Cơ chế hoạt động của lạm phát

Nghiên cứu - Trao đổi
Sự gia tăng đáng chú ý gần đây của lạm phát sau thời gian dài ít biến động đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà kinh tế và một trong những câu hỏi cấp thiết là, liệu lạm phát cao hơn có duy trì trong một thời gian dài hay không?
aa

Đặt vấn đề

Sự gia tăng đáng chú ý gần đây của lạm phát sau thời gian dài ít biến động đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà kinh tế và một trong những câu hỏi cấp thiết là, liệu lạm phát cao hơn có duy trì trong một thời gian dài hay không? Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) cảnh báo, một khi lạm phát chuyển từ mức độ thấp lên mức độ cao thì tự thân nó sẽ duy trì cường độ này.

“Lạm phát đã trở lại - và nguyên nhân nào đã gây ra sự gia tăng này! Sau nhiều năm điều hành với hàng loạt các biện pháp để đưa nó đến gần mục tiêu đặt ra, các ngân hàng trung ương (NHTW) một lần nữa phải đối mặt với bài toán quen thuộc là giảm lạm phát”, Claudio Borio, Trưởng bộ phận kinh tế và tiền tệ thuộc BIS, cho biết tại cuộc họp thường niên của BIS vào cuối tháng 6 năm 2022. Sự bùng nổ của lạm phát trên thế giới làm gia tăng sự quan tâm đến “cơ chế” hoạt động của nó. Các thời kỳ lạm phát cao và thấp rất khác nhau, đặc biệt là đối với tính chất tự ổn định của chúng.

Nhiều mô hình kinh tế vĩ mô về lạm phát dựa trên Đường cong Phillips - mối quan hệ giữa lạm phát và hoạt động kinh tế. Theo cách tiếp cận này, những thay đổi trong lạm phát phản ánh áp lực tổng cầu lên sản xuất, các cú sốc cung tạm thời và kỳ vọng lạm phát. Nhìn sâu vào nội hàm biến động lạm phát sẽ làm rõ hơn quan điểm này: phân biệt rõ ràng giữa vô số những thay đổi về giá tương đối¹ và lạm phát cơ bản; nghiên cứu sâu vấn đề làm thế nào và trong những điều kiện nào, những thay đổi giá tương đối như vậy có thể biến thành lạm phát trên diện rộng.

Sự phân biệt giữa thay đổi giá tương đối và lạm phát cơ bản là rất quan trọng. Thay đổi giá tương đối phản ánh những thay đổi trong từng mặt hàng (các yếu tố khác không thay đổi). Điều này có thể liên quan hoặc không liên quan đến lạm phát cơ bản, tức là, sự gia tăng đồng bộ và trên diện rộng của giá hàng hóa và dịch vụ làm xói mòn giá trị của tiền và làm mất giá “thước đo giá trị” theo thời gian.

Một số đặc điểm nổi bật của quá trình lạm phát

Thứ nhất, các chế độ lạm phát thấp rất khác với các chế độ lạm phát cao. Khi lạm phát thiết lập ở mức thấp, nó chủ yếu phản ánh những thay đổi của giá cả theo ngành và thể hiện một số tính chất tự cân bằng nhất định. Những thay đổi của lạm phát trở nên ít nhạy cảm hơn với các cú sốc giá tương đối, và mối quan hệ giữa tiền lương và giá cả là khá lỏng lẻo. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy chế độ lạm phát thấp ít tác động đến lập trường chính sách tiền tệ hơn.

Thứ hai, sự chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao có xu hướng tự củng cố. Khi lạm phát tăng lên, nó tự nhiên trở thành tâm điểm của các tác nhân kinh tế và gây ra những thay đổi hành vi có xu hướng kéo theo nó, đặc biệt là thông qua ảnh hưởng đến động lực tiền lương và giá cả. Sự chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 cho thấy một số nhân tố tác động. Chúng bao gồm các đợt tăng giá tương đối lớn và liên tục - đặc biệt là giá dầu - trong bối cảnh nhu cầu theo chu kỳ tăng mạnh và trong môi trường có lợi về mặt cấu trúc cho các vòng xoáy giá - tiền lương, tức là, quyền lực định giá cao của lao động và doanh nghiệp cùng với việc mất neo tiền tệ do hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971.

Thứ ba, chính sách tiền tệ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì một chế độ lạm phát thấp và tránh chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao. Một khi chế độ lạm phát thấp được thiết lập, chính sách tiền tệ có thể linh hoạt hơn và phát huy tính hiệu quả lâu hơn, nếu lạm phát vừa phải, có thể chấp nhận những sai lệch so với mục tiêu. Khi chính sách tiền tệ có sự tin tưởng cao thì có thể thu được nhiều ích lợi. Đồng thời, chính sách tiền tệ phải đảm bảo rằng chế độ lạm phát thấp không bị đe dọa. Bởi vì, chi phí đưa lạm phát trở lại trong tầm kiểm soát có thể rất cao. Việc điều chỉnh chính sách để ngăn chặn quá trình chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang lạm phát cao là một thách thức không hề nhỏ.

Lạm phát được đo bằng sự thay đổi chỉ số giá tổng thể hay giá chung, sẽ luôn phản ảnh những thay đổi về giá tương đối cùng với lạm phát cơ bản (động lực chung của tất cả các mức giá). Sự khác biệt cơ bản giữa chế độ lạm phát thấp và cao là trong trường hợp chế độ lạm phát cao, tốc độ thay đổi của giá tương đối có xu hướng hội tụ, ảnh hưởng đến lạm phát cơ bản, trong khi ở chế độ lạm phát thấp, tác động của việc tăng giá riêng lẻ lên lạm phát toàn phần là cực kỳ hạn chế.

Hai chế độ lạm phát

Từ góc độ lịch sử, khi nghiên cứu các quốc gia có lịch sử lâu đời về dữ liệu giá cả, các giai đoạn kéo dài của lạm phát cao là tương đối hiếm. Đại lạm phát (Great inflation) những năm 1970 là một ví dụ điển hình. Lạm phát cao cũng thường xảy ra sau các cuộc chiến tranh. Xem xét dữ liệu lịch sử xuyên quốc gia kể từ năm 1870 (Biểu đồ A) cho thấy lạm phát ở mức thấp, mặc dù có biến động, trong những năm của kỷ nguyên toàn cầu hóa đầu tiên (1870-1914) nhưng đã tăng trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hầu hết những nước tham chiến đều trải qua lạm phát cao trong một số năm (Biểu đồ B).

Biểu đồ: Lạm phát từ góc nhìn lịch sử

  • Belligerents: Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Nhật Bản;
  • Non- Belligerents: Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển.

Nguồn: BIS Annual Economic Report 2022

Các đợt siêu lạm phát (tăng giá từ 50% trở lên mỗi tháng) cũng tương đối hiếm và thường xảy ra sau các biến động chính trị lớn và mất niềm tin chung vào thể chế. Đặc điểm nổi bật của siêu lạm phát là thâm hụt ngân sách lớn ngày càng được tài trợ trực tiếp bởi các NHTW (thường do không có khả năng thu đủ nguồn thu từ thuế) và một trong những hậu quả của điều này là các vòng xoáy mất giá nội tệ nhanh chóng. Những ví dụ điển hình là nước Pháp thời hậu cách mạng và Nga, Đức thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất; một số nước ở châu Mỹ Latinh trải qua siêu lạm phát sau cuộc khủng hoảng nợ năm 1982; trong khi Nga có lạm phát khoảng 2.500% vào năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tùy thuộc vào mức độ lạm phát, động lực của nó thay đổi, điều này đã được thừa nhận - ví dụ, lạm phát thấp ít biến động hơn. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng lạm phát, có thể tìm thấy một số đặc điểm nổi bật khác:

Thứ nhất, sự giảm mức độ biến động của lạm phát ở mức thấp không phải do sự giảm mức độ biến động của những thay đổi về mức giá riêng lẻ, mà là sự sụt giảm mối tương quan giữa chúng.

