Một số khuyến nghị trong việc tăng cường các quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao

Công nghệ & ngân hàng số
Việc bùng nổ của công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của không gian mạng đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức to lớn về an ninh mạng.
aa

Tóm tắt: Việc bùng nổ của công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của không gian mạng đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức to lớn về an ninh mạng. Tội phạm mạng và công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi, đa dạng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý cho tội phạm mạng nói riêng và tội phạm công nghệ cao nói chung. Tuy nhiên, những quy định hiện hành chưa thể bao quát hết các trường hợp tội phạm. Phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích, đánh giá các quy định quốc tế trong Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng ban hành ngày 23/11/2001 (Công ước Budapest 2001) và những đổi mới trong hoạt động tư pháp của Singapore. Qua đó, đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tội phạm công nghệ cao thời gian tới.

Từ khóa: Công nghệ cao, pháp luật quốc tế, tội phạm.

SOME RECOMMENDATIONS TO STRENGTHEN LEGAL REGULATIONS ON HIGH-TECH CRIMES


Abstract: The explosion of digital technology and the rapid development of cyberspace have created new opportunities but also posed enormous challenges to cyber security. Cybercrime and high-tech crimes are becoming increasingly sophisticated, perse and causing serious consequences for the economy, society and national security. Currently, Vietnamese law has built a legal framework for cybercrime in particular and high-tech crime in general. However, current regulations cannot cover all criminal cases. In this article, the author focus on analyzing and evaluating international regulations in the Budapest Convention 2001 and innovations in Singapore's judicial activities. Thereby, providing some lessons for Vietnam in building and perfecting the law on high-tech crime in the coming time.

Keywords: High-tech crimes, international law, crimes.

1. Đặt vấn đề

Một thống kê của Microsoft cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng bắt nạt trực tuyến ở mức báo động, với hơn một nửa số người dùng Internet thừa nhận đã từng tham gia hoặc chứng kiến các hành vi này
1. Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về tình hình tội phạm công nghệ cao, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội với từ khóa “Bắt giữ tội phạm công nghệ cao” trên công cụ tìm kiếm Google đã thu về được khoảng 19.100.000 kết quả trong vòng 0,39 giây2. Thực tế cho thấy, những đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta sử dụng những thiết bị công nghệ cao để lừa đảo, tống tiền người dân hoặc có hành vi làm giả thẻ tín dụng… nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản ngân hàng xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Chính vì vậy, nguy cơ mất an toàn thông tin có thể xuất hiện nhiều hơn, không những gây rủi ro trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia (Hà Việt Hưng, 2019).

Mặt khác, nhu cầu sử dụng Internet ở nước ta là rất lớn. Khảo sát của Facebook và WARC
3 cho thấy, người dùng Internet ở Việt Nam dành nhiều thời gian cho Internet hơn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo nghiên cứu mới nhất của Datareportal và Wearesocial vào đầu năm 2024, hiện Việt Nam có khoảng 78,44 triệu người sử dụng Internet và 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 01/2024, tương đương với 73,3% tổng dân số4; ngoài ra, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam đạt 168,5 triệu kết nối, tương đương với 169,8% tổng dân số. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, các quốc gia trong đó có Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông để thích ứng với sự đổi mới của thị trường. Bên cạnh việc phát triển của công nghệ cao thì vấn đề tội phạm trong lĩnh vực này cũng gia tăng đáng kể (Hồ Thế Hòe, 2013). Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao.


Việc bùng nổ của công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của không gian mạng đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức to lớn về an ninh mạng (Nguồn ảnh: Internet)

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây có đề cập đến định nghĩa và hình phạt đối với tội phạm công nghệ cao. Một trong những nghiên cứu tiêu biểu của Evon, A. và cộng sự (2019) đề cập đến những định nghĩa học thuật về tội phạm mạng và quy định trừng phạt. Nghiên cứu cho thấy có sự khác nhau trong cách định nghĩa từ quan điểm của mỗi quốc gia. Bài nghiên cứu thông qua quy định pháp luật của 5 quốc gia khác nhau liên quan đến tội phạm mạng, bao gồm: Jordan, Oman, Kuwait, Qatar và Saudi Arabia. Ở trong nước, nghiên cứu của Cao Anh Đức (2015) đi sâu tìm hiểu tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, các thủ đoạn phạm tội và dự báo về tình hình tội phạm có sử dụng công nghệ cao. Hay nghiên cứu của Trần Đoàn Hạnh (2016) phân tích hiện trạng, đánh giá những vướng mắc trong đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về tội phạm công nghệ cao. Hoặc nghiên cứu của Hoàng Việt Quỳnh (2016) tập trung trao đổi về tội phạm sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhìn chung, các nghiên cứu đã phần nào khái quát bức tranh về tội phạm công nghệ cao và mang lại góc nhìn tổng quan hơn. Tội phạm công nghệ cao không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là thách thức lớn đối với xã hội. Mục tiêu của nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích các quy định trong Công ước Budapest 2001, sự đổi mới của Bộ luật Hình sự Singapore và việc truy tố tội phạm công nghệ cao Viện Công tố nước này về tội phạm công nghệ cao nhằm đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

2. Quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam

Xét về khái niệm “công nghệ cao”, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Công nghệ cao 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”.

