
Tổ vay vốn - cầu nối gắn kết giữa Agribank và khách hàng
Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Hội Nông dân Việt Nam (HND), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN) đang tiếp tục duy trì hoạt động của tổ vay vốn ổn định, phù hợp với môi trường hoạt động kinh doanh trong từng vùng, miền và định hướng phát triển hoạt động tín dụng, sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Agribank cũng như nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lí vốn hiệu quả đến với khách hàng.
Tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa Agribank với khách hàng, góp phần thúc đẩy chuyển tải dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng đến khách hàng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất. Đến ngày 31/12/2023, Agribank, HND, HLHPN đang phối hợp quản lí, tổ chức hoạt động triển khai cho vay qua tổ vay vốn mạnh mẽ với hơn 63.000 tổ vay vốn (hơn 1,2 triệu thành viên), dư nợ cho vay đạt hơn 206.000 tỉ đồng tại nhiều khu vực trên cả nước như: Bắc Trung Bộ, Trung du Bắc Bộ, miền núi cao, biên giới, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Những con số thực tế này khẳng định thêm bước đi đúng đắn của Agribank gắn kết hoạt động ngân hàng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhất là trong hoạt động tín dụng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng theo lịch cố định tại các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại của khách hàng
Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; thông qua việc phối hợp quản lí các khoản vay giữa cán bộ ngân hàng với các tổ trưởng tổ vay vốn, Agribank nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến sự an toàn của khoản vay, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, các rủi ro ảnh hưởng đến khoản vay; sự tham gia của các tổ trưởng tổ vay vốn trong quá trình lập phương án/dự án vay vốn của các thành viên, công tác giải ngân cho vay, thu lãi khoản vay, quản lí khoản vay đối với các thành viên tổ vay vốn đã góp phần tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, mô hình cho vay qua tổ giúp cho các hộ gia đình, cá nhân tiếp cận vốn vay và được Agribank cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh ít có điều kiện đến giao dịch với ngân hàng; kết quả tích cực của công tác cho vay qua tổ đã đóng góp có hiệu quả trong việc phát huy vai trò của Agribank trong thực hiện chính sách “Tam nông”, góp phần phát triển tài chính vi mô đối với hộ gia đình trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Việc phát triển hoạt động cho vay qua tổ còn góp phần cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, thông qua tổ vay vốn, khách hàng được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết thủ tục vay vốn, đảm bảo chấp hành quy định, quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng; bên cạnh đó việc giải ngân, thu nợ thông qua tổ vay vốn, tổ cho vay lưu động, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng theo lịch cố định tại các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại của khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng thuận tiện, dễ dàng hơn.
Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng theo lịch cố định các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại của khách hàng.
Hoạt động cho vay qua tổ được Agribank tiếp tục triển khai mở rộng cả về chất lượng và quy mô, dư nợ tăng trưởng hằng năm, chất lượng tín dụng đảm bảo, tạo sự gắn kết giữa HND, HLHPN, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban nhân dân, Đoàn Thanh niên, tổ dân phố, người dân, khách hàng với Agribank. Thông qua tổ vay vốn, Agribank đã cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của tổ gắn với mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm đa dạng về tín dụng, thanh toán, bảo hiểm cho khách hàng hộ sản xuất và cá nhân thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ vay vốn, đảm bảo hoạt động của tổ vay vốn được liên tục, có hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng vốn vay và các dịch vụ thanh toán của khách hàng gồm các sản phẩm, dịch vụ: Thanh toán chuyển tiền, thu hộ chi hộ, dịch vụ thẻ, mở tài khoản thanh toán, đăng kí SMS Banking, Agribank E-Mobile Banking, Agribank eBanking... các sản phẩm, dịch vụ của Agribank được các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tuyên truyền sâu, rộng, giúp khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của Agribank ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, thực hiện được mục tiêu của Agribank về phát triển khách hàng sử dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ trong giai đoạn mới.
- Cho vay qua tổ vay vốn: Dư nợ cho vay đạt 206.343 tỉ đồng (với 1.212.139 thành viên, chiếm 40,1% số khách hàng cá nhân vay vốn, với 63.160 tổ vay vốn), tăng 12.805 tỉ đồng (+6,6%) so với đầu năm, chiếm tỉ lệ 18,3% dư nợ khách hàng cá nhân, tỉ lệ nợ xấu 0,5%. Trong đó: + Dư nợ cho vay qua HND đạt 84.065 tỉ đồng (564.017 thành viên và 24.994 tổ), tăng 6.585 tỉ đồng (+8,5%) so với đầu năm. + Dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ đạt 31.573 tỉ đồng (216.441 thành viên và 10.675 tổ), tăng 3.095 tỉ đồng (+10,9%) so với đầu năm. - Cho vay qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng: Có 65 chi nhánh triển khai với 29.734 phiên giao dịch, 2.722.590 lượt khách hàng với 2.392.551 bút toán, giải ngân 11.084 tỉ đồng, thu nợ 12.970 tỉ đồng, huy động tiết kiệm 8.432 tỉ đồng, chuyển tiền 7.815 tỉ đồng. Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động đã thực hiện một số nghiệp vụ khác như: Chi trả kiều hối, mở tài khoản, nộp/rút tiền tài khoản phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, bán bảo hiểm, trả tiền điện nước… |
Giai đoạn 2024 - 2025, Agribank tiếp tục phát triển hoạt động cho vay qua tổ vay vốn tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị sự nghiệp để cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống cá nhân, cho vay hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng mức cho vay tối đa đối với các thành viên tổ vay vốn có điều kiện kinh doanh tốt, có nguồn thu nhập ổn định trả nợ ngân hàng theo phương án/dự án vay vốn; nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục triển khai cung cấp sản phẩm tín dụng và các giao dịch thanh toán, dịch vụ liên kết ngân hàng - bảo hiểm cho khách hàng giao dịch qua các kênh điện tử của Agribank.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các tổ vay vốn, Agribank đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp cùng các đoàn thể để thành lập các tổ vay vốn nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn; chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của người dân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đồng thời gắn mô hình ngân hàng hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ, mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm đa dạng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng; chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng tổ vay vốn...
Agribank là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank luôn chiếm thị phần lớn trong hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 12,5%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong các năm qua luôn ở mức khoảng 60% - 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả; nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Lưu Ly (Hà Nội)
Tin bài khác


Tín dụng tiếp tục là điểm sáng của ngành Ngân hàng

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Hoạt động của hệ thống ngân hàng Khu vực 15 góp phần phát triển kinh tế địa phương

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2025 - Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