Thứ hai, mức độ tác động của sự thay đổi mức giá cả riêng lẻ đến lạm phát tổng thể cũng giảm khi lạm phát trở nên thấp hơn một cách bền vững.

Thứ ba, tác động lan tỏa trên tất cả các mức giá có xu hướng giảm trong các chế độ lạm phát thấp. Sự truyền tải những thay đổi mức giá từ khu vực này sang khu vực khác của nền kinh tế sẽ cao và phổ biến hơn nhiều trong các chế độ lạm phát cao.

Nói cách khác, trong một chế độ lạm phát thấp, giá của một số hàng hóa nhất định, bao gồm năng lượng và thực phẩm, có tác động hạn chế và tạm thời đến sự gia tăng của lạm phát chung: Việc tăng giá của các hàng hóa, như nhiên liệu không chuyển thành tăng giá đối với hầu hết các hàng hóa khác, còn sự tăng giá đối với một số ít hàng hóa còn lại là nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn. Lạm phát thấp có xu hướng “tự cân bằng”, tức là, được duy trì ở mức thấp.

Trong quá trình chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao, nó trở nên rất nhạy cảm với các cú sốc giá tương đối - tức là, giá hàng hóa riêng lẻ tăng. Trong chế độ này, cùng một mức tăng giá nhiên liệu có thể gây ra tình trạng giá cả tăng nóng trong nhiều khu vực của nền kinh tế. Chính điều này làm tăng khả năng lạm phát cao cũng sẽ tự duy trì.

Tâm lý lạm phát

Vấn đề lõi trong cơ chế hoạt động của lạm phát là mối quan hệ giữa giá cả và tiền lương. Có nhiều điểm tương đồng trong sự vận động của giá cả và tiền lương: (i) Cả hai đều nhạy cảm với các nhân tố lạm phát mang tính chu kỳ và cơ cấu (xem hộp bên dưới); (ii) Sự điều chỉnh của cả hai nhân tố chu kỳ và cơ cấu thay đổi một cách hệ thống theo mức lạm phát, giúp duy trì chế độ lạm phát thấp hoặc cao; (iii) Cả giá cả và tiền lương đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi kỳ vọng lạm phát.
Khi lạm phát thấp, mọi người hầu như không nhận thấy nó do không chú ý hợp lý. Do đó, mối quan hệ giữa lạm phát, giá cả và tiền lương trong chế độ này không bền.

Để lạm phát trở thành một đặc điểm ăn sâu vào nền kinh tế, tiền lương phải đuổi theo giá cả và giá cả phải đuổi theo tiền lương (một vòng xoáy tiền lương - giá cả). Khi chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao, nhận thức về nó thay đổi, và trên thực tế, lạm phát đảm nhận vai trò điều phối hành vi của các tác nhân kinh tế, bắt đầu gây ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của các tác nhân kinh tế. Nếu do giá cả tăng mạnh, sức mua của người lao động bị giảm đáng kể và các công ty suy giảm tỷ suất lợi nhuận, họ sẽ cố gắng bù đắp điều này bằng cách yêu cầu chỉ số hóa tiền lương (điều chỉnh tiền lương theo lạm phát) và tăng giá. Theo tính toán của BIS, tác động của tiền lương đối với giá cả và giá cả đối với tiền lương trong chế độ lạm phát cao mạnh hơn gấp đôi và xảy ra nhanh gấp đôi so với chế độ lạm phát thấp.


Các nhân tố lạm phát

Các nhân tố chu kỳ - trước hết là tương quan giữa tổng cầu với tiềm năng sản xuất của nền kinh tế: ví dụ, vào những thời điểm nền kinh tế “phát triển quá nóng”, các doanh nghiệp có xu hướng tăng lương cho người lao động và người tiêu dùng dễ chấp nhận mức giá cao hơn.

Các nhân tố cơ cấu - là các đặc điểm ảnh hưởng đến việc phân phối lại và chi phí lao động trên phạm vi quốc gia (như thiết kế mạng lưới an sinh xã hội) và trên phạm vi toàn cầu (toàn cầu hóa, nhân khẩu học, công nghệ). Ví dụ, việc mở cửa thị trường của Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây có nghĩa là có sự gia nhập vào nền kinh tế thế giới của một số lượng lớn lực lượng lao động, thường được trả lương thấp, điều này sẽ ảnh hưởng đến "quyền thương lượng" của người lao động và tác động của họ đối với định giá trên thị trường lao động - việc giảm bớt ảnh hưởng này giúp giải thích tình trạng lạm phát thấp sau nhiều thập kỷ.



Ngoài các yếu tố chu kỳ và cơ cấu, mức lạm phát có thể ảnh hưởng đến việc xác định tiền lương và giá cả, qua đó, đến khả năng xảy ra và cường độ của các vòng xoáy giá - tiền lương. Nói chung, một chế độ lạm phát cao, nếu nó vẫn kéo dài, sẽ gây ra những thay đổi về hành vi, làm tăng khả năng sẽ duy trì lâu, đặc biệt là bằng cách khuếch đại tác động của việc tăng giá tương đối.

Trước hết, khi lạm phát ở mức rất thấp, nó có thể không còn là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định kinh tế. Rốt cuộc, việc thu thập thông tin rất tốn kém - dẫn đến cái gọi là “sự thiếu chú ý hợp lý”. Đây chính là định nghĩa mà Paul Volcker, và sau này là Alan Greenspan, đã đưa ra về trạng thái giá cả ổn định: “một tình huống, trong đó, kỳ vọng về giá cả tăng (hoặc giảm) nói chung trong một khoảng thời gian dài đáng kể không có ảnh hưởng phổ biến đến hành vi kinh tế và tài chính”.

Thứ hai, điều hợp lý là mối tương quan giữa mức giá chung và các quyết định cá nhân sẽ tăng lên theo mức lạm phát. Khi lạm phát tăng, sự thay đổi giá trở nên giống nhau hơn. Kết quả là, sự khác biệt trong cách tiêu dùng ít quan trọng hơn. Xét cho cùng, người có thu nhập tiền lương không quan tâm đến mức giá chung, mà chỉ quan tâm đến chi phí sinh hoạt của chính họ. Tương tự như vậy, các công ty chỉ quan tâm đến mức giá chung khi nó chứa đựng thông tin về phản ứng của các đối thủ cạnh tranh hoặc chi phí sản xuất của chính công ty. Vì tiền lương, đến lượt nó, là một thành phần thiết yếu của chi phí, nên mối liên hệ chặt chẽ hơn của tiền lương với mức giá chung sẽ gia tăng mức độ tương quan của lạm phát đối với các quyết định của doanh nghiệp và ngược lại.

Thứ ba, mức lạm phát có ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát. Một khi mức giá chung trở thành tâm điểm chú ý, ban đầu, người lao động và doanh nghiệp sẽ cố gắng bù đắp cho sự xói mòn của sức mua hoặc tỷ suất lợi nhuận của họ. Điều này có thể kích hoạt vòng xoáy giá cả - tiền lương nếu các điều kiện cơ bản đủ thuận lợi. Và một khi lạm phát đủ cao và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng, họ cũng sẽ cố gắng dự đoán những thay đổi trong tương lai về mặt bằng giá chung, vì những thay đổi này sẽ làm xói mòn sức mua và lợi nhuận trước khi hợp đồng có thể được thương lượng lại.

Thứ tư, nếu đủ cao và kéo dài, lạm phát sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm cơ cấu của việc thiết lập tiền lương và giá cả. Lạm phát cao kéo dài dẫn đến thay đổi "tâm lý lạm phát", có thể tự duy trì và tự sao chép (khả năng tạo ra một bản sao giống hệt hoặc tương tự của chính nó). Đó là lý do tại sao, một khi vượt qua rào cản tâm lý, rất khó để kiềm chế sự gia tăng tốc độ lạm phát.

Hàm ý và thách thức đối với chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến lạm phát theo hai cách:

Thứ nhất, thông qua chế độ chính sách, tức là luật chơi xác định khuôn khổ chính sách tiền tệ. Chúng bao gồm tầm quan trọng tương đối của các mục tiêu khác nhau; các đặc điểm cốt lõi của phản ứng chính sách đối với sự phát triển của nền kinh tế; các công cụ được sử dụng; tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quan trọng nhất là mức độ tự chủ (“độc lập”) đối với chính phủ, giúp tránh những áp lực chính trị ngắn hạn. Những tính năng này, về tổng thể, sẽ xác định uy tín của NHTW và khả năng thực hiện các mục tiêu của mình. Sự kết hợp giữa lạm phát mục tiêu với sự độc lập của NHTW là ví dụ gần đây và phổ biến nhất về một khuôn khổ chính sách. Khuôn khổ chính sách tiền tệ có ảnh hưởng lớn nhất đến kỳ vọng lạm phát cũng như các đặc điểm hình thành tiền lương và giá cả.

Thứ hai, chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh này có thể được so sánh với bàn đạp ga và phanh: Đây là sự thay đổi của lãi suất, bảng cân đối của NHTW, các tín hiệu đến thị trường - tất cả điều này ảnh hưởng đến tổng cầu.

Trong một chế độ lạm phát thấp, chính sách tiền tệ có thể linh hoạt hơn, theo nghĩa nó có thể cho phép lạm phát chệch hướng vừa phải so với các mục tiêu đặt ra,bởi vì trong một chế độ lạm phát thấp như vậy, hệ thống có xu hướng tự trở lại trạng thái cân bằng.

Nhưng đồng thời, trong một chế độ lạm phát thấp, tính “gắn kết” của chính sách tiền tệ bị giảm đi: nó mất tác dụng khi lãi suất danh nghĩa rất thấp. Điều này đã được phát hiện, ví dụ, các vấn đề mà NHTW ở các nước phát triển phải đối mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi họ cố gắng tăng lạm phát gần với mục tiêu. Mất tính “gắn kết” đòi hỏi phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài (cái gọi là hiện tượng “lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”), do đó, góp phần làm tăng khẩu vị rủi ro và dễ bị tổn thương tài chính.

Dựa trên dữ liệu của Hoa Kỳ, khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ vận hành thông qua một hệ thống giá khá hẹp, chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh doanh: tác động của sự thay đổi lãi suất của Hoa Kỳ chỉ có ý nghĩa thống kê đối với 30% hàng hóa trong giỏ hàng tiêu dùng. Sự mất đi tính “gắn kết” này phản ánh thực tế là chính sách tiền tệ không ảnh hưởng đến sự thay đổi giá cả trong các lĩnh vực riêng lẻ, mà là thay đổi mức giá chung - nghĩa là, động lực của lạm phát chung cho tất cả các thay đổi mức giá - và mức giá chung này trong chế độ lạm phát thấp giảm đáng kể.

Đồng thời, việc chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao cũng có tính chất tự duy trì; có nghĩa là, NHTW phải phản ứng kịp thời với những thay đổi: nếu một chế độ lạm phát cao được duy trì, việc đưa nó trở lại một chế độ thấp sẽ không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật, mà còn về mặt chính trị, vì điều này sẽ gắn liền với sự kìm hãm tổng cầu và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của NHTW là ngăn chặn sự chuyển đổi như vậy và ngăn chặn sự gia tăng lạm phát từ trong trứng nước.

Nhưng điều khó nhất là làm thế nào để xác định thời điểm bắt đầu chuyển đổi như vậy một cách nhanh chóng và đủ tin cậy. Trong giai đoạn chuyển đổi, các mô hình và chỉ số chuẩn mà các NHTW sử dụng phát huy hiệu quả thấp. Ví dụ, kỳ vọng lạm phát có thể là một chỉ số hữu ích, nhưng đối với người dân và doanh nghiệp, họ tập trung vào các giai đoạn trước, trong khi đối với những người tham gia thị trường tài chính, họ phụ thuộc nhiều vào các ước tính của NHTW và niềm tin đối với NHTW, điều này có thể tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm đối với cơ quan quản lý tiền tệ.

Giờ đây, các NHTW trên toàn thế giới sẽ phải cố gắng tránh một sự chuyển đổi như vậy. Giá các mặt hàng quan trọng - nguyên liệu thô và thực phẩm - tăng sau đại dịch và trong bối cảnh các nước phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Tự nó, điều này không báo hiệu sự bắt đầu của quá trình chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao, nhưng sự gia tăng giá như vậy sẽ kiểm tra tính chất tự cân bằng của hệ thống và cần được chú ý đặc biệt. Ngoài ra, BIS ước tính rằng kể từ giữa năm 2021, mức giá của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế đều tăng lên, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao chắc chắn sẽ xảy ra; song, khả năng xảy ra là rất lớn.

Các chuyên gia của BIS cho rằng, có thể xác định được sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao chỉ sau khi việc đã rồi. Điều này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Các NHTW có thể chờ đợi để có được bằng chứng đáng tin cậy hơn về sự thay đổi trong chế độ lạm phát, nếu nó xảy ra và tránh phản ứng thái quá.

Trong bối cảnh này, sự độc lập của NHTW có vai trò rất quan trọng. Niềm tin vào cơ quan quản lý tiền tệ củng cố tính chất tự cân bằng của chế độ lạm phát thấp, do đó, cần cho NHTW thời gian để đánh giá tình hình thận trọng hơn.


¹Giá tương đối (Relative price) là giá của một sản phẩm hoặc dịch vụ được đo so với giá của một sản phẩm hay dịch vụ khác. Nó giúp các công ty điều chỉnh sản xuất và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. “Inflation: A look under the hood”, BIS Annual Economic Report 2022
2. Ольга Кувшинова, Ольга Волкова, “Двухскоростной режим: как работает «двигатель» инфляции”, https://econs.online/articles/ekonomika/kak-rabotaet-dvigatel-inflyatsii/


Nguyễn Đình Trung
Đại học Hòa Bình


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quản lý xã hội luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhà nước nào cũng phải quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách hiệu quả. Bởi lẽ, có quản lý tốt xã hội thì nhà nước mới vận hành, phát triển một cách trật tự, ổn định và bền vững, giúp cho đất nước phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, từ đó mới nâng cao được chất lượng đời sống của Nhân dân trên các mặt, các lĩnh vực. Theo Hồ Chí Minh, để quản lý xã hội - xã hội mới, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau; tính chất quản lý phải toàn diện, rộng khắp trên tất cả các mặt của xã hội; yêu cầu quản lý thật chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng; cách thức quản lý phải đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và  quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, tinh giản biên chế trở thành một nhiệm vụ chính trị mang tính cấp thiết; cần phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành sáng tạo của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để mang lại hiệu quả thiết thực.
Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là một trong những quyền quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng huyền thoại với những dấu ấn chiến công lừng lẫy gắn liền với phong trào Đồng Khởi, với “Đội quân tóc dài”, với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, vị thuyền trưởng chỉ huy tàu “không số” đầu tiên chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc…, tên tuổi và sự nghiệp của bà luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế và tài chính, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông ngân hàng trung ương (NHTW). Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin của công chúng, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp ngân hàng tránh tình trạng mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá sản hoặc tổn thất lớn. Ngoài ra, quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản còn đóng vai trò hỗ trợ ngân hàng tuân thủ các chỉ số thanh khoản như: Tỉ lệ bao phủ thanh khoản, tỉ lệ nguồn vốn ổn định ròng... giúp ngân hàng hoạt động an toàn và bền vững.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Chính sách tiền tệ đòi hỏi sự linh hoạt và sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, tương tự như nghệ thuật chiến tranh được mô tả trong chuyên luận nổi tiếng của Tôn Tử. Các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể học được điều gì đó từ một chiến lược gia người Trung Quốc sống cách đây hơn 2.500 năm. Bài viết giới thiệu sáu nguyên tắc chiến lược được vận dụng tư tưởng của Tôn Tử dành cho các NHTW, được đề xuất bởi Giáo sư Kristin Forbes - Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhằm qua đó, giúp họ quản lý hiệu quả các khủng hoảng và duy trì sự ổn định kinh tế.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc