
Nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam
Tóm tắt: Chính sách về hỗ trợ tín dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong thời gian qua từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khu vực SME khởi nghiệp sáng tạo hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bài viết trình bày một số tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cho quá trình tiếp cận tín dụng của SME khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Từ khóa: SME, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận tín dụng.
SOLUTIONS FOR IMPROVING CREDIT ACCESS FOR STARTUPS IN VIETNAM
Abstract: Supporting credit access policies for small and medium-sized enterprises (SME) in Vietnam have gradually been refined to facilitate business activities, address challenges, enhance access to financial resources for SME. However, in practice, SME startups have to face significant challenges in credit ccess. This artical identifies some limitations and makes solutions to improve the credit access of SME startups in Vietnam.
Keywords: SME, startups, credit access.
1. Đặt vấn đề
Luật Hỗ trợ SME năm 2017 quy định, SME khởi nghiệp sáng tạo là SME được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh1.
Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng, việc phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ cao trong nền kinh tế là một động lực tăng trưởng mới của đất nước. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng quan trọng. Điều này được minh chứng trong các nghiên cứu kinh tế quốc tế về mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế với đổi mới sáng tạo và năng suất2. Đặc biệt, Báo cáo “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23/4/2024 đã khẳng định mạnh mẽ rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát về các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 của Ngân hàng Thế giới, có đến 69% doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển. Đây là vấn đề cấp thiết nhất trong những giai đoạn phát triển ban đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và phát triển phần cứng, do các hoạt động này đòi hỏi nhiều vốn để phát triển. Hình 1 là thông tin về một số chỉ tiêu liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2024.
Hình 1: Một số chỉ tiêu liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
![]() |
Nguồn: Ngân hàng Thế giới (2024) |
Thống kê từ Hiệp hội SME cũng cho thấy, hơn 80% vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là từ tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, nguồn vốn này không đủ để hỗ trợ các SME, đặc biệt là các SME khởi nghiệp sáng tạo đầu tư và phát triển mô hình kinh doanh của mình. Việc khó tiếp cận vốn ngân hàng đã khiến nhiều SME khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mất cơ hội kinh doanh tiềm năng (Đào Lê Kiều Oanh và Nguyễn Thị Ngọc Duyên, 2019).
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điển hình trong đó bao gồm: (i) Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; (ii) Các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong khâu thẩm định; (iii) Năng lực quản trị của các SME còn hạn chế. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích những nguyên nhân trên và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng của SME khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
2. Một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tiếp cận tín dụng của SME khởi nghiệp sáng tạo
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện
Luật Hỗ trợ SME năm 2017 đã đưa ra các biện pháp khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với SME nói chung, bao gồm SME khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, việc bảo lãnh tín dụng cho SME không chỉ dựa trên tài sản bảo đảm mà còn có thể dựa trên tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nguyên tắc, tiêu chí để thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể nên các Quỹ bảo lãnh tín dụng SME hiện nay chưa có cơ sở để ban hành bộ tiêu chí xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những ý tưởng, phương án sản xuất, kinh doanh của các SME, đặc biệt là SME khởi nghiệp sáng tạo thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó có thể xác định về tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn và trả nợ… Do đó, các SME thường không đủ điều kiện để được bảo lãnh vay vốn (Đinh Tấn Phong, 2024).
Ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển SME, hướng đến thành lập Quỹ phát triển SME nhằm giúp SME có thể tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp thay vì vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hành lang pháp lý quy định về hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro chưa được quy định cụ thể. Trong khi đó, nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển SME là phải bảo đảm an toàn vốn, tương tự như Quỹ bảo lãnh tín dụng. Do đó, trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn này, các SME vẫn cần phải có tài sản bảo đảm.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong khâu thẩm định
Trước hết, trong quá trình thẩm định cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng thường phân định nhóm khách hàng SME là nhóm có độ rủi ro cao, cơ chế thẩm định tín dụng thường chặt chẽ hơn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp khác.
Đối với việc đánh giá tính hợp pháp của mục đích vay vốn, thông thường, doanh nghiệp cũng như bất kỳ khách hàng nào đều đưa thông tin mục đích vay vốn của mình là hợp pháp. Đối với các SME khởi nghiệp sáng tạo, việc chứng minh tính hợp pháp của mục đích vay vốn thường ở mức độ đơn giản, thể hiện ở hồ sơ vay vốn. Do đó, việc xem xét quyết định cho vay không phải lúc nào cũng được thực hiện nhanh chóng. Trong khi đó, sản phẩm của các SME khởi nghiệp sáng tạo thường là sản phẩm mới, thời gian đầu thường không ổn định và khó tiên lượng chính xác tiềm năng của sản phẩm, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi quyết định khoản tín dụng có thể cho vay đối với nhóm khách hàng này.
Mặt khác, đặc thù các SME khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp có thời gian thành lập hoặc vòng đời kinh doanh ngắn, thiếu tính ổn định trong hoạt động kinh doanh. Do đó, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, đánh giá uy tín của khách hàng trong quan hệ tín dụng để đưa ra quyết định cho vay.
Thứ ba, năng lực quản trị của các SME khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế
Một nguyên nhân chủ yếu khác dẫn đến việc khó tiếp cận tín dụng của các SME khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đến từ yếu tố chủ quan của các doanh nghiệp này. Do quá trình hoạt động chịu rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại cho SME rất khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà sáng lập SME khởi nghiệp sáng tạo chỉ tập trung vào ý tưởng kinh doanh, chưa chú ý đến xây dựng mô hình kinh doanh thực tế.
Những nguyên nhân trên đã gây ra không ít khó khăn trong việc thu thập hồ sơ, thẩm định, xét duyệt các điều kiện để hưởng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng hay cấp tín dụng, quản lý trong và sau cho vay, gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ mất nhiều thời gian, công sức để thẩm định đối với các khoản cho vay SME khởi nghiệp sáng tạo, trong khi lợi nhuận không đủ bù đắp, dẫn đến tâm lý e ngại trong việc cấp các khoản tín dụng cho SME khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, các SME khởi nghiệp sáng tạo hiện nay còn hạn chế về thông tin tiếp cận vay vốn ngân hàng cũng như năng lực để chuẩn bị hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều SME chưa tiếp cận được nguồn vốn khác như từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư… (Nguyễn Đào Ngọc Ánh, 2021).
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng đối với SME khởi nghiệp sáng tạo
Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường vốn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, tạo cơ chế tài chính ưu đãi nhằm khuyến khích hoạt động góp vốn đầu tư cộng đồng, hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần chịu rủi ro cao... Đồng thời, gỡ bỏ các hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn cho hoạt động khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét ban hành các gói hỗ trợ tài chính cho SME khởi nghiệp sáng tạo. Các hỗ trợ này có thể dưới dạng khoản tài trợ trực tiếp vào các SME khởi nghiệp sáng tạo tại giai đoạn ý tưởng ban đầu của quá trình phát triển sản phẩm. Theo đó, dựa trên cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, Chính phủ có thể thực hiện phân bổ các khoản hỗ trợ cho các SME khởi nghiệp sáng tạo theo một tỉ lệ nhất định dựa trên vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng cần thiết kế các sản phẩm, quy trình tín dụng đặc thù, phù hợp hơn đối với SME theo từng nhóm ngành, nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho SME được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, qua đó, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của SME khởi nghiệp sáng tạo. Các SME khởi nghiệp sáng tạo cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch gọi vốn, sử dụng vốn một cách có lộ trình, tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, thị trường vốn, công ty tài chính. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ trong việc lập sổ sách kế toán, khai thuế và hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng qua Internet nhằm giảm chi phí giao dịch, kết nối và chia sẻ thông tin tài chính với các tổ chức tín dụng để dần minh bạch hóa thông tin tài chính, tạo lòng tin trên thị trường.■
_____________
1 Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ SME năm 2017.
2 Alon, T., Berger D., Dent R., và Pugsley B. 2018. Già hơn và chậm hơn: Tác động lâu dài của thiếu hụt doanh nghiệp khởi nghiệp đối với tổng mức tăng trưởng năng suất. Tạp chí Kinh tế học tiền tệ, 93, trang 68 - 85.
Tài liệu tham khảo:
1. Alon, T., Berger D., Dent R., và Pugsley B. (2018). Già hơn và chậm hơn: Tác động lâu dài của thiếu hụt doanh nghiệp khởi nghiệp đối với tổng mức tăng trưởng năng suất. Tạp chí Kinh tế học tiền tệ, 93, trang 68 - 85.
2. Audretsch, D. B., Keilbach, M. C., và Lehmann, E. E. (2006). Khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Nhà Xuất bản Đại học Oxford.
3. Đào Lê Kiều Oanh, Nguyễn Thị Ngọc Duyên (2019). Tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10/2019.
4. Đinh Tấn Phong (2024). Gỡ khó tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm, https://fili.vn/2024/06/go-kho-tiep-can-tin-dung-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-khong-co-tai-san-bao-dam-757-1195673.htm
5. Luật Hỗ trợ SME năm 2017.
6. Ngân hàng Thế giới (2024). Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, https://documents1.worldbank.org/curated/en/099448304222426855/pdf/IDU15033e0a81a75f143501911d1dcc883a36364.pdf
7. Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển SME.
8. Nguyễn Đào Ngọc Ánh (2021). Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các SME, https://kinhtevadubao.vn/nang-cao-kha-nang-tiep-can-von-tin-dung-cho-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-3600.html
9. Phan Anh Tú, Nguyễn Hữu Thọ (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn để khởi nghiệp kinh doanh tại thành phố Cần Thơ, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020.
10. VCCI và USAID (2024). Báo cáo Chỉ số PCI và PGI 2023: Thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, thân thiện với môi trường, https://pcivietnam.vn/uploads//VN-Bao-cao-dai-PCI/VN-Bao-cao-dai-PCI-2023_VN.pdf
Tin bài khác


Báo chí với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Báo chí đồng hành cùng ngành Ngân hàng Việt Nam vì sự phát triển bền vững

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Sự tham gia của Thừa phát lại vào hoạt động xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng: Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Điều hành tín dụng linh hoạt là nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Chương trình 145 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội: Doanh số giải ngân dần cải thiện

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
