
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn là nội dung trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, với vai trò là Ngân hàng Trung ương (NHTW), NHNN xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nội dung trọng tâm và được thể hiện tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Phiên họp
Sáng 19/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHNN Trung ương, đại diện NHNN tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN là cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ, vừa thực hiện chức năng cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vừa thực hiện chức năng NHTW. Thời gian qua, với vai trò là một cơ quan quản lý Nhà nước, đối tượng quản lý và khối lượng công việc của NHNN tăng trưởng ở quy mô lớn, mức độ phức tạp trong công tác quản lý Nhà nước cũng tăng lên.
Với vai trò là NHTW, NHNN xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nội dung trọng tâm và được thể hiện tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính vì vậy, ngay từ năm 2008, NHNN là cơ quan đầu tiên tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành “Sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc”. Từ năm 2008 đến nay, NHNN tập trung tuyển dụng cán bộ phù hợp với vị trí công việc, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, theo quy định chung nhưng số lượng biên chế ngày càng ít đi, đòi hỏi chất lượng cán bộ ngày càng cao.
Toàn cảnh phiên họp
Cùng với đó, NHNN đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ từ NHNN sang giữ chức vụ chủ chốt tại NHTM nhà nước và điều động một số cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tại các NHTM nhà nước về giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tham mưu tại một số đơn vị thuộc NHNN.
NHNN cũng tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.
Bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ công chức tham gia các chương trình đào tạo lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước cũng được quan tâm, căn cứ vào thời gian công tác và năng lực kinh nghiệm của cán bộ, phù hợp với công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và tương xứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo trong toàn Ngành.
Phó Thống đốc chia sẻ, đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của mình, việc tuyển dụng, xác định vị trí việc làm và đào tạo là ba nội dung song hành thường xuyên được NHNN quan tâm, xây dựng một cách hợp lý.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nêu một số kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ, đó là:
Một là, về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn, để sớm chuẩn hoá, tạo điều kiện cho vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hai là, về danh mục chức danh chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, trong thực tiễn đã xảy ra một số lúng túng nhất định khi luân chuyển cán bộ và sắp xếp vị trí tương đương, mất nhiều thời gian khi đi xin ý kiến. Theo Phó Thống đốc, gần đây, ngày 5/5/2023, Ban Tổ chức Trung ương đã có Kết luận số 35 KT/TW về vấn đề này, vì vậy nên có hướng dẫn của Chính phủ để thực hiện nội dung này.
Ba là, việc luân chuyển cán bộ giữa doanh nghiệp ngoài nhà nước với doanh nghiệp khu vực nhà nước hiện rất khó. Việc tăng cường lực lượng cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh, có chất lượng từ khu vực ngoài nhà nước vào nhà nước là rất cần thiết. Vì vậy, cần sớm giải quyết vướng mắc này.
Bốn là, về cơ chế tiền lương, hệ số lương cơ bản vừa tăng đã mang lại sự phấn khởi cho cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên với một số lĩnh vực đặc thù cần sớm có quan điểm chỉ đạo chung, để có chính sách giữ được cán bộ, tránh tình trạng chảy máu chất xám.
Năm là, việc cắt giảm biên chế là cần thiết nhưng phải có sự tính toán, không chỉ trên cơ sở vị trí việc làm mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như số lượng nhân sự đang đi học, tránh tình trạng không đảm bảo lực lượng đáp ứng công việc.
Sáu là, với cán bộ gắn với công tác thanh tra, kiểm toán ngoài tiêu chuẩn chung còn gắn với tiêu chuẩn chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện tại để tuyển dụng cán bộ lĩnh vực này trong điều kiện thực tế hiện nay rất khó. Do đó, nên có sự gợi mở, quy định phù hợp hơn để thu hút, nếu không lực lượng này sẽ ngày càng mỏng đi, không đáp ứng được năng lực, chất lượng, yêu cầu công việc.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong công tác CCHC, đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, cao hơn nữa cho người dân, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, chính quyền phải mang lại cảm hứng, truyền động lực, huy động được nguồn lực của người dân; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Theo sbv.gov.vn
Tin bài khác


Thúc đẩy tín dụng xanh mở đường cho khu công nghiệp xanh

Những thách thức về biến đổi khí hậu và hàm ý chính sách đối với nợ công

Gợi mở hướng đi cho ngân hàng Việt vươn ra thế giới trong kỷ nguyên số

Thủ tướng: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD

Thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bức thư gửi về quá khứ

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô
