Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thị trường tài chính
Chào bán chứng khoán là một hoạt động được pháp luật cho phép nhằm tạo điều kiện cho tổ chức phát hành huy động vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình.
aa

Tóm tắt: Chào bán chứng khoán là một hoạt động được pháp luật cho phép nhằm tạo điều kiện cho tổ chức phát hành huy động vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình. Để việc chào bán chứng khoán phát huy ý nghĩa, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho tổ chức phát hành nói riêng và nền kinh tế nói chung thì những quy định pháp luật về hoạt động này đã có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, không phải tổ chức phát hành nào cũng tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật nên các chế tài đưa ra nhằm xử lý các hoạt động vi phạm là điều tất yếu. Bài viết này không nghiên cứu tất cả vấn đề pháp lý về chào bán chứng khoán ra công chúng, mà để đảm bảo tính chuyên sâu, bài viết chỉ nghiên cứu về các bất cập và đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng.

Từ khóa: Chứng khoán, chào bán chứng khoán ra công chúng, xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức phát hành.

REGULATIONS ON SANCTIONING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS FOR PUBLIC OFFERING ACTIVITIES: INADEQUACIES AND RECOMMENDATIONS

Abstract: Securities offering is an activity permitted by law to create conditions for issuers to raise capital to meet their business needs. In order for the securities offering activity to be meaningful, improving the efficiency of capital mobilization for issuers in particular and for the economy in general, the legal regulations on this activity also have changed a lot to meet the needs of businesses and ensure the stable development of the stock market. However, not all issuers comply with the law, so the sanctions introduced to handle activities that violate the law are inevitable. This article does not study all legal issues about public securities offering, but to ensure professionalism, the article only studies the inadequacies and makes recommendations to improve the legal regulations on sanctioning administrative violations for securities offering to the public.

Keywords: Securities, public offering of securities, administrative violations sanction, issuer.


Chỉ tính riêng năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 418.271 tỉ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022

1. Đặt vấn đề

Hoạt động chào bán chứng khoán là hoạt động được các tổ chức phát hành thực hiện trên TTCK sơ cấp để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 418.271 tỉ đồng, tăng 33,5% so với năm 20221. Sự tăng trưởng này xuất phát từ những ưu điểm của hoạt động huy động vốn thông qua hoạt động chào bán chứng khoán so với các kênh huy động vốn khác như vay từ các tổ chức tín dụng, vay của tổ chức kinh tế khác. Qua đó cho thấy, hoạt động chào bán chứng khoán đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển2. Tuy nhiên, quá trình phát triển của TTCK sơ cấp đã và đang bộc lộ một số vấn đề như: Tính công khai, minh bạch còn hạn chế, việc xử lý chưa hiệu quả đối với các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư… Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán cũng bộc lộ nhiều nội dung chưa chính xác, chưa hợp lý tạo điều kiện cho TTCK phát triển. Mặc dù Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP), Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) đã được ban hành nhằm từng bước hoàn thiện các nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, nhưng các quy định trong những văn bản nêu trên vẫn còn nhiều điểm bất cập và cần hoàn thiện.

2. Những hạn chế, bất cập trong quy định về xử phạt đối với hoạt động chào bán chứng khoán của doanh nghiệp

Bên cạnh việc nhiều hành vi vi phạm pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ được Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ghi nhận, chia tách và có những mức xử phạt thích đáng hơn so với các văn bản trước đó, thì hai văn bản pháp luật này vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa quy định hợp lý về chế tài đối với hành vi vi phạm của tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán chứng khoán. Điểm g khoản 1, điểm a khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định một trong các điều kiện để tổ chức phát hành có thể chào bán chứng khoán ra công chúng là phải: Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán (chào bán cổ phiếu lần đầu, chào bán thêm cổ phiếu, chào bán trái phiếu) ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán. Điều này cho thấy, hoạt động này luôn có sự đồng hành của công ty chứng khoán trong quá trình đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Sự đồng hành của công ty chứng khoán trong quá trình này còn tiếp tục được khẳng định khi yêu cầu trong bản cáo bạch phải có chữ ký của tổ chức tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng3. Tuy nhiên, khi tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng có hành vi vi phạm (tổ chức tư vấn có hành vi tư vấn sai cho tổ chức phát hành, hỗ trợ tổ chức phát hành đưa ra các thông tin không chính xác trong hồ sơ đăng ký…) thì pháp luật chưa quy định rõ ràng chế tài đối với chủ thể này. Có thể có quan điểm cho rằng, khi tổ chức tư vấn hồ sơ vi phạm thì sẽ chịu các chế tài được xác định tại Điều 9 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Tuy vậy, theo tác giả, quan điểm đó là chưa chính xác vì những chế tài quy định tại Điều 9 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đề cập đến chủ thể bị xử lý vi phạm chính là tổ chức phát hành chứng khoán mà không hướng đến xử lý các chủ thể tham gia khác trong hoạt động chào bán này. Bởi lẽ khi xem xét các quy định hình thức xử phạt bổ sung của hành vi vi phạm này thì không có một nội dung nào đề cập để xử lý đối với công ty chứng khoán khi sai phạm trong quá trình tư vấn chào bán chứng khoán ra công chúng, ví dụ như đình chỉ hoạt động tư vấn.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)


Có thể sẽ có quan điểm cho rằng, Điều 9 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là quy định về xử phạt tổ chức phát hành, còn công ty chứng khoán khi thực hiện hoạt động tư vấn sai này sẽ chịu các chế tài quy định trong nhóm quy định về hành vi về kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán. Tuy nhiên, khi khảo sát các quy định về nhóm hành vi này thì Nghị định này cũng không có bất kỳ quy định nào xử lý đối với hành vi sai phạm trên của công ty chứng khoán khi tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng.

Thứ hai, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng còn nhiều bất cập. Cụ thể:

Một là, quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn là chưa hợp lý. Cụ thể: Điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức bảo lãnh phát hành khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: …b) Thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo hình thức cam kết chắc chắn với tổng giá trị chứng khoán lớn hơn vốn chủ sở hữu hoặc vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất”.

Có lẽ quy định này liên quan đến khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019. Tuy nhiên, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có điểm bất hợp lý, vì tại khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất”. Theo đó, phương thức được nhắc đến ở đây là “phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán” mà không phải là “phương thức cam kết chắc chắn”. Hai khái niệm này là không trùng nhau. Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa rõ ràng về hình thức “cam kết chắc chắn” mà thuật ngữ này được nêu tại khoản 2 Điều 23 và khoản 6 Điều 28 Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán. Thuật ngữ này trước đây có định nghĩa tại khoản 9 Điều 2 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán như sau: “Cam kết chắc chắn là hình thức mà tổ chức bảo lãnh phát hành nhận mua toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết”. Có thể hiểu quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019 đề cập đến hành vi rộng hơn so với “cam kết chắc chắn”. Tại sao chỉ khi thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo hình thức cam kết chắc chắn với tổng giá trị chứng khoán lớn hơn vốn chủ sở hữu hoặc vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất mới bị xử lý? Còn nếu tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần chứng khoán của tổ chức phát hành làm cho tổng giá trị chứng khoán bảo lãnh phát hành lớn hơn vốn chủ sở hữu và vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất thì không bị xử phạt, trong khi rõ ràng hành vi này cũng là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019?

Hai là, quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng là chưa đúng. Bởi theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) như sau: “Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: …b) Thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền thực hiện hoặc thực hiện thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng khi được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền với giá trị thay đổi từ 50% trở lên số vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền theo phương án được Hội đồng quản trị thông qua; sử dụng số vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc nội dung đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất”. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không hợp lý, bởi “việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành” có thể được quyết định bởi Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty”4 tùy loại chứng khoán chào bán và chủ thể phát hành. Việc quy định như điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP là chưa bao quát và bỏ sót các hành vi vi phạm nếu chủ thể phát hành là công ty trách nhiệm hữu hạn. Rõ ràng, công ty trách nhiệm hữu hạn cũng được quyền phát hành trái phiếu ra công chúng và khi nó thay đổi mục đích sử dụng vốn thì không bị xử phạt. Quy định trên cho thấy việc xử phạt này mới chỉ áp dụng cho việc phát hành chứng khoán của công ty cổ phần. Việc bỏ sót này là không đảm bảo sự công bằng khi cùng một hành vi vi phạm lại có hành vi không bị xử phạt, có hành vi bị xử phạt.

Ba là, quy định về xử phạt đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật là bất hợp lý. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 đến khoản 4 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019 thì trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng có những điều kiện mà tổ chức phát hành cần phải đảm bảo trước khi được chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng cũng có những điều khoản chỉ khi nào việc chào bán hoàn thành mới đánh giá được hay không được đảm bảo như: “tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỉ đồng trở lên, tỉ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành”5, “Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán”6 hoặc sau khi đợt phát hành chứng khoán hoàn thành và thực hiện các bước tiếp theo mới đánh giá là đủ điều kiện chưa như: “Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán”7. Tuy nhiên, điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP lại quy định: “Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: a) Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật”. Như vậy, nếu căn cứ đúng quy định thì hầu như tổ chức phát hành nào cũng bị xử phạt theo quy định này. Vẫn biết rằng bất cập của quy định là bắt nguồn từ quy định về điều kiện chào bán chứng khoán, nhưng nếu vẫn để điều khoản trên thì quy định phạt trong trường hợp này là chưa hợp lý.

Bốn là, quy định về xử phạt đối với tổ chức thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành còn điểm chưa hợp lý. Điểm d khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: …d) Không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng”. Nhìn cơ bản thì quy định này cũng hợp lý vì rõ ràng đó cũng là hành vi vi phạm của tổ chức bảo lãnh phát hành trong quá trình chào bán chứng khoán ra công chúng. Tuy nhiên, nếu xém xét kỹ hơn có thể thấy có những điểm bất hợp lý là quy định này chỉ xử phạt khi tổ chức bảo lãnh phát hành “không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng”, còn nếu tổ chức bảo lãnh phát hành không thực hiện đầy đủ, đúng các nghĩa vụ trong cam kết bảo lãnh phát hành thì sao? Bởi lẽ bản chất của quy định trên là nhằm xử lý tổ chức bảo lãnh phát hành, vì hành vi vi phạm của họ làm ảnh hưởng đến đợt chào bán chứng khoán, kế hoạch huy động vốn của tổ chức phát hành và cả lợi ích của nhà đầu tư đăng ký. Vì vậy, cần phải xử lý cả trường hợp khi tổ chức phát hành không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Với những bất cập trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nêu trên, tác giả có một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định hành vi vi phạm của tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu. Theo tác giả, cần phải bổ sung vào Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính với những yêu cầu sau:

1. Quy định mức xử phạt tiền cụ thể với hành vi vi phạm này. Theo đó, mức xử phạt hành vi vi phạm này sẽ tương ứng với hành vi vi phạm được xác định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP vì tính chất và mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm đến TTCK và nhà đầu tư là tương đương với các hành vi vi phạm được quy định tại khoản này.

2. Bổ sung thêm hình phạt bổ sung đối với tổ chức tư vấn vi phạm. Theo đó, bổ sung hình phạt bổ sung cấm thực hiện hoạt động này trong thời gian nhất định (có thể từ 3 đến 6 tháng). Quy định trên nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán khi thực hiện tư vấn càng cần phải thận trọng, hoạt động tư vấn một cách có trách nhiệm hơn vì nếu không thì không những họ bị phạt tiền mà còn bị cấm hoạt động, càng làm ảnh hưởng đến tài chính của họ.

3. Chuyển quy định xử phạt đối với công ty chứng khoán khi thực hiện hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng xuống nhóm xử lý vi phạm khi kinh doanh dịch vụ. Bởi lẽ bản chất hành vi này chính là hành vi vi phạm khi tiến hành hoạt động cung ứng dịch vụ của công ty nên việc đẩy quy định xử phạt xuống nhóm dưới để dễ thấy là cùng hành vi vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ của công ty chứng khoán thì nằm chung một nhóm quy định xử lý.

Thứ hai, hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính cho các hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định bảo lãnh phát hành. Đối với bất cập về nội dung này, tác giả đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt đối với chủ thể này theo quy định trong Nghị định số 156/2020/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức bảo lãnh phát hành khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: …b) Thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019”. Vì khi đó, không chỉ công ty chứng khoán tiến hành bảo lãnh phát hành chứng khoán theo hình thức cam kết chắc chắn vi phạm mà kể cả khi công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành theo các phương thức khác vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019 đều bị xử lý. Điều này không những đảm bảo tính logic giữa quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định hướng dẫn thi hành mà còn đảm bảo tính công bằng khi đã là hành vi vi phạm thì phải chịu chế tài của pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP cho phù hợp, với việc cân nhắc xem xét và phân thành hai mức xử phạt vi phạm. Hành vi phạt nhẹ hơn nếu tổ chức bảo lãnh phát hành thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo đúng cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Còn nếu tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán “không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng” thì mức xử phạt cao hơn. Việc phân tách này nhằm đảm bảo xử lý phù hợp với từng hành vi vi phạm và hướng đến bảo vệ nhà đầu tư, tổ chức phát hành trên TTCK.

Hai là, hoàn thiện quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019 thì Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty có quyền thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nên cần sửa đổi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thành như sau: “Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: …b) Thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền thực hiện hoặc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng với giá trị thay đổi từ 50% trở lên số tiền thu được từ đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền theo phương án được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với mục đích, phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc nội dung đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước”. Việc sửa đổi trên nhằm đảm bảo tính tương thích và không xung đột của các quy định pháp luật trong nội dung này.

Khi sửa đổi, bổ sung điều khoản trên thì cũng sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thành: “Buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông, hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên gần nhất hoặc chủ sở hữu công ty theo quy định về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này”. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo đúng quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Ba là, hoàn thiện quy định về xử phạt đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng liên quan đến việc đáp ứng đủ điều kiện chào bán theo quy định pháp luật. Theo đó, bổ sung thêm cụm từ “trừ khi đó là điều kiện được xác định sau khi thực hiện hoạt động chào bán” vào điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: a) Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, trừ khi đó là điều kiện được xác định sau khi thực hiện hoạt động chào bán”. Khi đó, sau khi chào bán, nếu tổ chức phát hành không đáp ứng được yêu cầu có “tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỉ đồng trở lên, tỉ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành”, “đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán” hoặc sau khi đợt phát hành chứng khoán hoàn thành và thực hiện các bước tiếp theo mới đánh giá là đủ điều kiện chưa như “tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán” thì đợt chào bán đó bị hủy bỏ chứ tổ chức phát hành không bị xử phạt. Việc sửa đổi trên nhằm đảm bảo tính logic của quy định trong tổng thể.

Tóm lại, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đang tồn tại những bất cập nhất định làm cho việc xử phạt vi phạm chưa thật sự chính xác, công bằng. Vì vậy, những kiến nghị trên của tác giả mong muốn góp phần nhỏ trong việc hoàn thiện các quy định này giúp cho việc xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK.

1 Thiên An (2024), “TTCK huy động hơn 410 nghìn tỉ đồng trong năm 2023”, https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thi-truong-chung-khoan-huy-dong-hon-410-nghin-ty-dong-trong-nam-2023-i360372/, truy cập ngày 01/7/2024

2 Phạm Bảo Anh (2022), “Thực trạng và giải pháp phát triển TTCK Việt Nam”, https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.html, truy cập ngày 02/7/2024
3 Điểm a khoản 3 Điều 19 Luật Chứng khoán năm 2019
4 Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
5 Điểm d khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019
6 Điểm d khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019
7 Điểm i khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019


TS. Phan Phương Nam
Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Tích hợp ESG trong chiến lược phát triển logistics: Thực tiễn quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero

Tích hợp ESG trong chiến lược phát triển logistics: Thực tiễn quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero

Bài viết này tập trung phân tích cách thức một số công ty logistics tiên phong trên thế giới triển khai ESG, đánh giá những tác động cụ thể đến thu hút đầu tư. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm rút ra, bài viết đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách phù hợp với bối cảnh ngành logistics Việt Nam nhằm thúc đẩy áp dụng ESG hiệu quả, hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành logistics trong thời gian tới.
Ngân hàng trung ương mua vàng: Xu hướng và dự báo

Ngân hàng trung ương mua vàng: Xu hướng và dự báo

Trong hơn một thập kỷ qua, vàng đã trở lại mạnh mẽ như một tài sản dự trữ chiến lược toàn cầu. Trước năm 2010, các ngân hàng trung ương thường bán vàng để chuyển sang giữ USD hoặc EUR. Thế nhưng, xu hướng này đã hoàn toàn đảo ngược.
Ngân hàng trung ương và vàng: Phân tích và hàm ý

Ngân hàng trung ương và vàng: Phân tích và hàm ý

Vàng giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tài chính của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Những động thái gia tăng nắm giữ vàng không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cách thức bảo vệ tài sản dự trữ mà còn cho thấy vai trò chiến lược của vàng trong việc đối phó với các biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Việc nắm giữ vàng có hàm ý lớn đối với các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách, yêu cầu sự linh hoạt, thận trọng trong việc ra quyết định về tiền tệ cũng như quản lý tài sản dự trữ quốc gia.
Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thị trường vàng

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thị trường vàng

Việt Nam có một truyền thống lâu đời trong tích trữ vàng như một hình thức bảo toàn tài sản. Thói quen cất giữ vàng qua nhiều thế hệ đã hình thành tâm lý không muốn đưa vàng vào hệ thống tài chính chính thức. Đa phần người dân không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc vàng, khiến họ ngần ngại khi tham gia vào các giao dịch có yếu tố kiểm soát. Lượng vàng lớn trong dân nếu không được huy động sẽ không thể phát huy được vai trò hỗ trợ ổn định tài chính tiền tệ quốc gia. Giải pháp quản lý thị trường vàng cần phải bắt đầu từ gỡ bỏ rào cản tâm lý, mở đường cho huy động lượng vàng vật chất đang nằm ngoài hệ thống.
Phân tích bản đồ tri thức trong nghiên cứu về tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Một số gợi ý cho Việt Nam

Phân tích bản đồ tri thức trong nghiên cứu về tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Một số gợi ý cho Việt Nam

Bài viết sử dụng phần mềm CiteSpace, dựa trên phương pháp phân tích bản đồ tri thức (Mapping knowledge domain Analysis), tiến hành phân tích định lượng bằng biểu đồ trực quan và diễn giải định tính của một số lượng lớn tài liệu nghiên cứu, tài liệu có độ trích dẫn, tương tác cao liên quan đến chủ đề tăng trưởng của DNNVV trên kho dữ liệu Web of Science.
Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã không ngừng chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, từ đó tăng dần quy mô và tốc độ dư nợ tín dụng xanh. Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Lễ công bố "Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 21/5/2025 dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Tăng trưởng cao không nhất thiết đi kèm với lạm phát cao, bong bóng tài sản, nợ xấu gia tăng và đồng nội tệ mất giá. Nhưng các yếu tố này vẫn tiềm ẩn như các rủi ro kinh tế vĩ mô, tạo nguy cơ đối với sự ổn định vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết này đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng cao, với trọng tâm là phát huy điểm mạnh và hạn chế hiệu ứng tiêu cực từ vận hành chính sách tài khóa và tiền tệ.
Quản lý tài chính cá nhân: Vai trò của lập ngân sách và tiết kiệm tài chính

Quản lý tài chính cá nhân: Vai trò của lập ngân sách và tiết kiệm tài chính

Lập ngân sách và tiết kiệm đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân. Chúng không chỉ giúp kiểm soát chi tiêu, tạo điều kiện để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn mà còn giảm bớt căng thẳng tài chính và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp. Việc kết hợp giữa lập ngân sách và tiết kiệm giúp tăng cường kỷ luật tài chính, tạo điều kiện để cá nhân có thể đạt được sự ổn định và thịnh vượng trong cuộc sống.
Xem thêm
Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng, là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, qua đó, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Tài sản số và tín chỉ carbon đang mở ra những cơ hội mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ việc đa dạng hóa tài sản bảo đảm đến thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới tài chính. Với tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam có thể tận dụng các loại tài sản này để hỗ trợ mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những rào cản về pháp lý, công nghệ và quản lý rủi ro hiện nay đang hạn chế khả năng ứng dụng của tài sản số, tín chỉ carbon. Việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các thách thức này.
Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tạo động lực làm giàu trong toàn dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Nghị quyết, từ năm 2026, Việt Nam sẽ chấm dứt cơ chế thuế khoán với hộ kinh doanh, chuyển sang cơ chế tự kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, đồng thời đẩy mạnh thu thuế điện tử.
Phản ứng chính sách của Fed và BPoC trước xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc

Phản ứng chính sách của Fed và BPoC trước xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc là một minh họa hậu quả sâu rộng của các xung đột thương mại. Tác động của nó còn vượt ra ngoài phạm vi hai nước này, khi các nền kinh tế phụ thuộc như Canada và Mexico cũng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số quốc gia lại tìm thấy cơ hội phát triển khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra do sở hữu khả năng thay thế hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan giữa hai quốc gia trên. Điều này phản ánh cách thức phức tạp và khó lường mà xung đột thương mại có thể định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu.
Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia  và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong xu hướng phát triển nền kinh tế số, các giao dịch thường xuyên được thực hiện qua phương thức trực tuyến từ dịch vụ công đến các dịch vụ tài chính, cũng từ đó, rủi ro về bảo mật thông tin ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Các thông tin dữ liệu nói chung và thông tin dữ liệu cá nhân nói riêng là những vấn đề quan trọng trong các quan hệ xã hội và cần được bảo vệ như những quyền lợi chính đáng của con người.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 10/2025/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thông tư số 08/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướ

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng