Năm nguyên tắc cơ bản về truyền tải thông điệp chính sách của ngân hàng trung ương

Quốc tế
Thông điệp truyền thông chính sách có tác động rất lớn đến cảm xúc, nhận thức của người tiếp nhận truyền thông, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi, thói quen và đặc biệt là cách thức tương tác với nhau giữa các chủ thể truyền thông. Truyền thông đang tạo ra quá trình xã hội hóa người dùng nên thông điệp truyền thông chính sách ngày càng tác động lớn đến sự khuếch tán của nội dung truyền thông...
aa

Tóm tắt: Thông điệp truyền thông chính sách liên quan trực tiếp đến quá trình truyền thông và tác động đến nhận thức và hành vi của cá nhân. Thông điệp truyền thông chính sách mang đến cho các tổ chức công cơ hội tiếp cận các đối tượng liên quan để tìm cách thay đổi thái độ của họ bằng cách truyền thông điệp truyền thông chính sách thuyết phục trong bối cảnh truyền thông xã hội. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Anh (Tim Munday và James Brooks, 2021) đã nghiên cứu các phương thức mà ngân hàng trung ương (NHTW) có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông đến các thông điệp của họ và qua đó, truyền tải thông tin đến lượng công chúng lớn hơn bằng cách sử dụng ngôn ngữ học tâm lý và mạng lưới thần kinh. Bài viết giới thiệu năm nguyên tắc cơ bản trong truyền tải thông điệp chính sách rút ra từ nghiên cứu trên, qua đó, đưa ra một số kết luận về truyền tải thông điệp chính sách của NHTW.

Từ khóa: Nguyên tắc, thông điệp truyền thông chính sách, ngân hàng trung ương.

FIVE BASIC PRINCIPLES OF CENTRAL BANK POLICY MESSAGING

Abstract: Policy communication messages are directly related to communication processes and influence individuals' perceptions and behaviors. These messages provide public organizations with opportunities to reach relevant audiences and attempt to change their attitudes by conveying persuasive policy messages within the context of social media communication. Economists from the Bank of England (Tim Munday and James Brooks, 2021) have studied the ways in which central banks (CBs) can attract media attention to their messages and thereby, communicating information to a larger audience by utilizing psycholinguistics and neural networks. This article introduces five basic principles in policy message delivery, drawn from the above research, thereby drawing some conclusions about CBs' policy messages.

Keywords: Principles, communication, policy messages, central bank

Trên cơ sở phân tích hơn 1.200 ấn phẩm của NHTW Anh, các nhà kinh tế đã đưa ra được năm nguyên tắc cơ bản để đi đến thành công trong truyền tải thông điệp chính sách (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Các nhà kinh tế đã phân tích hơn 1.200 ấn phẩm của NHTW Anh để đưa ra năm nguyên tắc cơ bản đi đến thành công trong truyền tải thông điệp chính sách (Ảnh: NHTW Anh. Nguồn: Internet)

1. Đặt vấn đề

Hoạt động truyền thông của các NHTW đã có những thay đổi sâu sắc trong hai thập kỷ qua với sự tăng cường của tính minh bạch nhằm hỗ trợ các mục tiêu chính sách tiền tệ. Đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng, hoạt động truyền thông của các NHTW là rất quan trọng trong việc nâng cao sự tín nhiệm, hiệu quả của chính sách tiền tệ và tăng cường trách nhiệm giải trình. Hiệu quả hoạt động của NHTW được đánh giá bằng kết quả và thành tựu kinh tế, nhưng khả năng thành công sẽ cao hơn nếu các NHTW chú trọng hơn nữa vào truyền thông để giúp công chúng hiểu được tác động của chính sách và điều hướng các lực lượng kinh tế rộng lớn, đa dạng, nhiều thành phần. Hoạt động truyền thông của NHTW đang ngày càng trở thành một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, góp phần tác động đến kỳ vọng lạm phát. Chính vì vậy, hoạt động truyền thông chính sách của các chính phủ nói chung và NHTW nói riêng, ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học...

Việc cung cấp thông tin cho các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể có tác động thực sự đến nền kinh tế. Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trials, RCT), trong đó, một nhóm khảo sát được cung cấp thông tin về một biến kinh tế (thường là lạm phát), cho thấy những tác động đáng kể đến kỳ vọng của các đáp viên và các hành động tiếp theo từ phía các hộ gia đình (Coibion et al., 2019; Kryvtsov và Petersen, 2020) và các doanh nghiệp (Coibion et al., 2018; Coibion et al., 2020).

Mặc dù kết quả thử nghiệm RCT cho thấy, truyền thông có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế như một công cụ chính sách, tuy nhiên truyền thông trực tiếp từ các NHTW đến công chúng vẫn còn một số hạn chế trong việc tác động đến kỳ vọng bất chấp những nỗ lực đáng kể của các NHTW. Nghiên cứu cũng cho thấy, người tiêu dùng và các công ty: (i) Biết rất ít về NHTW và các mục tiêu của họ (Van der Cruijsen et al. 2015; Haldane và McMahon 2018); (ii) Ít chú ý đến động lực lạm phát trong môi trường lạm phát thấp (Candia et al., 2020; Cavallo et al., 2017); (iii) Không phản ứng với các thông báo về chính sách tiền tệ (D’Acunto et al., 2020); và (iv) Hiếm khi hoặc không bao giờ đọc báo cáo về chính sách tiền tệ hoặc các hình thức truyền thông trực tiếp khác (Kumar et al., 2015).

Có bằng chứng cho thấy, cách diễn giải của hệ thống báo chí về truyền thông của NHTW có thể tác động đến thị trường tài chính và các nhà dự báo chuyên nghiệp chủ yếu dựa vào các báo cáo truyền thông để xử lý tin tức của NHTW (Beck, Hayo và Neuenkirch, 2012). Quay trở lại vấn đề truyền thông với công chúng, Blinder và Krueger (2004) phát hiện ra rằng truyền hình và báo chí là hai nguồn thông tin kinh tế hàng đầu cho công chúng; Larsen, Thorsrud và Zhulanova (2020) đưa ra bằng chứng cho thấy các chủ đề tin tức là những yếu tố dự báo tốt về kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình. Nhưng bằng chứng khảo sát có phần chưa thống nhất về mức độ hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách của NHTW trong việc thay đổi niềm tin của người tiêu dùng khi được truyền tải qua phương tiện truyền thông (Coibion et al., 2019). Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để soạn thảo thông điệp sao cho bao phủ được được phạm vi đưa tin mà NHTW mong muốn; đồng thời, vẫn giữ được những thông điệp quan trọng, có thể có tác động lớn đến các tổ chức kinh tế và do đó, là nền kinh tế thực. Để giải quyết hai vấn đề này, hai nhà kinh tế của Ngân hàng Anh (Tim Munday và James Brooks, 2021) đã nghiên cứu các phương thức NHTW có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông đến các thông điệp của họ và qua đó, truyền tải thông tin đến lượng công chúng lớn hơn bằng cách sử dụng ngôn ngữ học tâm lý và mạng lưới thần kinh.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý luận

a. Khái niệm về truyền thông chính sách và thông điệp truyền thông chính sách

Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm..., chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người với nhau để gia tăng hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết về môi trường xung quanh nhằm thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm hoặc của cộng đồng xã hội nói chung, bảo đảm sự phát triển bền vững (Nguyễn Văn Dững, 2013).

Truyền thông chính sách (ở một số quốc gia, tổ chức gọi là “truyền thông Chính phủ” hoặc “truyền thông chính sách công”) có thể được định nghĩa là tất cả các hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong khu vực công nhằm chuyển tải và chia sẻ thông tin, chủ yếu nhằm mục đích tạo ra văn hóa công khai thông tin, đồng thời trình bày và giải thích các quyết định và hành động của Chính phủ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): Truyền thông Chính phủ cung cấp các chính sách và dịch vụ góp phần vào các mục tiêu Chính phủ mở, quản trị tốt hơn và cuối cùng là tăng cường dân chủ. Nếu đánh giá đúng về tiềm năng chiến lược truyền thông về chính sách và có sự đầu tư kịp thời và hợp lý, các Chính phủ có thể xây dựng và củng cố niềm tin của công dân đối với chính quyền (OECD, 2021).

Theo một cách tiếp cận khác, truyền thông chính sách là những hoạt động trung tâm của các công chức Chính phủ trong tổng thể quy trình chính sách từ xây dựng chương trình nghị sự, xây dựng chính sách, thực thi chính sách, đánh giá chính sách, trong đó, Chính phủ trung ương và địa phương xây dựng tốt các mối quan hệ với công chúng và các nhóm lợi ích, khuyến khích họ tham gia vào quy trình chính sách (Học viện Báo chí và Tuyên truyền…, 2018). Nói cách khác, truyền thông chính sách chính là việc sử dụng và phát huy vai trò của truyền thông trong toàn bộ các khâu của chu trình chính sách.

Thông điệp đề cập thông tin và ý tưởng muốn cung cấp, luôn là yếu tố cốt yếu, không thể thiếu trong quy trình truyền thông chính sách ở mỗi quốc gia. Trong truyền thông, thông điệp được hiểu là một phát ngôn hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức dành cho một nhóm đối tượng trong hoàn cảnh cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu của chiến dịch truyền thông. Do đó, có thể chấp nhận nội hàm khái niệm thông điệp truyền thông chính sách là một phát ngôn hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức về chính sách dành cho một nhóm đối tượng trong hoàn cảnh cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu của chiến dịch truyền thông của chính phủ hoặc các cơ quan có chức năng truyền thông chính sách.

b. Vai trò của thông điệp truyền thông chính sách

Một là, thông điệp truyền thông chính sách tạo cảm giác tích cực của người sử dụng thông tin chính sách. Teng và cộng sự (2014) đã chỉ ra tầm quan trọng của việc sử dụng thông điệp truyền thông chính sách trong các nghiên cứu truyền thông xã hội và về mặt lý thuyết. Hầu hết các nghiên cứu xác nhận thông điệp truyền thông chính sách có thể mang lại cảm giác tích cực hoặc tiêu cực.

Truyền thông với thông điệp truyền thông chính sách phù hợp mang lại cảm giác tích cực về hình ảnh của cá nhân và tổ chức sử dụng thông tin, lòng trung thành của người dùng thông tin. Thông điệp truyền thông chính sách mang lại cảm giác tích cực khi nó bảo đảm tính thuyết phục và hữu ích, nhất là tạo ra sự thay đổi hành vi của đối tượng truyền thông.

Chang và cộng sự (2015) đã sử dụng lý thuyết thông điệp truyền thông chính sách để khám phá sự gắn kết trong các nhóm xã hội. Các tác giả lưu ý rằng, thông điệp truyền thông chính sách thuyết phục có ảnh hưởng tích cực đến người dùng trong chia sẻ nội dung truyền thông chính sách trong các ngữ cảnh truyền thông khác nhau.

Thông điệp truyền thông chính sách liên quan trực tiếp đến các quá trình truyền thông và tác động đến nhận thức và hành vi của cá nhân. Thông điệp truyền thông chính sách mang đến cho các tổ chức công những cơ hội tiếp cận các đối tượng liên quan để tìm cách thay đổi thái độ của họ bằng cách truyền thông điệp truyền thông chính sách thuyết phục trong bối cảnh truyền thông xã hội. Thông điệp truyền thông chính sách có khả năng mang lại cảm xúc tích cực có tính thuyết phục phổ biến và hữu ích nhất trong tâm lý của đối tượng truyền thông.

Hai là, thông điệp truyền thông chính sách làm thay đổi thái độ của người tiếp nhận truyền thông chính sách. Thông điệp truyền thông chính sách tác động rất lớn đến cảm xúc, nhận thức của người tiếp nhận truyền thông, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi, thói quen và đặc biệt là cách thức tương tác với nhau giữa các chủ thể truyền thông. Truyền thông đang tạo ra quá trình xã hội hóa người dùng nên thông điệp truyền thông chính sách ngày càng tác động lớn đến sự khuếch tán nội dung truyền thông.

Thông điệp truyền thông chính sách thuyết phục phải có ba thuộc tính, đó là chất lượng thuộc tính (phản hồi), mức độ phổ biến và tính hấp dẫn của bài đăng. Chất lượng thuộc tính đề cập sức thuyết phục của các phản hồi nội dung bài đăng. Sự phổ biến của bài đăng đề cập đến số lượng phản hồi mà bài đăng nhận được, nghĩa là, số lượt thích, chia sẻ (hoặc đăng lại) và bình luận. Sức hấp dẫn của bài viết đề cập đến mức độ người nhận cảm nhận bài đăng là đáng ngưỡng mộ và hấp dẫn (Chang, Yu và Lu, 2015).

Các nhà nghiên cứu như Moreno & Whitehill (2016) cho rằng, thông điệp truyền thông chính sách tương tác với người dùng, thiết lập cộng đồng giao tiếp với thông điệp truyền thông chính sách của họ và xây dựng uy tín thông điệp truyền thông chính sách.

Ba là, thông điệp truyền thông chính sách ảnh hưởng đến chất lượng tranh luận, phản hồi đối với bài đăng của người dùng thông tin chính sách.

Thông điệp truyền thông chính sách ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức và tư duy của người đọc. Theo nghĩa này, người dùng thông tin phát triển sự đồng cảm về bài đăng nếu các thuộc tính của thông điệp truyền thông chính sách và chất lượng bài đăng có thể giúp họ phát triển các cảm xúc trải nghiệm tích cực (Escalas & Stern, 2013). Nếu thông điệp truyền thông chính sách không mang tính thuyết phục, người đọc có khả năng bị lệch hướng trong đánh giá bài đăng.

Chất lượng tranh luận của người đọc liên quan đến sự thuyết phục của các yếu tố được nhúng vào trong bài đăng, trong đó, có thông điệp truyền thông chính sách (Bhattacherjee & Sanford, 2006). Chất lượng thông điệp truyền thông chính sách là thuộc tính tạo ra những phản hồi tích cực hoặc tiêu cực chiếm đa số từ độc giả (Petty & Cacioppo, 1986).

Bốn là, thông điệp truyền thông chính sách ảnh hưởng đến sự đồng thuận của người dùng thông tin chính sách. Có sự đồng thuận giữa những người dùng thông tin do tác động của độ tin cậy từ thông điệp truyền thông chính sách và nguồn thông tin bài đăng. Thông điệp truyền thông chính sách ảnh hưởng đến mức độ phổ biến của bài đăng nhờ sự phản ánh độ tin cậy của nó. Độ tin cậy của thông điệp truyền thông chính sách cao có xu hướng gợi ra những suy nghĩ có lợi hơn so với các thông điệp truyền thông chính sách ít đáng tin cậy hơn, dẫn đến các phản ứng nhạy cảm ít hơn.

Thông điệp truyền thông chính sách là tác nhân quan trọng trong việc thay đổi ý tưởng, niềm tin, thái độ và hành vi của những người theo dõi thông tin. Theo nghĩa này, nếu người dùng thông tin nhận thấy rằng thông điệp truyền thông chính sách là đáng tin cậy, họ có xu hướng lựa chọn và đồng cảm đối với các bài đăng.

Sự phổ biến bài đăng gợi lên phản ứng đồng cảm giữa những người dùng thông tin. Sự đồng cảm của người dùng thông tin liên quan đến tính trung thực của thông điệp truyền thông chính sách. Chất lượng thông điệp truyền thông chính sách tồn tại dưới dạng hình ảnh và video cùng với vẻ ngoài thẩm mỹ được định hình bởi âm thanh, âm nhạc, màu sắc và hình ảnh được sử dụng tác động đến sự hấp dẫn của bài. Âm nhạc được coi là một tín hiệu ngoại vi tiềm năng được sử dụng để khơi dậy tích cực trạng thái cảm xúc của người tiêu dùng.

Thông điệp truyền thông chính sách cần đầy đủ và phù hợp với mục đích giao tiếp, được truyền tải bằng ngôn ngữ dễ dàng, ngắn gọn và dễ hiểu, tránh các rào cản ngữ nghĩa. Các biểu thức hoặc dấu hiệu được chọn để truyền đạt thông điệp truyền thông chính sách phải phù hợp với sự tham khảo và hiểu biết của người nhận. Cấu trúc của thông điệp truyền thông chính sách phải hợp lý và phù hợp với yêu cầu của tổ chức.

Alpert và cộng sự (1990) và Maclnnis & Park (1991) cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng sự hòa hợp giữa âm nhạc và bài đăng dẫn đến phản ứng cảm xúc tích cực. Freedberg (2007) nhấn mạnh hiệu ứng ảnh hưởng của hình ảnh đối với phản ứng cảm xúc của các cá nhân người sử dụng thông tin. Các bài đăng có thông điệp truyền thông chính sách tồn tại dưới dạng ảnh đẹp, ấn tượng, có thêm nhạc làm mới màu sắc dẫn đến sự đồng cảm của người sử dụng thông tin. Thông điệp truyền thông chính sách tồn tại dưới các hình thức khác nhau một cách phù hợp là chất kích thích nhận thức về trạng thái cảm xúc của độc giả khi đọc bài đăng.

2.2. Năm nguyên tắc cơ bản của thông điệp

Trong nghiên cứu của Tim Munday và James Brooks (2021), câu hỏi đặt ra là làm thế nào để viết một thông điệp, có thể nhận được sự đưa tin rộng rãi của các phương tiện truyền thông và truyền tải thông tin quan trọng đến lượng công chúng lớn hơn?

Tất nhiên, không phải tất cả các thông điệp của NHTW đều nhắm đến công chúng, về nguyên tắc, hầu hết các thông điệp đều dành cho đối tượng chuyên biệt, chủ yếu là những người tham gia thị trường tài chính. Nhưng các tác giả cho rằng, khi đề cập đến hoạt động truyền thông với công chúng, nhiệm vụ không hề đơn giản: Một mặt, truyền thông đại chúng là kênh chủ yếu để truyền tải thông tin; mặt khác, truyền thông đại chúng không phải là người trực tiếp truyền đạt thông điệp cho NHTW; họ có thể độc lập và chủ động lựa chọn chủ đề và nội dung để viết mà không chịu sự can thiệp của NHTW. Nhiệm vụ của NHTW là soạn thảo thông điệp của mình sao cho báo chí sẽ ưu tiên viết về nó hơn, đồng thời, báo chí sẽ giữ lại tất cả những nội dung cốt lõi, mà NHTW muốn truyền tải tới công chúng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra những câu hỏi mang tính chất định hướng căn bản cho người làm báo nói riêng và nhà truyền thông nói chung: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953, Bác viết: “Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều (Hồ Chí Minh toàn tập, 2011).

Theo khảo sát, các tác giả đã phân tích hơn 1.200 ấn phẩm của NHTW Anh từ năm 1998 đến năm 2019 có khả năng được gửi tới công chúng, và các bài viết trong cùng thời kỳ trên 05 tờ nhật báo của Anh: The Daily Mail, The Daily Mirror, The Guardian, The Sun và The Times, trong đó nhắm đến đối tượng độc giả rộng rãi khoảng 115 triệu người mỗi tháng, tương đương 47% tổng số độc giả của các tờ báo của Anh, không bao gồm các tờ báo địa phương (mẫu khảo sát không bao gồm các ấn phẩm kinh doanh như Financial Times). Sử dụng mô hình kinh tế lượng và mạng lưới thần kinh, phân tích ngôn ngữ, cũng như tài liệu về báo chí, ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học tính toán và kinh tế học để phân tích, các tác giả đã xác định được 351 yếu tố ảnh hưởng đến giá trị thông tin của một thông điệp, tức là, xác định mức độ quan tâm của độc giả đối với một thông điệp của NHTW.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, các tác giả đã nhóm tất cả các yếu tố chính thành năm nguyên tắc cơ bản như sau:

Thứ nhất, thông điệp phải đơn giản, dễ hiểu. Tất cả người đọc sẽ dễ dàng phân biệt văn bản đơn giản, dễ đọc với văn bản phức tạp, nhưng xác định thế nào là “văn bản đơn giản” không phải là điều dễ dàng. Thông thường, để xác định tính đơn giản, các nhà nghiên cứu sử dụng các biến số như độ dài câu hoặc độ dài từ để xác định khả năng đọc của văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế, cấu trúc của văn bản có thể quan trọng hơn độ dài của từ.

Do đó, đơn giản hơn, trước hết, có nghĩa là tránh sử dụng nhiều cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như câu phức, câu ghép, vì chúng tạo gánh nặng cho cấu trúc của văn bản. Ngoài ra - tránh những từ phức tạp gây “bất ngờ” cho người đọc hoặc có vẻ không phù hợp trong một ngữ cảnh cụ thể. Nói một cách dễ hiểu, nếu người đọc đang chờ đợi một vần điệu “hoa hồng” thì nó nên được sử dụng.

Thứ hai, thực hiện cách tiếp cận cá nhân. Các đại từ nhân xưng “chúng tôi”, “bạn” sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn vì chúng cá nhân hóa thông điệp. Chúng không chỉ làm cho văn bản mang tính đối thoại hơn, mà còn giúp truyền tải quan điểm cá nhân đáng quan tâm hơn tới công chúng và do đó, sẽ nhận được nhiều sự đưa tin của báo chí hơn là “quan điểm của NHTW”.

Thứ ba, sử dụng câu ngắn. Mọi thông điệp đều phải có mục đích rõ ràng và phải đạt được mục đích đó một cách hiệu quả. Điều này bao gồm những gì được nói, cách truyền tải, thời điểm gửi/xuất bản và lý do tại sao mọi người nên chú ý. Muốn vậy, cần truyền đạt thông điệp bằng ít từ nhất có thể, có sự nhất quán về giọng điệu, giọng nói và nội dung để có thể tiết kiệm thời gian. Những tuyên bố ngắn gọn, súc tích thường hiệu quả hơn văn xuôi lan man. Sơ đồ và hình ảnh tạo ra tác động và sự rõ ràng. Thiết kế trực quan phải cung cấp trải nghiệm người dùng tốt, hỗ trợ thông điệp; đồng thời, giúp mọi người dễ dàng tham gia và chọn ra các yếu tố quan trọng. Mỗi thông điệp phải có kết luận hợp lý và lời kêu gọi hành động.

Thứ tư, xây dựng ý chính của toàn bộ văn bản ngay từ đầu. Những văn bản có câu đầu tiên tóm tắt nội dung chính sẽ được đưa tin tốt hơn. Điều này là do mọi người nhận thức và xử lý thông tin tốt hơn nếu trước tiên, họ có hiểu biết chung về những gì đang được thảo luận. Tất nhiên, những kỳ vọng về nội dung của văn bản được hình thành theo cách này phải tương ứng với nội dung tóm tắt.

Thứ năm, sử dụng những con số và sự kiện. Giá trị thông tin của một thông điệp phụ thuộc vào các sự kiện và số liệu như ngày tháng, tên, số tiền và các con số khác. Đây là yếu tố đóng vai trò như một chỉ báo về độ tin cậy của thông tin và là cơ sở của tất cả các thông tin quan trọng. Ngoài ra, các liên kết đến những người có thẩm quyền sẽ làm tăng sự chú ý đến thông điệp. Chủ đề của thông điệp và tính cấp thiết của nó với khán giả cũng có vai trò quan trọng không kém, tất cả các tờ báo sẽ viết về điều đó. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chủ đề của các ấn phẩm của NHTW không có tác động đáng kể đến khả năng được báo chí đưa tin. Ví dụ, một báo cáo lạm phát chứa nhiều thông tin hơn bình thường về thị trường lao động không ảnh hưởng đến quyết định của các nhà báo viết về báo cáo đó nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, cách viết tài liệu ảnh hưởng đến quyết định đó: “Vấn đề không chỉ là những gì bạn nói, mà còn là cách bạn nói về nó” (Tim Munday và James Brooks, 2021).

3. Kết luận

Tầm quan trọng của việc truyền thông đến công chúng do những tác động lớn mà các phương tiện truyền thông có thể mang lại là rất rõ ràng. Điều chưa rõ ràng là làm thế nào để tiếp cận công chúng với tư cách là một NHTW.

Một trong những kênh chủ yếu để truyền tải thông điệp chính sách là thông qua phương tiện truyền thông in ấn. Nhưng đối với các NHTW, lựa chọn con đường này, họ phải đối mặt với một vấn đề: Làm thế nào để viết thông điệp truyền thông được coi là "có giá trị đưa tin" và được đưa tin; đồng thời, vẫn giữ lại các thông điệp quan trọng. Qua phân tích hơn 1.200 ấn phẩm của NHTW Anh, các nhà kinh tế của Ngân hàng Anh đã xác định 351 yếu tố ảnh hưởng đến giá trị thông tin của một thông điệp, được nhóm thành năm nhóm chính hay năm nguyên tắc cơ bản, đó là: Thông điệp phải đơn giản, dễ hiểu; thực hiện cách tiếp cận cá nhân; sử dụng câu ngắn; xây dựng ý chính của toàn bộ văn bản ngay từ đầu; sử dụng những con số và sự kiện.

Tài liệu tham khảo:

1. Alan Blinder, 2009. "Talking about monetary policy: the virtues (and vice?) of central bank communication," BIS Working Papers 274, Bank for International Settlements

2. Alpert, J. I., & Alpert, M. I. (1990). Music influences on mood and purchase intentions. Psychology & Marketing, 7(2), 109–133. https://doi.org/10.1002/mar.4220070204

3. Beck, Hayo and Neuenkirch (2012). Central Bank Communication and Correlation between Financial Markets: Canada and the United States, MAGKS Joint Discussion Papers Series in Economics, No 01. https://hdl.handle.net/10419/56534

4. Bhattacherjee & Sanford (2006). Influence Processes for Information Techonogy Acceptance: An Alaboration Likehood Model. Management Information Systems Quarterly. Vol. 30, Iss. 4 (2006). https://doi.org/10.2307/25148755

5. Blinder, Alan S., Michael Ehrmann, Marcel Fratzscher, Jakob De Haan, and David-Jan Jansen. 2008. "Central Bank Communication and Monetary Policy: A Survey of Theory and Evidence." Journal of Economic Literature, 46 (4): 910–45.DOI: 10.1257/jel.46.4.910

6. Blinder and Krueger (2004). What Does the Public Know about Economic Policy, and How Does It Know It? NBER Working Papers 10787, National Bureau of Economics Research, Inc. DOI 10.3386/w10787

7. Candia, Coibion and Gorodnichenko (2020). Communication and the Beliefs of Economics Agents, NBER Working Papers 27800, National Bureau of Economics Research, Inc. DOI 10.3386/w27800

8. Cavallo, Cruces and Perez-Truglia (2017). Inflation Expectations, Learrning, and Supermarket Prices: Evidence from Survey Experiments. American Economic Journal: Macroeconomics, V. 9, No. 3. DOI: 10.1257/mac.20150147

9. Coibion, Gorodnichenko and Kumar (2018). How Do Firms Form Their Expectations? New Survey Evidence. American Economic Review, V. 108, No. 9.

10. Coibion, Gorodnichenko and Ropele (2020). Inflation Expectations and Firm Decisions: New Casual Evidence. The Quarterly Journal of Economics, V. 135, Issue 1.

11. Coibion, Gorodnichenko and Weber (2019). Monetary Policy Communications and Their Effects of Household Inflation Expectations. NBER Working Papers 25482, National Bureau of Economics Research, Inc. http://www.nber.org/papers/w25482

12. D’Acunto, Hoang, and Weber (2020). Managing Households’ Expectations with Unconventional Policies. NBER Working Papers 27399, National Bureau of Economics Research, Inc. DOI 10.3386/w27399

13. Escalas & Stern (2013). Sympathy and impathy: Emotional responses to advertising dramas. Journal of Consumer Research, Vol. 29, No. 4. https://doi.org/10.1086/346251

14. Freedberg, S. (2007). Re-examining empathy: A relational-feminist point of view. Social Work, 52(3), 251-259. https://doi.org/10.1093/sw/52.3.251

15. Haldane and McMahon (2018). Central Bank Communication and the General Public. AEA Papers and Proceedings, American Economic Association, V. 108.

16. Hayo, Bernd and Matthias Neuenkirch (2012). Bank of Canada communication, media coverage, and financial market reactions". In: Economics Letters 115.3, pp. 369 -372

17. Hendry, Scott (2012). “Central bank communication or the media’s interpretation: what moves markets?” Tech. rep. Bank of Canada

18. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu Nhân dân, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (2017). Truyền thông chính sách - Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

19. Hồ Chí Minh (1953-54). Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ ba. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011

20. Kryvtsov, Peterson (2020). Central bank communication that works: Lessons from lab experiments, Journal of Monetary Economics, V.117, 2021. https://doi.org/10.1016/j.jmoneco.2020.05.001

21. Kumar, Afrouzi, Coibion, and Gorodnichenko (2015). Inflation Targeting Does Not Achor Inflation Expectations: Evidence from Firms in New Zealand. NBER Working Papers 2184, National Bureau of Economics Research, Inc. DOI 10.3386/w21814

22. Larsen, Thorsrud và Zhulanova (2020). New-driven inflation expectations and information rigidities. Journal of Monetary Economics, V. 119 (C). DOI: 10.1016/j.jmoneco.2020.03.004

23. MacInnis, D. J., & Park, C. W. (1991). The differential role of characteristics of music on high- and low-involvement consumers' processing of ads. Journal of Consumer Research, 18(2), 161–173. https://doi.org/10.1086/209249

24. Moreno & Whitehill (2016). Social Media and Alcohol: Summary of Research, Intervention Ideas and Future Study Directions. Media and Communication, Vol. 4, No 3. https://doi.org/10.17645/mac.v4i3.529

25. OECD (2021). “OECD Report on Public Communication – The global Context and the way forward”.

26. Olivier Coibion & Dimitris Georgarakos & Yuriy Gorodnichenko & Maarten van Rooij, 2019. "How Does Consumption Respond to News about Inflation? Field Evidence from a Randomized Control Trial," NBER Working Papers 26106, National Bureau of Economic Research, Inc.

27. Petty & Cacioppo (1986). The Elaboration Likehood Model of Persuation. Advances in Experimental Social Psychology, Vol. 19. https://doi.org/10.1016/S0065-2601(08)60214-2

28. Saskia ter Ellen, Anders Thorsrud, H. Larsen (2020). Narrative monetary policy supprises and the media: How central banks reach the general public. Narrative monetary policy surprises and the media: How central banks reach the general public | CEPR

29. Teng, S., Wei Khong, K., Wei Goh, W. (2014), Persuasive Communication: A Study of Major Attitude-Behavior Theories in a Social Media Context. Journal of Internet Commerce, 14 (1). DOI.org/10.1080/15332861.2015.1006515

30. Tiff Macklem and Jill Vardy (2023). “20 years of central bank communications, and lessons for the future”, BIS Papers chapters. In Bank for International Settlement (ed.), Central banking in the Americas: Lessons from two decades, volume 127, pages 55-67. Bank for International Settlement.

31. Tim Munday, James Brookes (2021). Mark My Words: The Transmision of Central Bank Communication to the General Public via the Print Media. Bank of England Working Paper No. 944. https://www.ecb.europa.eu/press/key/date/2012/html/sp120726.en.html

32. Van der Cruijsen, Jansen, De Haan, et al. (2015). How much does the public know about the ECB’s monetary policy? Evidence from a survey of Dutch households. International Journal of Central Banking, V. 11(4).

33. Yu - Ting Chang, Hueiju Yu, His-Peng Lu (2015). Persuasive messages, popularity cohesion, and message diffusion in social media marketing, Journal of Business Research, 68(4). DOI.org/10.1016/j.jbusres.2014.11.027

TS. Nguyễn Đình Trung và TS. Nghiêm Văn Trọng
Trường Đại học Hòa Bình

Tin bài khác

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho  Việt Nam

Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho Việt Nam

Xếp hạng tín nhiệm không phải là một thuật ngữ xa lạ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”

Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”

Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc năm 2023 xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu mà đã, đang và sẽ lan rộng sang khu vực châu Á, tạo ra những cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, xã hội.
Xem thêm
Nhận thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định mới

Nhận thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định mới

Mục đích thế chấp theo Luật Nhà ở năm 2023 là để vay vốn đầu tư chính dự án nhà ở thương mại hoặc xây dựng nhà ở thuộc dự án nhà ở thương mại và bên nhận thế chấp chỉ có thể là tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án hoặc tài trợ cho việc xây dựng nhà ở thuộc dự án.
Khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô

Khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ quyết tâm triển khai các giải pháp đã đề ra, đồng hành cùng hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tháo gỡ những khó khăn để có thể bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn tín dụng ngân hàng phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng trong nền kinh tế, hướng tới việc thực hiện những mục tiêu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đóng góp công sức vào công cuộc chuyển mình, cất cánh của dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Năm nguyên tắc cơ bản về truyền tải thông điệp chính sách của ngân hàng trung ương

Năm nguyên tắc cơ bản về truyền tải thông điệp chính sách của ngân hàng trung ương

Thông điệp truyền thông chính sách có tác động rất lớn đến cảm xúc, nhận thức của người tiếp nhận truyền thông, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi, thói quen và đặc biệt là cách thức tương tác với nhau giữa các chủ thể truyền thông. Truyền thông đang tạo ra quá trình xã hội hóa người dùng nên thông điệp truyền thông chính sách ngày càng tác động lớn đến sự khuếch tán của nội dung truyền thông...
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3