Xét về khái niệm “tội phạm công nghệ cao”, dựa theo khoản 7 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 thì: “Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự”. Theo đó, từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì tội phạm công nghệ cao có thể được xem là các hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa ở những lĩnh vực khác, tiêu biểu như tài chính - ngân hàng, điện tử - viễn thông (Đinh Thế Hưng và Lê Thị Hồng Xuân, 2019).

Tóm lại, có thể hiểu, tội phạm công nghệ cao là những tội phạm liên quan đến các hành vi phạm pháp được thực hiện thông qua hoặc liên quan đến máy tính, mạng Internet và các công nghệ số. Chúng bao gồm cả những hình thức tội phạm mới nổi lên cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và cả những tội phạm truyền thống được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật số.

3. Kinh nghiệm quốc tế trong quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao

Công ước Budapest 2001 phân chia tội phạm mạng thành 4 nhóm, bao gồm: (1) Các tội phạm chống lại tính bí mật, toàn vẹn và sẵn có của dữ liệu máy tính và hệ thống máy tính
5; (2) Các tội phạm liên quan đến máy tính6; (3) Các tội phạm liên quan đến nội dung7; (4) Các tội phạm xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan8. Bên cạnh đó, Công ước Budapest 2001 cũng quy định cụ thể về trách nhiệm bổ trợ và biện pháp chế tài; trong đó, tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 quy định về trách nhiệm của pháp nhân như sau:

“1. Các quốc gia thành viên phải ban hành luật và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo rằng pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi phạm tội quy định trong công ước này, được bất cứ cá nhân nào thực hiện vì lợi ích của pháp nhân, nếu cá nhân ấy là đại diện hoặc một phần trong cơ quan của pháp nhân và nắm vị trí lãnh đạo trên cơ sở.

a. Thẩm quyền đại diện cho pháp nhân.

b. Thẩm quyền ra quyết định nhân danh pháp nhân.

c. Thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát trong nội bộ pháp nhân.

2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng pháp nhân phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tốt việc giám sát hoặc kiểm soát của cá nhân đề cập trong khoản 1 làm cho tội phạm quy định trong công ước này được thực hiện bởi cá nhân hành xử theo thẩm quyền của mình vì lợi ích của pháp nhân”. Theo quy định này thì việc pháp nhân có hành vi vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi phạm tội của mình. Biện pháp chế tài cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 13 của Công ước Budapest 2001: “Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng pháp nhân phải chịu trách nhiệm phù hợp với các quy định tại Điều 12 và bị áp dụng các biện pháp chế tài hình sự hoặc phi hình sự mang tính tương xứng, hiệu quả và có tính răn đe hoặc các biện pháp khác, bao gồm cả chế tài phạt tiền”.

Nếu Công ước Budapest 2001 đề cập những quy định pháp luật mang tính khuyến khích chấp hành thì kinh nghiệm truy tố tội phạm công nghệ cao của Viện Công tố Singapore sẽ tập trung vào chức năng truy tố tội phạm, trong đó có 2 điểm chính: Hệ thống pháp luật và sự chuyên môn hóa. Ở nhiều nước, truy tố thuộc thẩm quyền của Viện Công tố. Tuy nhiên, tùy vào cách tổ chức của mỗi nước mà Viện Công tố được tổ chức ở Bộ Tư pháp hoặc ở Tòa án. Bộ luật Hình sự Singapore đã được sửa đổi rất nhiều lần nhằm đảm bảo các loại tội phạm trong việc giả mạo giấy tờ, tài liệu, đặc biệt là các tài liệu điện tử hay các phương thức giả mạo sử dụng công nghệ cao, bên cạnh đó là sự thừa nhận các thông tin có được từ hệ thống máy tính là chứng cứ. Ngoài ra, đối với các hành vi quấy rối trước đây, hành vi phạm tội quấy rối người khác chỉ áp dụng cho các hành vi được thực hiện trong thế giới thực, nhưng theo quy định của luật mới, việc sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, mạng xã hội… cùng với sự phát triển của các phương thức giao tiếp trực tuyến khác đã mở rộng phạm vi của hành vi này trên không gian mạng. Viện Công tố Singapore cũng chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước như: Các lượng Cảnh sát, Viện kiểm sát, Viện Công tố trong và ngoài khối ASEAN; Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; lực lượng Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol… trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao (Nguyễn Đức Hà, 2018). Ở một khía cạnh khác, Viện Công tố Singapore luôn tìm hiểu, phát hiện những công tố viên có tố chất, đặc biệt đam mê, am hiểu trong lĩnh vực công nghệ, từ đó xây dựng đội ngũ công tố viên phù hợp cho việc xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, dần hoàn thiện nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành tư pháp của Singapore.

4. Một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm tăng cường quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao

Quy định pháp luật của Việt Nam về tội phạm công nghệ cao đã có nhiều tiến bộ tích cực trong nhìn nhận rủi ro và cải thiện từng ngày. Tuy nhiên, trước tình hình hội nhập thông tin toàn cầu như hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đang ngày tăng, ở cả số lượng và tính chất nguy hiểm. Để đáp ứng yêu cầu phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, Việt Nam cần tăng cường xây dựng hệ thống quy định pháp luật vững chắc hơn nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Một là, dựa trên tinh thần của Công ước Budapest 2001, pháp luật Việt Nam cần quy định rõ ràng trách nhiệm của pháp nhân trong việc giám sát và kiểm soát hành vi của nhân viên. Cụ thể như sau: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về tội phạm công nghệ cao, ngay cả khi những hành vi này được thực hiện trong quá trình công tác và vì lợi ích của pháp nhân. Đồng thời, pháp nhân có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc”.

Hai là, việc xác định rõ loại hình và mức độ hình phạt đối với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là đối với người nước ngoài, là một yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong thực thi pháp luật và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xuyên quốc gia. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn trong cả luật hình sự và luật hành chính nhằm điều chỉnh phù hợp các tội phạm (hình sự) và hình phạt (hành chính và hình sự) về tội phạm công nghệ cao để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và tạo ra lỗ hổng pháp lý.

Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực ngày càng tiệm cận hơn với các nước phát triển trên thế giới. Cán bộ các bộ, ngành cần không ngừng chủ động nâng cao trình độ và năng lực thực thi, đặc biệt là về pháp luật quốc tế, vận dụng và triển khai các hiệp ước, công ước chung để có thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong thời kỳ hội nhập. Mặt khác, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể ứng dụng công nghệ vào công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến công nghệ.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh các quy định đã có hiện tại, các cơ quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chính sách thúc đẩy kết nối giữa các cơ quan đối tác trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ của tội phạm mạng, đầu tư vào công nghệ để phát hiện và ngăn chặn tội phạm tại Việt Nam nói riêng và xây dựng một mặt trận chung chống lại tội phạm công nghệ cao trên toàn cầu nói chung.

5. Kết luận

Sự bùng nổ của không gian mạng và sự phát triển thần tốc của Internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm công nghệ phát sinh và ngày càng tinh vi. Trước thực tế này, việc hoàn thiện khung pháp lý về tội phạm công nghệ cao trở thành một yêu cầu cấp bách. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do đó, việc cập nhật và bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm công nghệ cao vào Bộ luật Hình sự nói riêng và các luật liên quan đến công nghệ cao nói chung là vô cùng cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời những diễn biến phức tạp của tình hình công nghệ và an ninh mạng quốc gia.

1 https://news.microsoft.com/vi-vn/2020/09/30/nghien-cuu-cua-microsoft-cho-thay-cu-10-nguoi-dung-internet-tai-viet-nam-thi-co-hon-5-nguoi-lien-quan-den-cac-hanh-vi-bat-nat/, truy cập ngày 25/7/2024.
2 https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=47827&CategoryId=0, truy cập ngày 25/7/2024.
3 https://www.warc.com/Welcome, truy cập ngày 25/7/2024.
4 Báo cáo ước tính dân số của Việt Nam đạt 99,19 triệu người vào tháng 01/2024.
5 Điều 2 đến Điều 6 Công ước Budapest 2001.
6 Điều 7 và Điều 8 Công ước Budapest 2001.
7 Điều 9 Công ước Budapest 2001.
8 Điều 10 Công ước Budapest 2001.


Tài liệu tham khảo:


1. Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng ban hành ngày 23/11/2001.

2. Bộ luật Hình sự Singapore năm 1871; sửa đổi, bổ sung lần gần nhất vào năm 2021.
3. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.
4. Cao Anh Đức (2015), “Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 16(296), trang 37 - 43.
5. Evon A. T., Auhood, A., Shaha, A. and Ghadah, A. (2019), “Cyber Security Crime and Punishment: Comparative Study of the Laws of Jordan, Kuwait, Qatar, Oman, and Saudi Arabia”, International Journal of Cyber Warfare and Terrorism, 8(3), pages 46 - 59.
6. Nguyễn Đức Hà (2018), “Kinh nghiệm truy tố tội phạm sử dụng công nghệ cao của Viện Công tố Singapore”, Tạp chí Kiểm sát,
https://kiemsat.vn/kinh-nghiem-truy-to-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-cua-vien-cong-to-singapore-50807.html, truy cập ngày 25/7/2024.
7. Trần Đoàn Hạnh (2016), “Những vướng mắc trong đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về tội phạm công nghệ cao”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 2+3 (306+307), trang 103 - 111.
8. Hồ Thế Hòe (2013), “Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật,
https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/687, truy cập ngày 25/7/2024.
9. Hà Việt Hưng (2019), “Một số kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa sự dịch chuyển các tài sản bất minh”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật,
https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=690, truy cập ngày 25/7/2024.
10. Hoàng Việt Quỳnh (2016), “Một số trao đổi về tội phạm sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát Nhân dân.
11. Đinh Thế Hưng và Lê Thị Hồng Xuân (2019), “Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Tòa án nhân dân.


Nguyễn Hoàng Nam
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Dấu ấn công nghệ ngân hàng năm 2024: An ninh, an toàn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng

Dấu ấn công nghệ ngân hàng năm 2024: An ninh, an toàn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng

Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ.
Tiên phong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Tiên phong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Trong những năm qua, nhiều sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quan tâm, phát triển. Các dịch vụ, phương thức thanh toán, chuyển tiền mới như rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán, chuyển tiền qua QR Code... đã được tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, tăng cường an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đến với người dân, doanh nghiệp.
Nhân tố quyết định chấp nhận liên tục ví điện tử ở Việt Nam

Nhân tố quyết định chấp nhận liên tục ví điện tử ở Việt Nam

Ví điện tử là một xu hướng công nghệ mới đang ngày càng phổ biến, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Trong thị trường ngày càng cạnh tranh, việc xây dựng sự hài lòng khách hàng rất quan trọng để tạo và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng

Công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng

RPA có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một trong những định nghĩa phổ biến nhất về RPA là phần mềm mô phỏng hành động của con người trên máy tính để thực hiện các tác vụ có tính chất lặp đi, lặp lại dựa trên các quy tắc cụ thể (Abildtrup, 2024).
Gian lận kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Gian lận kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Quá trình số hóa nhanh chóng của lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam bên cạnh việc mang lại những lợi ích to lớn như tính phổ cập, tiện lợi thì cũng song hành những rủi ro, thách thức lớn, trong đó có gian lận kỹ thuật số.
Tích hợp dữ liệu dân cư và dữ liệu ngân hàng: Tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu

Tích hợp dữ liệu dân cư và dữ liệu ngân hàng: Tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD) là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng thực hiện chuyển đổi số hiệu quả đối với mỗi quốc gia.
ESG và lòng trung thành của khách hàng: Trường hợp nghiên cứu với dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam

ESG và lòng trung thành của khách hàng: Trường hợp nghiên cứu với dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam

ESG là cụm từ xuất hiện phía sau của khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) (Eliwa và cộng sự, 2021; Henisz và McGlinch, 2019). ESG đề cập đến trách nhiệm đầu tư bền vững, tức là phải quan tâm sâu sắc tới vấn đề thực thi ESG trong hoạt động đầu tư.
Đánh giá năng lực số của thanh thiếu niên Việt Nam

Đánh giá năng lực số của thanh thiếu niên Việt Nam

Nhóm nghiên cứu lập ra các câu hỏi đánh giá năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam; một công cụ đánh giá với công cụ website digicom14.com để thanh thiếu niên biết mình ở đâu trong đại dương số này...
Xem thêm
Nhận thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định mới

Nhận thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định mới

Mục đích thế chấp theo Luật Nhà ở năm 2023 là để vay vốn đầu tư chính dự án nhà ở thương mại hoặc xây dựng nhà ở thuộc dự án nhà ở thương mại và bên nhận thế chấp chỉ có thể là tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án hoặc tài trợ cho việc xây dựng nhà ở thuộc dự án.
Khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô

Khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ quyết tâm triển khai các giải pháp đã đề ra, đồng hành cùng hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tháo gỡ những khó khăn để có thể bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn tín dụng ngân hàng phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng trong nền kinh tế, hướng tới việc thực hiện những mục tiêu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đóng góp công sức vào công cuộc chuyển mình, cất cánh của dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Năm nguyên tắc cơ bản về truyền tải thông điệp chính sách của ngân hàng trung ương

Năm nguyên tắc cơ bản về truyền tải thông điệp chính sách của ngân hàng trung ương

Thông điệp truyền thông chính sách có tác động rất lớn đến cảm xúc, nhận thức của người tiếp nhận truyền thông, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi, thói quen và đặc biệt là cách thức tương tác với nhau giữa các chủ thể truyền thông. Truyền thông đang tạo ra quá trình xã hội hóa người dùng nên thông điệp truyền thông chính sách ngày càng tác động lớn đến sự khuếch tán của nội dung truyền thông...
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3