. https://baotintuc.vn/the-gioi/lam-phat-cua-my-tang-voi-toc-do-cham-nhat-trong-gan-3-nam- 20240229222421207.htm
6. https://vinfastauto.com/vn_vi/1-dam-bang-bao-nhieu-km
7. https://thanhnien.vn/mua-sam-o-my-giu-ky-hoa-don-de-tra-lai-185215446.htm
8. https://vtv.vn/the-gioi/nganh-du-lich-my-huong-loi-nho-dip-le-ta-on-20241126185240578.htm
9. https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-quoc-te/lam-phat-toan-cau-duoc-du-bao-tro-ve-binh-thuong-trong-2024-mo-duong-cho-giam-lai-suat.html
10. https://vtv.vn/kinh-te/luong-nguoi-mua-sam-dip-black-friday-tai-my-du-bao-cao-ky-luc-
2024112910352293.htmB
11. https://vtv.vn/the-gioi/nguoi-my-chi-108-ty-usd-mua-sam-dip-black-friday-20241201085347081.htm
12. https://www.statista.com/statistics/790549/number-of-ross-stores-inc-stores-in-the-us/